Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 09/11/2024, 13:53 PM

Học để tu

“Lúc này thầy làm gì?” là câu thăm hỏi mà tôi rất thường được nghe. Nếu tôi trả lời “chỉ ở chùa tu” thì họ sẽ nói rằng: “Thầy học hành cũng đến nơi đến chốn mà không làm gì hết, uổng quá vậy”.

Có lẽ đó là quan niệm thông thường của mọi người, rằng người ta phải làm một cái gì đó thì mới trở nên có giá trị trong xã hội. Làm một cái gì đó vừa chứng tỏ mình có năng lực vừa thể hiện sự thành công, thành đạt. Còn không làm gì hết thì vô dụng quá. Và không biết từ khi nào, người tu cũng thích tham gia các hoạt động bên ngoài như muốn có được một chức vụ nào đó trong Giáo hội, làm giảng sư, giáo thọ, người dẫn chương trình… chứ ít ai chịu an phận làm một người tu bình thường ở chùa.

Thật ra, tôi nghĩ rằng, làm một người tu “phó thường dân” ở chùa mới là điều bình thường của một người tu, vì việc làm chính yếu của người tu chính là tu, chứ đâu phải làm chức nọ, việc kia. Nếu có làm chức việc nọ kia thì chẳng qua cũng vì đáp ứng nhu cầu của thời đại vậy thôi, còn “bổn phận sự” của người tu chính là ở chùa tu. Ở chùa quét chùa, tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền, thúc liễm sáu căn, trau dồi giới định huệ để đạt đến sự giác ngộ. Còn làm chức nọ, việc kia thật ra đó là phương tiện, bất đắc dĩ, không thể không làm chứ có gì đâu mà ham muốn hay tự hào. Vì đó không phải là bổn phận, là việc làm chính yếu của người tu.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Hãy nhớ lại lúc chúng ta phát tâm xuất gia, có phải chúng ta xuất gia vì để tìm danh lợi không? Chúng ta phát tâm xuất gia vì thấy đời sống tu hành ở trong chùa thanh cao. Ta thấy người tu không màng thế sự, rũ bỏ lợi danh, chỉ một lòng tầm cầu giác ngộ giải thoát mà thôi. Hoặc ta thấy người tu là những vị Bồ-tát giữa đời thường đang phụng sự chúng sinh một cách vô ngã. Nhưng tại sao dần dà ta quên đi những điều đó? Và ta lại đi tìm kiếm, thậm chí tranh giành những thứ mà mình từng từ bỏ trước kia?

Nói vậy sẽ có người hỏi rằng, vậy người tu học nhiều để làm gì? Câu trả lời rất đơn giản: “Học để tu”. Muốn tu thì phải biết phương pháp, con đường để tu, và học chính là tìm hiểu phương pháp, con đường đó. Không phải biết lơ mơ mà phải biết rõ ràng, biết chắc chắn, biết chính xác, cho nên cần phải học nhiều. Trong chúng ta đây, dù mới tu hay đã tu lâu rồi, có bao giờ tự hỏi mình đã thật sự biết con đường hay chưa? Và mình đã đặt chân trên con đường đó chưa? Rằng mình đã đi đúng trên lộ trình của một đệ tử Như Lai chưa, hay mình đang đi trên lộ trình nào khác, để rồi nó dẫn mình đến một đích đến khác?

 Học để tu. Từ thời Đức Phật đã vậy rồi. Một người sau khi xuất gia, Đức Phật dạy họ phương pháp tu tập và họ tu tập cho đến khi đạt được mục đích giác ngộ, giải thoát. Chúng ta ngày nay đi tu cũng thế thôi, cũng lấy giác ngộ, giải thoát làm mục tiêu. Hoằng pháp là gì? Hoằng pháp không phải là một nghề, một công việc hay một địa vị xã hội. Hoằng pháp là chia sẻ những điều mà mình đã học, đã tu với người khác để họ cũng biết tu như mình. Đó cũng là cách để đền ơn Phật, Tổ và các vị thầy mà nhờ họ mình mới biết đường tu. Như vậy việc một người học xong rồi thì ở chùa tu là đúng Chánh pháp, là việc cần làm, nên làm chứ làm sao lại nói rằng học ra không làm gì là uổng? Ngược lại học ra mà không áp dụng để tu mà lại đi làm việc này việc nọ thì mới thực sự là uổng?

Sách Tuân Tử có viết: “Cổ chi học giả vi kỷ, kim chi học giả vi nhân”, có nghĩa là người xưa học vì mình, còn người nay học vì người. Học vì mình là có ý rằng học để bồi dưỡng đức hạnh của bản thân. Còn “học vì người” là xuất phát từ động cơ bên ngoài, học là để cho người khác biết đến mình. Việc học Phật pháp cũng như vậy. Cho nên chỉ sợ gánh quá nhiều trách nhiệm bên ngoài mà không thể làm một người bình thường ở chùa để tu thôi, chứ tu hành làm sao mà uổng được.

Học để tu cũng có nghĩa là mục đích của việc học là để tu chứ không phải để tìm một cái nghề kiếm sống, không phải có nhiều kiến thức để khoe khoang với thiên hạ rằng mình là người học cao hiểu rộng. Nếu học với mục đích như thế thì đó là bệnh chứ không phải là điều tốt. Quả thật, hiện tại có một số người như vậy. Họ luôn luôn muốn chứng tỏ với thiên hạ về vốn kiến thức mà họ cho rằng uyên bác của mình, cái gì mình cũng biết. Họ nói thao thao bất tuyệt, trên mọi lãnh vực, từ sở trường cho đến sở đoản.

Đức Phật không bao giờ khen người học nhiều, càng không khen người nói nhiều. Vì nói là vọng tưởng, là hướng ngoại, và có thể gây tranh đấu. Học không đưa đến chứng đắc đạo quả. Học cũng như người đếm tiền của người khác, còn tu mới là tiền của mình. Tiền của người khác dù có rất nhiều cũng không thể xài, còn tiền của mình dù ít cũng xài được. Cũng vậy, người học nhiều, biết nhiều, nói nhiều không diệt trừ được phiền não, khi đối cảnh thì tham sân si dấy khởi, không có chút lợi ích nào cho thân tâm. Còn người tu, dù tu ít cũng rất ích lợi cho thân tâm. Phiền não dần dần vơi mỏng, phát sinh trí tuệ chân thật và cuối cùng là chứng đắc đạo quả.

Đạo Phật chủ trương “Duy tuệ thị nghiệp”, lấy trí tuệ làm sự nghiệp, chỉ có trí tuệ mới là sự nghiệp của người tu. Trí tuệ ở đây là trí tuệ chân thật có được nhờ sự thành tựu giới và định, chứ không phải kiến thức học tập từ bên ngoài. Cho nên ‘Duy tuệ thị nghiệp” cũng có nghĩa là lấy giác ngộ làm sự nghiệp, lấy minh tâm kiến tánh làm sự nghiệp. Người thế gian lấy nhà cửa, đất đai, tiền bạc, địa vị, danh vọng làm sự nghiệp, còn người tu thì lấy trí tuệ, lấy sự giác ngộ làm sự nghiệp của cuộc đời mình.

Chữ đạo nghiệp ở trong Phật pháp có nghĩa là sự nghiệp giác ngộ, giải thoát, là đạt đến Niết-bàn, là chấm dứt sinh tử luân hồi, điều mà trong kinh gọi là “Sinh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm xong; không còn trở lui lại trạng thái này nữa”. Đạt được những mục tiêu trên được gọi là thành tựu đạo nghiệp. Cũng như Đức Phật và các vị Thánh tăng ngày xưa, các ngài không có chùa chiền, địa vị hay danh vọng nhưng thành tựu giác ngộ, giải thoát, đó mới là đạo nghiệp thật sự.

Kiến thức thuộc tư tưởng, dẫn dắt chúng sinh đi trong sinh tử luân hồi. Còn trí tuệ thuộc chân tâm có tác dụng phá tan vô minh, giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Kiến thức, tư tưởng, tư duy tuy quan trọng trong đời sống nhưng là một chướng ngại lớn cho thiền định. Chúng như những đám mây nhiều màu sắc, tuy rất đẹp nhưng lại che lấp mặt trời trí tuệ. Chỉ khi tư tưởng được buông xuống hoàn toàn thì sự giác ngộ mới xảy đến. “Đoạn trừ phiền não càng thêm bệnh/ Hướng đến chân như cũng là tà” hay “Cố ý trồng hoa, hoa chẳng nở/ Vô tình cắm liễu, liễu lại xanh” chính là ý đó vậy.

Tôi học Phật pháp mấy mươi năm, tìm hiểu cách tu hành của các tông phái nhận thấy rằng tất cả các tông phái Phật giáo đều có một điểm chung là hướng nội, buông bỏ tư tưởng để thể nhập chân tâm. Người niệm Phật thì buông bỏ vạn duyên, chỉ nhớ câu niệm Phật. Niệm đến vô niệm thì “hoa khai kiến Phật”. Hành giả Thiền tông ít nghiên cứu kinh sách, chỉ chuyên tâm tham thiền. Khi một niệm không còn thì tự nhiên ngộ đạo, như ngài Hương Nghiêm chẳng hạn.

Các tông phái Phật giáo cũng đều cho rằng cái trí tuệ của chính mình mới chân thật và bao la vô tận, như nước biển không cùng. Còn kiến thức học từ bên ngoài thì không thật, tức là khi đúng khi sai và rất hữu hạn, chỉ như bọt nước trên mặt biển chân như vậy thôi. Điều này cũng được diễn tả ở phẩm Tùng địa dũng xuất trong kinh Pháp hoa. Rằng các vị Đại Bồ-tát ở cõi nước phương khác thì đông hơn số cát của tám sông Hằng, trong khi đó chúng Đại Bồ-tát ở cõi Ta-bà đông hơn rất nhiều, như số cát của sáu muôn sông Hằng. Ngoài ra “mỗi vị Bồ-tát có sáu muôn hằng hà sa quyến thuộc”. Bồ-tát ở cõi khác là chỉ cho kiến thức bên ngoài do học hỏi mà có, còn Bồ-tát ở cõi Ta-bà, từ dưới đất vọt lên, là trí tuệ vốn có của mỗi người. Và qua đó chúng ta thấy rằng pháp môn nào cũng dạy chúng ta trở về với chân tâm, với trí tuệ chân thật vốn có của chính mình vậy.

Thế nên, tôi không bao giờ cảm thấy uổng phí khi học xong mà không làm việc, vì mình đã xác định học là để tu. Không tu mới là uổng. Tôi luôn nghĩ rằng, tự lợi mới có thể lợi tha, mình đã bỏ tất cả để đi tu, thì phải đạt được cái gì đó về mặt tâm linh và giải thoát. Đi tu mà chỉ chuyên học tập, nghiên cứu hoặc làm những công việc ngoài tâm thì mấy mươi năm “ăn chay nằm đất” ở chùa coi như chưa thành tựu được gì, bất quá chỉ là một người tốt mà thôi.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Nương tựa Tam bảo, an lạc vững chắc mãi mãi

Kiến thức 14:00 09/11/2024

Nhiều người cho rằng quy y Tam Bảo sợ có tội, sợ giữ giới không được là mang tội.. vì mình còn trẻ, còn làm ăn, còn giao tiếp, còn bạn bè...Hiểu như vậy là chưa chính xác.

Học để tu

Kiến thức 13:53 09/11/2024

“Lúc này thầy làm gì?” là câu thăm hỏi mà tôi rất thường được nghe. Nếu tôi trả lời “chỉ ở chùa tu” thì họ sẽ nói rằng: “Thầy học hành cũng đến nơi đến chốn mà không làm gì hết, uổng quá vậy”.

Người niệm Phật ma quỷ chẳng dám đến gần

Kiến thức 12:40 09/11/2024

Tôi có một người bạn học đã qua đời nhiều năm, lúc ông ta vào tuổi trung niên đã từng làm viện trưởng bệnh viện Vinh Dân ở Thạch Bài Đài Bắc, chúng tôi là bạn học cùng lớp. Ông ta nói với tôi rằng: Thật là có ma, những người trong bệnh viện đều tin có ma.

Người Phật tử quyết tâm dứt khổ tìm vui, phải tu đức hỉ xả

Kiến thức 12:15 09/11/2024

Sống trên đấu trường nhân loại, trong cõi đời trần tục nhiễm ô, nếu ai cố ôm chặt lòng thù hận chấp nê thì không sao tránh khỏi cảnh lầm than đau khổ. Muốn thoát khổ được vui, con người phải gỡ bỏ những mối dây oán hận, tẩy sạch những vết nhơ ô nhiễm trong cõi lòng mình cho được nhẹ nhàng trong sạch.

Xem thêm