Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 01/11/2014, 10:08 AM

Gió mây hóa kiếp (P.1)

Giở lần cho đến trang cuối tập thơ của Thầy Liễu Nguyên, thì cái dụng tâm của Thầy cũng là để thi hóa con đường hạnh nguyện tưởng là lắm gian truân thử thách của người phật tử, nhưng con đường đó là hạnh phúc cũng đầy thi vị.

DUYÊN KHỞI SÁNG TÁC TẬP THƠ

Kính thưa quý vị đọc giả, những triết lý và tư tưởng trong tập thơ này đều chuyển tải một phần những chân lý: Vô thường, Duyên sanh, Vô ngã… và nhiều pháp môn tu đạo giải thoát mà Đức Phật Thích Ca đã từng dạy. Bên cạnh đó còn mang nhiều  tư tưởng pháp quán: Không, Giả, Trung (Trung Đạo) của Bồ Tát Long Thọ (vị tổ sư thứ 14 của Tây Thiên Đông Độ: Thế kỷ 1 và 2) cũng như tư tưởng tổng hợp Đại thừa của Tổ sư Trí Giả (538 – 597), Ngài sáng lập Thiên Thai Tông ở Trung Hoa.

Thêm vào đó còn mang đậm nhiều sắc thái của các thiền sư Việt Nam từ xưa đến nay như: Thiền sư Pháp Thuận (914 – 990), Thiền sư Vạn Hạnh (938 – 1025), Thiền sư Mãn Giác (1052 – 1096) Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308), Thiền sư Hương Hải (1628 – 1715), Tổ sư Liễu Quán (1667 – 1742)… và các  thi hào Phật tử Việt Nam như: Nguyễn Trãi (1380 – 1442), Nguyễn Du (1765 – 1820)… mà Liễu Nguyên thường thích đọc những thi phẩm thiền của Tản Đà (1899 – 1939), Thiền sư Mật Thể (1913 – 1961) và HT.Thích Tuệ Sỹ…dịch nghĩa. Đặc biệt Liễu Nguyên cũng thường sớm đam mê thọ trì những bộ kinh Đại Thừa do HT.Thích Trí Tịnh (1917 – 2014) và Thượng Nhân HT.Thích Trí Quang dịch hay bộ Phật học phổ thông của HT.Thích Thiện Hoa (1918 – 1973), tạng kinh Nikàya và Pàli do HT.Thích Minh Châu (1918 – 2012) dịch, các bộ luận của HT.Thích Thiện Siêu (1921 – 2001) dịch  nên đã thấm nhuần được lời dạy năm xưa của Thế Tôn và chư Tổ sư Bồ Tát.

Như vậy, cơ duyên sâu xa có thể là do túc duyên nhiều đời gần gủi Phật pháp, và kiếp nầy làm người đã được thân phụ hướng dẫn theo anh trai TT. Thích Khánh Chơn xuất gia từ tuổi niên thiếu lúc 11 tuổi. Do trong chùa Phật Học Quảng Trị lúc bấy giờ (1990) có phát hành kinh sách, vốn dĩ đam mê những mẫu chuyện thiền và nguyên cứu Phật pháp nên Liễu Nguyên gần như đã chăm chú đọc hết nhiều sách đó vào những lúc rảnh rỗi hay lúc ngồi trong coi quầy kinh sách. Sau đó được học Trung Cấp Phật Học 7 năm tại chùa Báo Quốc và 4 năm Cao Cấp Phật Học tại Học Viện PGVN tại Hồng Đức – Huế.

Nguyên nhân gần là lúc qua Mỹ, về tu học nhiều năm tại chùa Việt Nam Los Angeles. Nơi đây có một thiền sư thi sĩ nỗi tiếng hiệu Huyền Không (Cố Hội Chủ HT. Thích Mãn Giác: 1929 – 2006) nên Liễu Nguyên thường được đọc các áng thơ thiền trong tập: Mây Trắng Thong Dong của Ngài, và tập thơ Ngàn Năm Còn Đó của thi sĩ Thuyền Ấn (1929 – 2010). Đặc biệt nhân một đêm cao hứng đọc lại tập thơ Mưa Nguồn của nhà thơ Bùi Giáng (1926 – 1998) nên đã khơi dậy bao kỷ niệm, cảm xúc mà viết ra tập thơ Gió Mây Hóa Kiếp nầy. 

Có thể người đọc xem là thơ hay những dòng tư tưởng, tâm tình về triết lý sống, triết lý nhân sinh….được hòa quyện vào nhau cũng để chỉ đến cõi lòng của Liễu Nguyên trong muôn cõi lòng vậy.


LỜI GIỚI THIỆU
HT.Thích Như Minh
-
Bình bát cơm ngàn nhà
Thân chơi muôn dặm xa
Mắt xanh xem người thế
Mây trắng hỏi đường qua
(Thiền Thi)

Thơ ca trong nền văn học Việt Nam là nét đẹp trong nếp sống của người dân.Thơ ca dong ruỗi cùng người trong suốt chặng đường đời vui buồn. Nhưng cao thượng hơn, có những hồn thơ đạo tình mênh mông, chuyển tải những ý tưởng tao nhã của người đạo sĩ mang trong tâm hồn nghệ sĩ. Dân tộc Việt vốn có sẵn trong dòng máu nghệ sĩ, khi vui khi buồn vẫn có thơ bên cạnh: khi trong tâm cảnh vui thì tụng ca cuộc đời với muôn hồng ngàn tía; khi tâm cảnh buồn thì thơ ca vỗ về an ủy. Do thế, thơ có mặt với người trong cách ứng xử với đời, trong từng ý tưởng và trong ước mơ tuyệt đẹp của người. Đẹp như dòng Cửu long giang trôi chảy đêm ngày, là trường ca của thể thơ lục bát. Thế giới đã phải nghiêng mình trước thi hào Nguyễn Du qua những vần lục bát tài hoa trong Truyện Kiều. Cũng trong dòng thơ ca này, thơ thiền của những Thiền sư khi xưa đã để lại cho lịch sử thơ ca dân tộc một gia tài thơ ca không những chỉ chuyển tải Đạo mà còn hàm ẩn ý tưởng cao cả về tư tưởng, về lòng yêu nước thương dân. Những vần thơ như vậy, vốn dĩ có quyền năng nâng người từ nơi tối tăm lầm than ra nơi tươi sáng tràn đầy ước mơ hy vọng hoặc có thể đưa dân tộc đến bến bờ vinh quang.

Đó là hồn thơ của những Thiền Sư từ Đinh Lê Lý Trần Lê trở về sau hay của Nguyễn Trãi và Nguyễn Du đã quyện trong tâm hồn yêu thơ ca và sáng tạo của người dân việt. Tự bao giờ, thơ ca đã chuyển tải tình dân tộc, tình Đạo Pháp, tình người:

Nước tôi là nước Việt Nam
Năm ngàn năm trước Lạc Hồng hóa sanh
Âu Cơ là Mẹ chung sanh
Lạc Long Rồng thánh Cha lành sanh ra

Rồi:

Trên sách sử Việt hát ca
Ngàn đời oanh liệt ông cha rạng ngời
Hùng Vương vang bóng một thời
Bà Trưng Bà Triệu ngàn đời còn vang.
Việt Nam tiếp bước hiên ngang....
(Nước Việt Nam, Thích Liễu Nguyên)

Vần thơ đẹp trên như tiếp nối những vần điệu ca dao mà ta đã từng nghe tiếng mẹ ru ầu ơ từ thuở còn nằm nôi.

Thầy Liễu Nguyên – một Tăng sĩ trẻ – từ bé thơ đã sống và có những tháng ngày thơ mộng ở chốn thiền môn sớm chiều được ươm mầm trong khung trời mà ở đó vang vọng âm điệu thiền thi siêu thoát. Phải chăng nhờ có quãng đời cao đẹp của một chú tiểu từ thuở ấu thơ mà tâm hồn nghệ sĩ của một Đạo Sĩ cũng đã trưởng thành trong Thầy. Thơ quả thật đã thành hơi thở của Thầy. Ta đọc trong tuyển tập thơ Gió Mây Hóa Kiếp với 9 thi tập có 108 bài thơ và trường ca Phật sử đã trãi rộng tâm hồn của thi nhân.

Thi tập Phật Thích Ca Ánh Đạo, Thầy đã thi hóa cuộc đời của Đức Phật Thích Ca từ khi đản sanh trong khu vườn khả ái Lâm Tỳ Ni thành Ca Tỳ La Vệ đến khi nhập Niết bàn tại khu rừng song thọ ở Câu Thi Na. Lịch sử của Đức Phật qua những vần điệu của thi ca xưng tán Đức Phật đầy lòng từ bi, trí tuệ. Ngài là đấng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn mà được trời người tôn kính. Ở đây ta bắt gặp những vần thơ:

Hôm nay Phật đản trở về
Ta bà hiện cảnh hoàng quê năm nào
Từ trời Đâu Suất trên cao
Hộ Minh Bồ Tát nguyện vào Phật (ứng) thân

Và đây là những vần thơ tỏ rõ niềm hân hoan của thần dân khi Thái tử Tất Đạt Đa đản sanh:

Lâm Tỳ Ni Thánh nhân
Vua Tịnh Phạn cùng muôn dân hoan chào
Ta Bà khải nhạc trời cao
Ca Tỳ La Vệ ngọt ngào chim ca
(Mừng Phật Đản Sanh)
Nhưng khi Thái tử trưởng thành, văn võ song toàn, thì:
Thế gian nghiệp quả dập dùi
Sanh, Già, Bệnh, Chết chôn vùi xác thân
Trần gian tình nặng Ái ân
Yêu nhau Ly biệt muôn phần khổ đau
(Thái tử xuất gia)
Cho nên Thái Tử quyết chí xuất gia tầm đạo, đem ánh đạo vàng để cứu độ muôn dân:
A Nô Ma, Ngài xuống tóc
Kiền Trắc, Sa Nặc van khóc cũng đành
Một mình lặn lội rừng xanh
Tầm sư học đạo bao lần sử ghi
(Phật Thành Đạo)

Và đây ánh Đạo vàng được Đấng Đại Giác tuyên dương cách nay hai thiên niên kỷ rưỡi qua:

Ngũ thời bát giáo bao la
Hoa nghiêm, A hàm tiếp là Phương đẳng
Bát nhã Bồ tát một đằng
Pháp hoa thuyết tại trăng vàng Linh sơn
Niết bàn giác ngộ Thiên Nhơn
Bao năm hóa độ Thánh nhơn vô vàn.
(Phật chuyển Pháp luân)

Và tiếp theo là nơi Đức Phật khi xưa an nhiên tự tại an trú trong tứ thiền rồi xuất khỏi tứ thiền, đi vào thiền tứ không và xuất thiền tứ không trước khi nhập Vô Dư Y Niết Bàn dưới tán song thọ, nơi rừng Ta La xứ Câu Thi Na ở Ấn Độ là những vần thơ chứa đầy cảm xúc cho những đệ tử Phật khi xưa và cho đến ngày hôm nay khi người Phật tử duyên lành về thăm để đảnh lễ Đại tháp Niết bàn đều cảm xúc rơi lệ về sự thiêng liêng ở chốn này, nơi mà cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm trước Đấng Đại Từ, Đại Bi, Đại Trí, Đại Đức trước giờ Thị Tịch Niết Bàn đã ân cần phó chúc cho Tăng Đoàn không nương tựa một ai mà hãy nương tựa nơi Giới Pháp và lấy Giới Luật làm thầy được ghi lại trong kinh Di Giáo và kinh Đại Bát Niết Bàn. Đây là những vần thơ chứa đựng nhiều cảm xúc của thi nhân:

Xứ Câu Thi ba tháng sớm trưa
Thế Tôn di giáo Đại thừa kinh ghi
Ta la rừng như mọi khi
Mà sao lá rụng cây thì vấn vương

Song thọ dừng chân dặm trường
Xuất nhập thiền định Thiên đường loan tin
Ta bà chấn động giật mình
Thích Tôn đã nhập Vô dư Niết Bàn.
Trong cõi Tam thiên đại thiên trời người khóc than rơi lệ:
Đại thiên thế giới ba ngàn
Hữu tình tuôn lệ Thánh an trong thiền.
(Phật nhập Niết bàn)

Bạn thơ cũng chợt bắt gặp trong thi phẩm Gió Mây hóa kiếp những thi kệ về Nguyện lớn của chư Phật, hạnh nguyện cao cả của chư vị Bồ Tát, truyền đăng tục diệm của chư Tổ. Đọc những vần thi kệ này, bạn như nghe đâu đây tiếng hò mái nhì trên dòng sông Hương trầm mặc ở đất Thần kinh:

Ngược dòng sanh tử mãi gọi đò
Thuyền ai thấp thoáng trên sông đó
Có phải Quan Âm đang chèo đò
Chở con qua bến Tây phương đó 
(Hò gọi đò Quan Âm)

Hay tụng ca ân đức sâu dầy của cha mẹ:

Ngàn hoa đẹp nhất đóa hồng
Dâng lên Cha Mẹ muôn lòng thiết tha
Thế gian hai chữ tình Cha
Trên đôi vai ấy biết bao la tình.
(Ân Cha Nghĩa Mẹ)

Và đây là những vần điệu tụng ca vẻ đẹp an bình chốn thiền môn, những mái chùa Việt thân thương để vỗ về xoa dịu kiếp đau thương cõi nhân gian:
Những khi lòng thấy xốn xao
Buâng khuâng buồn giận ngán ngao sự đời
Nhằm lúc chuông vẳng thảnh thơi
Chợt người tĩnh giấc nghe lời chuông ngân.
(Tiếng chuông Thiên Mụ)

Hay thiên nhiên phong cảnh thiền chốn già lam mà thi nhân đã đối cảnh sanh tình thơ:
Suối nguồn hóa kiếp từ mây
Ngàn thu mây tận nước đầy trong xanh
Gió về hóa kiếp bao lần
Đất ra hơi ấm trở thành gió bay.
(Gió mây hóa kiếp)

Giữa thành phố Thiên Thần nơi Mỹ quốc, ngự nơi đây ngôi chùa quê hương, trãi qua nắng sương năm tháng, nuôi dưỡng hồn quê hương cho đàn con dân xa xứ. Nơi đây nhiều thế hệ đến rồi ra đi mang theo bao vui buồn trong ký ức. Còn mãi đây ngôi chùa nơi phố thị ồn ào dưới nắng ấm như phảng phất nụ cười từ bi của Đức Phật. Nụ cười của Đức Phật sống mãi trong trái tim người Phật tử:

