Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 17/06/2024, 16:21 PM

Khi hoa vô ưu nở

Tôi sinh ra trong một gia đình lao động nghèo, nhưng ba tôi có một khát khao tưởng chừng vượt khỏi tầm tay là cho hai chị em tôi được học hành đến nơi đến chốn.

Để chúng tôi có thể được cắp sách đến trường cùng các bạn đồng trang lứa, ba tôi đã làm việc quên bản thân mình bất kể thời gian, không nề nặng nhọc.

Còn nhớ, lúc tôi học cuối năm cấp một, ba làm bảo vệ cho một xí nghiệp gỗ cách nhà khoảng 3km, đó là khoảng thời gian tôi ít gặp ba. Hôm nào trực đêm, ban ngày ba tranh thủ làm ở lò sấy gỗ, nếu có ca trực ban ngày, chiều ba nán lại làm thêm đến khi về thì hai chị em tôi đã ngủ được một giấc say. Những ngày xuống ca trực và không có việc làm thêm, ba lại về mảnh ruộng nhỏ của nhà trồng lúa, sắn nước, đậu phộng. Nhà nghèo không có máy bơm nước, những ngày nắng hạn, khuya ba phải thức đổ từng gàu nước từ con rạch gần nhà để dẫn nước vào tưới ruộng. Dáng khom gầy với chiếc lưng trần rám nắng như đội cả gió sương.

Không phụ công vất vả của ba, cả hai chị em tôi đều học rất tốt. Giấy khen của chúng tôi được ba nâng niu, giữ gìn rất cẩn thận trong niềm tự hào, hạnh phúc.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Năm tôi học lớp chín, ba bị đau một bên mắt trái. Sợ đến bệnh viện sẽ tốn nhiều tiền nên ba đi châm cứu và bốc thuốc Nam miễn phí gần nhà uống. Vài tháng sau vẫn không khỏi và có dấu hiệu đau nửa đầu, được cậu út tôi cho mượn ít tiền, mẹ đưa ba xuống Bệnh viện Mắt khám. Khi nghe các bác sĩ bảo ba bị bệnh tăng nhãn áp glocom, do khám quá trễ nên phải mổ bỏ mắt, ba tôi bần thần, gần như suy sụp. Ba lo lắng cho tương lai hai chị em chúng tôi với quãng đường học hành còn quá dài phía trước. Không thể nào quên được, ngày trở về từ bệnh viện ba vẫn nở nụ cười như động viên chúng tôi, quà của ba là bốn trái vải mà cô tôi mang đến thăm được ba để dành giờ đã trở nên khô khốc nhưng lại vô cùng quý đối với hai chị em tôi…

Xí nghiệp nơi ba tôi làm giải thể sau khi ba mổ mắt 3 tháng, ba tôi lại tất tả tìm và làm đủ mọi việc, từ phụ hồ đến lao công cho một xưởng gỗ gần nhà. Ngày tôi đi thi đại học, vì nhà không quá xa điểm thi, để tôi đỡ vất vả, ba đã gom góp tiền thuê chú xe ôm gần nhà chở tôi đi thi. Không thể kể xiết niềm vui của ba khi thấy tên tôi đậu đại học và là á khoa của trường. Khi tôi vào học đại học, ba bán đi vài sào đất, một phần cho tôi đi học, phần còn lại sửa sang lại ngôi nhà. Sau khi tôi ra trường, kinh tế gia đình dần ổn định hơn.

Năm 60 tuổi, ba có đủ duyên lành với Phật pháp, được thầy quy y với pháp danh Thiện Đạt. Tuy không thường xuyên đến chùa do nhà xa nhưng ba rất tinh tấn, mỗi chiều ba thường tụng kinh Nhật tụng, lúc rảnh ba tụng chú Đại bi. Khi tôi lập gia đình được bốn năm thì ba bị tai biến xuất huyết não. Như một điều kỳ diệu, ba tôi nhanh chóng bình phục, dù đi lại khó khăn nhưng vẫn có thể tự thực hiện các nhu cầu cá nhân và hoàn toàn minh mẫn. Để ba không bi quan về bệnh tình và an nhiên trong cuộc sống, tôi thường hay thỉnh kinh, sách về cho ba đọc.

Trong vườn nhà chúng tôi có xây cái am nhỏ thờ cốt của ông bà nội tôi, trước am ba tôi trồng một cây tha-la (ngọc kỳ lân) rất lâu mà vẫn chưa ra hoa. Vào những tháng cuối năm Kỷ Dậu, cây bỗng nhiên trổ đầy hoa, hương bay tỏa khắp. Vào tháng 11, ba tôi đột ngột ho nhiều nhưng ông không chịu đi bệnh viện do em tôi đang du học và tôi thì giảng dạy ở Sài Gòn. Vợ chồng tôi về năn nỉ ba ra khám ở phòng khám gần nhà. Cô bác sĩ quen sau khi đo huyết áp cho ba đã yêu cầu chúng tôi phải đưa đi viện gấp. Không biết có điều gì linh tính nhưng trên đường từ nhà xuống bệnh viện, nước mắt tôi cứ chực trào ra… Những ngày ở bệnh viện, có thể đoán biết trước được bệnh tình của mình, ba nói với tôi: “Đã đến thì có ngày phải đi. Ba biết ba sắp đến ngày đó rồi!”. Cơ duyên, ba tôi được nằm phòng Hồi sức tích cực cùng với Sư bà trụ trì một chùa tại Bà Rịa-Vũng Tàu, chúng tôi có duyên lành được các sư cô khai thị về sinh tử, vô thường…

Về nhà, dù rất mệt nhưng ba chưa một lần than vãn, khi khỏe ba niệm Hồng danh Đức Phật A Di Đà và tụng chú Đại bi. Qua hai đợt điều trị, mùng 5 Tết Mậu Tuất ba ra đi sau gần ba tháng chống chọi với căn bệnh ung thư phổi và bóc tách động mạch chủ ở tim.

Mùa Vu lan này là đã gần hai năm kể từ ngày ba tôi từ giã thế gian, nỗi nhớ thương ba trong tôi không khi nào ngơi nghỉ. Khi nhớ đến ba, tôi niệm Hồng danh Đức Phật A Di Đà và nghĩ về những bông hoa vô ưu thanh thoát...

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Hiện hữu của mẹ

Góc nhìn Phật tử 16:20 26/06/2024

Sáu năm về trước, mẹ tôi mất vào ngày trăng tròn tháng chín…Trăng khuya bao giờ hiền hòa êm dịu và mầu nhiệm như tình mẹ. Trong suốt bốn năm trời tôi có cảm giác rất rõ rệt là tôi mất mẹ. Nhưng mà có một đêm tôi nằm mơ thấy mẹ, và từ lúc đó, cảm giác kia không còn nữa.

Món quà tu tập

Góc nhìn Phật tử 14:16 26/06/2024

Mẹ ơi. Con còn nhớ như in ngày con lạy mẹ xuất gia, mẹ đã khóc rất nhiều. Mẹ thương đứa con thơ từ đây vắng mẹ, xa mái ấm gia đình để bước trên con đường “xuất trần thượng sĩ” - theo giáo pháp của Như Lai.

Hạnh phúc viên mãn của người con Phật

Góc nhìn Phật tử 09:30 26/06/2024

Hạnh phúc đơn giản chỉ dành cho ai biết nương tựa Phật, Pháp, Tăng và những thiện pháp. Hạnh phúc cũng đơn giản là đi về chùa, không có cơm ăn đi về chùa, không có việc làm đi về chùa. Đó là châm ngôn vô cùng giản dị, dễ làm, luôn đem lại hạn phúc cho người con Phật.

Lời của trái tim

Góc nhìn Phật tử 08:41 26/06/2024

Trong những nỗi đau khuyết tật, mất đi ánh sáng đôi mắt có lẽ là bất hạnh lớn nhất. Vì đôi mắt chính là cửa sổ tâm hồn, giúp ta nhìn thấy cuộc đời. Khi thiếu đi ánh sáng, cuộc sống bị hạn chế rất nhiều.

Xem thêm