Hòa thượng Ấn Thuận: Bậc cao Tăng thời cận đại Phật giáo Trung Quốc
Hòa thượng Ấn Thuận không chỉ là bậc tu hành đức độ cao dày mà còn tinh thông tam tạng kinh điển, lấy việc nghiên cứu giảng pháp làm đạo nghiệp, có những tư tưởng ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều giới tri thức, làm mô phạm cho tòng lâm, thạch trụ với nhiều tác phẩm nổi tiếng.
Thế kỷ XX, Trung Quốc gặp nhiều biến động lớn. Về mặt chính trị, chuyển từ xã hội phong kiến sang xã hội chủ nghĩa. Về mặt kinh tế, bước qua sự trì trệ của một đất nước đầy nội chiến đi lên nền kinh tế thị trường. Trong thời đại nhiều biến đổi đó, tinh thần phổ độ chúng sanh, từ bi cứu thế của Phật giáo là một nhu cầu cấp thiết. Bằng công cuộc chấn hưng Phật giáo của Đại sư Thái Hư, Pháp Tôn cùng nhiều tín đồ Phật tử, Phật giáo Trung Quốc ra sức đấu tranh bảo vệ Đạo pháp, cố gắng chấn chỉnh Tăng Ni, khôi phục lại vị trí của mình trong phong trào Phật giáo thế giới. Kế thừa và hoàn chỉnh trách nhiệm trọng đại đó, sự xuất hiện của Hòa thượng Ấn Thuận như một vì sao thắp sáng lại lịch sử huy hoàng của Phật giáo tại Trung Hoa và làm nở rộ cho Phật giáo Đài Loan trong suốt thế kỷ thứ XX kéo dài sang 5 năm ở tiền bán thế kỷ XXI.
Hành trạng của Ngài được dịch chuyển từ Trung Quốc tới Đài Loan, từ Đài Loan qua Hồng Kông và nhiều nơi khác trên thế giới. Nơi đâu Hòa thượng cũng thể hiện một tấm lòng vì đạo, luôn hướng đến hiện thực hóa lý tưởng: Phật giáo muốn phát triển cần phải được cải cách, đổi mới và trên nền nhận thức đó, chấn hưng trở thành nhu cầu cần thiết. Do đó, từ trong sự thích ứng với thực tế, Hòa thượng làm cho nổi lên, dựng đứng dậy, trả lại giá trị thuần khiết cho triết lý nhà Phật. Cụ thể của phong trào cải cách này là chỉnh đốn Tăng già, giáo dục Tăng Ni, Phật tử; chỉnh đốn giáo lý, giáo chế và giáo sản. Tư tưởng, chí hướng này quả thật là kiểu mẫu xứng đáng cho Tăng già Việt Nam noi theo, làm sống lại đạo lực của hàng Tăng Ni, lợi dân ích nước. Việc làm đó không chỉ để xây dựng, tìm ra hướng đi mới cho Phật giáo, hợp với quy luật tiến hóa của nhân loại còn góp thêm sức mạnh vào sự nghiệp đấu tranh cứu giúp dân tộc.
1. Sơ lược hành trạng của Đại sư Ấn Thuận (Yinshun: 1906 – 2005)(1)
Hòa thượng Ấn Thuận thế danh là Trương Lộc Cần, sinh ngày 12/3/1906 âm lịch, ở huyện Hải Ninh, tỉnh Chiết Giang, là con thứ hai trong một gia đình nông – thương nghiệp thuộc tầng lớp trung lưu. Thiếu thời, Hòa thượng bén duyên với Phật pháp nhờ đọc qua “Phùng Mộng Trinh” trong tựa của Trang Tử với lời ghi chú của Trang Văn Quách. Từ đó, động cơ thúc đẩy nghiên cứu Phật pháp đã thôi thúc Ngài tìm đến kinh sách Phật giáo và Trung Luận là điểm phát xuất làm lộ rõ nhiều khoảng cách giữa Phật pháp và thế gian pháp.Trải qua 4 đến 5 năm tư duy, nghiền ngẫm giáo lý, niềm tin Phật pháp đã nuôi dưỡng nhân lành xuất gia khi Ngài tròn 20 tuổi dưới sự hướng dẫn của Hòa thượng Dục Sơn (giới huynh của Đại sư Thái Hư) với pháp danh Ấn Thuận, pháp hiệu Thạnh Chánh. Đến 5 năm sau, Ngài được thọ Đại giới và năm 26 tuổi được vào học lớp Sơ cấp do Đại sư Thái Hư làm Viện trưởng. Sau đó, được phân công đến Cổ Sơn giảng dạy ở Phật học viện Dũng Tuyền và có cơ hội gặp được hai vị Trưởng lão Hư Vân, Từ Chu.
