Thứ tư, 21/01/2015, 09:49 AM

Giáo dục tôn giáo hướng ra xã hội ở Sài Gòn trước năm 1975

Đúng ra, chỉ nói giáo dục tôn giáo là đủ, không cần cụm từ hướng ra xã hội. Vì trước năm 1975 và đối với các tôn giáo khác, giáo dục tôn giáo mặc nhiên là giáo dục phục vụ cho đối tượng rộng rãi ngoài xã hội. 

Chỉ giáo dục tu sĩ, giáo dục chủng viện là cần phân biệt riêng. Nhưng hiện nay, đối với Phật giáo Việt Nam, giáo dục tôn giáo lại chỉ là giáo dục nội bộ, giáo dục tu sĩ, giáo dục tự viện. Vì vậy, phải bổ sung cụm từ hướng ra xã hội vào từ giáo dục cho rõ nghĩa và điều này chỉ có tác dụng đối với Phật giáo hiện nay khi khái niệm giáo dục tôn giáo được hiểu theo hướng không có lợi cho Phật giáo Việt Nam.

Chính cách hiểu giáo dục tôn giáo có phần hạn hẹp tự giới hạn mình như vậy đã khiến Phật giáo Việt Nam luôn thua sút trong hoạt động giáo dục hướng ra xã hội, dù Phật giáo luôn tự nhận mình là tôn giáo có số lượng tín đồ hàng đầu ở Việt Nam.

Bài viết này tìm hiểu cục diện giáo dục tôn giáo hướng ra xã hội ở Sài Gòn trước năm 1975.

Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ suy thoái qua nhiều thế kỷ (thế kỷ XV-XIX) không hề có khái niệm giáo dục hướng ra xã hội. Không những thế, giáo dục tự viện cũng gần như  thui chột, chỉ huấn luyện người tu sĩ hoạt động cúng bái.
 
Giáo dục tôn giáo hướng ra xã hội chỉ có ở Sài Gòn khi đạo đạo Ca tô La Mã du nhập. Vì giáo dục trong đạo Ca tô La Mã được coi là một hoạt động tôn giáo, vì vậy, giáo dục hướng ra xã hội của đạo Ca tô La Mã gắn liền với việc hình thành các địa vị tôn giáo đạo Ca tô La Mã, mà họ đạo đầu tiên là Chợ Quán, ngày nay vẫn còn trường học cạnh bên. Đây là giai đoạn trước khi Pháp xâm lược Việt Nam.

Khi Pháp chiếm Sài Gòn, nhiều họ đạo đạo Ca tô La Mã được thành lập, với số giáo dân ở Sài Gòn lúc đó đã lên đến 27000 người. Họ đạo lớn nhất là Tân Định, cũng có trường học ở liền kề.

Giai đoạn phát triển mạnh, lên đến cao điểm của giáo dục hướng ra xã hội của đạo Ca tô La Mã ở Sài Gòn là từ năm 1954, sau cuộc di cư. Đây cũng là thời kỳ Phật giáo Việt Nam bắt đầu có nhận thức đúng đắn hơn về giáo dục hướng ra xã hội với hệ thống trường Bồ Đề. Tuy nhiên, sự phát triển của hệ thống trường Bồ Đề là không đáng vào đâu so với hệ thống trường của đạo Ca tô La Mã.

Nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục tôn giáo hướng ra xã hội ở Phật giáo dường như chỉ tập trung vào một số thành phần lãnh đạo Phật giáo, tức là giới tu sĩ tinh hoa, trí thức. Nhận thức như vậy không có ở đông đảo tu sĩ và tín đồ.

Trong khi đó, nhận thức giáo dục hướng ra xã hội gắn liền với hoạt động tôn giáo là nhận thức được quán triệt trong toàn thể tu sĩ và số đông tín đồ đạo Ca tô La Mã.

Vì vậy, ở Sài Gòn, hệ thống trường học do đạo Ca tô La Mã được hình thành từ nhiều đơn vị tổ chức khác nhau.

Phổ biến nhất là trường do các giáo xứ thiết lập. Đây là cơ sở bộ phận của nhà thờ xứ, nằm bên cạnh nhà thờ giáo xứ, nhưng cũng có thể coi là trong khuôn viên của cụm kiến trúc tôn giáo cơ sở. Loại trường này thường là trường tiểu học, nhưng cũng có nhiều nơi gồm cả trung học. Trường của giáo xứ thường có chất lượng trung bình, phục vụ học sinh trong gia đình có đạo Ca tô La Mã ở địa phương, thực hiện chủ trương biệt lập giáo dục của đạo Ca tô La Mã. Vì vậy, không có nhiều các gia đình không có đạo Ca tô La Mã ít khi cho con em theo học các trường giáo xứ.

Loại trường học của đạo Ca tô La Mã có chất lượng cao là trường do các dòng tu chuyên về giáo dục đảm nhiệm, mà đáng kể nhất là trường do dòng tu Lasan mở, mà ở Sài Gòn là các trường Lasan Taberd, Lasan Hiền Vương. Những trường này được coi là đỉnh cao chất lượng giáo dục, không những ở Sài Gòn, mà là cả miền Nam Việt Nam.

Những trường tôn giáo có chất lượng thu hút không chỉ học sinh theo đạo Ca tô La Mã, mà còn cả học sinh các tôn giáo khác. Vì vậy, đây là công cụ cải đạo rất quan trọng. Các trường này không gắn liền với nhà thờ mà thường nằm trong cơ sở các dòng tu, đương nhiên cũng là một bộ phận của cơ sở đạo Ca tô La Mã.

Ở giữa 2 loại trường ở 2 đầu mút chất lượng giáo dục này, đạo Ca tô La Mã ở Sài Gòn có nhiều dạng trường trung gian:

- Trường do các dòng tu nhưng không chuyên về giáo dục như dòng Lasan. Có thể kể đến trường Regina Mundi (do các nữ Kinh sĩ Thánh Augiestinô), trường Regina Pacis (do các nữ tu Bác Ái Thánh Vinh Sơn), trường Thánh Tô Ma (do Linh mục dòng Đa Minh)… (xem phụ lục của bài viết).

- Trường do các cơ quan khác của đạo Ca tô La Mã thành lập, như trường Đồng Tiến do Nha Tuyên úy Công giáo Quân đội Sài Gòn.

- Trường tư thục do các linh mục thành lập.

Chất lượng giáo dục của những loại trường này khác nhau, có phần ngang với mặt bằng chung, trung bình của giáo dục tư thục tại miền Nam trước năm 1975.

Sự đa dạng của các trường học do đạo Ca tô La Mã thành lập và điều hành tại Sài Gòn trước năm 1975 cho thấy giáo dục hướng ra xã hội không chỉ là một chủ trương của Giáo hội Ca tô La Mã từ trên xuống, mà đó là hoạt động toàn đạo gắn liền với hoạt động tôn giáo ở nhiều cấp, với nhiều dạng quản lý, phong phú về hình thức. Quy mô của các trường do đạo Ca tô La Mã điều hành đều khá lớn đến rất lớn như Lasan Laberd, Đồng Tiến, nhưng cũng có dạng trường tư thục nhỏ.

Dạng trường tư thục nhỏ (chật hẹp, không có sân lớn) là loại trường phổ biến trong loại trường Bồ Đề của Phật giáo Sài Gòn. Các trường Bồ Đề ở quận 1, 10, 11… đều ở cấp quy mô này, nên thường chất lượng không cao, học phí nhẹ cho các gia đình lao động gặp khó khăn.

Tại Sài Gòn, Phật giáo không có loại trường chất lượng cao, học phí cao dành cho con em các gia đình giàu có, tầng lớp trên của xã hội, muốn được hưởng nền giáo dục chọn lọc, đẳng cấp, chú trọng giáo dục ngoại ngữ, chuẩn bị cho học sinh học đến bậc cao nhất, trở thành trí thức tinh hoa, giai tầng đẳng cấp cao trong xã hội.

Trong 40 năm qua, dù không được tham gia hoạt động giáo dục xã hội ở cấp học trên mẫu giáo, nhưng đạo Ca tô La Mã tại Việt Nam vẫn kiên trì cho mục tiêu giáo dục hướng ra xã hội và ngày càng có những chuẩn bị tích cực hơn.

Giáo dục mầm non đạo Ca tô La Mã hiện nay đã phát triển đến mức cao hơn rất nhiều so với giai đoạn trước 1975. Phụ lục kèm theo bài viết này không nhắc gì đến giáo dục mầm non của đạo Ca tô La Mã trước 1975 cho thấy bước phát triển lớn hiện nay của hoạt động giáo dục mầm non của đạo Ca tô La Mã. Bước phát triển này vừa là kết quả của việc bị giới hạn trong hoạt động giáo dục hướng ra xã hội ở các cấp học cao hơn, nhưng cũng vừa là kết quả những nhận thức mới đối với giáo dục mầm non, trong đó, ngày càng xem trọng hiệu quả của giáo dục mẫu giáo, trong đó có tác động tôn giáo.

Tỷ lệ hoạt động giáo dục hướng ra xã hội của Phật giáo hiện nay ở cấp mầm non so với giáo dục hướng ra xã hội của đạo Ca tô La Mã cùng cấp là phản ánh mới việc thua kém giáo dục hướng ra xã hội Phật giáo so với giáo dục hướng ra xã hội của đạo Ca tô La Mã có từ trước năm 1975.

Hiện nay, dù chỉ có ở cấp học mầm non, những giáo dục tôn giáo hướng ra xã hội đã có tác động quan trọng trong việc cải đạo, định hướng tôn giáo cho học sinh. Vì vậy, khi giáo dục tôn giáo hướng ra xã hội được mở rộng lên những cấp cao hơn, thì tình hình cải đạo tín đồ Phật giáo bằng giáo dục sẽ có bước nhảy vọt.

Vì thế, Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo Tp.HCM nói riêng cần có những nhận thức mới về giáo dục hướng ra xã hội, có những bước chuẩn bị tích cực hơn, vì mục tiêu hoằng pháp và hộ pháp.

Dưới đây chúng tôi xin trích giới thiệu tư liệu về giáo dục tôn giáo hướng ra xã hội của đạo Ca tô La Mã tại Sài Gòn trước năm 1975, từ sách “Thiên chúa giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh” của tác giả Nguyễn Nghị, Khổng Thành Ngọc, Hoàng Minh Thức, nxb Tổng hợp TPHCM – Nxb Văn hóa Sài Gòn xuất bản năm 2007, trang 87: 

“Trước 1975 các tu sĩ và linh mục ở thành phố tham gia hoạt động giáo dục văn hóa như thế nào?

Tại Sài Gòn trước năm 1975, có khá nhiều trường học do các tu sĩ và Linh mục Công giáo thành lập và điều khiển. Trường Taberd (Nguyễn Du, nay là Lý Tự Trọng), được thành lập từ cuối thế kỷ XIX và hoạt động tới năm 1975, do các sư huynh Học đường Ki tô giáo phụ trách, trường Trung học Nguyễn Bá Tòng tọa lạc tại 73-75 Bùi Thị Xuân, được thành lập từ năm 1956, đào tạo các học sinh từ sau tiểu học tới các lớp Tú tài II (tức từ đệ VII tới đệ I, theo cách tính trước năm 1975). Trường có khu học riêng biệt cho nam và cho nữ sinh. Các lớp học từ đệ VII đến đệ Nhất cũng tổ chức riêng biệt. Trường Trung học Lê Bảo Tịnh, tọa lạc tại ngã ba Lê Văn Sĩ và Trần Huy Liệu hiện nay, do Linh mục Trịnh Việt Yên thành lập năm 1956, được đổi mới hoàn toàn từ năm 1963 với ban Giám đốc gồm ba Linh mục, trong đó Linh mục Thanh Lãng giữ chức vụ Giám đốc, Linh mục Phan Du Vịnh làm hiệu trưởng và Linh mục Bùi Bằng Hiến làm tổng giám thị. Trường Đồng Tiến, sau chợ cá Trần Quốc Toản cũ, Sài Gòn, do Nha Tuyên úy quân đội cũ thành lập, trường Đức Minh, Thủ Đức, Gia Định cũ, do các Linh mục gốc giáo phận Bắc Ninh phụ trách, trường Đắc Lộ, xã Tân Sơn Nhì, Sài Gòn, do Linh mục Vũ Khánh Tường phụ trách, trường Nguyễn Duy Khang, Thị Nghè, trường Thánh Tô ma, Lê Văn Sĩ, do các Linh mục dòng Đa Minh, chi Philippin điều khiển, Cứu thế Học Đường, Kỳ Đồng, do các Linh mục dòng Chúa Cứu Thế phụ trách…

Các trường dành cho Nữ sin: Trường Saint-Paul, đường Tôn Đức Thắng hiện nay, do các nữ tu Thánh Phao lô de Chartres, mang tu phục màu trắng, phụ trách, do đó cũng còn được gọi là trường Nhà trắng. Trường đã được thiết lập từ giữa thế kỷ XIX, trường Regina Mundi, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa hiện nay của các Nữ Kinh sĩ Thánh Augustinô, trường Regina Pacis, Tú Xương, do các nữ tu Bác ái thánh Vinh Sơn phụ trách, trường Thánh Linh, Phan Văn Trị, Chợ Quán, do các nữ tu dòng Mến thánh giá Chợ Quán điều khiển, trường Thiên Phước, nhà thờ Tân Định, Sài Gòn, do các nữ tu Thánh Phao lô de Chartres phụ trách. Ngoài ra, tại hầu hết các giáo xứ, thường là bên cạnh nhà thờ, các Linh mục đều có xây trường tiểu học, chủ yếu dành cho con em trong giáo xứ.

Cũng tại Sài Gòn, vào những năm đầu thập niên 70, một trường đại học lấy tên là Minh Đức do các Linh mục Bạch Văn Lộc và Bùi Quang Diệm, thuộc dòng Chúa Cứu Thế, cùng với một số người khác thành lập và điều khiển.

Tất cả các trường này đều không phân biệt học sinh Công giáo hay không và đều đã hoạt động tích cực cho tới năm 1975. Một số trong các trường này đã là những trường nổi tiếng của Sài Gòn”.

Minh Thạnh

TIN, BÀI LIÊN QUAN:



CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Cuốn sách sáng tỏ những đóng góp của Phật giáo với dân tộc

Sách Phật giáo 17:16 18/12/2024

Cuốn sách “Phật giáo với dân tộc: Từ thời nhà Lý đến nay” do Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành, đã khái quát vai trò của Phật giáo thời Lý, đồng thời khẳng định những giá trị của Phật giáo.

Tu không phải để thành tiên, thành Phật

Sách Phật giáo 09:31 12/12/2024

Sách “Con đường chuyển hóa” tập trung vào cách để mọi người tu tâm và tu trí - hai mục đích cốt lõi của người tu theo đạo Phật.

Thiền như một Phật tử

Sách Phật giáo 10:07 11/12/2024

Vì sao những doanh nhân, người nổi tiếng gần đây lựa chọn thiền? Họ không nhất thiết là tín đồ Phật giáo, thiền vẫn tuôn chảy vào cuộc sống, giúp họ quét sạch tâm trí và cân bằng cảm xúc.

Thượng toạ Thích Đức Thiện đồng chủ biên sách về Phật giáo

Sách Phật giáo 09:31 08/12/2024

Sách "Phật giáo với dân tộc: Từ thời nhà Lý đến nay" do Thượng toạ Thích Đức Thiện và thạc sĩ Nguyễn Thái Bình đồng chủ biên, góp phần đánh giá những đóng góp của Phật giáo với sự phát triển dân tộc từ thời nhà Lý.

Xem thêm