Và Nơi đây cũng sẽ còn mãi ngôi chùa, nắng ấm Mùa Xuân và nụ cười của hai vị Thầy đã có công truyền đăng Phật giáo Việt vào quê hương mới này - Thiền sư Thiên Ân và Thiền sư Mãn Giác:

Con đến đây người đã ra đi
Ngôi chùa còn đó đâu khác gì

Bên cạnh dòng chảy cuộc đời, ngôi chùa Việt Nam đầu tiên ở Mỹ với sứ mệnh cao cả:

Đến nay nối tiếp ba thế hệ
Phật giáo truyền thừa đất xứ người
Sáng chiều tiếng kinh ngay giữa phố
Chim kêu ríu rít nhường muốn nghe
(Chùa Việt Nam Los Angeles)

Giữa dòng đời xuôi ngược tất bật, phố thị ồn ào nhưng ngôi chùa muôn đời vẫn tĩnh lặng.

Giở lần cho đến trang cuối tập thơ của Thầy Liễu Nguyên, thì cái dụng tâm của Thầy cũng là để thi hóa con đường hạnh nguyện tưởng là lắm gian truân thử thách của người Phật tử, nhưng con đường đó là hạnh phúc cũng đầy thi vị.

Hơn nữa, có thể rằng vần điệu thi ca theo thể lục bát của dân tộc đã làm cho thi nhân dễ dàng lướt bay qua bầu trời thơ ca hơn các thể loại thơ ca khác như trong thể thơ Haiku của người Nhật thì trong sáng tác của thi nhân chỉ sử dụng vài âm tiết nhưng có gợi ra cả một bức tranh thi ca lớn, do vậy, thi nhân mặc khách và thơ ca cần cùng hòa nhập làm một.

Trân trọng giới thiệu tập thơ cùng bạn đọc.
Los Angeles mùa hoa phượng tím 2014.
VUBC
Thích Như Minh
 

MỞ TRANG THƠ GIÓ MÂY HÓA KIẾP

Như giọt sương long lanh đọng trên ngọn lá 
mong manh, trong ánh nắng ban mai mà chứa 
đựng đủ cả pháp giới Hoa Nghiêm từ muôn thủa.

Giọt sương long lanh đọng trên cành
Nắng mai rọi chiếu sáng long lanh
Hững hờ một lúc tan trong gió
Kiếp người mấy giọt sương mong manh…?
(Giọt Sương Long Lanh, Liễu Nguyên)

Gió Mây Hóa Kiếp là ánh nắng mùa Xuân 
tỏa chiếu cùng muôn hoa sắc thắm... Là cơn gió 
mát mùa hạ gọi mưa nguồn cho đồng lúa trổ bông…  

Là mây, mây phủ khắp cùng.
Mưa rào pháp vũ, muôn trùng lạc an.
Là mưa, mưa hạ ban ân
Khắp đồng lúa chín ngập tràn trổ bông.
(Là Hương Là Hoa Là Tình…Liễu Nguyên)
Là ánh trăng mùa Thu sáng tận cõi lòng ai từ muôn kiếp…
Là đêm Đông vọng tiếng kinh bất chợt đón Xuân về…
Là tiếng chuông ngân vọng xoa dịu lòng ai cùng năm tháng…. 
Những khi lòng thấy xốn xao
Buâng khuâng buồn giận ngán ngao sự đời
Nhằm lúc chuông vẳng thảnh thơi
Chợt người tĩnh giấc nghe lời chuông ngân.
(Tiếng Chuông Thiên Mụ, Liễu Nguyên)

Gió Mây Hóa Kiếp theo lẽ tự nhiên của pháp giới mà chợt tĩnh cõi vô thường  trong nhân thế, ngộ rõ lẽ chơn thường của pháp giới vô chung…

Bắt đầu là đưa Hành Giả trở về với khởi nguồn chánh pháp  cõi Ta bà qua thơ tập 1: Phật Thích Ca Ánh Đạo. Để rồi thấy được pháp giới chư Phật, Bồ Tát qua  thơ tập 2: Chư Phật Tát Hạnh Nguyện. 

Noi theo hạnh Nguyện đó, bằng thực hành đạo hiếu vi tiên trong thơ tập 3: Đôi Mắt Hiếu Đạo. Đến với Gió Mây Hóa Kiếp là cùng Liễu Nguyên cỡi  mây theo gió vui với trăng sao… Với suối nguồn bao la… đưa tâm hồn vào thơ tập 4: Gió Mây Hóa Kiếp. Hòa quyện với trăng với gió là tiếng chuông ngân vọng bao chiều với bao mái chùa thân thương trải khắp mọi miền đất nước Việt Nam yêu dấu, lan tận đến khắp năm châu bốn biển qua thơ tập 5: Mái Chùa Dòng Sông Quê Hương. Đến với Gió Mây Hóa Kiếp, đọc giả cũng sẽ đến với cõi thiền nhẹ nhàng thanh thoát mà nhập vào cõi tâm hoan hỷ trong thơ tập 6: Thơ Hỏi Đạo Thiền. 

Chín năm nói pháp không lời
Như pháp vẫn chảy khắp trời mười phương
Giới hương vốn sẵn miên trường
Bổn lai vô tướng không lường diệu tâm.
(Chín Năm Diện Tường, Liễu Nguyên)

Bên cạnh đó, là những câu Pháp Ngữ trong thơ tập 7, kế đến là những vần thơ của Liễu Nguyên đã được phổ nhạc. 
Sau cùng Gió Mây Hóa Kiếp có thể sẽ động lại  những triết lý sống trong tâm hồn mỗi người và lóe lên một tia sáng cho sự thăng hoa trong cuộc sống hiện tại và miên viễn cùng với Gió Mây Hóa Kiếp…
 
THƠ TẬP 1

PHẬT THÍCH CA ÁNH  ĐẠO 
THƠ: LIỄU NGUYÊN

Nhất Tâm Đảnh Lễ: Ta Bà Giáo Chủ Điều Ngự Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

MỪNG PHẬT ĐẢN SANH
Mừng ngày Phật Đản 15/04 – PL: 2557
Hôm nay Phật Đản trở về
Ta Bà hiện cảnh hoàng quê năm nào
Từ trời Đâu Suất trên cao
Hộ Minh Bồ Tát nguyện vào Phật (ứng) thân.
Ma Gia mộng ứng điềm lành
Voi ngà sáu chiếc hóa sanh Thánh hiền
Bảy đóa sen quý kim liên
Ưu đàm một đóa Ngài liền đản sanh.
Đủ ba hai tướng tốt lành
Tám mươi vẽ đẹp tinh anh sáng ngời
Mười phương chấn động khắp nơi
Ta Bà mở hội mừng Người đản sanh.
Lâm Tỳ Ni đón Thánh nhân
Vua Tịnh Phạn cùng muôn dân hoan chào
Ta Bà khải nhạc trời cao
Ca Tỳ La Vệ ngọt ngào chim ca.
Từ Đâu Xuất đến Tà Bà
Trời đất rung chuyển Thích Ca giáng trần
Đại thiên thế giới phước ân
Thích Tôn sẽ Chuyển Pháp Luân cõi nầy.
Ngộ từ Tám khổ đắng cay 
Dục trần quyết đoạn hăng say tu hành
Sáu năm khổ hạnh rừng xanh
Bồ Đề thiền tọa chứng thành Phật thân.
Vườn Lộc Uyển Chuyển Pháp Luân
Tiên nhân hóa độ Thánh nhân vô vàn
Bốn chín năm dấu chân vàng
Giới Hương Định Tuệ rọi đàng chúng sanh.

Nhất Tâm Đảnh Lễ:  Đâu Xuất Giáng Trần, Dưới Cây Vô Ưu, Vườn Lâm Tỳ Ni, Thị Hiện Đản Sanh, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. 
Tranh đức Phật đản sanh tại vườn Lâm Tỳ Ni. 
Thánh địa Lumbini (vườn Lâm Tỳ Ni) ngày nay.

THÁI TỬ XUẤT GIA 
Cảm thơ nhân ngày 8/2 – PL: 2557

Sau khi thấy rõ tám sự khổ đau của cuộc đời, Thái Tử Tát Đạt Đa thường rơi nước mắt và suy tư. Ngài đã xuất gia (08/02) đi tìm nguyên nhân và phương pháp để giúp bản thân, loài người và chúng sanh thoát khỏi những khổ đau mà đến được chổ an vui giải thoát.

Ra cung dạo bốn cửa thành
Trần gian Tám Khổ bao lần bày phơi
Cửa Đông Sanh (1) khổ à ơi
Cửa Nam hiện cảnh thân người Già (2) nua.
Cửa Tây Bệnh (3) tật chẳng trừa
Cửa Bắc bóng xế Chết (4) đừa người ra
Lòng đau sanh tử thoát ra
Muốn cho thế giới Ta bà an vui.
Thế gian nghiệp quả dập dùi
Sanh, Già, Bệnh, Chết, chôn vùi xác thân
Trần gian tình nặng Ái  ân
Yêu nhau Ly biệt (5) muôn phần khổ đau.

Oán thù (6) cứ mãi gặp nhau
Cầu mà không được (7) thì đau quặn lòng
Làm người trong kiếp phiêu bồng
Sang hèn Ngũ Uẩn (8) một tròng khác chi.
Nhận chân Tám Khổ tức thì
Nước mắt Thánh chảy quyết đi lên đường
Sa Nặc, Kiền Trắc dặm trường
Hoàng cung khuất bóng đêm trường rừng sâu.
A Nô Ma đợi đã lâu
Đến nơi trời mới bắt đầu nắng mai
Áo bào trao lại Hầu sai (Sa Nặc)
Thoát gươm cạo hết tóc dài, sa môn.
Tháng hai mồng tám trường tồn
Khắc ghi dấu ấn ThíchTôn xuất trần
Sáu năm khổ hạnh rừng xanh
Bồ Đề thiền tọa đạo thành Phật thân.

Nhất Tâm Đảnh Lễ: Dạo Bốn Cửa Thành, Thấy Tám Cảnh Khổ, Từ Bi Thương Xót, Vượt Rừng Xuất Gia, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Ghi chú: Bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc trong bài thơ, tác giả tượng trưng cho bốn cảnh khổ. Còn theo đúng trong lịch sử ghi lại thì hướng Đông Ngài gặp người già, hướng Tây gặp người bệnh, hướng Nam gặp người chết và hướng Bắc thì gặp vị Khất Sĩ.
Thái Tử Tất Đạt Đa dạo bốn cửa thành, Ngài nhìn thấy những cảnh khổ đau của con người.

PHẬT THÀNH ĐẠO

Mừng ngày Phật thành đạo 8 /12 – PL: 2557
A Nô Ma, Ngài xuống tóc
Kiền Trắc, Sa Nặc thương khóc cũng đành
Một mình lặn lội rừng xanh
Tầm sư học đạo bao lần sử ghi.
Không Vô Biên Xứ đã đi
Thức Vô Biên Xứ cũng chỉ vậy thôi
Phi Tưởng cũng đã từng ngồi
Phi Phi Tưởng Xứ cõi trời còn xoay.
Thấy không thỏa chí từ đây
Sáu năm khổ hạnh thân gầy bọc xương
Vẫn chưa chứng đạo tỏ tường
Ngược dòng Liên Thuyền lên đường rừng sâu.
Bồ Đề lập thệ nguyện sâu
Nguyện rằng thành Phật bao lâu chẳng màng
Susata thiếu nữ thôn làng
Cúng Ngài bát sữa thân Ngài khỏe ra.

Bốn chín ngày ngồi thiền tọa
Nội ma ngoại chướng ham dọa liên miên
Tâm tư Ngài định trong thiền
Canh năm trời sáng thoát nhiên Phật thành.
Thấy được mọi khổ nguyên nhân
Thấy hết duyên khởi kiếp trần ngàn xưa
Thấy được phương pháp đoạn trừ
Sanh ba phương tiện như như Pháp truyền.

 Ghi chú: Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa đức Phật dạy rằng: Chư Phật vì lòng Từ Bi thương xót chúng sanh, nên đã dùng Trí Tuệ mà phương tiện Phật thừa ra thành ba thừa: Thanh Văn (A La Hán) Duyên Giác (Bích Chi Phật) Bồ Tát thừa (Thập Địa Bồ Tát) để cho trời người và chúng sanh dễ tu tập mà thành Phật quả như  Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni và mười phương chư Phật vậy.

Nhất Tâm Đảnh Lễ: Dưới Cội Bồ Đề, Bốn Chín Ngày Đêm, Ngài Ngồi Thiền Tọa, Hàng Phục Ma Quân, Một Sáng Tinh Sương, Đạo Thành Chánh Giác, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Đại bảo tháp Giác Ngộ ở Bồ Đề Đạo Tràng, nơi đức Phật thành đạo.

PHẬT CHUYỂN PHÁP LUÂN
Ba tuần tắm biển Hoa Nghiêm
Bao la duyên khởi căn nguyên trùng trùng
Phạm Thiên thay mặt muôn trùng
Xin Phật phương tiện chuyển cùng Pháp Luân.
Ta bà vui nhận phước ân
Thích Tôn sẽ chuyển Pháp luân cõi này
Trong vườn Lộc Uyển dưới cây
Tứ Đế Ngài dạy từ đây an nhàn.
Năm người bạn cũ hỷ hoan
Lần lượt chứng được quả A La Hán
Phật Pháp Tăng đã truyền lan
Vâng lời Phật dạy Pháp tràn bốn phương.
Thánh chúng  có đến muôn ngàn
Sáng ngày khất thực chiều an trong thiền 
Phật tử  đắc pháp lạc nhiên
Phát tâm xây dựng thật nhiều tùng lâm.

Nào là tinh xá Trúc Lâm…
Kỳ Viên Tinh Xá pháp âm Ngài truyền
Ba tháng an cư lạc nhiên
Những thời kinh lớn Ngài truyền giảng ra.
Ngũ thời bát giáo bao la
Hoa Nghiêm (3 tuần), A Hàm (12 năm) tiếp là Phương đẵng (12 năm).
Bát Nhã (22 năm)  Bồ Tát một đằng
Pháp Hoa (8 năm) thuyết tại trăng vàng Linh sơn.
Niết bàn giác ngộ Thiên Nhơn
Bao năm hóa độ Thánh Nhơn vô vàn
Một thân muôn dặm phương ngàn
Tam thừa phổ độ muôn vàn hóa sanh.
Ta bà thắm đượm pháp âm
Đến nay chánh pháp in lần Chuyển Luân.

Nhất Tâm Đảnh Lễ: Trí Tuệ Từ Bi, Đại Thừa Phương Tiện, Ta Bà Lộc Uyển, Ngài Chuyển Pháp Luân, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Tranh đức Phật chuyển Pháp Luân tại vườn Lộc Uyển. (vườn nai)
 Bảo tháp Hạnh Ngộ ngày nay, nơi Đức Phật đã chuyển Pháp Luân lần đầu tiên, thuyết pháp độ năm anh em Kiều Trần Như

Ghi chú: Nương theo tư tưởng trong kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa, ngài Trí Di (Trí Khải)  đã hệ thống toàn bộ giáo nghĩa Phật pháp, thì sau khi chứng Phật quả dưới cội Bồ đề, Thế Tôn đã  an định, tắm trong cảnh giới Hoa Nghiêm suốt ba tuần lễ. Ngài thấy Phật pháp quá thâm sâu, sợ trời người, chúng sanh khó lãnh hội hết, nên Ngài đã Từ Bi thương xót mà dùng Trí Tuệ phương tiện Phật thừa thành ba thừa : Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát thừa. Thế rồi, Ngài nhận lời thỉnh cầu của Phạm Thiên và chuyển vận bánh xe chánh Pháp.

Mười hai năm đầu Ngài thuyết về giáo lý A Hàm tức Tứ Đế và Thập Nhị Nhân Duyên, Vô Thường, Khổ, Không, Vô Ngã…, những người tu theo đã chứng đắc Tứ Quả của Thanh Văn và Bích Chi Phật. 

Mười hai năm tiếp theo, đức Phật thuyết các kinh Phương Đẳng để khuyến khích, hướng dẫn chư vị Thanh Văn, Duyên Giác…  phát đại bồ đề tâm tiến lên quả vị Bồ Tát để tự lợi ích cho mình và cứu độ chúng sanh. 

Hai mươi hai năm tiếp theo, đức Phật thuyết về Kinh Bát Nhã, Kim Cang… mang chân lý Tánh Không, Trung Đạo… giúp cho hàng Bồ Tát và các vị đã phát tâm đại thừa tiến sâu và vững chắc trên mười cảnh giới (địa) của Bồ Tát để tự lợi ích cho mình và hết thảy muôn loài chúng sanh bằng thực hành Lục Độ Ba La Mật là Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tin Tấn, Thiền Định và Trí Tuệ (Giải Thoát). 

Tám năm cuối cùng, Đức Phật thuyết về Kinh Đại Thừa Diệu Pháp Pháp Liên Hoa và Kinh Đại Niết Bàn để các Bồ Tát lớn biết được cảnh giới tối thượng và gia tài Phật pháp của mười  phương chư Phật. Ngài đã thọ ký quả Phật cho Bồ Tát Di Lặc là vị Phật kế tiếp của cõi Ta bà và thọ ký cho vô số Bồ Tát và Thanh Văn khác và những ai có duyên với Phật pháp.

Cũng trên đỉnh núi Linh Sơn, Ngài mật ý (niêm hoa vi tiếu) trao chánh pháp và tăng đoàn cho Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp (Sơ tổ Tây Thiên Đông Độ) lãnh đạo.

Sau đó, trong 3 tháng cuối đời đức Phật dừng chân tại xứ Câu Thi Na, ở rừng Ta La, Thế Tôn dạy lời tối hậu (trong kinh Di Giáo) cho những ai chưa chứng Thánh quả thì Ngài dạy hãy tự thân thắp sáng ngọn đuốc Tuệ giác nơi chính mình. Hãy luôn luôn tin tấn, y  theo giới luật và chánh pháp để tu tập thì sớm thoát được cảnh khổ luân hồi. Thế rồi đức Phật đã an định nhập vào Vô Dư Niết Bàn làm chấn động đến cả mười phương thế giới.

PHẬT NHẬP NIẾT BÀN

Cảm thơ ngày 15/2 – PL: 2557
Nhớ lần đầu tiên Chuyển Pháp
Lộc Uyển khởi nguồn Phật Pháp bao la
Lần cuối độ ông Thuần Đà
Thời gian thấm thoát Ngài đã tám mươi.
Suốt bốn chín năm rạng ngời
Đôi chân lưu dấu vạn lời vàng son
Thế gian dù có hao mòn
Pháp Phật chẳng đổi mãi còn như xưa.
Xứ Câu Thi (Ly) ba tháng sớm trưa
Thế Tôn Di Giáo đại thừa kinh ghi
Ta La rừng như mọi khi
Mà sao lá rụng cây thì vấn vương.

Song Thọ dừng chân dặm trường
Xuất nhập thiền tọa Thiên đường loan tin
Ta bà chấn động giật mình
Thích Tôn đã nhập Vô Dư Niết Bàn.
Đại Thiên thế giới ba ngàn
Hữu tình tuôn lệ Thánh an trong thiền
Ca Diếp nối pháp Phật truyền
Y tam thừa giáo chèo thuyền độ tha.
Trà Tì một tháng trôi qua
Lưu bố Xá Lợi gần xa tôn thờ
Chánh pháp chúng sanh nương nhờ
Tương lai Di Lặc rạng ngời Pháp xưa.

Nhất Tâm Đảnh Lễ: Dưới Hai Góc Cây, Ở Rừng Ta La, Tại Xứ Câu Thi, Thị Hiện Niết Bàn, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. (lạy)
Tranh đức Phật nhập Niết Bàn.
Thánh tích bảo tháp Phật nhập Niết Bàn tại  xứ Câu Thi Na ngày nay.

Ghi chú: Trong kinh đức Phật từng dạy: Sau khi Như Lai nhập Niết bàn, nếu có người nào đến viếng thăm Tứ Động Tâm: Vườn Lâm Tỳ Ni, nơi đức Phật đản sanh. Bồ Đề Đạo Tràng, nơi đức Phật thành đạo. Vườn Lộc Uyển, nơi đức Phật chuyển Pháp Luân đầu tiên. Rừng Ta La xứ Câu Thi (Ly) Na nơi đức Phật nhập Vô Dư Niết Bàn  mà khởi niệm hoan hỷ, lòng trào cảm xúc thì được phước lành sanh lên cõi Trời một kiếp.

THĂM NÚI LINH SƠN

Nhớ lần Liễu Nguyên lên thăm núi Linh Sơn (2006) cùng với PT. Hà Lan nhờ nữ PT người làng An Bằng:  Diệu Quyên biếu 1.500 usd mới có cơ duyên du học Ấn Độ và được đảnh lễ Phật tích. Khi đến nơi này lòng  cảm động, nước mắt cứ rơi rơi, vì cảm niệm công đức vô biên của đức Phật Thích Ca và chư Thánh giả Bồ Tát đã nhiều năm tu tập nơi đây. Thế Tôn đã thuyết kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa trên đỉnh núi này, nên Linh Sơn đã  trở thành Hải Hội Thánh Chúng của cõi Ta bà là vậy.

Ta bà có núi Linh Sơn
Là đất Phật ở, Thánh nhơn xum vầy
Trải qua ngàn kiếp năm nay
Linh sơn sừng sững chẳng thay muôn đời.
Cho dù vật đổi sao dời
Tà bà mãi nhớ Hội thời Linh Sơn
Ngàn năm lưu bóng Thánh nhơn
Nơi đây năm ấy, Thánh nhơn muôn ngàn.
Thích Ca Phật thuyết tám vàn
Pháp môn tu chứng muôn ngàn hóa thân
Chúng sanh nhớ mãi Phật ân
Ân soi sáu nẻo chúng sanh thoát trần.
Trùng trùng nối kiếp Kim Thân
Chúng sanh theo gót Thánh nhân tu hành
Thời gian thấm thoát qua nhanh
Linh sơn chuyển hiện mây ngần Long Hoa.
Di Lặc thừa ấn Thích Ca
Nơi đây Phật hiện hàng sa thoát trần
Cũng là ba tạng mấy lần
Ngũ thời, Bát Giáo làm nhân tu trì.
Đại thừa Phật thuyết mọi khi
Trước thời Bát Nhã là thì Hoa Nghiêm
Pháp Hoa sau chót Phật tuyên
Gom Tam thừa giáo uyên nguyên Phật thừa.

Nhất Tâm Đảnh Lễ:  Linh Sơn Hải Hội, Vô Lượng Chư Phật, Chư Đại Bồ Tát, Chư  Hiền Thánh Tăng. 

Thánh Địa: Đỉnh núi Linh Thứu (Sơn) ngày nay, nơi đức Phật và chư Thánh giả Bổ Tát tu tập nhiều năm và đức Phật đã thuyết Kinh Diệu Pháp Liên Hoa tại đỉnh núi này.

Còn nữa...
Liễu Nguyên
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Ám áp bên Thầy ngày Nhà giáo Việt Nam

Văn hóa 16:57 20/11/2018

Sáng ngày 20/11/2018 (14/10/Mậu Tuất), phật tử đạo tràng BQT chùa Đức Hòa và Thiên Bửu đã vân tập về Tổ đình Thiên Bửu (thôn Bình Thành, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa) để chúc mừng Hòa thượng viện chủ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.

Phật

Văn hóa 12:28 14/11/2018

Phật ngồi trên sườn núi,/Nhìn xuống đường bụi mù,/Phật đang nghĩ gì thế nhỉ!/Thương con người ngược xuôi?

Tọa đàm về tác giả bài thơ bất hủ “Em đi chùa Hương”

Văn hóa 12:18 14/11/2018

Sáng ngày 9/11/2018, Nhà xuất bản Phụ nữ và Khoa Viết văn – Báo chí, trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức tọa đàm “Đọc lại Nguyễn Nhược Pháp” về sự nghiệp văn chương, nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày mất của nhà thơ tài hoa bạc mệnh.

An lành

Văn hóa 10:12 13/11/2018

Xin cầu thấu rõ chân diệu pháp/Hiện tượng vạn vật luôn biến đổi/Muôn sự hết thảy nương nhau thành/Để tâm tịch lặng an lành nhất/An lành như thế thật an lành!

Xem thêm