Dùng phúc đức cải lại tướng số
Trần Hi Di (Trần Tổ) là một trong những tổ sư của Lão giáo, sau khi đắc đạo, biết được quan Thái Thú Lưu Tĩnh là vị ân nhân của mình trong 3 kiếp trước. Vì muốn tìm cách dẫn độ vị ân nhân này nên bày một chiếc bàn trước cửa nha môn của quan Thái Thú để xem tướng cho người qua lại.
Một hôm Trần Tổ thấy Lưu Tĩnh cùng với một người hầu đi ra, nên đến nói với Lưu Tĩnh rằng:
- Diện mạo của đại nhân kì lạ lắm, mời đại nhân hãy ngồi lại đây để bần đạo xem tướng cho đại nhân.
Lưu Tĩnh thấy dáng của Trần Tổ có vẻ thoát tục, cũng muốn dừng lại nhờ Trần Tổ xem tường, nhưng ngặt trong mình có nhiệm vụ nên trả lời:
- Hôm nay vì bận công vụ, ngày mai xin đạo trưởng đến nhà tiểu quan chỉ giáo.
Ngày thứ hai, Lưu Tĩnh cho người mời Trần Tổ đến nhà và dùng lễ thượng khách tiếp đãi.
Lưu Tĩnh hỏi Trần Tổ:
- Xin đạo trưởng chỉ điểm, xem con đường tương lai của tiểu quan sau này có khá chăng?
Trần Tổ nhìn qua tướng mạo của Lưu Tĩnh một lúc rồi nói:
- Tường của đại nhân hơi khác với người thường, xin đại nhân chớ nên bắt tội, để bần đạo nói thật.
Lưu Tĩnh đáp:
- Không sao đâu, có gì đạo trưởng cứ nói thẳng, số mệnh tốt hay xấu đều do nhân đã tạo từ kiếp trước. Vả lại tướng do tâm chuyển, có thể thay đổi được.
Trần Tổ nói:
- Tướng mạo của đại nhân mặt trước rộng, mặt sau hẹp. Điểm này chứng tỏ rằng công danh phú quý của đại nhân chỉ hưởng được một nửa, khi già sẽ chịu cảnh bần cùng và cô đơn.
Lưu Tĩnh nghĩ thầm: Ta đường đường một vị Thái Thú dù tiền bạc không có bao nhiêu nhưng đồng lương cũng đủ cho ta sống, hơn nữa ruộng vườn của ông cha ta để lại, dù ăn cả đời cũng không hết, làm sao có thể nghèo được? Dưới ta có nhiều người hậu hạ như vậy làm sao mà cô đơn được? Cho nên không mấy gì tin vào lời của Trần Tổ nhưng trong lòng không nói ra.
Trần Tổ lại hỏi :
- Đại nhân còn muốn hỏi thêm gì nữa không?
Lưu Tĩnh đáp:
- Mấy câu nói của đạo trưởng đã định đoạt chung than của tiểu quan rồi, còn hỏi gì nữa.
Nói xong liền sai người nhà đem một nén bạc cho Trần Tổ để đáp lễ. Trần Tổ nói:
- Người xuất gia không thích tiền bạc xin đại nhân hãy giữ lại.
Lưu Tĩnh thấy Trần Tổ không nhận tiền bèn sai một gia bộc tiễn Trần Tổ ra về. Trần Tổ nói với người gia bộc rằng:
- Năm năm sau, gia đình quan Thái Thú sẽ gặp tai biến, bần đạo với quan Thái Thú có duyên, sau này khi gặp tai biến hãy đến núi Hoa Sơn kiếm bần đạo.
Ba năm sau, vì bị người gièm pha, Lưu Tĩnh bị vua cách chức, con trai lớn bị chém, người con thứ hai bị tù và chết trong lao ngục, người con thứ ba bị bệnh nặng mà chết. Đến năm thứ năm, người vợ cả cùng người thiếp và đứa con út cũng lần lượt qua đời. Những người giúp việc trong nhà thấy gia đạo của Lưu Tĩnh đã suy đồi, cũng lần lượt bỏ đi, chỉ còn lại một gia bộc thân cận trung thành bên cạnh.
