Hộ trì chánh pháp – việc làm thiết thực của người con Phật trong mọi thời đại
Việc xiển dương Chánh pháp không phải để thu hút tín đồ, gia tăng Phật tử mà là bổn hoài của chư Phật, nhằm đem Chánh pháp làm lợi lạc quần sanh.
Sau hơn 2.600 năm hình thành và phát triển, Phật giáo đã có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự phát triển ấy có được nhờ những lời dạy minh triết của Đức Phật luôn lấy con người làm trung tâm, phù hợp với mọi căn cơ của chúng sanh. Suốt hàng ngàn năm qua, Chánh pháp do Đức Phật dạy đã mang lại ý nghĩa cho hàng triệu người trên thế giới, là kim chỉ nam soi sáng và thức tỉnh nhân loại. Vì vậy, giữ gìn và phát triển Chánh pháp nhằm đem lại lợi ích cho bản thân và chúng sinh là việc làm thiết thực của mọi người con Phật.
Hộ trì chánh pháp là gì?
Hộ là che chở, bảo bọc, làm cho vững chãi, bền lâu. Trì là nắm giữ, giữ gìn. Hộ trì có thể hiểu nghĩa rộng là phát tâm giúp đỡ, bảo hộ làm cho lớn mạnh, vững chãi, dài lâu một việc mà mình tin rằng tốt đẹp, xét ra thấy lợi mình, lợi người ở hiện tại và tương lai. Khi nói về hai từ Chánh pháp, chắc chắn mỗi người đều có khái niệm của riêng mình. Nhưng trong phạm vi bài viết này, người viết theo định nghĩa Đức Phật đã từng dạy về “Chánh pháp” trong kinh Trường Bộ: “Chánh pháp được Thế Tôn khéo giảng dạy, thiết thực, vượt ngoài thời gian chi phối, đến để mà thấy, có khả năng giải thoát, được kẻ trí tự mình thâm hiểu” [1]. Phật Quang Đại Từ Điển cũng định nghĩa Chánh pháp (Saddhamma) như sau: Chánh pháp là chỉ pháp chân chính. Cũng tức là giáo pháp do Đức Phật nói. Còn gọi là Bạch pháp, Tịnh pháp, hay còn gọi là Diệu pháp [2].
Như vậy, Chánh pháp không phải là tập hợp những chuyện bí ẩn và thần thoại để thử thách con người phán đoán tính hư thực của chúng, mà là những lời Thế Tôn nói ra đúng với sự thật và thiết thực cho đời sống con người, phù hợp với mọi thời đại, mọi căn cơ, mọi hạng người, đem lại lợi ích an lạc cho số đông. Cho nên, Chánh pháp được ví như ngọn đuốc soi đường trong đêm tối, giúp hành giả thấy rõ lối đi để tiến bước đến chân trời bình an và hạnh phúc. Như vậy, hộ trì Chánh pháp tức là giữ gìn và phát triển lời dạy Đức Thế Tôn, tích cực đưa lời dạy của Ngài vào đời để góp phần làm vơi bớt nỗi khổ niềm đau của nhân loại.
Tầm quan trọng của việc hộ trì chánh pháp đối với bản thân và xã hội
Ở trên đã điểm qua sơ lược, nhưng thiết nghĩ cũng cần giải thích cụ thể hơn về tầm quan trọng của Chánh pháp đối với bản thân và xã hội, giúp chúng ta có thêm động lực để dốc lòng hộ trì.
Trách nhiệm với bản thân
Nhiều người nghĩ, lời dạy của giáo chủ các tôn giáo là khối giáo điều cứng nhắc, khó hiểu, khắt khe và bắt buộc mọi người tin theo, không được nghi ngờ. Ngược lại, pháp mà Đức Phật dạy chưa bao giờ yêu cầu con người phải tin lời nói của Ngài nếu chưa có sự suy xét, thực hành đưa đến ích lợi cho đời sống. Ngài cũng không yêu cầu con người phải nương nhờ, cầu thỉnh để được che chở, mà phải tự bước đi trên đôi chân của chính mình. Đó là lý do Ngài luôn nhắc nhở: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Bởi những suy nghĩ, lời nói, hành động sẽ quyết định sự tốt xấu xảy ra trong đời chúng ta. Điều này giúp con người có đủ bản lĩnh, tự làm chủ, chịu trách nhiệm nếu muốn chinh phục mọi thứ bằng tự thân, thay vì phải lệ thuộc van xin một đấng thần linh nào đó. Ví dụ, nếu thực hành những lời dạy về thiểu dục tri túc của Đức Phật, chúng ta sẽ không bị ngũ dục chi phối, không chạy theo hoàn cảnh vì lòng tham, thay vào đó là một đời sống tràn đầy hạnh phúc bởi sự ít muốn và biết đủ đem lại. Đó là kết quả tất yếu của hành động chân chánh đưa đến. Khi nào con người còn khổ đau thì khi đó Chánh pháp thật sự rất cần thiết.
