Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 07/10/2015, 14:57 PM

Hạnh phúc được cống hiến của "vị sư da cam"

Đó là sư Thích Thanh Phước, y sĩ, trụ trì chùa Linh Quang, ở thôn Pô Kiều, xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, cách Tp.HCM gần 200km

Sư Phước tại chùa Linh Quang 
Từ bao năm nay, hàng ngàn bệnh nhân nghèo đến đây, đều được sư chữa bệnh, ăn ở miễn phí cho đến khi dứt bệnh hoặc khỏe mạnh trở lại

Nhiễm chất độc da cam

Ông Nguyễn Văn Hiên, nguyên Trưởng ban MTTQ xã Tân Thắng, trên đường dẫn chúng tôi vào chùa cho hay, ở đây người dân thôn Pô Kiều thường gọi sư Phước là “sư da cam”.

Lý do sư Phước bị nhiễm chất độc da cam từ nhỏ, lớn lên với hình hài dị dạng, nhìn sư Phước, ít ai nghĩ sư là thầy thuốc tài hoa, lại có cái tâm Bồ Tát, sẵn lòng cưu mang, giúp đỡ những người nghèo khổ, chẳng may lâm trọng bệnh.

Cũng vì thế nhiều người nghèo khắp nơi gọi chùa Linh Quang là “Niết bàn nơi hạ giới”. Lúc chúng tôi đến, sư Phước đang tất bật xem hồ sơ bệnh án, bắt mạch, bốc thuốc. Những người bệnh nghèo đang nhẫn nại ngồi chờ đến lượt được khám, phát thuốc.

Thoạt đầu gặp, chúng tôi không mấy thiện cảm với sư Phước, vì ngoại hình chẳng lấy gì làm hãnh diện của ông: dáng người nhỏ thó, mảnh khảnh, giọng nói khàn đục, và có cảm giác vị sư này rất yếu ớt…

Nhưng chỉ sau ít phút trò chuyện, chúng tôi đã thay đổi thái độ, và hiểu vì sao người nghèo chẳng ai bảo ai, lại quý sư Phước như thế.

Mãi đến trưa, sư Phước mới được đôi chút thảnh thơi. Vừa vào chuyện, sư dí dỏm: “Thầy tai thỏ, mặt chuột, mắt dơi, mũi diều hâu, tay chân loằng khoằng là do ảnh hưởng di chứng chất độc màu da cam.

Trong chiến tranh, hai cụ thân sinh của thầy hoạt động ở chiến khu Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Khi hạ sinh thầy, thấy thằng nhỏ yếu ớt nặng có hơn ký lô, ai cũng nghĩ thầy khó mà sống được. Thầy được thế này cũng là nhờ phước đức tổ tiên để lại”.

Sư Phước kể, khoảng năm 2000, trong thời gian tu học tại Đồng Nai, nghe Đại đức Thích Lệ Nhân, trụ trì chùa Khánh Long ở Xuân Lộc, Đồng Nai kể, cuộc sống của bà con ở thôn Pô Kiều này rất khổ cực, thiếu thốn đủ bề, nên sư quyết định về nơi này trước thử sức mình, sau mong muốn làm điều gì đó để chia sẻ những nhọc nhằn với bà con.

Về Pô Kiều, thấy đúng là bà con nghèo khổ quá: khí hậu khắc nghiệt, quanh năm nắng gió hanh hao, thổi tung mù mịt những đồng cát khô rang. Nhưng bù lại, có nhiều cây thuốc nam để chữa những căn bệnh mà bà con quanh vùng thường gặp
Bệnh nhân chờ khám bệnh tại chùa Linh Quang 
Về đây, sư Phước bắt đầu mang vốn liếng Đông y đã học trước đó ra, bắt đầu những tháng ngày lặn lội lên đồi cao, ra rừng ven biển, tìm cây thuốc về sơ chế, phơi khô, tích trữ dần.

Lặng lẽ đến với người nghèo ở thôn Pô Kiều bằng cái tâm thiện nguyện ấy, chẳng bao lâu sau câu chuyện về một ông sư da cam hết lòng với người nghèo được loan truyền.

Ông Biền Vũ, một trong nhiều người hỗ trợ sư Phước về tài lực để sư có điều kiện chữa trị cho người nghèo, bộc bạch: “Khi biết chuyện sư Phước cứu người, chữa trị hiệu quả nhiều chứng bệnh nan y, vợ chồng tôi và người thân là anh Lê Kim Dũng vào vai người bệnh tìm đến chùa Linh Quang tìm hiểu thực hư.

Đến nơi, thấy chùa dột nát mà thương. Tìm hiểu biết sư Phước là người có tâm, một lòng nặng nợ với bà con nghèo khó nên sau đó chúng tôi vận động người thân, bạn bè cùng hiệp sức”.

Nhờ những sự trợ duyên ấy mà ngôi chùa nhỏ tồi tàn ngày nào của sư Phước dần được thay thế bằng dãy nhà cấp 4, gian thờ Phật, gian làm nơi cư trú cho bệnh nhân nghèo nơi xa, gian làm nơi bốc thuốc kê đơn…

Ngồi dưới bóng cây bồ đề, bà Mai Thị Huyền, 63 tuổi, ở Tháp Chàm, Ninh Thuận, cho hay, năm 2008, bà bị tai biến liệt nửa người, gia đình chạy vạy đưa đi chữa trị khắp nơi, sạch trơn tiền bạc mà bệnh không thuyên giảm. Tưởng đâu đã đến bước đường cùng, bó tay rồi thì mới biết sư Phước.

"Vợ chồng tôi tìm đến và được sư Phước tiếp nhận ngay. Biết vợ chồng tôi ở xa lại nghèo khó thực sự, sư động viên cứ ở chùa điều trị, đến khi nào lành bệnh mới thôi, mọi việc ăn thuốc, thuốc thang đều được miễn phí.

Vợ chồng tôi ở gần 3 tháng mà không tốn đồng nào. Khi đi lại được rồi, tôi tình nguỵên ở lại chùa làm công quả, phụ sư băm chặt, phơi sấy thuốc”, bà Huyền cho biết

Hóa giải nọc độc

Không chỉ chữa trị được rất nhiều chứng bệnh phổ biến người dân nghèo hay mắc, sư Phước còn nổi tiếng với bài thuốc cổ truyền hóa giải nọc độc chết người của cá nóc
Mỗi khi rảnh rỗi, sư Phước lại đi khắp nẻo tìm cây thuốc về chữa bệnh cho bà con 
Ông Trần Phụng, chủ tàu BT 213 ở cảng cá Lagi, Hàm Tân, cho biết, ở vùng biển Lagi có sản lượng cá nóc lớn nhất vùng, ngư dân bủa một mẻ lưới có khi được cả nửa tấn loài cá cực độc này

Vì thế, anh em đi bạn (người đi biển chung) ở các nơi gọi Bình Thuận là "thủ phủ cá tử thần" hay "cá thần chết", loài cá thịt ngon như thịt gà nhưng lại có độc tính, khiến không ít người vùng này bỏ mạng. Từ hồi sư Phước về đây, nhiều người đã thoát chết vì cá nóc

Anh Nguyễn Sáu, ở thôn Hồ Lân, một trong số nhiều ngư dân từng suýt bị cá nóc lấy mạng, nhớ lại: "Hai năm trước, dù đã làm rất sạch món cá nóc, nhưng chỉ sau 2 tiếng lai rai, tôi thấy miệng đắng nghét, toàn thân co giật

Biết mình đã bị ngộ độc cá nóc nên vội vàng kêu người nhà đưa đến sư Phước. Sư cho tôi uống thứ nước đắng kinh hồn, nhưng chỉ vài phút sau thì những triệu chứng kia giảm dần. 1 giờ sau thì tôi đi lại được".

Một trường hợp khác, bị ngộ độc bạch tuộc đốm xanh, cũng may mắn được sư Phước cứu sống kịp thời là ngư dân Nguyễn Hải.

“Bạch tuộc đốm xanh có độc tố không thua gì cá nóc. Nhưng tôi chủ quan, cứ nghĩ rửa sạch, luộc kỹ thì độc gì cũng tiêu nên ăn đại.

Vậy mà vừa ăn được chừng tiếng đồng hồ thì bắt đầu bị tê lưỡi, buồn nôn... đường đến trạm xá thì xa, lại sợ đến không gặp bác sĩ, nên người nhà đưa tôi vào chùa. Được sư cho uống thứ nước bằng cây cỏ, khoảng 20 phút sau tôi dần ổn định", ông Nguyễn Hải nhớ lại.

