Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 27/08/2023, 09:22 AM

Khi bước đi mà chẳng cần phải đến

Trong đời sống hàng ngày của chúng ta, chúng ta đi với bước chân đầy những mối băn khoăn, lo nghĩ – đè nặng bởi bất an.

Bạn có thể nói rằng cuộc sống của chúng ta được xây dựng bằng những tháng và năm của âu lo. Đó là lý do ta không thể bước đi một cách thanh thản.

Thế giới này đầy những vẻ đẹp, với nhiều con đường đẹp đẽ và quyến rũ để chúng ta lựa chọn. Có những con đường ngào ngạt mùi hương của hoa, và được tô điểm bằng các màu sắc trang nhã. Nhưng chúng ta đã đi ngang qua chúng một cách không ý thức, không ngừng lại những mối lo âu của mình để chiêm ngưỡng cảnh vật chung quanh. Chúng ta đi với những bước chân loạng choạng của một cái tâm không thoải mái.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Đi bộ jong-grom

Đi bộ jong-grom (trong tiếng Thái) huấn luyện cách chúng ta đi trong thanh thản. Khi tôi còn là một người mới trong cuộc huấn luyện Pháp - Luật (Dhamma- Vinaya) này, khởi đầu tôi bước đi không có sự tự tin, không có sự kiên định. Bước đầu, chúng ta ai cũng đều như vậy cả. Nhưng rồi, sau một vài tuần, chúng ta có thể bước đi một cách vững vàng và kiên định, trong sáng và định tĩnh, và hoàn toàn tự nhiên.

Cuộc sống của chúng ta thường bừa bãi và lộn xộn. Chúng ta liên tục lao vào vấn đề này, vấn đề nọ dưới áp lực. Nhưng chúng ta đang lao tới nơi đâu? Đây là câu hỏi mà chúng ta thường tự hỏi chính mình. Hay là thử đi bộ jong-grom xem sao!

Đi bộ jong-grom giống như đi dạo. Bạn không cần phải đặt ra bất kỳ một mục tiêu cụ thể nào hoặc giới hạn thời gian cho nó. Mục đích chỉ là những bước đi, không có mục tiêu nào để đạt đến. Đi bộ jong-grom không phải là một phương pháp – nó chính là mục đích. 

Mỗi bước bạn đi là mục đích cuộc sống của bạn. Mỗi bước là hạnh phúc, là an tịnh. Đó là lý do tại sao bạn sẽ không bước đi một cách vội vàng. Đó là lý do tại sao bạn sẽ bước một cách đều đặn, với một thái độ đàng hoàng, chững chạc. Chẳng có nơi nào bạn cần phải đến, chẳng có mục tiêu nào đẩy bạn về phía trước. Với những bước như thế này, bạn sẽ có thể đi trong chánh niệm, với sự mãn nguyện trên gương mặt.

Hãy đi như thế để rời bỏ hết những lo lắng, ưu tư cho một lần và mãi mãi.

Bí mật của thiền hành hay thiền đi bộ là đi mà không lưu lại gì ngoài niềm hạnh phúc an bình trong mỗi bước chân. Để bước đi như vậy, bạn hãy giũ bỏ tất cả mọi lo lắng và ưu phiền, không còn cách nào khác.

Những bước đi không dính bụi cuộc đời 

Giả sử bạn đang đứng trên con đường tuyệt đẹp, trong sạch, thanh tịnh, lúc đó bạn sẽ bước đi như thế nào? Bạn có thực sự chắc chắn rằng bạn sẽ không lưu lại những dấu vết của sự lo âu và sầu não của cuộc đời trong những dấu chân của bạn tại nơi thanh tịnh đó hay không? Nếu bạn đem u sầu và lo lắng và in chúng trên mặt đất, bạn sẽ làm dơ và ô uế mặt đất bởi những dấu vết ảm đạm của những bước chân.

Nếu chúng ta có thể bước trên mặt đất này với sự hạnh phúc và an tịnh thì chẳng cần gì phải đi đến đất Phật cả. Cả hai thứ trần tục và thanh tịnh đều được sinh ra ngay đây trong cái tâm này của chúng ta. Trong bất kỳ khoảnh khắc nào mà chúng ta cảm thấy tự do, an bình và hạnh phúc, thì lúc đó trần tục là thanh tịnh và thanh tịnh là trần tục. Chúng ta có thể bước đi mà chẳng có nơi nào chúng ta cần phải đến.

Khoảnh khắc mà chúng ta chứng nghiệm được rằng trần tục và thanh tịnh đều sinh khởi từ tâm của chúng ta, chúng ta ngập tràn hạnh phúc. Chúng ta hạnh phúc vì chúng ta biết rằng trong bụi có cả bụi và có cả sự tự do. Nếu chúng ta mở mắt và sải bước trong chánh niệm, an tịnh và hạnh phúc sẽ ngập tràn trong từng bước chân. Đây là nguồn cảm hứng giúp chúng ta đi bộ jong-grom hàng ngày.

Đi với đôi mắt rộng mở 

Xin hãy bước đi một cách tự nhiên, không cần phải chắp tay ở phía trước ngực, hoặc giữ một tư thế cứng nhắc. Chọn một con đường yên tĩnh và an bình để làm con đường, ở trong rừng, trong công viên, trên bờ sông hay trong thiền viện. Chúng ta có thể thực hành mọi lúc.

Hầu hết cách chúng ta đi qua cuộc sống như thể chúng ta đang bị mộng du. Chúng ta không biết rõ mình đang làm gì, hay đang đi theo phương hướng nào. Sự tỉnh giác của chúng ta sẽ tùy thuộc vào việc chúng ta có thể bước đi với chánh niệm hay không. Tương lai của tất cả chúng sinh trên trái đất thực sự dựa vào cách mà chúng ta đang bước đi.

“Người có thể đi theo dấu chân của tâm mình sẽ thoát khỏi mọi trói buộc của Ma vương”

Đi bộ jong-grom có thể mở mắt và mở tai của chúng ta với những kỳ quan của vũ trụ, và thay đổi thế giới nội tâm. Nó có thể giúp bạn đoạn tận khổ đau, buồn rầu, sầu não và lo lắng, và đem lại cho bạn niềm hạnh phúc của sự bình an. Tương tự, nó giúp bạn thấy rõ khổ trong cuộc sống. Nếu bạn không thấy những gì đang sinh khởi trước mặt và chung quanh bạn, làm sao bạn thấy được những gì đang xảy ra bên trong tâm mình? Chẳng phải là những nỗi thống khổ trong đời chỉ đơn thuần sinh khởi từ những mối hoài nghi, do dự và lo lắng vì không thấy rõ, biết rõ hay sao? 

Khi mở mắt nhìn, bạn sẽ thấy thiên nhiên không giống như bạn hình dung khi nhắm mắt. Bạn đi và mở mắt để thấy rõ bản chất thiên nhiên, sự vật như chúng đang là.

Mở mắt sẽ giúp bạn thấy thiên nhiên trong chính bạn và bản chất bên trong của bạn. Đó là sự tỉnh giác. Khi đôi mắt rộng mở, những khó khăn, gian khổ của nghèo đói, và sự cám dỗ của giàu có, những áp lực mà chúng tạo nên cũng không thể tách rời bạn ra khỏi bản chất cốt lõi của chính bạn.

Những con đường thiền hành rợp bóng những cây dày lá và những loại cây khác, được phủ đầy với những lớp lá rơi, đây là những con đường thiền hành nằm trước mặt chúng ta. Chúng ta nên hân hoan khi thiền hành trên những con đường như thế này. Chúng sẽ không đưa chúng ta đi lầm đường lạc lối.

Mỗi lối đi trên thế gian này đều có thể là con đường thiền hành cho chúng ta. Với sự tỉnh giác, chúng ta sẽ không chút chần chừ bước đi trên những con đường này.

Đi và thở chánh niệm

Thở với chánh niệm thì khác với thở bình thường. Thở với chánh niệm có nghĩa rằng khi bạn thở, bạn biết rằng bạn đang thở. Khi thở vào bạn biết bạn đang thở vào. Khi chúng ta thở ra bạn cũng biết bạn đang thở ra, Khi thở vào một hơi thở tế, bạn biết bạn đang thở vào một hơi thở tế. Làm sao chúng ta có thể vừa biết rõ việc thở và bước đi cùng một lúc?

Có một cách là sử dụng kỹ thuật đếm, bạn có thể đo chiều dài của hơi thở theo số các bước chân: Khi thở vào bạn đi được bao nhiêu bước? Và khi thở ra bạn đi được bao nhiêu bước? Hãy thực hành như vậy một thời gian – trong vài tuần lễ. Hãy thử xem sao. Hãy bước chậm nhưng đừng quá chậm, và thở bình thường. Đừng cố gắng kéo dài hơi thở. Hãy thử thực hành trong một thời gian và rồi bắt đầu ghi nhận: Khi bạn thở vào, có bao nhiêu bước trong đó?

Sử dụng phương pháp này, sự chú ý của bạn cùng một lúc sẽ đặt cả trên hơi thở và bước chân, việc này làm tăng trưởng sự chú tâm, an bình, khinh an nơi bạn. Nó làm dịu các đối tượng và làm cho sự chú tâm của bạn thêm trong sáng, thuần khiết. 

Đây là sự tỉnh giác. Đây là minh. Đây là trí tuệ...

- Thầy Luang Por Liem Ṭhitadhammo - 

Nguồn: Lược trích từ Walking with Awareness

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Ung nhọt của thân thể

Kiến thức 15:38 29/04/2024

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anathapindika, Ngày dạy các Tỷ kheo: Này các Tỷ kheo, ví như một ung nhọt đã trải qua nhiều năm. Nó có chín miệng vết thương, có chín miệng rạn nứt. Từ đấy có cái gì chảy ra?

Khéo nghĩ đời sẽ nhẹ nhàng hơn

Kiến thức 11:00 29/04/2024

Các hiện tượng tự nhiên và xã hội cứ thiên biến vạn hóa liên tục xảy ra xung quanh ta mọi nơi mọi lúc tạo ra muôn màu muôn vẻ của cuộc sống. Hiện tượng thì khách quan, độc lập, riêng biệt mà nhận thức chủ quan của mỗi người về hiện tượng ấy lại vô vàn khác nhau, tùy nghiệp duyên của họ.

Sự có mặt của tình thương

Kiến thức 09:12 29/04/2024

Sự có mặt của tình thương là sự có mặt của đức Phật, sự có mặt của đức Phật là sự có mặt của tình thương, của an vui và hạnh phúc.

Phụng dưỡng cha mẹ đúng pháp

Kiến thức 08:34 29/04/2024

“Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi. Rồi Bà la môn Màtaposaka đi đến đảnh lễ và bạch Thế Tôn: Thưa Tôn giả Gotama, tôi tìm món ăn thiết thực theo thường pháp, sau đó tôi nuôi dưỡng mẹ cha. Thưa Tôn giả Gotama, tôi làm như vậy có đúng trách nhiệm không?

Xem thêm