Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 23/04/2013, 14:06 PM

Hành Thập thiện và con đường giải trừ khẩu nghiệp

Muốn đạt đến giải thoát giác ngộ cho chúng sinh hữu tình, cả cuộc đời trên trần thế của Người, Đức Phật chỉ có đi hoằng truyền Phật pháp để con người biết tu tập, thoát vòng khổ ải, đạt đến giải thoát.

…“Nếu có một tôn giáo nào đáp ứng được các nhu cầu của khoa học hiện đại thì tôn giáo đó chính là Phật giáo. Phật giáo không cần phải xem xét lại hầu cập nhật hoá những khám phá khoa học mới đây. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để theo khoa học vì Phật giáo không những đã bao gồm khoa học mà còn vượt qua cả khoa học nữa.”

Albert Einstein
(1879 – 1955)
Giải thưởng Nobel về Vật lý


LỜI NÓI ĐẦU

Trong một lần tìm đọc tài liệu và tin tức trên mạng, tôi đã gặp một mẩu tin nói về câu trả lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma trước một nhà thần học người Brazil, mẩu tin ấy có tựa để là : Tôn giáo nào tốt nhất?

Đây là mẩu đối thoại ngắn giữa Nhà thần học Brazil Leonardo Boff và Đức Đạt Lai Lạt Ma. Leonardo là một trong những người cải cách Thần học Giải phóng đã tự kể rằng : 

“Tại một cuộc hội thảo bàn tròn về tôn giáo và tự do có Đức Đạt Lai Lạt Ma và tôi cùng tham dự, trong giờ tạm nghỉ, tôi hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma một câu hỏi vừa tinh nghịch vừa tò mò:

- Thưa Ngài, Tôn giáo nào tốt nhất?

Tôi nghĩ Ngài sẽ nói “Phật giáo Tây Tạng” hoặc “Các tôn giáo Phương Đông, lâu đời hơn Kitô giáo nhiều”. Đức Đạt Lai Lạt Ma trầm ngâm giây lát, mỉm cười và nhìn vào mắt tôi. Điều này làm tôi ngạc nhiên vì tôi biết đây là một câu hỏi ranh mãnh.

Ngài trả lời: “Tôn giáo tốt nhất là tôn giáo đưa anh đến gần Đấng Tối Cao nhất, là tôn giáo biến anh thành con người tốt hơn”

Để dấu sự bối rối của tôi trước một câu trả lời đầy khôn ngoan như thế, tôi hỏi: “Cái gì làm tôi tốt hơn?”. 

Ngài trả lời: “Tất cả cái gì làm anh biết thương cảm hơn, biết theo lẽ phải hơn, biết từ bỏ hơn, dịu dàng hơn, nhân hậu hơn, trách nhiệm hơn, có đạo đức hơn”. “Tôn giáo nào biến anh thành như vậy là tôn giáo tốt nhất”.

Tôi lặng thinh giây lát, lòng đầy thán phục, ngay cả bây giờ, khi nghĩ đến câu trả lời đầy khôn ngoan và khó phản bác.

Cuối cùng Ngài nói: 

“Hãy Suy tư cẩn thận vì Tư tưởng sẽ biến thành Lời nói. Hãy ăn nói cẩn thận vì Lời nói sẽ biến thành Hành động. Hãy hành xử cẩn thẩn vì Hành động sẽ biến thành Thói quen. Hãy chú trọng Thói quen vì chúng hình thành Nhân cách. Hãy chú trọng Nhân cách vì nó hình thành Nghiệp lực. Và Nghiệp lực của anh sẽ là Cuộc đời của anh”.

Đọc những lời đối thoại trên, tôi rất tâm đắc và xin thành kính lấy mẩu đối thoại này làm Lời Mở đầu cho cuốn sách của tôi đang nằm trên tay bạn đọc, cuốn “Hành thập thiện và Con đường giải trừ khẩu nghiệp” với mong muốn rằng giáo lý của Đức Phật là con đường dẫn dắt hàng Phật tử trở thành con người tốt hơn bằng cách thực hiện Mười điều lành (Hành thập thiện). Đối với các Phật tử, việc lên chùa, ăn chay, tụng kinh, niệm Phật là cần, nhưng chưa đủ. Cái chính của việc học Phật là phải học được, nắm được, thông hiểu được những giáo lý Phật học giúp cho việc sửa mình, tu thân, tích đức mới trở nên người tốt hơn được. Đó mới là tu hành.

Trong cuốn sách này, người viết có tham vọng trình bày sơ lược những giáo lý tổng quát về việc làm lành lánh dữ mà Đức Phật đã giảng dạy cho chúng sinh thông qua việc giới thiệu các pháp môn về thực hành mười điều lành (hành thập thiện trong kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo) và đặc biệt là các pháp môn thực hành về khẩu nghiệp như Chính ngữ trong Bát Chính đạo của Tứ Thánh Đế, như Ái ngữ trong Tứ Nhiếp pháp, như Y nghĩa bất y ngữ trong Tứ Y pháp và Từ Bi Hỷ Xả trong Tứ Vô Lượng Tâm. Do vậy, cuốn sách đã dành hẳn Phần thứ Hai nói về các pháp môn  thực hành khẩu ngữ (tức là tu nói) dưới tiêu đề Con đường giải trừ khẩu nghiệp. Về phần cuối, cuốn sách còn giới thiệu với bạn đọc một số mẩu chuyện về thiện ác nghiệp báo, về luật nhân quả.

Tuy tuổi cao sức yếu, trình độ có hạn nhưng với tâm nguyện nhiệt thành muốn đóng góp vào công việc hoằng dương Phật pháp, nên mới mạnh dạn soạn thảo tài liệu này. Ngưỡng mong chư vị thiện trí thức, Phật tử mười phương và quý vị độc giả vui lòng đón nhận món quà tặng này và lượng tình chỉ dẫn những điều sai sót.             
                                     
Tác giả kính ghi
PHẠM ĐÌNH NHÂN
Pháp danh Chánh Tuệ Định

 

Phần thứ Nhất
TỔNG QUAN 
VỀ HÀNH THẬP THIỆN

Chương 1
ĐẶT VẤN ĐỀ

Con người ta ai cũng muốn có một cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh. Nhưng không phải ai cũng có được những điều như mình mong muốn. Đức Phật đã từng dạy cuộc đời là một bể khổ. Đời người luôn luôn phải chịu nhiều nối khổ đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Dù giầu hay nghèo, dù cao sang hay bần tiện đều có những nỗi khổ không thể nào tránh khỏi mặc dù cũng có những giây phút an vui, nhưng những giây phút đó chỉ là thoáng qua mà thội.

Sở dĩ có điều đó vì con người ta do vô minh, do mê mờ, lại thường bị nuôi dưỡng bởi những điều độc ác do tham, sân, si, mạn gây ra. Điều đó không phải chỉ do trong kiếp này mà còn do nhiều đời kiếp trước để lại, nên ngày nay phải chịu nhiều hậu quả đau khổ do các nhân ác tạo ra từ trước. Thế nhưng không phải ai cũng biết điều đó, họ thường chay theo ngũ dục , lục trần  nên càng tạo thêm nhiều điều ác, gây thêm nhiều tội lỗi. Do đó càng tạo thêm nhiều nỗi đau trong đời sống, hoặc bị tai nạn hay bệnh tật hiểm nghèo, hoặc bị sa vào cảnh tù tội, hoặc tạo ra hay gặp phải những điều dối trá, xảo quyệt, ích kỷ, lừa dối, nhỏ mọn, đớn hèn. Và rồi khổ đau lại gây thêm khổ đau không bao giờ dứt.

Giáo lý của Đức Phật suy cho cùng là cứu độ chúng sinh thoát vòng khổ ải, thoát khỏi cảnh sinh tử luân hồi, đi đến giải thoát, giác ngộ, đạt đến Niết Bàn. Đức Phật đã từng nói: “Ta là Phật đã thành, tất cả chúng sinh đều là Phật sẽ thành”. Người còn dạy: “Nước trong bốn biển đều có một vị, đó là vị mặn, tám vạn bốn nghìn pháp môn của ta cũng chỉ có một vị mà thôi, đó là vị giải thoát”. Muốn đạt đến giải thoát giác ngộ cho chúng sinh hữu tình, cả cuộc đời trên trần thế của Người, Đức Phật chỉ có đi hoằng truyền Phật pháp để con người biết tu tập, thoát vòng khổ ải, đạt đến giải thoát.

辭 Vì vậy, ngay trong thời pháp đầu tiên của Người, trong bài giảng về Tứ Diệu Đế (Bốn chân lý tuyệt đối) tại Vườn Lộc Uyển, trước năm anh em Kiều Trần Như, Đức Phật đã chỉ ra những nỗi khổ đau của con người (khổ đế), những nguồn gốc hay nguyên nhân gây ra khổ đau (tập đế), sự chấm dứt khổ đau (diệt đế) và con đường hay phương pháp thực hành dẫn đến sự chấm dứt khổ đau  (đạo đế). Trong Tứ Diệu Đế (hay còn gọi là Tứ Thánh Đế, Tứ Chân Đế), Đức Phật đã nhấn mạnh đến Đạo đế tức là con đường hay phương pháp dẫn đến việc chấm dứt khổ đau. Trong Đạo đế, Người lại chú trọng đến 37 phẩm trợ đạo mà quan trọng là phẩm nói về Bát chính đạo (Tám con đường chân chính) bao gồm Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mạng, Chính tinh tấn, Chính niệm và Chính định. Bát chính đạo là con đường chân chính, dẫn dắt chúng sinh đến giải thoát và giác ngộ,  là giáo lý căn bản của Đức Phật nói trong Tứ Diệu Đế.

辭 Đức Phật dạy con người ta cần phải biết tu hành để chấm dứt sự khổ đau, mà chủ yếu là thực hành mười điều lành tức tu Thập thiện nghiệp (Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không nói lưỡi hai chiều, không nói lời độc ác, không nói lời thêu dệt, không tham dục, không sân hận, không si mê, tà kiến). Những điều đó Đức Phật cũng đã nói trong kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo tại Long cung Sa Kiệt La, một bản kinh dạy chúng sinh thực hành mười điều lành, tránh mười điều ác. 

Ngoài ra, trong nhiều thời thuyết pháp trong suốt cuộc đời hoằng pháp của Người, Đức Phật cũng đã nhiều lần nói về các phương pháp tu hành khác để diệt trừ nỗi khổ đau, để đạt đến giải thoát như Người đã nói về tu thập thiện (tu mười điều lành) trong kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo. Đó là những pháp môn tu và là những phương tiện truyền bá chính pháp để giúp cho chúng sinh tu tập, đặc biệt là những pháp môn về giải trừ khẩu nghiêp (diệt trừ bốn điều ác do lời nói gây ra: không nói dối, không nói lưỡi hai chiều, không nói ác khẩu, không nói lời thêu dệt). Trong những pháp môn đó, Đức Phật đã nói trong Đạo đế (con đường giải trừ nỗi khổ), về Chính ngữ (lời nói đúng đắn). Đức Phật còn đề cập đến Ái ngữ trong Tứ Nhiếp pháp (Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành, Đồng sự) là phương tiện hữu hiệu để nhiếp hóa chúng sinh, đến Tứ vô lượng tâm (Bốn trạng thái của tình thương yêu chân thật là từ, bi, hỷ, xả), đến Tứ Y pháp là bốn phương pháp thực tập sự nương tựa (y cứ) dẫn đến giác ngộ, giải thoát (bao gồm Y pháp bất y nhân,Y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa, Y nghĩa bất y ngữ và Y trí bất y thức).

Trong cuốn sách nhỏ này, người viết muốn trình bày vấn để Hành thập thiện và con đường giải trừ khẩu nghiệp, nghĩa là trình bày chung về pháp môn tu thập thiện (làm mười điều lành về thân, khẩu, ý) theo kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo và phần sau trình bày chủ yếu đến các phương pháp để giải trừ khẩu nghiệp (giải trừ những nghiệp xấu do lời nói gây ra). 

Vì vậy, trước khi đi vào vấn đề chính trong Phần thứ Hai của cuốn sách này “Con đường giải trừ khẩu nghiệp” thì trong Phần thứ Nhất “Tổng quan về Hành Thập thiện”, sẽ trình bày một cách khái quát những pháp môn mà Đức Phật đã nói có liên quan đến việc thực hiện mười điều lành, đến vấn đề “lời nói” hay “khẩu nghiệp” (nghiệp do lời nói gây ra). Những lời răn dạy đó nằm trong vô lượng pháp môn mà Đức Phật đã giảng giải. 

Cũng trong Phần thứ Nhất này, toàn bộ Mười điều lành (hay Thập thiện nghiệp) sẽ được trình bày với ba nghiệp về thân (Không sát sinh, Không trộm cắp, Không tà dâm), bốn nghiệp về khẩu (Không nói dối, Không nói lưỡi hai chiều, Không nói lời ác khẩu, Không nói lời thêu dệt) và ba nghiệp về ý (Không tham lam, Không sân hận, Không si mê tà kiến).

Còn nữa...

Trích tập sách "Hành Thập thiện và con đường giải trừ khẩu nghiệp" của tác giả Phạm Đình Nhân
Chú thích: Nội dung do tác giả gửi tới phatgiao.org.vn

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Sư cô Suối Thông là Đại sứ Văn hóa đọc TP.HCM nhiệm kỳ 2024 - 2025

Sách Phật giáo 11:04 24/04/2024

Sư cô Suối Thông (Thích nữ Hạnh Đức) - đang công tác tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, thành viên Ban Văn hóa Phật giáo TP vừa được trao nhiệm vụ này từ Sở TT&TT TP, trong ngày Sách và văn hóa đọc lần 3, hôm 19/4.

Sư cô Suối Thông: Sách có thể chữa lành tâm hồn

Sách Phật giáo 10:47 19/04/2024

Với sư cô Suối Thông, việc dùng cụm từ "chữa lành" để nói về sách là khá chính xác. Có lúc cơ thể không khỏe thì mình phải chữa bệnh, thì tâm hồn cũng vậy.

Thân thể và hơi thở

Sách Phật giáo 20:18 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Sinh và tử

Sách Phật giáo 15:50 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà Ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Xem thêm