Lúc trẻ, Ngài học đạo ở Trung Quốc đại lục, từng đọc Tam tạng kinh điển Phật giáo hoàn chỉnh và coi trọng sự thuần khiết của Phật giáo. Những năm tháng đó, Ngài dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, đọc chương sớ của Tam luận tông, giảng Nhiếp Đại thừa luận, biên tập hoàn thành tác phẩm Duy thức học thám nguyên và có duyên lành cùng Đại sư Thái Hư, Pháp sư Pháp Tôn tranh luận nghĩa lý Thượng thừa được lấy từ tư tưởng của Bồ tát Long Thọ. Nhờ được chỉ dạy từ các bậc Tôn túc đồng phạm hạnh, Hòa thượng không còn chú ý đến tư tưởng của Lão Trang ở Trung Quốc. Sau thời gian Đại sư Thái Hư viên tịch (1947), Hòa thượng được bầu làm Tổng Biên tập Thái Hư Đại sư toàn tập, mời truyền giới, xuất bản sách Phật pháp khái luận, Thái Hư Đại sư niên phổ,…
Hòa thượng từ Trung Quốc đến Đài Loan trong cuộc nội chiến giữa Đảng Cộng sản và Đảng Dân tộc sau Thế chiến thứ hai. Nhân duyên Ngài hành đạo ở Đài Loan được ghi nhận vào năm 1952, sau khi tham dự phiên họp thứ hai của Hội hữu nghị Phật giáo thế giới với chức vụ Chủ tịch của Tạp chí Hải Triều Âm do Đại sư Thái Hư sáng lập năm 1920. Giữa những biến động xã hội, Phật giáo Đài Loan buổi đầu cũng có sự suy đồi, nhiều chùa, tự viện không được xem trọng, tập tục thờ cúng quỉ thần lại thịnh hành. Thêm vào đó, trình độ hiểu biết Phật giáo của nhân sinh chưa cao. Do đó, chỉ trong vòng một năm sau, Ngài cho sáng lập tinh xá Phước Nghiêm, xây dựng một trường chuyên học được nhiều pháp sư đến cộng trụ tu học như Ấn Hải, Diệu Phong, Long Căn, Chân Hoa, Huyễn Sinh, Chánh Tôn, Tu Nghiêm, Thông Diệu…
Không lâu sau, Hòa thượng cho trùng tu giảng đường Huệ Nhật, xây thêm Diệu Vân Lan Nhã, tinh xá Hoa Vũ làm cơ sở để vân tập đại chúng giảng dạy, trước tác, tịnh tâm. Trong đó, giảng đường Huệ Nhật có thể xem như là Tịnh Ðộ trong thành thị náo nhiệt, cũng là nơi dừng nghỉ của chư Tôn Túc từ các phương đến Phật sự tại thành phố Ðài Bắc.Tháng 6/1973 (66 tuổi), Ngài tiếp tục cho xuất bản tập Trung Quốc Thiền tông sử – một tập sách được Trường Ðại học Ðại Chánh Tokyo (Nhật Bản) cấp cho Hòa thượng Ấn Thuận bằng Tiến sĩ Văn học. Qua đó, Ngài được xem là vị Tăng đầu tiên đạt được học vị Tiến sĩ trong thời cận đại của Phật giáo Trung Quốc. Điều này không những mang lại vinh hoa cho giới Phật giáo mà còn mang lại vinh dự cho đất nước. 10 năm sau, Ngài cho ra đời tác phẩm dày hơn tám chục vạn chữ mang tên Sơ kỳ Đại thừa Phật giáo chi khởi nguyên dữ khai triển. Ðây là tác phẩm giá trị lịch sử, mang ý nghĩa học thuật uyên bác.
Thiền sư Chân Nguyên - Vị Thiền sư lừng danh thế kỷ 17
Trong thời gian hành đạo tại Đài Loan, Ngài còn tham gia hoằng pháp tại Singapore, Malaysia, Mỹ. Có lúc đến Nhật và Miến Ðiện tham dự các Hội Nghị Phật giáo. Dầu vậy, những đóng góp của Hòa thượng cho Phật giáo Đài Loan buổi đầu gặp rất nhiều trở ngại từ một số vị đương quyền trong Phật giáo cũng như Ðảng Quốc Dân khi họ cho rằng, tác phẩm Phật pháp Khái Luận ra đời nhằm tuyên truyền cho Ðảng Cộng sản nên đã công kích và dùng nhiều áp lực.
Kỳ thực, nội dung tác phẩm giới thiệu về Bắc-câu-lô-châu không gì lạ hơn là miêu tả cảnh sinh hoạt truyền thống thời Ấn Ðộ cổ và Phật giáo đối với Bắc-câu-lô-châu. Sau đó, tác phẩm được tu chỉnh lại, ít nhiều có thêm bớt, không như nguyên bản. Ðó là thời gian được xem như một đại nạn trong cuộc đời hoằng pháp của Pháp sư. Bù lại, điểm nổi bật trong tác phẩm cũng được xem là một thời sự nóng bỏng của Phật giáo Ðài Loan ở những thập niên thế kỷ XX. Qua đó, mọi nghi vấn về Ngài rồi cũng chỉ trả lời cho những mật hạnh sâu kín: “Sau khi xuất gia dành trọn đời nghiên cứu Phật học, không tham gia bất cứ chức vụ nào trong Giáo hội…” (2)Chính sự đức độ này đã cảm hóa những người công kích trước đây đa số trở lại hỗ trợ đắc lực rất nhiều cho Ngài trong công việc hoằng pháp.
Những năm cuối đời, Hòa thượng tập hợp những tác phẩm đã biên soạn và xuất bản thành Diệu Vân tập, những tác phẩm chưa được xuất bản thì kết lại thành năm quyển Hoa Vũ tập rồi cho xuất bản với tâm nguyện: báo đáp thâm ân Tam bảo. Năm 1994, Ngài lại xuất bản Bình phàm đích nhất sinh – quyển tự truyện thuật lại những nguyên nhân tu hành, nghiên cứu và hoằng pháp. Ngày 04/6/2005, Hòa thượng an nhiên xả báo thân. Từ những công hạnh sinh tiền, Hòa thượng phục vụ Đạo pháp, hậu thế xưng tán Ngài bằng nhiều danh hiệu như: Pháp sư, Đại sư, Đạo sư, Cao Tăng,…
Tóm lại, cuộc đời và đạo nghiệp của Pháp sư Ấn Thuận có thể được chia làm 4 giai đoạn: 1. Mười năm đầu (từ năm 1930 đến năm 1939) là thời kỳ học tập; 2. Mười hai năm tiếp theo là thời gian tư tưởng bộc phát, thuyết giảng và biên soạn tương đối nhiều; 3. Mười hai năm kế (1952 đến 1964) là thời gian phổ biến tư tưởng trong công việc giảng dạy cho thính chúng và xuất dương hoằng pháp nên biên soạn tương đối ít; 4. Từ năm 1965 đến 2005, tư tưởng tương đối thành thục, công việc biên soạn nghiêm mật hơn.
Cuộc đời tu học và hành đạo của Thiền sư Pháp Loa
2. Tư tưởng Phật học của Hòa thượng Ấn Thuận
Sự phát triển của Phật giáo Đài Loan thế kỷ XX đã đánh dấu một chặng đường dài giải quyết thời kỳ hỗn loạn của Phật giáo. Những thay đổi đó phải ghi nhận sự cống hiến lớn lao từ tư tưởng của các bậc cao Tăng. Trong đó, Hòa thượng Ấn Thuận đóng góp rất nhiều về chiều sâu lẫn chiều rộng cho sự học tập, hành trì giáo lý Phật tại Phật giáo Đài Loan. Đặc biệt, màu sắc của Phật giáo nhân gian đã nhấn mạnh tính hợp lý, tinh thần nhân văn, nhân đạo thiết thực. Có thể nói, tư tưởng Phật giáo nhân gian mở ra một đại lộ, một mô hình cho việc phát triển và thực hành Phật giáo Đài Loan. Điều này thật xứng đáng để ca ngợi một cách mạnh mẽ rằng: “Tư tưởng của Đạo sư Ấn Thuận đặt cơ sở ở sự thuần phác của Phật giáo căn bản, hoằng truyền hành giải của Phật giáo thời kỳ giữa, nhiếp thủ sự xác đáng của Phật giáo thời kỳ cuối, ngõ hầu đủ để phục hưng Phật giáo và thông suốt bổn hoài của Phật. Do đó không phải phục hồi cái cũ, chắc chắn cũng không phải sáng tạo cái mới, là chủ trương không trái với bản chất của Phật pháp, từ trong sự thích ứng với thực tế mà chấn hưng Phật pháp thuần chính”.(3)
Dĩ nhiên, Phật giáo tuy nói tồn tại trong nhân gian nhưng hoàn toàn không ngừng lại ở nhân gian mà lấy giải thoát làm mục đích tối hậu, nó không những có ý nghĩa đối với hiện tại, mà còn đối với tương lai. Chính vì thế, không có gì nghịch lý khi nói: Đặc tính của nhân gian lấy con người làm gốc, không tách rời nhân gian, sinh tồn trong nhân gian, phát triển ở nhân gian, đem lại lợi ích cho nhân gian, hoàn toàn không phải thuyết hư ngụy của quỷ thần. Nói đúng, nhân gian chỉ cho khái niệm của toàn thể thời gian biến đổi, không hạn cuộc ở bất cứ một thời đại nào khi nhân loại còn tồn tại trên trái đất. Phật giáo nhân gian tất nhiên cũng có nhu cầu tiến triển đồng bộ cùng thời đại, như những thực dưỡng làm lớn mạnh đời sống tâm linh mà nhân loại có thể thực hành, không phải tôn giáo đặt nặng hình thức siêu độ vong linh, ma quỷ, khiến cho phần đông xã hội hiểu lầm và xem thường. Đó cũng là lý do khiến Hòa thượng Ấn Thuận mở rộng phạm vi Phật giáo nhân gian với chủ trương không có sự phân biệt giữa tông phái hay văn hóa bản địa. Đồng thời, kế thừa truyền thống giảng dạy, giữ vững bổn hoài Đức Phật, uốn nắn ngay những thiên lệch giữa truyền thống và quá trình thực hiện canh tân. Với ý nghĩa đó, Hòa thượng đã đem Phật pháp từ những cõi trừu tượng vô hình sống lại giữa nhân gian như một sự bảo tồn năng lượng bởi các hạt giống thiện lành, không chạy theo huyễn tưởng xa vời hay những điều hứa hẹn mông lung. Dĩ nhiên, nó không dung chứa dáng vẻ một đạo giáo yếm thế tiêu cực, ăn bám, biếng nhác trốn chạy xã hội. Do đó, việc khắc phục những tồn động ở một bộ phận trong đoàn thể Phật giáo nhân gian, nhằm đem lại lợi ích, tăng cường mở rộng hướng tâm cho đa số tín đồ Phật giáo và những người có ấn tượng tốt về Phật giáo. Đây là khái niệm nghĩa rộng của Phật giáo nhân gian.(4)
Tăng sĩ Phật giáo Trung Hoa triều đại nhà Đường
Từ khái niệm trên cho thấy Phật giáo nhân gian không những bắt nguồn từ xã hội hiện thực mà có cội nguồn lịch sử: “Mười phương Như Lai đều chứng ngộ quả Phật ở nhân gian”. Đó cũng là điểm xuất phát để Lục tổ Huệ Năng đề cao: “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác” (Pháp Bảo Đàn Kinh). Nội dung cơ bản của Phật giáo nhân gian thể hiện qua ba yếu tố: Con người, Bồ tát và Phật. Nói cách khác, Phật giáo nhân gian theo hình thức Đại thừa là con đường thực hành Bồ tát đạo. Cho nên, không làm chướng ngại đạo đức của nhân gian mà đạo đức nhân gian chính là cơ sở để thực hành Bồ tát đạo. Do vậy, luôn đòi hỏi sự hướng dẫn khế lý, khế cơ nhưng vẫn tạo ra những điểm đặc sắc rõ nét. Trong đó, sự nhìn nhận đúng đắn về khả năng và bản chất con người đã tạo nên một nét ưu việt lớn trong quá trình tiếp biến và ứng dụng tri thức vào đời sống nhân loại, bao gồm cả khả năng loại trừ, thanh lọc tâm tính. Một thứ đặc sắc khác cũng được đề cập chính là duyên khởi tánh không, cụ thể là chúng sanh duyên khởi, con người duyên khởi hay phiền não duyên khởi – một sự phân tích, lý giải về sự sinh khởi, đoạn diệt phiền não của con người. Trong ý nghĩa đó, Hòa thượng nhấn mạnh: Phật là người giác ngộ hoàn toàn, chúng sanh còn bị vô minh che lấp, tính giác ngộ chưa hiển bày nên gọi là chúng sanh và Phật tánh là đức tánh của sự giác ngộ, là tánh đặc thù của con người, từ đặc tánh của con người mà trở thành Phật, con người có Phật tánh, cũng giống như cây có lửa, cọ vẹt liền sinh.
Bên cạnh đó, quan điểm “nhân thành tức Phật thành” cũng đề cao ý nghĩa: trước khi làm Phật phải làm tròn bổn phận và trách nhiệm con người. Nói khác, Phật từ vị trí con người mà thành Phật. Việc xác định, thiết lập niềm tin về sự giác ngộ của con người và Phật quả trên thế gian vô cùng quan trọng. Từ đó Hòa thượng quy tập nhiều giáo lý Phật về bản chất con người. Đây là “lý thuyết mà con người trở thành Phật”, hình thành một trong những quan điểm đặc sắc trong tư duy Phật giáo nhân gian(5). Có thể nói, trào lưu này đã dần trở thành tư tưởng chính thống trong cộng đồng Phật giáo Đài Loan dẫu cho phải đối mặt với một số khó khăn được đặt trên tọa độ thời gian, không gian chuyển biến của xã hội, thậm chí phải chịu sự chi phối, hiệu chỉnh lý thuyết, quan điểm tư tưởng của các trường phái tư tưởng khác nhau.
Hòa cùng Phật giáo nhân gian, Tịnh Độ là thế giới lý tưởng. Tùy vào sự khác biệt của căn tánh chúng sanh mà truyền ra các loại Tịnh Độ phù hợp, thích ứng với hoàn cảnh, văn hóa và tư tưởng đặc trưng. Nhiều câu hỏi được đặt ra trong thế giới Tịnh Độ hay Cực Lạc như: có hay không có Tịnh Độ? nếu như không có thì lấy đâu vãng sinh?… các loại thế giới có sự tốt xấu khác nhau không?(6) Tất cả đều được Hòa thượng lý giải trọn vẹn ở nhiều góc độ.
Trong đó, Ngài nhấn mạnh:
Tâm tịnh, chúng sanh tịnh,
Tâm tịnh, cõi nước tịnh,
Cửa Phật vô lượng nghĩa,
Đều lấy tịnh làm gốc.
Có thể trong một sự so sánh nào đó, nếu Thanh văn thừa xem trọng thân tâm của chúng sanh thanh tịnh thì Đại thừa không những mong cầu chúng sanh thanh tịnh còn muốn quốc độ thanh tịnh. Rõ ràng, Pháp sư Ấn Thuận làm nổi bật Tịnh Độ trong hai ý nghĩa: Tịnh trong Nguyên thủy lẫn Đại thừa. Ở đó, tư tưởng Tịnh Độ và Phật giáo Đại thừa thật sự có mối quan hệ mật thiết mà tín ngưỡng Tịnh Độ không thể bài bác. Vì thế, tách rời Tịnh Độ tức không có Đại thừa, Tịnh Độ khế hợp tư tưởng Đại thừa.
Cuộc sống của những tăng sĩ, ẩn sĩ tu trong rừng ở Đông Nam Á
Nhằm xóa bỏ không gian xa dần với sanh hoạt thực tiễn của người dân cũng như khôi phục lại một truyền thống tu tập không mang sắc thái tín ngưỡng, Hòa thượng đã làm một cuộc cách mạng tư tưởng với niềm hy vọng cảnh tỉnh và canh tân Phật giáo truyền thống Trung Quốc từ lập trường Trung Quán, đặt nền tảng trên Phật giáo căn bản và Phật giáo Đại thừa sơ kỳ, với một cái nhìn mới mẻ sâu rộng đối với Pháp môn Tịnh Độ, đã đưa ra nhiều đề nghị cải cách hợp lý.(7)
Dĩ nhiên, tất cả sự canh tân đó cũng đều xuất phát từ quan điểm: “Các Đức Phật đều là con người được sanh ra từ nhân gian, cũng từ nhân gian mà thành Phật.”(8) Trong ý nghĩa Tịnh Độ nhân gian ấy, vãng sanh là câu chuyện muôn thuở cần được nhìn nhận lại để con người trần gian có an lạc thực sự trong kiếp sống mà không phải một sự hứa hẹn hão huyền sau khi chết.
Ngoài ra, tư tưởng Thiền học của Ngài được phát triển không phải mang màu sắc truyền thống của các vị Tổ Thiền tông Trung Hoa. Điều này được thấy rõ qua tác phẩm Lịch sử Thiền tông Trung Quốc – cuốn sách lịch sử Thiền đầu tiên được viết bởi người Trung Quốc đương đại. Tác phẩm một mặt vừa trình bày sự phát triển của Thiền Ấn Độ sang Thiền Trung Quốc, mặt khác lại vừa cho thấy quá trình biến hóa Thiền Ấn Độ cho phù hợp với văn hóa bản địa. Điều này được tìm thấy trong lần Ngài chia sẻ với nghiên cứu sinh của Phật Quang Sơn: “Thái độ học tập Phật pháp của tôi chỉ tin tưởng vào Đức Phật, không tin tưởng ở bất cứ ai, cũng không nhất định phải tin tưởng bất cứ vị Tổ sư nào…”(9) Xem ra, sự nghiên cứu này cho thấy tư tưởng của Ngài không bị lệ thuộc vào nền Thiền học truyền thống mà những gì được Ngài đính chính như thể bù đắp cho những thiếu sót của nghiên cứu trước đây về lịch sử Thiền và đã đi đến một kết luận thuyết phục.
Thông qua những suy tư, trăn trở và những đóng góp cho Phật giáo tại 2 xứ Trung – Đài, có thể thấy Ấn Thuận Đại sư là một bậc thức giả chỉn chu trên nhiều phương diện: hoằng pháp, học thuật, trước tác… Ngài quả là một con người kiện toàn về nhân cách, giới phẩm còn là một hành giả mô phạm, khéo linh hoạt, xoay chuyển thời thế khi thiết lập tư tưởng Phật giáo nhân gian; Tịnh Độ và Thiền học. Ở đó, mọi quan điểm đều hướng tới lấy con người làm trung tâm để kiến tạo nên một trật tự tâm linh mới trong nền văn hóa toàn cầu. Dĩ nhiên, đó không phải là sự thay thế cái cũ bằng cái mới, không hạ thấp các tông phái, tôn giáo đương thời. Thay vào đó, giới thiệu một đạo Phật đầy minh triết, khoa học thực tiễn, vừa xiển dương nguyên lý sự sống cho đời, vừa bồi dưỡng ý thức mới cho nhân loại.
