Học đạo quý vô tâm, tự nhiên và giản dị
Thưa Thầy, con thường hay bị “khựng lại” sau khi bị vọng tưởng hay tác ý khởi lên điều gì đó. Con biết đó là cố ý thấy rõ chứ không phải tự nhiên thấy. Con thắc mắc nhưng giây phút “khựng lại” ấy nó lặp lại nhiều lần quá có sao không ạ?
Làm sao để tự nhiên thấy chứ không phải cố ý thấy thưa Thầy?
Trả lời:
Trong tu học lúc đầu vẫn còn bản ngã nên dễ bị nó điều khiển. Cho nên tinh tấn chánh niệm tỉnh giác cũng là của bản ngã chứ chưa phải tinh tấn chánh niệm tỉnh giác của tự tánh vốn có.
Rồi mình cứ hành như vậy cho đến một lúc nào đó thì bỗng nhiên… cái “bỗng nhiên” này thật “không thể nghĩ bàn”, không biết đó là do Pháp vận hành, là Pháp khai thị hay sao đó. Nói theo Công Giáo thì đó là giây phút “mặc khải”, lúc đó mình quên luôn chính mình, bản ngã bỗng nhiên hoàn toàn buông xuống. Giây phút ấy thường rất ngắn, có khi là mấy giây thôi, nhiều lắm là ba chục giây.
Trong khoảnh khắc bỗng nhiên không còn bản ngã, ngay đó chợt thấy “Ủa sao mình không tu gì cả mà còn thấy rõ hơn cả khi cố gắng tinh tấn chánh niệm tỉnh giác”. Những giây phút như vậy bản thân Thầy gặp rất nhiều lần.
Hồi đầu khi Thầy còn đang tu hành rất tích cực miên mật. Tích cực miên mật đến độ Thầy đi trong chánh điện tắt đèn hết mà bỗng nhiên cả chánh điện bừng sáng lên, nhìn lại thấy không có cái đèn nào bật cả mà sao sáng lên như đang bật đèn vậy.
Thầy thấy “Vậy là không đúng rồi, bừng sáng thế này là ấn chứng của thiền định, chứ không phải thiền tuệ”. Sau này Thầy nghiên cứu sâu hơn mới biết đó là một trong 10 trở ngại của thiền tuệ, nhưng lúc đó có thể Pháp nhắc Thầy hay sao đó, mà Thầy biết ngay đó chỉ là ấn chứng của thiền định. Nhưng rồi biết vậy thôi chứ mình đâu có cách tu học nào khác, ngoài cứ hành trì tích cực miên mật như cũ. Vẫn cứ thận trọng đi với giở-bước-đạp, rồi phồng-xẹp này kia, cứ làm hoài như vậy.
Đến một hôm, (cười) chuyện này Thầy kể rồi, hồi đó Thầy ở chùa Kỳ Viên. Bữa đó Thầy đang thiền hành thì bị đau bụng, đi thiền hành thì mình đi chậm chậm từng chút một, vậy mà lúc đó đau bụng quá chịu không nổi Thầy liền bỏ chạy. Từ chánh điện phải chạy xuống phòng ăn, chạy ra ngoài sân, rồi chạy lên cầu thang, rồi mới tới hành lang và chạy tới cuối dãy phòng mới tới được cái toilet.
Thật là lùng trong khi chạy hoàn toàn là sự vận hành của pháp, không có một ý đồ nào khác của bản ngã, chỉ có chạy và chạy thôi. Lúc đó Thầy chợt nhật ra “Ủa, sao trong lúc mình bỏ tu lo chạy vậy mà lại thấy rất rõ ràng?”.
Và Thầy ngộ ra một điều, rằng mình đã làm việc tu học trở nên phức tạp, lẽ ra cần để tâm rất là giản dị thì mình lại cố làm theo ý mình, không để tâm tự nhiên nên mình không “vào được pháp”. Té ra chính lúc tâm giản dị tự nhiên, không có ý đồ gì cả thì tinh tấn chánh niệm tỉnh giác lại đúng mức nhất, phù hợp nhất. Từ đó Thầy cứ để tâm tự nhiên, và thấy mọi sự đều vô cùng rõ ràng minh bạch.
Để tâm tự nhiên mới là vô ngã, chứ làm theo ý mình thì bản ngã rồi. Toàn bộ tiến trình thân & tâm đều tự trôi chảy một cách hoàn toàn tự nhiên. Trên dòng chảy tự nhiên ấy bản ngã cứ xen vào, muốn thế này, cần thế kia, phải thế nọ nên Thầy mới nói “bản ngã luôn cướp công pháp, ăn trộm pháp và thọc gậy bánh xe pháp”.
Để tự nhiên thì tâm mới trở về an tịnh - chánh trí - giác ngộ - Niết Bàn. Đạo Đế và Diệt Đế vốn có sẵn, chỉ có Tập Đế & Khổ Đế do bản ngã tạo ra mà tự che lấp & trói buộc mình thôi. Giác ngộ là thoát ra khỏi Tập Đế & Khổ Đế để trả tâm trở về với Đạo Đế & Diệt Đế vốn đã có sẵn nơi mỗi người.
Khi đã có sẵn tức hoàn toàn bình đẳng, không phải người này giác ngộ cao hơn, người kia giác ngộ thấp hơn, không có chuyện đó. Niết-bàn không phải của riêng ai mà đã có sẵn nên ai cũng sẽ giác ngộ giống như nhau.
Đạo Đế và sự giác ngộ cũng không phải là công lao của mình, nên có một câu nói rất đúng là “chân giác vô công” - tức giác ngộ không có công lao nào hết. Nói đến “công lao” là khi cho rằng "tôi giác ngộ" do "tôi giữ giới rất là giỏi, tôi thiền định rất là cao, tôi thiền tuệ rất là miên mật".
Khi chưa giác ngộ thì tưởng rằng giác ngộ là công lao "của Tôi", khi giác ngộ rồi mới thì thấy tánh biết tự thấy pháp, lặng lẽ chiếu soi một cách hoàn toàn tự nhiên, không có Tôi, của Tôi trong đó, hoàn toàn không phải "Tôi giác ngộ" nên đâu có “công lao” của ai đâu.
Cho nên đang tu hành theo bản ngã mà “khựng lại” là đúng, khựng lại vì phát hiện mình đang bị bản ngã sai khiến, khựng lại là ở giữa ngã và vô ngã trong tinh tấn chánh niệm tỉnh giác…
Nguồn: Ghi chép từ kênh YouTube của Sadhu Lành Thay
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tự tánh của tâm và biểu hiện của tâm
Hỏi đáp cùng Thầy Viên Minh 08:48 20/11/2024Thầy ơi cho con hỏi, khi nào gọi là tâm, khi nào là không có tâm? Sao có lúc thì là tâm, có lúc không phải là tâm, con không hiểu, xin Thầy hoan hỉ trả lời giúp con.
Hội đủ 5 yếu tố tạo nên nghiệp sát
Hỏi đáp cùng Thầy Viên Minh 19:40 19/11/2024Hỏi: Con muốn hỏi Thầy về giới, Thầy cho con hỏi sử dụng xà bông, nước rửa chén, kem đánh răng hay bột giặt có phải là phạm giới sát sanh? Hồi xưa thời của đức Phật không có những thứ này nên các vị thời đó nếu muốn giữ giới đều có thể hoàn hảo có phải không Thầy?
Hiểu rõ hai chữ "căn tu"
Hỏi đáp cùng Thầy Viên Minh 13:46 16/11/2024Thưa Thầy, làm thế nào để nhận biết một người có “căn tu” ạ?
“Chỉ khi nào không mong cầu gì thì vạn sự mới như ý”
Hỏi đáp cùng Thầy Viên Minh 11:00 15/11/2024Hỏi: Kính thưa Thầy, thật sự thì pháp đang muốn chỉ ra cho con bài học gì vậy Thầy?
Xem thêm