Hòa thượng Giác Toàn nói về "Niềm tin và trí tuệ"

Phật giáo xây dựng cuộc sống an lạc, hạnh phúc bằng trí tuệ, chứ không phải bằng niềm tin suông. Niềm tin đối với Phật giáo chỉ là phương tiện bước đầu, trong tiến trình đi đến giác ngộ. Cốt tuỷ của đạo Phật là “Duy tuệ thị nghiệp”, lấy trí tuệ là sự nghiệp tu tập mới thân chứng được quả vị giải thoát.

1. Kho báu niềm tin

Niềm tin là chất liệu cần thiết cho sự sống. Người thiếu niềm tin chân chính sẽ sống một cuộc đời vô vị, không có ý nghĩa và giá trị thiết thực để đóng góp lợi ích cho gia đình và xã hội.

Niềm tin của người Phật tử là gì? Đó là Tam bảo - ba ngôi quý báu hiếm thấy, khó gặp ở đời: tin Phật, tin Pháp, tin Tăng, tin Giới và sâu thẳm hơn nữa là tin rằng, mình có Bồ-đề tâm và tin rằng hết thảy chúng sanh đều có khả năng thành Phật. Đó là niềm tin chân chánh của người đệ tử Phật.

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tín là căn nguyên của đạo, là mẹ của mọi công đức, nuôi lớn hết thảy thiện pháp, đoạn trừ lưới nghi, đưa vượt qua dòng nước ái dục, khai thị con đường tối thượng dẫn đến Niết-bàn”. Vì vậy, niềm tin đó không gì khác hơn là tin vào chính mình, tin vào định luật Nhân quả, tin giáo lý Duyên khởi, tin vào giáo lý Tứ diệu đế.

Tin Nhân quả cũng là tin vào chính mình. Tin rằng khổ đau hay hạnh phúc là do chính mình tạo ra bằng những hành động, nói năng và suy nghĩ thiện hay bất thiện. Điều này, trong Tăng Chi Bộ kinh, Đức Phật dạy: “Con người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp…”.

Ánh sáng niềm tin. Ảnh minh họa

Ánh sáng niềm tin. Ảnh minh họa

Tin giáo lý Duyên khởi là do hiểu mà tin. Hiểu rằng mọi sự mọi vật trong vũ trụ vạn hữu đều nương vào nhau mà sanh khởi, tồn tại và hoại diệt. “Do cái này sanh nên cái kia sanh, do cái này diệt nên cái kia diệt”, vũ trụ vạn hữu đã tương tác lẫn nhau để đưa chúng ta ra đời.

Sự thật hay chân lý của cuộc đời luôn luôn tồn tại theo hai cặp phạm trù: khổ-nguyên nhân của khổ và hạnh phúc-phương pháp đạt được hạnh phúc. Điều này, Đức Phật đã dạy rõ trong Tứ diệu đế, bao gồm: Khổ đế (cuộc đời là biển khổ), Tập đế (nguyên nhân của nỗi khổ niềm đau), Diệt đế (sự chứng nghiệm an lạc và giải thoát khỏi mọi khổ đau) và Đạo đế (con đường đưa đến diệt tận khổ đau).

Hơn 2000 năm trước, Đức Thế Tôn thành đạo dưới cội Bồ-đề đã từng tuyên bố rằng “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Người Phật tử phải tin vào lời dạy ấy, phải tinh tấn nỗ lực tu tập, chuyển hóa tâm thức phàm phu dần trở nên thánh thiện để từng bước tiến dần đến quả vị Phật, bởi vì “chúng sanh vốn là Phật, dẫu cũng vốn có vô minh, nếu chúng sanh không vốn là Phật, thì tu hành cũng không thành Phật” (Kinh Viên Giác).

Lại nữa, niềm tin chân chánh phát sinh trong 4 trường hợp:

a. Niềm tin phát khởi do hiện kiến: Hiện kiến là gì? Tức là những lời dạy của Đức Phật thông qua Tam tạng thánh điển.

b. Niềm tin có từ sự suy nghiệm: Niềm tin phát sinh bằng sự suy nghiệm, tức là từ sự biết học hỏi và từ sự biết lắng nghe. Biết lắng nghe rồi, lại phải biết chiêm nghiệm và sau khi chiêm nghiệm rồi, lại phải biết áp dụng vào trong đời sống.

c. Niềm tin phát sinh từ sự thực nghiệm: Nghe, chiêm nghiệm xong chưa đủ, phải đem những điều mà mình suy nghiệm ấy áp dụng vào đời sống của mình mới có thể hóa giải được phiền não, khổ đau.

d. Niềm tin phát sinh từ lời nói của các bậc Thánh trí: Là người phàm tục, mình đâu có biết vô thường là gì nên mọi việc mình đều cho là thường hết. Phật dạy: “Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy, tứ đại khổ không, ngũ ấm vô ngã, sanh diệt biến dị, hư ngụy vô chủ, tâm thị ác nguyên, hình vi tội tẩu, như thị quán sát, tiệm ly sanh tử.” (Điều giác ngộ thứ nhất trong kinh Bát đại Nhân giác). Mình tin và nương vào lời dạy ấy để nỗ lực tu tập và hành trì, khởi tâm buông xả, tâm không bám thủ vào bất cứ cái gì, nhờ đó mình có được hạnh phúc, an lạc.

“Phật pháp như biển cả, phải có lòng tin mới vào được”. (Luận Đại trí độ)

Lòng tin lại có 2 món: một là từ nghe mà sanh, hai là từ nghi mà sanh. Những người từ nghe sanh mà chẳng từ nghi sanh, thì gọi là lòng tin chẳng đầy dủ. Còn có 2 món nữa: một là tin có Ðạo, hai là tin có chứng Ðạo. Lòng tin người nào chỉ tin có Ðạo mà chẳng tin có các nguời chứng Ðạo, ấy gọi là lòng tin chẳng dầy đủ. (Kinh Niết Bàn)

2. Kho báu trí tuệ

Phật giáo xây dựng cuộc sống an lạc, hạnh phúc bằng trí tuệ, chứ không phải bằng niềm tin suông. Niềm tin đối với Phật giáo chỉ là phương tiện bước đầu, trong tiến trình đi đến giác ngộ. Cốt tuỷ của đạo Phật là “Duy tuệ thị nghiệp”, lấy trí tuệ là sự nghiệp tu tập mới thân chứng được quả vị giải thoát.

Trước hết, các Phật tử cần phải hiểu về căn bản của trí tuệ ngang qua lời dạy của Đức Phật trong kinh tạng Nikaya: “Như thế nào được gọi là Trí tuệ? Vì có tuệ tri.  Vì có tuệ tri, nên được gọi là Trí tuệ. Có Tuệ tri gì? Có Tuệ tri: đây là Khổ; có Tuệ tri: đây là khổ Tập; có Tuệ tri: đây là khổ Diệt, có Tuệ tri: đây là con đường đi đến khổ diệt. Vì có tuệ tri, có tuệ tri nên được gọi là Trí tuệ (kinh Trung Bộ, I-43). Như vậy, người có trí tuệ là  người biết tuệ tri (cái biết như thật về khổ, nguyên nhân của khổ, sự diệt tận khổ và con đường đưa đến sự diệt tận khổ đau).

Đức Phật đã giải thích, nêu rõ định nghĩa và vai trò của trí tuệ một cách rõ ràng hơn thông qua kinh Pháp cú, số 277, 278, 279:

“Tất cả hành vô thường

Với Tuệ, quán thấy vậy

Đau khổ được nhàm chán :

Chính con đường thanh tịnh”.

“Tất cả hành khổ đau

Với Tuệ, quán thấy vậy,

Đau khổ được nhàm chán ;

Chính con đường thanh tịnh”.

