Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 30/11/2023, 10:21 AM

Hình tướng bên ngoài hay tâm địa bên trong?

Trong Kinh Pháp Cú, Đức Từ Phụ đã khẳng định với tứ chúng rằng: “Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm là chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu đem tâm ô nhiễm tạo nghiệp nói năng hoặc hành động, sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo xe.”

Lời Phật dạy thật đơn giản, nhưng rõ ràng và đầy đủ. Người con Phật không còn gì nữa để mà nghi nan hay vấn đáp. Lời dạy ấy đã trả lời thẳng cho câu hỏi: “Hình tướng bên ngoài hay tâm địa bên trong?” Trước khi nhập diệt, Đức Thế Tôn lại một lần nữa nhắn nhủ tứ chúng rằng: “Sở dĩ ta không muốn chỉ định bất cứ ai làm người truyền thừa là vì ta muốn rằng trong bất cứ tình huống nào, người tu theo Phật cũng nên luôn nhớ một điều: y pháp bất y nhân.” Lại một lần nữa Thế Tôn dùng chỉ một cụm từ năm chữ, nhưng chứa cả một triết lý sống tu thực tiển. Suốt dòng thời gian hành đạo bốn mươi chín năm của Đức Phật, Ngài luôn chỉ dạy cho chúng đệ tử những cái rất bình thường trong cuộc sống hằng ngày như đi đứng nằm ngồi, vân vân. 

Hãy luôn quán sát tự tâm từng giờ từng phút từ ý nghĩ, lời nói đến hành động.

Hãy luôn quán sát tự tâm từng giờ từng phút từ ý nghĩ, lời nói đến hành động.

Tuy nhiên, Ngài khẳng định oai nghi tế hạnh không có nghĩa là gò bó hay trau chuốc cho dáng vẻ bên ngoài, mà oai nghi tế hạnh phải toát ra từ phạm hạnh bên trong. Những lời vàng ngọc của Thế Tôn mới hôm nào đây hãy còn vang vọng thế mà hôm nay có lắm kẻ vừa mới biết phần nào giáo lý đã tưởng mình siêu đẳng, đi ngược lại với những lời Phật dạy, chỉ ngày ngày trau chuốc cho hình tướng bên ngoài cho oai nghi bệ vệ mà quên hẳn tâm mình đang chất chứa đầy những rác rưởi của thường tình thế tục. Chúng sanh trong cõi Ta Bà mang thân nghiệp khác nhau, nên hình tướng bên ngoài cũng khác nhau. Tuy nhiên, tâm vẫn làm chủ tất cả, tâm tạo tác, tâm gây nghiệp thiện ác. Trong trạng thái giải thoát của tâm, không có chỗ đứng cho hình tướng bên ngoài. Dù bề ngoài có “đầu tròn áo vuông” mà không chịu sống tu theo “tam thường bất túc” (ăn, mặc, ngủ nghỉ không được sung túc) thì những con người ấy vẫn còn tham dục tràn đầy. 

Ăn là để sống để tu chứ không phải để khoái khẩu; mặc làm sao cho đủ ấm chứ không phải cho đẹp cho sang nên cần chi quần là áo lụa; ngủ nghỉ để có sức khỏe sống tu nên cần chi chăn êm nệm ấm… Kỳ thật có sống được trong “tam thường bất túc” thì nội tâm chúng ta mới thao thức về sự giải thoát của mình và của người. Dù xuất gia hay tại gia, người con Phật chơn thuần nên luôn nhớ rằng hình tướng bên ngoài không giúp chúng ta giải thoát, chỉ có tâm địa bên trong mới có khả năng đưa chúng ta đi xuống hay đi lên mà thôi. Chính vì thế mà Đức Phật thường dạy trong các kinh điển của Ngài: “Đệ tử Phật, dù xuất gia hay tại gia, phải tu hành tinh tấn, thượng cầu Bồ Đề, hạ hóa chúng sanh, phải buông bỏ danh lợi, phải ngày đêm nhớ luật vô thường, phải nắm lý vô ngã, phải cần tu như lửa đốt đầu, luôn sống thanh tịnh, hòa hợp, phải luôn giúp người hướng thượng, phải tự lợi lợi tha, phải tự giác, giác tha rồi đi đến giác hạnh viên mãn.” 

