Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Giá trị vi diệu của câu 'Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm'

Từ bao lâu nay, mỗi lần nghe thấy hoặc nhớ đến câu Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm, những mong mỏi trong tôi lại như thúc dục tìm hiểu kỹ ý nghĩa vi diệu của lời kinh này.

>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Lời Phật dạy 

Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm thường được nhắc đến, tưởng như được nghe một câu thần chú gắn liền với chuyện về Lục Tổ Huệ Năng nhờ nghe được câu đó mà đạt đại ngộ. Vậy Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm từ đâu ra.

Bài liên quan

Đó là câu trong Kinh Kim Cương Bát Nhã khi Đức Phật giảng giải cho Tu Bồ Đề. Bản kinh đó nằm trong bộ Đại tạng kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa. Bộ Đại tạng kinh này do Đức Thế Tôn giảng giải ròng rã trong hai mươi hai năm (Nhị thập nhị niên Bát Nhã đàm) ở bốn đạo tràng: tại núi Linh Sơn thuộc thành Vương Xá, tại vườn cây Thái tử Kỳ Đà trong vườn Trưởng giả Cấp Cô Độc thuộc thành Thất La Phiệt, tại Điện Ma Ni Bửu Tàng nơi cung Trời Tha Hóa Tự Tại và tại bên ao Bạch Lộ trong Vườn trúc thuộc thành Vương Xá. Bộ Đại tạng kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa này gồm 16 hội, 600 quyển với 25.000 chữ, là bộ kinh đầu tiên và chủ yếu của Phật giáo Đại thừa ra đời vào khoảng thế kỷ thứ nhất và thứ hai sau Công nguyên. Bộ Đại tạng kinh này đã được các vị Tổ rút gọn, tóm tắt thành bản Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh tức Bát Nhã Tâm Kinh hiện nay.

Bản Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa gọi tắt là Kinh Kim Cương nằm ở hội thứ 9 trong 16 hội của bộ Đại tạng Kinh Bát Nhã. Trọng tâm của bản Kinh Kim Cương này chủ yếu ở chỗ Đức Phật đã trả lời hai câu hỏi của tôn giả Tu Bồ Đề: Làm thế nào để trụ được chân tâm? và làm thế nào để hàng phục vọng tâm? Trong toàn bộ Kinh Kim Cương, Đức Phật nói đến nhiều vấn đề nhưng chỉ là để giải đáp hai câu hỏi trên và tóm tắt lại chỉ trong một câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”, nghĩa là “Đừng trụ vào đâu cả để mà sinh cái tâm”.

Đức Phật dạy: “Đừng trụ vào đâu để mà sinh cái tâm” tức là dạy các hành giả phải dùng trí tuệ Kim Cương Bát Nhã để tận diệt các vô minh vọng chấp: Chấp Ngã, chấp Pháp hay chấp Bốn tướng (tức Ngã, Nhân, Chúng sinh và Thọ giả).

Khi các vô minh, phiền não, vọng chấp đã bị diệt hết rồi thì chân tâm thanh tịnh hiện ra. Khi đó từ bến mê biết bao đau khổ, hành giả sẽ được sang bên kia là bến bờ giác ngộ giải thoát.

ung-vo-so-tru

Đức Phật dạy: “Đừng trụ vào đâu để mà sinh cái tâm” tức là dạy phương pháp tu hành của Ðại thừa, để “hàng phục vọng tâm” mà cũng là “an trụ chân tâm” vậy.

Câu Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm là câu nói cốt lõi của kinh Kim Cương cũng là câu nói nổi tiếng mà giới học Phật, nhất là Thiền Tông, dùng câu này làm yếu chỉ tu hành. Vì câu Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm có một tầm quan trọng như vậy nên người học Phật không thể nào không nắm bắt được ý nghĩa thâm sâu của nó. Hiểu được Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm là ta đã hiểu được cốt lõi của Kinh Kim Cương.

Bài liên quan

Kinh Kim Cương là một bản kinh quan trọng của Phật giáo nên được rất nhiều học giả cũng như được nhiều Thiền sư giảng giải như: Ở Trung Hoa có cuốn Kim Cương Bát Nhã kinh sớ của thiền sư Trí Khải đời Tùy, cuốn Kim Cương Bát Nhã sớ của Ngài Kiết Tạng đời Tùy, cuốn Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật kinh lược sớ của Trí Nghiêm đời Đường và cuốn Kim Cương giảng lục của Thái Hư… Ở Việt Nam đã có cuốn Kinh Kim Cang giảng giải của Hòa thượng Thích Thanh Từ, Kim Cang Gươm Báu Chặt Đứt Phiền Não của Thiền Sư Nhất Hạnh, Kinh Kim Cang, Dịch Và Lược Giải của Hòa thượng Thích Thiện Hoa…

Trên đây là những bộ sách có giá trị giảng giải ý nghĩa thâm sâu của kinh Kim Cương của các bậc cao tăng. Nhưng hầu như cho đến nay, ta có thể nói chưa có một cuốn sách nào nói riêng về câu Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm của bản kinh này, nếu có chăng chỉ thấy một vài bài viết nhỏ.

Trong lịch sử Phật giáo Thiền Tông, khi Tổ Bồ Đề Đạt Ma sang Trung Hoa truyền tâm ấn cho Ngài Huệ Khả, Tổ trao bốn quyển kinh Lăng Già để làm tâm ấn. Đến đời Ngũ tổ Hoằng Nhẫn (602-675), thấy Kim Cương là quyển kinh rất quan trọng trong nhà Thiền, Ngài dạy môn đệ rằng chẳng những tăng ni mà cả cư sĩ đều nên trì tụng kinh Kim Cương. Sau này kinh Kim Cương được xem như tâm ấn trong giới Thiền tông. Trong các chùa và các thiền viện, bộ kinh này được xem như kinh nhật tụng.

Câu Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm là những lời tinh túy của bộ Kinh Kim Cương Bát Nhã, mà ngày xưa Lục Tổ Huệ Năng nhờ đó được đại ngộ. Vì vậy, ngày nay cứ nhắc đến câu Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm là người ta liền nghĩ đến sự đại ngộ của Lục Tổ Huệ Năng khi xưa đã được Ngũ Tổ là Hòa thượng Hoằng Nhẫn giảng giải Kinh Kim Cương rồi truyền y bát cho cho để trở thành Lục Tổ.

Giá trị vi diệu của câu Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm

Nói đến Lục Tổ Huệ Năng, vị tổ đời thứ sáu của thiền tông Trung Hoa, cũng cần phải nêu rõ sự tích đại ngộ của Tổ liên quan đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” như thế nào!

Tổ Huệ Năng họ Lư, quê ở Phạm Dương, lưu lạc làm dân Tân Châu, Lĩnh Nam. Chẳng may cha mất sớm, mẹ là goá phụ, nhà nghèo khổ, phải đi kiếm củi bán ngoài chợ. Lúc ấy có vị khách mua củi nhờ mang đến nhà, khi ra về Huệ Năng gặp một vị khách đang tụng Kinh. Nghe được lời Kinh, tâm liền khai ngộ, Huệ Năng bèn hỏi khách tụng Kinh gì? Khách nói là Kinh Kim Cương do ông thọ lĩnh từ Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, vị Tổ trụ trì chùa Đông Thiền ở huyện Huỳnh Mai và được Ngũ Tổ thường khuyên năng tụng trì Kinh này sẽ được kiến tính thành Phật.

Bài liên quan

Nghe vậy, Huệ Năng quyết tâm đến Huỳnh Mai tham lễ Ngũ Tổ. Khi đến đảnh lễ, Ngũ Tổ hỏi: “Ông là người phương nào, muốn cầu việc gì?” Huệ Năng nói: “Đệ tử là dân Lĩnh Nam, từ xa đến lễ bái, chỉ cầu làm Phật, chẳng cầu việc gì khác”. Tổ hỏi: “Ông là người Lĩnh Nam, cũng là người kém văn hóa, làm sao có thể làm Phật được?”. Huệ Năng trả lời: “Người có Nam có Bắc, Phật tính vốn chẳng có Nam Bắc. Thân hèn hạ này với thân Hòa Thượng chẳng như nhau, nhưng Phật tính đâu có khác nhau!”

Ngũ Tổ nghe Huệ Năng đối đáp thế, nhận thấy cái “biết” của Huệ Năng là đáng chú ý, liền sai xuống nhà dưới làm việc. Qua hơn tám tháng, Huệ Năng cần cù làm việc bổ củi, giã gạo. Một ngày kia Tổ thình lình đến gặp Huệ Năng, nói: “Ta nghĩ cái thấy biết của ngươi dùng được, vì sợ có kẻ ác hại ngươi, nên chẳng nói chuyện với ngươi, ngươi có biết không?”. Huệ Năng nói: “Đệ tử cũng biết ý Thầy, nên chẳng dám đi lên nhà trên”.Một hôm, Ngũ Tổ triệu tập môn đồ truyền rằng: “Sinh tử là việc lớn, các ngươi suốt ngày chỉ cầu phước điền, chẳng cầu lià khỏi biển khổ sinh tử. Tự tính nếu mê, phước làm sao có thể cứu được? Các ngươi mỗi người hãy tự đem trí tuệ làm một bài kệ trình cho ta xem. Nếu ngộ được đại ý, thì ta sẽ trao truyền y bát cho làm Tổ thứ sáu”.

Trong chùa có vị sư giáo thọ là Thượng tọa Thần Tú thấy các chư tăng không ai làm kệ, cũng muốn Ngũ Tổ biết được kiến giải sâu cạn của mình, liền làm kệ để mong được cầu pháp. Làm xong, nhưng ba bốn lần muốn vào gặp Tổ để trình kệ mà vẫn chưa trình được, bèn ban đêm lén viết kệ trên vách hành lang. Bài kệ:

Thân thị Bồ Ðề thụ,

Tâm như minh cảnh đài,

Thời thời cần phất thức,

Vật sử nhạ trần ai.

Dịch nghĩa:

Thân là cây Bồ Ðề,

Tâm như đài gương sáng,

Luôn siêng năng lau chùi,

Không dính bụi trần ai.

dao Phat 4

Sáng ra, Ngũ Tổ nhìn thấy bài kệ, nghĩ rằng: Phàm tất tất cả tướng đều là hư vọng, nay chỉ cần để bài kệ này cho mọi người trì tụng, y kệ này tu, khỏi đọa ác đạo, y kệ này tu, được ích lợi lớn. Bèn gọi môn đồ đốt nhang làm lễ, bảo tất cả đều tụng kệ này sẽ được kiến tính. Môn đồ tụng kệ đều khen kệ hay.

Bài liên quan

Nửa đêm, Tổ gọi Thần Tú vào phòng hỏi: “Bài kệ do ông làm phải không?” Tú nói: “Đúng là do đệ tử làm, chẳng ham vọng cầu Tổ vị, chỉ mong Hoà Thượng từ bi, xem đệ tử có chút ít trí tuệ chăng? ”. Tổ nói: “Ông làm kệ này chưa thấy bản tính, chỉ mới đến ngoài cửa, chưa vào được bên trong, kiến giải như thế thì tìm Vô thượng Bồ đề làm sao được! Ông tạm đi ra suy nghĩ một vài ngày nữa, làm bài kệ khác cho ta xem, nếu kệ ông vào được cửa, thì ta sẽ truyền trao y pháp”.

Qua hai ngày sau, có một đồng tử đi ngang qua phòng giã gạo, vừa đi vừa xướng tụng bài kệ, Huệ Năng nghe được liền biết kệ này chưa thấy bản tính. Dù chưa được sự dạy bảo của Tổ, nhưng đã biết được đại ý, bèn hỏi đồng tử rằng: “Tụng kệ gì đấy? ” Ðồng tử nói: “Kẻ kém văn hoá này không biết, thấy Ðại Sư nói: Sinh tử là việc lớn, muốn truyền trao y pháp, nên bảo môn đồ làm kệ trình xem, nếu ngộ đại ý thì sẽ được truyền trao y pháp làm Tổ thứ sáu. Thượng Tọa Thần Tú viết kệ Vô Tướng trên vách tường hành lang. Ðại Sư bảo mọi người đều tụng, y kệ này tu khỏi đọa ác đạo, y kệ này tu sẽ được lợi ích lớn”. Huệ Năng nói: “Thưa Thượng nhân, tôi giã gạo ở đây hơn tám tháng, chưa từng đi lên nhà trên, mong Thượng nhân dẫn tôi đến trước bài kệ để lễ bái”. Ðồng tử liền dẫn đến trước bài kệ. Lễ bái xong, Huệ Năng nói: “Huệ Năng không biết chữ, xin Thượng nhân đọc giùm”. Lúc ấy có quan Biệt giá Giang Châu là Trương Nhật Dụng, liền lớn tiếng đọc. Huệ Năng nghe xong bèn nói: “Tôi cũng có một bài kệ, xin Biệt Giá viết giùm”. Biệt Giá nói: “Ông cũng làm kệ à ? Việc này thật hi hữu! ”. Huệ Năng nói với Biệt Giá rằng: “Muốn học Vô Thượng Bồ Ðề, không nên khinh bỉ kẻ sơ học, hạ hạ nhân hữu thượng thượng trí, thượng thượng nhân hữu một (chìm mất) ý trí”. Biệt Giá nói: “Ông hãy tụng kệ đi, ta viết giùm cho. Nếu ông đắc pháp, phải độ ta trước, chớ quên lời này”. Huệ Năng liền đọc kệ:

Bồ đề bổn vô thụ,

Minh cảnh diệc phi đài.

Bổn lai vô nhất vật,

Hà xứ nhạ trần ai?

Dịch nghĩa:

Bồ đề vốn không cây,

Gương sáng cũng chẳng đài,

Xưa nay không một vật,

Nơi nào dính bụi trần?

Kệ viết xong, mọi người đều ngạc nhiên tán thán với nhau: Không nên theo tướng mạo mà đánh giá người, không ngờ nay có nhục thân Bồ Tát mà chẳng biết!

Ngũ Tổ thấy đại chúng kinh hãi, sợ có kẻ ám hại người viết kệ, nên lấy giày bôi xóa bài kệ, nói rằng: “Cũng chưa thấy tính !”. Mọi người cho là đúng. Hôm sau Tổ lén đến nhà giã gạo, thấy Huệ Năng lưng đeo đá giã gạo, Tổ nói: “Người cầu Ðạo cần phải như thế”. Tổ lại hỏi: “Gạo trắng chưa” Huệ Năng đáp: “Trắng đã lâu, còn thiếu giần sàng thôi”. Tổ lấy gậy gõ trên cối ba cái rồi bỏ đi. Huệ Năng hiểu ý Tổ, nên canh ba đêm ấy vào thất của Tổ. Tổ dùng màn che không cho người khác nhìn thấy, rồi thuyết Kinh Kim Cương, đến câu: Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm thì Huệ Năng liền ngay đó đại ngộ tất cả vạn pháp chẳng lià tự tính, bèn bạch Tổ rằng:

Ðâu ngờ tự tính vốn tự thanh tịnh, Ðâu ngờ tự tính vốn không sinh diệt, Ðâu ngờ tự tính vốn tự đầy đủ, Ðâu ngờ tự tính vốn không lay động, Ðâu ngờ tự tính hay sinh vạn pháp!

Tổ biết Huệ Năng đã ngộ bản tính, nên nói với Huệ Năng rằng: “Chẳng nhận được bản tâm, thì học pháp vô ích. Nếu nhận được bản tâm, thấy được bản tính, thì gọi là Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật”. Nửa đêm thọ pháp không ai biết, Tổ bèn truyền pháp đốn giáo và y bát cho Huệ Năng và nói rằng: “Ngươi là Tổ thứ sáu, nên gắng tự hộ niệm, độ khắp hữu tình, phổ biến lưu truyền cho đời sau, đừng để đoạn dứt”. Rồi Tổ nói kệ:

Hữu tình lai hạ chủng,

Nhân địa quả hoàn sinh,

Vô tình diệc vô chủng,

Vô tính diệc vô sinh.

Dịch nghĩa:

Hữu tình được gieo giống,

Nhân gieo quả ắt sinh,

Vô tình thì vô chủng,

Vô tính cũng vô sinh.

Sau đó Ngũ Tổ khuyên Huệ Năng đi nhanh về phương Nam, kẻo có người ám hại, chẳng nên thuyết pháp sớm, vì Phật Pháp phải tùy duyên.

Ta trở lại với hai bài kệ của Pháp sư Thần Tú và của Huệ Năng. Khi đọc bài kệ của Thần Tú thì Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn thấy chưa được vì chưa thấy bản tính, kiến giải như thế thì tìm Vô thượng Bồ đề thế nào được. Nhưng vẫn cứ cho các môn đồ tụng kệ. Vì thế mới đến tai Huệ Năng và Huệ Năng cũng thấy bài kệ ấy chưa thoát được, nên mới có bài kệ của mình làm cho Ngũ Tổ nhận thấy đúng là con người cần trao y bát. Bài kệ của Thần Tú nêu:

Thân thị Bồ Ðề thụ,

Tâm như minh cảnh đài,

Nghĩa là:

Thân là cây Bồ Ðề,

Tâm như đài gương sáng,

Còn bài kệ của Huệ Năng có hai câu đầu :

Bồ đề bổn vô thụ,

Minh cảnh diệc phi đài.

Nghĩa là :

Bồ đề vốn không cây,

Gương sáng cũng chẳng đài,

Rõ ràng cây Bồ đề vốn không phải là cây, còn cái gương sáng cũng chẳng là gương sáng. Điều đó đúng là tính chất của vô thường và vô ngã mà mọi vật đều do lý duyên sinh hay duyên khởi của đạo Phật mà nên. Vì thế mới:

Bổn lai vô nhất vật,

Hà xứ nhạ trần ai?

Nghĩa là:

Xưa nay không một vật,

Nơi nào dính bụi trần?

Đúng thật tất cả mọi vật đều là ảo, đều là huyễn thì có nơi nào dính bụi trần được. Về mặt triết lý quả là sâu xa, nhưng tất cả đều là pháp Phật.

Lại nghe những câu đối đáp của Huệ Năng với Ngũ Tổ ta thấy có nhiều ẩn ý nhưng rất rõ ràng. Ví dụ Ngũ Tổ nói: “Ông là người Lĩnh Nam, cũng là người kém văn hóa, làm sao có thể làm Phật được?”. Huệ Năng trả lời: “Người có Nam có Bắc, Phật tính vốn chẳng có Nam Bắc, thân hèn hạ này với thân Hòa thượng chẳng giống nhau, nhưng Phật tính đâu có khác nhau!”. Hay khi Ngũ Tổ hỏi:“Gạo trắng chưa ?”, Huệ Năng đáp: “Trắng đã lâu, còn thiếu giần sàng thôi”. Điều đó có thể hiểu rằng bản tâm, bản tính đã sẵn sàng, chỉ còn thiếu những điều dạy bảo về pháp của Ngũ Tổ. Hay khi thấy Ngũ Tổ lấy gậy gõ trên cối ba cái rồi bỏ đi thì Huệ Năng hiểu ngay ý Tổ dặn rằng canh ba vào thất gặp Tổ. Cho đến khi vào thất của Tổ và được nghe Tổ giảng giải Kinh Kim Cương đến câu Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm thì Huệ Năng liền đại ngộ tất cả vạn pháp chẳng lià tự tính.

Phải là thế nào để một người bán củi không biết chữ có thể trả lời, đối đáp và có bài kệ với kiến thức Phật học đã được giác ngộ như thế. Tôi cho rằng, Huệ Năng trong những kiếp trước đã được tu hành nhiều, nhưng chưa đạt đại ngộ, nên kiếp này tu tiếp với những hiểu biết, kinh nghiệm và những chủng tử đã có sẵn trong tàng thức (a lại da thức) của mình từ những kiếp trước truyền lại.

Ý nghĩa của câu Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm trong Kinh Kim Cương

Như trên đã nói tất cả những điều Phật nói với Tu Bồ Để trong Kinh Kim Cương đều xoay quanh ý nghĩa nhất quán của câu Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm (Đừng trụ vào đâu để mà sinh cái tâm).

Bài liên quan

Mở đầu, Tu Bồ Đề chỉ hỏi hai câu: Làm thế nào để trụ được chân tâm? và Làm thế nào để hàng phục vọng tâm?. Trong Kinh Kim Cương, Phần Chính tôn, có tất cả 69 đề mục thì ở mục thứ 17, Phật mới nói đến “Đừng trụ vào đâu để mà sinh cái tâm” trong câu Phật dạy : “Tu Bồ Ðề ! Các vị Ðại Bồ tát phải giữ tâm thanh tịnh, chớ nên sinh vọng tâm trụ chấp nơi sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần và pháp trần. Tóm lại, Bồ Tát đừng khởi vọng tâm trụ chấp một nơi nào cả. Nếu Bồ Tát tâm còn trụ chấp một nơi nào, thì không phải thật an trụ chân tâm”.

Tâm thanh tịnh mà Đức Phật khuyên nhủ chính là chân tâm bất sinh bất diệt vốn có trong mỗi chúng sinh, tâm thanh tịnh này bị che lấp bởi tâm chấp trước theo lục trần . Vì vậy Đức Phật dạy muốn cho chân tâm hiển lộ thì không nên để tâm dính mắc theo sáu trần.

Tuy nhiên, ngay từ đầu bản kinh, Phật đã dạy Bồ Tát độ sinh không nên chấp tướng, với câu: “Tu Bồ Ðề, các ông phải y như lời ta dạy đây, mà hàng phục vọng tâm của mình. Tu Bồ Ðề! Các vị Ðại Bồ Tát phải độ tất cả các loại chúng sinh đều được nhập Niết bàn. Bồ Tát tuy độ vô lượng vô số chúng sinh như vậy, nhưng phải không thấy mình có một chúng sinh nào được độ. Tại sao vậy? Nếu Bồ Tát còn thấy có mình độ và chúng sinh được độ, tức là Bồ Tát còn chấp bốn tướng (ngã, nhân, chúng sinh và thọ giả) thì không phải là Bồ Tát” (Mục 3).

Trong tất cả các đề mục giảng giải cho Tu Bồ Đề nói trong Kinh Kim Cương, Đức Phật luôn luôn nói đến : Bồ Tát độ chúng sinh không nên chấp tướng, Bồ Tát bố thí không nên chấp tướng (Mục 5). Nào là: Phải an trụ chân tâm, không nên chấp thấy thân tướng của Phật là thấy được Phật và Phật giảng giải cho rõ ràng rằng: “Phàm cái gì có hình tướng đều là hư vọng, nếu các ông thấy các pháp (tướng) đều hư vọng, đều không thật (phi tướng) tức là thấy được Như Lai” (Mục 7). Đức Phật còn dạy “Các thầy Tỳ Kheo phải biết giáo pháp của ta cũng như chiếc đò, đưa người qua sông; các ông không nên trụ chấp nơi giáo pháp.Chánh pháp còn không nên trụ chấp huống chi là phi pháp” (Mục 10).

Rồi một loạt các ý tiếp theo trong Kinh Kim Cương, Đức Phật nêu các vấn đề phá chấp như: Phật phá cái chấp “Như Lai có thành Phật và thuyết pháp?” (Mục 11). Nào là: “Bốn quả Thanh Văn, không nên chấp mình có chứng quả !” (Mục 14). Nào là Phật phá cái chấp “Bồ Tát thật có làm trang nghiêm cõi Phật ?” (Mục 16). Rồi phá cái chấp “Như Lai có thuyết pháp ?” (Mục 23), phá cái chấp “Thật có vi trần và thế giới?”, rồi dạy: “Tu Bồ Ðề! Như Lai nói các vi trần, không phải thật vi trần, chỉ tạm gọi là vi trần. Như Lai nói thế giới, không phải thật là thế giới, chỉ tạm gọi là thế giới” (Mục 24), lại phá cái chấp “Thấy 32 tướng tốt của Phật là thấy Phật” (Mục 25)...

Nếu kể ra đây thì trong 69 đề mục Phật nói trong Kinh Kim Cương đều là phá cái chấp. Bởi vì Phật luôn nói : “Bồ Tát đừng sinh vọng tâm trụ chấp một nơi nào cả. Nếu Bồ Tát tâm còn trụ chấp một nơi nào, thì không phải thật an trụ chân tâm”.

Phatgiao-org-vn-Nhat-thiet-duy-tam-tao-ung-vo-so-tru-nhi-sanh-ky-tam1

Thật vậy, ta lại điểm các mục ở vào giữa và cuối bản Kinh Kim Cương, ta thấy ở mục 31, Phật dạy: “Tu Bồ Ðề! Như Lai nói Bát Nhã là đệ nhất Ba La Mật, không phải Bát Nhã là đệ nhất Ba La Mật, thế mới thật Bát Nhã đệ nhất Ba La Mật”.

Ở mục 32, Phật phá cái chấp Nhẫn Nhục Ba La Mật như sau: “Tu Bồ Ðề! Như Lai nói người nhẫn nhục Ba La Mật (rốt ráo) mà không thấy mình nhẫn nhục Ba La Mật, như thế mới thật là nhẫn nhục Ba La Mật”. Ở mục 61, Phật còn nói bài kệ để phá cái chấp thấy Phật bằng sắc tướng, nghe Phật bằng âm thanh:

Nhược dĩ sắc kiến ngã

Dĩ âm thanh cầu ngã

Thị nhân hành tà đạo

Bất năng kiến Như Lai

Dịch:

Nếu thấy ta do sắc

Cầu ta do âm thanh

Người ấy hành tà đạo

Không thể thấy Như Lai

Đặc biệt, ta thấy Phật phá cái chấp về bốn quả Thanh văn rằng không nên chấp mình có chứng quả, như sau:

Phật hỏi: “Tu Bồ Ðề! Nếu vị Tu Ðà Hoàn tự nghĩ rằng: Tôi đã đạt quả Tu Ðà Hoàn, nghĩ như thế có được không?”

Tu Bồ Ðề thưa: “Bạch Thế Tôn! Không thể được. Tại sao vậy? Vị Tu Ðà Hoàn, phải không còn thấy mình có chứng quả Tu Ðà Hoàn, thế mới thật là chứng quả Tu Ðà Hoàn”.

Phật hỏi: “Tu Bồ Ðề! Nếu có vị Tư Ðà Hàm tự nghĩ rằng: Tôi đã đạt quả Tư Ðà Hàm, nghĩ như thế có được không?”.

Tu Bồ Ðề thưa: “Bạch Thế Tôn! Không thể được. Tại sao vậy? Vị Tư Ðà Hàm, phải không còn thấy mình có chứng quả Tư Ðà Hàm, thế mới thật là chứng quả Tư Ðà Hàm”.

Phật hỏi: “Tu Bồ Ðề! Nếu có vị A Na Hàm tự nghĩ rằng: Tôi đã đạt quả A Na Hàm, nghĩ như thế có được không?”

Tu Bồ Ðề thưa: “Bạch Thế Tôn! Không thể được. Tại sao vậy? Vị A Na Hàm phải không còn thấy mình có chứng quả A Na Hàm, thế mới thực là chứng quả A Na Hàm”.

Phật hỏi: “Tu Bồ Ðề! Nếu có vị A La Hán tự nghĩ rằng: Tôi đã đặng quả A La Hán, nghĩ như vậy có được không?”

Tu Bồ Ðề thưa: “Bạch Thế Tôn! Không thể được. Tại sao vậy? Vị A La Hán, phải không còn thấy mình có chứng quả A La Hán, thế mới thật là chứng quả A La Hán. Nếu còn thấy mình chứng quả A La Hán tức là còn trụ chấp (dính mắc) về bốn tướng: ngã, nhân, chúng sinh và thọ giả, thì không phải thật chứng A La Hán. Bạch Thế Tôn! Cũng như con đây, vì con không còn chấp mình có tu chứng, nên mới được Như Lai chứng nhận: Tu Bồ Ðề đã đạt pháp Tam muội vô tránh, Tu Bồ Ðề là người ưa tu hạnh tịch tịnh (A Lan Na), Tu Bồ Ðề là vị A La Hán ly dục thứ nhất. Trong chúng, Tu Bồ Ðề là hơn hết. Bạch Thế Tôn! Nếu con nghĩ (chấp) rằng: Con đã đạt quả A La Hán, con là vị A La Hán ly dục thứ nhất... thì Ðức Như Lai không chứng nhận và không khen ngợi con như vậy”.

Rõ ràng toàn bộ bản Kinh Kim Cương đều toát lên một điều là Đừng trụ chấp vào đâu mà sinh ra tâm. Từ những điểu răn dạy trong Kinh Kim Cương ấy, cho ta hiểu phàm những gì có tướng đều là hư vọng, kể cả Phật, Pháp, quả vị Vô thượng Chính đẳng giác... đều còn nằm trong trạng tướng khi tâm chúng sinh phân biệt, chấp trước vào đó. Nên khi đã hiểu câu Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm thì người tu hành phải thấy là không được trụ vào bất kỳ đối tượng nào, dù đó là Quả vị Giác ngộ Tối thượng Bồ đề. Khi đã nhận chân được thực tướng các pháp (mọi sự vật, hiện tượng) đều là phi tướng rồi thì ta phải hàng phục tâm, không để cho tâm chạy theo hay dính mắc với trần cảnh, trụ tâm ở chỗ không chấp, không vướng mắc, giữ tâm thanh tịnh, tự tại trước sự sinh diệt, khổ đau vô thường của cuộc đời.

Sự phá chấp này của Đức Phật cho chúng ta thấy rằng một khi tâm ta còn chấp ngã và chấp pháp, thì không thể nào vào được quả “Vô thượng Chính đẳng giác”. Vì vậy, hàng phục được tâm phân biệt vọng động chính là ta đang trụ tâm và do đó hàng phục tâm cũng chính là an trụ chân tâm.

Rõ ràng khi tâm ta không trụ vào đâu cả thì Phật tính tự nhiên hiển lộ và ta cảm thấy Phật tính phát sinh ra, kể cả không trụ vào tướng Phật. Điều đó trong Kinh Kim Cương, Đức Phật đã nhiều lần nhắc đến (Mục 7, mục 25, mục 53, mục 60, mục 61 rồi mục 64).

Giá trị vi diệu của câu Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm 2

Hiểu được ý nghĩa của Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm, người học Phật sẽ có những lợi lạc vô cùng:

1. Khi hiểu rõ được, người học Phật không bị kẹt vào bất kỳ đối tượng nào để sinh tâm thanh tịnh, dù đối tượng đó là Phật, là Pháp, là Vô thượng Chính đẳng giác.

Không trụ tướng Phật mà sinh tâm vì trong ta sẵn có Phật tính. Phật tính vốn vô sinh, mà nói là sinh bởi vì khi đó tâm ta không trụ vào đâu cả, không trụ vào tướng Phật, thì ngay lúc đó Phật tính hiển lộ.

Không trụ tướng Pháp mà sinh tâm vì “thuyết pháp là không có pháp để thuyết mới gọi là thuyết pháp”. Đối với những đối tượng chưa có khả năng thấy được tính không thì Đức Phật tùy duyên vận dụng vô số phương tiện, ngôn từ giảng giải chính pháp, giúp chúng sinh tiếp cận chân lý. Nên pháp Phật chỉ là phương tiện đưa chúng sanh đến bờ giác ngộ. Chính vì vậy mà đức Phật từng phát biểu “trong 49 năm ta không nói một lời nào”.

Không trụ tướng Quả vị Vô thượng Chính đẳng giác mà sinh tâm vì pháp Vô thượng Chính đẳng giác là chân như, là Phật tính, vốn không sinh không diệt, không đi không tới, không mất, cũng không còn. Nếu ta chấp có pháp Vô thượng Chính đẳng giác để chứng đắc thì không lẽ pháp Vô thượng Chính đẳng giác có sinh có diệt sao? Pháp Vô thượng Chính đẳng giác có đắc và không đắc thì đâu còn là pháp Vô thượng Chính đẳng giác vì pháp Vô thượng Chính đẳng giác từ xưa nay nó vẫn y nguyên như vậy, không mất, không còn, không sinh, không diệt nhưng vì do chúng sinh bị vô minh che lấp nên không nhận ra đó thôi.

2. Trong đời sống thực tế, nếu mọi người trong xã hội hiểu và thực hành câu Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm của Kinh Kim Cương thì sẽ không còn bi quan và lo sợ trước những biến đổi của cuộc sống mà sẽ có một thái độ sống tự tin, làm chủ bản thân trước mọi hoàn cảnh.

Trong cuộc sống, ta thường thấy khổ đau, những đấu tranh trong xã hội, hận thù, rồi chiến tranh tàn phá cuộc sống. Tất cả là do con người ta còn tham đắm sắc tài danh lợi, ngũ dục lục trần. Vì còn chấp ngã, cái “ta” và cái “của ta” luôn luôn ngự trị trong cuộc đời vì thế họ chẳng bao giờ thỏa mãn với những gì mình có, hạnh phúc lại như cái bóng khi họ vừa chạm tay vào nó, nó liền tuột mất, nhường chổ cho khổ đau xâm chiếm.

Vì vậy, nếu tâm không chấp ngã thì lòng tham không tồn tại, sẽ không có những thủ đoạn lọc lừa, những toan tính tàn ác ngự trị. Và khi đó câu Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm của kinh Kim cương, sẽ là liều thuốc giá trị cho cuộc sống làm cho con người ta thanh thản, lạc quan yêu đời. Họ sống với thái độ tự tin, làm chủ bản thân trước mọi hoàn cảnh. Thái độ sống xả ly trong tỉnh giác ấy không phải là sự trốn chạy hay buông lơi mà thể hiện tinh thần theo như lời Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm.

Tóm lại, Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm là tinh thần cốt lõi của Kinh Kim Cương, một bản kinh được xem là trọng yếu của Phật giáo Đại thừa. Trong bản kinh này, Đức Phật tuy đề cập đến nhiều điều rộng lớn khác, nhưng hầu như toàn bộ kinh chỉ để nói lên yếu lĩnh cần có để an trụ chân tâm và hàng phục vọng tâm. Muốn thế hành giả không nên trụ chấp vào bất kỳ đối tượng nào dù đó là Phật, là Pháp hay quả vị Vô thượng Chính đẳng giác. Muốn thế hành giả phải thấy mọi sự vật và hiện tượng là hư ảo, là huyễn, là vô thường, vô ngã, không bị lạc vào đường chấp ngã mà phải nỗ lực thực hành sao cho chân tâm vô trụ, an nhiên tự tại. Cái an nhiên tự tại chính là tâm thanh tịnh, là tâm không vướng mắc, là tâm “đối cảnh vô tâm” trong bài thơ kệ Cư trần lạc đạo của vua Trần Nhân Tông:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,

Cơ tác san hề khốn tắc miên

Gia trung hữu bảo, hưu tầm mịch

Đối cảnh vô tâm, mạc vấn thiền

Dịch thơ:

Ở đời vui đạo cứ tùy duyên,

Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền

Của báu trong nhà, tìm đâu nữa

Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền

Có thể nói rằng câu Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm là kim chỉ nam không chỉ giúp cho các hành giả đi theo con đường tu hành tỉnh giác, an trụ chân tâm để bước tiếp, nhanh chóng đạt thành chính quả tới bờ giác ngộ giải thoát, mà còn giúp cho các Phật tử nói chung có công năng chuyển hóa cái tâm để không bi quan trong cuộc sống, tự tin vượt mọi khó khăn trong mọi hoàn cảnh.

Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm từ gần hai thiên niên kỷ nay đã trở thành câu có ý nghĩa vi diệu gắn liền với cuộc đời tu hành của những người học Phật.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Chung quanh vấn đề vãng sanh

Nghiên cứu 20:00 21/11/2024

Tất cả chúng sanh, nếu không được sanh về cõi Phật, tất nhiên sẽ phải đọa vào ác đạo, không trước thời sau. Nếu muốn sanh về cõi Phật, đương nhiên là phải niệm Phật. Đó là một sự thật tất nhiên không thể phủ nhận.

Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa

Nghiên cứu 13:32 21/11/2024

“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.

Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông

Nghiên cứu 14:05 20/11/2024

Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân l‎ý.

Tiếc là con người chỉ có hai tay

Nghiên cứu 08:20 19/11/2024

Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.

Xem thêm