Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 31/05/2017, 09:08 AM

Kẻ mê, vui trong sát sinh hại vật

Cuộc sống của chúng ta hầu như ai cũng muốn mình được an vui, hạnh phúc mà sợ bất hạnh, khổ đau; vì vậy chúng ta phải sống như thế nào để được vui mà không bị khổ. Người không biết tu tỉnh thì vui trên cái khổ của kẻ khác hoặc của các loài vật. Người biết tỉnh thức thì vui khi tránh được điều ác, không làm tổn hại người vật, làm được việc thiện lành, tốt đẹp, có ích cho mình và người. Thế nên, nói người  tỉnh thức được cái vui thoát tục, tức là vượt khỏi cái vui tầm thường của người thế gian.

Trước tiên, chúng ta phải biết được thế nào là cái vui của người thế tục? Cái vui đối với người hay thích sát sinh hại vật là họ muốn được ăn ngon để bồi bổ cho thân này nên họ toàn mua những con vật còn tươi sống để chế biến và thưởng thức, họ vui vẻ thích thú với việc làm đó. Mỗi ngày không có những món ngon vật lạ thì họ cảm thấy khổ sở vô cùng vì ăn uống không ngon miệng. Ai theo truyền thống có ông trời tạo ra vạn vật để phục vụ cho đấng thần linh và con người thì sẽ mang ơn ông trời. 

Cho nên ngày xưa người ta thường giết vô số các loài vật để cúng tế thần linh rồi sau đó con người mới dùng sau, ai cũng cảm thấy vui sướng và thích thú với việc ăn các con vật đó. Với người phật tử chân chính thì biết tránh xa những thú vui làm đau khổ các loài vật mà luôn vui với hạnh nghiệp lương thiện, phù hợp nhân cách đạo đức làm người, vui mà không làm phiền muộn, khổ đau đến một chúng sinh nào cả.

Ví như người phật tử ăn chay 2 ngày, 4 ngày, 6 ngày, 10 ngày, hoặc trường chay hoàn toàn; mới đầu chưa quen hình như thấy ăn chay là khổ vì không được ăn uống các thức ăn mặn nên ăn không ngon miệng mà lại mau đói, nhưng rồi thời gian đã quen họ thấy vui thích trong việc ăn chay. Một ngày ăn chay là một ngày không làm khổ chúng sinh vì loài nào cũng tham sống sợ chết. Cái vui của người ăn chay là cái vui tránh làm khổ các loài vật, nhờ vậy mà lòng từ bi của họ ngày càng thêm tăng trưởng. Họ không bao giờ muốn làm tổn hại một ai nên lúc nào cũng sống trong bình yên, hạnh phúc.
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ăn chay là tránh được cái nhân sát sinh, không làm tổn hại mạng sống của muôn loài vật; như vậy là vui, vui cái vui của người biết mở rộng tấm lòng; nhưng có nhiều người tới ngày ăn chay lại còn thèm ăn mặn nên ngày ăn chay là ngày hành xác, có khi sáng ăn chay mà trưa chiều lại ăn mặn. Tuy rằng tâm tư họ lúc nào cũng muốn ăn chay nhưng vì tập khí, thói quen nhiều đời sát hại sinh vật còn sót lại nên họ chưa thật sự từ bi. Ăn chay cốt không làm tổn hại sinh mạng chúng sinh, tránh được tội lỗi, làm được điều tốt, giảm bớt lòng ham muốn dục vọng thấp hèn vì muốn ít biết đủ thì an vui, hạnh phúc.

Ngày xưa có một ông vua có thú vui hết sức lạ kỳ, ông khát máu và nổi tiếng tàn ác, thích nhìn những kẻ tội nhân bị hành hình đau đớn trước mặt. Ông cho rằng những tội nhân đáng bị giết như thế, ông vui trên sự đau khổ của kẻ bị tù đày. Sau này các quần thần thấy ông làm thế quá ác tâm mới tìm cách khuyên can không nên làm thế vì sẽ mang tiếng suốt đời. Đó là cái vui của kẻ chiến thắng trước những người thất bại, họ kiêu hãnh trị tội đối phương bằng nhiều hình thức dã man để trả thù dân tộc.

Cái vui trên sự giết hại nhẹ thì bị quả báo bệnh tật, chết yểu; nặng thì bị ân oán, thù hằn vay trả hoặc trước mắt bị tù tội, bị tra khảo hành hình. Thời gian sau nhà vua gặp được Phật pháp, nhờ sự hướng dẫn của Chư tăng nên ông cải tà quy chánh, phát nguyện làm một phật tử chân chính đúng như lời Phật dạy. Ông ra lệnh cấm săn bắn thú rừng và chính mình mở ra những ao phóng sinh để khích lệ mọi người thể hiện tấm lòng từ bi rộng lớn.

Có những người dùng ná hoặc dùng súng nhỏ đi vào vườn, vào rừng tìm thú để săn bắn. Có người săn bắn để làm thú vui chứ không ăn, họ đi săn vì muốn chứng tỏ bản lĩnh, tài năng thiện xạ để mong được nhiều người khen ngợi; cũng có những người vì nghiệp sát quá nặng nên lúc nào cũng tìm đủ mọi cách để giăng bắt, lưới bẫy, chĩa chọt, săn bắn để thỏa mãn thú tính sát sinh hại vật. Họ không từ nan bất cứ một hình thức nào đối với các loài vật dù lớn hay nhỏ, miễn là có sát sinh là được rồi. Trên cành cây đôi chim đang đậu rỉa lông cho nhau, hoặc kêu hót rất dễ thương, vậy mà họ nỡ đành đoạn vươn ná hoặc súng để nhắm bắn. Một con chim bị thương té nhào xuống đất thì họ xúm lại vỗ tay vui mừng và còn nói “hay quá! hay quá!”.

Đoạn mạng sống của chúng sinh là một thói quen, là hành động xấu của những kẻ không có lòng từ bi thương người, thương vật. Họ làm việc xấu ác mà lấy làm vui vẻ, thích thú lắm; chẳng những người bắn vui mà những người ăn theo cũng vỗ tay vui mừng ầm ĩ. Chúng ta vui trên sự chết chóc, khổ đau của loài vật mà không biết thương tiếc. Giết được một con vật thì chúng ta khởi niệm vui mừng, reo hò thích thú. Thật là lòng người quá ác!

Từ thái độ xem thường mạng sống của các loài vật, dần dần chúng ta sẽ xem thường mạng sống của con người vì thói quen giết hại nhiều lần, rồi có thể khi không làm chủ được bản thân, khi quá nóng giận không kìm hãm được chúng ta có thể tạo tội giết người. Nhất là những người thích coi phim ảnh kích động đánh đấm, giết hại, tranh hơn tranh thua, rồi gia đình người thân bị người khác giết thì con cháu phải trả thù; lâu ngày chày tháng thành thói quen, khi có chuyện gì mâu thuẫn xảy ra trong gia đình thì không dằn được cơn giận, dẫn đến đánh đập rồi giết hại nhau. Ai có theo dõi báo chí thường xuyên sẽ nghe rất nhiều câu chuyện gia đình người thân giết hại lẫn nhau vì không kiềm chế được cơn giận.

Cho nên, Phật vì lòng từ bi thương xót tất cả chúng sinh mà khuyên nhủ mọi người không nên trực tiếp sát sinh hại vật, xúi bảo người khác giết hại và vui vẻ đồng tình với sự giết hại của người khác. Thế gian này sở dĩ có chiến tranh hoài không có ngày thôi dứt là từ nhân sát sinh hại vật mà ra, cái nhân ban đầu chỉ giết các loài vật để ăn rồi dần dà dẫn đến giết người không thương tiếc; như vậy là chúng ta vui vẻ trên sự buồn khổ, chết chóc, đau thương của chúng sinh; trong khi ai cũng tham sống sợ chết và cho rằng mạng sống của mình rất quý, cớ sao ta nỡ lòng nào đành đoạn nhẫn tâm giết hại. Người có chút lòng từ bi khi thấy con vật sắp bị giết thì họ thương tâm, dùng tiền chuộc lại mạng sống của chúng để phóng sinh.

Bản thân chúng tôi từ hồi còn nhỏ đã có dã tâm sát sinh hại vật, dù con vật đó không phải bắt để ăn nhưng vẫn cố tâm giết hại, hành hạ để thỏa mãn thú vui; như gặp con cóc, con cắc ké thì chúng tôi bắt rồi lấy ống chích bơm nước vào mình chúng cho phù lên đến chết mới thôi. Các con vật khác như ong, ruồi, kiến, bướm, cào cào, bù tọt, ểnh ương chúng tôi giết chết không thương tiếc. Còn các loài vật ăn được như cá, tôm, cua, lươn, ếch thì chúng tôi tìm đủ mọi cách bắt câu, chích, giăng lưới, bẫy bắt; nên từ hồi nhỏ tôi đã đằng đằng sát khí, mặt mày trông rất dữ tợn. Đối với con người thì tôi thách đấu đánh lộn, khi thắng thì vui trên sự đau khổ của người bại trận, có khi bị gãy răng, bầm mắt, lỗ đầu, sứt trán mà vẫn không chịu thua.

Chúng tôi là hạng người ngang tàn, bướng bỉnh do thói quen hung dữ, khinh khi người, nên bất chấp mọi điều lễ nghĩa. Khi lớn lên chúng tôi làm việc ở đâu là nơi đó các loài vật bị chúng tôi tìm tòi, xơi tái không thương tiếc; thậm chí tới loài bò cạp, rắn rít, ễnh ương, bù tọt tôi cũng không tha. Khi có súng thì đi săn các loài thú rừng đủ các loài để vui chơi, ăn nhậu cho thỏa thích. Ngày hôm nay có dịp rảnh rỗi ngồi viết sách để cùng chia sẻ đến với mọi người thì mình mẩy, đầu cổ đau ê ẩm giống như những con cá bị con người đập đầu, lóc da, xẻ thịt vậy. Ác nghiệp năm xưa của chúng tôi quá nặng nên bây giờ nhờ có tu hành đôi chút nên được trả bớt nghiệp mới bị bệnh tật, đau nhức hành hạ. Nhờ vậy chúng tôi mới cảm nhận được những nỗi đau mất mát trước đây chúng tôi đã từng gây ra bằng việc sát sinh, hại vật.

Phật dạy tất cả chúng sinh đều có Phật tính sáng suốt, bình đẳng, nhưng vì tập khí thói quen nhiều đời và sự hiểu biết của kẻ tỉnh người mê khác nhau nên chúng ta có mặt trong cuộc đời này đã làm tổn hại không biết bao nhiêu loài khác cũng chỉ vì mạng sống của chính mình. Người tỉnh thì vui trên tấm lòng vị tha, thương xót bình đẳng muôn loài vật. Đức Phật vì lòng từ bi thương xót tất cả chúng sinh ai cũng tham sống sợ chết vì đó là bản năng sinh tồn thứ nhất, mạnh nhất của muôn loài vật nên Người đã chế ra giới không được trực tiếp giết hại, xúi bảo người khác giết hại, hoặc đồng tình vui vẻ khi thấy người khác giết hại.

Đó là nhân gây ra ân oán, hận thù không có ngày thôi dứt; chính vì vậy mà thế giới này luôn xảy ra binh đao, chiến tranh tàn sát lẫn nhau cũng vì nhân giết hại. Người biết tu tỉnh sẽ ý thức được khổ đau do sự giết hại gây ra nên quyết tâm ăn chay trường để tránh bớt hậu quả xấu ác. Ăn chay dù sao cũng đỡ hơn ăn mặn, mặc dù có tổn hại đôi chút về các loài vật nhỏ nhưng không sao vì mình không có tâm giết hại, nếu có trả quả cũng không đáng kể, sám hối và làm phước thiện thì sẽ hết.

Là người phật tử chân chính chúng ta phải luôn ý thức không nên vui cái vui trên sự đau khổ của chúng sinh. Chúng ta đặt cái vui của mình trên cái vui của nhiều người, làm thế nào để mọi người vui thì chúng ta mới vui. Nếu ta vui trên sự đau khổ của kẻ khác thì đừng bao giờ làm như thế. Những cái vui chúng tôi vừa kể nãy giờ là những thú vui làm khổ người, khổ vật để làm vui mình, đó là những cái vui của người không có đạo đức, không có lòng từ bi. Cái vui giết hại người vật là cái vui của những kẻ vô minh mê muội, thiếu ý thức trong việc hiểu biết, nhận định đúng sai, không phải là cái vui của người có lương tâm đã tỉnh thức.

Thích Đạt Ma Phổ Giác
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm