Học nói lời hay
Ông bà ta dạy từ thuở làm người là phải học ăn, học nói, học gói, học mở, bởi vì tục ngữ có câu: “Sẩy chân thì đỡ, sẩy miệng không đỡ được”. Người Trung Hoa có câu: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”, nghĩa là một lời nói ra, bốn ngựa khó đuổi theo kịp.
Bởi vì giá trị lời nói rất lớn, lời nói được duyên được nợ, lời nói được vợ được chồng. Nếu ngược lại thì lời nói đọi máu, lời nói gói tội, lời nói chết cây chết cành, lời nói mất gồng mất gánh. Bởi thế không bao giờ được nghĩ và hành động theo suy nghĩ “lời nói gió bay” mà sinh ra nói năng bừa bãi, hành động bừa bãi. Lời nói quan trọng như thế nên thời Tam Quốc, Gia Cát Khổng Minh mượn lời nói chọc tức Chu Du, tướng giỏi của Ngô - Tôn Quyền. Kết quả là chẳng cần binh đao, mà tướng Ngô - Chu Du tức hộc máu ra mà chết! Vậy thì trong tình yêu, tình vợ chồng, cũng phải rèn giũa lời nói sao cho vừa lòng nhau. Đừng vì lời nói mà cãi vã, nổi giận...có khi vợ chồng bỏ nhau chỉ vì chấp mấy lời nói lúc cáu giận thiếu cân nhắc. Đàn ông hay nóng tính quát tháo, nặng lời..., đàn bà hay đay nghiến, cằn nhằn, xói xỉa…, những tật ấy cũng phải rèn luyện liên tục, lâu dài mới sửa được… Bởi thế Tu là Tu suốt đời, liên tục mới mong thành tựu để lại nghiệp lành cho con cháu, chết đi mới được về cõi Phật.
Nói cũng phải học “Ai cũng phải học nói”. Con người khi lọt lòng mới đầu chỉ biết khóc, biết cười. Khóc vì đói vì khó chịu; cười vì no, thỏa mãn. Rồi bập bẹ nói tiếng “mẹ”, tiếng “cha”, tiếng “bà”. Sau khi lớn lên, lời nói ngày càng phát huy tác dụng to lớn trong đời sống con người, ngày càng trở nên quan trọng. Thử nghĩ mà xem, nếu mất đi tiếng nói thì ngay trong muôn mặt đời sống của con người sẽ khó khăn như thế nào. Có lời nói của một người trở thành của mọi người, thành câu ca dao phổ biến trong nhân gian thành chân lý.
Ngôn ngữ của con người nói ra có nhiều dạng, nhiều cách khác nhau như: nói gần nói xa, nói ngon nói ngọt, nói toạc móng heo, nói suông nói càng, nói bậy nói đùa, nói bởn nói chơi, nói ngược nói xuôi, nói dóc nói khoét, nói nước hai, nói lững, nói bóng nói gió, nói xàm nói tục, nói vuốt đuôi, nói ngọt lọt tới xương, nói chắc như đinh đóng cột, nói như thánh phán.
Có những lời nói mãi rực rỡ tấm lòng trung nghĩa như lời nói của Trần Bình Trọng năm 1285: “Thà làm quỷ nước Nam, chứ không làm vương đất Bắc”. Có lời nói của người chuộng nhân nghĩa; có lời nói của kẻ gian tham vô nhân vô nghĩa; có lời nói của người trung thực; có lời nói của người thủy chung tình nghĩa; có lời nói chia rẽ vợ chồng; có lời nói của kẻ phản bội vong ân, gây thù chuốc oán, gieo họa cho gia đình, bạn bè, làm hư việc; có lời của người giác ngộ, hay mê muội.
Có lời nói “ngọt tựa mía lùi”, “kiến trong lỗ cũng phải bò ra”; có lời nói “dùi đục chấm mắm”; có lời nói lạc lõng, vô duyên, bất cận nhân tình và “danh bất chính, ngôn bất thuận”, ăn ở bất hiếu, thì lời nói không thuận tai ai, dạy ai được. Có lời nói nhả ngọc phun châu; có lời nói tiếng bấc tiếng chì “Miệng kẻ sang có gang có thép”, “chẳng được miếng thịt nắm xôi, cũng được lời nói cho tôi bằng lòng”, “miệng nam mô bụng bồ dao găm”, “lưỡi không xương nhiều đường lắc léo”, “lời nói đọi máu”…
Có những lời nói của Thánh nhân “ngôn vi thiên hạ pháp” trở thành danh ngôn, châm ngôn cho nhân loại đời đời. Như lời nói của Thích Ca Phật và Khổng Tử, Lão Tử… kể không sao hết những lời nhận xét bình phẩm hay răn dạy về tính chất hiệu quả của lời nói, cách nói trong ngôn ngữ con người. Có người lợi khẩu nói năng trôi chảy, hoạt bát, có người bẩm sinh phát âm khó khăn, ngọng, lắp thành tật, có người rặn mãi mới được một câu. Lời nói không chỉ ở miệng lưỡi mà còn là “ngôn vi tâm thanh”. Lời nói cũng là tiếng lòng, là ký hiệu của tâm: “âm tuy thành ở ngoài miệng, mà thực phát ra tự trong lòng”, như người xưa nhận xét. Có khi vì hoàn cảnh, vì khổ tâm, lời nói có khi khác với cảm nghĩ thực ở trong lòng. Nói chung lời nói cũng vẫn là từ lòng người, biểu lộ tư tưởng, tâm trạng tính cách, phẩm hạnh con người, chỉ khi ra đến đầu miệng lưỡi mới chọn hình thức biểu đạt, âm vực cao thấp khác nhau mà thôi. “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn thì lưỡi là cửa lớn, khuôn mặt là bản đồ…”
Ai cũng biết nói, theo nghĩa là nói được bằng lời, nhưng không phải ai cũng “biết nói nên lời” để thành người. Cho nên biết nói, nói sõi, nói rành, nói được thành câu thành chuyện rồi vẫn phải tiếp tục học nói. Học xử sự giao tiếp bằng lời nói, người Việt Nam rất coi trọng lời nói cũng như từ xưa và nay. Và ông bà ta ca ngợi những người có tài “khôn ngoan đối đáp người ngoài”.
Cha mẹ dạy con gái không chỉ “tam tòng” mà cả “tứ đức” công dung ngôn hạnh. Có bài ca “đừng nghe những gì con gái nói”, con gái nói ghét đó là thương, nói thương chính là ghét, nói không chính là có… đó là mắc cỡ, là tánh nhút nhát, kín đáo, e thẹn, né tránh sự thật… Ngôn là lời nói mà nói là một đức hạnh của người con gái, của đàn bà. Đàn bà người ta thường hay nói là đàn bà nhiềuchuyện, hỗn hào, xấc xược thèo lẻo, chửi rủa, chê bai, ngồi lê… Theo chữ Hán nôm thì ba chữ nữ họp lại hành chữ gian. Nghĩa là ba người nữ họp lại thì nói chuyện thị phi, nói xấu không người nầy thì là người khác. Cổ đức nói “Một con gà và ba người đàn bà họp lại là thành cái chợ”.
Người con trai ngày xưa cũng như ngày nay, khi yêu người con gái thì một trong mười cái thương, là thương người con gái “thương ai ăn nói dịu dàng dễ nghe”. Cho nên chớ coi thường việc “uốn lưỡi trước khi nói” nghĩa là suy nghĩ, là lựa lời trước khi nói. Người người Việt bảo nhau “ăn phải nhai, nói phải nghĩ”. Khổng Tử dạy học trò là Nhan Uyên: “Chơi với mọi người mà muốn suốt đời không lo sợ. Thế là biết chọn lời rồi mới nói”. Sức mạnh của lời nói đối với con người có ảnh hưởng rất lớn. Trên đời có nhiều người thành công, thành danh nhờ ở miệng lưỡi. Những nhà chính trị, các nhà truyền giáo thành công cũng nhờ ngôn ngữ.
Trong giao tiếp, chúng ta dùng lời nói êm ái và thành thực. Người nào lâm nạn bị đau khổ, ta lấy lời an ủi, làm tinh thần họ được êm dịu. Với người quá dữ, ta nên khuyên họ, khích lệ họ, phải khích phát họ, nên cần sự tiến bộ thêm. Tóm lại, lấy lời dịu hiền thuyết phục được người khác, họ mới nghe lời ta.
Một lời nói có thể nên cơ đồ, mà cũng có thể hại sự nghiệp; một lời nói có thể giữ được danh dự, mà cũng có thể làm tổn thương đến nhân phẩm của mình. Tống Mẫn Công chỉ vì quá suồng sã, coi thường ngôn ngữ đến nỗi làm cho Nam Cung Trường Vạn, vừa là bầy tôi thân cận, vừa là bạn cũ, phải làm phản - hạ sát vua. Rõ ràng, việc sử dụng ngôn ngữ là một thuật rất cao. Ngay cả người khôn ngoan kín đáo như Lưu Bị mà cũng có khi sơ hở. Lưu Bị khi tá túc nơi Lưu Biểu thường lo lắng vì sự nghiệp chưa thành. Môt hôm, nhân vì Lưu Bị ưu sầu, Lưu Biểu mới an ủi: “Ta nghe khi hiền đệ uống rượu thanh mai với Tào Tháo và đàm luận anh hùng. Tháo đã coi thiên hạ là lục lục thường tình. Mà chỉ cho y và hiền đệ là hạng anh hùng mà thôi, thì hiền đệ lo gì sự nghiệp chẳng thành”. Lưu Bị hứng chí đáp: “Nếu có sẵn cơ bản thì những bọn tầm thường trong thiên hạ Bị có coi vào đâu”. Nói xong, Lưu Bị biết mình đã lỡ lời, đã để lộ tâm trạng, bèn giả say từ tạ Lưu Biểu về quán dịch rồi thừa cơ trốn luôn. Lời chưa nói ta làm chủ nó, nói ra rồi nó làm chủ ta. Chim bị vướng vì cái chân của nó; con người thì vướng cái lưỡi của họ vậy. Jean de La Bruyère - một văn hào Pháp nói: “Hãy suy nghĩ kỹ những điều ta nói, nhưng đừng nói tất cả những điều ta nghĩ”. Delarue Mardrus nói: “Đương lúc thích chí, gặp người thích chí, nói chuyện thích chí, thì ngôn ngữ lại càng phải cẩn thận”.
Thông thường, chúng ta có khuynh hướng xem nhẹ khẩu nghiệp, vì hậu quả của lời nói thường không biểu hiện mạnh mẽ tức khắc như thân nghiệp. Nhưng nếu chịu khó bình tâm suy tư, chúng ta nhận thức được rằng lời nói có tầm ảnh hưởng rất quan trọng và có khả năng đưa lại kết quả vô cùng to lớn trong việc thiện cũng như trong điều bất thiện. Lời nói có thể khơi dậy lòng căm thù, tiêu diệt đời sống, gây chiến tranh, mà cũng có khả năng mở mang trí tuệ, hàn gắn chia rẽ và đem lại thanh bình an lạc. Nếu con người có thể kiểm soát được khẩu nghiệp của mình thì nhân loại chẳng những tránh được biết bao phiền phức rối ren đau khổ, mà đời sống trên thế gian này cũng được tốt đẹp, thoải mái dễ chịu, đáng sống. Khẩu nghiệp là kết quả của cái miệng, mà nhiệm vụ của cái miệng bao gồm sự ăn uống và cách diễn đạt tư tưởng tình cảm của con người. Khẩu nghiệp là ám chỉ hậu quả của lời nói, và hậu quả của lời nói có thể tốt hoặc xấu. Do đó lời nói rất là quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn trong cuộc sống hằng ngày của tất cả mọi người chúng ta. Cổ nhân có dạy:
“Muốn nói, bớt bảy còn ba
Bớt hai còn một mới là an vui”.
Một lời nói chẳng mất gì cả. Vậy mà vì tính ích kỷ tham lam, sân hận si mê nên đã tuôn ra những lời khó nghe, tạo sự ly gián giữa người với người, gây thù kết oán, làm cho họ phải điêu đứng, ấm ức, thất điên bát đảo, trong khi đó, mình lại vui cười sung sướng trên sự đau khổ của người khác. Như vậy thật chẳng đáng làm người chút nào. Nếu chúng ta không thể nói lời dịu dàng, dễ thương được thì tốt nhất là nói ít lại hoặc thực tập im lặng, còn hơn là phải nói ra những lời nói khó nghe, ngang ngược, kiêu ngạo phi lý, gây tổn hại đến đời sống và danh dự của người khác. Vì vậy: “Dù nói hàng ngàn lời vô ích, không bằng chỉ nói một lời đúng chính nghĩa. Nói lời đúng chính nghĩa có lợi ích làm cho tâm người nghe được bình an”. Thật đúng như vậy! Chúng ta nói nhiều những lời vô ích thì sẽ mắc bệnh nói nhiều, nói dai, nói dở. Nếu chúng ta biết nói ít lại, nói những lời tốt đẹp thì không chỉ chúng ta được lợi ích mà người khác cũng được vui theo. Cho nên, Phật dạy: “Im lặng như chánh pháp, nói năng như chánh pháp”, lời dạy của Phật làm cho ta thấm thía biết dường nào. Vì vậy, Đức Phật dạy chúng ta phải thực hành lời nói sao cho không gây nên tội lỗi, tức là lời ăn tiếng nói phải đúng đạo lý như Pháp, để tránh nghiệp dữ do lời nói gây ra, tức là phải thực hành các điều lành về khẩu nghiệp. Khẩu nghiệp là nghiệp do lời nói gây ra, tác động lợi hoặc hại, tốt hay xấu có thể xảy ra ngay tức thì, cũng có thể để lại hậu quả cho sau này hoặc cho kiếp sau. Khẩu nghiệp có thể là nghiệp lành nếu điều nói ra nó gây ra những hậu quả tốt lành do làm lợi cho người khác hoặc cho cộng đồng. Khẩu nghiệp có thể là nghiệp ác nếu lời nói gây ra những hậu quả xấu làm hại người khác hoặc làm hại cho cộng đồng. Khẩu nghiệp tạo ra tốt hay xấu có thể do nội dung lời nói, do sắc thái giọng nói và có thể do cả thái độ khi nói. Do nội dung lời nói không chánh pháp gây ra những nghiệp xấu. Bản thân mỗi nghiệp nói ấy còn được biểu hiện dưới nhiều vẻ, nhiều hình thái khác nhau như thái độ và nét mặt khi nói không đúng đắn. Những điều đó phụ thuộc vào động cơ, mục đích của người nói, tùy theo hoàn cảnh, thời gian và điều kiện khi nói.
Nếu như ai đó cảm thấy cuộc đời nhiều đau khổ, không vui vẻ, chẳng bình yên, tức là chính người đó cần phải điều chỉnh lại lời nói, cho vừa dễ nghe, cho vừa dễ thương. Tại sao như vậy? Bởi vì, chính người đó cũng muốn nghe những lời nói dễ nghe, dễ thương như vậy. Hoặc là, người đó cần phải điều chỉnh lại âm thanh, sắc thái giọng nói sao cho vừa đủ nghe, sao cho để khỏi làm phiền lòng người khác ở xung quanh đang cần sự yên tĩnh, để tâm hồn được thanh tịnh, hay để được nghỉ ngơi thoải mái.
Ngoài lời Phật dạy khuyên chúng ta nói đúng, nói ít, hay thực tập im lặng ra, còn có những bậc thánh nhân, triết gia, thi hào, nhân sĩ cũng đều khuyên chúng ta nên nói ít lại. Đức Khổng Tử đã dạy học trò rằng: “Đa ngôn đa quá” (nói nhiều thì lỗi nhiều). Và thi sĩ Hàn Mặc Tử đã nhắn gửi:
“Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu rung trong gió
Và để xem trời giải nghĩa yêu”.
Lắng đọng tâm tư, chúng ta mới có thể nghe được tiếng “nước hồ reo”, tiếng “tơ liễu rung trong gió” và thấy được bầu trời giao cảm đang giải nghĩa yêu thương. Chỉ có tâm hồn lắng đọng tợ nước hồ thu như thế, chúng ta mới “nghe” được những cung bậc rung lên từ đáy sâu thăm để rồi từ cái “một” nhỏ nhoi đó nhập vào mênh mông đại hải của vạn hữu đất trời. Cần nói thêm nữa là, trong Phật giáo, im lặng đôi khi đó là sự “im lặng sấm sét”. Hay như thi sĩ thiền Basho đã lịch nghiệm: “Chuông chùa đã lặn, mà tiếng ngân còn vang khắp đồi hoa”. Vậy mới biết, một lời nói đúng như chánh pháp hay im lặng như chánh pháp hay như tiếng chuông chùa, dù đã lặng nhưng âm vọng vẫn còn ngân mãi ngân mãi đến muôn trùng.
Thuở xưa có một thiếu nữ nhan sắc mặn mà dễ coi, chỉ phiền một nỗi là cô mắc phải bệnh nói nhiều. Suốt ngày, cô nói hết chuyện này sang chuyện khác, cha mẹ cô thường than vắng thở dài: “Phải chi một lời nói của nó giá đáng một đồng xu thì đỡ khổ biết mấy đằng này…”. Cô gái ngày một lớn, căn bệnh cũng lớn theo. Cô cứ nói ra rả cả ngày đến lúc ngủ mê cũng còn nói, nói mớ lung tung... Sức chịu đựng của lỗ tai con người có hạn. Bữa nọ, cha mẹ cô chịu không nổi đành đuổi cô ra khỏi nhà vì họ muốn phát điên. Cô gái buồn tủi vừa đi vừa khóc, vừa nói cho đến một bờ biển thì đứng lại. Tiếng nói của của cô ồn ào át cả sóng biển, bay đến tai của một thanh niên đang thả lưới ngoài khơi. Chàng ngư phủ bèn chèo thuyền vào và sửng sốt trước dung nhan thu hút của thiếu nữ. Sau khi biết rõ xuất xứ cùng nguyên do lạc loài của cô gái, chàng trai thu hết can đảm ngỏ ý muốn cưới nàng ta làm vợ. Thiếu nữ bằng lòng, không quên nhắc cho chàng biết nàng có tật hay nói nhiều. Anh ngư phủ gật đầu lia lịa bảo: “Càng hay! Tôi mồ côi cha mẹ ở thui thủi một mình hơn 15 năm nay chỉ nghe tiếng sóng bể rì rào chớ chưa được nghe tiếng thủ thỉ của ai cả. Nàng tha hồ nói cho vui nhà cửa”. Chàng trai dắt nàng về túp lều tranh của mình. Tuần trăng mật trôi qua, chàng trai bắt đầu cảm thấy mệt mỏi vì cứ phải nghe vợ nói liên hồi. Những ngày sóng yên biển lặng chàng dong buồm ra biển lưới cá cả ngày thì còn đỡ khổ gặp khi biển động phải ở nhà thì lỗ tai bị tra tấn suốt ngày… Một hôm, chàng tình cờ cứu thoát nữ thần biển cả khi bà tuần du và mắc cạn trên bãi cát trong lốt một con cá vàng. Thần biển đền ơn chàng bằng một điều ước… chàng ta mang điều ước ấy về nhà thay cho giỏ cá nặng như thường lệ. Thấy chồng trở về tay không, cô vợ liền cất tiếng hỏi, câu này tiếp nối câu kia khiến anh chồng tối tăm mặt mày, không cách nào kịp mở miệng trả lời. Anh chồng nổi cáu hét lớn: “Phải chi mỗi lời nói của em mà rớt ra một đồng xu cho tôi nhờ thì hay biết mấy”. Anh chồng vừa dứt lời thì… lẻng kẻng… các đồng xu bắt đầu văng tung tóe từ khóe miệng của cô vợ xuống nền nhà. Cô vợ kinh ngạc vừa nhặt tiền vừa nói nên chẳng bao lâu đồng xu đã ngập đến mắc cá chân 2 vợ chồng và chiếu giường tre của họ sụp đổ dưới sức nặng của đồng xu kẽm. Tờ mờ sáng hôm sau, chàng ngư phủ vội vã đi tìm thần biển, xin bà giúp anh giải quyết tình thế mới… Anh nài nỉ van xin: “Khổ thân con, bây giờ ngoài tiếng nói liên tục bất tận của cô ả, con còn phải nghe thêm tiếng rơi lẻng kẻng nữa”. Thần biển hiền từ bảo: “Vậy thì, kể từ bây giờ, cứ năm lời của vợ con mới rơi ra một đồng kẽm”. Hai hôm sau, chàng trai lại tất tả tìm thần biển than thở: “Thưa thần, số đồng kẽm vẫn còn nhiều ở trong nhà các nơi như : Nồi cơm, tách cá, ấm nước, niêu tôm…, chỗ nào cũng có đồng kẽm lẫn vào. Ngay cả lúc vợ con ngủ rồi mà nó còn mớ khiến tiền rơi lộp cộp thật khó ngủ, xin ngài giải quyết giùm con”. Thần biển suy nghĩ giây lát bảo: “Hãy về bảo với vợ con rằng, nếu cô chịu nín nói suốt ngày, thì câu nói đầu tiên của cô vào buổi tối sẽ rơi ra một đồng tiền bạc”. Ba hôm sau, anh chồng lại tìm đến thần biển thuật lại sự việc: “Thưa, vợ con đang lâm nguy, vì nín nói nên cô ta bị đầy hơi, mắc kim tích, tay chân mình mẩy đều sưng phù… Bây giờ thì nom cô ta hệt như một con cá nóc, sắp vỡ bụng tới nơi, xin thần cứu giúp dùm”. Lần này sau 15 phút suy nghĩ, thần biển nói: “Được rồi, con hãy về bảo với cô ta hãy suy nghĩ cho kỹ, cứ mỗi lời nói khôn ngoan của cô thốt ra là một đồng vàng”.
Từ ngày đó, chàng ngư phủ không phải tìm thần biển nữa, mỗi ngày chàng giong thuyền ra khơi đánh cá, cô vợ ở nhà làm bếp trồng rau, và dăm bữa cầm một đồng tiền vàng ra chợ mua gạo, cô nàng không còn nói nhiều nữa, vì những lời nói khôn ngoan thường là kết quả tốt sau một thời gian dài lặng thinh. Những đồng tiền vàng không nhiều, cũng nhờ vậy mà đôi vợ chồng sống bên nhau thật hạnh phúc.
Trong kinh Pháp Cú 100, PC 258, PC 259. Phật dạy:
“Dù ngàn lời nói với nhau,
Nếu đều vô nghĩa, ích đâu cho đời,
Chẳng bằng chỉ nói một lời,
Đầy đủ nghĩa lý, mọi người mừng thay,
Nghe xong, tâm tịnh lạc ngay”.
Hay: “Không phải vì nói nhiều, mới xứng danh bậc trí, an ổn không oán sợ, thật đáng gọi bậc trí, không phải vì nói nhiều, là thọ trì chánh pháp, người nghe ít diệu pháp, nhưng trực nhận viên dung, chánh pháp không buông lung, là thọ trì Phật pháp”. Lời Phật dạy: “Làm thinh như chánh pháp, nói năng như chánh pháp” là như vậy.
Trong kinh Tăng Chi, Phật dạy: “Người giữ giới này không nói lời nhảm nhí vô ích, nói đúng lúc, đúng như sự việc xảy ra, nói những lời hữu ích, nói về Giáo pháp và Giới luật. Lời nói của người ấy là một kho tàng, thốt ra đúng lúc, hữu lý, hòa nhã, và đầy ý nghĩa”.
Bồ-tát Giác Minh Diệu Hạnh có dạy: “Ít nói một câu chuyện, niệm nhiều một câu Phật, đánh chết được vọng niệm, pháp thân ta hiện tiền”.
Danh ngôn có câu: “Người ta ít khi hối hận vì nói ít / Mà thường hối hận vì đã nói nhiều”.
HT. Thiện Hòa dạy:
“Người khôn nói ít nghe nhiều,
Lựa lời đối đáp, lựa điều hỏi han.
Trước người hiểu rõ khôn ngoan,
Nhường trên một bước rộng đường dễ đi.
Việc người chớ nói làm chi,
Chuyện mình mình biết, vậy thì mới khôn”.
Xin luôn nhớ cho rằng:
“Trăm năm bia đá thì mòn,
Ngàn năm bia miệng vẫn con trơ trơ”
“Ai ơi! ít nói là vàng,
Nói nhiều tội lỗi trái ngang cũng nhiều.
Chi bằng ít nói bao nhiêu,
Khỏi điều phiền não, khỏi điều thị phi.
Hằng ngày tam nghiệp vô vi,
Không tranh nhân quả có gì đảo điên.
Không nghiệp chướng chẳng lụy phiền,
Vô ưu, vô não nương thuyền tiêu dao”.
“Nhiều thị phi chỉ vì hay nói
Lắm phiền não chỉ tại gượng làm”.
***
Người ta ham nói bậy khi không còn gì để nói
Ai nới rộng con tim thì phải thu hẹp cái miệng.
Như cổ nhân đã nói:
“Tiết kiệm lời nói là trở về với tự nhiên” và
“Những người nói nhiều là những người hiểu ít”.
Trong đời đâu cũng có tiểu nhân, mà quân tử thì khó tranh được với tiểu nhân. Vì thế tốt nhất là phải giữ lấy mình.
Gặp người hẳn nói ba phần ruột
Chưa thể dốc hết cả cõi lòng.
Ông cha chúng ta luôn dạy chúng ta ít nói thôi. Không thể trao cái dao cho người khác. Lời nói nhảm ắt vô ý nghĩa, nông cạn, và không dẫn đến lợi ích nào. Những lời lẽ như thế ấy chỉ khơi động vọng tâm, Đức Phật khuyên nên hạn chế những ngôn từ thuộc loại này. Người nghiêm túc giữ giới không vọng ngữ là người không nói lời nhảm nhí vô ích. Không phải nói nhiều mà chứng tỏ rằng mình học rộng biết xa. Cũng không phải nói nhiều mà tạo nhiều lợi ích cho mình hoặc cho người khác.
Lại có câu chuyện kể rằng: “Nhà hiền triết nọ có bà vợ bị bệnh nói nhiều. Một hôm, bà bị bệnh không thể nói nhiều được nữa. Hôm đó, nhà hiền triết than là ông đã mất cơ hội thực hành hạnh tu nhẫn nhục và hạnh lắng nghe”. Một điều không thể thiếu bên cạnh lời nói dễ thương, biết nhẫn nhục, giữ tâm thanh tịnh, đó là chúng ta cần thực tập lắng nghe, lắng nghe một cách sâu sắc mới có thể thấu hiểu hết được những nỗi đau, những điều u uất dồn nén từ lâu trong lòng họ, kể cả những người ác ý vu hãm mình, họ cũng có cái “biệt nghiệp” huân tập từ nhiều đời nhiều kiếp của họ. Vì vậy, chúng ta cần có cái tâm vững chãi, tâm từ bi bao dung độ lượng để nhiếp phục họ, chuyển hóa họ. Nếu không chuyển hóa họ được thì ít ra cũng không gây thù, chuốc oán thêm nữa. Chuyện Thiền sư Hàn Sơn hỏi Thiền sư Thập Đắc: “Người thế gian phỉ báng tôi, khích bác tôi, làm nhục tôi, cười tôi, khinh tôi, rẻ rúng tôi, lừa tôi thì làm thế nào để đối trị?” Thập Đắc trả lời: “Chỉ nên nhẫn họ, nhường họ, tránh h; vì họ, nhịn họ, kính họ, không để ý đến họ rồi qua một thời gian đến thăm họ”. Trong cuộc sống, ai mà chẳng có lúc phạm phải sai lầm. Nhưng nếu người phạm lỗi biết nhận lỗi, biết ăn năn hối hận, còn những người xung quanh thì biết bao dung tha thứ cho những người lầm lỗi đó thì đâu có xảy ra hận thù, đố kỵ, hiềm khích gây đau khổ cho nhau, mà ngược lại, người người sẽ sống hòa thuận, nhà nhà yên vui, gia đình hạnh phúc, xã hội an bình, thịnh vượng. Ôi, thật cao quý biết bao! Khổ nỗi, chúng ta không làm được như thế, cứ mãi ngụp lặn trong hỷ nộ ái ố, trong tham lam sân hận si mê, rồi gây khổ cho mọi người và cho chính cả bản thân mình. Cho nên, chúng ta hãy luôn luôn sống tỉnh thức, đừng mê muội nữa; bên trong thì tinh cần nỗ lực, cố gắng thắp sáng thân tâm, trau dồi hiểu biết, trí tuệ; bên ngoài thì không bon chen danh lợi, không đua tranh hơn thua với ai, sống hòa ái, nhu mì, đức độ. Nói tóm lại, nếu chúng ta muốn có một đời sống an lạc, hạnh phúc thực sự thì chúng ta phải biết sống đúng như chính nghĩa: biết ăn ở hiền lương, biết nói lời chân thật, dịu dàng, dễ thương hay nói khác hơn là thực hành ái ngữ. Làm sao để mỗi lời nói của chúng ta sẽ thơm ngát như bông hoa, sẽ đậm đà như mật ngọt, ngõ hầu góp phần hóa giải phiền não, khổ đau, hận thù, đem lại lợi ích, an vui cho tất cả nhân loại. Vậy thì, chúng ta còn chần chờ gì nữa mà không tiếp tục nói lời dịu dàng, dễ thương với mọi người ngay từ bây giờ?
Cái lưỡi là một lợi khí không nhỏ của loài người. Nó có thể tạo lợi ích mà cũng có thể gây tai hại. Muốn làm hại người khác, người ta không ngần ngại dùng cái lưỡi để bóp méo sự thật để biến kẻ ân thành oán, tạo nên sự giận dữ, hận thù, dẫn đến chỗ tương sát tương tàn, biết bao thảm kịch đau khổ, tan nát gia đình, chuốt oán gây thù có khi nước mất nhà tan cũng đều do miệng lưỡi. Cái lưỡi có thể tạo những sự chia rẽ, những sự phân tranh phá tan sự đoàn kết, tình thân yêu của nhơn loại, nó cũng là nguồn cội của bao sự bất hòa, hiềm khích.
Thời cổ Hy Lạp có ông Aesop, lúc còn nghèo đi làm việc công cho nhà giàu quý tộc. Một hôm nhà có khách, ông chủ sai Aesop ra chợ mua những thứ gì ngon nhất, quý nhất về làm tiệc đãi khách… Aesop ra chợ mua rất nhiều lưỡi các loài động vật. Đến bữa Aesop dọn ra toàn là các thứ lưỡi như lưỡi bò, lưỡi heo, lưỡi dê, lưỡi gà, lưỡi vịt, lưỡi chó… Người chủ thấy thế, thất kinh hỏi. Ông Aesop giải thích rằng: “Trong đời không có gì quý hơn lưỡi vì đó là mối liên giao giữa người với người. Là chìa khóa mở của lầu học thuyết, là cơ quan của chân lý, là khí dụng cầu nguyện của tín tâm”. Ông chủ nghe Aesop giải thích liền hiểu nể phục và khách nghe khen đúng. Cái miệng cũng có nhiều cái lợi: dùng để ăn uống tốt, nuôi dưỡng cơ thể; dùng để nói năng giao tiếp hằng ngày, tạo mối thâm tình, giao hảo hài hòa, thông hiểu lẫn nhau; dùng để thuyết giảng, tụng niệm, dạy học, truyền kiến thức và những điều lợi ích đến được nhiều người.
Hôm sau, chủ kêu ra chợ mua đồ về đãi khách và dặn ông Aesop: “Anh đã đãi cho tôi và khách ăn những thứ gì quý nhất, vậy nay anh hãy mua cho tôi những gì tệ nhất về ăn và đãi khách nhé”. Aesop ra chợ, lại mua toàn là lưỡi và đãi khách ăn toàn là lưỡi nữa. Ông chủ ngạc nhiên hỏi, Aesop thưa rằng: “Trong đời không có gì tệ hơn lưỡi, vì đó là mẹ đẻ của các cuộc cãi vã, gây gổ hận thù, nguồn gốc của cuộc chia ly và giặc giã. Cơ quan của sai lầm và phỉ báng, phạm thượng và bất tín”. Ông chủ nghe hiểu, đồng ý. Đúng thế, cái lưỡi là một bộ phận quan trọng để phát ra tiếng nói. Tiếng nói là một phương tiện hữu hiệu để chuyển đạt cho người khác biết những tư tưởng, những ý nghĩ, những ước muốn thầm kín; nhờ đó bắt lấy một nhịp cầu cảm thông. Lưỡi đóng một vai trò quan trọng như vậy, song cái lưỡi cộng với lời nói lại chính là nguyên cớ làm cho chúng ta dễ vấp phạm hơn cả, bởi vì chúng ta có thể vấp phạm ở bất kỳ đâu, trong bất cứ lúc nào và với bất kỳ ai.
Như thế, cái lưỡi đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành uy tín và thế giá của mỗi người, như một câu danh ngôn đã dạy: “Lưỡi người khôn ngoan tạo nên danh dự, còn mồm kẻ ngu dại gây đổ vỡ tan hoang”. Bởi đó, ta cần phải biết đắn đo cân nhắc trong cách ăn nói của mình để tránh đi những hiểu lầm, đau khổ cho người khác. Phải sử dụng lời nói như một phương tiện, giúp chúng ta cảm thông và xích lại gần nhau hơn “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi” là vậy. Tục ngữ cũng đã có câu “không nọc nào độc cho bằng cái lưỡi”, hay “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”. Một lời nói thiếu suy nghĩ được sánh ví như đổ thêm dầu vào lửa, làm bừng lên sự tức giận, thiêu hủy hết tình ruột thịt cũng như tình nghĩa anh em. Hơn nữa, trong một cộng đồng gồm những con người từ “khắp tứ phương thiên hạ”, mỗi người mỗi tính, mỗi người một kiểu sống khác nhau, nên không thể tránh được hết những va chạm, những bực bội, những buồn phiền… Nhiều khi chính chúng ta lại là những người gây ra những đau khổ, buồn phiền cho người khác chỉ bằng những lời nói thiếu cân nhắc trước sau. Cụ thể ngay trong cuộc sống hàng ngày, nhiều khi có thể vô tình thôi, chúng ta nói với anh chị em mình bằng những lời nói nghe mà “đau nhói cả tim”. Nhiều khi chúng ta chỉ muốn nói cho sướng cái miệng của mình, nhưng lại không để ý đến nỗi đau của người anh, chị, em mình khi phải nghe những lời nói đó.
Do vậy, trong cộng đồng tiếng cười là cần thiết, nó đem lại niềm vui cho cộng đồng là điều cần làm và nên làm. Nhưng chúng ta cũng cần phải ý tứ hơn nữa trong những lời nói vui để những lời nói đó không những đem lại niềm vui cho mình mà còn làm cho người nghe cũng được vui cười thoải mái. Dựa vào lời nói, người khác có thể biết được phần nào tâm hồn của chúng ta. Được yêu mến và kính trọng hay bị khinh bỉ và ghét bỏ, một phần lớn là do cái lưỡi và lời nói của chúng ta. Ý thức được tầm quan trọng của ngôn từ, chúng ta hãy chú ý những ngôn từ chúng ta dùng trong ngày. Phải có trách nhiệm khi sử dụng ngôn từ, bởi vì qua những lời chúng ta nói, chúng ta có thể đem lại niềm vui phục sinh nhưng cũng có thể đem lại đau khổ thập giá cho những anh em trong cộng đoàn và chúng ta cũng nên lắp đặt một “cái thắng” vào miệng, để những lúc ngứa mồm muốn phát ngôn bừa bãi, thì biết “dừng lại” đúng nơi và đúng lúc. Đức Phật dạy: “Lời nói có thể gây thù, kết bạn, đem lại hạnh phúc gia đình hay đổ vỡ, nó là cội rễ của tình bạn đậm đà mà cũng là cội gốc của sự oán thù ly tán”. Cha ông ta nói về ngôn từ: “Hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Cái lưỡi là bộ phận quí nhất; nhờ cái lưỡi mà con người có thể diễn đạt những tình cảm chân thành, những ý tưởng cao siêu, ích nước lợi dân, có ích cho nhân loại; và cái lưỡi có thể nói lên những lời nói xấu xa nhất, tàn ác nhất, làm tan nát gia đình xã hội và có thể khuynh đảo nước nhà ngay cả làm hại cho nhân loại. Người xưa cũng có nói “Nhứt ngôn khả dĩ hưng bang, nhứt ngôn khả dĩ tán bang”, nghĩa là một lời nói có thể xây dựng nước nhà, mà cũng có thể làm tan nát nước nhà. Văn hào nước Anh - Shakespeare nói: “Cái lưỡi đơm đặt lời ma quỉ, nên thượng đế dùng hai hàng rào là môi và răng nhốt nó bên trong”. Chúng ta cần phải cảnh giác “ma quỉ” vượt rào làm hại người khác. Lời nói rất quan trọng.
“Lựa lời mà nói khó thay
Tiếng chì, tiếng bấc thường hay “chàng ràng”
Khi ai mở miệng nói ngang
Thì ta chắc chẳng ngại “phang”… “mỹ từ”
Một tia lửa nhỏ sơ sơ
Khu rừng lớn mấy mặc dù, cháy tiêu
Giữa ngàn thế sự đảo điên
Có ai áp dụng lời khuyên bao giờ
Lời nói không mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”
Giới thứ tư trong 5 giới là: không nói dối, nói đâm thọc, chửi rủa, khoe khoang, khoác lác; xét lại cho kỹ nó có ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc đời ta và giới nầy phải đưa lên hàng đầu cho Phật tử giữ. Khi ta nói những lời thật có ý nghĩa, mọi người sẽ lắng nghe; khi ta nói những lời tử tế, người khác sẽ vui mừng; khi ta nói những lời lịch sự, lời chân thật ta sẽ có thêm bạn; khi ta nói lời chân thật, ta sẽ được uy tín. Không nói lời xiên xỏ đâm thọc ta sẽ được tin cậy. Ta sẽ tâm sự, chia sẻ với người khác về những khó khăn hay bí mật của mình. Nếu ta có thể trở nên một người như thế, ta sẽ có nhiều người thương mến, nhiều bạn bè và một cuộc sống bình an, vì tâm ta chơn chất, và chánh ngữ là một trong những căn lành mà ta cần bảo dưỡng. Lời nói rất quan trọng, ta cần phải giữ ý tứ trong lời nói, không phải vì ta có khả năng sử dụng ngôn ngữ nghĩa là ta biết nói chuyện. Đức Phật có lời dạy rất sâu sắc về ngôn ngữ rất đáng để ta ghi nhớ “Nếu con biết chuyện đó có hại, không đúng sự thật, con đừng nói ra; còn nếu con biết chuyện đó có ích, nhưng không đúng sự thật, con không nên nói ra; nếu con biết chuyện đó có ích và đúng sự thật hãy đợi đúng thời điểm con hãy nói ra”.
Trích sách "Tu cái miệng"
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Các tôn hiệu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
Kiến thức 21:00 14/11/2024Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người sáng lập ra đạo Phật, một trong những tôn giáo có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới trong lịch sử cũng như hiện nay. Đức Phật Tổ có nhiều tôn hiệu khác nhau. Tất cả những tôn hiệu này đều xuất hiện sau khi Ngài tu hành đắc đạo và thuyết pháp độ chúng.
“Muốn biết nhân đời trước hãy xem quả đời này”
Kiến thức 15:20 14/11/2024Ngày nay tai nạn trong đời sống rất nhiều, thường gặp phải những chuyện không vừa ý, quả báo bệnh khổ, chết yểu. Nguyên nhân là gì?
Chúng ta mãi “quanh quẩn trong vòng buồn giận”
Kiến thức 14:45 14/11/2024Có thể ta đã từng mắc kẹt vào những tranh chấp được mất, thị phi và lao đao trong ghét thương buồn tủi; và ta đã "Xem thường bảo vật trong tay" như sức khỏe, thời gian, tiền bạc và tuổi trẻ... Để rồi "Dày đạp lên trên hạnh phúc" mà đi, thật xót xa vô cùng.
Tâm lìa tướng ngôn ngữ
Kiến thức 13:20 14/11/2024Tâm, lìa tất cả tướng, lìa tướng văn tự, lìa tướng ngôn ngữ, lìa tất cả tướng của động tác (nhướng mày chớp mắt) và lìa tất cả tướng tâm duyên hư vọng. Tâm thể lìa tất cả tướng ấy, nói có cũng không đúng, nói không cũng sai luôn.
Xem thêm