Góc nhìn về thú nuôi chim cảnh
Sự ngạo mạn của con người khi đối xử không công bằng với tự nhiên và các giống loài khác chỉ mang đến cho con người những hậu quả đau thương.
Cách đây hơn 2500 năm, với sự xuất hiện của đức Phật Sakyamuni, đạo Phật đã ra đời và mang đến cho con người sự hiểu biết hoàn toàn mới trên nền tảng của luật Nhân Quả về nhân sinh quan, vũ trụ quan và ý nghĩa của đạo đức thiện pháp đối với sự tồn tại của mỗi người và mọi sự sống quanh chúng ta. Đạo Phật không phải là tôn giáo mà là nền đạo đức quý giá của nhân loại, thông qua việc mang đến hiểu biết chính xác về luật Nhân Quả, Phật giáo giúp con người hiểu biết đúng về sự vận hành của nhân quả và từ đó sống có đạo đức, luôn ý thức nhắc nhở bản thân gieo nhân hành động thiện và từ đó gặt hái kết quả thiện, nhờ vậy đời sống của mỗi người bớt dần và hết khổ đau, đồng thời mang đến an vui cho mọi người và muôn loài sự sống khác.
Hành động thiện là hành động không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ mọi sự sống. Mỗi hành động của một người – cho dù rất nhỏ – trong đời sống đều tạo ra nhân, và nhân đó khi đủ duyên sẽ mang đến quả, đó là lý do vì sao đức Phật dạy con người về đạo đức Hiếu Sinh, yêu thương bình đẳng với bản thân, với mọi người, với các loài động vật, thực vật cũng như mọi sự sống trên hành tinh này. Gieo nhân yêu thương bình đẳng thì luôn được sống trong tình thương yêu và hạnh phúc chân thật.
Nhận biết và chuyển hóa tâm tính kiêu căng, ngạo mạn
Đức Hiếu Sinh của đạo Phật dạy cho con người luôn đặt mình vào hoàn cảnh của người khác và của sự sống khác để tư duy và tìm mọi cách để tránh gây đau khổ cho con người và các sự sống trong khi chúng ta thực hiện các hành động tìm cầu niềm vui và hạnh phúc cho bản thân mình.
Về chủ đề thú nuôi chim cảnh như tiêu đề trên, chúng ta biết rằng trong xã hội, nuôi chim cảnh đã có từ xa xưa và được coi là một thú vui hưởng thụ tao nhã không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác.
Con người ở mọi tầng lớp, với nền tảng văn hóa xã hội khác nhau cũng như với các mức thu nhập khác nhau đều có thể có thú vui này. Nuôi chim cảnh thậm chí đạt đến tầm nghệ thuật với rất nhiều các cuộc thi trong và ngoài nước cùng các tài liệu ghi chép có hệ thống liên quan đến việc nuôi chim cảnh. Đối với người nuôi chim, việc nuôi và phục vụ chăm sóc chim cảnh một cách công phu tỉ mỉ mang đến niềm vui cho họ. Những người có nhiều tiền có thể bỏ ra rất nhiều tỷ đồng để sưu tầm các loài chim quý hiếm trong và ngoài nước, đồng thời cũng chi hàng tỷ đồng để thuê các nghệ nhân nước ngoài chế tác ra những chiếc lồng như những tác phẩm nghệ thuật độc đáo để nuôi những con chim quý hiếm đó. Họ cảm thấy thỏa mãn và thưởng thức ngắm nhìn bộ sưu tập chim quý của mình, và tự hào khi bạn bè và những người nuôi chim khác đến chiêm ngưỡng. Có lẽ đối với những người này, việc nuôi và chăm sóc chim cảnh là một phần cuộc sống của họ, mang đến cho họ những khoảnh khắc thư giãn và hài lòng.
Làm thế nào để dẹp tan tâm kiêu mạn?
Tuy nhiên, để nhìn nhận thú vui này một cách trung thực và công bằng, chúng ta hãy đặt bản thân mình vào vị trí của những con chim bị săn bắt và nuôi nhốt, chúng ta sẽ dễ dàng thấy rằng đây thực chất là điều vô cùng đau khổ với chúng. Loài chim sinh ra trong môi trường tự nhiên, đã quen được bay lượn tự do giữa thiên nhiên rộng lớn, vì thế được sống trong những khu rừng hay vườn cây xanh mát và không gian bao la mới là điều tự nhiên và hạnh phúc với chúng. Con người bất chấp điều này, cưỡng ép bắt chim, nhốt chúng vào lồng, giam giữ chúng để thỏa mãn ham thích của bản thân chính là hành động ích kỷ và độc đoán. Đối với hành động gây đau khổ cho sự sống này, có người sẽ lý luận rằng họ chỉ nuôi chứ không giết và còn phải chi rất nhiều tiền để chăm sóc cho chim một cách chu đáo cẩn thận. Nhưng cái lồng cho dù có to đẹp và đắt tiền cũng không thay thế được cho cánh rừng rộng lớn với cây xanh và không gian tự do không ràng buộc vốn là môi trường sống tự nhiên của loài chim.