Trách nhiệm đối với xã hội
Xã hội cần có sự hỗ tương kết hợp, chúng ta sẽ không thể sống hạnh phúc giữa một xã hội chỉ biết tranh đấu, hơn thua,… Một người bất thiện thì gia đình thêm một nỗi bất an, một gia đình bất an thì xã hội cũng phải chịu sự cộng hưởng. Ngược lại, tăng thêm một người thực hành theo Chánh pháp thì xã hội tiến lên một bước để đạt đến an vui. Nếu không có Chánh pháp để quay về nương tựa, biết bao con người đã rơi vào nẻo tà, làm các việc bất thiện. Cũng đừng nên lo sợ Chánh pháp khó hiểu, khó chứng bởi Đức Phật đã dùng nhiều phương tiện để trình bày và giải thích, phù hợp với tất cả các tầng lớp xã hội. Do đó, nếu mọi người đối đãi với nhau bằng Chánh pháp, sẽ không bao giờ có vấn nạn khổ đau trên đời.
Hộ trì chánh pháp trong thời đại ngày nay
Ngày nay, với sự phát triển bùng nổ của công nghệ, Chánh pháp được tỏa rạng khắp năm châu, dễ dàng tiếp cận đến mọi người. Đó là về phần hình thức, nhưng cốt lõi để Chánh pháp tồn tại vẫn đến từ pháp học và pháp hành của người con Phật.
Đối với hàng xuất gia phải thành tựu pháp học lẫn pháp hành
Hộ trì Chánh pháp là trách nhiệm thiêng liêng không thể thiếu đối với Tăng sĩ. Nhưng muốn giữ gìn và phát triển Chánh pháp, chúng ta không thể chỉ nói suông. Vì vậy, hàng Tăng Ni phải có vốn kiến thức Phật pháp chuẩn, nắm vững những lời dạy minh triết của Đức Phật bằng cách học những bài kinh từ thấp đến cao, bao gồm thế giới quan, nhân sinh quan, đạo đức quan, tu tập quan, giải thoát quan… Trong Tăng Chi Bộ kinh, Đức Phật cho biết có 05 lý do khiến giáo pháp của Ngài được an trú lâu dài, không bị pha tạp và biến mất: “Ở đây, này các Tỳ kheo, các Tỳ kheo cẩn trọng trong nghe Pháp, cẩn trọng học thuộc lòng Pháp, cẩn trọng thọ trì Pháp, cẩn trọng quan sát ý nghĩa các Pháp được thọ trì và cẩn trọng thực hành Pháp”.
Bên cạnh đó, một vị xuất gia phải khép mình vào giới luật, trang nghiêm tứ oai nghi và thanh tịnh thân khẩu ý. Nghiêm trì Giới tướng tất sẽ thành tựu Giới thể. Giới thể thanh tịnh là điều kiện tiên quyết để dấn thân vào đời, phục vụ cho đời và làm lợi ích cho người. Giới thể thanh tịnh, Giới đức tự đầy đủ, khả năng cảm hóa lòng người được lâu bền, tạo được niềm tin sâu sắc đối với quần chúng. Xuyên suốt từ thời Đức Phật đến nay, chư vị Tổ sư nhờ thực hành pháp và luật của Đức Phật, nên biết cập nhật và linh hoạt thích ứng với những thay đổi của thời thế để truyền đạo một cách phù hợp, trên tinh thần “khế lý khế cơ”. Nhờ vậy, Chánh pháp mới có thể tồn tại lâu dài. Càng thực hành lời dạy Đức Phật, chúng ta càng có nhiều khả năng bảo vệ Chánh pháp từ cội rễ.
Các Thầy hãy đi các nơi để truyền bá chánh Pháp của Như Lai
Hộ trì Chánh pháp rất cần hàng cư sĩ trí thức
Ngoài bổn phận hỗ trợ hàng xuất gia về phương tiện tu học, cư sĩ cũng phải tự ý thức về vị trí nòng cốt của mình trong việc hộ trì Chánh pháp. Vì vậy, nắm vững và thực hành Chánh pháp để không bị lạc hướng giữa đời là việc rất nên làm. Hiện nay, có Phật tử dù đi chùa lâu năm, nhưng vẫn lúng túng phân biệt được đâu là chánh tín, đâu là mê tín. Có lẽ, giới Phật tử ít nhiều cũng biết đến cư sĩ Cấp-cô-độc qua hình ảnh một đại tín chủ hỗ trợ đắc lực cho Tăng đoàn thời Phật tại thế, nhưng ít ai biết ông cũng là một cư sĩ thông suốt Chánh pháp. Bằng chứng là trong những cuộc nói chuyện với ngoại đạo, ông đều trả lời một cách sâu sắc về giáo lý Đức Phật. Chính Đức Phật đã từng tán thán ông trước hội chúng rằng: “Tỳ kheo nào, dù đã được đầy đủ 100 năm an cư mùa mưa trong Pháp và Luật này, vị ấy cần phải như vậy, thường thường bác bỏ các du sĩ ngoại đạo, với sự khéo léo bác bỏ nhờ Chánh pháp, như gia chủ Anāthapiṇdika đã khéo léo bác bỏ” [3].
Việt Nam từ khi Phật giáo du nhập đến nay, lúc nào cũng có bóng dáng của cư sĩ, Phật tử giữ gìn và làm rạng danh Phật pháp. Gần đây nhất có các vị cư sĩ trí thức như: Lê Đình Thám, Mai Thọ Truyền, Nguyễn Phúc Ưng Bàng, Đinh Văn Chấp, Trần Đăng Khoa, Tôn Thất Tùng, Võ Đình Cường, Tống Hồ Cầm,… Do đó, việc hộ trì Chánh pháp rất cần đến những cư sĩ uyên thâm Phật pháp, chứ không chỉ đơn thuần cúng dường, làm phước, bố thí.
Một người đệ tử Phật nắm vững giáo lý sẽ hiểu được tầm quan trọng của Chánh pháp đối với cuộc đời để dốc lòng bảo vệ Phật pháp, sẵn sàng chống lại những sự xuyên tạc, bóp méo hình ảnh và lý tưởng Phật giáo. Đức Phật đã dạy: “Này các Tỳ kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, các ngươi chớ có vì vậy sanh lòng công phẫn, tức tối, tâm sanh phiền muộn”, vì như vậy “sẽ có hại cho các ngươi”. Lòng ta đau vì cái hại ấy, cho dù chúng ta viện dẫn: “… các ngươi phải nói rõ những điểm không đúng sự thật là không đúng sự thật: ‘Như thế này, điểm này không đúng sự thật; như thế này, điểm này không chính xác; việc này không có giữa chúng tôi; việc này không xảy ra giữa chúng tôi” [4].
Tích cực xiển dương Chánh pháp đến với cuộc đời
Ngoài việc tu tập Giới – Định – Tuệ để hướng đến viên mãn phước trí, thành tựu giác ngộ giải thoát cho tự thân, người con Phật phải đặc biệt quan tâm đến sự thịnh suy của Chánh pháp để lợi ích hữu tình. Với hơn 2.600 năm lịch sử, Chánh pháp được chư vị Tổ sư vận dụng trên tinh thần “tùy duyên bất biến”, “phương tiện thiện xảo”, nhằm thích ứng với thời đại, để đưa con người trở về với nếp sống thiện, khiến xã hội ngày một phồn vinh. Ở nước ta, khi Tổ quốc lâm nguy bởi giặc ngoại xâm, chư Tăng cũng trực tiếp đồng hành cùng dân tộc đứng lên đấu tranh bảo vệ sự tồn vong của đất nước. Đến khi nước nhà giành độc lập, Phật giáo không chỉ chăm sóc phần hồn cho con người mà còn đóng góp nhiều công sức trong công cuộc kiến thiết đất nước. Gần đây nhất, đại dịch COVID-19 đã cướp đi biết bao sinh mạng, đứng trước tình trạng đó, với trái tim thấm đẫm lòng từ bi của người con Phật, không ít Tăng Ni, cư sĩ Phật tử đã tình nguyện xung phong vào tuyến đầu chống dịch bằng những việc làm đầy ý nghĩa như: Bữa cơm yêu thương trong vùng tâm dịch, hỗ trợ an táng những người qua đời, siêu thị không đồng, ATM oxy tại các cơ sở thờ tự,… Qua đó, đem bàn tay nhỏ bé của mình xoa dịu phần nào nỗi khổ đau của đồng loại. Đó chính là những hành động thiết thực xiển dương Chánh pháp.
Việc xiển dương Chánh pháp không phải để thu hút tín đồ, gia tăng Phật tử mà là bổn hoài của chư Phật, nhằm đem Chánh pháp làm lợi lạc quần sanh. Mặt khác, xiển dương Chánh pháp bằng nhiều hình thức như vậy cũng là một cách hộ trì Chánh pháp rất thực tiễn, đem Chánh pháp gần hơn đến con người, giúp xã hội thấy rõ lợi ích của lời Phật dạy. Chính sự hộ trì tâm mình bằng Chánh pháp sẽ là nòng cốt để phát triển Phật pháp.
Hộ trì chánh pháp là hộ trì tâm mình
Trong nhiều nỗ lực để giữ gìn Chánh pháp không bị suy giảm, việc ứng dụng Chánh pháp vào cuộc sống cá nhân để an lạc giữa đời có vai trò quan trọng. Điều đó giúp cho Chánh pháp hưng thịnh hơn là hộ trì bằng hình thức bên ngoài. Bởi Chánh pháp sẽ tồn tại và tăng trưởng nếu được con người hành trì như lời Đức Phật dạy: “Này Ananda, nếu có Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, cư sĩ nam hay cư sĩ nữ nào thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp, hành trì đúng Chánh pháp, thời người ấy kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai với sự cúng dường tối thượng. Do vậy, này Ananda, hãy thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp và hành trì đúng Chánh pháp. Này Ananda, các người phải học tập như vậy” [5].
Đức Phật luôn nhấn mạnh sự nỗ lực của tự thân tu tập Chánh pháp, bằng cách này ta mới có sự hạnh phúc an lạc, thư thái tâm hồn, không sầu não bất an, đó là sự hộ trì giá trị và cao quý nhất, chứ không phải bái lạy hay cúng dường hình thức bề ngoài. Chính sự an lạc hạnh phúc của thế giới nhân sinh là cốt lõi làm cho Chánh pháp hưng thịnh. Khi tâm bình an, không còn phiền não, ta đối diện và ứng xử với mọi người bằng tình yêu thương, vô ngã, vị tha, không hơn thua, tranh đấu. Từ một người thực hành Chánh pháp với năng lượng bình an nơi tâm sẽ tiếp tục lan tỏa đến gia đình và xã hội; về lâu dài sẽ hình thành nên nhân cách con người theo Chánh pháp, là căn bản đưa đến đời sống hạnh phúc, xã hội hòa bình, văn minh.
Cứ như vậy, con người liên tục hộ trì Chánh pháp tức là hộ trì tâm của mình để hóa giải tâm tham lam, ganh đua thì cuộc đời này chẳng còn những bất an, chiến tranh, phân biệt đối xử… Thay vào đó là trái tim tràn đầy tình thương và hiểu biết để xây dựng một xã hội lý tưởng tốt đẹp. Hiểu được như vậy, mỗi người hãy tự nhắc nhở bản thân liên tục sống với Chánh pháp như lời Đức Phật đã dạy:
“Đệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Thường tưởng niệm Chánh pháp” [6].
Tóm lại, dù trong thời đại nào, con người còn khổ đau thì khi đó Chánh pháp vẫn có giá trị trên cuộc đời. Bởi Chánh pháp mang tính thực tiễn và rất gần gũi với đời sống thường nhật, giúp con người luôn có thái độ sống đúng và hành động đúng mà không lệ thuộc vào bất cứ tha lực nào khác. Tầm quan trọng của Chánh pháp là vậy, nhưng nếu không được hộ trì bởi bốn chúng đệ tử của Đức Phật, chắc chắn rằng sẽ có ngày sẽ bị quên lãng. Chính sự thực hành, giữ gìn, truyền thọ giữa bốn chúng từ thế hệ này sang thế hệ khác, không đứt đoạn, sẽ giúp Chánh pháp trụ vững và phát triển với thời gian. Do đó hộ trì Chánh pháp luôn là việc làm thiết yếu của người con Phật.
Chú thích:
[1] Thích Minh Châu (1991), Kinh Trường Bộ 1, kinh Đại Bát Niết bàn, VNCPHVN, TP. HCM, tr.574.
[2] Thích Quảng Độ dịch (2014), Phật Quang Đại từ điển, Nxb. Phương Đông, TP. HCM, tr.1057.
[3] Thích Minh Châu (2016), Kinh Tăng Chi bộ, tập II, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.663-666.
[4] Thích Minh Châu (1991), Kinh Trường Bộ 1, kinh Phạm Võng, VNCPHVN, TP. HCM, tr.14.
[5] Thích Minh Châu (1991), Kinh Trường Bộ 1, kinh Đại Bát Niết bàn, VNCPHVN, TP. HCM, tr.640.
[6] Kinh Pháp Cú 297.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý
Kiến thức 17:05 22/11/2024Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Kiến thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Bố thí sinh phiền não
Kiến thức 09:32 22/11/2024Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.
Tâm là gì?
Kiến thức 09:16 22/11/2024Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.
Xem thêm