TT.Thích Trí Chơn: "Trong tu tập phải tìm thấy niềm vui"
Trong những ngày vừa qua, tại chùa Vạn Phúc (xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã diễn ra khóa tu xuất sĩ có chủ đề “Xuân trong cửa thiền”.
Gần 100 Tăng Ni giảng sinh lớp Đào tạo Giảng sư khu vực phía Bắc khóa II tham dự khóa tu. Ngày 11/3, ngày tu tập thứ 5, cũng là ngày tu cuối cùng trong khóa tu này, khóa sinh đã được nghe thời pháp ý nghĩa từ TT.Thích Trí Chơn, Ủy viên HĐTS, Phó Ban Hoằng pháp Trung ương.
Trước đó, trong buổi sáng, đại chúng có những giây phút an trú trong thiền hành, trang nghiêm trong những thời khóa tọa thiền, tụng kinh, niệm Phật...

Tại buổi giảng, Thượng tọa Trí Chơn đã nhắc lại một số khóa tu dành cho Tăng Ni đã được tổ chức tại Việt Nam. Trong đó nổi bật trong suốt 10 năm qua là khóa huân tu 10 ngày từ ngày 1/11 (ngày giỗ của Đức Đệ nhất Pháp chủ) tới ngày 10/11 (ngày giỗ của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông) tại TP.HCM, do Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Đức Đệ tứ Pháp chủ GHPGVN tổ chức.
"Hay khóa tu kiết Đông “Thất nhật giáo Giới” trong một tuần tại Kiên Giang và khóa huân tu vào tháng 10 năm 2024 vừa qua do Văn phòng 2 của GHPGVN tổ chức cho bộ phận văn phòng của 34 Giáo hội tỉnh, thành phố. Riêng tại thủ đô Hà Nội, đây đã là khóa tu thứ hai dành cho Tăng Ni", Thượng tọa giảng sư nói.
Theo Thượng tọa, ý nghĩa mà khóa tu này mang lại cho Tăng Ni đó là nhằm nuôi dưỡng tâm Bồ-đề, giúp Tăng Ni có cơ hội làm mới lại chính mình, quán chiếu tự thân xem mình đã làm được thành quả gì trên bước đường tu tập.
Đây cũng là thời gian quý báu để mọi người được ngồi lại bên nhau, chung sống an lạc, học hỏi những kinh nghiệm tu học của chư tôn đức và của các huynh đệ.
Thượng Tọa nhắc lại lời dạy của Tổ Quy Sơn: “Tích niên hành xứ, thốn bộ bất di”. Câu này mang hàm ý mỗi ngày, người tu sĩ cần nhìn lại điểm khởi hành của bản thân, từ lúc cạo đầu, tập sự, thọ giới Sa-di và cho đến ngày hôm nay đã có những đổi thay tích cực ra sao, từ đó phấn đấu để mỗi ngày tu tập đều có thành tựu hơn.
Hơn nữa, Thượng tọa cũng nhấn mạnh trong quá trình tu tập, mình phải tìm thấy niềm vui nơi bạn, nơi Thầy, nơi chính bản thân mình. Đặc biệt, với những câu kinh tiếng kệ phải có sự chiêm nghiệm, thực tập qua mỗi ngày thì sẽ thấy cái mới và tìm được niềm vui trong đó.
Trong bài giảng, Thượng tọa cũng đã chia sẻ với Tăng Ni về cách thức tu tập sao để mang lại lợi lạc. Trong đó bước đầu tiên là nhìn lại chính mình, tu tập với chính mình. Tu tập trong công phu hành trì lễ bái, thời khóa nhưng phải thấm trong tâm Bồ-đề của mình. Từ đây tỏa ra lời nói, hành động, tư duy giúp cho tâm trong vắt sáng ngời.
"Cho nên người tu luôn phải học giới luật, oai nghi vì “Trú chỉ oai nghi, tiện thị tăng trung pháp khí”".
Thượng tọa nhấn mạnh: “Oai nghi chính là pháp khí Đại thừa. Oai nghi phải toát ra được dù ánh mắt, nụ cười, quét sân, rửa bát đều là giáo pháp. Oai nghi rất quan trọng”.
Nói về Giới luật, Thượng tọa khẳng định giới luật là nền tảng, thiền là chính niệm. Ngay khi thấy được chính niệm trong mỗi hành sự, bước chân đi hay từng việc làm thì ngay nơi đó có “Giới luật”, ngay nơi đó đã có “Thiền”.

Thượng tọa Phó ban Hoằng pháp Trung ương nhắn nhủ: “Mình là pháp khí của Phật Tăng, là biểu tượng, tinh anh của đạo Phật, của đạo đức, của “xuất trần đạo sĩ” nên mình phải chấp nhận trước những sự khắt khe và luôn phải tỉnh thức, chính niệm và giữ được oai nghi ấy trong mọi việc làm, hành động để không làm sụt giảm niềm tin của quần chúng”.
Dưới góc nhìn của Thượng tọa Giảng sư, trong bối cảnh xu thế của thời đại tri thức, thời đại học vấn, tìm kiếm thông tin, chư Tăng Ni cần phải hội nhập.
Theo đó, tu là phải học để hiểu, biết, để tu tập và để thay đổi nhận thức. Cái thấy ở bên ngoài là cái mưu cầu. Học chỉ là kiến thức và kiến thức cũng là học. Tăng Ni học Phật cũng là kiến thức. Nhưng kiến thức không hết được tham - sân - si. Phải chuyển “thức” thành “tuệ” để mở rộng kiến thức, nâng tầm hiểu biết và có “Bi” ở trong đó. Tuệ có bi, trí trong đạo Phật có bi. Có bi thì giảm trừ được tham - sân - si.
"Bi được hiểu là tình thương. Mình thương mình, thương huynh đệ, Thầy Tổ, Giáo hội, cao Tăng thánh Tăng và thương Đức Phật, thương tín thí đàn na. Mình chỉ thật sự thương Đức Phật thì tâm Bồ-đề mới vững chãi, không lay chuyển và tâm Phật thể nhập với chính mình. Vì thương Phật mà mình nói điều Phật nói, làm việc Phật làm và nghĩ điều Phật nghĩ. Chắn chắn khó đạt nhưng hãy cố nuôi dưỡng, thực tập để đạt điều đó. Chính những tình thương này giúp mình nâng cao được sứ mệnh, không cho phép bản thân được khiếm khuyết để không làm tổn thương những người mình thương", Thượng tọa tha thiết.
Qua đó, Thượng tọa nhắc nhở: “Muốn vậy, mình cần có nghị lực, nguyện lực để có ý chí và nuôi dưỡng lý tưởng tạo ra đạo lực. Từ đạo lực tạo ra phong thái, là đạo phong. Cho nên đạo lực rất quan trọng”.
Thượng tọa cũng đã nói đến tinh thần “tri ân” và “báo ân”. Mỗi Tăng Ni cần nhận thức rõ mình chính là sự tiếp nối của Thầy Tổ, của các vị Thánh Tăng, của Đức Phật nên mình là hiện thân và tiếp nối của sự giác ngộ. Hãy khắc thật sâu sự biết ơn và báo ơn ấy trong trái tim và khối óc của mình. Người biết sống tri ơn, báo ơn sẽ có cuộc sống rất hạnh phúc và bình an.
Qua những tấm gương chư vị Pháp Chủ GHPGVN và chư vị Tổ sư qua các thời kỳ, Thượng tọa nhấn mạnh: “Nhờ có các Ngài mà hệ thống Phật giáo được thiết lập và phát triển đến ngày nay, để các Tăng Ni có trường lớp đào tạo, tu học. Đó là những giá trị tâm linh cao quý mà các Tăng Ni là người tiếp nối hoằng truyền”.
Vì vậy, mỗi Tăng Ni phải tự tạo điều kiện và xác định vai trò tu sĩ của chính mình. Có một chí nguyện, Bồ-đề tâm để tu tập, được tiếp nối chính truyền, đây chính là gia bảo của Đức Thế Tôn, là tài sản lớn.
"Hãy tin Đức Phật bổ xứ, tin vào đạo lực của mình và sứ mệnh được truyền trao. Chăm chỉ nỗ lực tu tập thì như cái cây sẽ có hoa tươi, trái ngọt. Là những người truyền thừa đạo mạch của đạo pháp", Thượng tọa nói.
Theo TT.Trí Chơn, tài sản của người tu sĩ chính là: Tin bất động vào Tam bảo; Tín vào giới luật, biết hổ thẹn với chính mình, biết sợ hãi với những điều bất như ý; biết nghe và thực tập giáo pháp, phải biết mở rộng tâm từ, tài thí, pháp thí… và đặc biệt phải tu.
“Sự vững chãi nhất của đạo Pháp được thẩm định bằng sự vững chãi của mỗi chúng ta. Sự vững chãi của mỗi chúng ta không có gì vững hơn chiếc bồ đoàn cả. Tất cả chúng ta đều là một thân. Mỗi người là một tế bào khỏe thì Tăng thân vững chắc. Ta tu làm sáng cho Giáo hội, cho đạo Phật. Đạo lực có sẵn nơi mỗi chúng ta” - Thượng tọa nhấn mạnh.
Cuối thời pháp, Thượng tọa mong ước sẽ có nhiều khóa tu được nhân rộng để Tăng Ni được ngồi lại với nhau, để chung sống an lạc, thảo luận đạo pháp. Thượng tọa cũng bày tỏ mong muốn chư Tăng Ni phải có lý tưởng, chí nguyện tu tập, phải tự hào khi được mang hình tướng của người tu sĩ, là người con của Đức Thế Tôn, mang những giá trị tốt đẹp cho Đạo, cho Đời.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn


Những tâm niệm của TT. Thích Thanh Phương tại buỗi lễ ra mắt Câu lạc bộ Di sản và Văn hóa Á Đông
Xiển dương Đạo pháp
Cuối tháng 2/2025, tại chùa Sủi, thôn Phú Thụy, xã Phú Sơn, Gia Lâm, Hà Nội, đã diễn ra sự kiện ra mắt Câu lạc bộ Di sản và Văn hóa Á Đông.

TT.Thích Trí Chơn: "Trong tu tập phải tìm thấy niềm vui"
Xiển dương Đạo pháp
Trong những ngày vừa qua, tại chùa Vạn Phúc (xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã diễn ra khóa tu xuất sĩ có chủ đề “Xuân trong cửa thiền”.
Xem thêm