Hiểu rõ về năm thứ thiền
Chơn tánh không nhơ không sạch, phàm thánh không khác, nhưng thiền có cạn có sâu, giai cấp sai biệt. Ðứng về mặt chơn tánh thì không có cạn sâu, phàm thánh. Nhưng về phương pháp tu để ngộ chơn tánh, thì có cạn sâu, nên sau đây là giải thích cho chúng ta hiểu rõ có năm thứ thiền khác nhau.
1. Người chấp khác, ưa cõi trên chán cõi dưới mà tu, là thiền ngoại đạo.
Thiền ngoại đạo là do nơi chấp khác, nghĩa là chấp ngoài tâm mình có một pháp nào khác để giúp mình đắc đạo.
Như khi ngồi thiền, mong có thiêng liêng tới dựa vào hay là điểm đạo v.v...
Hoặc ngồi thiền để luyện được không già, sống lâu.
Hoặc là tu theo pháp thiền xuất hồn ngao du nơi này nơi kia.
Hay tu luyên theo pháp thiền chuyển luân xa.
Hoặc ngồi thiền lựa giờ tý, ngọ, mẹo, dậu gọi là những giờ linh thiêng để có đấng thiêng liêng nào đó về tựa cho mình thêm sức mạnh v.v...
Nói tóm lại, hễ một pháp tu nào không nhắm vào sự gạn lọc tự tâm, loại bỏ vọng tưởng mà chỉ trông cậy vào sự linh hiển bên ngoài thì đó là thiền ngoại đạo.
Người tu theo đạo Phật, dù cạn dù sâu đều chủ yếu là gạn lọc tâm mình từ thô đến tế. Gạn lọc cho đến khi nào tâm hoàn toàn thanh tịnh, đó là y tánh khởi tu.
Nên nhà Phật thường dùng câu: "Ngoài tâm cầu Phật là ngoại đạo".
Nhưng bây giờ đa số tin theo sự đồn đại của nhiều người, hoặc tin theo sự giới thiệu của báo chí, hầu hết tu theo thiền ngoại đạo.
Vì họ nói rằng:
- Nhập thiền sẽ ngao du tự tại,sẽ thấy những cảnh giới lạ, thấy Phật đến xoa đầu thọ ký, biết được quá khứ, vị lai.
Họ giới thiệu không biết bao nhiêu là chuyện huyền bí, không nhắm vào sự loại trừ vọng tâm, đó là lối tu lầm lạc.
Là người Phật tử học đạo, phải sáng suốt, muốn học một pháp tu nào phải nghiên cứu cho kỹ, đâu là chánh, đâu là tà, chớ vội tin mà lầm lạc.
Trong kinh Phật nói:
"Một khi lầm đường rồi khó quay đầu trở lại", khi phát tâm tu chúng ta mong tu để thành Phật mà lạc vào ma đạo rồi muốn trở lại thật là khó khăn, người tu nên cẩn thận.
Thiền định của người Phật tử tại gia
2. Người tin chắc nhơn quả, cũng do ưa chán mà tu, là thiền phàm phu.
Tin chắc nhơn quả tức là căn cứ vào lý nhơn quả mà tu thiền.
Như trong kinh nói: chúng ta tu chứng Sơ thiền sẽ được sanh lên cõi trời Sơ thiền.
Chứng được Nhị thiền sẽ sanh về cõi trời Nhị thiền, cho đến chứng được Tứ thiền sẽ sanh về cõi trời Tứ thiền.
Cõi trời Sắc giới cũng thế.
Như vậy vì ham thân đẹp đẽ, vì thích được sống lâu ở cõi trời cho nên từ cái nhơn phàm phu này mà tu thì sẽ sanh về cõi trời Sắc giới sung sướng an nhàn.
Nhưng dù sanh được cõi trời, khi hết phước cũng bị đọa lạc.
Tứ thiền chẳng những có trong nhà Phật mà cả ngoại đạo cũng có tu.
Theo đạo Phật, người tu được Tứ thiền rồi, nếu khéo léo từ Tứ thiền tiến qua Diệt thọ tưởng định, chóng giải thoát. Hoặc từ Tứ thiền qua Tứ không rồi mới qua Diệt tận định và giải thoát.
Những người kém, tu chứng được Tứ thiền sanh lên cõi trời Sắc giới, còn ở trong Sắc giới là còn ở trong vòng phàm phu.
3. Người ngộ lý thiên chơn, thấy ngã không mà tu, là thiền Tiểu thừa.
Ngộ lý thiên chơn tức là thấy rõ thân ngũ uẩn này không thật.
Những vị này chỉ ngộ được ngã không, chứ chưa chứng được pháp không.
Nghĩa là khi tu thấy được cõi đời là vô thường, đau khổ, không có cái ta thật nên cố gắng tu cho được Niết bàn thanh tịnh an vui.
Vì còn thấy có Niết bàn nên gọi là pháp hữu, hay là thấy ngã không thật, mà thấy Tứ đế, Thập nhị nhân duyên v.v... là thật, đó là pháp hữu, gọi là Tiểu thừa.
4. Người ngộ ngã pháp đều không, hiển bày chơn lý mà tu, là thiền Ðại thừa.
Ngộ ngã pháp đều không tức là khi tu theo thiền tông, nhận ra được cái ngã không thật, và các pháp như: Niết bàn, sanh tử, Tứ đế, Thập nhị nhân duyên cho đến Lục độ cũng không thật, chẳng qua là do tùy bịnh cho thuốc mà đặt tên đó thôi, rõ hai lẽ đó cho nên ngã pháp đều không chấp.
