Hỏi đáp về Phật giáo và Đức Phật
Danh từ Phật giáo (Buddhism) xuất nguyên từ chữ "buddhi", có nghĩa "giác ngộ", "thức tỉnh", và như vậy, Phật giáo là tôn giáo đưa đến giác ngộ.
Phật giáo, cũng như khoa học, không dựa trên khái niệm về một nhân vật tối thượng, mà giải thích những nguyên nhân và những sinh hoạt của vũ trụ, theo những định luật thiên nhiên. Einstein từng nói: "Nếu có một tôn giáo nào có thể thỏa mãn các nhu cầu khoa học hiện đại thì tôn giáo đó phải là Phật giáo.
> KIẾN THỨC VỀ PHẬT GIÁO
"Phật giáo bắt đầu và tàn diệt ở Ấn Độ"
HỎI: Phật giáo bắt đầu ở Ấn Độ nhưng cuối cùng thì tàn diệt ở đó. Tại sao?
ĐÁP: Giáo pháp của Đức Phật đã phát triển thành một trong những tôn giáo chính ở Ấn Độ, nhưng dần dần, suy tàn và biến mất, cũng như Ky-tô giáo bắt đầu ở Palestine nhưng rồi cũng biến mất ở đó. Không ai thật sự biết rõ nguyên do. Có lẽ đó là do các biến đổi xã hội và chính trị cộng thêm với các cuộc chiến tranh và xâm chiếm đã làm cho một tôn giáo dịu dàng và hiếu hòa không thể tồn tại. Tuy nhiên, trước khi tàn diệt ở Ấn Độ, Phật giáo đã được truyền bá sang các vùng khác, xa xôi nhất của châu Á.
Thái độ của người Phật tử với các tôn giáo khác
HỎI: Chắc chắn là Sư rất tôn trọng Phật giáo. Tôi nghĩ rằng, có lẽ Sư thấy tôn giáo của Sư là đúng, và tất cả tôn giáo khác là sai?
ĐÁP:Không có người Phật tử nào hiểu biết giáo huấn của Đức Phật mà lại tin rằng những tôn giáo khác là sai. Cũng không ai đã thật sự cố gắng khảo sát những tôn giáo khác với tôn giáo của mình trong tinh thần cởi mở mà lại nghĩ như thế.
Việc đầu tiên mà ta lưu tâm đến khi nghiên cứu các tôn giáo khác nhau là những tôn giáo ấy có những điểm giống nhau nhiều ít thế nào. Tất cả mọi tôn giáo đều xác nhận rằng tình trạng hiện hữu của con người là bất toại nguyện. Tất cả đều tin rằng con người cần phải thay đổi thái độ và tác phong của mình, nếu muốn cải thiện hoàn cảnh. Tất cả đều dạy một nền tảng đạo đức, bao gồm tình thương, đức tính dịu hiền, hạnh nhẫn nhục, lòng quảng đại khoan hồng và tinh thần trách nhiệm xã hội, và tất cả đều chấp nhận một hình thức tuyệt đối nào đó.
Người ta dùng những ngôn ngữ khác nhau, những danh từ và những biểu tượng khác nhau, để mô tả và giải thích những điều ấy, và chỉ có những tâm hồn hạn hẹp mới dính mắc, kẹt vào lối nhìn sự vật theo một chiều, phát sinh do tính cố chấp, thiếu khoan dung, hãnh diện tự cho rằng chỉ có mình là đúng.
Ta thử tưởng tượng một người Anh, một người Pháp, một người Hoa và một người In-đô-nê-xia, tất cả đều nhìn một cái tách.
Người Anh nói: "Đây là một cái Cup". Người Pháp trả lời: "Không phải vậy, đó là một cái Tasse". Người Hoa cãi lại: "Tất cả hai ông đều nói sai. Đó là cái Pei". Và người In-đô-nê-xia bật cười: "Các ông quả thật là điên rồ. Đó là một cái Cawan".
Rồi người Anh lấy ra một quyển tự điển để chỉ cho mọi người và nói: "Tôi có thể chứng minh rằng đây là một cái Cup. Tự điển của tôi nói vậy". "Vậy thì tự điển của ông nói sai", người Pháp nói tiếp, "vì tự điển của tôi rõ ràng nói rằng đây là một cái Tasse". Người Hoa chế giễu: "Tự điển của tôi có trước tự điển của quý ông hơn cả ngàn năm, như vậy của tôi là đúng. Vả lại, trên thế giới người ta nói tiếng Hoa nhiều hơn bất luận thứ tiếng nào khác, như vậy đây phải là cái Pei".
Trong khi họ cãi lẫy và tranh luận với nhau, một người Phật tử đến, rót nước vào cái tách, rồi uống. Khi uống xong người ấy nói: "Dù cho quý ông gọi đây là cái Cup, cái Tasse, cái Pei hoặc cái Cawan, cái này được làm ra để dùng. Xin quý ông ngưng cãi vã và hãy uống nước, ngưng chế giễu nhau và hãy giải khát". Đó là thái độ của người Phật tử đối với các tôn giáo khác.
Phật giáo và Khoa học
HỎI:Phật giáo có hợp với khoa học không?
ĐÁP:Trước khi giải đáp câu hỏi, tốt hơn ta nên định nghĩa danh từ "khoa học". Theo tự điển, khoa học là "kiến thức mà có thể hợp chung lại thành hệ thống, kiến thức thuận theo những gì ta thấy, những sự kiện được trắc nghiệm và nêu lên những định luật thiên nhiên tổng quát, là một ngành của kiến thức ấy, bất luận gì có thể khảo sát là đúng vậy".
Có những sắc thái của Phật giáo không hợp đúng với định nghĩa này, nhưng giáo lý nồng cốt của Phật giáo, Tứ Diệu Đế, hay bốn chân lý thâm diệu, chắc chắn là thích ứng.
Tứ Diệu Đế
Đế đầu tiên, Khổ đế, là một kinh nghiệm có thể mô tả, chứng nghiệm và đo lường. Đế thứ nhì, Tập đế, nói rằng đau khổ phát sinh do một nguyên nhân thiên nhiên, ái dục, cũng có thể mô tả, chứng nghiệm và đo lường. Không có sự cố gắng nào để giải thích đau khổ như một khái niệm hay những câu chuyện thần thoại có tính cách siêu hình.
Đau khổ chấm dứt, theo Diệt đế – đế thứ ba, không phải bằng cách ỷ lại nơi một nhân vật tối cao, bằng đức tin, hay bằng cách van vái nguyện cầu, mà chỉ giản dị bằng cách diệt trừ nguyên nhân của nó. Đó là định lý rõ ràng và hiển nhiên.
Đế thứ tư, Đạo đế, là con đường, phương cách để chấm dứt đau khổ, một lần nữa, không có gì liên quan đến siêu hình, mà chỉ tùy thuộc nơi cuộc sống theo những đường lối đặc thù. Và một lần nữa, lối sống này có thể được trắc nghiệm.
Phật giáo và khoa học đều giải thích những nguyên nhân và những sinh hoạt của vũ trụ, theo những định luật thiên nhiên.
Phật giáo, cũng như khoa học, không dựa trên khái niệm về một nhân vật tối thượng, mà giải thích những nguyên nhân và những sinh hoạt của vũ trụ, theo những định luật thiên nhiên. Tất cả những điểm này chắc chắn cho thấy rõ tinh thần khoa học. Một lần nữa, Đức Phật luôn luôn khuyên dạy không nên có đức tin mù quáng, mà phải nghiên cứu, học hỏi, khảo sát tận tường trước khi chấp nhận điều gì là chân lý. Ngài nói:
"Đừng tin vì nghe nói lại, đừng tin vì theo phong tục, đừng tin vì nghe tin đồn, đừng tin vì kinh điển truyền tụng, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì công thức, đừng tin vì có suy tư đầy đủ về những dữ kiện, đừng tin vì có thẩm sát và chấp nhận lý thuyết, đừng tin vì thấy thích hợp, đừng tin vì người đó là thầy mình.
Nhưng khi nào quý vị tự biết rõ các pháp này là thiện, các pháp này là không đáng chê, các pháp này được người trí khen ngợi, các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận thì dẫn đến hạnh phúc an vui, thời quý vị hãy tuân theo các pháp ấy" (Kinh Kalama, AN III.65).
Do đó, chúng ta có thể nói rằng mặc dù Phật giáo không hoàn toàn là khoa học, nhưng tôn giáo này có màu sắc khoa học rất sâu đậm, và chắc chắc có nhiều tính khoa học hơn các tôn giáo khác. Đây là một sự kiện có ý nghĩa khi ông Albert Einstein, một nhà khoa học lỗi lạc nhất của thế kỷ 20 đã nói về Đạo Phật:
"Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ. Tôn giáo đó cần phải siêu hóa vị Thượng Đế cá thể, không có các giáo điều và thần học. Bao gồm tính thiên nhiên và tâm linh, nó phải dựa trên một ý nghĩa tôn giáo sinh khởi từ thể nghiệm của mọi sự việc, thiên nhiên lẫn tâm linh, và trên một sự hợp nhất có ý nghĩa. Phật giáo phù hợp với sự diễn tả này. Nếu có một tôn giáo nào có thể thỏa mãn các nhu cầu khoa học hiện đại thì tôn giáo đó phải là Phật giáo."
Trích Khéo vấn, khéo đáp - Nguyên tác: Good Question, Good Answer
Tác giả: Tỳ khưu Shravasti Dhammika - Dịch giả: Phạm Kim Khánh & Bình Anson
(Phật tử có thể đọc thêm Hỏi - đáp về Phật giáo dưới hình thức dễ hiểu tại chuyên mục Phật giáo Thường thức)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Kinh Nhất Thừa là gì?
Phật giáo thường thức 15:45 22/12/2024Pháp môn nào có thể chứng đắc Phật quả rốt ráo trong một đời sẽ gọi là Nhất Thừa, pháp môn ấy cũng là pháp môn Nhất Thừa, kinh ấy cũng là kinh Nhất Thừa.
Cõi đời phiền não hay là mình phiền não cõi đời?
Phật giáo thường thức 15:12 22/12/2024Nên biết tất cả sự trói buộc gốc từ mình mà ra, nên bỏ cũng từ mình chớ không phải ở bên ngoài. Cho nên Phật bảo “buông” là buông cảnh, đừng dính với nó. Ta cứ đổ thừa cảnh dính mình, không ngờ mình dính cảnh.
Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết
Phật giáo thường thức 15:00 22/12/2024Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…
Nguyên lý của đời sống giác ngộ
Phật giáo thường thức 09:12 22/12/2024Hôm nay Thầy nhắc lại một số nét chính yếu để các con nắm vững nguyên lý đời sống giác ngộ.
Xem thêm