Hãy tỏ ra mình là Phật tử
Có những đạo hữu và những em phật tử tin tưởng ở Phật, tin lý nhân quả, thản nhiên thờ Phật, tụng kinh, ăn chay như thường ở những nơi thôn dã bây giờ, bao bọc chung quanh họ đầy sự đe dọa trực tiếp đến tính mạng.
> Nếp sống đạo đức, lành mạnh của người Phật tử
Đây là những lời tha thiết chúng tôi muốn được đến tận tai, vào tận lòng toàn thể các vị phật tử tại gia. Chúng tôi mong được tiếng vang dội của quý vị đáp lại lòng chân thành của nó.
Trước hết, chúng tôi xin quý vị hãy thẳng thắn tỏ ra mình là phật tử trong bất cứ trường hợp nào.
Chúng tôi cũng biết rằng tiếp xúc với người mà tỏ ra mình là Phật tử, thì có lắm khi thế là một bức màn đã hạ xuống giữa mình với họ. Nhưng tỏ ra một cách ngoan cố, hơn nữa, một cách kiêu căng, mới thành bức màn ngăn cách. Chúng ta chỉ tránh sự ngoan cố và sự kiêu căng ấy là đủ.
Còn trong mọi trường hợp, bất cứ tiếp xúc với ai, ta phải thành thật tỏ ra “mình là người Phật tử”. Điều ấy cần lắm. Vì chúng ta phải như thế để tỏ sự trung thành của mình đối với đạo pháp, để tỏ sự hợp lý của đạo pháp mình tín ngưỡng, hơn nữa, để dắt dẫn người vào đạo pháp. Chúng tôi thấy có người nghĩ rằng mình không phải là Phật tử xứng đáng nên không dám, không muốn tỏ ra “mình là Phật tử” trước mặt mọi người. Nhưng các vị có biết cho rằng chính thế, chính điều “không muốn tỏ ra mình là phật tử” là không xứng đáng một người Phật tử rồi không?
Huống chi Phật pháp vô thượng và vô cùng, được làm con Phật là hơn người lắm rồi, còn thật hành cho xứng đáng được bao nhiêu thì được. Ngay cái việc “tỏ ra mình là Phật tử” là một sự thực hành xứng đáng, một Phật tử khá xứng đáng rồi đó.
Có lắm người nghĩ “tự xưng hay tỏ ra mình là phật tử” thì sợ bị người công kích. Nhưng người công kích ấy nếu là người ngoài, đối lập với tín ngưỡng chúng ta, thì họ càng công kích càng tỏ cái phải của đạo pháp ta tín ngưỡng. Ta hãy liên tưởng sự khinh chê của con chim sâu đối với con đại bàng.
Còn người công kích ta nếu là người ngoài mà công kích một cách vũ phu, công kích vì những sự xích mích hay những lý do khác, thì thế là họ đã phạm đến tín ngưỡng của người: Họ là người không lịch sự, nhân cách họ không xứng đáng, ta để ý làm chi. Còn nếu là Phật tử mà công kích nhau như thế thì thật là một tội lỗi lớn. Sao ta lại công kích sự “tự xưng”, sự “tỏ ra” là phật tử? Dầu người Phật tử khác không xứng đáng đến đâu, sự “tự xưng hoặc tỏ ra mình là Phật tử” vẫn là sự thực hành cần thiết, thành thật và đáng kính. Nay ta công kích việc ấy là ta công kích sự tu hành (đó là sự tu hành rồi vậy), sự cần thiết, sự thành thật, sự đáng kính và như vậy là công kích đức Phật, là tự công kích mình.
Tội lỗi không thể dung được. Chúng ta đừng vì tập quán “chỉ trích người, công kích người” mà phạm vào tội lỗi ấy. Có những vị nghĩ rằng tự xưng hoặc tỏ ra “mình là phật tử” thì ngại cho nghề nghiệp bất chánh của mình, thiệt thòi cho sự cạnh tranh quá đáng của mình, có lắm khi lại làm một sự mỉa mai cho cử chỉ và lời tiếng “không nhịn thua” của mình. Nhưng nếu thế thì sự “tự xưng là Phật tử”, sự “tỏ ra mình là Phật tử” quả là một điều vô thượng, một sự cần thiết vô cùng rồi. Sao ta không thực hành một việc giản dị mà lợi ích ấy?
Hiện nay có những người tự xưng là Phật tử mà mê tín, quấy quá. Những người này càng tự xưng là phật tử lại càng làm cho người hiểu lầm đạo Phật. Phần đông người ta hiểu một đạo bằng cách theo thói quen nhìn vào người tự xưng là tín đồ đạo ấy. Cho nên những người mê tín, quấy quá, đã làm cho phần đông hiểu lầm đạo pháp vì sự tự xưng là Phật tử của họ.
Thế rồi có các người Phật tử khác muốn đừng lẫn lộn với những người ấy, nên không muốn tỏ ra “mình là Phật tử” mà có khi lại công kích những người ấy nữa. Ấy là một cử chỉ không đúng tí nào. Những người tự xưng là Phật tử mà làm cho người hiểu lầm đạo Phật của ta, thì giờ chính chúng ta phải tự xưng, phải tỏ ra “mình là Phật tử” để cải chính lại. Muốn người ta không hiểu lầm Phật pháp, những người Phật tử phải tự tỏ rõ mình ra. Huống chi so với những người kia, ta còn kém nhiều: Họ thành thật và can đảm hơn một cách rõ rệt. Nói rằng họ tự xưng như thế làm cho đạo pháp bị hiểu lầm, bị ẩn khuất, thì ta cũng chẳng khác gì; ta làm cho đạo pháp bị hiểu lầm, bị ẩn khuất vì sự làm thinh, sự che giấu, sự kém thành thật, sự kém can đảm của mình.
Lắm khi cử chỉ làm thinh, không tỏ ra “mình là Phật tử” trước mọi người còn tai hại hơn: Mọi người sẽ nghĩ rằng đạo Phật có hay gì vì chính những người tín đồ cũng không muốn tỏ ra mình là Phật tử. Hại biết ngần nào? Riêng đối với các vị Phật tử mê tín và quấy quá, ta phải tìm cách chuyển họ, chứ không được công kích. Là Phật tử mà ta công kích họ thì môi hở răng lạnh, ta công kích họ là ta gián tiếp tự công kích mình, tự gạt bỏ người đồng tín ngưỡng của mình. Họ quấy quá còn hơn những người ngoại đạo. Họ quấy quá nhưng đối với Tam Bảo, mỉa mai thay, lắm khi còn trung thành và duy nhất hơn. Vả, xin quý vị nhớ, công kích chỉ trích không thể sửa đổi người mà chỉ gạt người ra khỏi đạo pháp.
Huống chi họ không phải là người đáng công kích. Nếu các vị chân chính mà so sánh với họ thì hoàn cảnh chẳng khác gì những người thành phố sánh với người nhà quê: Nhà quê không học thức nhưng tiền và sức của họ xây dựng lên thành phố, người thành phố hưởng của họ lại kiêu hãnh với họ một cách lố bịch. Chúng ta cũng vậy, xây dựng và duy trì đạo pháp là lực lượng chung mà ta là người phước duyên được hưởng đạo pháp khá, thế thì ta phải cám ơn người kém hơn ta mới phải, sao lại công kích? Cho nên việc ta làm là phải khuyến dẫn họ, một trong những khuyến dẫn ấy là làm sao cho họ “tỏ ra mình là Phật tử” trước mọi người và trong mọi trường hợp. Và cách khuyến dẫn hay nhất là chính ta phải làm như thế trước. Có những người không “tỏ ra mình là Phật tử” đến nỗi không tụng kinh, ăn chay một cách bộc lộ công nhiên. Có khi họ đến đạo Phật với một thái độ tán thành, thiện cảm. Rồi dừng lại ở đó. Họ không muốn “tỏ ra mình là Phật tử” để cá nhân được rộng rãi hơn: Đến với ai cũng được mà không có một tín ngưỡng, một lý tưởng dứt khoát.
Điều ấy là điều mà chúng ta, nhất là người trí thức, rất không nên làm, bởi như thế là chúng ta không thành thật với chính mình, thái độ là muốn bắt cá nhiều tay. Lại có những người phật tử tin vào giáo lý không phân biệt nên lắm khi không những không “tỏ ra mình là phật tử” trước những người đối lập với tín ngưỡng mình mà còn nói theo họ, làm với họ nữa. Nhưng tinh thần rộng lớn vô phân biệt là thấy ai khổ cũng cứu, mà cứu bằng cách dùng mọi phương tiện đem Phật pháp đến cho họ.
Nói khác đi, là làm sao cho họ cũng thành phật tử. Trong những trường hợp hợp tác với người đối lập Phật pháp, chúng ta phải xét có thể đi đến mục đích trên, hoặc ít ra có lợi cho Phật pháp, mới được làm. Còn khi ta là Phật tử mà hợp tác với người đối lập tín ngưỡng mình không vì chuyển hóa họ, không vì lợi ích đạo pháp, mà vì bất cứ một lý do nào, dù là lý do của cá nhân mình đi nữa, cũng hại cả.
Cái hại thứ nhất là phạm giới tam quy: Không theo thiên thần quỷ vật (ai chủ trương không có Phật pháp cũng là quỷ vật cả), không theo ngoại đạo tà giáo (thỏa mãn cách gì cho loài người mà không làm cho người tín ngưỡng Phật pháp cũng là tà giáo) và không theo tổn hữu ác đảng (ai chủ trương công kích Phật pháp cũng là tổn hữu ác đảng cả).
Cái hại thứ hai là làm theo, nói theo những người đối lập tín ngưỡng Phật pháp tức là mình tự khinh thị và làm cho họ khinh thị tín ngưỡng của mình. Người tự trọng không bao giờ chịu nhục khi tín ngưỡng của mình bị khinh thị. Huống chi mình tự khinh thị tín ngưỡng của mình. Có người nghĩ rằng mình làm với người như thế, người sẽ khen mình quảng đại, không cố chấp, hẹp hòi, mình dũng cảm trước điều dẫu không hợp với Phật pháp.
Nhưng khen thế tức là chê đấy, người ta chê sự tín ngưỡng hời hợt của mình, người ta thấy mình dễ lung lạc, tai hại hơn nữa, người ta sẽ thấy mình có thể làm trái tín ngưỡng của mình, làm trái quyền lợi của đạo mình, tức là tín ngưỡng của mình và đạo của mình không đáng gì. Nhưng quả có phải không đáng gì hay không? Chỉ mình không “tỏ ra mình là phật tử” thì mới không đáng gì mà thôi. Tôi từng thấy một đạo hữu hòa nhã đưa tượng Phật đeo nơi ngực ra cho một người đối lập với tín ngưỡng mình:
- Xin lỗi ngài, tôi đã là một Phật tử.
Thế là người kia tỏ ra cử chỉ hiểu biết ngay. Một thanh niên phật tử khác từ chối hiền hòa một sự nài ép:
- Tôi là Phật tử, hoạt động không hết những điều lợi người của đạo Phật rồi.
Một người khác không cúng tiền cho một tổ chức từ thiện ngoài tổ chức của đạo Phật:
- Xin lỗi ngài, chúng tôi đang làm từ thiện trong phạm vi Phật giáo của chúng tôi; chúng tôi là Phật tử. Chắc các vị sẽ hiềm rằng thế nó hẹp hòi quá. Nhưng không đâu. Trong đạo pháp ta không thiếu một địa hạt nào cho ta hoạt động những điều ích lợi quần chúng.
Chỉ e chúng ta không đủ sức làm cho vừa sự đòi hỏi của đạo pháp. Các vị bị người ta công kích là “người Phật tử kém hoạt động những điều có ích”, bị công kích như thế, các vị khó chịu, nhiều vị lại hỏi sao đạo pháp ta kém hoạt động, trong khi đó, các vị đi hoạt động theo người, cho người!
Mình không làm cho mình, để bị công kích, trong khi đó đem việc làm của mình đi làm cho người để người công kích. Không những họ công kích, họ còn khinh thị mình theo đuôi họ nữa. Thật là điên đảo! Thường thấy có nhiều người phàn nàn Phật giáo chúng ta kém tổ chức, kém thế lực, kém rầm rộ. Có lẽ nghĩ thế nên có người không “tỏ ra mình là phật tử”. Nhưng cái kém trong Phật pháp, cái kém đáng gọi là kém, là không tu hành, không thực hành theo Phật pháp, không thành thật tỏ ra mình là Phật tử.
Còn nếu tất cả đều tỏ ra mình là Phật tử, dầu chỉ tỏ ra một cách tương đối thì tự nhiên Phật pháp ích lợi mình người. Tôi chỉ nói sự ích lợi, ích lợi chân thật theo Phật pháp mà thôi. Còn sự thế lực, sự rầm rộ thì có khi không hợp với Phật pháp. Ta hãy tìm nơi Phật pháp những lực lượng lẽ phải, sự rầm rộ ích lợi, còn thế lực và rầm rộ vô ích thì chắc chắn không bao giờ có. Nói thế là tôi muốn các vị để ý hai thứ lực lượng rầm rộ. Tôi muốn nhắc lời đạo hữu Malalasekera, Hội trưởng Tổng Hội Phật giáo Thế giới chúng ta đã nói với chúng ta: “Con rắn hổ mang dương oai mà người chết, con rắn hổ đất dương oai mà người không hại gì”.
Chúng ta chỉ tỏ lực lượng rầm rộ và cần phải tỏ lực lượng rầm rộ, để mà làm việc phải làm của chúng ta, thực hành giáo lý của Phật. Mà muốn vậy thì “tỏ ra mình là phật tử” cần lắm, cần thiết một cách trực tiếp trong việc ấy. Trên đây là chúng tôi muốn nói với các vị Phật tử không “tỏ ra mình là phật tử” vì lý do này hay vì lý do khác. Nhưng ngoài ra, có những người tự coi mình là đạo dòng của đạo Phật, ông bà cha mẹ và thân quyến mình đều là Phật tử, vì vậy mà tự nhiên quá hóa ra vô lý, không “tỏ ra mình là phật tử” trước mọi người, mọi trường hợp.
