Hoằng pháp với môi trường
Bảo vệ môi trường là một việc làm có ý nghĩa rất lớn cho đời sống hiện tại và vì các thế hệ mai sau. Đó được xem như là trách nhiệm cần nghiêm túc thực hiện để hạn chế tối đa những tác hại không tốt cho môi trường tự nhiên.
Trong chúng ta ai cũng biết rằng Phật giáo có nhiều giá trị đóng góp cho đời sống của nhân loại. Giáo lý của Đức Phật đã tuyên thuyết luôn đề cao tính nhân văn sâu sắc mà con người là trọng tâm xây dựng thiết lập nên nhiều mối quan hệ với xã hội. Dù ở lĩnh vực nào thì đạo Phật cũng có nhiều đóng góp tích cực qua việc truyền bá chánh pháp. Bảo vệ môi trường là hành động sống vô cùng có ý nghĩa vừa lợi mình và cũng chính là mang lại lợi ích cho mọi người. Những biến đổi của khí hậu gần đây đã có nhiều ảnh hưởng đến đời sống của Phật tử. Giữ gìn những vườn cây xanh, xây dựng những ngôi chùa gần gũi với thiên nhiên và một số nỗ lực thay đổi trong việc canh tác nông nghiệp thuận theo tự nhiên là những việc làm mang tính thiết thực bảo vệ môi trường.
Biến đổi khí hậu và những ảnh hưởng đến cuộc sống
Biến đổi khí hậu là những biến đổi trong môi trường vật lý hoặc sinh học gây ra những ảnh hưởng có hại đáng kể đến thành phần, khả năng phục hồi hoặc sinh sản của các hệ sinh thái tự nhiên và được quản lý hoặc đến hoạt động của các hệ thống kinh tế – xã hội hoặc đến sức khỏe và phúc lợi của con người. Dù phát xuất từ nguyên nhân khách quan hay chủ quan thì vẫn phải do con người là tác nhân chính gây nên sự biến đổi này. Nhà Phật với Giáo lý Duyên khởi dạy rằng “Một” hiện hữu trong “Tất cả” và “Tất cả” hiện hữu trong “Một”. Sự ô nhiễm hay phá hoại ở nơi này là ô nhiễm hay phá hoại ở những nơi khác trên mặt đất. Đã có những lời kêu gọi của những nhà môi trường yêu cầu các cá nhân, tổ chức và mọi quốc gia có bổn phận và trách nhiệm bảo vệ môi sinh cùng lúc vì sự sống còn của nhân loại; hạn chế cái gọi sử dụng năng lượng nguyên tử cho các mục tiêu hòa bình, và tạo ra biện pháp an toàn cho việc loại bỏ các chất thải từ các nhà máy và các xưởng công nghiệp; bảo vệ rừng và các động vật khỏi các sự tàn phá. Điều quan trọng nhất là con người phải ý thức được rằng tác nhân gây hại đến môi trường chính là con người. Cố Hòa thượng Thích Chơn Thiện từng nhấn mạnh:
“… quan trọng nhất là giúp con người hiểu và kiểm soát dục vọng (lòng khát ái, có nghĩa là tham, sân, si) vốn là nguyên nhân cơ bản của mọi nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi sinh. Có nghĩa là giải thoát sự ô nhiễm tâm thức. Nếu các ham muốn dục lạc, dục tình càng ngày càng gia tăng như đang xảy ra thì sẽ không có cách nào để bảo vệ môi sinh như những điều mà chúng ta học được từ giáo lý Duyên khởi; chỉ còn một điều còn lại: sự tàn lụi, khổ đau và sự hủy diệt đối với các sinh thể trên thế giới”.1 Lời dạy ấy như nhắc nhở chúng ta sống cần có ý thức hơn về việc bảo vệ chính đời sống của chính mình. Tại Sóc Trăng sự biến đổi khí hậu rõ nét nhất là tình trạng bị nước biển xâm thực gây nên hiện tượng bị nhiễm mặn. Các cánh đồng lúa bị nhiễm mặn đều chết khô, nước sạch để phục vụ cho tưới tiêu, sinh hoạt cũng bị nhiễm mặn đã gây ra rất nhiều khó khăn cho đời sống của nhiều bà con. Việc khắc phục hậu quả của nó phải mất nhiều năm sau mới hồi sinh lại cho những cánh đồng này.
Ngôi chùa gần gũi với thiên nhiên
Sóc Trăng là một tỉnh thuộc miền Tây, là mảnh đất cuối dòng sông Hậu hiền hoà và trù phú. Là quê hương của sự cộng cư ba dân tộc anh em Kinh - Hoa - Khơme. Mỗi dân tộc có mỗi nét đặc thù riêng về văn hoá nhưng lại có cùng một niềm tin quy kính Đức Phật. Cuộc sống của người dân tộc Khơme luôn gắn liền với ngôi chùa, mọi sinh hoạt cộng đồng thường gắn liền và luôn được diễn ra hầu hết tại ngôi chùa trong phum, sóc. Hằng năm với ba lễ hội chính như Tết cổ truyền Chôl- Chnăm Thmây, Đôl- ta, Ooc- Oom –Boc, và nhiều lễ khác, mọi người dân đều trở về chùa để thực hiện những nghi lễ. Chùa là nơi nương tựa tâm linh, là trường học, là chốn tôn nghiêm mà ai ai cũng quý kính trân trọng. Đã từ lâu ngôi chùa của người Khơme được thành lập trên tinh thần phát tâm hỷ cúng của nhân dân trong xóm làng. Những mái cong trùng các cao vút nấp mình dưới những vườn cây xanh đã trở thành một biểu tượng chung. Quan sát từ xa thì có thể thấy những hàng cây Thốt nốt đứng thành hàng che mát cả khoảng sân rộng phía cổng làng hoặc cổng tam quan. Những vườn cây Sao, cây Dầu hoặc những khóm Trúc xanh cũng là những hình ảnh quen thuộc gần gũi của ngôi Chùa. Có thể nói thấy có nhiều cây xanh bóng mát thì biết đó là chùa. Cây xanh trong khuôn viên ngôi chùa vừa che mát vừa tạo không khí trong lành, là môi trường sống lí tưởng của các vị sư sãi còn đối với bà con bổn sóc trong các ngày lễ hội trong năm thì thật mát mẻ và an yên khi được nương nhờ nơi bóng mát này. Các vị Trụ trì nối tiếp nhau trông coi giữ gìn, bảo vệ những vườn cây xanh xem như là một công việc quan trọng trong gìn giữ nét độc đáo hình ảnh ngôi chùa bên những vườn cây xanh.Việc bảo tồn các vườn cây là công việc đòi hỏi phải có nhiều tâm huyết mới giữ được những mảnh vườn này trong xu hướng phát triển tự viện xây dựng các cơ sở phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt đòi hỏi cần phải có kế hoạch phương án hợp lí. Vườn cây xanh không những là một cỗ máy điều hoà không khí tự nhiên mà còn là một nét đặc trưng cần gìn giữ và phát huy tại các ngôi chùa của Phật giáo Nam tông Khơme. Luôn được quan tâm chăm sóc một cách thường xuyên các vườn cây mới tạo nên sự thẩm mỹ và các giá trị khác. Vườn cây xanh cũng chính là vườn thiền giúp ích cho việc tu tập, là cảnh quan cho cư gia bá tánh thập phương tham quan lễ bái và tận hưởng không khí trong lành khi dạo bước nơi cửa Phật. Bảo vệ cây xanh là bảo vệ chính cuộc sống của chính mình.Và hành động đó rất thiết thực trong việc góp phần làm chậm và giảm bớt đi quá trình biến đổi khí hậu đang diễn ra và có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của chúng ta hiện nay.
Canh tác nông nghiệp thuận với tự nhiên
Làm nông nghiệp thuận với tự nhiên cũng là một trong những biện pháp góp phần bảo vệ môi trường. Ít sử dụng phân bón, hạn chế sử dụng phân bón hoá học, hạn chế vòng xoay của đất và sử dụng thiên địch để chống lại sâu hại. Theo giáo lý nhân duyên thì cái này sinh ra thì cái kia sinh. Trong vòng xoay cuộc đời thì chỉ cái ăn cái mặc là không thể thiếu. Tuy nhiên cuộc sống của người hiện tại cũng quan trọng thì cuộc sống tương lai của con cháu lại càng quan trọng hơn. Không vì cái lợi trước mắt mà làm cho môi trường sinh thái ngày càng bị ô nhiễm và cạn kiệt. Là một tỉnh thuộc vùng sông nước, đời sống của đại đa số người dân và Phật tử tín đồ sống bằng nghề nông từ nhiều thế hệ qua. Chúng tôi đã rất cố gắng kêu gọi sự chung tay góp sức của toàn thể mọi người nên hạn chế sử dụng các loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ trong canh tác và dần thay thế bằng các phương pháp khác nhằm tránh tác hại đến môi trường tự nhiên. Hạn chế sử dụng các loại phân bón hoá học tránh làm ảnh hưởng lâu dài và làm bạc màu đất đai. Đây là một việc làm vô cùng khó khăn vì hiện nay vì lợi nhuận kinh tế, năng suất nên con người đã bất chấp dù chắc chắn biết rằng nó có ảnh hưởng cho mình và mọi người.Trong những năm gần đây đã có nhiều cánh đồng lớn áp dụng phương pháp trồng hoa để thu hút các loài thiên địch và lợi dụng chúng mà diệt trừ lại các loài sâu bọ phá hại mùa màng. Đây xem ra cũng là một trong những phương pháp làm nông nghiệp thuận với tự nhiên. Vẫn biết rằng đây là công việc sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyên truyền, làm thay đổi cách nghĩ cách làm cho một bộ phận quần chúng nhân dân là một việc không hề dễ. Tuy nhiên chúng ta cũng vẫn phải cố gắng chung tay vì sự an lành của các thế hệ mai sau.
Bảo vệ môi trường là một việc làm có ý nghĩa rất lớn cho đời sống hiện tại và vì các thế hệ mai sau. Đó được xem như là trách nhiệm cần nghiêm túc thực hiện để hạn chế tối đa những tác hại không tốt cho môi trường tự nhiên. Mỗi người, mỗi nhà đều ý thức được luật nhân quả và áp dụng tinh thần tri túc thiểu dục sẽ không chỉ hạn chế được nhiều tác hại làm ảnh hưởng tới môi trường mà còn tích cực bảo vệ được cuộc sống của chúng ta. Cần lắm những tấm lòng có ý thức và chung tay chung sức vì một trái đất xanh. Với mục đích ý nghĩa này chúng tôi sẽ và đang tiếp tục góp một phần sức nhỏ của bản thân vào việc truyền bá chánh pháp kết hợp với việc nhắc nhở mọi người Phật tử phải luôn ghi nhớ việc bảo vệ chính môi trường sinh sống của chính mình. Vài ý mọn xin được góp phần làm cho Hội thảo Hoằng pháp năm 2019 được tổ chức tại Huế thêm phong phú đa dạng.
Thượng tọa Lý Đức
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tôi yêu Đất mẹ
Môi trường 20:20 21/12/2024Chỉ có tình thương mới có thể giúp ta biết sống hài hòa với thiên nhiên và mọi loài. Chỉ có tình thương mới cứu chúng ta khỏi những hiểm họa của biến đổi khí hậu. Khi thấy được những đức hạnh và tài năng của Mẹ, thì ta sẽ nhận ra sự liên hệ mật thiết giữa ta với Mẹ.
Sài Gòn lạnh, Đồng Nai 18 độ C
Môi trường 11:20 20/12/2024Sáng 20/12, thời tiết các tỉnh Nam Bộ và TP.HCM se lạnh, các nơi đều đồng loạt giảm nhiệt, nhiệt độ thấp nhất ghi nhận tại Đồng Nai 18 độ C.
Hoa hậu H’Hen Niê dọn rác làm sạch môi trường biển
Môi trường 13:47 18/12/2024Năm thứ 2 đồng hành "Ngày hội sống xanh", Hoa hậu H’Hen Niê nhận thấy có sự thay đổi ở những nơi đã từng được tuyên truyền và hy vọng mọi cùng chung ta vì cuộc sống chất lượng hơn.
Miền Bắc tiếp tục rét đậm, có nơi dưới 7 độ C
Môi trường 21:17 16/12/2024Nhiệt độ tại miền Bắc vẫn duy trì mức thấp dưới 20 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 7 độ C. Cuối tuần này, miền Bắc đón thêm không khí lạnh kèm mưa nhỏ.
Xem thêm