Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 06/02/2014, 13:43 PM

Hằng tâm là cái vĩnh hằng

Ngô Thì Nhậm đã có những suy nghĩ sâu sắc, trực tiếp cả đến trường hợp cái chết mà không thể tránh khỏi: “Trong Kinh dịch 64 quẻ, duy quẻ “Khốn” là thánh nhân cho phép người ta chết.

Ở độ tuổi 49, vào năm Giáp Dần (1794), mùa đông, Ngô Thì Nhậm đã có một giấc mơ lạ. Trong mơ, Ngô Thì Nhậm thấy mình đi bộ trên một cánh đồng ngập nước, tới chỗ thôn Hạ của xã Tả Thanh Oai - làng Tó quê nhà. Bỗng “Thấy một nóc chùa hướng Tây, quay ra bờ sông, lầu cửa chót vót, trước lầu đặt những cờ quạt, tàn lọng, nghi vệ rất nghiêm trang”.

Ngô Thì Nhậm tự thuật: “Tôi hỏi người thị vệ: Nghi lễ này do xứ nào cung phụng? Bỗng thấy đấng tiên khảo (Ngô Thì Sĩ) ở trong lầu, đưa tay dắt tôi vào chùa, đến chỗ cao đường, hương bày la liệt, tượng Phật trang nghiêm, trong có một chiếc hương án, thể chế cao to. Tiên khảo chỉ vào đó mà bảo tôi rằng: “Huyệt ở dưới hương án, đào một lớp đất chùa ra, lập hướng rất đẹp”. Tôi thưa rằng: “Định huyệt ở nơi hương án, e rằng vị sãi chùa không chịu cho!”.

Tiên khảo đáp: “Sãi chùa có mộ cô gái, ông hỏi mà cưới lấy, thì có gì mà không cho?”. Tôi tỉnh giấc, biết đó là tiên khảo đã mộng cho đất”.

Việc tìm đất sinh phần cho chính mình đã được ngô Thì nhậm bắt đầu tiến hành ngay từ đêm mơ thấy người cha thân yêu “cho đất” đó.

Ngô Thì Nhậm kể tiếp: “Đạo của đất là việc huyền bí, tôi chưa rõ phép kén chọn. Có viên Cống Sinh (Tú tài) ở đất Mân (Chiết Giang - Trung Quốc) hiểu về môn lý học, tôi rước đến Chu Bùi, ngỏ ý muốn rời chùa đi để điểm huyệt, song ngại vì hổ thủy phân tán qua các cung đường. Tôi thì cũng lo là lập huyệt ở nền chùa là điều đáng ngờ. Lại xem bói qua cũng không được tốt”.

Sau đó, có viên Hiệu sinh trang ấp là Trần Thức, nói với tôi: “Cục đất ở Vườn Cam rất quý”. Tôi bèn sai người chọn đất. Trước hết lấy một chỗ ở nơi long mạch gấp khúc, mạch ở phương Đông Bắc, hướng về phương Nam. Bói “Dịch”, được quẻ “Địa lôi phục”, sáu hào đều tĩnh. Lời quẻ nói: “Phục hanh xuất nhập vô tật, bằng lai vô cữu, phân phúc kỳ đạo, thất nhật lai phục, lợi ký du vãng”, tức là “Quẻ phục, hanh thông, ra vào không bệnh, bạn đến không lỗi, xem xét kỹ đường đi, bảy ngày trở lại, có lợi ở chỗ đi xa”.

Khởi đầu của việc tìm đất, lập huyệt đã cẩn trọng thế. Đến lúc xác định được chỗ cụ thể sẽ là sinh phần cho mình, ngô Thì nhậm còn bỏ nhiều công phu hơn nữa: “Tôi nghiền ngẫm về bản thể của quẻ, đức độ của quẻ, và lời lẽ của quẻ. Tóm lại ngôi đất đó là tốt”.
 
Lại xem xét thật kỹ, mới nhận thấy được chính đó là “long huyệt”. Lại nhờ Hoàng Giáp Nguyễn Công ở làng Hương Triệu, cùng Trợ  giáo Nghiêm Hỷ Thức ở làng Hoàng Xá cùng xem xét lại đất ấy. “Nhất nhất đều đánh dấu để nhận, đắp nền để nhớ”.

Cuối cùng thì đây chính là chỗ được sinh phần! Và may sao, ứng với những điều đã được trong mộng, đều khớp cả: “Lúc đầu, được một huyệt hơi về bên trái một chút. Cùng lấy địa khí từ tây phương (Tân), lập hướng về phương Đông (Mão).

Tôi thấy phong thủy hướng vào núi, cũng khá bằng phẳng, hợp pháp. Tham khảo với chỗ trông thấy trong giấc mộng, thì chỗ đất này có con đường ngự chạy dài. Voi, ngựa, cờ, trống, bao bọc trước sau. Tức  là hình tượng của lâu đài nghi vệ. Mạch đưa đến là dòng nước gấp khúc, cũng là hình bàn và ghế.

Nhân mạch Đông Bắc (Cấn) lập hướng Đông Nam (Mão), lấy ngôi Tây Bắc (Dậu) làm cửa chùa. Chính ngay ngôi Mão là sau vách chùa. Đó là xuyên qua một lớp vách chùa. Cái Sa (dòng nước) bên phải, nhô lên một con mộc (cồn đất), đưa nước ở phương Tây (hổ thủy) vào trong lòng, đến cung Thìn (Đông Nam) đổ về kho. Tức là ứng với mộng, thì đó là “Con gái sãi chùa, hỏi mà cưới lấy”.

Giấc mộng của tôi, với việc bói đất của tôi, so sánh đều hợp. Nhân đấy, gọi tên ngôi đất là Vĩnh Định Oanh (mộ Vĩnh Định) để làm hai chỗ Giáp và Ất, là nơi sinh phần vậy”.

Như thế thành công việc chuẩn bị mộ phần cho cái chết tương lai! Và quá trình chọn, xác lập được nơi rồi sẽ là mộ phần của Ngô Thì nhậm, khi kết thúc thành công, đã được đánh dấu bằng dòng lạc khoản của bài ký ngôi mộ Vĩnh Định, đề “Ngày Đông chí năm Ất Mão” tức là cuối năm 1975, theo Dương lịch.

Điều này có nghĩa là: Từ tám, tháng chín năm trước sự kiện ngày 16/02 năm Quý Hợi (1803), Ngô Thì Nhậm đã chuẩn bị xong, sẵn sàng cho sự chết và cái chết của mình ở phương diện tạo ra những điều kiện vật thể và cụ thể.

Còn về tinh thần và lý thuyết - lý luận, trong thời gian đi lánh nạn tại am Lệ Trạch và viết sách Xuân Thu Quản Kiến, Ngô Thì Nhậm đã có những suy nghĩ sâu sắc, trực tiếp cả đến trường hợp cái chết mà không thể tránh khỏi: “Trong Kinh dịch 64 quẻ, duy quẻ “Khốn” là thánh nhân cho phép người ta chết. Vì rằng, đã mắc vào tượng quẻ “Khốn” thì không có lối thoát. Người làm bề tôi, làm con, mà gặp phải tượng ấy, thì chỉ có bỏ thân mình để đạt tấm lòng của mình mà thôi”.

Khoảng trên dưới mười năm, sau khi viết sách Xuân Thu Quản Kiếm, Ngô Thì Nhậm còn trở lại cái ý đã nói trước và còn bổ sung thêm cả quan điểm Phật học, kết hợp với Nho học, thành lý luận như đã viết trong sách Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh: “Kinh dịch 64 quẻ, chỉ có một quẻ “Khốn” cho phép trí mệnh (bỏ mạng). Kinh Lăng Già có 8 thức, chỉ có một thức “Ý” cho phép Niết bàn (về cõi Phật).

Thế là cả đạo Nho lẫn đạo Phật đều chẳng khinh dị cho phép người ta chết (một cách cẩu thả).

Tượng quẻ “Khốn” là nước đã ngấm xuống dưới đầm, đã lìa đầm rồi. Thức “Ý” thì như biển cả nổi phong ba bão táp, làm cho sóng nước cuồn cuộn dâng lên. Bởi vậy, trong quẻ “Khốn” chẳng trí mệnh chẳng được, trong thức “Ý” không niết bàn cũng không được”.

Đấy là lý luận tự nhiên của cái chết tất nhiên. nhưng Ngô Thì Nhậm còn có cả lý luận về phương diện đạo lý của cái chết nữa, khi bắt đầu bằng việc phân tích những cái chết mang nhân tính (nhân cách) của con người:

“Văn Khương nước Lỗ, Vũ Thị nhà Đường, đều là những kẻ đại ác trong thiên hạ, thế mà vẫn được hưởng ngôi, hưởng lộc, hưởng thọ. Vậy thì đạo trời ra tai vạ cho kẻ dâm ác, hóa ra là có sai lầm hay sao?

Trả lời: Thọ là trọc phúc, Danh dự là thanh phúc. Xem như Bá Di, Thúc Tề chết đói, Liễu Chính chết no. Hai hạng ấy, danh dự hơn kém nhau thế nào? Còn Văn Khương, Vũ Hậu thì bị ngàn đời chửi rủa, đó là nhơ bẩn về ngôi, lộc, thọ vậy”. ngô Thì nhậm  đã nói rõ sự đích đáng trong dư luận về chuyện đẹp, xấu ở những cái chết cụ thể của cổ nhân phương bắc để đi tới khái quát thành phương châm: “Cũng là một cái chết, nhưng có cái chết coi nặng tựa như núi Thái Sơn, lại có cái chết coi nhẹ tựa lông hồng”.

Với những điều đã chiêm nghiệm và xác lập được, cho thấy trong thời gian nửa cuối năm Nhâm Tuất (1802), khi hay vào suy nghĩ trong Văn Miếu Thăng Long, thì đó cũng chính là lúc Ngô Thì Nhậm đã trực diện với cái chết trong đầu óc của mình. Thực tiễn ứng xử với cái chết ngày 16 tháng Hai năm Quý Hợi (9/3/1803) cũng cho thấy Ngô Thì Nhậm chắc chắn là đã thanh thản mà quả quyết biết bao nhiêu!

Sự thanh thản mà quả quyết trước cái chết “coi nhẹ tựa lông hồng” vì không chỉ là đã ở vào quẻ “Khốn” và thức “Ý”, mà còn có cả cái “Thanh phúc” của “Danh dự” và đã được thấy lại một lần nữa, khi đào đất để cải tang ở chỗ xưa kia là khu mộ Vĩnh Định mà Ngô Thì Nhậm đã dày công chọn sẵn làm sinh phần trong hai năm Giáp Dần - Ất Mão (1794 -1795).

Hôm đó, ở sâu dưới đất mẹ, đã thấy được một tấm bia đá nhỏ, nằm giữa hai chiếc tiểu sành đựng hài cốt của ông và bà nằm song song. Tấm “bia thơ” này theo cách gọi của nhà thơ Trần Lê Văn còn rõ nét chữ của bốn câu thơ, dường như nằm tại đấy, là để hai ông bà cùng gối đầu ở cõi vĩnh hằng. Lời thơ viết như sau:

“Hằng tâm hà sa 
Vãng lai vũ trụ 
Bất đàn bất tử
Tầm thường ly tụ”

Tạm dịch là:

“Hằng tâm: cát sông Hằng 
Lại qua trong vũ trụ
Không mất, không chết đâu 
Tầm thường, chuyện ly tụ”.

Tấm “bia thơ” mang những lời lẽ diệu linh của tư duy triết học này, bây giờ, vẫn đang được đặt trước ngôi mộ mới tôn tạo của Ngô Thì Nhậm ở gần khu từ đường họ Ngô Thì tại quê hương làng Tó - Tả Thanh Oai.

Và như để bậc danh nhân lớn của quê hương, đất nước, cùng lịch sử nhắn nhủ mọi người rằng: “Trong cuộc sống con người, có một thứ mà nơi đâu cũng có, nhiều như cát sông Hằng, ấy là tấm lòng nhân ái tồn tại lâu dài không thay đổi, gọi là Hằng Tâm.

Cái Hằng Tâm đó vận động trong vũ trụ như các vì tinh tú, không bao giờ mất, không bao giờ chết. Cái tinh anh đó mà còn, thì con người còn sống mãi. Sự hợp tan, sống chết, mất còn của một đời người cũng là chuyện tầm thường thôi, có gì đáng kể, so với điều vĩnh hằng đó…”.

Cái ý tứ mênh mang sự cao cả của trí tuệ và tình người này, lồng lộng giữa đất trời, chỉ mươi năm sau đã được đại thi hào Nguyễn Du đúc kết lại trong câu thơ tuyệt bút, đẻ mà suốt qua thời gian, trên khắp không gian, truyền xa mãi mãi: “Thác là thể phách, còn là Tinh Anh”

Giáo sư Sử học Lê Văn Lan/Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 1 năm 2014, xuân Giáp Ngọ
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Tìm hiểu về khả tính thành Phật của nữ nhân

Nghiên cứu 15:00 07/05/2024

Chính từ sự kiện 'nữ nhân khả tính' một phần nhấn mạnh tầm quan trọng của bức thông điệp 'Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành', duy nhất, tuyệt vời chỉ có ở giáo Pháp của đức Phật, cũng là lời khẳng định về tính thống nhất toàn bộ tư tưởng Phật giáo.

Niềm tin và sự khủng hoảng của niềm tin trong lĩnh vực Phật giáo

Nghiên cứu 15:10 02/05/2024

Mục đích bài viết nhằm phân tích để thấy rõ niềm tin của con người và sự khủng hoảng về niềm tin Phật giáo hiện nay, để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm và những giải pháp tốt hơn trong tương lai.

Mẫu hình người cư sĩ lý tưởng

Nghiên cứu 15:55 17/04/2024

Trong những chúng đệ tử Phật, thì chúng cư sĩ tại gia chiếm số lượng đông đảo và có những ảnh hưởng nhất định đối với diện mạo của Phật giáo nói chung.

Phẩm tính quan trọng của một người học trò từ trường hợp Tôn giả Angulimala

Nghiên cứu 10:10 05/04/2024

Angulimala là một người cực ác trong xã hội khiến ai ai cũng khiếp sợ với danh xưng kẻ sát nhân, chỉ duy nhất tình thương của Phật pháp mới khiến tên cướp quay đầu sám hối, từ một kẻ đại ác trở thành Sa môn Thích tử.

Xem thêm