Giáo dục xã hội: Mục tiêu quan trọng của giáo dục Phật giáo
Gần 10 năm trở lại đây, hoạt động tiếp nhận và nuôi dạy trẻ em mồ côi, cơ nhỡ trong các trung tâm từ thiện xã hội của Phật giáo tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực, giải quyết kịp thời các vấn đề nhân đạo cấp bách của cộng đồng.
Phật giáo hiện đại đang vận dụng và phát huy cao độ vai trò giáo dục có từ thời Lý – Trần và giáo dục xã hội chính là mục tiêu quan trọng của giáo dục Phật giáo.
Biện pháp bền vững và lâu dài.
Hoạt động giáo dục trẻ em, đặc biệt là nhóm trẻ em yếu thế, có tác động trực tiếp đến sự phát triển chung của xã hội không chỉ vì trẻ em là nguồn nhân lực tương lai của đất nước, mà còn vì cha mẹ các em cũng đang là nguồn nhân lực trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội.
Mặt khác, trí tuệ và hành vi xã hội của một đứa trẻ vốn dĩ được hình thành trong những năm đầu đời và trong quá trình đến trường. Do vậy các tác động sư phạm đúng đắn đối với lứa tuổi này sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện, đúng hướng, làm nền tảng cho sự phát triển suốt giai đoạn về sau.
Nhận thức tầm quan trọng của hoạt động giáo dục xã hội sẽ bù đắp một phần hạn chế từ giáo dục gia đình và nhà trường, đồng thời đem lại cơ hội phát triển bình đẳng cho tất cả các trẻ em, các tu sĩ luôn trăn trở về những trẻ em mồ côi, cơ nhỡ, thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần.
Hoạt động tiếp nhận, tổ chức quản lý, nuôi dưỡng, giáo dục các đối tượng trẻ em yếu thế chính là con đường hành đạo nhập thế, hay nói cách khác, giáo dục xã hội là mục tiêu quan trọng của giáo dục Phật giáo. Từ thời trung đại, lịch sử Phật giáo Việt Nam chứng minh rằng, dưới sự bảo bọc của nhà chùa, Lý Công Uẩn từ một đứa trẻ cơ nhỡ đã có cơ hội xuống chiếu dời đô và khai sinh ra một triều đại rực rỡ. Bên cạnh đó, nền giáo dục Phật giáo cũng đóng góp cho dân tộc những vị đạo sư uyên bác, với những màn đối đáp kinh điển đi vào sử sách, làm sứ thần nước bạn phải thán phục.
Trong môi trường giáo dục Phật giáo, các em không những được chăm sóc đầy đủ về thể chất mà còn được học tập theo chương trình giáo dục chính quy, rèn luyện đạo đức xã hội, tiếp cận tinh thần “từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha” bằng những bài học cụ thể, bằng các phương pháp cụ thể xuất phát từ thân – khẩu – ý.
Việc hỗ trợ nhóm trẻ em yếu thế là cách làm bền vững và lâu dài để thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, trong lúc các cơ sở giáo dục công lập chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu xã hội và một bộ phận trẻ em khao khát cắp sách đến trường nhưng không có điều kiện.
Cần phải có phương pháp giáo dục phù hợp
Hầu hết các trẻ em đến với mái trường của nhà Phật đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bị tác động nhiều về tâm sinh lý và chậm phát triển về tinh thần so với các trẻ khác (nhất là ở độ tuổi mẫu giáo). Biểu hiện ban đầu của các em là bướng bỉnh, không nghe lời, hoặc tiêm nhiễm thói hư tật xấu từ môi trường bên ngoài. Việc giáo dục nhân cách cho trẻ vì thế khó khăn hơn gấp nhiều lần.
Ngoài học tập theo chương trình giáo dục quy định, các cơ sở giáo dục Phật giáo nên lấy “thân giáo” làm trọng, thiết kế chương trình cho trẻ “học như thế nào” quan trọng hơn “học cái gì”, tập trung vào việc phát triển đam mê và khả năng tự học của các em.
Giáo dục cho trẻ hiểu không khó bằng giáo dục cho trẻ làm được. Muốn kiến tạo môi trường giáo dục hiệu quả, các cơ sở giáo dục Phật giáo không chỉ bảo đảm chất lượng chương trình, điều kiện vật chất, trang thiết bị… mà đội ngũ giáo viên, giảng sư phải tự biến mình thành “tấm gương” cho trẻ noi theo. Chính lối sống trung thực, tử tế của những người xung quanh góp phần quan trọng dạy trẻ nên người.
