Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Hòa thượng Viên Minh: Thấy biết trong sáng

"Thấy biết là khả năng tự nhiên trong quá trình phát huy nhận thức và trí tuệ con người". Bài giảng pháp của hòa thượng Viên Minh về thấy biết trong sáng sẽ giúp độc giả vượt qua phiền não khổ đau bởi các tà kiến, đưa đến giải thoát niết bàn.

Audio
vien minh
 

Quả thật điều bất lợi!

Người ngu sinh sở tri.

Hủy phần sáng của mình,

Tự chẻ đầu chính nó. (Pháp cú 72)

Thấy biết là khả năng tự nhiên

Thấy biết là khả năng tự nhiên trong quá trình phát huy nhận thức và trí tuệ con người. Thấy biết phát sinh khi các giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với những đối tượng (màu sắc, âm thanh, mùi hương, vị chất, vật xúc, ý tượng). Sự tương giao giữa hai yếu tố căn môn và trần cảnh làm phát sinh thấy biết tương ứng; từ đó hình thành khái niệm, tư tưởng, quan niệm, chủ trương, lý luận v.v… trong quá trình tất yếu của nhận thức và phán đoán, nhờ đó con người tiến hóa, phát triển nhanh hơn bất kỳ sinh vật nào khác trên trái đất.

Nếu một người không có khái niệm gì về sự vật xung quanh, không có khả năng tư duy, phán đoán, không biết suy luận, tưởng tượng, không biết phê bình, đánh giá, không biết phân biệt, chọn lọc, hay không hiểu được ngôn ngữ truyền thông từ bên ngoài v.v… thì anh ta vẫn mãi là một kẻ thiểu năng, đần độn, khù khờ bất hạnh.

Trong cộng đồng xã hội, con người ưu việt hơn các loài khác nhờ biết quan hệ, tương tác, giao tiếp với nhau để qui định ra ngôn ngữ, chữ viết, biểu tượng, mã số v.v… hầu có thể truyền đạt ý nghĩ, thông tin nhiều chiều, nhiều mặt, phong phú và đa dạng một cách dễ dàng, thuận lợi. Từ đó, giáo dục, luật lệ, lễ nghi, nguyên tắc luân lý, qui phạm đạo đức, định ước xã hội v.v… đã được hình thành. Không ai có thể phủ nhận được quá trình tiến hoá tuyệt vời đó của con người từ đời sống hoang dã cổ xưa cho đến nền văn minh hiện đại.

Tuy nhiên, lạ thay, nếu tính toán để tìm chỉ số hạnh phúc bình quân trên đầu người thì chúng ta không chắc gì con người văn minh hiện đại đã hạnh phúc hơn những người hồng hoang xưa cổ! Điều chắc chắn là chúng ta có thể thấy rõ rằng tiện nghi vật chất vẫn chưa bù đắp được những nỗi lo âu, sợ hãi, căng thẳng, khổ sầu mà con người văn minh hiện đại phải gánh chịu.

Chính những thành quả ưu việt do con người sáng chế, qui định, cho tiện ích của mình đã trở thành những khuôn khổ ràng buộc lại mình. Qua sự tưởng tượng phong phú của con người, những tư tưởng, quan niệm, chủ trương, giáo điều, triết thuyết nghe ra tuyệt vời nhất, khốn thay, đã dễ dàng đóng băng để trở thành thành kiến cố chấp, mâu thuẫn đối kháng mà hậu quả tất nhiên là chiến tranh, khủng bố, sợ hãi, khổ đau v.v…

Chân đế, tục đế

Tất cả những điều này đều xuất phát từ thấy biết sai lầm mà đức Phật gọi là tà kiến. Nhận thức của con người thường thể hiện qua tưởng tượng, hoặc dựa trên những kiến thức mà phần lớn do con người qui định, hơn là trực nhận sự thật một cách trung thực bằng trí tuệ. Vì vậy, những sản phẩm có được từ tưởng tượng và kiến thức đều không khỏi chủ quan, không đáng tin cậy. Ngay cả khoa học, dù khách quan đến đâu, cũng vẫn đi từ giả thuyết đến kiểm chứng rồi kết luận. Nên nhiều kết luận khoa học trước đây được công nhận tưởng đã là định luật vĩnh cửu thì chẳng bao lâu bị chứng minh là khiếm khuyết, sai lầm hoặc lạc hậu. Những kiến thức có từ tưởng tượng, giả thuyết, suy đoán, lý luận, định nghĩa v.v… có thể đúng với qui ước mà xã hội công nhận, được gọi là tục đế (sammuti sacca), nhưng không đúng với tự thân sự thật mà Phật giáo gọi là chân đế (paramattha sacca).

Nhìn kỹ hơn, chúng ta dễ dàng thấy rằng không ít những quy định xã hội không phản ánh trung thực sự thật khách quan, vì phần lớn những qui định này xuất phát từ những tình cảm chủ quan hoặc lý trí phiến diện. Chính vì vậy, có vô số tư tưởng, quan niệm, chủ trương khác biệt, mâu thuẫn, đối kháng lẫn nhau, tạo ra những thành kiến cố chấp, đưa đến hiểu lầm, bất mãn, chia phân trong mối quan hệ giữa những thành viên trong gia đình, đoàn thể, phe phái hay trong toàn thể cộng đồng xã hội. Điều này, tất nhiên, đưa đến biết bao khốn khổ cho loài người, như chúng ta đã từng chứng kiến hàng ngày ở khắp mọi nơi.

Thấy biết với thái độ trung thực, khách quan

Có hai thái độ tâm trong sự thấy biết, một là thái độ trung thực, khách quan, hai là thái độ lệch lạc, chủ quan. Thấy biết dẫn đầu mọi hành động, nói năng và suy nghĩ. Cho nên, thấy biết với thái độ đúng sẽ đưa đến ứng xử đúng đắn, tốt đẹp, nhưng với thái độ sai sẽ đưa đến xử sự xấu xa, lệch lạc.

Vậy, thế nào là thấy biết với thái độ trung thực, khách quan? Đó là sự thấy biết trong sáng, tĩnh tại, trực tiếp trên đối tượng; không bị che lấp bởi ý niệm, tư tưởng, quan niệm hay tình cảm chủ quan nào; không thông qua khái niệm hình tướng, tên gọi, hay biểu tượng nào; không vướng mắc trong chủ trương, thành kiến, truyền thống, tập tục hay giáo điều lý tưởng nào. Ngay khi bạn thực sự buông xả hoàn toàn, an nhiên vô sự thì tâm bạn liền trọn vẹn với thực tại hiện tiền, và ngay đó, sự thấy biết trực tiếp sẽ phát huy tác dụng tự nhiên, khách quan và trung thực.

Tánh biết vốn rỗng lặng, trong sáng

Tánh biết của tâm vốn rỗng lặng trong sáng, tức là sẵn có định tuệ đầy đủ, tự nhiên. Nhưng khi bạn không chịu buông tư kiến tư dục của cái ta ảo tưởng xuống để cho định tuệ tự lặng lẽ chiếu soi một cách độc lập, mà chỉ nương tựa vào mớ kiến thức ngoại lai thủ đắc được vì mục tiêu chủ quan của lòng tham vọng, thì bạn đã vô tình quên đi tánh biết trong sáng hồn nhiên nơi chính mình! Từ đó bạn nỗ lực tìm kiếm, say mê tích lũy sở tri và sở đắc mà bạn hằng ước mong đạt được! Để rồi chính những sở tri sở đắc có được từ tư kiến, tư dục của cái ta ảo tưởng đó đã làm phân tán sự trực nhận trọn vẹn của trí tuệ tỉnh giác trong tánh biết tự nhiên. Vì vậy Đức Phật đã cảnh báo:

“Quả thật điều bất lợi!

Người ngu sinh sở tri.

Hủy phần sáng của mình.

Tự chẻ đầu chính nó”. (Pháp Cú 72).

Bốn loại nhận thức của tánh biết

Để dễ hiểu, chúng ta tạm chia ra bốn loại nhận thức của tánh biết:

1) Nhận thức của trực giác giác quan, được gọi là giác tri, thực ra đây là phần thức tri thuộc về trực giác giác quan, gồm thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm khi có sự tương giao giữa các căn môn và các đối tượng tương ứng. Mặc dù được gọi là trực giác giác quan nhưng giác tri bị giới hạn bởi điều kiện của giác quan và đối tượng, nên vẫn còn tương đối và bất toàn nên chữ giác ở đây không có nghĩa như giác ngộ. Tuy vậy, nó chưa bị bóp méo một cách chủ quan bởi lý trí vọng thức. Trực giác giác quan là tâm bẩm sinh, thụ động, không tạo tác (vô nhân, dị thục, duy tác). Dù tương đối và đơn giản nó vẫn hữu dụng như phương tiện cơ bản của nhận thức.

2) Nhận thức của lý trí, biểu hiện qua hình thức tưởng tri và thức tri. Đó là hoạt động lý trí thuộc nhận thức của ý giới và ý thức giới qua khái niệm, tư tưởng, quan niệm, kiến thức hữu hạn có được từ học hỏi, tư duy, phân tích, lý luận theo quy ước xã hội. Loại hiểu biết này chỉ có giá trị trong phạm vi ước định tục đế, không phải là sự thật rốt ráo, có thể thay đổi theo thời gian, không gian, bởi bất cứ sự đồng thuận nào của từng cộng đồng xã hội.

3) Nhận thức của cảm ứng, biểu hiện qua linh tri, đây là một loại nhận thức trực giác tâm lý đặc biệt hoạt động trong vô thức nên ý thức không biết được, không nghĩ bàn được. Cái biết không biết này thật kỳ lạ, nó làm việc bằng cách nào khó mà lường được. Ví dụ, tự nhiên thầy giáo trả lời ngay câu hỏi mà một học sinh vừa có ý muốn hỏi. Thầy giáo cảm ứng được nhưng không ý thức được sự cảm ứng đó. Như vậy, tánh biết còn có khả năng biết bằng vô thức mà triết học phương Tây gọi là trực giác tâm lý hay thần giao cách cảm. Điều này chứng tỏ rằng khi ý thức không làm việc, tâm (tánh biết) vẫn tiếp tục hoạt động miên mật, mà ý thức dù cố gắng cách mấy cũng không thể nào miên mật được như vậy, vì ý thức luôn sinh diệt vô thường theo đối tượng của nó.

4) Nhận thức của trí tuệ, biểu hiện dưới hình thức tuệ tri, thắng tri và liễu tri. Đó là thái độ tỉnh giác, nhận thức trực tiếp đối tượng thực tánh chân đế, không lệ thuộc vào kiến thức, định lượng, suy tưởng, phân tích, so sánh, lý luận thuộc lĩnh vực lý trí. Thực tánh là bản chất tự nhiên, là sự thật phổ biến ở khắp mọi nơi, mọi thời, tự vận hành theo nguyên lý nội tại, không biến đổi bởi quan niệm của cộng đồng xã hội hay qui định chủ quan cá nhân nào.

Cả bốn loại nhận thức này không thể thiếu trong hầu hết sinh hoạt đời sống. Dù nhận thức của lý trí chỉ đúng trên phương diện tục đế, bạn vẫn phải tuân theo những luật lệ hay qui định đúng tốt, vì đó là lợi ích chung cho mọi người trong cộng đồng xã hội. Do đó không cần phải cố gắng loại bỏ tưởng tri và thức tri, vì nó vẫn hữu dụng trong nhiều lãnh vực. Và nó sẽ rút lui một cách tự nhiên khi trí tuệ tỉnh giác (tuệ giác) xuất hiện, bởi vì thấy biết của lý trí không thể tồn tại trên đối tượng thực tánh của tuệ giác.

Tuy nhiên, nếu chỉ biết nhận thức theo những quy ước giả định của xã hội thì bạn sẽ không thể nhận ra sự thật rốt ráo vốn vẫn luôn là bản chất thật (chân đế) trong cốt lõi của đời sống. Bỏ quên thực tánh, chạy theo giả tướng chính là nguyên nhân của tất cả nỗi bất hạnh mà loài người đang phải gánh chịu. Vậy điều quan trọng là bạn có đủ tỉnh thức để tùy trường hợp mà ứng biến thích nghi các thể loại nhận thức hầu thể nghiệm đời sống một cách khách quan, chính xác, trung thực và thấy ra đâu là lẽ phải đời thường (tục đế) đâu là sự thật rốt ráo (chân đế).

Tánh biết có sẵn tuệ giác trong sáng tự nhiên 

Không cần một nỗ lực rèn luyện nào để đạt được sự nhận thức trực tiếp của trí tuệ tỉnh giác, vì tánh biết vốn có sẵn tuệ giác trong sáng tự nhiên. Khi tâm buông xả, rỗng lặng, không bị lý trí vọng thức che ám thì tánh biết liền tự chiếu sáng, đó chính là trí tuệ tỉnh giác. Nhưng khi bạn cố tình tìm cách rèn luyện để sở hữu tuệ giác thì nó lập tức biến mất. Vì ngay khi bạn khởi tâm muốn đào tạo sự tỉnh giác thì vô tình bạn tạo ra cái ta ảo tưởng cùng với tiến trình nhân quả và thời gian, như vậy tâm đâu còn tỉnh giác để thấy biết thực tại một cách trực tiếp (sandiṭṭhiko) phi thời gian (akāliko) được nữa. Lúc đó nhận thức của bạn chỉ là những kiến thức hạn hẹp của lý trí cá nhân chứ không phải là trí tuệ tỉnh giác đến từ tánh biết trong sáng tự nhiên. Kiến thức lý trí có thể tốt, nhưng chắc chắn chỉ là tương đối, hạn hẹp trong cái đã biết, không phải là sự tỉnh giác để thấy biết trực tiếp, mới mẻ và trung thực với bản chất của thực tại.

Tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác

Trong Thiền Vipassanā, có ba yếu tố cốt lõi là tinh tấn, chánh niệm và tỉnh giác. Tinh tấn là không buông lung phóng dật theo vọng tưởng của cái ta. Chính cái ta vọng tưởng làm cho tâm thất niệm, tạp niệm và vọng niệm, nên khi buông hết các niệm ấy thì tâm vô niệm rỗng lặng liền trở về trọn vẹn với thực tại, đó chính là chánh niệm. Tâm không còn bị ý niệm, vọng tưởng che lấp thì tánh biết tự phát ra trí tuệ tỉnh giác có khả năng thấy biết thực tại một cách toàn diện, minh bạch và trong sáng, không một chút mê mờ vẩn đục. Vì vậy, ngay khi tâm buông xả, vô sự, thì tánh biết rỗng lặng trong sáng tự phát huy trí tuệ tỉnh giác để soi sáng thực tại, chứ tuệ giác không do nỗ lực của bản ngã tạo nên. Vì vậy, rốt ráo mà nói, chỉ có tinh tấn chánh niệm tỉnh giác mà không có người tinh tấn chánh niệm tỉnh giác.

Bạn cần lưu ý là hai yếu tố chánh niệm và tỉnh giác không thể tách rời nhau trong thiền Vipassanā, nên nhiều người cho rằng hai yếu tố này không có gì khác biệt. Thực ra, tuy chúng hỗ trợ cho nhau và có chung một đối tượng thực tánh, nhưng có đặc tính và chức năng hoàn toàn riêng biệt. Chánh niệm là tâm trọn vẹn với đối tượng thực tại (không còn năng sở), trong khi tỉnh giác thấy biết đối tượng ấy một cách trung thực và trong sáng (không còn tư niệm). Như một tấm gương, hướng vào đối tượng đủ vững vàng và trọn vẹn, thì lập tức phản ánh rõ ràng trung thực đối tượng ấy. Tấm gương quay qua hướng khác ví như thất niệm, tấm gương bị rung động ví như tạp niệm, và mặt gương không bằng phẳng ví như vọng niệm, thì không thể soi thấy vật gì rõ ràng trung thực được. Cũng vậy, tâm thiếu chánh niệm sẽ không có tỉnh giác để soi chiếu đối tượng đúng với thực tánh của nó.

Chánh niệm đã được giới thiệu trong chương 2. Trong chương 3 này chúng ta nói riêng về đặc tính và chức năng của tỉnh giác. Như đã trình bày ở trên, tỉnh giác là bản chất trí tuệ sẵn có trong tánh biết rỗng lặng, trong sáng và tự nhiên. Nó có thể ứng ra qua 6 thức, mà cũng có thể độc lập đứng ngoài thấy rõ 6 thức đang hoạt động qua trạng thái danh sắc, vì vậy mà tỉnh giác mới có thể minh sát được thực tánh của thân, thọ, tâm, pháp.

Ví dụ, khi bạn đang thở, nếu không thất niệm (tức đang chánh niệm) thì bạn thấy rõ trạng thái thở một cách tự nhiên đang diễn ra nơi thân, lúc đó chính là bạn đang tỉnh giác. Bạn chỉ cần lặng lẽ trực nhận trạng thái thở tự nhiên mà không phản ứng, không can thiệp để cố gắng điều khiển hơi thở theo bất cứ phương pháp nào thì trí tuệ tỉnh giác liền tự soi thấy thực tánh của trạng thái thở ấy. Đừng cố gắng thở theo một qui trình định sẵn vì mục đích định tâm hay tìm biết điều gì trong đó. Làm như vậy là bạn tự ràng buộc mình trong giới hạn của lý trí vô minh dục vọng. Vô tình bạn bị rơi vào giữa hai thế lực tham và sân. Hay nói cách khác, bạn đang bị tham ưu thúc đẩy, trong khi đức Phật dạy chúng ta đừng để tham ưu xen vào thì tỉnh giác mới thể hiện được chức năng thấy thực tánh pháp của nó.

Tỉnh giác khi đi, đứng, nằm, ngồi

Cũng vậy, khi đang đi, đứng, ngồi, nằm, hoặc đang thực hiện một động tác lớn nhỏ nào thuộc về thân hành, tỉnh giác giúp bạn tri nhận trọn vẹn và trung thực trạng thái diễn biến của tư thế hoặc động tác đó, không phân tâm, không gán ghép vào nó ý niệm nào khác. Nếu không có tỉnh giác, thay vì thấy trạng thái diễn biến của động tác một cách đơn thuần, bạn thường có khuynh hướng gán thêm vào đó ý niệm “tôi”: Tôi đi, tôi đứng, tôi ngồi, tôi nằm, tôi ăn, tôi uống v.v... “Tôi” vốn chỉ là khái niệm giả định, mang tính quy ước, không có thật, nhưng lâu ngày nó đã ăn sâu vào tâm khảm bạn và trở thành cái ta ảo tưởng, gây chướng ngại và che mờ thực tánh của mọi sự mọi vật.

Đối với những cảm thọ, nếu bạn thiếu tỉnh giác thì cái ta ảo tưởng liền can thiệp vào ngay. Cái ta luôn phản kháng và tìm cách chấm dứt cảm giác khổ nên đã tạo ra tâm sân hận, đồng thời cái ta lại ưa thích và tìm cách níu giữ cảm giác lạc nên đã tạo ra tâm tham ái. Cái ta cũng không bằng lòng với cảm giác xả - không khổ không lạc, nó có khuynh hướng loay loay tìm kiếm cảm giác lạc, nên tạo ra tâm bất an, phóng dật và mê muội. Trong cả ba trường hợp, chỉ có tỉnh giác mới có thể giúp bạn cảm nhận một cách vô tư, trung thực những cảm giác đang xảy ra nơi thân tâm bạn mà không can thiệp bằng một phản ứng tâm lý chủ quan nào.

Nhiều người nhầm lẫn thái độ tỉnh giác với trạng thái ý thức, vì vậy đã đề cao vai trò của ý thức trong việc hành thiền! Thậm chí còn cố gắng giữ ý thức liên tục mà họ cho như vậy là miên mật! Ý thức chỉ là một tâm sinh diệt theo đối tượng của nó, nghĩa là khi có đối tượng thì nó sinh, khi không có đối tượng thì nó diệt. Vì lệ thuộc vào đối tượng như vậy nên đưa đến quan niệm sai lầm thứ hai là quá xem trọng đối tượng đến nỗi nếu không có thì phải dựng lên đối tượng để nuôi dưỡng sự liên tục của ý thức, nhưng thực ra sự miên mật đó chỉ là nỗ lực kéo dài sự tồn tại của cái ta ảo tưởng mà thôi.

Tỉnh giác là phẩm chất của tánh biết rỗng lặng trong sáng, nó có khả năng thấy được hoạt động của ý thức – thấy được sự sinh diệt của tâm ý thức đó. Chính vì thế mà đức Phật dạy trong Kinh Tứ Niệm Xứ là có thể tỉnh giác trên thực tại thân, thọ, tâm và pháp mà không nương tựa, không dính mắc vào pháp nào. Vi tế hơn nữa là thấy được trạng thái tâm ngay khi nó khởi lên trên một đối tượng nào đó. Ví dụ, khi thấy một đóa hoa, tâm ưa thích khởi lên, nhưng ý thức của bạn bị thu hút vào màu sắc, hình dáng, hương thơm của đóa hoa, nên không ý thức được chính mình, nhưng tỉnh giác lại thấy được toàn bộ diễn biến khi tâm ưa thích của bạn đã khởi lên rồi diệt đi lúc nào và như thế nào, nếu không làm sao thấy được tính chất vô thường, vô ngã của tâm. Cũng vậy, đối với những trạng thái tâm khác như từ ái hay hận thù, ổn định hay tán loạn, trói buộc hay thanh thoát, vướng mắc hay tự tại v.v… tỉnh giác đều thấy biết như một tấm gương phản ánh trung thực, không xen vào đó bất cứ phản ứng tâm lý chủ quan nào. Ý thức có thể bị bản ngã xen vào chấp là ta và của ta, còn tỉnh giác thì cái ta không thể chấp thủ được, đơn giản chỉ vì tỉnh giác thấy được các pháp là vô ngã. Nói cách khác, khi vắng bóng cái ta ảo tưởng thì mới thật sự có tỉnh giác.

Tóm lại, tỉnh giác không bị giới hạn trong phạm vi ý thức, ngược lại chính nhờ tỉnh giác mà nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức mới thấy như thực, nghe như thực, giác như thực, tri như thực. Kiến văn giác tri hoàn toàn trung thực được gọi là tri kiến thanh tịnh.

Tỉnh giác giúp hóa giải những sai lầm của sở tri chướng và phiền não chướng

Trong khi cái ta ảo tưởng nỗ lực thúc đẩy tiến trình hoàn thiện tiểu ngã trở thành đại ngã bằng con đường hình thành tư tưởng, luận thuyết và các phương pháp, kỹ thuật tu luyện để đạt được sở tri và sở đắc (nhưng sở tri chỉ vun bồi tà kiến, và sở đắc chỉ củng cố tham ái), thì tánh biết luôn soi sáng để điều chỉnh nhận thức sai lầm bằng tri kiến thanh tịnh hay trí tuệ tỉnh giác. Do đó, trong thiền Vipassanā, đức Phật nhấn mạnh đến yếu tố tỉnh giác để giúp thiền giả hóa giải những sai lầm của sở tri chướng và phiền não chướng:

- Điều chỉnh tà kiến: Tà kiến là những quan niệm sai lầm hay chủ trương lệch lạc về chính mình, cuộc đời, hoàn cảnh xung quanh, vũ trụ vạn vật. Ví dụ, thuyết Thường Ngã, Định Mệnh, Duy Thần, không có nhân quả nghiệp báo, mọi hiện tượng đều ngẫu nhiên, chủ trương hạnh phúc tùy thuộc vào điều kiện vật chất hoặc do Thần Linh ban thưởng v.v… Những quan niệm võ đoán này, dù xuất phát từ niềm tin cá nhân hay tập thể, một dân tộc hay cả nhân loại - thì cuối cùng vẫn sẽ đưa đến hậu quả khổ đau, bất hạnh. Chỉ có người thấy biết trong sáng tự mình chứng nghiệm sự thật khách quan mới có thể điều chỉnh được những tà kiến cố chấp này.

- Phá vỡ định kiến: Định kiến hay thành kiến là những quan điểm, phán đoán hoặc kết luận cố chấp, bảo thủ, một chiều, không chịu xét lại, thay đổi hay sửa sai. Ví dụ như trọng nam khinh nữ, phân biệt giai cấp, kỳ thị chủng tộc v.v… Định kiến ngăn cản sự sáng tạo, sự tiến hoá, làm trở ngại cho nhận thức khách quan, trung thực. Chỉ có trí tuệ tỉnh giác giúp bạn thấy biết chân thực bản chất thực tại, thì bạn mới có thể chấm dứt được những thành kiến, cố chấp nguy hại này.

- Thoát khỏi hoài nghi: Hoạt động của lý trí thường đi đôi với hoài nghi, phân vân, do dự, lưỡng lự, bất quyết v.v… Nghi ngờ một điều gì đó chưa hẳn là hoài nghi, chỉ vì chưa kiểm chứng nên chưa xác định mà thôi. Nghi ngờ là một thái độ sáng suốt, tự tin, trong khi tâm trạng phân vân, lưỡng lự, mập mờ, thiếu dứt khoát, thiếu tự tin trong thực tại mới là hoài nghi. Chính hoài nghi đi đôi với si mê làm tâm bạn phân tán, suy yếu, không có khả năng quyết định hay chú tâm. Nhờ sự chú tâm lắng nghe, quan sát khách quan mà sự thấy biết được trong sáng, tự tin và thoát khỏi tâm trạng hoài nghi bất định này.

- Vượt qua sự hạn hẹp của ý niệm, ngôn từ và biểu tượng: Con người sáng chế ra khái niệm ngôn ngữ và biểu tượng đem lại rất nhiều tiện ích, nhất là trong lãnh vực truyền đạt tư tưởng. Tuy nhiên, bản chất của những khái niệm này là tương đối, khiếm khuyết, mâu thuẫn, bất nhất và dễ gây hiểu lầm. Vì vậy, chúng chỉ có thể cung cấp những kiến thức cục bộ, phiến diện và thiếu chính xác. Qua đó, dĩ nhiên, không thể thấy biết sự thật một cách trung thực và toàn diện được. Sự thật chỉ được hiển bày khi thấy biết trong sáng, không bị che lấp bởi quan niệm nào.

- Hóa giải những chướng ngại tiềm ẩn bên trong: Đức Phật gọi những chướng ngại này là những phiền não ngủ ngầm (anusaya) nằm sâu lắng trong tiềm thức, chẳng hạn như tham lam, sân hận, si mê, ngã mạn, đố kỵ, ganh ghét, cố chấp v.v... vượt ngoài hoạt động của ý thức. Chỉ có trí tuệ tỉnh giác mới thâm nhập vào tận tiềm thức để hóa giải những chướng ngại tiềm ẩn và vi tế này.

(Bài giảng của hòa thượng Viên Minh, BBT Cổng thông tin Phật giáo đặt tiêu đề phụ trong bài viết)

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Trầm tĩnh chứng tỏ sức mạnh của sự sáng suốt và tự chủ

Chùa trực tuyến 07:45 20/08/2023

Tâm trầm lặng không có nghĩa là yếu mềm, tiêu cực. Thái độ trầm tĩnh của một người chứng tỏ sức mạnh của sự sáng suốt và tự chủ. Vì khi gặp một hoàn cảnh cam go, nan giải mà vẫn không lo âu bối rối thì quả là không phải dễ dàng.

Phúc đức và thiện căn của mỗi người là “giấy thông hành” sinh về Tịnh Độ

Chùa trực tuyến 09:31 09/08/2023

Được tôn kính là Bậc Đại giác ngộ của truyền thống Phật giáo Kim Cương thừa, Đức Milarepa từng nói: Phúc đức và thiện căn của mỗi người chính là “tấm visa” - một loại giấy thông hành vô giá giúp chúng ta siêu vượt luân hồi sinh tử.

Hòa thượng Viên Minh: Thấy biết trong sáng

Chùa trực tuyến 06:13 04/06/2023

"Thấy biết là khả năng tự nhiên trong quá trình phát huy nhận thức và trí tuệ con người". Bài giảng pháp của hòa thượng Viên Minh về thấy biết trong sáng sẽ giúp độc giả vượt qua phiền não khổ đau bởi các tà kiến, đưa đến giải thoát niết bàn.

Câu chuyện tỳ kheo Dasaka mê ngủ đắc quả A La Hán

Chùa trực tuyến 07:17 30/05/2023

Sau ngày xuất gia Dasaka vẫn giữ nguyên thói lười cố hữu. Mỗi ngày, sau khi khất thực và nhận đầy đủ thức ăn, tỳ kheo Dasaka thường tìm một chỗ thanh tịnh và nằm khoèo xuống ngủ.

Xem thêm