Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ, 02/09/2024, 08:15 AM

Đừng có ảo tưởng!

Ảo tưởng thứ nhất là tập thể của mình lúc nào cũng đẹp, nhất là cho rằng toàn chúng lúc nào cũng sống đúng lục hòa. Ảo tưởng thứ hai là mong mọi việc làm đều được như ý.

Gần đây, theo kinh nghiệm riêng của Thầy trong Phật sự, Thầy thấy rõ ràng người ra làm Phật sự thường có những ảo tưởng:

Ảo tưởng thứ nhất, nghĩ rằng tập thể của mình lúc nào cũng hoàn toàn trong trắng.

Ảo tưởng thứ hai, nghĩ rằng làm Phật sự chín chắn lúc nào cũng được mọi việc như ý.

Ðó là hai ảo tưởng tụi con phải nhớ để rút kinh nghiệm, sau ra làm Phật sự không thấy khó chịu.

1. Thứ nhất, ảo tưởng tập thể của mình lúc nào cũng đẹp, nhất là cho rằng toàn chúng lúc nào cũng sống đúng lục hòa.

Tại sao chúng khó hòa được?

Tụi con nhớ lại xem, thân của mình do tứ đại hòa hợp, nhưng thật sự có hòa hợp không?

Nước không ưa lửa, đất không ưa gió, nước lửa đất gió đối chọi nhau, nên chúng ta phải tìm đủ cách để điều hòa.

Nếu nó không chọi nhau thì mình đâu có bệnh, mà thật ra lúc nào cái bệnh cũng chực sẵn một bên.

Ðó là do nước với lửa không hòa, đất với gió không hòa.

Nên người tu thật ra thời giờ lo cho đời, cho đạo không bằng thời giờ lo cho mình.

Phải lo cho đất nước gió lửa trong thân trước, rồi mới lo việc đời việc đạo được.

Như vậy bản thân mình là bất hòa.

Sở dĩ chúng ta còn ngồi yên, được tỉnh táo sáng suốt như thế này là mình phải theo dõi điều hòa luôn luôn, nếu không khéo điều hòa, ít bữa sẽ ngã bệnh liền.

Thí dụ như miệng thích ăn ngon một bữa, nhưng ăn quá thì sau đó sanh bệnh.

Hoặc gặp trường hợp nóng quá, lạnh quá thì cũng bệnh.

Thân mình là một hợp thể gồm các thứ đối địch.

Thế thì nhiều cái hợp thể đối địch đó làm sao hòa lại được, phải không?

Ðương nhiên là trong đó luôn luôn có sự đối kháng nhau.

Lúc trước có người hỏi Thầy:

Nước với lửa, hai cái không hòa nhau, phải làm sao?

Thầy trả lời rằng:

- Tuy nước với lửa không hòa nhau, nhưng nếu mình khéo sử dụng thì có cơm ăn.

Nhờ cái này lạnh cái kia nóng, hợp lại nấu chín nồi cơm.

Qua câu chuyện đó, tụi con mới thấy, cuộc sống ở giữa thế gian này là khéo điều hòa.

Ðừng đòi hỏi mọi người hòa với nhau hoàn toàn. Chuyện đó không có. Nhưng cái khéo của người lớn là phải điều hòa mấy thứ đối chọi nhau đó.

Ðừng tưởng rằng những người hợp tác với mình, cùng tu với mình đều chung một ý tưởng. Không có điều đó đâu, luôn luôn có những cái đối địch.

Nếu người có trách nhiệm khéo điều được, đó là hữu dụng, nếu không điều được trở thành vô dụng.

Như tụi con thấy, bản thân mình lúc nào cũng phải điều hòa. Khéo điều hòa thì ít bệnh, không khéo điều liền sanh bệnh.

Trong tập thể cũng vậy, người lớn nhìn thấy chỗ ưu khuyết của mỗi người rồi điều lại cho hòa hợp, không thì hỏng.

Như vậy, cuộc sống giữa đời này là cuộc sống điều hòa chớ không phải mọi thứ đều an ổn theo ý mình, như mình muốn nói một thì ai cũng nói một, nói hai ai cũng nói hai.

Không phải vậy! Luôn luôn có sự chống đối. Ðó là điều tụi con phải rút kinh nghiệm.

Ngay trong huynh đệ, tụi con cũng phải tế nhị để điều hòa nhau cho được tốt đẹp. Mai kia lớn lên ra làm Phật sự cũng vậy, tụi con đừng tưởng rằng ai hợp tác với mình cũng hợp tình hợp ý hết. Ðừng bao giờ nghĩ như vậy!

Phải sẵn sàng đón nhận những cái đối nghịch, rồi vận dụng khả năng khéo điều để đi tới hòa hợp nhau.

Lục hòa – Cách sống an bình giữa chốn nhân gian

istockphoto-645567092-612x612

2. Ảo tưởng thứ hai là mong mọi việc làm đều được như ý.

Tụi con nghĩ, trên thế gian này mọi việc đều như ý được không?

Tụi con làm việc nhỏ sẽ có trở ngại nhỏ, làm việc lớn có trở ngại lớn.

Không bao giờ mọi việc đề ra đều được trọn vẹn như ý.

Bây giờ Thầy kể kinh nghiệm của Thầy.

Từ hồi ở Chân Không cho đến nay, có lúc Thầy gặp hoàn cảnh rất khó khăn, nếu không kiên trì thì Thầy giải tán chúng cho khỏe.

Nhưng Thầy không giải tán chúng mà còn cho xuất gia thêm.

Có những người xuất gia mà Thầy không dám bảo đảm có tu trọn đời được không.

Phải gan, phải liều chấp nhận cái khó mới làm được việc cho đạo.

Việc làm của Thầy là việc làm trong chỗ liều lĩnh chớ không phải thuận duyên, như lúc xuất gia là quí thầy làm liều.

Rồi đến Chân Không đang ở êm ấm phải đi xuống Thường Chiếu.

Như vậy có phải là một sự thiệt thòi bất như ý không? Người ta tốn khá nhiều nước mắt trong chuyến đi đó, phải không?

Không phải cái gì cũng được như ý mình. Nhưng gặp hoàn cảnh nào Thầy cũng chấp nhận.

Nhờ xuống Thường Chiếu sớm nên bây giờ Thường Chiếu được tốt đẹp.

Thời gian ở Thường Chiếu, Thầy bị bệnh liên miên, đó cũng là điều bất như ý.

Khi lên Ðà Lạt, thấy đất đai tốt Thầy muốn xin, nhưng sáu bảy năm sau mới được chấp thuận.

Rồi phải tốn hao bao nhiêu mồ hôi nước mắt trong đó nữa.

Như vậy tụi con mới thấy rằng muốn làm việc gì mình cũng phải chịu đựng rất nhiều điều bất như ý.

Ðừng tưởng cái gì mình muốn đều được người ta hưởng ứng theo. Nghĩ như vậy là ảo tưởng, không có lẽ thật.

Bởi vì thế gian này là đối địch, bản thân mình đối địch, nội tâm đối địch.

Thiện ác cũng đối địch nhau, lâu lâu niệm ác lên, niệm thiện liền la rầy, làm cho trong lòng luôn ray rứt, bất an.

Như vậy, nội tâm mâu thuẫn, rồi bản thân mâu thuẫn, thì làm sao xã hội không mâu thuẫn?

Người nào làm việc lớn đều phải có sức chịu đựng, biết khéo điều hòa.

Ðó là sức mạnh làm được việc.

Ðừng mơ tưởng đi ra rồi nói gì người ta tin nấy.

Ðừng có ảo tưởng như vậy!

Biết đâu năm bảy năm nữa tụi con ra gánh vác việc này việc kia, nếu nuôi ảo tưởng đó là nguy.

Cho nên phải thấy rõ tất cả những gì mình làm đều sẵn sàng có những trở ngại chống đối.

Trở ngại chống đối là lẽ thường.

Hiểu chắc chắn như vậy, khi bắt đầu làm việc không ngạc nhiên khi gặp những trở ngại.

Chúng ta sẽ không buồn phiền than khóc khi thấy mình làm việc lành, việc phải mà bị cản ngăn.

Ðó là những kinh nghiệm thực tế ngay trong bản thân và trong tập thể của mình.

Như vậy, tụi con phải biết trong một tập thể, dù vài người hay trăm người sống chung với nhau, làm sao không có những điều trái nghịch?

Với số chúng năm mươi như ở đây, nhất định cũng có những điều chống trái với nhau.

Nhưng sở dĩ tụi con ngồi yên tu được là nhờ khéo điều hòa, không phải tự nhiên mà được như vậy.

Bây giờ người ta cho Thầy phục hồi Chân Không, đó cũng là được như ý rồi.

Chân Không không mất, Thường Chiếu mở rộng, lại có thêm Trúc Lâm nữa.

Tuy nhiên, cho phục hồi đó đâu phải tự nhiên được liền, cũng cay đắng nhọc nhằn biết bao nhiêu!

Như vậy, mình phải gan lì chịu đựng, khéo điều hòa rồi mọi việc mới thành tựu. Nếu ai không hiểu được như vậy thì một lần thất bại sanh ra chán nản, rồi đi đến chỗ buông xuôi.

Vậy tụi con ráng liệu trước, mai kia mỗi đứa đi mỗi nơi làm Phật sự, chừng đó Thầy không nhớ để nhắc lại.

Trích trong : Phụng Hoàng Sách Tấn Tập 1 (2005).

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Muốn mau lành bệnh

Kiến thức 07:03 05/11/2024

Ai cũng biết Đức Phật ngoài mười hiệu tôn quý còn được xưng tán là Y vương, bậc thầy của các thầy thuốc trong việc trị liệu tâm bệnh của chúng sanh. Không chỉ chữa trị tâm bệnh, Đức Phật còn là một vị thầy thuốc đúng nghĩa chữa trị cả thân bệnh nữa.

Hãy từ bỏ những nghề tạo ra ác nghiệp

Kiến thức 19:30 04/11/2024

Trong cuộc sống, mỗi người có một công việc, một nghề nghiệp riêng. Xét về phương diện tác nghiệp thì những nghề như đồ tể, đao phủ là những nghề tạo ra ác nghiệp, không có lợi ích cho tự thân ở đời này và đời sau.

Cách sám hối ngắn gọn súc tích Phật tử nên biết

Kiến thức 13:30 04/11/2024

Phương pháp đọc các bài sám hối, để gọi là đọc đúng, đó là không quá chú trọng việc đọc, mà tập trung vào việc hiểu. Đọc chậm cũng được, đọc vấp cũng được, đọc đi đọc lại một câu, một đoạn cũng được....cốt yếu là để hiểu thật kĩ nghĩa của những lời sám hối đó.

Thực hành thiền Phật giáo

Kiến thức 11:40 04/11/2024

Mục đích tối hậu của thiền là giúp tâm ta định và sáng, có thể thấy biết đúng như thật về thật tính của vạn pháp, bản chất của mọi sự vật hiện tượng, cả những hiện tượng vi tế nhất.

Xem thêm