Trước sự biến đổi lớn lao này, Lưu Tĩnh cảm thấy buồn rầu vô hạn và cô đơn hơn bao giờ hết, nên nói với người gia bộc trung thành:
- Ta chẳng làm gì ác cả, sao ông Trời lại bắt hại ta đến thế?
Nghe lời than của chủ nhân mình, người gia bộc sực nhớ tới lời dặn của Trần Hi Di tổ sư, mới nói với Lưu Tĩnh:
- Lúc trước ông đạo sĩ có nói với con rằng khi nào đại nhân gặp tai biến hãy đến núi Hoa Sơn gặp ông ta.
Lưu Tĩnh nghĩ đến lời của Trần Tổ đã từng nói với mình: "Mặt trước rộng mặt sau hẹp nên phú quý chỉ hưởng được một nửa”, nay quả nhiên ứng nghiệm và khen thầm tướng thuật cao mình của Trần Tổ, nên đi với nô bộc đến núi Hoa Sơn tìm Hi Di Tổ Sư.
Trần Tổ hỏi rằng:
- Lâu năm không gặp đại nhân, đại nhân gần đây mạnh giỏi chứ?
Lưu Tĩnh ứa nước mắt. đem biến cố của mình kể cho Trần Tổ hay. Trần Tổ an ủi:
- Sự đã như vậy đại nhân có khóc cũng vô ích.
Lưu Tĩnh:
- Xin đạo trưởng chỉ điểm.
Trần Tổ nói:
- Bần đạo không phải người xem bói, chỉ vì bần đạo có duyên với đại nhân, biết phúc của đại nhân chỉ hưởng đến 60 tuổi là hết, nên muốn độ đại nhân tu đạo để thoát cảnh luân hồi.
Đại nhân trong kiếp trước là một người hành thiện, đem tài vật bố thí giúp người bần cùng, nhưng đến năm 60 tuổi vì gặp tai biến làm ăn không xuôi bắt đầu hủy báng Thánh Hiền, trách Trời không có mắt, cho nên phúc của đại nhân chỉ hưởng đến năm 60 tuổi mà thôi. Diện mạo của đại nhân mặt trước rộng, mặt sau hẹp nghĩa là trước có phúc sau gặp họa, vì hành thiện "có đầu không có cuối", lại hủy báng Trời Phật.
Có hay không số phận "an bài" ?
Nay đại nhân còn lại một số gia sản, đại nhân hãy bán hết để lấy tiền giúp đỡ cho kẻ nghèo. Một khi tích đủ công đức, xương ngọc chẩm sau ót của đại nhân sẽ nổi lên, lúc đó đại nhân sẽ được hưởng phúc trở lại. Nhưng hồng phúc trong thế gian không được lâu dài, mong đại nhân hãy theo bần đạo tu đạo, sau này hưởng phần thanh phúc, tiêu diêu miền cực lạc.
Lưu Tĩnh nghe lời chỉ thị của Trần Tổ bèn từ giã rồi cùng với người gia bộc trở về nhà. Trong thời kì đó quân Hung Nô đến quấy nhiễu nước Tống và bắt hơn ba ngàn người, gồm cả người già lẫn trẻ con. Quân Hung Nô đặt điều kiện, phải lấy một vạn nén vàng ra chuộc mới chịu thả người, nếu không mười ngày sau số người bị bắt bất kể già trẻ hay lớn bé đều bị giết. Lưu Tĩnh hay được tin này, bán hết gia sản của mình lấy đủ số vàng giao cho quân Hung Nô để chuộc lại số người đã bị bắt. Trong tối hôm đó, khi đi ngủ, đang nằm xuống giường Lưu Tĩnh đột nhiên cảm thấy xương ngọc chẩm nơi ót sau tự nhiên lồi lên, tinh thần sảng khoái muôn phần, mới nghĩ tới lời nói của Trần Tổ:
” Khi nào xương ngọc chẩm nhô ra thì phúc sẽ đến”, nay quả thật linh nghiệm. Nhưng lại nghĩ thầm: Tuổi mình đã ngoài sáu mươi rồi, còn phúc gì mà chưa hưởng nữa! Chi bằng đến núi Hoa Sơn theo Trần Hi Di học đạo còn hơn.
Sáng hôm sau, khi thức dậy, Lưu Tĩnh thấy có cả trăm ngàn người đang đứng trước nhà mình. Lưu Tĩnh ngạc nhiên hỏi:
- Các người đến đây có việc gì chăng?
Những người đứng trước cửa đều là người bị quân Hung Nô bắt, khi thấy Lưu Tĩnh tất cả đều quỳ xuống, đồng thanh nói rằng:
- Chúng tôi đều là người bị giặc Hung Nô bắt, may nhờ đại nhân cứu giúp mới bảo toàn được tính mạng, nay chúng tôi kẻ it người nhiều góp tiền trao trả cho đại nhân.
Lưu Tĩnh không nhận mà nói rằng:
- Đó là sức của ta làm được, mấy người chớ có nên làm như vậy.
Có một người vì thấy vợ con của quan Thái thú đều đã chết, bèn đem người con gái của mình gả cho Lưu Tĩnh. Lưu Tĩnh bèn từ chối, xong quần chúng quỳ xuống và nói:
- Đại nhân không biết, thầy Mạnh Tử có nói : Không có con nối dõi tông đường là một điều đại bất hiếu, xin đại nhân chớ nên khước từ.
Lưu Tĩnh trong trường hợp đó không từ chối được, nên mới tục huyền. Năm sau người vợ trẻ sinh được hai đứa sinh đôi, một trai và một gái.
Nghĩa cử lấy vàng chuộc người của Lưu Tĩnh truyền đến tai vua Tống, nhà vua ra lệnh phục chức cho Lưu Tĩnh. Hai người con của Lưu Tĩnh sau này, người con trai đỗ Trạng Nguyên, con gái được tuyển làm cung phi, cả hai đều hưởng cảnh vinh hoa phú quý.
Đến năm bảy mươi, Lưu Tĩnh từ chức về hưu, và lên Hoa Sơn theo Trần Hi Di học đạo.
Trích Thái Thượng Cảm ứng Thiên
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Làm thế nào để tiêu trừ tội nạo phá thai?
Tư liệu 15:36 02/11/2024Trong kinh Phật Thuyết Trường Thọ Diệt Tội Hộ Chư Đồng Tử Đà La Ni có nói rằng, nạo phá thai là một tội sát sinh vô cùng lớn, quả báo cũng rất nặng. Tại sao trong cuốn Hiện Đại Nhân Quả Thực Lục do thầy viết lại không có ví dụ nào về việc này?
Thai nhi thích nghe Kinh Địa Tạng
Tư liệu 15:06 02/11/2024Một người hàng xóm nói với tôi rằng, con gái bà ấy đang mang thai tám tháng rồi, phản ứng thai nghén rất mạnh. Trong mấy tháng gần đây, thai nhi thường xuyên đấm đá trong bụng, khiến con gái bà ấy rất đau đớn.
Lối sống mang lại hạnh phúc từ triết lý tiết độ trong kinh Trung A Hàm
Tư liệu 08:10 01/11/2024Phật dạy phải biết tinh tấn tu tập. Để làm được như thế, con người phải biết làm chủ mình trong cuộc sống thông qua tinh thần kỷ luật, mà trong Phật học gọi là Giới. Đó là “những điều răn cấm do Đức Phật chế định cho hàng xuất gia và tại gia để ngăn ngừa tội lỗi của ba nghiệp”.
Chuyện vãng sanh của thân phụ Sư cô Huệ Tâm ở Biên Hòa
Tư liệu 13:20 29/10/2024Tôi thấy công đức niệm Phật thậm thâm vi diệu. Cha mẹ tôi thuở sanh tiền là một thương gia ở chợ Biên Hòa, công việc rất bận rộn, ông bà chỉ dành ít thời gian để đi chùa, phần lớn là niệm Phật và bố thí. Hơn 60 năm, đêm nào trước khi đi ngủ, ông cũng niệm Phật cho đến khi ngủ quên.
Xem thêm