"Đường về tỉnh thức": Để thay đổi bản thân theo hướng tích cực hơn
Chánh niệm giúp ta đối mặt với bất cứ hoàn cảnh và biến cố nào, từ đó chúng ta có thể thay đổi bản thân theo hướng tích cực hơn.
Nếu thường xuyên theo dõi mạng xã hội hay đọc sách báo hàng ngày, hẳn không ít lần bạn bắt gặp thuật ngữ "chánh niệm". Mọi hoạt động, từ tập luyện yoga đến lái xe, làm vườn, vẽ tranh và tô màu, tất thảy đều có thể làm trong chánh niệm. Vậy, chánh niệm là gì và lợi ích mà nó đem lại là gì?
Khi xã hội hiện đại thời 4.0 đem lại quá nhiều áp lực và các khái niệm về "thành công" đã trở nên bão hòa, con người bắt đầu tìm kiếm các phương thức chữa lành tâm hồn để xây dựng cuộc sống an lành và cân bằng. Bởi cả phương Đông và phương Tây đều nhận ra những lỗ hổng ở cả phần duy lý và duy tâm. Trong hoàn cảnh đó, "chánh niệm" là một thuật ngữ thường xuyên được nhắc tới.
Nhiều người tỏ ra nghi ngại về tác dụng của chánh niệm như là thứ gì đó kỳ diệu, hứa hẹn giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp. Giữa biển thông tin với hàng tá lời khuyên mà ta đọc trên mạng hàng ngày, sự nghi ngờ này là có cơ sở.
Trong cuốn sách Đường Về Tỉnh Thức của tác giả Tamara Russel, bạn đọc có thể tìm thấy lời giải đáp cho những nghi ngờ và hiểu lầm về chánh niệm. Quyển sách này phù hợp với người mới bắt đầu tìm hiểu về chánh niệm, đem lại định nghĩa cơ bản về thuật ngữ này cùng những nguyên tắc thực hành cốt lõi, từ đó đặt viên gạch đầu tiên cho con đường khám phá chánh niệm.
Hiểu đúng về chánh niệm
Về cơ bản, chánh niệm đã xuất hiện ở các tôn giáo cổ xưa, đặc biệt được thấy rõ ở Phật giáo với thực hành thiền định. Từ một thực hành tâm linh mang nhiều tính thiêng liêng, chánh niệm dần lan rộng như một xu thế thế tục trong thời hiện đại. Trên con đường rất dài này, những hiểu lầm và tranh cãi là điều khó tránh khỏi.
Một số người biết đến chánh niệm thông qua các kênh truyền thông và vội vã thực hành với những kỳ vọng phi thực tế. Ví dụ, có người thực hành "năm phút chánh niệm" mỗi ngày, rồi sau một tuần, khi không thấy cuộc sống có gì biến đổi rõ ràng, họ bỏ cuộc và kết luận rằng chánh niệm chỉ là xu hướng nhất thời được thổi phồng. Vấn đề ở đây là con người hiện đại vốn đã quen với lối suy nghĩ rạch ròi và phân tích lý trí, cũng như luôn đòi hỏi kết quả nhanh chóng. Trong khi đó, chánh niệm đến từ việc cảm nhận và sử dụng trực giác, đồng thời yêu cầu sự nhẫn nại và kiên trì để có được những chuyển đổi sâu sắc từ bên trong mỗi người.
Trong Đường Về Tỉnh Thức, tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu rõ lý thuyết nền. Thay vì vội vã thực hành ngay, bạn hãy dành thời gian suy nghĩ thật kỹ để xác định mục tiêu, kỳ vọng và động lực của mình trước khi bắt đầu đi vào con đường chánh niệm.
Để định nghĩa "chánh niệm", tác giả đưa ra công thức "nhận thức + 3": Hoàn toàn được hướng về khoảnh khắc hiện tại; Không phản ứng (cầu thị nhưng điềm tĩnh); Không phán xét (từ bi)
Nói cách khác, chánh niệm nghĩa là nhận thức khoảnh khắc hiện tại như - nó - đang - là, về điều đang thực sự xảy ra chứ không phải điều ta nghĩ khi nó đang xảy ra; chánh niệm tập trung vào sự liên kết giữa thân thể và tâm trí, cũng như giữa bản thân ta với môi trường xung quanh.
Đón nhận mọi việc trong cuộc sống với sự điềm tĩnh và cởi mở, với cái nhìn toàn vẹn và không phán xét - đây chính là lý do vì sao chánh niệm đem lại ích lợi không chỉ cho thân tâm của riêng mỗi người, mà còn tạo ảnh hưởng tích cực lên cách mà chúng ta đối xử với nhau trong đời sống xã hội. Do đó, hoàn toàn không cần ngạc nhiên khi chánh niệm đang xuất hiện ở rất nhiều lãnh vực trong đời sống con người trên khắp thế giới.
Chánh niệm trong đời sống hàng ngày
Sự thật là, chánh niệm không phải là một giải pháp nhanh. Việc dành ra năm phút mỗi ngày để luyện tập với một ứng dụng trên điện thoại có thể là bước "làm quen". Tuy nhiên, cốt lõi của thực hành chánh niệm nằm ở tính liên tục và đều đặn, trong bất kỳ hoạt động nào, trong từng khoảnh khắc mà ta sống hằng ngày.
Ví dụ, hãy nâng chén trà đưa lên môi một cách thật chậm rãi, cảm nhận cách mà từng thớ cơ cánh tay và ngón tay ta chuyển động. Hoặc, khi nằm trên giường ngủ, hãy cảm nhận sự va chạm nhẹ nhàng giữa da thịt với lớp trải giường mềm mại. Nhiều người có thể thấy các yêu cầu này kỳ lạ hoặc thậm chí ngớ ngẩn, nhưng chúng chính là bài tập cơ bản để rèn luyện khả năng tập trung vào khoảnh khắc hiện tại, nhận thức rõ về bản thân mình trong tương quan với môi trường xung quanh.
Giờ ta hãy thử áp dụng điều này vào hoàn cảnh thực tế: Môi trường công sở hiện nay đề cao khả năng làm việc đa nhiệm (multitasking). Ta thường hiểu lầm rằng điều đó nghĩa là làm vài dự án một lúc, trả lời vài e-mail một lúc. Thực chất thì đa nhiệm là khả năng chuyển đổi nhanh chóng giữa nhiều công việc. Một người có luyện tập chánh niệm sẽ không bị sao nhãng hay bấn loạn trước hàng loạt thông tin và sự thúc ép từ nhiều phía; họ có khả năng giữ sự điềm tĩnh để tập trung giải quyết một việc gọn gàng và hiệu quả, sau đó mới chuyển sang làm việc tiếp theo.
Hoặc, khi gặp chuyện buồn phiền hay tức giận, bạn thường làm gì? Vội vàng trút cơn giận của mình lên người khác? Hay tìm quên trong giấc ngủ, trong việc ăn vô tội vạ thức ăn ngon, sử dụng chất kích thích? Những giải pháp nhất thời đó thực chất là sự tránh né đối mặt với cảm xúc, tự lừa dối bản thân rằng vấn đề đã được giải quyết. Ngược lại, chánh niệm là nhận thức rõ rằng mình đang buồn và giận dữ nhưng không vội vàng phản ứng. Thực hành chánh niệm là sự thẩm định lại những thói quen cũ không còn hiệu quả, nhẹ nhàng gắn kết với nỗi đau bên trong bằng sự nhẫn nại và từ bi. Chỉ khi thực sự dám thừa nhận và đối mặt, bạn mới có thể thay đổi và làm chủ được bản thân mình.
Một khi đã hiểu rõ định nghĩa về chánh niệm và sẵn sàng thực hành với sự toàn tâm, bạn có thể lựa chọn các hình thức phù hợp với sở thích cũng như lịch trình sinh hoạt của bản thân. Tham gia một nhóm thực hành với người hướng dẫn và các đồng môn sẽ đem lại sự chia sẻ và khuyến khích trực tiếp, nhưng tự học qua chương trình trực tuyến cũng là lựa chọn tốt nếu bạn là mẫu người thích hoạt động độc lập. Nếu bạn cảm thấy mình tiếp thu tốt thông qua vận động, hãy tham gia một lớp yoga hoặc thái cực quyền. Nếu bạn thích ngôn ngữ đọc hoặc nghe, sách hoặc podcast là lựa chọn phù hợp.
Đi qua những trang sách Đường Về Tỉnh Thức, điều mà bạn đọc nhận được không chỉ là kiến thức và những bài tập thực hành cơ bản để khám phá chánh niệm, mà còn là cảm hứng về những thay đổi nhỏ trong từng khoảnh khắc có thể đem lại ảnh hưởng lớn cho cuộc sống. Những cá nhân tỉnh thức sẽ tạo nên xã hội tỉnh thức, nơi tất cả chúng ta sẽ được sống và làm việc trong môi trường cởi mở, sáng tạo, cảm thông, nuôi dưỡng và chữa lành.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Nhà sư và khu vườn: “Lắng nghe giáo lý loài hoa”
Sách Phật giáo 21:39 03/11/2024Qua tác phẩm Nhà sư và khu vườn, tác giả Hyunjin – trụ trì chùa Maya tại Cheongju, Chungcheong Bắc, Hàn Quốc – chia sẻ những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống qua hình ảnh bốn mùa tuần hoàn trong khu vườn chùa.
“Hãy có lòng tốt”: Bộ sách của Đức Dalai Lama
Sách Phật giáo 16:45 31/10/2024Cuộc sống là một hành trình dài và chúng ta phải trải qua vô vàn thử thách của cảm xúc: từ yêu, ghét, tức giận, hờn dỗi… Nhưng con người lại được kết nối bởi những thứ vô hình đó. Chúng ta đến với nhau vì yêu nhau hay rời xa nhau vì sự chán ghét.
Chúng ta sống vì điều gì?
Sách Phật giáo 16:36 27/10/2024Người làm việc chăm chỉ không chỉ để có lương thực sinh sống mà còn để hạn chế lòng ham muốn của bản thân, có thể mài giũa tâm hồn, thanh lọc tâm hồn.
Lời khuyên để có hạnh phúc của thiền sư Khenpo Sodargye
Sách Phật giáo 22:43 22/10/2024Qua câu chuyện về ba cách sống, thiền sư Khenpo Sodargye đưa ra lời khuyên về cách để sống hạnh phúc.
Xem thêm