“Tất cả pháp vô ngã,

Với Tuệ quán thấy vậy,

Đau khổ được nhàm chán

Chính con đường thanh tịnh”

Mặt khác, trong kinh Tăng Chi, chương Ba, phẩm Người Ngu, Đức Phật đã chỉ ra chỉ rõ đặc tính hay nói cách khác là dấu hiệu, tướng trạng, ấn tích nhận biết bậc hiền trí: “Có những pháp này, này các Tỷ-kheo, là đặc tính của người hiền trí, là tướng trạng của người hiền trí, là ấn tích của người hiền trí. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người hiền trí suy nghĩ thiện, nói thiện và làm thiện. Nếu người hiền trí này, này các Tỷ-kheo, không suy nghĩ thiện, không nói thiện và không làm thiện, thời lấy gì người hiền trí biết được: “Người này là người hiền trí, bậc chân nhân”? Vì rằng, này các Tỷ-kheo người hiền trí suy nghĩ thiện, nói thiện và làm thiện, nên các người hiền trí biết được: “Người này là người hiền trí, là bậc chân nhân”. Có những pháp này, này các Tỷ-kheo, là đặc tánh của người hiền trí, là tướng trạng của người hiền trí, là ấn tích của người hiền trí”.

Cũng theo ý nghĩa trong bài kinh này này, Đức Phật dạy thêm: “Phàm có sợ hãi nào khởi lên, này các Tỷ-kheo, tất cả sự sợ hãi đó khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí. Phàm có những nguy hiểm nào khởi lên, tất cả những nguy hiểm ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí. Phàm có những tai họa nào khởi lên, tất cả những tai họa ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí... Như vậy người ngu có sợ hãi, người trí không sợ hãi, người ngu có nguy hiểm, người trí không có nguy hiểm, người ngu có tai họa, người trí không có tai họa. Này các Tỷ-kheo, không có sợ hãi đến với người trí, không có nguy hiểm đến với người trí, không có tai họa đến với người trí”. Thật là một sự xác chứng quá rõ rệt về sự sai biệt giữa người ngu và người hiền trí, dưới cái nhìn của một bậc đã giác ngộ hoàn toàn.

Trong kinh Di giáo, Đức Phật đã chỉ ra dấu hiệu nhận biết người có trí tuệ như sau: “Này các Tỷ-kheo, nếu người có trí tuệ thì không có tham trước, thường tự tỉnh giác, không để sinh ra tội lỗi. Thế là trong pháp của ta có thể được sự giải thoát...

Người có trí tuệ chân thật, ấy là chiếc thuyền chắc vượt qua biển già, bệnh, chết; cũng là ngọn đèn chiếu sáng cảnh tối tăm mờ ám; là các món thuốc hay trị các thứ bệnhl là lưỡi búa bén chặt đứt cây phiền não.

Thế nên các ông phải dùng tuệ: Văn, Tư, Tu mà tự làm cho thêm phần lợi ích. Nếu người có trí tuệ chiếu soi, dù cho nhục nhãn thì cũng là người thấy được rõ ràng”.

3. Đặt niềm tin trên nền tảng trí tuệ

“Người có lòng tin mà không hiểu giáo lý thì dễ tăng trưởng vô minh mờ ám, người hiểu giáo lý mà không lòng tin thì dễ tăng trưởng tà kiến. Cho nên lòng tin và hiểu biết phải cùng đủ mới làm cội gốc tu hành”. (Kinh Niết Bàn)

Niềm tin chân chính, hướng thượng là niềm tin đi cùng trí tuệ, hướng con người đến chân lý và những giá trị cao thượng (lợi mình lợi người, đời sống có ý nghĩa, an lạc hạnh phúc ngay trong hiện tại và tương lai)

Niềm tin còn là năng lực tối thắng cho sự nghiệp giải thoát. Niềm tin không những giúp hành giả bước đầu học Phật có niềm tin để vững bước vào đạo, mà cũng giúp hành khai mở tuệ căn, tiến tu giải thoát. Phật dạy trong kinh Pháp cú, số 38:

“Ai tâm không an trú,

Không biết chân diệu pháp,

Tịnh tín bị rúng động

Trí tuệ không viên thành”.

Để xác minh về ý nghĩa này, trong kinh Kalama thuộc Tăng Chi Bộ kinh, bản kinh nổi tiếng được trích dẫn nhiều nhất khi nói những niềm tin không hợp lý của người dân Ấn Độ lúc bấy giờ. Và Đức Phật đã dạy rõ điều này như sau:

Này các người Kalama, đừng tin vì nghe nói lại, đừng tin vì theo phong tục, đừng tin vì nghe tin đồn, đừng tin vì kinh điển truyền tụng, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì công thức, đừng tin vì có suy tư đầy đủ về những dữ kiện, đừng tin vì có thẩm sát và chấp nhận lý thuyết, đừng tin vì thấy thích hợp, đừng tin vì Sa-môn là thầy mình. Nhưng này các người Kalama, khi nào các người tự biết rõ: Các pháp này là thiện,các pháp này là không đáng chê, các pháp này được người trí khen ngợi, các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận thì dẫn đến hạnh phúc an vui, thời này các người Kalama, các người hãy đạt đến và an trú.”

Tóm lại

1. Trong kinh Ví dụ tấm vải (thuộc Trung Bộ kinh), đã đề cập đến sáu giá trị quan trọng của lời Phật dạy, vượt lên trên giá trị nhất thời của các tôn giáo và học thuyết. Bằng niềm tin và trí tuệ người Phật tử hãy nhận chân được giá trị siêu việt của Phật pháp thông qua lời dạy của Ngài: Đây là Pháp của Thế Tôn được: 1) Khéo giảng giải. 2) Thiết thực hiện tại. 3) Không có thời gian. 4) Đến để mà thấy. 5) Có khả năng hướng thượng. 6) Được người có trí chứng hiểu .

2. Tin Phật mà không hiểu và thực hành lời dạy của Đức Phật sẽ trở thành hủy báng Ngài: Niềm tin được xây dựng với tâm tà kiến là sự nhận thức không đúng, đó là sự xuyên tạc, không phải là tán thán Như Lai. Đây chính là ý nghĩa câu ‘Tin ta mà không hiểu ta là hủy báng ta’, nhưng đối với “Ai thấy Duyên khởi là thấy Pháp. Ai thấy Pháp là thấy Ta”.

“Này các Tỷ kheo, có hai hạng người xuyên tạc Như lai. Thế nào là hai? Người độc ác với tâm đầy sân hận hay người có lòng tin với tà kiến. Đây là hai hạng người xuyên tạc Như Lai”. (Kinh Tăng Chi, tập 1, chương 2, phẩm Người ngu).

Theo Đạo Phật Khất sĩ

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Được làm học trò của thầy là một duyên lành hy hữu

Xiển dương Đạo pháp 16:32 22/12/2024

Dù tuổi hạc đã gầy cùng nhật nguyệt nhưng tâm của thầy vẫn sáng ngời cả núi rừng Huyền Không.

Thần lực của lời di chúc

Xiển dương Đạo pháp 12:15 20/12/2024

Đời người trăm năm, không gì ngoài sinh tử. Sinh thì lo sinh kế, Tử thì lo hậu sự lúc ra đi.

Tăng Ni sinh, Phật tử Việt Nam trùng tụng kinh Pháp Hoa tại núi Linh Thứu

Xiển dương Đạo pháp 09:51 01/12/2024

Đại đức Pháp Như - học Tăng tại Ấn Độ là người tổ chức hoạt động trùng tụng kinh Pháp Hoa tại núi Linh Thứu. "Đây là năm thứ 8 tôi tổ chức hoạt động này", Đại đức Pháp Như cho biết.

Khất thực trong làng Thénac

Xiển dương Đạo pháp 15:14 21/11/2024

Thầy Trời Đức Định là người Pháp, xuất gia năm 2016 trong gia đình cây Mai Vàng. Hiện thầy đang sống và thực tập tại trung tâm Suối Tuệ, Paris. Bài viết được BBT Làng Mai chuyển ngữ từ tiếng Anh, Phatgiao.org.vn đăng lại.

Xem thêm