Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 15/03/2017, 12:31 PM

Huyền bí vùng Vũ Lâm

Thiên nhiên hùng vĩ, tinh khiết và những huyền tích thần bí cùng các công trình kiến trúc mang đậm văn hóa phật giáo, tinh hoa văn hóa người Việt ở Bái Đính có sức quyến rũ lạ kỳ. Hành hương đến Bái Đính dịp Xuân Đinh Dậu để cuộc sống trần tục bớt vấn vương; để sống tốt hơn, đẹp hơn và cống hiến nhiều hơn là điều há chẳng hay sao?

Bái Đính là vùng đất địa linh nhân kiệt là một phần không thể thiếu của Cố đô Hoa Lư, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa đầy tự hào của người Việt. 
Ngày nghỉ cuối tuần, hòa vào dòng người hành hương về vùng núi Vũ Lâm (Gia Viễn, Ninh Bình), trảy hội chùa Bái Đính, thành tâm lễ thánh, thần và lễ phật, du khách như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh, trút bỏ vương vấn bụi trần, hứng khởi du xuân, phiêu diêu cùng đất trời mây núi vùng đất Cố đô lịch sử.
Những huyền tích về vùng đất này được các hướng dẫn viên giới thiệu chi tiết với du khách.  
Tiết trời se lạnh, mưa phùn lất phất đọng trên áo, long lanh ngự trên cây lá và mây nhẹ trôi bồng bềnh trong sương trắng như liều thuốc tiên hữu ích, xua tan cái mệt, gò bó tê nhức xương khớp bởi chặng đường gần 100km trên ô tô du lịch từ Hà Nội vào Ninh Bình. Cõi thiên nhiên bao la trùng trùng núi non như càng sâu thẳm và tinh khiết hơn bởi làn mưa bụi trắng đục răng mắc.

Trong đoàn đi lễ Phật với chúng tôi, lúc lên xe ở Hà Nội chị Hồ Thị Hương háo hức cười cười nói nói bao nhiêu thì khi đặt chân đến nơi đây lại hiền từ bấy nhiêu. Chị đi nhẹ, nói khẽ, cười rất hạn chế. Chị đi sát hướng dẫn viên của công ty du lịch có tên Mặc Thủy để nghe về lịch sử vùng đất Phật đã tồn tại hằng bao thế kỷ cùng thăng trầm lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc. Cô Mặc Thủy hơn 20 tuổi thuyết trình mạch lạc qua microphone bé tẹo cạnh khóe miệng chúm chím với đôi môi đỏ tươi. Cặp mắt xa xăm, giọng ấm, luyến láy, nhiều âm sắc của Thủy đưa du khách lạc vào thế giới huyền bí.
Chùa Bái Đính mới xây dựng mang đậm dấu ấn và văn hóa phật giáo của người Việt.  
Chùa Bái Đính hay còn gọi là Bái Đính cổ tự tọa lạc trên một ngọn núi cao 187m, thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Nơi đây còn lưu giữ nhiều giai thoại về Đức Thánh Nguyễn Minh Không. Ông là một thiền sư, pháp sư tài danh được vua phong Quốc sư và nhân dân tôn sùng gọi là đức thánh Nguyễn. Tương truyền, khi ông đến đây tìm cây thuốc chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông thì phát hiện ra các hang động đẹp liền dựng chùa thờ Phật và tạo dựng một vườn thuốc quý để chữa bệnh cho dân. Nhân dân trong vùng nhớ ơn đức Thánh Nguyễn về công truyền bá kiến thức phật giáo, y học dân gian, chữa bệnh cứu người và khởi thủy, phục hưng, phát triển nghề đúc đồng. Nhớ công lao của Đức Thánh Nguyễn Minh Không, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ, đúc tượng bằng đồng để thành kính tưởng nhớ, tạ ơn.
Tượng Phật bằng đồng dát vàng tại chùa Bái Đính. 
Đến với Bái Đính cổ tự, du khách được các hướng dẫn viên chia sẻ nhiều thông tin về ba ngôi đền thờ các vị thần trấn giữ ở 3 vòng thành mà nhân dân trong vùng vẫn gọi là Hoa Lư tứ trấn, do Đinh Tiên Hoàng Đế cho xây dựng sau khi tuyên hiệu. Những huyền tích theo dòng thời gian chảy dài liên quan đến lịch sử trị thủy, chống giặc ngoài xâm hiển hách của dân tộc cùng những thâm cung bí sử của một triều đại do vị anh hùng lấy lau làm cờ như mạch ngầm ngấm vào da thịt du khách. Nổi bật là truyền thuyết về thần Cao Sơn, một trong 50 người con của Lạc Long Quân – Âu Cơ, vị thần có công phù trợ quân Lê Tương Dực diệt được Uy Mục, sau cũng được dân làng Kim Liên rước về thờ và được phong là Cao Sơn đại vương trấn phía Nam kinh thành, một trong Thăng Long tứ trấn. Cũng tại đây, khi lên thăm hang động ở núi Bái Đính, qua cổng tam quan, lên hết dốc tới ngã ba, du khách nhìn thấy 4 chữ đại tự “Minh Đỉnh Danh Lam” (dịch nghĩa là lưu danh thơm cảnh đẹp) do Lê Thánh Tông khắc vào đá, phía trên cửa hang Sáng. Trong khuôn viên, vua Lê Thánh Tông đã tạc một bài thơ tứ tuỵêt chữ Hán được dịch như sau:

“Đính Sơn danh tiếng thực cao xa
Che chở kinh thành tự thuở xưa
Nhân kiệt, địa linh nên vượng khí
Núi thiêng cảnh đẹp vững sơn hà”.
Tượng Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn bằng đồng dát vàng ngự tại chùa Bái Đính. 
Đến với Chùa Bái Đính dịp lễ hội mùa xuân, ngoài thưởng ngoạn bí ẩn sâu thẳm trong cảnh đẹp tự nhiên và những huyền tích lưu truyền nghìn năm, du khách còn lạc vào thế giới phật pháp với những công trình mang đậm dấu ấn văn hóa phật giáo mới được xây dựng và tọa lạc tại khuôn viên khoảng 80ha. Ở đấy du khách được chứng kiến những công trình kiến trúc phật giáo tại Tam quan nội, Tháp chuông, Điện Quan Thế Âm Bồ Tát, Điện Tam Thế, Chùa Pháp Chủ, Hành lang La Hán, Giếng Ngọc. Tuy mới xây dựng, nhưng sự uy nghi, sâu thẳm cửa thiền khiến du khách nhỏ bé trước giáo lý phật pháp từ bi phổ độ chúng sinh, cứu nhân độ thế. Cửa thiền ở quần thể chùa Bái Đính mới, sạch sẽ, thoáng đãng, nườm nượp du khách mà không ồn ào, chen lấn. Du khách thấy lòng mình thanh thản, nhẹ tênh và hòa vào mây núi, đất trời của một vùng địa linh nhân kiệt, danh bất hư truyền trong quần thể Cố đô Hoa Lư.
Tháp bút như vẽ, ghi dấu với trời xanh về vùng đất xứng danh tâm linh và văn hóa người Việt.  
Du khách đến Bái Đính còn để thưởng ngoạn món đặc sản cơm cháy Ninh Bình nức tiếng.  
Đến với Bái Đính cổ tự và khu chùa Bái Đính mới xây dựng, du khách được hòa mình vào vùng thiên nhiên tinh khiết, như được rũ bỏ bụi trần bởi những âu lo sầu muộn vì cơm áo gạo tiền; được tiếp thêm niềm lạc quan, phấn khởi để đi tiếp tới tương lai và chân trời rộng mở, tươi sáng phía trước.

Mạnh Thắng
Nguồn: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/huyen-bi-vung-vu-lam-501909
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Chiêm ngưỡng những tượng Phật lớn nhất Việt Nam

Chùa Việt 11:55 25/04/2024

Việt Nam là quốc gia có bề dày văn hóa Phật giáo và cũng là nơi có nhiều tượng Phật lớn nhất. Những tượng Phật này không chỉ là điểm hành hương tâm linh mà còn là kiệt tác nghệ thuật đáng kinh ngạc.

Về Bình Thuận, viếng thăm ngôi chùa trên núi Tà Cú

Chùa Việt 14:40 23/04/2024

Nằm trên núi Tà Cú, chùa Linh Sơn Trường Thọ thu hút du khách bởi không gian thanh tịnh, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ.

Một vài đặc điểm kiến trúc của ngôi chùa Việt

Chùa Việt 10:25 16/04/2024

Ngôi chùa được xem là bảo tàng nghệ thuật, là nơi lưu giữ nhiều di sản Phật giáo có giá trị. Bản thân kiến trúc chùa còn chuyển tải nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa và tôn giáo.

Ngôi chùa cổ nằm chênh vênh trên vách núi hơn 500 năm

Chùa Việt 08:30 15/04/2024

Tương truyền, chùa Vô Vi được khởi dựng từ thời Đinh (thế kỷ X), sau nhiều biến cố của lịch sử, chùa được dời lên vách núi như ngày nay đã hơn 500 năm.

Xem thêm