Hãy tập nói những lời yêu thương
Nếu không tu khẩu nghiệp cho thanh tịnh thì họa sẽ từ miệng mà ra, vì “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo, miệng không vành méo mó tứ phương”.
Có câu tục ngữ bảo rằng “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, hay “chim khôn hót tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”, và còn rất nhiều những câu ca dao, tục ngữ khuyên chúng ta nhìn lại những lời nói của mình. Nhưng tại sao cuộc sống hằng ngày, ta vẫn nghe những lời làm cho mình và người khác phải đau khổ? Vậy nên, ta hãy tập nói những lời yêu thương.
Từ thuở bé, tôi đã phải thường nghe những lời cãi vã từ bố mẹ, khiến cho gia đình lúc nào cũng ồn ào và mang một không khí căng thẳng. Tôi luôn mơ ước gia đình mình lúc nào cũng được bình yên, vui vẻ, bố mẹ hòa thuận để có được một mái ấm thật hạnh phúc. Biết rằng, trong cuộc sống gia đình, có những lời qua tiếng lại là điều khó tránh khỏi. Nhưng giá như bố mẹ tôi nhường nhau một chút, thì có lẽ tôi đã được sống trong những tháng ngày êm đềm và hạnh phúc.
Rồi thời gian dần trôi, tôi lớn lên trong sự bất hạnh của gia đình. Chính điều đó đã tước đi quyền nhận lại Tổ tiên, nguồn cội của tôi. Vì nó mà cốt nhục chia lìa, anh em, vợ chồng đôi ngả chia ly. Điều này, làm cho tâm hồn của một cậu bé thiếu niên tổn thương đến tột cùng.
Vào năm 18 tuổi, những áp lực từ gia đình đã khiến tôi tự chôn vùi mình trong bóng tối sâu thẳm không có lối thoát. Vào thời điểm ấy, một biến cố cay đắng đã đến với tôi. Người ta vu oan tôi là thằng ăn cắp. Tôi rơi vào sự bần cùng. Tôi nghĩ mình sống trên đời này cũng chả có ích gì khi mà sự trong sáng của tôi đã bị người ta làm cho hoen ố. Tôi như một tờ giấy trắng bị lem mực. Suy nghĩ trong tôi bây giờ thật vô vọng. Tôi đã nghĩ đến việc uống thuốc để kết thúc cuộc đời mình…
Tôi may mắn được cứu. Có lẽ, ông trời muốn tôi phải vực dậy, đi tìm ánh sáng cho chính mình. Từ cõi chết trở về, tôi nhận ra mạng sống quý giá biết nhường nào. Tôi quyết làm lại cuộc đời!
Sau hai năm nghĩa vụ, tôi trở về và tìm kiếm cái nghề để học để làm. Nhưng rồi những thị phi, bi kịch cuộc đời cứ bao vây lấy tôi không buông tha. Họ đã dựng lên vở kịch riêng của họ và hóa vào những vai diễn xuất sắc. Trong vở kịch ấy, họ đẩy tôi vào vai tội đồ! Tôi không có tiếng nói trong xã hội, nhân phẩm tôi đã bị người ta chà đạp mất rồi! Thế thì tôi sống làm gì nữa? Đúng là trò đời! Một lần nữa, tôi rơi vào bế tắc. Tôi chấp nhận và gục ngã giữa cái xã hội nhỏ bé nhưng thật bon chen này. Nhưng có lẽ, ông trời đã lấy đi một thứ từ bạn thì sẽ trả lại cho bạn một thứ tốt hơn… Và lúc cuộc sống đẩy tôi rơi vào sự cùng cực, thì cũng là lúc tôi tìm ra ánh sáng hào quang của cuộc đời mình. Cơ duyên đã cho tôi tìm đến cửa Phật, một chân trời mới đã mở ra. Tôi thức tỉnh! Tôi quyết định rời bỏ dòng đời nghiệt ngã để bước vào cánh cửa chùa bình yên.
“Bước chân vào đến cổng chùa rồi
Bao nhiêu toan tính thảy buông rơi
Để tâm thanh tịnh, thân thư thái
Gương mặt tươi vui miệng mỉm cười”.
Bỏ lại sau lưng những ngày tháng ồn ào và tẻ nhạt, nép mình vào cảnh thiền môn, sống những ngày tháng bình yên và tâm hồn thanh thản. Sau hai năm xuất gia, vào một ngày, tôi vô tình gặp lại người mà ngày xưa đã khiến tôi vào con đường chết. Họ lên chùa thăm tôi, không phải để trả thù mà là xin lỗi vì chuyện hiểu lầm ngày xưa. Cho đến giờ phút ấy, sự trong sạch bấy lâu nay của tôi mới được trả lại. Họ chuộc lỗi bằng cách đưa cho tôi một số tiền lớn, để mong bù đắp những tổn thương tôi phải chịu khi xưa. Nhưng tôi chỉ cảm ơn và trả lại. Bởi lẽ tôi nghĩ, nếu không có ông ấy thì đã không có tôi ngày hôm nay, sẽ không có một tâm hồn thảnh thơi, bước đi từng bước chân an lạc dưới mái chùa Hoằng Pháp. Vào cảnh thiền môn, vẫn còn đâu đây những tiếng thị phi, sự ích kỷ, đố kỵ, ganh tị của tâm phàm phu nhỏ mọn chưa được chuyển hóa, đã làm cho tôi bao phen lao đao, lận đận.
Chuyện là, từ ngày xuất gia, tôi được Sư phụ giao cho trông coi tháp cốt. Có một cô Phật tử cũng đã lớn tuổi làm công quả trong chùa xin phụ. Tôi đã hướng dẫn tận tình mọi công việc sổ sách ở tháp cốt. Nhưng sau một thời gian, tôi lại nhận được một cái kết đắng lòng, rằng cô đã tự ý cho mình cái quyền quản lý cả tháp cốt. Ai muốn gặp tôi phải thông qua cô ấy, và nhiều chuyện khác mà tôi không hay biết. Biết chuyện nên tôi cảm ơn, và mời cô ấy chuyển sang bộ phận khác phù hợp hơn. Có lẽ lúc này, do sự thù hận, ích kỷ mà cô Phật tử ấy đã đi bêu riếu với nhiều Phật tử khác bằng cách trò chuyện, gọi điện, khiến ai cũng xa lánh tôi. Trong thời gian này, nếu như tôi không có sự kiên nhẫn thì không biết sẽ đi về đâu. Nhưng tôi luôn quan niệm rằng ở hiền sẽ gặp lành, thiện quả thì thiện báo, ác quả thì ác báo, sự thật sẽ vẫn là sự thật, tà không thể thắng chánh. Quả thật như vậy, sau một thời gian, mọi người đã hiểu ra vấn đề. Cuối cùng, những ngày tháng phong ba đã qua, sau cơn mưa trời lại sáng. Sóng gió vừa lắng xuống một thời gian, thì chuyện khác lại ập đến.
Hôm đó, một cô Phật tử xin gởi cốt. Vì không đủ tiêu chuẩn nhập cốt nên tôi đã không nhận. Cô ấy đã xuống thất Sư phụ ở Củ Chi, và trình bày với Sư phụ rằng mỗi lần tôi nhận hũ cốt là mười triệu. Sư phụ cho người về gọi tôi lên. Trước khi đi, tôi đặt dấu hỏi không hiểu tại sao Sư phụ đang nhập thất mà lại gọi mình lên, và thấy trong lòng hơi lo lắng. Nhưng khi gặp Người với khuôn mặt từ ái và giọng nói nhẹ nhàng, qua những lời hỏi han và dạy dỗ của Ngài đã làm tôi cảm thấy bình yên, hạnh phúc khi gần Sư phụ. Sau một thời gian điều tra, làm rõ, thì sự trong sạch đã được trả lại, và Sư phụ cùng đại chúng càng thương tôi hơn. Đúng ông bà ta có câu “cây ngay không sợ chết đứng”. Trong họa có phúc, trong phúc có họa.
Những năm tháng xuất gia, tôi được tiếp xúc và được nói chuyện, chia sẻ Phật pháp, làm vơi đi bao nỗi đau, khó khăn, sóng gió của kiếp sống con người. Vì những người trong hoàn cảnh đó cũng có bóng dáng của tôi trong đó, nên tôi hoàn toàn có thể hiểu và đồng cảm với những người như vậy. Và đó chính là nhân duyên tốt để đưa đạo vào đời, chuyển hóa những khổ đau, nghịch cảnh của dòng đời để hướng đến đời sống tích cực hơn. Nên:
“Giải thoát hay buộc ràng
Hạnh phúc hay khổ đau
Không phải do trời ban
Mà do tâm ta tạo”.
Từ đó, khi một người có nhận thức đúng sẽ đưa đến hành động đúng, kết quả đúng và sẽ được an lạc, hạnh phúc và giải thoát. Còn khi một người nhận thức sai sẽ đưa đến hành động sai, kết quả sai thì sự sa đọa, tội lỗi sẽ đến với người đó. Nên bao năm qua, tôi luôn cố gắng làm sao tu là sửa thân, khẩu, ý của mình được thanh tịnh, trong sạch hơn; hoàn thiện về nhân cách và đạo đức để xứng đáng là một bậc mô phạm cho mọi người nương theo. Đó là một phần mà hằng ngày tôi vận dụng để nói những lời ái ngữ. Cũng có đôi lúc, vì vô tình, lời nói đã làm cho người khác tổn thương, nhưng cũng là một lần tôi rút ra bài học cho bản thân, và cố gắng hoàn thiện mình hơn nữa. Sư phụ đã dạy:
“Miệng ta là hoa sen
Một khi đã hé nở
Tỏa hương thơm Phật pháp
Gieo mầm giác cho người”.
Và luôn vận dụng lời đức Phật dạy vào thực tế, đó là bốn phương pháp cảm hóa lòng người hay cũng gọi là Tứ nhiếp pháp:
1. Bố thí nhiếp.
2. Ái ngữ nhiếp.
3. Lợi hành nhiếp.
4. Đồng sự nhiếp.
Nên qua đó, ái ngữ rất quan trọng. Ái ngữ nhiếp là dùng ngôn ngữ khoan hòa, chân thật, từ ái và thân mật để nhiếp độ người. Căn bản của ái ngữ nhiếp thuộc về bốn nghiệp thiện về khẩu trong thập thiện nghiệp. Chung quy ái ngữ có ba cách:
- Nói lời trong sáng, đầy lý trí khế hợp với chân lý, giúp người thăng hoa trí tuệ.
- Lời nói hòa nhã lịch thiệp, từ ái bao dung, để cảm hóa, khuyến tấn người.
- Lời nói chân thật, không xảo ngôn mỹ từ, để gây tín tâm cho người đối với Tam Bảo.
Trong kinh Trung Bộ I, bài kinh số 21 Ví Dụ Cái Cưa, đức Phật có dạy về năm hành ngữ mà một người xuất gia cần phải có trong bước đường nhiếp hóa chúng sanh:
- Nói đúng thời, không nói phi thời.
- Nói lời chân thật, không nói lời hư ngụy.
- Nói lời nhu hòa, không nói lời thô bạo.
- Nói điều lợi ích, không nói điều vô ích.
- Nói lời xuất phát từ lòng từ, không nên nói lời từ lòng sân.
Do đó, nếu không tu khẩu nghiệp cho thanh tịnh thì họa sẽ từ miệng mà ra, vì “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo, miệng không vành méo mó tứ phương”.
Do vậy, trong cuộc sống của chúng ta, khi một người luôn chú tâm quan sát, sửa đổi lời ăn tiếng nói của chính mình, thì mọi người xung quanh đều có thiện cảm, luôn muốn gần gũi với mình. Lời hay tiếng đẹp cũng giúp cuộc sống hôn nhân gia đình thêm đầm ấm và hạnh phúc hơn. Vậy tại sao chúng ta lại không trao cho nhau những lời nói yêu thương, để lỡ mai này khi có rời xa thì miệng vẫn luôn vui vẻ mỉm cười!
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm