Hòa thượng Thích Thanh Hùng: Kinh doanh lợi mình, lợi người, lợi xã hội
Khi đạo đức được hiểu là đồng nghĩa với hạnh phúc thì chúng ta sẽ dễ hiểu đạo Phật là đạo hạnh phúc. Vì giáo lý Phật pháp chính là con đường đạo đức giúp con người loại trừ khổ đau để đạt được hạnh phúc.
Trong cuộc sống thương trường đầy biến động theo từng cơn lốc xoáy, và cũng thật mong manh phù du, các doanh nhân hãy tịnh tâm, kiên định để luôn nhìn đến những điều thật ý nghĩa, những giá trị nhân văn giữa trần gian để hướng tới miền ánh sáng tinh thần cao đẹp của Phật pháp và hưởng niềm hạnh phúc vô biên.
Nhân dịp đầu xuân năm mới, Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập có cuộc mạn đàm với Hòa thượng Thích Thanh Hùng - Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử, TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam về chữ phúc và chữ đức.
PV: Thưa Hòa thượng, con người muốn có phúc thì phải có đức và ngược lại, đức của đạo Phật chính là ngũ giới. Vậy khái niệm đức trong thương trường của doanh nhân cần được hiểu và vận dụng như thế nào cho phù hợp với giáo lý nhà Phật, trong khi mục đích cuối cùng của doanh nhân là lợi nhuận?
- Hòa thượng Thích Thanh Hùng: Chúng ta cũng biết là đạo Phật được Đức Thích ca mâu ni khai sáng khi ngài đi quá độ truyền đạt 2 lĩnh vực, một là lĩnh vực của hàng xuất gia và thứ 2 là thiền môn hưng thịnh, cũng như là xã hội hưng thịnh. Đức Phật cũng hướng dẫn cho các vị vua, quan, dù là lãnh đạo cấp nào cũng không rời kinh tế. Khi nói tới đạo đức thì Đức Phật đã xác lập ra đạo đức của người cư sĩ, trong đó có 5 giới, sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, say xỉn là 5 cái đạo đức tương đương với 5 phúc.
Mỗi cái đức là 1 cái phúc. Trở ngại nhất là giới thứ 4, nói dối, mà không nói dối thì kinh doanh không được, đấy là 1 cái sai lầm. Đạo đức tức là chân thật, người có đạo đức là người có chân thật, người buôn ít bán nhiều, bất cứ cái gì cũng là đạo đức, nhưng cái chân thật đó là không có lừa dối, không gạt người ta mà gọi là thuận thời, thuận mua, thuận bán. Ví dụ năm 1980, tôi mua cây vàng có 3 triệu đồng nhưng giờ tôi đem bán ai mua phải là hơn ba mươi triệu, như vậy là thuận mua vừa bán, đúng thời, không có dối lừa. Nhưng khi người ta đồng ý mua mình tráo đổi hàng khác thì đấy là dối lừa, không được phép. Trong kinh doanh, Đức Phật luôn luôn khuyến khích những nhà doanh nghiệp nên thọ giới, giữ giới mà vẫn phát triển kinh tế, vì chân thật bất hư, xây dựng niềm tin không có dễ.
Phát tâm bố thí, giúp người khác thoát nghèo, nhưng Đức Phật khuyến khích không thể thoát nghèo bằng cách cứ cho hoài. Ông bà ta nói rồi, cho cái cần câu chứ không cho con cá. Nhất là nhà nước ngày nay khuyến khích xóa đói giảm nghèo, tức anh phải có cái lực, muốn nhận được thì phải mua, phải bán, phải làm thì mới xóa được cái đói. Còn nếu chỉ ngồi đấy nhận thì mãi mãi vẫn đói, cái đó là bố thí kiểu nhỏ. Như Đức Phật nói bố thí kiểu Bồ tát là lập doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, sản phẩm, trong khi đó doanh nghiệp lớn tới hàng ngàn công nhân làm ăn ổn định, gia đình ổn định, phát triển xã hội ổn định, đấy là kinh doanh kiểu Bồ tát.
Đừng nói là tôi quy y, tôi về chùa tôi không dám buôn bán, kinh doanh vì kinh doanh là phạm tội, đó là thiếu hiểu biết.
PV: Một trong những yếu tố quan trọng nhất, thiết thực nhất của đạo đức kinh doanh là lối hành xử của chủ doanh nghiệp với người làm công. Kết quả công ty có đạo đức sẽ dễ làm ăn phát đạt hơn, xin Hòa thượng có thể luận giải về việc này?
- Hòa thượng Thích Thanh Hùng: Phật luôn từ bi, từ bi nghĩa là yêu thương, anh có yêu thương bản thân anh không, anh có yêu thương gia đình anh không, anh có yêu thương mọi người không. Anh hủy hoại thân của anh mà anh tuyên bố yêu thương người khác thì nên xem lại, đấy không phải là từ bi. Cho nên từ bi là làm sao trong gia đình của mình, mình phải biết yêu thương chính bản thân, mà biết yêu thương là mình phải tri túc, tri túc là biết đủ, biết mình ở vị trí nào, vai trò nào, phải ăn đủ, uống đủ, ngủ đủ, mình không biết đủ mình thức tới 2h sáng sẽ phá sức, ăn thì bữa ăn, bữa không, bữa nhịn đói như vậy là không tri túc. Cho nên lãnh đạo doanh nghiệp đối với công nhân phải biết yêu thương, phải coi công nhân như chính mình thì công nhân mới coi lãnh đạo như người thân.
Như vậy, người ta mới dốc tâm cống hiến phát triển doanh nghiệp. Còn lãnh đạo coi công nhân như người làm công trả tiền thì người ta coi lại là làm nhiệm vụ, không có nghĩa tình gì hết, không có đạo đức. Những người Nhật đầu tư ở Việt Nam rất thành công vì họ luôn lắng nghe. Những doanh nghiệp khác có công nhân đi làm trễ hay có chuyện gì đó nên làm việc không tập trung thì sếp thường phê phán, trách móc đủ thứ nhưng lại không tìm hiểu tại sao. Còn người Nhật, họ tìm hiểu, rồi hỗ trợ lại, người làm công khi ấy họ biết ơn, họ nhiệt tình trong công việc thì đấy là đạo đức.
Cho nên, Đức Phật đề xuất là yêu thương, mà yêu thương tức là từ bi, từ bi cần phải có trí tuệ, phải thấy đúng, phải thấy hợp thời, hợp lý. Từ bi là chân lý xuyên suốt của đạo Phật, đi sâu vào ý nghĩa thì lòng từ bi là một tình thương vượt qua mọi ranh giới, mọi quan hệ khi mà quyền lực và danh vọng đang chế ngự con người. Người ta dễ phân định tình cảm, chỉ giới hạn trong một mối quan hệ, một đẳng cấp, một phạm trù nào đó nên dễ đối xử hững hờ, kỳ thị, thậm chí nghiệt ngã, tàn sát với những thân phận yếu đuối, nhỏ bé hơn mình. Đối với Phật giáo, tất cả chúng sinh đều là bạn hữu, lòng yêu thương cần được ví như ánh mặt trời tỏa khắp, không phân biệt người hay vật, thân sơ hay giàu nghèo, đó mới là con của Phật.
PV: Những người hiện đại ngày nay, hay cụ thể là những doanh nhân đều cùng điểm chung là rất ít thời gian để suy nghĩ, định vị về những hành động hàng ngày của mình. Và họ càng không có ý thức được hành vi thường ngày dù đơn giản nhưng thực chất là đã trực tiếp gieo nhân, nếu hiểu thấu đáo được giáo lý Phật pháp thì người ta sẽ sợ nhân hơn sợ quả, bởi gieo nhân tốt sẽ có quả tốt, bởi nhân đi trước quả đi sau. Cần thận trọng, cẩn thận và nắn nót khi gieo nhân để tránh gây quả, và đặc biệt là tránh được chữ “thất đức”, kính xin Hòa thượng chia sẻ về vấn đề này.
- Hòa thượng Thích Thanh Hùng: Đức Phật luôn luôn khuyến khích con Phật phải có trí tuệ, có trí tuệ thì mới vượt thoát được mọi cám dỗ. Đức Phật có dậy, Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả. Nói không sợ nhân không đúng mà là chúng ta không rõ được cái nhân, muốn rõ được cái nhân phải có trí tuệ. Bồ tát là người có trí tuệ, người có trí tuệ người ta hiểu được cái hậu quả là cái gì. Còn người không suy nghĩ như vậy thì mới than vãn, sao tôi xui xẻo quá vậy.
Đức Phật khuyến khích phải nhận thức phàm làm việc gì phải xét đến hậu quả của nó, mà làm gì là cái nhân, kết quả là hậu quả. Mình chửi người ta nhưng mình xét lại mình chửi người ta có lợi gì, mình ỷ mạnh đánh người ta nhưng phải xét đánh người ta có lợi gì. Cho nên phải dùng trí tuệ, lấy ba cái trụ là Bi, Trí, Dũng, 3 cái đó hợp lực mới tác động được.
Cơ thể con người cũng vậy, có dinh dưỡng tức là máu mình đủ, nhưng bạch cầu mình yếu mà theo Đông y nói là khí yếu, phải có sức mạnh mới đẩy đi khắp tuần hoàn được. Cho nên hiểu biết, tránh được hậu quả là quan trọng… Khi mình làm được thì nghĩ đến những gì mình chia sẻ tốt hơn để phát triển, ví dụ mình trồng cây này, ươm cây có trái rồi hái trái, hái hoài thì cây cũng tiêu, nhưng nếu mình hái xong rồi cắt tỉa, chăm bón, cải tạo, bắt sâu thì cái cây mới bền, hưởng mới được lâu. Từ đó suy ra đạo đức của những nhà doanh nghiệp cần có thêm hiểu biết phát triển để lợi mình, lợi người, lợi xã hội. Đừng nói gì lớn lao quá mà phải từ những hành động nhỏ bé.
Trong cuộc sống thương trường đầy biến động theo từng cơn lốc xoáy, và cũng thật là mong manh phù du, các doanh nhân hãy tịnh tâm, kiên định để luôn nhìn đến những điều thật ý nghĩa, những giá trị nhân văn giữa trần gian để hướng tới miền ánh sáng tinh thần cao đẹp của Phật pháp và hưởng niềm hạnh phúc vô biên. Nhân bản, bình đẳng, từ bi, vô ngã là những chân lý Phật giáo rất cần thiết cho mọi người thực hành hàng ngày để tạo hạnh phúc thật sự cho bản thân. Trân trọng cám ơn Hòa Thượng!
Nguồn: Tạp chí Điện tử Doanh nghiệp & Hội nhập
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thượng tọa Tâm Định: “Phật giáo xứ Thanh để lại dấu ấn đẹp trong lòng dân tộc”
Phỏng vấn 15:43 26/10/2024Trong hai ngày 30 và 31/10 và 1/11 tới, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa tổ chức Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập (1/11/1984 – 1/11/2024). Nhân sự kiện đặc biệt này Cổng thông tin Phật giáo thuộc GHPGVN (phatgiao.org.vn) đã có trao đổi cùng Thượng tọa Thích Tâm Định, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh.
Ca sĩ Uyên Trang: "Nghe giảng về luật nhân quả nên tôi ngộ ra nhiều điều"
Phỏng vấn 12:01 23/10/2024Trong những năm vắng bóng, ca sĩ Uyên Trang - nổi tiếng với bài hit "Tình yêu và giọt nước mắt" - trải qua giai đoạn khó khăn vì bệnh tật, từng phải chữa tâm thần. Chị tiết lộ, nhờ nghe pháp, hiểu nhân quả, sống tích cực nên đã vượt qua biến cố nhẹ nhàng.
“Thờ cúng bố mẹ là phương tiện để biểu lộ lòng tri ân”
Phỏng vấn 12:25 22/10/2024Đại đức Thích Ngộ Trí Dũng, nghiên cứu sinh Tiến sĩ Phật học tại Học viện Phật giáo VN tại TPHCM, một giảng sư được yêu mến hiện nay đã nói như vậy.
Thầy Pháp Hữu: “Người tu vẫn còn khổ, nhưng…”
Phỏng vấn 15:11 12/10/2024“Có thể gọi thầy bằng nicknam “Một người tu có hạnh phúc” - Thầy Pháp Hữu, trụ trì chùa Pháp Vân - Xóm Thượng, Làng Mai (Pháp) mở đầu buổi phỏng vấn, rồi thầy mỉm cười từ ái, chia sẻ về con đường trở thành tu sĩ hạnh phúc.
Xem thêm