Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 13/11/2022, 06:19 AM

Gửi Sư bà của con!

Sư bà của con ạ! Nếu, những dòng chia sẻ này đến được với Sư bà, có lẽ con là người hạnh phúc nhất. Bởi, đã gần 90 tuổi đời, gần 60 tuổi đạo, Sư bà vẫn tự tại, thong dong vui với nếp sống thanh bần giữa hối hả … cuộc đời.

Sư bà bảo với con, đừng nhắc nhớ chuyện quá khứ. Con biết, nhưng con không thể. Làm sao phủi sạch những điều đã được cầm, được nắm, và theo con suốt cả công cuộc làm người. Nhân cách, lòng từ bi, cuộc sống tươi đẹp, cả lời Phật dạy nữa, Sư bà chưa khi nào thôi không bảo ban, kèm cặp, dạy dỗ con. Thuở chân ướt chân ráo, ở tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, con đã được vào ở trong chùa. Con không hề biết mô tê gì về Phật - Pháp - Tăng, cho đến tam quy, ngũ giới, thập thiện… Thế nên, ngoài các thời khoá tụng niệm, rồi cả việc đi học văn hoá, cũng như phụ Sư bà, 2 bác Sa di ni làm công quả như: se hương, làm bột sắn, ủ tương bần, trồng vườn, cấy lúa, nhằm thêm kinh phí mà sửa chùa cảnh, bởi lâu ngày Phật  ở chung với mưa, với nước từ trên đồi đổ xuống. Mon men, lần lần học hỏi, con cũng gom góp được chút trải nghiệm nơi chốn thiền môn.

Con luôn được sống vô tư. Nhưng không thể không “đề bạt” tới chuyện con bị Sư bà cho ăn những trận đòn quắn đít. Cả nhiều phen quỳ hương tới chai đầu gối, khi con “ngang nhiên tiếp tay” cho lũ trẻ sống gần chùa vào ăn trộm, nào là cái oản, chút bánh, chút kẹo, và nhiều thứ trái cây gì gì đó. Ngày thường đã vậy, lễ Vu lan, lễ Phật đản con lại càng “tạo điều kiện” giúp chúng “lộng hành” hơn. Không nhờ trí nhớ có phần “ưu việt”, sau mỗi lần trả bài, học thuộc làu làu 24 chương uy nghi, rồi kinh Vu lan, kinh Di đà, luật Sa di quyển thượng và hạ, con đã chẳng bao giờ được sống … vô tư. Mới mười hai, mười ba tuổi thôi, cứ roi Sư bà đánh vào đít, làm sao con chịu cho nổi. Rồi cả chuyện chúng bạn, đứa nào cũng được ngủ đến híp cả mắt. Còn con, có thèm ngủ đến đâu chăng nữa, mắt vẫn phải cố mở trừng trừng. Sau mỗi lần bị mắng vốn, cùng ăn đòn “nhừ tử” như thế con lại được dạn dĩ, được lớn thêm và khôn hơn thêm.

Trước tiên là bài học về nhân cách, về đạo làm người. Nào là chuyện hiếu để với ông bà, cha mẹ. Rồi sống hoà khí cùng anh chị em, bạn bè kể cả thân lẫn sơ. Sư bà dạy con luôn phải đi thẳng và luôn phải biết cúi đầu. Đối với người lớn phải biết vâng, biết dạ. Trao và nhận phải biết trân trọng bằng cả hai tay. Phải biết nói lời cảm ơn. Khi sai phải biết nhận và sửa lỗi. Quần áo, dày dép mặc và đi hàng ngày phải biết gấp, để cho gọn gàng, ngăn nắp. Đôi khi vì mải chơi, vì trông thấy lũ bạn được tung tăng chạy nhảy, không được thỏa “ham muốn “ của mình, con giận Sư bà lắm. Đến bây giờ, nhớ lại, con còn giận Sư bà nhiều hơn. Tại sao vậy. Cũng vì ngày xưa, Sư bà ưu ái con bằng tấm lòng bao dung và rộng lớn ạ. Sư bà đối với con còn hơn cả một người Mẹ, khi cần có thể là một người bạn luôn. Hạnh phúc cứ mãi chứa chan. Cho đến một ngày, con phải rời xa ngôi cổ tự, nơi mà Sư bà, 2 bác Sa di ni và con đã từng gắn bó. Con khóc. Những giọt nước mắt cứ lăn dài trên má. Ôn lại, bằng những dòng chữ này, con vẫn cứ thấy cay nơi khóe mắt.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Và đó là động lực, để con áp dụng lời Sư bà dạy về việc học Phật, mang giáo lý của Đức Phật giúp bản thân có được cái tự tại từ bên trong. Mình phải luôn là chính mình. Sống với hoài bão, ước mong của bản thân, đừng tìm kiếm những điều vô vọng. Chuyện đơn giản phải không. Sống, ai chẳng mưu cầu để được sống, và được tồn tại. Một chút nhẫn nại, một chút khiêm nhường cũng giúp con vượt qua ranh giới “cái tôi” của mình. Lúc đó, trái tim của con như được trưởng dưỡng, và những điều tốt đẹp được nảy sinh. Câu chuyện “cuộc sống tươi đẹp” được viết nên từ đây. Có được tự tại, an nhiên từ bên trong rồi, sẽ giúp con buông bỏ dần dần được những phiền muộn, trăn trở. Tháo gỡ được những vướng mắc dẫn tới phiền muộn, khổ đau. Chẳng cần phải có phép màu. Con cứ sống. Con cứ học để buông bỏ. Con cứ tập để biết thứ tha, … Lúc ấy, mùa xuân của cuộc đời, của những đóa xuân ngời sẽ không ngừng nở rộ trên mắt môi.

Sau gần 30 năm, ngày con trở lại, con lạy Phật, lạy Tổ ở trên chùa, đi xuống nhà dưới vẫn thấy Sư bà thanh bần với nếp sống đạo, với bát cơm rau, chút đậu phụ trắng, chút nước tháng sáu (nước tương) cùng nụ cười hằng giải thoát. Sư bà “bàng hoàng” khi nhận ra con, bởi sự thay đổi do chính con lựa chọn. Thiết nghĩ, như ngày xưa ấy, những lần con mắc lỗi, áp dụng ở ngay lúc bấy giờ, Sư bà đã cầm gậy “trừng phạt” con rồi. Sư bà gắng ngồi xuống bởi tấm lưng và cả đôi chân đau mỗi khi trái gió trở trời. Sư bà ôn tồn nói với con. “Nhân duyên cả. Sống ở đâu cũng vậy. Cứ năng học và năng hành lời Phật dạy, sống trọn đạo làm người. Nhân & quả chẳng ở đâu xa. Phải sống ngay thẳng, thật thà, biết tha thứ, ắt sẽ được tự tại, thảnh thơi!”. Sư bà ạ. Những gì Sư bà đã “hy sinh” cho con, có lẽ trên lộ trình cuộc đời con chẳng bao giờ dám buông lơi. Ngay cả khi những đợt sóng đời khiến con bị quăng quật, xảy ra nhiều va chạm, vui có, buồn có, con vẫn lấy đó làm bài học căn bản để tự răn mình. Rồi cả việc học Phật, học giáo lý của Đức Phật, con vỡ ra được cho mình rất nhiều điều, để con có thể vui, có thể nhẹ nhàng, có thể vững chãi đi giữa cuộc trần ai. Con ghi tâm khắc cốt việc người dù đẹp, dù xấu, địa vị xã hội dù khác nhau, nhưng ai cũng muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau. Lòng từ bi, sự tha thứ, buông bỏ và không bám chấp sẽ giúp con và tất cả những ai đang mong muốn được mưu cầu hạnh phúc đạt được mơ ước của mình. 

Con lại thèm được Sư bà xoa đầu nhiều thêm nữa. Cả gõ vào đầu cho nhớ đời con cũng thích thú, khát khao. Gần năm chục tuổi rồi, những mong muốn về cuộc sống của con vẫn khôn cùng. Nhưng con sẽ gói ghém lại, bằng những lời Sư bà đã chỉ dạy. Không thể mỗi sớm mai, hay khi chiều về, được cận kề với tiếng mõ lời kinh, nhưng chưa khi nào con dám chểnh mảng: Phải tự mình nỗ lực, luôn luôn phải trau dồi thân tâm và rèn luyện tu hạnh từ bi, cố sức xả bỏ những tâm niệm tham - sân - si. Đạt được tới “cảnh giới” đó, con sẽ trở thành người may mắn, và hạnh phúc như triệu triệu con người đang hướng tới cuộc sống tươi đẹp, thông qua việc tìm hiểu, học và hành giáo lý của Đức Phật phải không Sư bà - Người Thầy, người Mẹ, người bạn mà con hằng kính ngưỡng!!!

*Tri ân Ni trưởng Thích Đàm Mai - Trụ trì chùa Lũng Tiên, Phường Trần Thành Ngọ, Quận Kiến An, Thành phố Hải Phòng!

Bài dự thi của Phật tử Đinh Anh Tuấn, địa chỉ: Số nhà 102, Lô 11K5, Chung cư Hoàng Huy, Xã An Đồng, Huyện An Dương, Thành phố Hải Phòng.

Bài tham gia cuộc thi viết “Đạo Phật trong trái tim tôi” do Ban TT- TT TW & Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam phát động. Đạo hữu, Phật tử hoan hỉ gửi bài viết dự thi về email: info@phatgiao.org.vn.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Chia sẻ của nữ tiến sĩ Văn học sau một tuần tu tập tại Làng Mai

Đạo Phật trong trái tim tôi 10:39 19/11/2024

Nữ nhà văn đã nghiệm ra một chân lý vô cùng quan trong để cả quãng đời sau này, bà có thể sống trọn vẹn những phút giây hân hoan, của một người hiểu rõ THẾ NÀO LÀ HẠNH PHÚC?

Viết về Đức Phật Dược Sư - thành Quảng Nghiêm một thuở…

Đạo Phật trong trái tim tôi 16:50 31/10/2024

Theo tinh thần của Phật giáo Mahayana (Phật giáo Phát Triển) và Phật giáo Vajrayana (Phật giáo Kim Cương thừa) thì Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang là một vị Phật-đà với hạnh nguyện rộng lớn, sẵn sàng xoa dịu những trái tim cằn cỗi đau thương, luôn luôn dang tay cứu độ hết thảy muôn loài trầm kha ngũ thú.

Thiền sư Yantra Amaro - người không nói gì mà pháp tự tuôn chảy

Đạo Phật trong trái tim tôi 10:23 18/10/2024

Cũng như bao người trong khán phòng, tôi ngồi đợi từ sớm, rồi cảm giác như có một ngọn gió nào vừa nhẹ đến lan vào trong phòng, trong những tiếng thì thào rất khẽ của những người đang ngồi quanh tôi. Ô, thì ra ông đã đến.

Thiền sư Nhất Hạnh kể chuyện “chiếc áo ba mươi bảy kiếp khổ hạnh”

Đạo Phật trong trái tim tôi 11:09 16/10/2024

Có những chiếc áo không bao giờ xấu và cũ. Tôi có một chiếc áo nâu đã sờn rách và bạc màu, nhưng tôi quý hơn tất cả những chiếc áo khác của tôi.

Xem thêm