Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Hành trình qua đất Ấn

Ấn Độ là chiếc nôi của Phật giáo, là nơi khởi nguồn của đạo Phật. Ở đấy hiện có rất nhiều thánh tích, di tích gắn liền với những sự kiện trọng đại trong cuộc đời của Đức Phật Thích Ca cũng như lịch sử phát triển của Phật giáo ở Ấn Độ. 

Duyên lành thay, sau chuyến hoằng pháp tại Mỹ trở về, tôi được tháp tùng cùng với Phái đoàn Giáo hội Trung ương Phật giáo chiêm bái tứ động tâm và các thánh tích tại Ấn Độ. Phái đoàn gần 180 thành viên tham dự, do Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN làm trưởng đoàn khởi hành từ ngày 4/12/2014 và kết thúc vào ngày 12/12/2014 trên một chiếc phi cơ riêng.

Hành trình trở về với cội nguồn linh thiêng của đất Phật qua các địa danh vườn Thánh Lâm Tỳ Ni, Bồ Đề Đạo Tràng, vườn Lộc Uyển, Câu Thi Na và dòng sông Hằng huyền bí … thực sự  trở thành một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất đối với tôi.

Chúng tôi đặt chân đến Nepal vào một ngày khí hậu khá ôn hòa, mát mẻ. Khí lạnh phả xuống thung lũng từ bốn bề non cao, khiến Nepal vốn trầm mặc mang dáng vẻ như một bông hoa nằm ẩn mình dưới chân Hy Mã Lạp Sơn.
 
Đầu tiên, đoàn chúng tôi đến thăm Vườn thánh Lâm Tỳ Ni – nơi đức Phật đản sanh. Chúng tôi đã đến viếng  một số ngôi chùa và đền thờ trong đó có đền thờ Hoàng hậu Mada và chùa Mayadevi - nơi bảo tồn nhiều di tích, trong đó có phiến đá in hình dấu chân Phật được phát hiện vào năm 1996, đánh dấu chính xác nơi Thái tử đản sanh.

Ngoài ra tại đây còn có ao Puskarini, nơi Hoàng hậu Mada đã làm lễ nhúng nước trước khi sinh đức Phật ra đời. Đặc biệt, Quý thầy và phật tử đã làm lễ tụng kinh, chiêm bái trước trụ đá vua Ashoka (A Dục) với những dòng chữ xác tín điểm thiêng Lâm Tỳ Ni : “Hai mươi năm sau khi lên ngôi, quốc vương A Dục ngự đến đây chiêm bái, vì đức Phật Thích Ca Mâu Ni,bậc hiền nhân của bộ tộc Thích Ca, đã đản sanh tại đây…”.

Buổi lễ diễn ra thật thiêng liêng trong không khí trầm lắng hòa quyện với đất trời. Đến đây, trong lòng chúng tôi ai cũng hân hoan rộn rã với bãi cỏ xanh ngát với những thảm hoa khoe sắc màu và hàng ngàn lá cờ ngũ sắc phất phơ trong ánh nắng nhẹ mùa thu. 

Bồ đề Đạo tràng – nơi đức Phật đản sanh được xem là khu Thánh địa thiêng liêng bậc nhất trong các thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ. Vừa đặt chân đén đây, lòng tôi có một cảm giác an lành, một niềm hoan hỷ trào dâng, đó chính là sự gia trì của đức Phật cho hàng đệ tử của Ngài. Với phật tử, không có nơi nào thiêng liêng hơn nơi đức Phật thành đạo, ai cũng như quên đi cái đau trần thế, cảm nhận trọn vẹn khí thiêng an lành còn phảng phất đâu đó nơi mảnh đất này. Điểm thiêng nhất của Bồ đề Đạo tràng chính là cội bồ đề hơn 110 năm tuổi - “hậu duệ” của cội “Tất bát la” xưa kia - mà dưới cội cây ấy, Bồ tát Siddhartha, sau 49 ngày đêm thiền định, đã chứng thành Phật quả. Đoàn phật tử chúng tôi đi vòng quanh đại tháp với lời tụng kinh nguyện cầu sau đó vào chiêm bái ngôi chánh điện với pho tượng Phật mạ vàng trang nghiêm. 

Tiếp đến, đoàn chúng tôi được tháp tùng đến vườn Lộc Uyển (Sarnath) – nơi đức Phật chuyển Pháp Luân. Theo lời kể của người hướng dẫn tại đây thì nơi đây, trong sự tĩnh lặng của vườn Lộc Uyển, đức Phật đã khai giảng bài pháp đầu tiên cho 5 anh em ông Kiều Trần Như trước kia cùng tu khổ hạnh với Ngài.

Nội dung bài thuyết pháp nói về những khổ đau của kiếp người và những phương cách giải hóa những thống khổ đó. Sự kiện này đã được mệnh danh là “Chuyển Pháp Luân,” có nghĩa là đức Phật chuyển bánh xe pháp đầu tiên đánh dấu một kỷ nguyên huy hòang rực rỡ của một tôn giáo kéo dài bền vững trên 2500 năm cho đến nay.

Tâm điểm ở khu di tích này là ngôi tháp Dhamekh cao hơn mặt đất 150 bộ, được xây cất bằng nguyên liệu bền cứng, những khối đá khổng lồ bằng gạch và mang hình dáng cột trụ. Những hình tượng khắc trên mặt tháp cho chúng ta biết ngôi tháp Dhamekh được xây vào triều đại Gupta thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên. Tại ngôi tháp này, chúng ta còn thấy sót lại những mảnh đá lớn của nền nhà chánh điện và những cột lớn nhỏ của một cổng chính dẫn lối vào chánh điện ngôi tháp.

Đoàn chúng tôi xếp hàng dài đi vào thăm Câu Thị Na (Kushinagar) – Nơi đức Phật nhập niết bàn, khi đi ngang qua đây qua đây, chúng tôi còn thấy rất nhiều mãnh vỡ của các tượng Phật và Bồ tát mang dấu ấn điêu khắc của nhiều triều đại khác nhau. Một bức tượng Phật đẹp nhất tạc bằng đá cát khắc hình đức Phật Chuyển Pháp Luân là bức tượng tuyệt mỹ mang dấu nghệ thuật điêu khắc triều đại Gupta.Tất cả những bức tượng điêu khắc vào thời đại này đều khắc theo tám biến cố lịch sử của cuộc đời đức Phật như đức Phật giáng sanh, thành đạo, chuyển Pháp luân, nhập Niết bàn, thi triển thần thông, v.v. Đáng kể nữa là một bức tàn lọng bằng đá khắc trọn vẹn bài pháp Tứ Đế bằng tiếng cổ Pali. Chúng tôi như đang sống lại trong thời kỳ đức Phật còn tại thế, đang giảng đạo Pháp tại nơi đây. 
 
Cuối cùng cúng tôi vào đến nơi Đức Phật nhập Niết bàn. Đập vào mắt chúng tôi là một pho tượng Phật Niết bàn dài 6m, được dát vàng óng nằm thảnh thơi trong cuộc thiền định dài vô tận. Nhiều người đã cuối xuống, chạm trán mình vào chân Ngài và bật khóc. Khi tôi vừa chạm vào chân Ngài, như có một dòng máu nóng chạy khắp cơ thể mình dâng tràn niềm tôn kính và tự nhiên nước mắt tôi cũng rơi xuống trên chân Ngài lấp lánh ánh hào quang. Tôi đã kính cẩn nghiêng mình cúi lạy Ngài Đức Thế Tôn trước khi ra chiêm ngưỡng Hạt xá lợi tỏa sáng được đặt thờ trên cao trong một không gian trang nghiêm tĩnh lặng.