Sư Phước cho biết, dân gian có một số bài thuốc trị ngộ độc cá nóc từ nước bí đao, rễ cỏ tranh tươi, lá khoai lang non (giã nát, vắt lấy nước)... Nhưng với những trường hợp ngộ độc nặng thì những bài thuốc này không hiệu quả lắm.

Bài thuốc mà sư dùng là tổng hợp các cây thuốc Nam gồm tứ quý, ké đầu ngựa, cây xoan, điệp vàng, bạch hoa xà, cam thảo đất, củ gấu và nga truật.

Nhưng tùy tình trạng ngộ độc của bệnh nhân mà gia giảm thành phần 3 vị thuốc chính cho phù hợp. Không chỉ hóa giải nộc độc cá nóc, bài thuốc này còn hóa giải nhiều chứng ngộ độc khác.

Nhưng nếu không có kinh nghiệm chữa trị thì không được tự ý sử dụng bởi không những không cứu được người mà còn khiến họ mau chóng trở thành người thiên cổ

“Mỗi ngày chùa Linh Quang tiếp nhận hàng trăm người bệnh, thường trực khoảng 100 bệnh nhân nội trú. Mỗi ngày khối lượng thuốc được phát miễn phí cho bà con hơn 2.000 thang, tương đương với khoảng 3 tấn cây thuốc. 

Tấm lòng của sư Phước đã khiến bao người, trong đó có những Mạnh Thường Quân cảm động và hết lòng chia sẻ. Nhờ vậy mà từ vài giường bệnh ban đầu, số giường bệnh được nâng dần lên 50 rồi 80. Và ngay tại thời điểm này, chùa đã hoàn thành công trình xây dựng bệnh xá với gần 150 giường bệnh”. 

(Ông Nguyễn Văn Hiên, nguyên Trưởng ban MTTQ xã Tân Thắng)

Phúc Lập
Nguồn: http://nongnghiep.vn/hanh-phuc-duoc-cong-hien-vi-su-da-cam-post150689.html
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

BTS Phật giáo tỉnh Tiền Giang trao 300 học bổng hướng đến Kính mừng Phật Đản PL.2568

Gieo mầm thiện 11:30 17/05/2024

Thực hiện chuổi hoạt động trong chương trình từ thiện hướng đến chào mừng Đại lễ Phật Đản Phật lịch 2568; Sáng ngày 17/4/2024 (nhằm ngày 10 tháng Tư năm Giáp Thìn), Ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang tổ chức trao 300 học bổng hỗ trợ các em học sinh hiếu học trong địa bàn tỉnh.

Chùa Bà Đa trao quà cho người khó khăn

Gieo mầm thiện 18:00 15/05/2024

Chiều 8/4/Giáp Thìn (15/5), chùa Bà Đa (số 02 An Tư Công Chúa, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) đã trao tặng 100 suất quà bao gồm gạo, dầu ăn và tịnh tài cho bà con có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Mỹ An.

Phật giáo tỉnh Tiền Giang khai mạc Tuần lễ Phật đản PL.2568 và khởi động “Phiên chợ 0 đồng”

Gieo mầm thiện 11:30 15/05/2024

Sáng ngày 15/5/2024 (Mùng 8 tháng 4 năm Giáp Thìn), Thường trực BTS GHPGVN tỉnh đã trang nghiêm tổ chức Khai mạc Tuần lễ Phật đản PL.2568; đồng thời khai mạc “Phiên chợ Không đồng” hỗ trợ trên 500 bà con nghèo, các hoàn cảnh khó khăn.

Nhà sư luôn giúp trò nghèo và người bệnh

Gieo mầm thiện 09:54 12/05/2024

Thời gian qua, ngoài thực hiện tốt công tác Phật sự, ĐĐ.Thích Huệ Trí và Ban Hộ trì Tam bảo chùa Linh Quang (xã Phú Hòa, huyện Định Quán) còn tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội thông qua việc giúp đỡ học bổng cho học sinh; tổ chức bếp ăn từ thiện; đóng góp xây dựng công trình nông thôn…

Xem thêm