Trong mỗi trung tâm từ thiện, theo thường lệ hàng tuần, hàng tháng hay hàng quý, các thầy cô, chư tôn đức tăng ni nên tổ chức giờ sinh hoạt tập thể với tinh thần “trải rộng tấm lòng”. Điều này giúp các em kể lại trải nghiệm của chính bản thân mình, giao tiếp với các thầy cô, hợp tác với bạn bè. Những khoảnh khắc như vậy sẽ giúp trẻ cảm nhận được không khí gia đình, thể hiện được vai trò của bản thân, loại bỏ những mặc cảm tự ti về hoàn cảnh.
Khẳng định và phát huy vai trò của giáo dục tự viện
Sau một chặng đường hình thành và phát triển, những đóng góp của Phật giáo vào công tác giáo dục xã hội thông qua các cơ sở từ thiện đã chứng minh cho việc giáo dục tự viện không chỉ chú trọng đào tạo những bậc tôn giả xuất gia mà còn đào tạo đại chúng trở thành những trí thức Phật giáo, có đầy đủ đức hạnh, nhận thức xã hội và lý tưởng giác ngộ.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận, mỗi tự viện Phật giáo vẫn duy trì những phương thức sinh hoạt, giáo dục và đào tạo riêng. Điều này dẫn đến sự phân hóa trong mức độ giáo dục, yếu tố giáo dục còn mang tính cá nhân và chịu sự ảnh hưởng lớn của người đứng đầu tự viện.
Trong tương lai, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền địa phương cần phải có những đề xuất quy định và chuẩn mực chung để khẳng định và phát huy vai trò của giáo dục tự viện. Chúng ta nên nhìn nhận công tác từ thiện xã hội liên quan đến giáo dục của Phật giáo là một công việc nghiêm túc, quy củ, đòi hỏi sự phối hợp bài bản của một lực lượng chuyên môn và tâm huyết từ bên trong hệ thống tự viện lẫn bên ngoài xã hội.
Nếu như công tác giáo dục chỉ được thực hiện bằng tâm từ bi mà vắng bóng năng lực trí tuệ của khoa học hệ thống, giáo dục sẽ có nguy cơ thất bại khi cung cấp nền tảng kiến thức sai lầm hoặc thiếu sót, làm cho người học nhận thức sai lệnh, xa lạ với môi trường sống xung quanh, từ đó vô tình làm phát sinh thêm nhiều hệ lụy cho con người và xã hội.
Để khắc phục những khó khăn nội tại, hoạt động giáo dục xã hội của Phật giáo cần phải liên kết chặt chẽ với hệ thống giáo dục chính quy, đồng thời phối hợp với các tổ chức giáo dục khác bên ngoài xã hội nhằm học hỏi, cập nhật những chương trình và chuẩn mực giáo dục tiên tiến. Giáo dục tự viện có lợi thế ở uy tín xã hội và khả năng tự chủ cao, cho nên, chúng ta hoàn toàn đủ khả năng mời các chuyên gia hàng đầu về giáo dục, xã hội và tâm lý đến tư vấn và chia sẻ, góp phần làm phong phú thêm hoạt động giáo dục.
Theo: giaoducthoidai.vn
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Sự oán hận của vong hồn thai nhi
Phật giáo và người trẻ 20:00 19/11/2024Theo đạo Phật thì ngay từ khi bắt đầu thụ thai, ý thức, thần thức đã xâm nhập vào bào thai. Bào thai đã là một mầm sống, là một sinh linh cần được nâng niu, bảo vệ.
Đi chùa sám hối?
Phật giáo và người trẻ 08:45 15/11/2024Mưa, Long ngồi trên chiếc võng trước cửa nhà, mắt nhìn ra cổng. Chiều nay, Long có hẹn với bạn gái, hai người sẽ đi chùa sám hối. Đó là thói quen mà mỗi tháng hai lần Long cùng với bạn gái đến chùa Vạn Đức.
Quỹ Vicaris gieo hạt hiểu thương đến 2 học sinh ở Gò Quao
Phật giáo và người trẻ 12:05 10/11/2024Quỹ Bảo trợ giáo dục Vicaris vừa bảo trợ 2 học sinh ở huyện Gò Quao, Kiên Giang - Đại đức Thích Tuệ Đạt, Ủy viên Ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM, chủ nhiệm Quỹ thông tin với Phatgiao.org.vn.
“Đây là lời thật lòng của tôi, người từng ở trong bùn lầy và đã ra khỏi bùn lầy”
Phật giáo và người trẻ 13:45 08/11/2024Người ta có thể phạm rất nhiều lỗi trong đời, nhưng ngàn vạn lần không nên phạm tội tà dâm! Cổ nhân nói: “Vạn ác, dâm đứng đầu!” Nhưng mãi đến hôm nay tôi mới nhận ra uy lực của câu nói này.
Xem thêm