Giáo hội Trúc Lâm dưới sự lãnh đạo của Đệ nhị Tổ Pháp Loa
Sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay là sự kế thừa tinh hoa của Giáo hội Trúc Lâm trong lịch sử, sự nghiệp hoằng truyền chính pháp của Đệ nhị Tổ Pháp Loa vẫn là bài học còn nguyên giá trị, hướng đi cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong lòng dân tộc.
Phật hoàng Trần Nhân Tông đã thực hiện trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo đất nước khi nhường ngôi vua cho Trần Anh Tông và xuất gia, trở thành Đệ nhất Tổ khai sáng Giáo hội Trúc Lâm trên cơ sở thống nhất ba phái thiền: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường. Lần thứ hai Ngài thực hiện trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo là khi trao lại quyền điều hành Giáo hội Trúc Lâm cho Ngài Pháp Loa khi đó còn rất trẻ. Chính sức trẻ, trí tuệ, đạo hạnh chân tu của Tổ Pháp Loa là nền tảng sức sống cho Giáo hội Trúc Lâm phát triển, cả về chiều rộng hệ thống tổ chức và chiều sâu tư tưởng giáo lý Phật giáo, sự nghiệp hoằng dương chính pháp được lan tỏa rộng khắp Đại Việt.
Đôi nét về Tổ Pháp Loa
Tổ Pháp Loa (1284-1330) là Đệ nhị Tổ thiền phái Trúc Lâm, tên húy Đồng Kiên Cương, quê quán thôn Đồng Hòa, hương Cửu La, huyện Chí Linh, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang (nay là huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Ngài là con trai độc nhất của thân phụ Đồng Thuần Mậu và thân mẫu Vũ Từ Cứu. Sách Tam tổ Thực lục chép rằng: mẹ Ngài nằm mộng thấy có dị nhân trao kiếm thần, khi thức giấc, bà biết có thai.
Nhị Tổ Pháp Loa trong sự nghiệp đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc
Sau này, Ngài Pháp Loa sinh vào giờ Mão ngày 17/5 năm 1284 (niên hiệu Thiệu Bảo thứ 6), khi Ngài sinh ra hương thơm lạ bay khắp nhà hồi lâu. Ngài có thiên tư đĩnh ngộ, không nói lời ác [1, tr.37]. Đến năm 1304 (niên hiệu Hưng Long thứ 2), Ngài xuất gia quy y với Đệ nhất Tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông. Ngay khi mới gặp, Đức Điều Ngự đã nhận định đây là bậc pháp khí sau này [1, tr.38]. Ngài được Đức Điều Ngự Đệ nhất Tổ trao truyền y bát làm Đệ nhị Tổ Trúc Lâm và trải qua 26 mùa an cư kết hạ, viên tịch vào ngày mùng 3/3 năm 1330 (niên hiệu Khai Hựu thứ 2), thọ 47 tuổi.
Sự phát triển của giáo hội Trúc Lâm dưới sự lãnh đạo của đệ nhị Tổ Pháp Loa
Cải cách công tác Tăng sự
Năm 1307 (niên hiệu Hưng Long thứ 15), tại am núi Ngọa Vân, Đệ nhất Tổ Điều ngự Trần Nhân Tông đã viết tâm kệ trao truyền y bát cho Ngài Pháp Loa làm nối dõi truyền thừa Trúc Lâm.
Năm 1308 (niên hiệu Hưng Long thứ 16), ngày mùng 1 tháng Giêng, tại Cam Lộ đường chùa Siêu Loại (nay là Gia Lâm, Hà Nội), đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông đã trao chức vụ trụ trì chùa Báo Ân cho Ngài Pháp Loa và truyền tâm ấn phong làm Đệ nhị Tổ Trúc Lâm trước sự chứng kiến của vua Trần Anh Tông, khi đó Ngài mới 25 tuổi. Ngay sau đó, Đệ nhị Tổ Pháp Loa đã thực hiện cải cách công tác Tăng sự để Giáo hội Trúc Lâm thực sự thống nhất về mọi mặt, từ cơ sở tự viện, quản lý Tăng Ni, phương pháp hành trì… của ba dòng thiền trước đó là Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, và Thảo Đường về chung một mối.
Vai trò của nhị Tổ Pháp Loa với Thiền phái Trúc Lâm và văn hoá Việt Nam
Việc đầu tiên, Đệ nhị Tổ Pháp Loa tiến hành là thiết lập trụ sở Giáo hội Trúc Lâm tại chùa Vĩnh Nghiêm ở phủ Lạng Giang hay còn gọi là chùa Đức La (nay là Yên Dũng, Bắc Giang) vào năm 1313 (niên hiệu Hưng Long thứ 21). Tại đây, Ngài đã độ chúng xuất gia trở thành chư Tăng rất đông, đồng thời thực hiện cải cách công tác quản lý Tăng sự. Giáo hội Trúc Lâm đứng đầu là Đệ nhị Tổ Pháp Loa đã thực hiện thống nhất quản lý Tăng Ni theo sổ bộ tăng tịch, bổ nhiệm trụ trì hơn 100 ngôi chùa và phân công chức sự trong Tăng già, bổ nhiệm chức trách đảm đương các Phật sự chung trong toàn Giáo hội. Sách Tam Tổ Thực Lục ghi lại rằng Tổ Pháp Loa đã độ cho hơn 1000 người xuất gia làm sư Tăng. Ngài cũng quy định tổ chức Đại giới đàn độ người xuất gia ba năm/lần, mỗi lần thụ giới cho hàng nghìn hành giả xuất gia [1, tr.44].
Chùa chiền và cơ sở tự viện của các hệ phái, sơn môn (Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, và Thảo Đường) vẫn hành trì theo truyền thống, nhưng về mặt tổ chức thì được Giáo hội Trúc Lâm thống nhất quản lý. Dưới sự lãnh đạo của Đệ nhị Tổ Pháp Loa, chùa tháp được xây dựng ở khắp nơi. Theo sử sách ghi lại,Tính đến năm 1329, Ngài Pháp Loa đã trực tiếp xây dựng các ngôi đại già lam như: chùa Báo Ân, chùa Quỳnh Lâm, năm ngọn tháp và 200 tăng xá. Tại chùa Báo Ân, năm 1314, Ngài đã cho xây 33 cơ sở gồm: Đại hùng bảo điện, tàng kinh các và tăng xá. Tại khu vực Yên Tử, Tổ Pháp Loa đã cho xây dựng am Hồ Thiên, Chân Lạc, Yên Mã, Vĩnh Khê, Hạc Lai… Đồng thời, Ngài còn trùng tu, mở rộng chùa Thanh Mai và chùa Côn Sơn… Không chỉ cho dựng chùa tháp tại vùng Yên Tử, mà Ngài và các đệ tử cũng xây dựng chùa tháp ở khắp vùng Hoa Lư, Ninh Bình, Kinh Bắc…
Hoằng dương Phật pháp, giáo dục và đào tạo Tăng tài
Hoằng dương chính pháp là di sản nổi bật của Phật giáo Trúc Lâm dưới sự dẫn dắt của Đệ nhất Tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ngài đã đi khắp nơi giúp nhân dân hủy bỏ dâm tà, khuyên răn hành mười điều thiện, thể hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo Trúc Lâm [3, tr.237]. Noi gương đó, Đệ nhị Tổ Pháp Loa đã tiếp nối sự nghiệp hoằng truyền Phật pháp sâu rộng trong nhân dân của các vị Tổ sư tiền bối. Đệ nhị Tổ tiếp tục khuyến khích phong trào học Phật pháp lan tỏa rộng khắp, đến cả các vùng thôn quê, làng xóm thông qua phong trào truyền thụ quy y cho đồng bào Phật tử và cả hoàng tộc, quan lại triều đình.
Phật giáo Trúc Lâm phát triển cả ba pháp môn tu tập: Thiền tông, Tịnh độ và Mật tông. Trong giai đoạn đầu, khuynh hướng Thiền -Tịnh song tu khá thịnh hành. Pháp môn niệm Phật đã được vua Trần Thái Tông và Ngài Tuệ Trung Thượng sĩ đề cao cùng với thực hành thiền định. Niệm Phật được xem như là một phương pháp thực hành thiền định, gạn lọc tâm ý, diệt trừ ác nghiệp, loại bỏ vọng tưởng tâm lý, để làm hiển lộ bản tính tức là Phật tính và Đức Phật A Di Đà là pháp thân, là tự tính.
Cuộc đời tu học và hành đạo của Thiền sư Pháp Loa
Dưới sự lãnh đạo của Đệ nhị tổ Pháp Loa, Giáo hội Trúc Lâm rất chú trọng giảng dạy kinh điển, phát triển theo hướng “thiền giáo nhất chi”. Phong trào học Phật được mở rộng và đại chúng hóa. Có thể nhận thấy, các kinh điển Đại thừa nói về tâm pháp ứng dụng trong thiền học là những bộ kinh được giảng giải nhiều trong các pháp hội như: kinh Kim Cương, kinh Lăng Nghiêm, kinh Viên Giác và các bộ lục như: Tuyết Đậu ngữ lục, Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục, Đại Tuệ ngữ lục… Ngoài ra, theo sử sách ghi lại, Ngài Pháp Loa còn thường hay giảng các bộ kinh Niết Bàn, kinh Lăng Già, kinh Pháp Hoa, nhất là bộ kinh Hoa Nghiêm [3, tr.267]. Theo sách Tam Tổ thực lục, năm 1306, lần đầu tiên Ngài Pháp Loa được cử làm chủ giảng tại chùa Siêu Loại. Đến năm cuối đời 1330, Ngài đã làm chủ giảng 18 hội giảng kinh, trong đó có 9 lần giảng kinh Hoa Nghiêm tại các chùa Siêu Loại, Quỳnh Lâm… với hàng nghìn thính chúng trong pháp hội.
Đệ nhị tổ Pháp Loa đặc biệt chú tâm tới sự nghiệp in ấn kinh sách. Đặc biệt là san khắc Đại tạng kinh đã để lại di sản cho Phật giáo Việt Nam. Năm 1311 (niên hiệu Hưng Long thứ 19), Ngài đã phụng chiếu tiếp tục in bộ Đại tạng kinh là Phật sự trọng đại mà Phật hoàng Trần Nhân Tông đã giao phó cho Ngài. Ngài Pháp Loa đã ủy thác cho huynh đệ là Thiền sư Bảo Sát, cùng là đệ tử của Đức Điều Ngự Trần Nhân Tông, trông coi việc khắc in Đại tạng kinh và hoàn thành vào năm 1319. Sách Tam tổ thực lục chép rằng: “Tháng 12 năm Kỷ Mùi (1319), Sư Pháp Loa kêu gọi Tăng chúng và cư sĩ chích máu in Đại tạng kinh hơn 5.000 quyển, để tại viện Quỳnh Lâm” [1, tr.47]. Năm 1322, Ngài cho khắc ván in quyển Tứ phần luật, đến hơn 5.000 bản và mời Quốc sư Tông Kính ở núi Tiên Du cùng Quốc sư Bảo Phác ở núi Vũ Ninh đến chùa Siêu Loại giảng bộ luật này [1, tr.48].
Ngài Pháp Loa đã biên soạn nhiều tác phẩm là những khoa sớ phân tích, đại ý và bình giải về các kinh. Các trước tác của Đệ nhị Tổ Pháp Loa gồm: Tham thiền yếu chỉ (soạn năm 1322 theo yêu cầu của Thượng hoàng Trần Minh Tông. Sau đó Trần Minh Tông ban hiệu cho Ngài Pháp Loa là Minh Giác); Kim Cương tràng đà la ni kinh khoa chú; Niết Bàn đại kinh khoa sớ; Pháp Hoa kinh khoa sớ; Lăng Già tứ quyển khoa sớ; Bát Nhã tâm kinh khoa sớ; Pháp sự khoa văn; Độ môn trợ thành tập; Nhân Vương hộ quốc nghi quỹ. Khoa sớ là sách giáo khoa dùng rộng rãi trong quần chúng Phật tử, nhân dân thúc đẩy phong trào học Phật sâu rộng khắp Đại Việt. Ngoài ra, Ngài còn biên tập Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục và viết bài bạt cho bản in Đại tạng kinh. Tổ Pháp Loa ít sáng tác thơ, hiện còn lại ba bài là: Nhập tục luyến thanh sơn (vào cõi tục tiếc non xanh), Tán Tuệ Trung Thượng sĩ (ca ngợi Tuệ Trung Thượng sĩ) và Thị tịch (Dạy đệ tử trước khi viên tịch) [3, tr.264-265].
Thiền sư Pháp Loa: Một hiện tượng trong Phật giáo Việt Nam
Tăng cường mối quan hệ thân thiết giữa Giáo hội và triều đình
Đệ nhất Tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông đã trao truyền tâm ấn, đặt trọn niềm tin vào đức hạnh, trí tuệ, sức trẻ của Ngài Pháp Loa để phát triển Giáo hội Trúc Lâm. Chính vì vậy, mà Ngài Pháp Loa được giới quý tộc ủng hộ mạnh mẽ, giúp đỡ Ngài trong các Phật sự, điều hành và thực thi nhiệm vụ lãnh đạo Giáo hội. Vua Trần Anh Tông (1293-1314) cung kính vâng theo di chúc vua cha Trần Nhân Tông đối với sự nghiệp phụng đạo tạo đời, phát triển Phật pháp và hết lòng ủng hộ mọi việc hành đạo của Ngài Pháp Loa.
Nền kinh tế Phật giáo dưới thời của Đệ nhị Tổ Pháp Loa, rất vững mạnh nhờ sự giúp đỡ của giới quý tộc, Giáo hội Trúc Lâm đã chủ động được nguồn lực kinh tế phục vụ cho việc xây dựng chùa chiền, in ấn kinh sách và công tác từ thiện. Các chùa được cúng dường khá nhiều ruộng đất. Năm 1308, vua Trần Anh Tông đã cúng 100 mẫu ruộng của hoàng tộc cho chùa Báo Ân. Năm 1312, nhà vua lại xuất vàng bạc, khoảng 50.000 quan giao cho Ngài Pháp Loa bố thí người nghèo. Cùng năm ấy, vua Trần Anh Tông lại khiến những người thân cúng 500 mẫu ruộng tại Niệm Như Trang để Ngài Pháp Loa làm của thường trụ Tam bảo. Năm 1313, vua Trần Anh Tông, theo di chiếu của Đức Điều ngự giác hoàng Trần Nhân Tông lấy những bảo vật thờ tự Tam bảo tại cung Thánh Từ (thân mẫu vua Trần Anh Tông) mà cúng dường vào chùa Báo Ân, lại cúng dường vật liệu xây dựng và cung cấp thợ phu để làm thêm chùa tháp. Cũng năm ấy, Bảo Từ Hoàng Thái Hậu cúng vào chùa Siêu Loại 300 mẫu gia điền. Năm 1315, vua Trần Anh Tông lấy 30 mẫu ruộng của người cung nhân quá cố tên là Phạm Thị ban cho Ngài Pháp Loa làm của thường trụ [1, tr.45].
Tháng 12/1317, Ngài Pháp Loa sáng lập viện Quỳnh Lâm. Quan Tư đồ Văn Huệ Vương Trần Quang Triều là thí chủ cúng 4.000 quan tiền. Nguyễn Trường ở Vân Động đến yết kiến Ngài Pháp Loa cúng 75 mẫu ruộng để làm của thường trụ Tam bảo cho viện Quỳnh Lâm. Năm 1318, Hoa Lư cư sĩ Võ Công cúng 20 mẫu ruộng tại trang trại Hoa Lưu để làm của thường trụ cho viện Quỳnh Lâm. Năm 1319, dân các lộ bị mất mùa, vua Trần Anh Tông xuất của kho riêng 100 lượng vàng và 500 lượng bạc giao cho Ngài Pháp Loa bố thí cho người nghèo đói. Năm 1324, Di Đoan cư sĩ, con trai của Công chúa Nhật Trinh, cúng 30 mẫu ruộng ở phủ Thanh Hoa, Bảo từ Hoàng thái hậu cúng thêm 22 mẫu đất tại phủ An Hoa, Tư đồ Văn Huệ Vương Trần Quang Triều lại cúng 300 mẫu ruộng ở Gia Lâm và hai trang trại ở Đông Gia, An Lưu tất cả hơn 1.000 mẫu và gia nô hơn 1.000 người để làm của thường trụ Tam bảo cho viện Quỳnh Lâm [1, tr.48-50]. Nguồn hoa lợi từ ruộng vườn được cúng dường, ngoài việc duy trì những sinh hoạt và công tác hoằng pháp lợi sanh, còn được sử dụng để cứu tế nhân dân trong những lúc nguy khó, giúp ổn định xã hội bấy giờ.
Tôn giả Pháp Loa: Nhị tổ dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử
Mối quan hệ chặt chẽ với triều đình là nhân tố thúc đẩy sự vững mạnh của Giáo hội Trúc Lâm. Nhằm tăng cường mối quan hệ này, Đệ nhị Tổ Pháp Loa không chỉ củng cố niềm tin cho tầng lớp vua, quan, quý tộc thông qua việc thuyết giảng giáo lý Đức Phật, mà Ngài đã sáng tạo ra phương pháp hành trì tu tập, vận dụng giáo lý vào quản lý xã hội khi soạn bộ Nhân Vương hộ quốc nghi quỹ dành riêng cho vua thực hành Đạo Phật. Có thể nói, đây là thể hiện trí tuệ, tài năng và sức trẻ của Tổ Pháp Loa.
Từ những phân tích trên, có thể khẳng định sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay là sự kế thừa tinh hoa của Giáo hội Trúc Lâm trong lịch sử. Những di sản của Đệ nhị Tổ Pháp Loa trong sự nghiệp hoằng truyền chính pháp, điều hành và phát triển Giáo hội Trúc Lâm thế kỷ thứ XIII vẫn là bài học còn nguyên giá trị, hướng đi cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong lòng dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày nay.
Tài liệu tham khảo:
1. Thích Phước Sơn, Tam Tổ thực lục dịch và chú giải, Nxb TP.HCM 1995.
2. Thích Thanh Kiểm, Khóa hư lục, Nxb TP.HCM 1992.
3. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội 2000.
4. Thơ văn Lý – Trần, Nxb KHXH, Hà Nội 1977.
5. Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb TP.HCM 2005.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần
Nghiên cứu 09:40 15/11/2024Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.
Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Nghiên cứu 09:45 03/11/2024Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...
Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo
Nghiên cứu 09:45 19/10/2024Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.
Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội
Nghiên cứu 09:30 06/10/2024Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.
Xem thêm