Thánh tích Nalanda, nơi giặc Hồi giáo sát hại hơn 3000 tăng sĩ Phật giáo cổ đại
3. Những đóng góp của Hòa thượng Ấn Thuận
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang tính cấp bách của chấn hưng Phật giáo là đào tạo Tăng tài. Song song đó, Hòa thượng còn đẩy mạnh công tác xây dựng Phật học viện Phước Nghiêm, Phật học viện Tân Trúc Ni chúng, giảng đường Tuệ Nhật ở Đài Bắc… Sau khi thành lập đã tạo điều kiện cho nhiều Pháp sư các nơi đến nghiên cứu giáo lý cùng các Tăng, Ni sinh tu học Phật pháp. Đồng thời, tạo điều kiện đầy đủ cả hai phương diện tinh thần và thể xác, hầu mong đào tạo ra nhiều thế hệ Tăng Ni tài đức.
Đặc biệt, Phật học viện đào tạo ba cấp với mục đích: Kế thừa kiến thức nền tảng của sơ cấp và cao cấp, tiến thêm một bước nữa về giáo lý và lịch sử cả về chiều sâu lẫn chiều rộng cũng như tạo tinh thần học thuật, nghiên cứu, kỹ năng ngôn ngữ… Mở ra tương lai cho Phật giáo với nhiều bậc Tăng tài có tầm nhìn sâu sắc, hạnh giải Tương ưng.(10) Đến nay đã nhiều thế hệ đi qua, những đệ tử nổi bật của Hòa thượng chắc hẳn rất nhiều nhưng điển hình phải kể đến các Ngài: Thích Hậu Học, Thích Hậu Cơ, Thích Hậu Tông, Thích Hậu Hành, Thích Chứng Nghiêm, Thích Huệ Du, Thích Huệ Lý, Thích Huệ Oánh,…
Riêng về lĩnh vực học thuật, trước tác, “Có lẽ giới nghiên cứu Phật học không ai lại không biết những công trình nghiên cứu của Hòa thượng. Ở đây có thể nói: Để hình dung những đóng góp cho sự phát triển Phật giáo Đài Loan nói riêng, cho Phật giáo thế giới nói chung. Nếu như pháp sư Huyền Trang là người có công chuyển dịch các tác phẩm A-tỳ-đàm của phái Thuyết nhất thiết hữu bộ (S: Sarvāsti-vādin, p: Sabbattivāda) từ tiếng Phạn sang tiếng Hán thì Hòa thượng là vị có công hệ thống hóa tư tưởng các bộ phái, thuyết minh quá trình hình thành và sự diễn biến các thánh điển Phật giáo Nguyên thủy cho đến Đại thừa… Những công trình nghiên cứu dù lớn hay nhỏ, tự tay viết hay bài nói chuyện đệ tử ghi lại đều có giá trị học thuật, mở ra phương hướng nghiên cứu mang tính hệ thống. Có thể xem những tác phẩm của Hòa thượng là sách giáo khoa ngành Phật học cho các trường Phật học Việt Nam.(11)
Tựu trung, suốt 67 năm (1938 – 2005) cống hiến cho lĩnh vực học thuật, Ngài đã để lại cho kho tàng Phật giáo nhiều công trình nghiên cứu có giá trị như: Tạp A-hàm Kinh Luận Hội Biên; Nguyên thủy thánh điển Phật giáo chi tập thành;… Ấn Độ Phật giáo tư tưởng sử… Là những tác phẩm mang tính kinh điển, mỗi ý tưởng đề cập và thảo luận đều có phần trích dẫn và chú thích xuất xứ từ kinh điển, người đọc có thể tra cứu, kiểm tra lại những gì mà Ngài đã đề cập.(12)
Thiền sư Pháp Thuận: Một tăng sĩ tiêu biểu thời Tiền Lê
Điều đáng nói, đạo nghiệp nghiên cứu, phiên dịch, viết lách của Ngài đều dựa trên quan điểm Nhân thừa Phật giáo trước rồi mới đến Bồ tát thừa và Phật thừa. Dĩ nhiên, Hòa thượng rất công tâm để ghi nhận về giáo lý Tiểu thừa trong những bước phát triển đầu tiên của Phật giáo. Ngài nghiên cứu giáo lý Đức Phật không đứng trên quan niệm của triết học phương Đông hay triết học phương Tây mà lấy lời Phật dạy làm quy chuẩn. Đặc biệt, không đứng trên tinh thần của giáo nghĩa Đại thừa chê bai Tiểu thừa, cũng chẳng đứng trên lập trường tánh không của Long Thọ mà chê bai những bộ phái khác.
Cho đến nay những tác phẩm của Hòa thượng biên soạn, được sưu tập và sắp xếp lại thành: Diệu Vân tập, Hoa Vũ tập, và các tác phẩm khác… Tất cả đều được xem là di sản tinh anh quý giá cho Phật giáo. Ngài, quả đã đem lại luồng sinh khí mới, tạo nguồn cảm hứng cho việc xây dựng Phật giáo Đài Loan trong thời cận – hiện đại. Sức ảnh hưởng của Hòa thượng được nhà nước Đài Loan đón nhận, vinh danh khi chuyển đổi tên cầu Nam Tung thành cầu Ấn Thuận với ý nghĩa đặc biệt trong Phật giáo: vừa giúp mọi người thoát khỏi dòng sông sanh tử, thực hành Phật pháp xóa bỏ lòng tham và tăng trí tuệ, vừa có những đặc điểm kiên trì, như trong pháp Lục độ. Như vậy, Hòa thượng đã góp phần xây dựng Phật giáo Đài Loan ngày càng phát triển, trang nghiêm trên nhiều phương diện, nhất là vị thế của Giáo hội Phật giáo Đài Loan được khẳng định, thế giới biết đến Phật giáo Đài Loan ngày càng rõ nét. Đây là sự thể hiện hoàn bị công trình mà Ngài đã kế thừa từ Thái Hư đại sư, hoàn bị trong tư cách: “vừa là một nhà tu hành, một nhà nghiên cứu Phật học nổi tiếng và là một danh Tăng trong thời cận hiện đại của Phật giáo Trung Quốc. Ngoài việc ứng dụng phương pháp nghiên cứu khoa học, còn dùng nhãn quan của người trong cuộc, kinh nghiệm của hành giả tu hành, và là đệ tử của Đức Thế Tôn để nhìn và giải quyết vấn đề đúng với Chánh pháp.”(13) Và chắc chắn sẽ không quá lời khi được vượt rào biên giới đón tiếp sự giáo huấn từ trong lời dạy của Ngài. Vì đâu đó: “Tư tưởng của Đạo sư, trước mắt chỉ là dòng chảy ngầm tiềm ẩn, trong tương lai chắc chắn là dòng nước lũ ảnh hưởng chung đến tư trào Phật giáo”.(14)
Lý giải về nguồn gốc bệnh tật của loài người của tăng sĩ
Kết luận
Cuộc đời và đạo nghiệp của Pháp sư Ấn Thuận là một trang sử dài nối liền 2 thế kỷ. Tuy thừa hưởng ý tưởng của Đại sư Thái Hư nhưng không rầm rộ mà tiến hơn một bước, không xem trọng Phật giáo ủy mị mà đi sâu vào thực tế và hơn nữa đã lấy Phật giáo xuất phát từ kinh điển thuần túy, đơn giản, đem lòng vị tha thực hành hạnh Bồ tát, chấn chỉnh tư tưởng quỷ hóa, thần hóa, tán dương Phật giáo Ấn Độ thời kỳ đầu, vận dụng Phật pháp thích nghi với thời đại.
Xem đó, Hòa thượng không chỉ là bậc tu hành đức độ cao dày mà còn tinh thông tam tạng kinh điển, lấy việc nghiên cứu giảng pháp làm đạo nghiệp, có những tư tưởng ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều giới tri thức và Phật giáo Đài Loan, làm mô phạm cho tòng lâm, thạch trụ với nhiều tác phẩm nổi tiếng. Có thể nói, sự bừng dậy tư tưởng của Ngài đã tạo một làn sóng di truyền đưa Phật pháp đến nhiều ngõ ngách tưởng chừng nan giải, nhờ đó tạo ra một phong trào rộng lớn bài trừ mê tín dị đoan trong toàn quốc. Ngoài ra, Ngài còn tạo ra một sức ảnh hưởng rất lớn khi chắt lọc giá trị tinh túy và tháo gỡ tập tục cổ hủ truyền thống trong nền văn minh phương Đông trên cơ sở làm mới đạo Phật nguyên chất xây dựng một Phật giáo Đài Loan hưng thịnh.
Tóm lại, Hòa thượng Ấn Thuận là người có kiến thức bao quát trong nhiều lĩnh vực trong Phật giáo: Từ Phật giáo Ấn Độ đến Phật giáo Tây Tạng, Phật giáo Trung Quốc, từ các tông Thiền – Tịnh – Mật đến các học thuyết Trung Quán, Duy Thức, Du Già; từ quan niệm về tôn giáo, Phật pháp ở nhân gian đến tín ngưỡng có tính vụn vặt của Phật giáo Trung Quốc;… thậm chí những thiếu hụt của Phật giáo Đài Loan. Tựu trung, đây là một nhân cách cao thượng mà các học giả, hành giả, giới tri thức và các nhà nghiên cứu Phật học đáng quan tâm nghiên cứu và học hỏi.
Tăng sĩ có quyền khởi kiện người khác ra tòa hay không?
Chú thích:
- Hòa thượng Ấn Thuận, Thích Hạnh Bình dịch (2014), Phật giáo và cuộc sống, NXB. Phương Đông, Lời giới thiệu.
- Hòa thượng Ấn Thuận, Thích Hạnh Bình dịch (2014), Phật giáo và cuộc sống, NXB. Phương Đông, Lời giới thiệu.
- Huỳnh Tắc Huân biên tập, Nhựt Chiếu dịch, Ngữ lục của Đại sư Ấn Thuận, NXB. Phương Đông, 2009, tr.11.
- Đặng Tử Mỹ (2016), 人間佛教的概念新闡 – 以星雲大師近年之相關論述為主要依據 (trích dịch ý), tr. 369. Tham khảo tại: http://buddhism.lib.ntu.edu.tw/FULLTEXT/JR-MAG/mag576461.pdf
- Chu Quý Hoa (2016), thâm độ giải độc: Ấn Thuận Pháp sư đích “Nhân gian Phật giáo” tư tưởng đích đặc chất (深度解讀:印順法師的 “人間佛教” 思想的特質) (trích dịch ý).Tham khảo tại:https://fo.ifeng. com /a/ 20161108/ 44488034_0.shtml.
- Hòa thượng Ấn Thuận (1998), 印順法師佛學著作集”華雨集第一冊”, (Lệ Trí trích dịch ý), Sách điện tử, tr. 359 – 360.
- Hòa thượng Ấn Thuận, Thích Quán Tạng tập chú, Thích Pháp Chánh dịch (2018), Tịnh Độ tân luận, tr. 5 – 8.
- Thích Minh Châu dịch (2015), Kinh A-hàm, NXB. Tôn giáo, Hà Nội.
- Hòa thượng Ấn Thuận, Thích Hạnh Bình cùng các học viên dịch (2016), Lịch sử Thiền tông Trung Quốc, NXB. Phương Đông, tr. 17.
- Hòa thượng Ấn Thuận, 教育宗旨與學制 – 福嚴佛學院. Tham khảo tại: https://www.fuyan.org.tw/fuyan_c.php
- Hòa thượng Ấn Thuận, Thích Phước Sơn và Thích Hạnh Bình dịch (2011), Lịch sử biên tập Thánh điển Phật giáo Nguyên thủy, NXB. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, tr. 9 – 10.
- Hòa thượng Ấn Thuận, Thích Hạnh Bình dịch (2014), Phật giáo và cuộc sống, NXB. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, tr. 11.
- Hòa thượng Ấn Thuận, Thích Quảng Đại dịch, NXB. Hồng Đức (2018), Lịch sử tư tưởng Phật giáo Ấn Độ, NXB. Hồng Đức, Lời giới thiệu.
- Huỳnh Tắc Huân biên tập, Nhựt Chiếu dịch (2009), Ngữ lục của Đại sư Ấn Thuận, NXB. Phương Đông, tr. 366.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
HT.Thích Chơn Kim - đời khí phách, tu nghiêm mật
Tăng sĩ 09:47 19/12/2024HT.Thích Chơn Kim thế danh Nguyễn Phúc Liên Phú, Pháp danh Tâm Phú, đời thứ 43 dòng Lâm Tế, xuất thân từ dòng họ Nguyễn ở Gia miêu ngoại trang tỉnh Thanh Hóa. Tiên tổ là ngài Nguyễn Kim bậc đại thần đã tận trung phục hưng lại nhà Hậu Lê là Lê Trung Hưng; tiếp theo là chúa Nguyễn Hoàng cùng 8 đời chúa kế sau đã trấn giữ và mở mang bờ cõi đến tận phương Nam.
Lễ giỗ Tổ sư Minh Hải Pháp Bảo tại tổ đình Chúc Thánh
Tăng sĩ 13:45 07/12/2024Chư tôn đức Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh sáng 6/12 đã cử hành khóa lễ cung tiến Giác linh Tổ sư Minh Hải Pháp Bảo và lịch đại Tổ sư, tại tổ đình Chúc Thánh (P.Tân An, TP.Hội An, Quảng Nam).
Thà chết chứ nhất định không phá giới
Tăng sĩ 19:30 27/11/2024“Nếu chết thì xin được chết, chứ không thể phá bỏ giới luật”.
Vài nét về tiểu sử Hòa thượng Giới Đức (Minh Đức Triều Tâm Ảnh)
Tăng sĩ 11:21 27/11/2024Hòa thượng Giới Đức có thế danh Nguyễn Duy Kha, sinh ngày 19 tháng 7 năm 1944 tại Dạ Lê thượng, huyện Hương Thuỷ, Thừa Thiên Huế. Thân sinh Hòa thượng Giới Đức là cụ ông Nguyễn Duy Hoan và mẹ là cụ bà Nguyễn Thị Sừng.
Xem thêm