Những vị này hằng dùng trí Bát nhã quán chiếu để tâm được định, ấy là thiền Ðại thừa.
5. Người đốn ngộ tự tâm xưa nay thanh tịnh, vốn không có phiền não, trí tánh vô lậu sẵn tự đầy đủ, tâm này tức là Phật, cứu cánh không khác, y đây mà tu là thiền Tồi Thượng thừa, cũng gọi là thiền Như Lai Thanh Tịnh, cũng gọi là Nhất Hạnh Tam Muội.
Ðây là căn bản của tất cả Tam muội.
Nếu người hay niệm tu tập tự nhiên dần dần được trăm ngàn Tam muội.
Môn đệ Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma lần lượt truyền nhau là thiền này.
Ðây là Tối Thượng thừa thiền, hay gọi là Như Lai Thanh Tịnh thiền, cũng gọi là Nhất Hạnh Tam Muội.
Người tu theo thiền này là đốn ngộ tự tâm xưa nay thanh tịnh, nghĩa là nhận ra nơi mình có cái tâm bất sanh bất diệt, tâm ấy không ô nhiễm, không tăng không giảm, không cấu không tịnh v.v... trí tánh tự đầy.
Nhận ra tâm thể rồi, y nơi đó mà tu cho đến khi viên thành Phật quả thì gọi là thiền Tối Thượng thừa.
Nhưng làm sao y nơi đó mà tu?
Khi chúng ta nhận ra nơi mình có bản tâm thanh tịnh, song còn bị vọng tưởng che mờ, nên khi tu vọng tưởng dấy lên chúng ta không theo, bao giờ vọng tưởng sạch rồi thì chơn tâm hiện bày.
Như vậy, gọi là y cứ nơi bản tâm mà tu, gọi là thiền Như Lai Thanh Tịnh.
Nói đến thiền Như Lai Thanh Tịnh, tôi nhớ có một lần tôi về Huệ Nghiêm, mấy chú đem lại một tờ báo, đọc cho tôi nghe.
Trong đó nói khi nhập Như Lai Thanh Tịnh thiền, hào quang rực rỡ, tôi bảo: "Ðó là thiền ngoại đạo".
- Tại sao?
Vì kinh Kim Cang có câu: "Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng".
Nghĩa là phàm cái gì có hình tướng đều là hư dối.
Cho nên khi nhập Như Lai Thanh Tịnh thiền mà hiện hào quang rực rỡ ấy là lầm nhận cái hư dối cho là chân thật.
Nhưng Phật tử không biết, nghe nói có hào quang thì hay lắm theo rất động.
Với người có mắt sáng biết đó là lầm.
Vì bất cứ một hiện tượng nào hiện ra trong khi tu đều là hư vọng, dù cho hiện hào quang, dù cho hiện Phật đều là tướng hư dối.
Khi nào tâm chúng ta sạch hết vọng tưởng, thanh tịnh như như mới không lầm lạc...
Cho nên, người biết tu thiền rồi, khi nghe người khác nói cách tu là biết người ấy tu lạc hay tu đúng.
Còn người chưa biết tu nghe người khác diễn tả hào quang rực rỡ thì ham thích.
Hiện tại nó hấp dẫn một số người tương đối trí thức, vì những người ấy quá chuộng hình tướng cho nên người ta lợi dụng danh từ Như Lai Thanh Tịnh thiền của Phật Tổ và lồng pháp tu của ngoại đạo, khiến Phật tử không biết hăm hở tu theo, thật là đáng thương!
Trích trong: Nguồn Thiền Giảng Giải.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Pháp tu soi gương
Kiến thức 15:52 05/11/2024Pháp thoại này Thế Tôn dạy Tôn giả La-vân (La-hầu-la) quán chiếu về thân nghiệp giống như đang soi gương thấy rõ mặt mình dơ hay sạch. Nếu không soi gương, chúng ta sẽ không biết mặt mình như thế nào.
Ác nghiệp đã trót gieo, phải làm sao để ác báo không trổ ra?
Kiến thức 10:35 05/11/2024Mỗi ngày chúng ta đều gieo trồng những nhân thiện, ác lẫn lộn. Những nhân này tuyệt đối không hề mất đi, nó được lưu trữ trong tàng thức của chúng ta. Quá trình từ nhân đi đến quả đều cần phải có duyên. Vậy làm sao để tránh được duyên ác?
Đi về phía an lạc hạnh phúc
Kiến thức 09:20 05/11/2024Kinh Trường bộ ghi: Đường này đến an lạc giải thoát Niết bàn, chấm dứt khổ đau; Đường kia đến ưu phiền não loạn khổ đau trong sinh tử luân hồi, các người muốn đi đường nào?
Muốn mau lành bệnh
Kiến thức 07:03 05/11/2024Ai cũng biết Đức Phật ngoài mười hiệu tôn quý còn được xưng tán là Y vương, bậc thầy của các thầy thuốc trong việc trị liệu tâm bệnh của chúng sanh. Không chỉ chữa trị tâm bệnh, Đức Phật còn là một vị thầy thuốc đúng nghĩa chữa trị cả thân bệnh nữa.
Xem thêm