Những người ấy quả như một người phật tử Mỹ nói “phật tử Á Đông sống nhờ Phật pháp nhưng lâu ngày họ quên đi, ví như nhờ không khí mà loài người được sống, nhưng ít ai nhớ đến không khí”. Sự nhận xét ấy quả là đúng. Nhưng tại sao ta lại hời hợt với chính sự tín ngưỡng của chúng ta đến nỗi ấy? Lại có người đáng khen là thường đeo tượng Phật, tượng Bồ tát nơi ngực, nhưng không chào hỏi nhau. phật tử chúng ta đáng lý phải giúp nhau, đồng vui đồng khổ với nhau, nhưng không được thế thì ít ra là cũng chào hỏi vui vẻ với nhau.
Khi gặp nhau giữa đường, trong chợ hay nơi hội họp, chỗ công cộng, bất cứ ở đâu, chúng ta cũng phải chào nhau, hỏi nhau, tỏ tình thân ái với nhau. Và chính điều ấy là “tỏ ra mình là Phật tử” và tỏ ra, hơn nữa, gây ra “lực lượng của Phật tử” chúng ta vậy.
Biết sự “tỏ ra mình là Phật tử” là cần thiết rồi, vậy mong toàn thể các vị phật tử tại gia hãy chú ý mấy điều tối thiểu sau đây: - Thường đeo tượng Phật.
- Thường chào hỏi các thầy và chào hỏi nhau.
- Thẳng thắn tỏ ra mình là Phật tử trong mọi trường hợp.
- Không nói và làm theo người đối lập với đạo pháp của mình khi thấy sự nói và việc làm ấy không chuyển hóa được họ, không lợi cho danh dự và quyền lợi của đạo pháp mình tôn thờ.
- Tự mình và khuyên cả nhà ăn chay mỗi tháng hai ngày rằm và mồng một.
- Tự mình và toàn gia hãy niệm Phật to tiếng (niệm to) mỗi tối trước khi đi ngủ. Đọc được bài Sám hối càng tốt. Hãy ngồi trên giường ngủ mà niệm và đọc.
- Mỗi tháng đến chùa hay niệm Phật đường ít nhất một lần. Không cần nói người xưa, hiện bây giờ đây vẫn có những người Phật tử uống thuốc độc để “tỏ ra mình là phật tử”, có những em Phật tử quyết liệt “tỏ ra mình là Phật tử” trước sự thù ghét, dọa nạt.
Có những đạo hữu và những em phật tử tin tưởng ở Phật, tin lý nhân quả, thản nhiên thờ Phật, tụng kinh, ăn chay như thường ở những nơi thôn dã bây giờ, bao bọc chung quanh họ đầy sự đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Đức Phật vô thượng, Phật pháp vô thượng, được vinh dự làm phật tử, ta hãy “tỏ ra mình là Phật tử” để xứng đáng với vinh dự ấy.
Trích Tâm ảnh lục, tập 2, in lại trong Tâm ảnh lục, Nhà xuất bản Văn hóa Sài gòn, 2009, trang 400-415
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Kích hoạt sự giàu có của bạn trong đời
Góc nhìn Phật tử 13:30 03/11/2024Bạn nhận ra được những giá trị nơi bản thân và có thể trao tặng những giá trị này đến cuộc đời, cuộc đời sẽ tặng bạn lại sự thịnh vượng và giàu có. Lúc bấy giờ giàu có là hệ quả tất yếu của hành động trao giá trị.
Sự tiến hóa nào cũng cần đánh đổi
Góc nhìn Phật tử 09:50 02/11/2024Nhân duyên quả là một tiến trình mà không phải mắt thường có thể nhìn thấy, nếu không nội quán huân tu, khai mở tâm trí để thấy rõ cội nguồn tử sinh mà thôi tạo tác, thì mỗi chúng sanh phải chịu từng khổ vui của sự sống chết để học hết bài học của nhân quả, ái luyến, chấp thủ, luân hồi...
Hạnh phúc khi biết an trú tâm trong hiện tại, bây giờ và ở đây
Góc nhìn Phật tử 08:30 02/11/2024Có một người khi sanh tiền rất hiền lương, hay giúp đỡ người khác nên sau khi chết sanh lên thiên giới và được phong làm thiên sứ. Thiên sứ thường xuống trần gian làm việc thiện, giúp đỡ người khác để cảm nhận hương vị của hạnh phúc.
Thấy rõ nhân - duyên - quả để an nhiên
Góc nhìn Phật tử 13:04 01/11/2024Lập gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no, có con cái sum vầy và nuôi dạy chúng nên người là niềm vui, hạnh phúc đồng thời cũng là mong muốn chính đáng của mọi người. Tuy nhiên, không phải ai mong muốn gì cũng đều được như nguyện.
Xem thêm