Càng hiểu rõ pháp Nhân Duyên, càng giúp đoạn trừ dần khổ đau. Như lý tư duy hệ thống 12 CPND không những giúp người học Phật giải thích được nhiều trạng thái tâm sinh lý phức tạp của bản thân, mà còn tuệ tri được các sự vật hiện tượng bên ngoài một cách khách quan đúng đắn.
XIII. Quán ‘Trực Tiếp’ Pháp 12 CPND
Căn cứ vào hệ thống Nhân Duyên, theo cách quán này, tùy từng trường hợp, từng đối tượng cụ thể mà mỗi chi phần đều được quán xét như nguyên nhân trực tiếp gây ra khổ đau.
- “Sầu, bi, khổ, ưu, não do ái sinh ra, hiện hữu từ nơi ái”, Kinh Ái Sinh (TB2, 87 = [So.24.2]).
- “Sinh y là nguồn gốc của đau khổ”, Kinh Ví Dụ Con Chim Cáy (TB2, 66 = [Sb.16.8]).
- “Này Ānanda, Ta nói rằng khổ do duyên mà sinh. Do duyên gì? Do duyên xúc. Nói như vậy là đáp đúng lời Ta tuyên bố, không xuyên tạc Ta không đúng sự thật, và một vị đồng pháp nào có muốn cật vấn, cũng không tìm được lý do để chỉ trích”, (TƯ2, 32, tr.66 =[U.51.24.6]).
Không những mỗi chi phần là nguyên nhân của khổ đau mà bản thân mỗi chi phần là một nỗi khổ thực sự. Theo cách quán trực tiếp, không phải đợi tới chi phần thứ 12 là già-chết mới thấy khổ, mà từng chi phần phải được quán xét cụ thể: Vô minh là khổ, hành là khổ, xúc là khổ, thọ là khổ, ái là khổ, sinh là khổ… tạo nên toàn bộ khối khổ uẩn. Xin nhắc lại, thấy khổ, biết nguyên nhân khổ và đoạn diệt các khổ đau là tư duy của trí tuệ, chứ không phải bi quan yếm thế.
- “Này Sunakkhatta, Ta nói ví dụ này với mục đích làm sáng tỏ ý nghĩa. Nghĩa ở đây như sau:
Vết thương, này Sunakkhatta, là đồng nghĩa với sáu xúc xứ (phassayatana); thuốc độc, này Sunakkhatta, là đồng nghĩa với vô minh; mũi tên, này Sunakkhatta, là đồng nghĩa với ái; vật dụng dò tìm, này Sunakkhatta, là đồng nghĩa với niệm; con dao, này Sunakkhatta, là đồng nghĩa với Thánh trí tuệ. Vị y sĩ giải phẫu, này Sunakkhatta, là đồng nghĩa với Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác.
Thật vậy, này Sunakkhatta, Tỳ-kheo tự mình phòng hộ đối với sáu xúc xứ, nghĩ rằng: "Sinh y (Upadhi) là căn bản của khổ", sau khi biết như vậy, vị ấy trở thành vô sinh y, giải thoát nhờ đoạn diệt sinh y. Vị ấy còn trú thân của mình trên sinh y hay để tâm đến sinh y, sự tình như vậy không xảy ra” Kinh Thiện Tinh (TB3, 105 = [Sb.20.12]).
- Hành là khổ: “Này Ānanda, chỗ nào có thân, do nhân thân tư niệm, thời nội thân khởi lên lạc khổ. Chỗ nào có lời nói, này Ānanda, do nhân khẩu tư niệm, thời nội thân khởi lên lạc khổ. Chỗ nào có ý, này Ānanda, do nhân ý tư niệm, thời nội thân khởi lên lạc khổ” (TƯ2, 37, tr.75 = [U.51.25]).
- Sáu Xứ là khổ: “Hỡi các vị Tỳ-kheo, Chính sáu xúc xứ này, Chỗ nào không thâu nhiếp, Chỗ ấy có đau khổ. Những ai học biết được, Chế ngự phòng hộ chúng, Với lòng tin làm bạn, Sống thoát ly dục vọng” (TƯ5, tr.122).
- Thọ là khổ: “Này các Tỳ-kheo, có ba cảm thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này các Tỳ-kheo, lạc thọ cần phải được xem như là khổ. Khổ thọ cần phải được xem như là mũi tên. Bất khổ bất lạc thọ cần phải được xem như là vô thường” (Kinh Phật Thuyết Như Vậy, It 47 = [Iti.53]).
“Cái gì được cảm thọ, cái ấy nằm trong đau khổ” (TƯ2, 50 = [Su.34.7.13]).
- Sinh là khổ: Ngài Xá-lợi-phất nói với du sĩ Sàmandakàni, “Này Hiền giả, tái sinh là khổ, không tái sinh là lạc. Khi có tái sinh, này Hiền giả, chờ đợi là khổ này: Lạnh, nóng, đói, khát, đại tiện, tiểu tiện, xúc chạm với lửa, xúc chạm với trượng, xúc chạm với kiếm. Cho đến bà con và bạn bè, khi gặp nhau, hội ngộ với nhau cũng não hại.” (TC X:65, tr.400 = [I.10.65])…
Bài kinh ‘Hai Pháp Tùy Quán’ là minh chứng cụ thể cho cách quán trực tiếp mỗi chi phần của hệ thống Nhân Duyên là khổ và đoạn diệt khổ bằng ly tham dục:
“…Này các Tỳ-kheo, phàm có những thiện pháp nào thuộc bậc Thánh có khả năng hướng thượng, đưa đến giác ngộ; này các Tỳ-kheo, đối với các thiện pháp thuộc bậc Thánh có khả năng hướng thượng đưa đến giác ngộ ấy do lý do gì các Thầy nghe những pháp ấy? Này các Tỳ-kheo, các Thầy có thể được hỏi như vậy, các Thầy có thể trả lời cho những người câu hỏi ấy như sau: "Vì muốn có như thật trí đối với hai pháp". Và nếu các Thầy nói: "Thế nào là hai?". - "Ðây là khổ, đây là khổ tập", đây là tùy quán thứ nhất. "Ðây là khổ diệt, đây là con đường đưa đến khổ diệt", đây là tùy quán thứ hai.
Này các Tỳ-kheo, như vậy do Tỳ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp, không có phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, được chờ đợi là một trong hai quả sau đây: Ðược chánh trí ngay trong hiện tại, và nếu có dư y, chứng quả Bất hoàn.
Này các Tỳ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau: "Có thể có chân chánh tùy quán hai pháp, theo một pháp môn khác không?" Các Thầy cần phải trả lời: "Có thể có". Có thể có như thế nào? "Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên sinh y… do duyên vô minh… do duyên hành… thức… xúc… thọ… ái… thủ…”, đây là tùy quán pháp thứ nhất. "Do sự đoạn diệt, ly tham, các sinh y… vô minh… hành… thức… xúc… thọ… ái… thủ… không có dư tàn, khổ không có hiện hữu", đây là tùy quán thứ hai…” (Tóm lược kinh (Sn 139), Kinh Tập, Tiểu Bộ 1)
Trong từng trường hợp cụ thể người học Phật đều có thể vận dụng nhận thức cách quán trực tiếp từ mỗi chi phần của hệ thống Nhân Duyên và tìm ra những nguyên nhân và cách đoạn diệt khổ đau.
Ví dụ nhìn thấy cảnh một cô gái bị kẻ sở khanh lừa gạt khiến sầu bi than khóc, nguyên nhân cũng vì ‘ái là khổ’. Gặp cảnh hai người không ưa nhau, gặp mặt là công kích nói xấu nhau, có thể nói ngay ‘xúc là khổ’. Thấy một tu sĩ khổ hạnh ép xác, hành hạ xác thân: nguyên nhân cũng chỉ vì chấp thủ tà kiến, tà giới là khổ… Nhưng nguyên nhân đầu tiên và trên hết cũng chỉ vì ‘vô minh là khổ’. Thấy khổ và nguyên nhân của khổ là bước đầu tiên để thoát khổ!
Như vậy bản thân mỗi chi phần là một nỗi khổ tạo ra toàn bộ khối khổ uẩn của 12 CPND. Sẽ rơi vào sai lầm về nguyên tắc khi cho rằng chỉ cần đoạn diệt một chi phần là toàn bộ khối khổ uẩn đoạn diệt. Cần nhắc lại trong các bài kinh Phẩm Nhân Duyên, kinh Những Căn Bản Trí (S.ii,56 = [U.51.33]) thuộc Tương Ưng Bộ và kinh Chánh Tri Kiến, Trung Bộ 1, trước sau đều chỉ rõ nguyên tắc phải đoạn diệt từng chi phần một theo đúng lộ trình của Tám Chánh Đạo.
Có thể tạm hình dung sự diệt tận khổ đau của hệ thống Nhân Duyên giống như việc phải đốn chặt 12 cây lớn có nhựa độc mọc thành hàng trước cửa một ngôi nhà, nhằm giúp căn nhà đó thoát khỏi sự âm u và nguy hiểm. Muốn vậy, trước hết cần phải tạo một mặt bằng thích nghi cho công việc. Dựa trên mặt bằng thích nghi đó, các công việc cần làm phải được thực thi đúng hướng, đúng cách thức. Và cuối cùng là giai đoạn hoàn mãn công việc.
Căn bản của tiến trình này là dùng dụng cụ tối ưu để cưa dần từng cây theo chiều thích ứng, thích hợp. Khi mọi việc đã chuẩn bị xong, chỉ cần đẩy cho cây thứ nhất ngã đổ đè lên cây thứ hai, thứ ba, thứ tư… cho đến cây cuối cùng. Tiến trình này giống như sự ngã đổ liên tiếp theo chiều như ý của các quân bài domino dựng liền nhau.
Tiến trình này nằm trong nội dung của Tam Vô Lậu học: Giới - Định - Tuệ. Mặt bằng thích ứng là Thánh Giới Luật Pātimokkha. Các công việc cần làm là Thánh Định Uẩn. Kết quả hoàn mãn là Thánh Tuệ Uẩn. Các dụng cụ tối ưu dùng để hạ đổ các cây theo chiều thích hợp chính là Tám Chánh Đạo. Cú đẩy mạnh mẽ làm ngã đổ cây thứ nhất ‘vô minh’ và các cây kế tiếp chính là ‘Tam Minh’, được thực hiện bằng Chánh Định tức Bốn Thiền - Bốn Thánh Định.
Sự phá đổ hoàn toàn, xảy ra trong giây lát và khoảnh khắc ‘tích tắc’ đó, chính là ba canh trong đêm đức Thế Tôn giác ngộ giải thoát. Đương nhiên, việc chuẩn bị và chặt đốn từng cây thì không hoàn toàn như thế.
“Cũng vậy này các Tỳ-kheo, trong Pháp và Luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình. Này Paharada, vì rằng trong Pháp và Luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình. Này các Tỳ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ nhứt. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỳ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này” (Ud 51 = [Uda.45]).
“Này Bharadvaja, chính nhờ luyện tập, tu tập và hành tập nhiều lần, chân lý mới được chứng đạt. Cho đến như vậy, này Bharadvaja, là chứng đạt chân lý, cho đến như vậy, chân lý được chứng đạt, cho đến như vậy, chúng tôi chủ trương sự chứng đạt chân lý” (Kinh Canki, TB2, 95 = [So.28.16]).
Thật vậy, ở ngoài đời, để đạt được bằng cấp kỹ sư, bác sĩ cũng phải mất năm năm, bảy năm; đạt được giáo sư tiến sĩ phải mất nhiều thời gian hơn; huống hồ ở đây là chân lý của đạo giải thoát. Tất nhiên có một vài trường hợp cá biệt đạt được các học vị ngoài đời với thời gian ngắn hơn. Thế nhưng nếu có ai đó nói rằng chỉ cần vài chiêu thức đơn giản thôi là có thể ‘thoát nhiên bừng ngộ’ đạt được các học vị đó ngay liền, hẳn người có trí phải xem xét kỹ lưỡng các ‘giá trị’ của các học vị ấy, và xem kẻ nói có phải là hạng đại vọng ngữ, thích khoa trương để câu khách hay không.
Mới nghe người khác khoác lác vài câu đã vội tin, sớm muộn gì những người cả tin cũng sẽ bị lường gạt. Ngoài đời đã vậy, trong đạo cũng không khác, nhất là đối với đạo giải thoát. Người học Phật càng phải thận trọng nhiều hơn, nếu không, họ đã không giải thoát thì chớ mà còn phải đọa vào địa ngục vì tội tà kiến.
Đến đây người học Phật hãy vận dụng nhận thức về 12 CPND để tự giải mã các đoạn kinh sau đây và trả lời vài câu hỏi gợi ý nhằm phát triển tư huệ của mình.
A/ “Một rễ, hai phương diện, Ba uế, năm môi trường,
Biển lớn, mười hai họa, Vực xoáy bậc Thánh siêu”
(Bài kinh “Một Căn Rễ”, TƯ1, 32 = [Vd.8.44]).
Câu hỏi thảo luận:
1) Chi phần nào của hệ thống Nhân Duyên có hai phương diện và được sinh khởi từ chi phần căn rễ gì?
2) Chi phần nào có ba pháp bị cấu uế? Năm môi trường là gì và ba cấu uế có liên hệ như thế nào với nó?
3) Biển lớn gì? Mười hai họa gì? Giải thích và chứng minh.
4) Bậc Thánh siêu thoát khỏi vực xoáy nào?
B/ “- Trên gì thế gian sinh?
Trên gì được giao tiếp?
Thế gian chấp trước gì?
Trên gì đời khổ não?
- Trên sáu, thế gian sinh,
Trên sáu, được giao tiếp,
Thế gian chấp trước sáu,
Trên sáu, đời khổ não”
(Bài kinh “Ðời (Thế gian)”, TƯ1, 41 = [Vd.8.70]).
Câu hỏi thảo luận:
1) Các chi phần nào của hệ thống Nhân Duyên có sáu pháp? Trong đó:
2) Do sáu pháp nào thế gian sinh khởi? Giải thích, chứng minh?
3) Dựa trên sáu pháp gì các chúng sinh trong thế gian giao tiếp được với nhau?
4) Thế gian chấp trước sáu pháp nào? Giải thích, chứng minh?
5) Do y cứ trên sáu pháp gì khiến đời khổ não? Giải thích, chứng minh?
C/ Các câu hỏi khác:
1) Trong 12 CPND có hai ‘xúc’: xúc thuộc Danh - Sắc và xúc do sáu xứ. Hai xúc này khác nhau như thế nào? Ý nghĩa quan trọng của sự phân định này là gì? Nếu Xúc diệt dẫn đến thọ diệt ==> ái diệt ... ==> sinh diệt ==> già chết diệt, vậy một tù nhân bị biệt giam không có duyên tiếp xúc, nên xúc của họ cũng diệt, ==> thọ diệt ==> ái diệt... vì thế họ sẽ được giải thoát luân hồi? Chắc chắn là không đơn giản như vậy! Giải thích theo Thánh lý Nhân Duyên như thế nào?
2) Trong 12 CPND có hai ‘thọ’: thọ thuộc Danh - Sắc và thọ do xúc. Hai thọ này khác nhau như thế nào? Nhận thức được sự khác biệt này có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong sự tu tập?
3) Trong phạm vi gia đình thọ khổ dẫn đến ái rất dễ hiểu, nhưng trong phạm vi xã hội thọ khổ sẽ dẫn đến hận thù. Ví dụ một ông vua tàn ác, gây đau khổ cho dân chúng, tất sẽ tạo hận thù trong dân chúng. Trong trường hợp này phải giải thích thọ dẫn đến ái như thế nào?
XIV. Thay lời kết - Vài gợi ý vận dụng nhận thức pháp Nhân Duyên trong đời sống và tu tập
Không thể xác định hết được những giá trị thực tiễn của Thánh Lý 12 CPND trong việc giải trừ khổ đau. Trong bài kinh Kalara (TƯ2, 50, tr.93 = [Su.39.7]) liên quan đến Nhân Duyên, đức Phật đã tái khẳng định và chấp nhận lời của ngài Xá-lợi-phất khi Tôn giả cho rằng nếu đức Thế Tôn có hỏi Ngài về ý nghĩa pháp giới ấy (Dhammadhātu) trọn bảy đêm, bảy ngày với những văn cú sai khác, với những pháp môn sai khác, thời Ngài cũng có thể trả lời trọn vẹn suốt bảy đêm, bảy ngày.
Trong toàn bộ hệ thống giáo pháp của đức Thế Tôn thể hiện trong kinh tạng Nikāya, chỉ cần với một Thánh lý 12 CPND cũng đủ chứng minh cho giáo pháp của Phật là “sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa có văn hoàn toàn đầy đủ”. Thánh lý 12 CPND lý giải từ những vấn đề ở mức độ vi mô đến cả vĩ mô, từ những niệm tưởng vi tế của con người cho đến các mối quan hệ phức tạp với môi trường bên ngoài, trong đời hiện tại lẫn qua mọi kiếp luân hồi.
Càng hiểu rõ pháp Nhân Duyên, càng giúp đoạn trừ dần khổ đau. Như lý tư duy hệ thống 12 CPND không những giúp người học Phật giải thích được nhiều trạng thái tâm sinh lý phức tạp của bản thân, mà còn tuệ tri được các sự vật hiện tượng bên ngoài một cách khách quan đúng đắn.
Mỗi người học Phật cần trang bị cho mình những hiểu biết cơ bản, từ đó tự mình vận dụng lý Nhân Duyên để có thể tự giải nghi trước các sự kiện mà vì không thấu rõ giáo pháp này nên “chúng sinh hiện tại bị rối loạn như một ổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babaja (ba-ba-la) không thể nào ra khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sinh tử”.
Dưới đây là vài trường hợp điển hình và vận dụng lý 12 CPND để giải thích như một gợi ý thêm về tính thiết thực hiện tại của thánh lý Nhân Duyên.
Nhạc sĩ T. bị mắc bệnh viêm gan siêu vi. Ông phải trải qua nhiều đợt chữa trị dài ngày với các loại thuốc đặc trị khiến tinh thần sa sút chán nản, đến độ có lúc thoáng có tư tưởng tự sát. Khi bệnh viện tiến hành thử nghiệm thứ thuốc mới, ông đã tình nguyện tham gia. Trong thời gian điều trị theo dược liệu mới, vào một buổi sáng, lúc vừa thức giấc, ông bỗng ‘nghe’ trong đầu có tiếng nói của ai đó giục ông xuống nhà bếp lấy con dao đâm vào ngực chết đi cho xong.
Ông T. liền báo sự kiện kì lạ đó cho các bác sĩ điều trị. Sau khi được bác sĩ tâm lý kiểm tra, ông vẫn được tiếp tục thử nghiệm bằng loại thuốc mới. Tuy biết tâm lý mình chưa đến mức gây nguy hại, nhưng ông T. vẫn phân vân lo lắng vì không hiểu tiếng nói ấy từ đâu mà ra. Dầu vậy, may mắn thay, cuối cùng căn bệnh viêm gan của ông cũng được chữa lành và ông trở lại cuộc sống an vui như trước.
Tuy nhiên, ở đây, vấn đề cần được hiểu và giải thích là âm thanh vang lên bên tai ông T. do đâu mà có? Không ít người cũng từng gặp trường hợp tương tự, thậm chí vì không tự giải thích được hiện tượng trên nên dẫn đến bị ám ảnh hoang mang sợ hãi, hoặc lại rơi vào mê tín dị đoan khiến tiền mất tật mang. Có khi tâm bệnh này còn phát triển gây ra những hậu quả trầm trọng đáng tiếc như trầm cảm, tự tử hoặc giết người thực sự.
Trường hợp của ông T. dĩ nhiên là do tưởng gây ra. Nói đúng hơn là ông đã bị thanh tưởng (tưởng về âm thanh) ám ảnh. Sự hình thành thanh tưởng nơi ông T. căn cứ vào 12 CPND có thể giải thích như sau:
Như đã được biết, trong chi phần Danh thuộc nội pháp gồm có Thọ, Tưởng, Tư, Xúc, Tác ý. Trong đó Tưởng được phân thành sáu loại khác nhau: sắc tưởng, thanh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, xúc tưởng và pháp tưởng (TƯ3, 58 = [Ve.7.56.13]). Sáu tưởng này gọi chung là tưởng thức hay tưởng uẩn - tức là sự nhận thức, nhận biết của tâm nhưng không liên hệ trực tiếp bởi năm căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân).
Ví dụ khi ta nằm mộng có thể ‘thấy’ và ‘nghe’ người thân đã khuất đi lại nói chuyện, đó là sắc tưởng và thanh tưởng hoạt động; hoặc khi ta tưởng nhớ mùi và vị của thức ăn hấp dẫn đó là hương tưởng, vị tưởng lưu xuất; hoặc hồi tưởng sự chạm xúc êm ái, đây được gọi là xúc tưởng… Nói chung tất cả sự nhận biết của tâm không liên hệ trực tiếp bởi các giác quan đều nằm trong thế giới của tưởng.
Lúc ông T. vừa thức giấc, tâm của ông vẫn còn ở trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh, ngái ngủ mơ màng chưa tỉnh hẳn, do đó tưởng thức của ông vẫn còn hoạt động. Vốn là một nhạc sĩ nên thanh tưởng của ông T. trội hơn các loại tưởng khác, và âm thanh mà ông T. ‘nghe’ được chính là từ tiềm thức của ông lưu xuất ra (thức duyên cho danh- sắc).
Tiềm thức này do đâu mà có? Cũng theo 12 CPND tiềm thức ‘đen’ này do duyên hành tạo nên. Nói rõ hơn, khi một thầm ý dù là thoáng qua trong đầu của ông T nghĩ về tự tử thì ý hành này sẽ không mất đi mà được lưu trữ dưới dạng tiềm thức. Hơn hai ngàn năm trăm năm trước đức Thế Tôn đã khuyến cáo về điều này:
“Này các Tỳ-kheo, nếu không có tư niệm, không có tư lường nhưng nếu có thầm ý (canuseti), cái ấy trở thành sở duyên cho thức an trú. Khi nào sở duyên có mặt thời thức có an trú. Do thức ấy an trú, tăng trưởng, nên trong tương lai, tái hữu sinh khởi. Do sinh khởi tái hữu có mặt trong tương lai, nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sinh khởi. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này” (TƯ2, 65 = [U.51.38])
Theo lý Duyên Khởi, tiềm thức này được an trú, tăng trưởng mạnh hay yếu là do các Hành lập đi lập lại nhiều hay ít; và khi nhân duyên có đủ tiềm thức này sẽ thể hiện thành Danh-Sắc. Vì trong Danh có các trạng thái của tưởng, do đó thanh tưởng ‘muốn tự sát’ của ông T. được tạo ra từ chính tiềm thức ‘muốn tự sát’ của ông, và tiềm thức này cũng do ý hành ‘muốn tự sát’ mà có.
Và như vậy thực sự ông T. đã ‘nghe được tiếng nói’ của chính ông chứ không một ai khác (những tác ý trong trạng thái của tưởng, trong kinh Nikāya gọi là ‘tưởng tác ý’).
Qua trường hợp của ông T. có thể nhận thức thêm: một ý hành bất thiện, dù là thoáng qua, nhưng nếu không biết đoạn trừ thì chúng chỉ tạm ‘biến xuất’ khỏi tâm chứ không ‘biến mất’ hoàn toàn. Những ý nghiệp này thực sự vẫn luôn tồn trữ trong tiềm thức của chúng ta, trong kinh văn gọi là các pháp ‘tùy miên’ hay các pháp ngủ ngầm. Khi hữu duyên, chính những tiềm thức tùy miên này trổi dậy và trở thành quả dị thục làm hại chính bản thân mình trước nhất. Các thân hành và khẩu hành bất thiện dù là nhỏ nhiệm cũng đều như vậy.
Ngược lại một ý hành thiện lành là cơ sở cho một sinh hữu an vui an lạc, đúng như kinh Pháp Cú đã dạy: “Ý dẫn đầu các pháp. Ý làm chủ, ý tạo. Nếu với ý thanh tịnh, Nói lên hay hành động, An lạc bước theo sau, Như bóng, không rời hình” (PC 2).
Chính vì thế nên pháp Như Lý Tác Ý là một trong những pháp rất quan trọng của đạo Phật mà mỗi người phật tử cần hiểu rõ để thực hành tích cực nhằm cứu khổ cho chính mình.
Và đương nhiên cũng không có gì khó hiểu, nếu cùng với ý hành thiện thì thân hành thiện và khẩu hành thiện cũng là nguồn an lạc ngay trong hiện tại lẫn tương lai dưới nhiều hình thức, kể cả trong các trạng thái của tưởng.
Do vậy trong kinh điển Nikāya, đức Thế Tôn luôn căn dặn các Tỳ-kheo phải thấy nguy hiểm ngay trong những lỗi nhỏ nhặt, cũng như những quả báo khổ đau không tránh khỏi trong đời này hoặc đời sau, do tư niệm bất thiện:
“Ta tuyên bố rằng, này các Tỳ-kheo, các nghiệp đã tư niệm, đã làm, đã tích tập, nếu không cảm thọ (kết quả) thời không có chấm dứt, dầu kết quả ấy sinh khởi ngay trong đời hiện tại hay trong đời sau.
Ta tuyên bố rằng, này các Tỳ-kheo, các nghiệp đã tư niệm, đã làm, đã tích tập, nếu không cảm thọ (kết quả), thời khổ không có thể chấm dứt được” (TC X:206, tr.617 = [I.10.206]).
Như đã nói ở trên, những hệ quả của tưởng rất phổ biến, xảy ra hầu như cho tất cả mọi người dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Chính vì không hiểu rõ sự vận hành tâm lý này nên không ít người đã bị rơi vào tình trạng hoang mang, sợ hãi có hại. Từ đây những chứng bệnh về tâm lý có thể diễn biến trầm trọng hơn như trầm cảm, u uất, tâm thần, thậm chí tự tử.
Liên quan đến các vấn nạn trên, có một căn bệnh thời đại đang ngày càng phổ biến khiến không ít người quan tâm. Đó là ngày càng có nhiều người mắc chứng bệnh khiến họ có thể hoạt động hoặc làm việc một cách vô thức ngay trong khi ngủ, đến khi tỉnh dậy họ mới hay biết, ví dụ như gọi điện thoại, gửi tin nhắn, làm vi tính hoặc ăn uống…
Căn bệnh mới này cũng giống như bệnh mộng du, nhưng những sự hoạt động và mức độ ảnh hưởng của nó phức tạp hơn nhiều, khiến với những kiến thức về y học hiện đại cũng khó có thể giải thích cho tường tận. Tuy nhiên vấn đề này sẽ trở nên rõ ràng và dễ hiểu hơn với Thánh lý 12 CPND.
Thật vậy, như được biết, theo mối quan hệ tương tác hai chiều giữa Thức và Danh - Sắc, thì Sắc thân con người không chỉ tác động qua lại với sáu Thức, mà nó còn tác động qua lại với cả chi phần Danh cũng thuộc tâm, bao gồm Thọ, Tưởng, Tư, Xúc, Tác ý.
Điều này có nghĩa khi con người đang ‘ngủ’ dù sáu Thức cũng được xem như ‘ngủ’, thế nhưng nếu Danh vẫn còn hoạt động thì chi phần này vẫn có thể tác động qua lại với Sắc thân trong trạng thái vô thức.
Nói rõ hơn khi con người đang ngủ, dù (sáu) Thức vắng mặt thế nhưng con người vẫn có thể cảm thọ, niệm tưởng, tư duy, cảm xúc và tác ý ngay trong các giấc mơ hoặc trạng thái tưởng của mình. Đồng thời các trạng thái tâm này cũng có thể tác động qua lại với cả Sắc thân.
Lúc này nếu (tưởng) tác ý được phát triển mạnh mẽ, nó vẫn có thể khiến sắc thân của người ấy hoạt động một cách ‘bình thường’ như khi còn tỉnh thức. Mộng du, mộng tinh, mớ ngủ là những ví dụ điển hình. Và như vậy việc con người có thể nhắn tin, gọi điện thoại, làm vi tính, ăn uống… một cách vô thức ngay trong khi đang ngủ là điều không có gì khó hiểu.
Khi đã hiểu rõ sự tác động qua lại giữa Hành, Thức và Danh-Sắc như vậy, việc chữa trị đúng nguyên nhân chính yếu sẽ giúp đạt được kết quả tốt hơn. Người bệnh phải biết luyện tập đúng phương pháp nhằm tiến tới làm chủ dần lối sống còn bị ảnh hưởng nhiều bởi bản năng.
Vì chính những Thân hành, Khẩu hành, Ý hành hàng ngày cùng với Thức và Danh-Sắc, chúng đều có ảnh hưởng qua lại với nhau không chỉ lúc con người tỉnh thức mà còn trong khi đang ngủ, khi thân hoại mạng chung, ngay ở hiện tại lẫn ở tương lai lâu dài.
Ví dụ một người thường xuyên bị kích thích bởi những phim ảnh, quảng cáo về các thức ăn uống sẽ khiến cho ý thức về ăn uống bị tăng trưởng. Nếu người này không tỉnh giác đoạn trừ ‘ý thức ham ăn uống” để nó trở thành “tiềm thức ham ăn uống’; thì đến một lúc nào đó dù họ đã ngủ, họ vẫn sẽ bị tác động.
Bởi lẽ lúc ban ngày, dù người này có ý thức tỉnh táo để kềm chế hành vi ăn uống; thế nhưng ban đêm, khi người này ngủ, Tiềm thức lại không thể kềm chế dễ dàng, trái lại nó sẽ hoạt động theo bản năng không được luyện tập của nó.
Do vậy, khi ngủ, tiềm thức về bản năng ăn uống (dù chay hay mặn) trổi dậy và lưu xuất vào trong các giấc mơ; hoặc thậm chí nếu tưởng tác ý mạnh mẽ, nó vẫn có khể khiến cho sắc thân một người đi đến nhà bếp ăn uống một cách ‘bình thường’ dù trong vô thức. Cho nên người này dù có tích cực theo chế độ kiêng ăn nghiêm túc, thế nhưng không hiểu sao cứ tăng cân đều đặn.
Riêng đối với người học Phật còn phải ghi nhớ thêm một nguy hiểm hơn nữa, đó là theo Thánh lý 12 CPND, Nghiệp thức ‘đen’ về bản năng ‘đoàn thực’, và những chấp thủ giới sai lầm về ăn uống, cũng là những sợi dây nguy hiểm cột trói các chúng sinh trong sinh tử luân hồi.
Chính vì thế, ngay từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước, đức Thế Tôn một mặt nhắc nhở các vị Tỳ-kheo phải biết tu tập quán tưởng ‘nhàm chán đối với các món ăn’ (cả chay lẫn mặn), đồng thời Ngài cũng thường xuyên lên án lối ăn trai giới kham khổ vô trí của ngoại học. Cả hai cực đoan về ăn uống: tham thực và khổ hạnh, đều là những nguyên nhân dẫn đến khổ đau ngay trong hiện tại lẫn cả tương lai lâu dài.
Người học Phật phải có tri kiến đúng đắn về ‘đoàn thực’ (cả chay lẫn mặn) mới chặt đứt một sợi dây nguy hiểm cột trói mọi loài chúng sinh trong sinh tử luân hồi. Muốn vậy, các phật tử phải y cứ ‘mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu’ theo đúng Thánh Kinh Nikāya và Thánh Luật Pātimokkha để biết rõ đức Phật và các vị Thánh tăng A La Hán đã dạy và đã thọ thực như thế nào.
Được vậy, những lý luận của người đời sau về việc ẩm thực dù có mê ly đến đâu, dù có ra vẻ ‘từ bi’ vĩ đại nhường nào, nhưng nếu trái ngược với hai Thánh Căn Cứ Địa này, người học Phật hãy tỉnh táo từ bỏ ngay, cho dù người nói có tự xưng hay được nhiều người xưng tụng là ‘Phật sống’, ‘Phật gia’, ‘Tam Minh A-la-hán’, ‘Vô Thượng Sư’, ‘Bồ-tát’ tái sinh, hay ‘Thánh tăng’ gốc Bà- la-môn vĩ đại.
Bởi lẽ, thực ra chỉ có duy nhất đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni mới đủ thẩm quyền ấn chứng cho người khác các danh hiệu này. Đáng tiếc thay, Ngài đã nhập Niết Bàn từ hơn hai mươi lăm thế kỷ trước nên không ai có đủ tư cách xác chứng cho ai là ‘Tối thượng sư’, ai là Bồ-tát, trừ khi họ là những kẻ quá mạn hoặc tin theo lời đồn.
Hơn thế nữa nếu những người được xưng tụng và kẻ xưng tụng đời sau không thận trọng với sự lạm xưng này, cả hai đều vô tình hoặc cố ý làm hại cho Phật Pháp. Vì sao? Vì những kẻ gian trá cũng biết bắt chước theo đây tự xưng tụng và xưng tán lẫn nhau để đánh lừa người khác, từ đó gây ra biết bao tổn hại cho đạo pháp.
Nói như thế không có nghĩa đời sau không có các bậc tăng bảo, và các phật tử không được tán thán những vị chân tu đáng kính trọng; thế nhưng mỗi người cần ghi nhớ kỹ lời Phật dạy:
“Hãy học các dòng nước
Từ khe núi vực sâu
Nước khe núi chảy ồn
Biển lớn động im lặng.
Cái gì trống kêu to
Cái gì đầy yên lặng
Ngu như ghè vơi nước
Bậc Trí như ao đầy.”
(Kinh Nalaka, kệ 720-721, Sn131).
Và điều quan trọng hơn hết vẫn là lời của các vị ấy “Nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật, thời các Thầy có thể kết luận: "Chắc chắn những lời này là lời dạy của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác và các Trưởng lão ấy đã thọ giáo chơn chánh”!
Căn cứ theo Phương pháp luận nghiên cứu khách quan khoa học về phân cấp thứ tự các tài liệu kinh văn, thì những tri kiến về thọ dụng đoàn thực nói riêng và tri kiến về Phật pháp nói chung nếu không y cứ nơi Thánh Kinh Nikāya và Thánh Luật Pātimokkha cấp I, tất sẽ dễ rơi vào các hý luận nguy hiểm của kẻ ngụy biện đời sau để rồi xa lìa với Chánh Phật Pháp, mãi mãi chìm đắm theo tám đường tà đạo của vô minh.
Người học Phật càng hiểu Thánh Lý Nhân Duyên đến đâu, càng nhận thức được ý nghĩa trên đến đó, từ đây càng thêm chánh tín nơi Thánh Kinh Nikāya và Thánh Luật Pātimokkha. Người học Phật có được chánh tín đúng đắn, sẽ có được chánh tri kiến đúng đắn nhờ vậy mới có thể giải thoát khổ đau hoàn toàn.
Bên cạnh đó với những ai đã hiểu được mối quan hệ Nhân Duyên giữa các chi phần, giữa Thức và Danh Sắc, sẽ không còn phân vân hoài nghi trước những hiện tượng được xem là “thần bí”, thế nhưng thực chất chỉ là những sản phẩm của tưởng uẩn do chính mình tạo ra.
Những trạng thái thể hiện của thế giới tưởng rất đa dạng, nhiều khía cạnh, nhưng chung quy chỉ trong phạm vi của sáu loại tưởng: sắc tưởng, thanh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, xúc tưởng và pháp tưởng.
Một tu sĩ, tùy theo pháp môn tu tập và đặc tính riêng của mình, khi rơi vào định tưởng có thể ‘thấy’ những hiện tượng ‘siêu nhiên’ như hào quang, hình bóng, đốm lửa, ánh sáng hoặc làn khói trắng, vàng, xanh, đỏ… Các hiện tượng này được gọi là sắc tưởng.
Vị tu sĩ ấy cũng có thể ‘nghe’ cả tiếng nói của vị Thần thánh mà mình ngưỡng mộ, ấn chứng cho mình chứng đạo hoặc mặc khải cho mình làm giáo chủ đúng với những gì mình mong ước bấy lâu, đây gọi là thanh tưởng. Hoặc vị hành giả cứ duy trì tâm đơn thuần trên hơi thở sẽ đến lúc có cảm tưởng như hơi thở nhỏ nhiệm dần rồi biến mất, đây chỉ là xúc tưởng…
Cùng một người nhưng có những trạng thái tưởng khác nhau, điều này nằm trong khái niệm mà kinh Nikāya gọi là “thân đồng nhất, tưởng sai biệt”.
Cũng có khi nhiều thân nhưng chỉ có một tưởng: “Này các Tỳ-kheo, có những loài hữu tình thân sai biệt, tưởng đồng nhất” (TC IX:24 = [I.9.24]). Đây là trường hợp nhiều người nhưng có cùng một tưởng giống nhau.
Ví dụ trong một gia đình, những người còn sống vì quá thương nhớ một người thân đã khuất, thường nhắc đến tên người ấy, nên các ý hành và khẩu hành giống nhau này sẽ khiến cho những người còn sống, đến một lúc nào đó, đều có thể ‘gặp’ được người đã mất trong các giấc mộng hoặc các trạng thái tưởng của mình.
Cũng vậy, nếu một nhóm người cùng mến mộ, ao ước, nhắc tên, nhớ nghĩ đến cùng một người hoặc một điều gì, và như vậy đương nhiên tưởng thức của họ khi lưu xuất ra sẽ có những sự trùng hợp giống nhau về con người ấy hoặc sự việc ấy.
Tất cả những biểu hiện nêu trên, trong Kinh Pháp Môn Căn Bản (TB1,1 = [U.3]), được xếp vào phạm vi của tưởng tri và đều có thể tuệ tri giải thích minh bạch rõ ràng với Thánh lý 12 CPND.
"Pháp thí, thắng mọi thí
Pháp vị, thắng mọi vị
Pháp hỷ, thắng mọi hỷ
Ái diệt, dứt mọi khổ"
(PC. 354)
Tỳ kheo Pani Giới Pháp Trích trong
Giải mã Hệ thống Pháp nhân duyên Thánh lý Cứu khổ (HẾT)
-
TIN, BÀI LIÊN QUAN: