Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Nghĩ về biển Đông, lại nghĩ lời Phật dạy về phép lục hòa

Sống ở cõi Dục giới, chúng ta luôn bị thôi thúc bởi lòng tham. Nhưng chúng ta cũng có trí tuệ để soi đường, không để cái si mê nó dẫn dắt lòng tham đi mãi. Nhớ tới phép “Lục hòa” mà đức Phật đã dạy, trong đó có “lục hòa đồng quân”- nghĩa là cùng chia sẻ những tiện nghi của cuộc sống.

1. Trước kia, phương tiện giao thông, liên lạc còn lạc hậu, ví như người ta chỉ đi bộ, đi xe ngựa, xe đạp rồi khi sáng tạo ra động cơ với đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước đầu tiên ở nước Anh, tân tiến dần lên, con người di chuyển bằng rất nhiều phương thức ô tô, máy bay, tàu cao tốc... Trước kia, Christopher Colombus năm 1492 khó khăn vất vả thế nào mới tìm ra châu Mỹ thì ngày nay, có vé máy bay, việc đi từ Bồ Đào Nha (quê của thuyền trưởng Colombus) hay bất kỳ đâu sang tân thế giới đều... dễ dàng. 
Phương tiện thông tin liên lạc, trước kia chỉ có anh “mõ” với tiếng “loa, loa, loa! Chiềng làng chiềng chạ...”, ngày nay các hình thức của báo chí: báo giấy, báo nói, báo hình, giờ có báo điện tử, nhất là công nghệ thông tin - viễn thông, với chiếc điện thoại cầm tay, ở xó xỉnh nào trên trái đất người ta cũng liên lạc nói chuyện được với nhau. Từ người dân thường, đến các nguyên thủ quốc gia đều giao tiếp với nhau dễ dàng...
Như vậy, thế giới đã trở thành ngôi nhà toàn cầu, ngôi nhà này dường như ngày càng... bé lại, trước sự tiến bộ của khoa học công nghệ: Có các phương tiện giao thông hỗ trợ, nên người ta đến với nhau không còn... mỏi chân nữa, có phương tiện liên lạc rồi thì dù có ở xa nhưng nhấc máy điện thoại lên lại cảm thấy... thật gần. Từ xưa người ta đã có câu thành ngữ: “Ở xa mỏi chân, ở gần mỏi miệng”, ý nói khi người ta còn ở xa nhau thì đi thăm viếng nhau rất... mỏi chân (chỉ ước con gái lấy chồng gần để có bát canh cần nó còn đem cho), nhưng nếu gần nhau thì lại hay tranh chấp, cãi cọ nhau. 
 
Trên ngôi nhà trái đất, nay do có sự tiến bộ của công nghệ nên đi lại, liên lạc tiện lợi, con người với nhau dường như ở “rất gần” nhau, và vấn đề phát sinh ra ở đây là... mỏi miệng: Tần suất các cuộc hội nghị, nhóm họp, thảo luận... từ giới chức các nước, tới thượng đỉnh để hóa giải, để tháo gỡ các vướng mắc của thế giới ngày càng nhiều hơn, nhưng không vì thế mà các bất đồng thu hẹp lại: Không có hội nghị nào không có sự... cãi cọ.

Ở đâu xa, ngay tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương, hội nghị chuyên về an ninh mang tên Shangri-la hàng năm đều nhóm họp ở Singapore để “tháo ngòi nổ” cho những bất đồng tranh chấp trong khu vực, nhưng dường như chiến tranh đang rình rập ở khu vực này. 
Cụ thể hơn: Biển Đông có diện tích 3,5 triệu km2, nơi có tuyến vận tải biển nhộn nhịp có hơn một nửa giá trị thương mại toàn cầu đi qua, nơi đó có cá tôm, có dầu khí... là tài sản chung của thế giới khi tàu bè, máy bay tự do đi qua (khu vực quốc tế cho tự do hàng hải), rồi các nước ven bờ chia nhau theo Công ước Luật Biển của LHQ (gọi tắt là UNCLOS 1982). Vậy mà Trung Quốc “đơn phương” vẽ cái đường 9 đoạn (hay gọi theo dân dã là “đường lưỡi bò”) bao chiếm 80-85% diện tích biển Đông, liếm hết các quyền lợi biển của các nước ven biển Đông, ảnh hưởng đến tự do hàng hải của thế giới. 
 
Ngày 12/7, Tòa trọng tài thường trực của LHQ (PCA) ở La Haye (Hà Lan) đã ra phán quyết “đường lưỡi bò” của Trung Quốc vẽ ra là không có giá trị pháp lý. 
Như đã biết, khi có tranh chấp mà các bên không thương lượng được với nhau thì đưa ra tòa án, hay trọng tài để phân định là hành động văn minh. Tuy nhiên, ở đây, Trung Quốc chưa chấp nhận phán quyết của PCA. 
Với việc “không chấp nhận” này của Trung Quốc thì một là nguy cơ chiến tranh ở biển Đông là có thật, hoặc thế giới sẽ phải trở về thời không có luật pháp, ít nhất là không có luật pháp ở biển khi UNCLOS 1982 có nguy cơ bị Trung Quốc đơn phương phá bỏ?
Người Việt ta vốn có câu “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”- khi ăn, phải “nhìn ngó” nồi cơm xem còn hay vơi để điều tiết lượng ăn của mình - không vì chỉ biết mình no, mà chiếm hết phần của người khác. Trung Quốc vẽ đường lưỡi bò chiếm 80 - 85% diện tích biển Đông, thì chiếm hết phần của các nước khác. 
Sống ở cõi Dục giới, luôn bị thôi thúc bởi lòng tham, và hình như đã là chúng sinh thì ai cũng... tham cả. Nhưng chúng ta cũng có trí tuệ để soi đường, không để cái si mê nó dẫn dắt lòng tham đi mãi. Tới đây, tôi lại nhớ tới phép “Lục hòa” mà Đức Phật đã dạy, trong đó có “lục hòa đồng quân”- nghĩa là cùng chia sẻ với nhau đồng đều những tiện nghi của cuộc sống - để làm nên cuộc sống hòa bình với nhau giữa người với người, giữa các quốc gia trong cộng đồng nhân loại.
2. Chúng ta hãy cùng đọc một đoạn trong một khu rừng có 3 vị tôn giả (Anuruddha, Nandiya, Kimbila) để xem các ngài sống và tu tập với nhau thế nào, khi được Đức Phật đến thăm - trong chương 46 “Nắm lá Simsapa”, trong cuốn “Đường xưa mây trắng” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh:
“Bụt từ giã để đi về phía công viên Đông Trúc... 
... từ trong công viên đại đức Anuruddha đi ra. Thầy vái chào Bụt và nói với người cai vườn:
- Đó là thầy của chúng tôi đấy, xin ông cứ để cho người vào.
Rồi đại đức đưa Bụt vào phía trong công viên. Ở đây, Bụt gặp thêm 2 vị khất sĩ khác: đại đức Nandiya và đại đức Kimbila. Hai người được gặp Bụt rất mừng. Thầy Nandiya nâng bất cho Bụt, còn thầy Kimbila thì nâng áo sanghati cho người. Họ sắp chỗ ngồi cho Bụt bên một bụi tre vàng. Họ đem nước và khăn tới cho người rửa mặt và rửa chân. Rồi cả ba thầy chắp tay làm lễ Bụt. Bụt bảo 3 thầy ngồi xuống bên cạnh.
Người hỏi:
- Các thầy ở đây có được an tịnh không? Sự tu học có thuận lợi không? Việc khất thực hành hóa có dễ dàng không?
Thầy Anuruddha đáp:
- Bạch thầy, chúng con ở đây rất an ổn. Ở đây khung cảnh rất an tịnh. Việc khất thực và hành hóa cũng dễ dàng. Chúng con đã đạt được nhiều tiến bộ trong sự tu học. 
Bụt hỏi: 
- Các thầy có thương mến nhau và hòa hợp với nhau không? 
Đại đức Anuruddha đáp:
- Thưa Thế Tôn, chúng con rất thương mến nhau. Chúng con hòa hợp với nhau một cách dễ dàng như nước với sữa. Riêng con, được sống với 2 huynh Kimbila và Nandiya là một điều may mắn lớn cho đời con. Con trân quý tình bằng hữu này lắm. Mỗi khi con nói hay con làm một điều gì, dù là khi 2 huynh không có mặt, con cũng nghĩ đến 2 huynh. Con tự hỏi con: nói như thế và làm như thế thì huynh có vừa ý không? Nếu con có một chút nghi ngờ rằng lời nói và việc làm ấy có thể làm cho 2 vị phật ý là con nhất định không nói và không làm. Thưa Thế Tôn, chúng con tuy là 3 người nhưng cũng như là một.
Bụt gật đầu ưng ý. Người nhìn 2 thầy kia. Thầy Kimbila nói với Bụt:
- Điều sư huynh Anuruddha nói đó là sự thật. Chúng con rất hòa hợp với nhau và rất thương mến nhau.
Thầy Nandyia nói:
- Chúng con biết chia sẻ cho nhau đồng đều mọi thứ. Từ chỗ ăn chỗ ngủ cho đến kiến thức và kinh nghiệm, chúng con đều sẵn lòng chia sẻ cho nhau.
Bụt khen:
Tốt lắm! Tôi rất hài lòng khi thấy các thầy ăn ở với nhau như vậy. Có sự hòa hợp đó, một đoàn thể tu học mới thật sự là một đoàn thể tu học. Các thầy đã thực sự tỉnh thức cho nên quý thầy mới thực hiện được sự hòa hợp đó.
Bụt ở lại với 3 thầy một tháng. Người nhận xét như sau:
Buổi sáng sau giờ thiền tọa, 3 thầy cùng đi khất thực một lần. Khất thực xong, vị nào về trước thì đi sắp đặt chỗ ngồi, đi lấy nước uống, nước rửa và một cái chậu sạch để sẵn ở đó. Xong rồi vị ấy mới đi rửa mặt, rửa chân và ngồi xuống để quán niệm và thọ trai. Trước khi thọ trai, vị ấy san bớt thức ăn trong bát vào chiếc chậu sạch. Thức ăn này là để dành cho vị khất sĩ nào không xin được đủ một phần ăn. Khi các vị kia về, thì nước rửa và nước uống đã có sẵn. Họ khỏi phải đi xách nước. Họ chỉ cần ngồi xuống rửa tay, rửa mặt và rửa chân trước khi ngồi xuống thọ trai. Sau khi thọ trai và uống nước, cả 3 người cùng đi dọn dẹp. Nếu thức ăn trong chậu còn dư, họ đem đổ ở một khoảng đất không có cây cỏ, hoặc đổ xuống nước nơi không có loài vật nào đang sống. Họ cùng rửa và cùng úp các chậu lại. Ai thấy bình nước uống hết nước thì đi lấy thêm. Ai thấy vại nước rửa lưng đi thì đi xách nước thêm. Ai thấy cầu tiêu không được sạch thì đi chùi rửa. Việc gì cần hai hoặc ba người mới làm nổi thì họ đâu vai chung sức lại. Họ không cần bàn cãi gì hết về công việc hàng ngày. Cứ mỗi năm ngày họ ngồi lại một lần để cùng học hỏi giáo lý và trao đổi kinh nghiệm tu tập...”
3. Các đạo tràng thuộc Thiền tôn Phật Quang (Bà Rịa Vũng Tàu) khi tu tập, trong phần nghi thức đều được tụng:
- Nam mô Tôn giả Anuruddha, bậc A-la-hán.
- Nam mô Tôn giả Nandiya, bậc A-la-hán.
- Nam mô Tôn giả Kimbila, bậc A-la-hán.
Vậy ý nghĩa của việc trì tụng hồng danh của 3 vị Tôn giả này là gì?
Tôi nghĩ, để chúng ta biết sống với nhau, sống bên nhau trong tình bằng hữu trong một thế giới hiện đại, khi mọi người, mọi quốc gia đều tùy thuộc lẫn nhau, mà ứng xử trong thế tùy thuộc lẫn nhau không có gì cao hơn luật pháp quốc tế và các chuẩn mực thông lệ đã có.
Hà Quang Đức

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Cảm ơn những tháng ngày dưới mái chùa

Phật pháp và cuộc sống 16:25 24/11/2024

Trong cuộc đời mỗi người, có những nơi không chỉ là chốn dừng chân, mà còn là ngôi nhà nuôi dưỡng tâm hồn, gieo trồng hạt giống an lạc. Với tôi, mái chùa là nơi như thế.

Tiền Giang: Chùa Đồng Linh tổ chức khám bệnh, tặng quà cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn

Phật pháp và cuộc sống 15:30 24/11/2024

Sáng ngày 23/11/2024 (23/10 năm Giáp Thìn) chùa Đồng Linh (xã An Thạnh Thủy) kết hợp công ty cổ phần dược phẩm Phúc Thiện (TP.Hồ Chí Minh) và trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo, Hội chữ Thập đỏ huyện tổ chức khám bệnh, phát thuốc và quà cho cho người cao tuổi, bà con nghèo, các hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

Trong cuộc sống, không có gì là mãi mãi

Phật pháp và cuộc sống 08:40 24/11/2024

Cuộc sống giống như nhịp điệu của cơn mưa. Khi những giọt nước rơi từ trên trời, đôi khi chúng ta có thể cảm thấy ướt át, lạnh lẽo và trầm lắng.

Hạnh phúc nơi tự thân

Phật pháp và cuộc sống 08:20 24/11/2024

Đức Phật là bậc tỉnh thức, đã phá trừ tất cả mọi tham đắm, mọi sự ràng buộc ở thế gian để tìm ra được chân như. Người đã đốt lên ngọn đèn trí tuệ, giúp người mê trở về nẻo chánh, và dẫn dắt nhân sanh vượt qua được đau khổ của trần gian, đi đến cuối đoạn đường huy hoàng thanh thoát.

Xem thêm