Sau khi thăm xong tứ động tâm, đoàn chúng tôi đi thăm một số nơi gần đó. Nghệ thuật chạm khắc tượng đồng và đồ lưu niệm thờ cúng ở đây quả đã đạt đến trình độ siêu đẳng. Những người thợ đúc đồng xưa kia như đang hồi sinh ngay trên con phố này khiến chúng tôi cứ ngẩn ngơ trôi đi trong không gian vừa cổ kính vừa hiện đại trước sự pha trộn đầy thú vị giữa sắc màu bản địa và quốc tế. Tại đây, tranh Thangka, họa phẩm đặc dụng của Phật giáo Tạng truyền, được bày bán khắp nơi, đều nhắc cho chúng tôi nhớ rằng hai dòng chảy của Phật giáo và Ấn giáo đang cùng tồn tại song hành, tưới lên đời sống người dân Nepal một suối nguồn đạo hạnh và đức tin. Với chúng tôi, những khoảnh khắc mà bức tranh thiên nhiên tuyệt vời này sẽ mãi là những ký ức không phai về Ấn Độ.

Đặc điểm kiến trúc đền đài và cung điện ở đây là những tòa tháp nhiều tầng, mái nhỏ dần lên cao trông rất huyền bí và bề thế. Chúng tôi tới thăm đền thờ thần Radet ở ven bờ một con sông là chi lưu của sông Hằng trong lòng kinh đô Kathmandu. Trong các ngôi đền có một hoặc nhiều giáo sĩ Bà la môn ngồi tụng niệm và ban phước. Chúng tôi phải trả một số tiền nhỏ để được họ chấm một nốt đỏ trên trán như người con Phật Ấn Độ. 

Hành trình qua đất Ấn đã kết thúc nhưng chúng tôi vẫn còn lưu luyến mãi không muốn rời xa. Là một người con của Phật, tôi rất sung sướng và hạnh phúc khi được tận mắt chiêm bái khám phá về quá trình tu tập, chứng đạo và hoằng hóa của Đức Phật Thích Ca. Thật thiêng liêng và ý nghĩa biết bao, cảm giác dâng trào khó tả khi trán mình chạm vào chân Đức Thế Tôn - vị giáo chủ mà chúng ta đang tôn thờ, và tự hào về tôn giáo mà chúng ta đang theo.

Ngài đã ở đây, đã soi sáng con đường chánh pháp giác ngộ cho chúng con. Những tiếng kinh, tiếng giảng đạo cứ vang vọng đâu đây trong lòng của đoàn chúng tôi. Dư âm còn mãi. 

Thích Pháp Bảo
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Con “đang là” chẳng phải nhẹ nhàng thanh thoát hơn sao?

Phật giáo thường thức 16:45 28/03/2024

Hỏi: Con theo đạo Phật. Con không ham gì cuộc sống ở đời, như lập gia đình v.v...Nhưng con cũng không muốn xuất gia. Vậy có bị xem là lập dị, lưng chừng, không ra cái gì và cần chọn con đường rõ ràng không ạ?

Quán nguyện Đức Bồ-tát Quán Thế Âm

Phật giáo thường thức 15:46 28/03/2024

Lạy đức Bồ Tát Quán Thế Âm, chúng con xin học theo hạnh Bồ-tát, biết lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ.

Hải đảo tự thân

Phật giáo thường thức 15:07 28/03/2024

Khi bước vào ngôi nhà của mình, ta có thể thư giãn, trở về với chính mình. Ta cảm thấy ấm cúng, thoải mái, an toàn và hạnh phúc. Nhưng thực sự thì ngôi nhà đích thực của ta ở đâu?

Buông xả là trí tuệ

Phật giáo thường thức 15:00 28/03/2024

Ta học xả vì ta biết có cố chấp nắm giữ cũng không thể nào được. Ta xả vì ta biết rằng đó là cách duy nhất làm cho cuộc sống của ta và người thân được an vui hạnh phúc.

Xem thêm