Chính Đức Phật đã nhiều lần nhắc nhở tứ chúng rằng đạo nầy được dùng để soi sáng tư duy, để khơi dậy nguồn sáng trong mỗi người, để chỉ đường vạch mở những gì đang che mờ tâm thức, chứ đạo nầy không nhằm mục đích trau chuốc cho con người được tướng hảo quang minh. Tuy nhiên, tướng hảo quang minh tự nhiên đến với những con người đã đi đúng vào đạo, những con người đã vượt thoát khỏi sầu bi khổ não của trần tục. Thấy thế mới biết dù bề ngoài uy nghi bệ vệ mà bên trong chứa đầy tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, sát, đạo, dâm, vọng… những kẻ ấy vẫn là những con ma trơi chứ không là gì cả. Ngược lại, dù bên ngoài mang lốt ăn mày mà bên trong đạo đức tròn đầy với tâm nguyện mang lại an vui lợi ích cho mọi người, con người ấy vẫn là mẫu người tiêu biểu cho sự cao quý thánh thiện mà đạo Phật gọi họ là những vị Bồ Tát. 

Dù bề ngoài uy nghi bệ vệ mà tâm địa xấu xa ô nhiễm, mục hạ vô nhân, bươi móc lỗi người, ngã mạn cống cao, luôn so sánh phân biệt, luôn mang thành kiến định kiến, luôn đố kỵ ganh ghét, luôn tham lam bỏn xẻn… thì cái uy nghi bệ vệ đó chỉ là phong thái của loài ma trơi không hơn không kém. Người Phật tử chơn thuần phải luôn nhớ rằng: “nước biển chỉ thuần một vị mặn và giáo pháp Như Lai chỉ thuần một vị giải thoát.” Tuy nhiên, giáo pháp nầy chỉ giúp cho con nguời giải thoát nếu con người ấy biết quay vào bên trong để gột rửa, để phản quang tự kỷ hay để tu tâm dưỡng tánh. Giáo pháp nầy chẳng có ích lợi gì cho những kẻ hướng ngoại cầu hình, hay những kẻ chỉ biết ngày ngày trau tria bồi bổ cho cái thân nầy. Cũng như vậy, giáo pháp nầy chẳng giúp ích gì được cho những kẻ học kinh nhằm thỏa mãn óc tò mò, những kẻ lượm lặt được dăm ba mớ kiến thức trong nhà thiền rồi đem ra nhàn đàm hý luận chứ không chịu tu hành. 

Người Phật tử chơn thuần phải luôn nhớ rằng “chiếc áo không làm nên thầy tu.” Nếu chiếc áo mà làm nên thầy tu thì tự cổ chí kim đã có hằng hà sa số chư Phật, hoặc giả thế giới nầy không còn mang tên Ta Bà nữa. Nhưng thế giới nầy vẫn mang tên Ta Bà và chúng sanh vẫn không ngừng lăn trôi trong ba nẻo sáu đường. Tại sao lại có trạng huống nầy? Tại vì chúng ta vẫn lấy hình tướng mà nhìn Như Lai, và vẫn lấy âm thanh mà cầu Như Lai. Chúng ta vẫn nhìn Như Lai với 32 tướng hảo, vẫn tưởng đến Như Lai với những tiếng pháp âm trầm bỗng. Chính vì thế mà chúng ta vẫn bị hình tướng và âm thanh lôi kéo để rồi mặt trời trí tuệ vẫn cứ rơi vào đất “có” và tâm trí vẫn mờ mịt vì đám mây mờ vô minh đã che lấp mất cửa “không.” Người con Phật chơn thuần phải thấy rõ điểm tối quan yếu nầy để tự quay lại nội tâm mình mà phản quang tự kỷ. 

Hãy luôn quán sát tự tâm từng giờ từng phút từ ý nghĩ, lời nói đến hành động. Ba đời chư Phật và chúng sanh không sai khác, ngặt nỗi chúng ta bị tập khí làm mờ ám và ngoại cảnh giao duyên khiến tự tánh đã mờ càng mờ thêm. Chúng ta mang danh Phật tử nhưng ít ai chịu nhìn thẳng vào những lời Phật dạy. Phật và chư Thánh Tăng ngày xưa nào có để ý gì đến hình tướng bên ngoài, nào có thờ cúng lễ bái thần quyền. Hơn nữa chính Đức Phật đã dạy rõ ràng trong các kinh điển của Ngài rằng về phần tâm linh thì chúng sanh và Phật đều bình đẳng như nhau, về cuộc sống thực ngoài đời thì không có giai cấp khi máu của chúng sanh đều đỏ như nhau. Như vậy ai có quyền bắt ai phải thờ cúng hay lễ lạy mình?

Chúng ta, hàng Phật tử hậu bối, sở dĩ lễ kính chư Phật là để tỏ lòng biết ơn các Ngài đã vì thương xót chúng sanh mà thị hiện, ban cho chúng ta giáo pháp tuyệt vời, lễ bái là để tự nguyện noi theo gương các Ngài mà tu tập cho thành Phật như các Ngài, chứ đâu phải u mê chạy theo hình tướng bề ngoài, dù là hình tướng của các Ngài đi nữa cũng chỉ là những thứ huyễn giả chứ có gì đâu mà chúng ta chạy theo? Phật tử chơn thuần hôm nay quyết dùng trí dũng của người con Phật để phá tan bóng tối vô minh đã xô đẩy chúng sanh vào chỗ mê tín theo những tập tục quái dị và không cần thiết cho cuộc sống cuộc tu của chính mình.

Người con Phật sơ cơ nên luôn cẩn trọng, đừng để cho hình tướng bên ngoài làm chóa mắt và che mất bầu trời giải thoát quang đãng. Sai một cự ly của trái đất nầy tức là sai đi hàng trăm dậm. Sai một cự ly trên hành trình về đất Phật là trật hướng hoàn toàn. Tu các thiện nghiệp mà quên mất Bồ Đề tâm còn rơi vào ma đạo, huống là tu hình tướng bên ngoài? Chính vì thế mà ai muốn lăn trôi cứ lăn trôi, người con Phật một khi đã quyết tâm tu hành giải thoát phải luôn hướng vào nội tâm mình mà trau sửa sao cho lòng từ bi luôn rộng lớn, vị tha bác ái, phải tu sao cho từ ý nghĩ, lời nói đến viêc làm luôn chơn chánh vì nếu ý không chơn chánh tất suy nghĩ và chứa chấp những điều bất chánh, lời nói không chơn chánh tất ong óng oang oát, thân không chơn chánh tất đi đứng nghênh ngang như con lật đật và không kinh vì những tổn hại cho tha nhân… để rồi cuối cùng phải đi vào tà đạo. Người con Phật chơn thuần hãy chấm dứt ngay việc nấu cát mà mong cho thành cơm. Mong cho ai nấy đều thâm nhập kinh tạng và trí huệ như biển, để một ngày không xa nào đó không còn thế giới nào mang tên “Ta Bà” nữa.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Đủ phước đức mới thành tựu được hai phương diện “thân vui, tâm cũng vui”

Kiến thức 17:00 01/05/2024

Sống ở đời, hạnh phúc nhất là thân khỏe và tâm an, vật chất và tinh thần đều sung mãn. Nói theo Thế Tôn là “thân vui, tâm cũng vui”, đời sống vật cãhất đầy đủ, thân thể khỏe mạnh đồng thời đời sống tinh thần hiện tại an vui, tâm không còn phiền no, vượt thoát các ác đạo.

Ngủ an lạc, thức an lạc, không ác mộng, được mọi người thương mến

Kiến thức 12:21 01/05/2024

Trong tự nhiên, nước là chất lỏng mềm ướt, vậy mà nước dưới áp lực cao có thể cắt đứt mọi thứ. Nước còn khắc chế được hỏa hoạn, dập tắt lửa dù nó có hung bạo tới đâu.

Phép cầu an đích thực

Kiến thức 11:55 01/05/2024

Đức Phật không thể ban phát cho chúng sanh sự an lành, hạnh phúc, nếu Ngài có thể ''ban cho'' thì chúng sanh trong cõi đời này không một ai khổ cả. Vì thế, là Phật tử hãy biết tự cầu an bằng cách sinh hoạt điều độ, có khoa học.

Phương thuốc trị tâm bệnh trong Kinh Dược Sư (II)

Kiến thức 18:33 30/04/2024

Con người cần nên học theo phương pháp “bắt mạch và trị bệnh” của Phật Dược Sư, không phải là học theo cách lễ Phật Dược Sư như thế nào.

Xem thêm