Hạnh phúc vĩnh hằng của người Phật tử
Đức Phật đã từng dạy rằng những ai muốn được hạnh phúc vĩnh hằng là phải tự mình làm cho trống vắng những phiền não và đau khổ. Như vậy đã trả lời cho câu hỏi làm thế nào có được hạnh phúc và bằng cách nào giữ cho hạnh phúc được lâu dài.
Tuy nhiên, nói như vậy mà không đi sâu vào chi tiết thì e rằng quá mông lung và khó mà thực hiện được. Đạo Phật là đạo của thực tế chứ không mơ hồ khó thực hiện. Với đạo Phật, xin đừng nói mà hãy làm. Muốn cho tâm tỉnh lặng, không chỉ nói mà tâm tỉnh lặng được, mà phải dùng thiền quán. Phải khép bớt những cánh cửa giận hờn thương ghét của lục căn.
Theo Đức Từ Phụ, ngồi thiền chẳng những làm cho tâm ta tỉnh lặng, mà còn là tập thương lại với chính mình. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta đã chứa chấp không biết cơ man nào những thương yêu, hờn ghét, hỉ, nộ, ái, ố...Tại sao? Một phần vì cuộc sống quá động bên ngoài, mà một phần cũng tại nơi chính mình. Tự mình chạy theo những huyễn ảo, tự mình nhận giả làm chơn. Bởi thế Đức Thế Tôn mới chỉ cho chúng ta cách tu làm sao cho tự mình lắng đọng lấy mình; rồi từ đó ta mới thấy đâu là tinh khiết, đâu là cặn cáu, cũng như ta sẽ nhận rõ đâu là giả và đâu là chơn.
An lạc và hạnh phúc trong sự thanh lọc tâm hồn
Chúng ta có người tới chùa vì ông bà cha mẹ đã từng tới chùa, cũng co người tới chùa vì quá khổ đau, mà cũng có người vì thích mà tới...Thế nào cũng được. Đến được chùa để nghe kinh kệ cũng làm cho tâm hồn ta dịu lại, nhưng đây chỉ là tạm chứ không dài lâu. Mà hễ tạm thì tâm hồn của chúng ta sẽ có lúc dịu lúc không. Đa phần chúng ta không biết phải làm sao cho đau khổ vắng mặt lâu dài. Chỉ khi nào khổ đau vắng mặt thì hạnh phúc mới có cơ hiển lộ mà thôi. Một khi có hạnh phúc đời nầy, thì theo luật nhân quả của nhà Phật, đời sau nếu còn cũng sẽ có hạnh phúc.
Theo Đức Phật, những ai chỉ muốn có hạnh phúc tạm bợ thì không phải là người có trí huệ. Người có trí huệ sẽ tìm cách làm cho sự đau khổ trống vắng vĩnh hằng. Muốn được như vậy thì trước tiên ta phải biết cái gì là đau khổ, cũng như muốn không sợ ma thì phải biết ma là cái gì. Sau khi đã nhận chân được, thế nào là đau khổ thì đâu có ai còn muốn chứa chấp chúng nữa. Người con Phật, một khi đã nhận chân được đau khổ, sẽ thành thật mà nói với chính mình rằng: "Thôi mấy em đã ở với anh với chị lâu rồi, cơm gạo cũng đã tốn kém nhiều rồi bây giờ là lúc anh chị mời mấy em ra khỏi nhà." Điều nầy có dễ làm không? Sở dĩ đa phần chúng ta không làm được điều nầy là vì chúng ta không dứt khoát.
Lúc khổ thì buồn thì đau, mà lúc không khổ thì chúng ta lại đi tìm nó. Chẳng hạn như lắm khi buồn mà ta còn nghe nhạc buồn thì làm sao mà vui cho được. Ấy là với những kẻ theo chủ nghĩa "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ." Buồn rồi thấy cái gì cũng buồn, hoặc làm cho buồn thêm. Là người Phật tử, chúng ta quyết không theo cái chủ nghĩa ấy. Với ta, cảnh là cảnh, ta là ta. Nếu không khéo chúng ta sẽ chẳng những không làm vắng mặt sự đau khổ, mà còn bị lôi kéo vào con đường sa đọa nữa là khác.
Nếu người buồn, cảnh không vui thì cái gì sẽ xảy ra? Vũ trường, quán nhậu, xi nê, shopping, nhưng sau những thứ ấy sẽ là cái gì? Có thể những khổ đau cũ chưa dập tắt thì khổ đau mới đã kéo đến vây quấn lấy ta. Cứ thế mà hết năm nầy qua năm khác, để rồi cuối cùng thân nầy đã sắp tàn rụi mà khổ đau thì ngày càng chồng chất. Thế cho nên trong việc tu tập, ta nên nhận dạng những đau khổ cho kỹ để mà từ từ chuyển chúng thành những trung tính hoặc an lạc.
Thế nào là hạnh phúc?
Hạnh phúc có phải là sự trống vắng của đau khổ, hay hạnh phúc tự nó tạo ra đau khổ? Hạnh phúc là sự trống vắng của đau khổ; tuy nhiên, chúng ta ít khi chịu yên thân với sự trống vắng khổ đau, mà thường tự mình đã đặt ra điều kiện cho hạnh phúc, rồi lắm khi tự gây sầu chuốc khổ vì những điều kiện đó. Cũng có lắm khi chúng ta tự trói buộc mình với trăm ngàn lý do để trì hoản hạnh phúc. Thí dụ như có mười đồng chưa được gọi là hạnh phúc mà phải có một trăm cơ; đi xe cũ không hạnh phúc bằng mua một cái xe mới; phải mua được cái nhà đẹp mới là hạnh phúc... Thật tình mà nói, nếu chúng ta cứ mãi chủ quan như vậy, e rằng chả bao giờ chúng ta có được hạnh phúc đâu.
Phật pháp giúp cuộc sống của tôi trở nên hạnh phúc
Như vậy đừng đặt điều kiện, đừng chờ, đừng đợi, đừng tự mình giới hạn hạnh phúc của mình, đừng tự làm mây che phủ bầu trời cao thăm thẳm. Hãy mở rộng tầm nhìn của mình bằng cái nhìn khách quan; hãy sống chẳng những cho mình mà còn cho người nửa. Hãy luôn nhớ rằng hạnh phúc nhiều khi không có cái gì cao xa cả, chúng là những thứ hết sức đơn giản trong cuộc sống hằng ngày của ta. Ta đang còn hơi thở, ta không hạnh phúc lắm sao? Đôi chân ta vẫn còn có khả năng chạm đất, không là hạnh phúc lắm sao? Thấy một cái xe đẹp ta không đủ tiền mua, dục vọng cứ xúi ta mua; tuy nhiên, lý trí ta không nghe theo dục vọng, không mua, không mang nợ, như vậy không là hạnh phúc lắm sao?
Những thứ rất đơn giản như vậy thôi là hạnh phúc một trời, chứ đừng mãi dong ruổi đi tìm. Cái trục trặc chính của phàm phu là cứ mãi đi tìm. Tìm cái gì? Có khi chưa được cái nầy thì đã mất cái kia. Hạnh phúc và an lạc ở nơi chính mỗi chúng ta. Nó rất gần gủi và đơn giản, như làn gió nhẹ hay cơn nắng ấm ban mai theo cùng bước chân thảnh thơi của ta trong mỗi phút giây hiện tại tỉnh lặng. Ai biết sống với hạnh phúc ấy thì, cho dù nằm trên đất vẫn có được an lạc; bằng không thì, cho dù đầy đủ cung vàng điện ngọc, mỹ nữ tuyệt vời... trên các cảnh giới của chư thiên cũng không làm sao có được hạnh phúc và an lạc.
Làm sao để duy trì hạnh phúc lâu dài?
Thế giới Ta Bà nầy có cái gì gọi là vĩnh hằng đâu? Thế mà tại sao chúng ta cứ mãi khư khư đòi cho được cái hạnh phúc vĩnh hằng ở cõi nước tạm bợ nầy? Chúng ta càng ao ước nắm chặt lấy niềm vui thì chúng càng qua mau. Một khi niềm vui qua rồi thì sao? Khi đã mất niềm vui thì có mấy kẻ phàm phu không đau khổ? Hiểu được như vậy, người con Phật hãy coi những hạnh phúc của trần gian như gió thoảng mây bay, như nước chảy qua cầu, hoặc giả như sương mai trên đầu cỏ. Chúng ta luôn thấy rằng bên cạnh những đau khổ, những mất mát, những sự việc làm ta ray rức... Chúng ta vẫn còn có những niềm vui, vui lắm, vui đáo để.
Sự đời cũng giống như mặt đất, có khi đồng bằng, có khi núi non và biển cả. Hãy nhận chân như vậy để chỉ làm những nhân chứng của vui, buồn, sướng, khổ chứ không bị chúng xâm chiếm và ngự trị trong ta. Hãy nhận chân được như vậy để thấy rằng các hiện tượng của cuộc đời luôn biến đổi nên ta không luyến tiếc. Thấy như vậy để vui, buồn, thương khổ đến rồi đi chứ ta không chạy theo. Một khi thông hiểu được lẽ nầy thì hạnh phúc và Niết Bàn sẽ đến với ta ở đời nầy kiếp nầy chứ đâu phải đợi ở một kiếp xa xôi nào.
Thiện Phúc
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tuổi nào cho em
Góc nhìn Phật tử 13:43 22/11/2024Tôi vác ba lô trên lưng trở về sau chuyến hành trình nơi đất khách, trong hành trang tôi mang vài thứ từ quê xa làm quà cho anh em. Vừa bước vào cổng chùa nghe hơi lạnh… thoáng mùi chia ly.
Đạo Phật là lối sống đẹp để hướng đến việc hoàn thiện bản thân
Góc nhìn Phật tử 10:24 22/11/2024Trong cuộc hành trình tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc đời, Đạo Phật xuất hiện như một ánh sáng soi đường, giúp con người thấu hiểu chính mình và hoàn thiện bản thân.
Để Sư nấu
Góc nhìn Phật tử 10:06 22/11/2024Cách đây chừng sáu năm, ngày đó tôi đang là một sinh viên năm thứ ba, sống chung phòng trọ với bảy người bạn nữa ở khu Làng Đại Học Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy chung trọ nhưng chẳng ai cùng quê với nhau cả, Bắc – Trung – Nam đều có.
Nói xấu người
Góc nhìn Phật tử 09:51 22/11/2024Đã nhiều lần tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ nói xấu người khác, thế nhưng đâu cũng lại vào đó, cứ hễ tụm năm tụm ba là không nói chuyện của người này cũng nói người khác, hoặc khi ai đó nói về chuyện của người khác dù không nói ra nhưng vẫn có những ý nghĩ xấu, không tốt về họ.
Xem thêm