Cái lồng chính là nhà giam của những con chim. Thử đặt mình vào hoàn cảnh tương tự, chúng ta đang tự do sống cuộc sống của mình, thích du lịch đến nơi nào thì thoải mái đi đến nơi đó để thưởng thức và trải nghiệm, có thể làm những điều mình thích, tuy vất vả kiếm sống nhưng được làm chủ đời sống của mình, đột nhiên một ngày bị người khác vô cớ bắt nhốt vào một căn phòng nhỏ, cho ăn mặc đầy đủ không thiếu gì nhưng không được ra khỏi căn phòng đó thì chúng ta sẽ cảm thấy khổ sở đến mức nào (ví dụ: trong tình hình dịch Covid 19 phải cách ly xã hội và hạn chế ra khỏi nhà có vài ba tuần mà rất nhiều người đã cảm thấy bức bách, tù túng không chịu nổi)? Giá trị của tự do không vật chất nào có thể thay thế được, tự do là quan trọng đối với con người chúng ta thì cũng quan trọng với mọi loài sự sống khác. Chúng ta hãy nhìn lại lịch sử nhiều ngàn năm của dân tộc Việt Nam, ông cha chúng ta chấp nhận tưới xương máu của mình trên mảnh đất quê hương để bằng mọi giá giữ lấy tự do và độc lập, để con cháu chúng ta có thể ngẩng cao đầu làm người dân của đất nước có chủ quyền có tự do, chứ không chịu cúi đầu làm nô lệ cho người sai bảo. Tự do đáng trân quý đến như vậy! Đối với chúng ta tự do quý giá như thế thì đối với mọi sự sống khác, khao khát tự do của chúng cũng không ít hơn, mặc dù chúng ta không hiểu ngôn ngữ của chúng, nhưng lòng mong cầu tự do và mong muốn được yên ổn sống là điều mà mọi sự sống chắc chắn đều hướng đến. Chính vì thế, đức Hiếu Sinh của Phật giáo dạy con người thương yêu bình đẳng với mọi sự sống và mọi sự sống là bình đẳng trước Luật Nhân Quả.
Nhân quả có thể thay đổi được hay không?
Không nói đến những kẻ chỉ coi loài chim như hàng hóa kiếm lợi và những người không quan tâm đến cảm nhận của sự sống khác, nếu những người nuôi chim cảnh thực sự thương yêu những con chim mình nuôi thì nên suy ngẫm về điều này. Nếu đủ thương yêu thì hãy mở cửa lồng để chúng lựa chọn: tự do bay đi hay quyến luyến ở lại với họ (trong thực tế cũng có trường hợp có những con chim có duyên sâu nặng với người nuôi mà tự nguyện ở lại). Yêu thương chân thật là để người hay vật mà chúng ta yêu thương được sống đúng với nguyện vọng chân chính của họ. Có thể sẽ có người nói rằng, nếu thả ra thì chúng sẽ bị săn bắt, bị loài khác giết…, thực ra mọi sự sống có sinh thì cũng sẽ có diệt, không có sự sống nào là vĩnh viễn, nhưng ra đi trong tự do vẫn hạnh phúc hơn là có ăn trong cảnh giam cầm nô lệ.
Việc nuôi nhốt chim cảnh là một việc làm rất ác, gây nhiều đau khổ với loài chim, sự khổ đau kéo dài có lẽ còn ác hơn là chấm dứt sự sống của chúng. Loài chim nhỏ bé không phản kháng được trước sức mạnh của con người và không thoát được cảnh chim lồng cá chậu tù túng và phải làm vật mua vui cho loài người, nhưng luật Nhân Quả thì luôn luôn công bằng! Khi con người gây ra đau khổ cho sự sống, tức là đã tạo ra nhân đau khổ, thì những hạt giống ác của khổ đau đó đã âm thầm được gieo xuống, chờ đủ nhân duyên nảy mầm và mọc thành cây mang đến quả đau khổ, quả này xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng đều mang đến đau khổ cho người đã gieo nhân. Đây là lý do vì sao trong cuộc sống, con người gặp muôn hình vạn trạng những điều khổ đau và bất toại nguyện đến trên cả phương diện vật chất cũng như tinh thần. Tất cả đều không nằm ngoài nhân quả chính họ đã gieo. Vì con người chưa hiểu sự vận hành tinh vi của luật nhân quả nên làm nhiều điều ác trong vô minh mà không biết, nhưng khi đã bắt đầu hiểu về nhân quả thì con người – vì hạnh phúc thực sự của bản thân mình – cần phải cẩn thận suy nghĩ để tránh mọi hành động ác, tránh gieo nhân đau khổ mang đến quả khổ đau cho nhân sinh của mình.
Tin sâu nhân quả là người có trí tuệ
Khi đã bắt đầu hiểu về đức Hiếu Sinh và nhân quả, chúng ta nên lập tức chấm dứt thú vui nuôi chim cảnh tưởng chừng như tao nhã nhưng bản chất là độc ác này. Chấm dứt việc làm ác, trả lại tự do cho loài chim chính là thực hành lòng thương yêu chân thật, bồi đắp thêm cho nhân cách cao thượng trong tâm hồn, tạo từ trường nghiệp lực thiện và mang lại an vui và hạnh phúc chân thật cho đời sống của chính mình ngay trong hiện tại và tương lai.
Ngược lại, nếu đã biết là điều ác mà vẫn tiếp tục làm thì chúng ta sẽ dần đánh mất đi lương tri của mình. Mất lương tri con người sẽ làm nhiều điều ác, rồi lại tạo đau khổ cho chính mình, cho người khác và các sự sống, từ đó bi kịch cứ thế tiếp diễn trong vòng tuần hoàn không dứt của nhân quả khổ đau.
Như vậy, mọi người nói chung và các Phật tử nói riêng cần nhắc nhở bản thân mình không thực hành thú nuôi chim cảnh này, không mua tặng và không khuyến khích người khác làm, đồng thời khi đủ duyên thì chia sẻ với nhiều người về bản chất ác của việc nuôi chim cảnh trên cơ sở hiểu biết về luật Nhân Quả và đạo đức Hiếu Sinh như đã nói ở trên, nhờ đó mọi người dần có hiểu biết đúng để thay đổi hành động.
Để thay thế cho việc nuôi chim cảnh, hiện nay có đa dạng cách thức và hoạt động có thể mang đến niềm vui cho con người và đồng thời thay thế cho việc nuôi chim cảnh, ví dụ: nếu chúng ta yêu thích âm thanh tiếng hót của loài chim, chúng ta có thể dùng âm nhạc để thay thế, lắng nghe những bản nhạc của tự nhiên đã được ghi âm lại; hoặc nếu chúng ta yêu thích hình ảnh của những loài chim, chúng ta có thể tìm đến với nghệ thuật nhiếp ảnh và hội họa, thậm chí có thể tự sáng tác ra những hình ảnh mình yêu thích; và nếu chúng ta thực sự yêu thương các loài chim muông, chúng ta có thể chung tay với những tổ chức chuyên bảo vệ các loài chim và động vật tự nhiên, góp sức duy trì các khu bảo tồn chim thú trong tự nhiên, bỏ công tìm hiểu để có hiểu biết đa dạng chuẩn xác và truyền cảm hứng đến cho nhiều người trong cộng đồng để cùng chung tay làm điều tốt.
Phóng sinh để tái tạo hệ sinh thái
Ngoài những hiểu biết trên nền tảng về luật Nhân Quả và đức Hiếu Sinh như đã nói trên, trên phương diện hiểu biết tự nhiên và khoa học, chúng ta cũng nên hiểu rằng, loài chim cũng như mọi sự sống xuất hiện trên hành tinh này đều có ý nghĩa đặc biệt riêng của chúng trong việc cân bằng hệ sinh thái, mỗi giống loài đều là một mắt xích không thể thiếu trong việc duy trì thế giới tự nhiên và có ảnh hưởng đến chất lượng sống của con người. Chúng ta cũng cần hiểu rằng, sự sống của các loài chim, thú và sinh vật trong tự nhiên không phải để phục vụ thỏa mãn cho thính giác, thị giác và những ham muốn ích kỷ của con người.
Sự ngạo mạn của con người khi đối xử không công bằng với tự nhiên và các giống loài khác chỉ mang đến cho con người những hậu quả đau thương, lịch sử nhân loại đã có nhiều bài học và sự xuất hiện gần đây của một số bệnh dịch lớn chưa có thuốc chữa cũng là một ví dụ sống động cho chúng ta: như dịch bệnh virus Ebola, dịch cúm gia cầm, dịch SARS-CoV-2 hiện nay đang lấy đi nhiều mạng sống tại nhiều quốc gia ở khắp các châu lục, mang đến sợ hãi trên khắp thế giới, bệnh dịch kéo dài gây ảnh hưởng tiêu cực với hậu quả nặng nề cho đời sống của con người trên nhiều phương diện từ sức khỏe thể chất và tinh thần cho đến an ninh kinh tế và ổn định xã hội. Chúng ta cần hiểu những bài học đến từ tự nhiên này về bản chất là sự vận hành của luật nhân quả, chính vì thế con người chúng ta cần học cách chung sống hài hòa và tôn trọng mọi loài sự sống. Còn nếu con người cố tình không chịu thay đổi cách thức sống và hành động thì luật Nhân Quả sẽ tiếp tục mang đến cho nhân loại những bài học đau thương khác, vì thế chỉ có cách duy nhất là hiểu cho đúng về nhân quả và sống với các hành động thiện với đạo đức Hiếu Sinh, không làm khổ mình, không làm khổ người và không làm khổ chúng sinh, thì đời sống của từng cá nhân, của cộng đồng và xã hội sẽ được đảm bảo trong bình yên và hạnh phúc chân thật.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm