Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 26/06/2015, 15:54 PM

Khóa tu mùa hè - Nét đẹp trong hoạt động nhập thế của Phật giáo

Trong những năm qua Phật giáo ở Việt Nam đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, Phật giáo tham gia tích cực hơn vào các hoạt động xã hội, góp phần hướng con người tới những giá trị chân – thiện – mỹ.

Qua bài viết này tác giả tập trung tìm hiểu về những tác động của khóa tu mùa hè đối với nhận thức của các bạn trẻ tại thành phố Hồ Chí Minh và các khóa tu tại chùa Hoằng Pháp.
 
DẪN NHẬP

1.1.Khái niệm nhập thế

Danh từ Phật giáo nhập thế hay Phật giáo dấn thân (En- gaged buddhism) lần đầu tiên xuất hiện trên tựa đề một quyển sách do thiền sư Nhất Hạnh viết vào năm 1963 tại Việt Nam. Đến năm 1988 hai tác phẩm quan trọng khác về chủ đề Phật giáo nhập thế ( socially engaged Buddhism) được xuất bản tại Thái Lan và Hoa Kỳ. Thuật ngữ này nhanh chóng phổ biến trong cộng đồng Phật giáo thế giới với sự ra đời của hội Thân Hữu Hòa Bình Phật giáo vào năm 1978 và Mạng Lưới Phật tử Nhập Thế Quốc Tế vào năm 1989. 

Khái niệm nhập thế được dùng để chỉ cho sự dấn thân của phật tử trong các sinh hoạt xã hội như các hoạt động thiện nguyện, cứu trợ thiên tai, giúp đỡ người nghèo khó, thiếu thốn, chăm sóc người già, nuôi nấng và giáo dục cô nhi, ngăn chặn các tệ nạn xã hội, góp phần giải quyết những khủng hoảng, mâu thuẫn của xã hội. 

1.2. Mục đích của khóa tu mùa hè.

Trong các khóa tu Phật thất dành cho người lớn vào mùa hè hàng năm, nhiều phật tử lớn tuổi thường dẫn theo các em học sinh là con, cháu, đôi khi chỉ là quen biết đi cùng, phát hiện ra điều này bắt đầu từ năm 2005 Thượng tọa trụ trì chùa Hoằng Pháp bắt đầu mạnh dạn tổ chức khóa tu mùa hè dành riêng cho thanh niên nhằm đáp ứng nhu cầu của phật tử khi tới chùa, chùa Hoằng Pháp đã tổ chức khóa tu mùa hè giành cho thanh thiếu niên từ 14 – 23 tuổi.

1.2.1. Góp phần vào sự nghiệp trồng người.

Để góp phần vào sự nghiệp trồng người và nuôi dưỡng tính thiện trong tâm hồn những chủ nhân tương lai của đất nước, chùa Hoằng Pháp đã tổ chức Khóa tu mùa hè dành cho thanh thiếu niên tập trung vào việc dạy cho các em đạo làm người chân chính trên nền tảng “hiếu hạnh. «Em thấy áy náy nhất đó là tính em hay nói dóc, em nói dóc rất nhiều và không cảm thấy gì, trước đây em hay nói dóc với ba mẹ là đi học nhưng thực sự là em đi chơi vơi bạn, em hay xin tiền đóng học nhưng không đóng học mà đi tiêu xài, em nói dóc là xin tiền đóng học phí nhưng em cũng lấy tiền đó đi chơi, nhưng giờ tham gia khóa tu mùa hè em mới thấy được đó là hành động sai trái của mình, em thấy rất ân hận » [ Kim Yến, 20 tuổi, TP.HCM, khóa sinh 2014]

Có thể thấy rằng khóa tu mùa hè có một sức ảnh hưởng lớn đối với nhận thức của các bạn trẻ, các bạn trẻ khi tham gia khóa tu mùa hè đều có những chuyển biến tích cực về mặt nhận thức và biết sống tốt hơn. 

1.2.2. Tạo một không gian lành mạnh, bổ ích cho các bạn trẻ vào dịp hè.

Sau một năm dài học tập căng thẳng, mùa hè là dịp để các bạn trẻ vui chơi, giải trí, có nhiều lựa chọn để các bạn trẻ có được một kỳ nghỉ hè ý nghĩa, như về thăm quê, giúp đỡ bố mẹ,..Nhưng không phải ai cũng biết tận dụng kỳ nghỉ hè để làm được một việc gì đó có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Nhiều bạn trẻ đã lao vào những cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng, đắm chìm trong thế giới ảo trên internet, hay tốn thời gian đọc những cuốn truyện nhảm nhí, xem những bộ phim vô bổ,…

Khi các bạn tham gia khóa tu mùa hè các bạn sẽ có một thời khóa biểu khoa học và hợp lý cả về thời gian tu tập và vui chơi. 

1.2.3. Tạo một nơi giúp các bạn trẻ giảm trừ căng thẳng, hóa giải tâm hồn, tu tâm thanh tịnh.

Dường như giới trẻ hiện nay đang phải chịu quá nhiều áp lực, bên cạnh đó những khúc mắc trong lòng, hay gọi theo thuật ngữ nhà Phật là những “nội kết” mà các bạn trẻ gặp phải khi đối nhân xử thế, quan hệ bạn bè, chứng kiến cảnh khổ cuộc đời, đối diện với những điều xấu,… đã dày vò các bạn nhưng các bạn chưa tìm được cách hóa giải làm cho các bạn cảm thấy mệt mỏi  lên chùa cũng là cách các bạn làm cho tâm của mình nhẹ hơn, tâm sự của một bạn trẻ «Lên chùa em cảm thấy rất thoải mái và thanh thản, em có thể tâm sự với các thầy, với các bạn đồng khóa tu những chuyện mà có thể em sẽ không nói với bố mẹ hoặc bất kỳ ai»[ Kim Yến, 20 tuổi, TP.HCM, khóa sinh 2014]

1.2.4.  Hoằng Pháp cho giới trẻ.

Với tâm nguyện Hoằng pháp lợi sinh, chư tăng chùa Hoằng Pháp đã dùng những phương tiện thích hợp đưa Phật giáo tỏa khắp nơi nơi đến mọi lứa tuổi, đặc biệt là thanh thiếu niên.

Trong khóa tu mùa hè ngoài những bài học về đạo làm người các bạn trẻ còn có cơ hội tiếp nhận được những giáo lý cơ bản của đạo Phật một bạn trẻ biết đến Phật pháp và quyết sống theo lời Phật dạy sẽ là một người có đạo đức, biết sống trí tuệ, giàu lòng từ bi và sẵn lòng hy sinh lợi ích bản thân để phụng sự cho xã hội, cho đất nước đó cũng là mục đích cao cả nhất mà khóa tu hướng đến.
 
Khóa tu mùa hè lần thứ I ( 2005) mở ra dành cho các bạn trẻ chỉ có  hơn 300 khóa sinh tham dự, khóa tu thứ  II (2006) trên 700 khóa sinh, khóa tu thứ III ( 2007) trên 1600 khóa sinh và  2008 khóa tu mùa hè lần thứ IV Ban Tổ Chức đã đón nhận hơn 3100 khóa sinh. Đến năm 2009, số lượng khóa sinh tham dự vượt hơn 6300. Vì số lượng các em tham gia quá đông nên vào năm 2010 và 2011 chùa tổ chức 2 đợt. Mỗi đợt có trên dưới 2500 khóa sinh.Nên từ năm 2012 do số lượng quá đông nên khi tham gia khóa tu mùa hè các bạn trẻ phải đăng ký trước 1 tháng, và chỉ tổ chức 1 khóa tu duy nhất. Tính đến năm 2013, khóa tu đã diễn ra được 9 năm và 11 khóa . Khóa tu năm 2014 là khóa tu đặc biệt chỉ giành cho sinh viên đã thu hút được 1500 khóa sinh. 

Khóa tu là hoạt động thực tập đời sống tâm linh theo lời Phật dạy trong một thời gian nhất định. Khóa tu mùa hè mở ra trong vòng 7 ngày cho các bạn trẻ có độ tuổi từ 14 – 23 tuổi và được chùa Hoằng Pháp tổ chức thường niên hàng năm vào dịp tháng 6 Dương lịch. Chùa Hoằng Pháp với diện tích 2ha, chính điện rộng 756m2 khuôn viên chùa rộng rãi, thoáng mát, có 4 trai đường, trai đường thứ 1 có sức chứa gần 1000 người, trai đường thứ hai có sức chứa hơn 500 người, trai đường thứ 3 có sức chứa gần 1200 người, trai đường thứ 4 có sức chứa hơn 400 người số lượng người phục vụ cho khóa tu khoảng 300 người, trong đó có 200 người là ở thường xuyên trong chùa còn 100 người ở ngoài đến khóa tu mới vào phụ chùa.

1.3. Lý do tham gia khóa tu mùa hè và những chuyển biến sau khi tham gia khóa tu mùa hè.

Trước xu thế phát triển của xã hội đương thời, nhân loại đang ngày đêm đối mặt với nhiều thách thức của đời sống thực tại, sự nghèo đói, tụt hậu, bệnh tật, …đã nảy sinh nhiều phức tạp trong các mối quan hệ về tinh thần và vật chất, nhân cách đạo đức, những nét đẹp thuần lương chân, thiện, mỹ nghìn đời của dân tộc đang trên đà tuột dốc và giới trẻ cũng là đối tượng bị tác động nhanh và mạnh, đứng trước thực tại đó chùa Hoằng Pháp  đã có những hành động nhắm hướng tới các bạn học sinh, sinh viên, các thế hệ trẻ tương lai của đất nước nhằm định hướng và nâng cao được nhận thức cho các bạn về thế giới, về cái đúng, cái sai, cái đẹp, cái xấu, hàng năm cứ 2 tháng một lần chùa Hoằng Pháp lại tổ chức khóa tu sinh viên trong vòng một ngày và đã có rất nhiều bạn tham gia,  tích cực hơn đó là khóa tu mùa hè trong vòng 7 ngày đã thu hút đông các bạn trẻ, có năm lên tới 7000 bạn tham gia, nhiều lý do để các bạn tham gia khóa tu mùa hè. 

Thứ nhất, Sư thầy phó trụ trì chùa Hoằng Pháp biết qua những bài cảm nghỉ của các bạn khóa sinh sau khi tham gia khóa tu mùa hè đó là do sự “ép buộc, khuyên bảo của gia đinh” nên các bạn tham gia, đó là những gia đình có thể theo hoặc không theo đạo Phật nhưng đều muốn con lên chùa để tham gia khóa tu mùa hè, đều mong muốn con mình có một sự thay đổi trong nhận thức có những “cậu ấm,cô chiêu” nghe theo bố mẹ và lên chùa tham gia khóa tu mùa hè  khi về bố mẹ hứa là sẽ cho (có thể là điện thoại, xe đạp điện,…), nên miễn cưỡng lên chùa tham gia khóa tu.

Nhưng khi lên chùa và đặc biệt sau khi tham gia khóa tu mùa hè thì các bạn đã thay đổi hoàn toàn, các bạn thích tham gia khóa tu mùa hè,  bố mẹ cũng rất ngạc nhiên và vui mừng có gia đình “ gọi điện lên cảm ơn quý thầy” vì sự thay đổi của con em mình.

Một số bạn sau khi tham gia khóa tu mùa hè cũng đã tâm sự về lý do tại sao mình lại tới với khóa tu mùa hè “Khi hè tới thì em đòi đi du lịch và đòi mẹ mua cho một chiếc xe đạp điện để đi học, thì mẹ nói là : Nếu vậy thì con lên chùa Hoằng Pháp tham gia khóa tu mùa hè trong vòng 7 ngày đi, khi về mẹ sẽ mua cho con và đưa con đi du lịch, em đã đồng ý, khi mẹ đưa lên chùa tham gia khóa tu, và mẹ về thì em vẫn nghĩ là chắc cũng không khác gì so với đi trại hè, nên em cũng thấy bình thường. Ngày đầu tiên và đêm đầu tiên thì em thấy tẻ nhạt và buồn, đêm thì không ngủ được do không có đệm, phải ngủ với nhiều người, em muốn bỏ về, nhưng nghĩ tới chuyến du lịch và xe đạp điện em lại cố gắng. Đến ngày thứ hai, thứ ba em bắt đầu quen dần với việc dạy sớm, với những bài kinh kệ, em thấy mình nhẹ nhàng và thanh thản hơn, em không còn suy nghĩ về xe, về du lịch, mà nghĩ nhiều hơn đến mẹ, có hôm mẹ tới thăm em, em đã khóc vì nhớ mẹ, mẹ cũng khóc, sau 7 ngày thì thực sự em muốn thời gian quay ngược trở lại ngày đầu”[Mỹ Yến, nữ 19 tuổi, Tp.HCM, khóa sinh 2013-2014].

Những điều thay đổi của con mình sau khi tham gia khóa tu mùa hè trở về cũng chính là cơ sở niềm tin để các bậc phụ huynh tin tưởng gửi con em của mình  tham dự khóa tu mùa hè năm tiếp theo.

Thứ hai, nhưng bạn sau khi tham gia khóa tu mùa hè một năm thì rất thích về khóa tu,  đã giới thiệu với bạn bè người thân của mình  cùng tham gia, chính vì sự tò mò, ham thích và giới thiệu của các bạn trẻ mà khóa tu mùa hè của chùa Hoằng Pháp ngày càng có nhiều khóa sinh tham gia, số lượng khóa sinh của năm sau luôn cao hơn năm trước vì vậy năm 2009 khóa tu mùa hè phải chia thành 2 đợt để tổ chức.“Em nghe bạn em đã tham gia khóa tu mùa hè năm trước giới thiệu nên cũng đăng ký tham gia cho biết, nhưng giờ thì em rất thích và muốn tham gia nhiều hơn nữa các khóa sau, em chỉ sợ mình quá tuổi tham gia thôi” [Tường Nam, nam 19 tuổi, Tp.HCM, khóa sinh 2013]

Thứ ba, qua các trang mạng xã hội, như Facebook của một số bạn đã từng tham gia khóa tu mùa hè rồi viết cảm nghĩ và các bạn thấy trên facebook, qua đó biết về khóa tu và đăng ký tham gia, hoặc do tìm thấy thông tin về khóa tu mùa hè qua website của chùa Hoằng Pháp nên đã đến đăng ký tham gia, hiện nay công nghệ thông tin khá phát triển nên việc chùa tổ chức khóa tu mùa hè và thông tin về khóa tu mùa hè cũng khá nhiều nên lượng khóa sinh đăng ký hàng năm đều rất nhiều và tăng liên tục qua các năm, theo sư thầy phó trụ trì chùa Hoằng Pháp, năm 2007 khóa sinh lên tới 7000 bạn, dù rất đông nhưng các bạn không muốn về trong khi sức chứa của chùa chỉ có được 3000 người, tuy vất vả nhưng quý thầy rất vui, vì công việc hoằng pháp lợi sinh của chùa đã có kết quả, việc gieo duyên Phật pháp thuận lợi.

“Một lần em lên mạng và vào trang website của chùa Hoằng Pháp thì biết là chùa có tổ chức khóa tu mùa hè nên em lên đăng ký tham gia khóa tu mùa hè” [Thảo, 19 tuổi, nữ, Tp.HCM, khóa sinh 2013]. Dù với bất kỳ lý do nào thì chúng ta thấy một điểm chung đó là đã thu hút khá đông sự tham gia của các bạn trẻ, giúp cho đạo pháp của Phật giáo trở nên gần gủi hơn với đời thường.

Tất cả những hoạt động đó làm cho các bạn trẻ biết về Phật nhiều hơn, biết về khóa tu nhiều hơn, bên cạnh đó chùa Hoằng Pháp có tổ chức rất nhiều các hoạt động khác thu hút nhiều tầng lớp, lứa tuổi như khóa tu niệm Phật thất dành cho tất cả mọi người già, trẻ, gái, trai, khóa tu sinh viên một ngày, hay các hoạt động Phật sự của chùa cũng thu hút nhiều người tham gia như lễ vía Phật A Di Đà, lễ Vu Lan, lễ tết Nguyên Đán,… những hoạt động này cũng là cơ hội để mọi người hiểu hơn về đạo Phật, trong những buổi lễ lớn đó thì nhà chùa có mời cơm chay, có phát đĩa miễn phí,…

Một lý do khác khiến cho khóa tu mùa hè lại thu hút đông các bạn trẻ tham gia đó là do kính phí tham gia khóa tu hoàn toàn miễn phí trong vòng 7 ngày,  đối tượng tham gia ở đây chủ yếu là học sinh sinh viên, những bạn chưa tự kiếm ra tiền được và phải phụ thuộc vào cha mẹ vì vậy khi nghe thông tin về khóa tu mùa hè, tới tham dự khóa tu các bạn học được nhiều điều hay, được sự chăm sóc tận tình của quý thầy, quý cô, được vui chơi, giải trí, cảm thấy thanh thản, giải tỏa những căng thẳng sau một thời gian học tập vất vả, chính vì vậy mà số lượng tham gia khóa tu mùa hè ngày càng nhiều qua các năm.

“Em muốn tham gia lắm, nhưng sợ không có tiền, nhưng khi biết miễn phí thì em rất mừng và đăng ký tham ra luôn, hiện nay em đã tham gia được 2 khóa rồi và vẫn muốn tiếp tục tham gia, tham gia khóa tu em học được rất nhiều điều tốt,  đáng để học” [ Đức Cường, nam, 20 tuổi, Tp.HCM, khoa sinh 2014]
 
Vậy chi phí của khóa tu mùa hè là hoàn toàn miễn phí và  một câu hỏi đặt ra đó là nguồn kinh phí ở đâu để chùa có thể tổ chức khóa tu mùa hè nói riêng và các hoạt động phật sự nói chung, qua tìm hiểu tác giả có biết một số nguồn tiền như:

Thứ nhất đó là tiền từ việc cúng dường của các quý phật tử xa gần tới với chùa Hoằng Pháp, thầy phó trụ trì cho biết “Có thể nói chùa Hoằng Pháp là chùa của “đại gia”, nhưng “đại gia” ở đây không phải là chùa có một vị ‘đại gia’ nào chống lưng mà đại gia ở đây là nhiều nhà, mỗi người với những việc nhỏ của mình góp sức cho chùa Hoằng Pháp, mỗi người lên chùa dù ít hay nhiều đều tự tay bỏ vào hòm công đức 10.000 – 20.000 ngàn đồng, người nhiều thì 100.000 – 200.000 ngàn đồng đồng, có những hôm các thầy ở chùa Hoằng Pháp phải thức cả đêm để đếm tiền, nhưng toàn tiền lẻ, và chính những đồng tiền lẻ đó đã giúp cho những công việc Phật sự của chùa” [ Thầy Tâm Đạo, phó trụ trì chùa Hoằng Pháp]

Cơ cấu hoạt động của chùa Hoằng Pháp như một công ty nhỏ, tiền cúng dường của quý phật tử xa gần đều được dùng cho các phật sự của chùa và làm công quả, chi tiêu rất rõ ràng, các phật tử ở xa thì có thể gửi vào số tài khoàn của chùa Hoằng Pháp và tổ chức khóa tu mùa hè cũng từ tiền cúng dường.

Tiền của chùa, từ việc kinh doanh buôn bán các sách báo, tạp chí, băng đĩa của chùa được bày bán ở phòng phát hành của chùa, và một cơ sở may nhỏ bên trong chùa, đó là nơi trưng bày, và bán những bộ đồ lam, phục vụ cho quý phật tử muốn mua để mặc trong thời gian tham gia tu tập tại chùa, hay mua về làm kỷ niệm, tuy không nhiều nhưng tất cả những khoản thu này đều được nộp vào tiền quỹ của chùa, nếu là bán đĩa thì VCD là 5000 ngàn đồng, DVD là 10.000 ngàn đồng, một bộ đồ lam tùy từng kích cỡ có giá từ 50.000 – 130.000 – 200.000 ngàn đồng. Đây chính là những nguồn kinh phí chủ yếu để chùa Hoằng Pháp hoạt động các phật sự lớn.

Mỗi một khóa tu với một chủ đề khác nhau, mỗi chủ đề đều đề cập đến những vấn đề mới mang tính chất thời sự và có tác động mạnh mẽ đến các bạn trẻ như khóa tu mùa hè năm 2013 các bạn khóa sinh được gặp GS Ngô Bảo Châu để trao đổi về vấn đề “học như thế nào cho tốt cho hiệu quả”, hay năm 2014 các bạn khóa sinh được trao đổi về vấn đề “nạo phá thai của giới trẻ hiện nay những mặt tiêu cực”,…mỗi ngày các bạn được các sư thầy, các ni cô giảng về những đức tính mà mỗi con người muốn tốt lên đều phải có như giảng về chữ hiếu, giảng về lòng yêu nước, về tình yêu thương giữa con người với con người,… Không chỉ có vậy các bạn còn được trang bị thêm cho bản thân những kỹ năng mềm phục vụ cho cuộc sống, những kỷ năng cần thiết như kỷ năng diễn thuyết trước đám đông, kỹ năng sống tập thể hòa đồng với tập thể, kỷ năng biết kiềm chế bản thân. 

Lời tâm sự của một bạn tham gia khóa tu năm 2011“Khi vào đây em được nghe các thầy giảng kinh, những bài giảng về cuộc sống, dạy em cách sắp xếp thời gian hợp lý và khoa học, dạy cách ăn, vào trong chùa em mới biết đó là ăn chuối phải dùng muỗng và bẻ đôi quả chuối, cách ngồi, cách nói, sau khi tham gia khóa tu mùa hè em thấy rất thoải mái, bình an, nghe các thầy giảng thì em học được nhiều điều bổ ích trong cuộc sống, vào trong chùa em thấy mình nhẹ nhàng hơn, không còn phải bon chen, xô bồ với cuộc sống nữa, thấy tính tình của mình cũng ôn hòa hơn trước đây em rất nóng tính hay gắt gỏng” [ Tuyết Anh, nữ 20 tuổi, Tp.HCM, khóa sinh 2011, 2013].

Khi các bạn trẻ tham gia khóa tu mùa hè, các bạn cũng đã hiểu một phần nào về chữ hiếu, gần như những khóa tu mùa hè nào trong buổi giảng về chữ hiếu thì tất cả các bạn trẻ đều khóc, có thể các bạn đã “thấm” được một phần nào đó những lời thầy dạy hoặc cũng có bạn đã biết tự suy xét về bản thân mình và biết ăn năn hối hận về những việc mình đã làm.“Lúc đầu ngồi đau lưng lắm, nhưng nếu tập trung vào bài giảng của các thầy thì chúng em quên hết, có những hôm có thầy giảng rất vui và rất hay đầu óc em như được giải phóng thấy thoải mái, nhưng có những buổi thầy giảng rất là sâu sắc, như hôm thầy giảng về chủ đề cha mẹ cả ngày tất cả các bạn đều khóc sướt mướt.” [ Yến Linh, nữ, 19 tuổi, Tp.HCM, khóa sinh 2014]. “Còn em khi ra ngoài kết thúc khóa tu em sẽ làm từ những việc nhỏ nhất như lau nhà, quét nhà, giặt quần áo, nấu cơm, mát xa cho mẹ, trước đây em không làm, em thấy giặt đồ cho mình đã là mệt rồi, nhưng mẹ em giặt đồ cho cả nhà,nhưng mẹ vẫn không nói gì cả, giờ em đã hiểu cảm giác của mẹ, em thấy hối hận, ray rứt và buồn”[Đức Cường, nam 20 tuổi, Tp.HCM, khóa sinh 2014]    
                   
Thiết nghĩ toàn bộ những ý tưởng, những giáo lý của Phật giáo theo một ý nghĩa nào đó rõ ràng là tương dung với suy nghĩ và hành động của chúng ta trong cuộc sống hiện nay nếu biết gạn lọc và tiếp thu những nhân tố hợp lý đẹp đẽ của nó như Giáo sư Trần Văn Giàu đã nói 

“ Tôi muốn cùng các bạn tuyên dương, nhất là trong hoàn cảnh lịch sử hiện giờ khi khói lửa chiến tranh nổi lên trên 50 xứ thế giới với oán thù dân tộc và tôn giáo ngất trời, tôi muốn cùng các bạn tuyên dương đạo đức của Phật giáo mà Nít – sơ ca ngợi một cách cảm động chống tư tưởng phục thù, chống tư tưởng oán ghét, chống hằn học, ở đây đạo đức Phật giáo trở nên đẹp quá, ngời quá, Phật quá” [ 21 (1993) – tr247]

KẾT LUẬN

Khóa tu mùa hè là một hoạt động tiêu biểu của xu hướng nhập thế của Phật giáo, góp phần vào sự phát triển của xã hội, nhằm xoa dịu nỗi đau của con người như những hoạt động thiện nguyện của Phật giáo, ủng hộ đồng bào bảo lụt, xây dựng nhà tình thương, thành lập trại trẻ mồ côi,…Việc chùa Hoằng Pháp tổ chức thường niên khóa tu mùa hè cũng là một hoạt động nhập thế tích cực, mà đối tượng chính là các bạn trẻ độ tuổi từ 13 – 23 tuổi, với mục đích của khóa tu đó là góp phần vào sự nghiệp trồng người, tạo một không gian lành mạnh bổ ích cho các bạn trẻ vào dịp hè, tạo một nơi giúp các bạn trẻ giảm trừ căng thẳng, hóa giải tâm hồn, tu tâm thanh tịnh và đặc biệt là hoàng pháp cho giới trẻ khóa tu mùa hè trở thành một “địa chỉ đỏ” để các bạn trẻ tìm về vào mỗi dịp mùa hè về. Với mục đích tốt đẹp các quý thầy đã góp sức của mình vào sự nghiệp trồng người của đất nước. 

Ngoài ra khi tới với khóa tu mùa hè chỉ trong vòng một tuần  các bạn đã có những  chuyển biến đáng kể cả về mặt suy nghĩ và nhận thức cũng từ đó các bạn trẻ có những ứng xử và hành động tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Phật giáo với tinh thần tư bi, hỷ xả, hoạt động hoằng pháp lợi sinh của Phật giáo đã trở thành chỗ dựa về mặt tinh thần cho các bạn trẻ trong hoàn cảnh xã hội đầy biến đổi hiện nay.

Dù với bất kỳ lý do nào khiến các bạn chọn chùa Hoằng Pháp để tham gia khóa tu như do sự ép buộc của bố mẹ, do bạn bè giới thiệu, qua mạng xã hội hay do chùa tổ chức miễn phí để các bạn có thể tham gia thì việc tham gia khóa tu cũng làm cho các bạn có những suy nghĩ, hành động và ứng xử đẹp hơn trong gia đình, nhà trường và rộng hơn là hướng tới lối sống chân – thiện – mỹ.

Dương Thị Tuyến
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 3.2015

-
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Chùa Hoằng Pháp (2012) “ Cẩm nang tổ chức khóa tu” NXB. Tổng hợp Thành Phố Hồ Chí Minh
[2] Minh Chí (2001) “Về xu thế thế tục hóa và dân tộc hóa của Phật giáo”, Tạp chí nghiên cứu tôn giáo Hà Nội Số 3
[3]. Minh Chí (2003) “Truyền thống văn hóa và Phật giáo Việt Nam”,  NXB. Tôn giáo Hà Nội.
[4].  Nhiều tác giả (2008) “ Nhân học đại cương” )NXB Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. 
[5]. Viện nghiên cứu tôn giáo (1994) “Những vấn đề tôn giáo hiện nay”,  NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
[6]. Trần Hồng Liên (2002), “Đôi nét về đạo đức tôn giáo và ảnh hưởng của nó đối với cư dân Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay” Tạp chí nghiên cứu tôn giáo số 2.
[7]. Trần Hồng Liên (2010), Tìm hiểu chức năng xã hội của Phật giáo Việt Nam, NXB tổng hợp tp HCM
[8]. Thích Chân Tính (2001) “Những điểm đặc sắc của Phật giáo” NXB Tôn giáo, Hà Nội
[9].Thích Phụng Sơn, “Những nét văn hóa của đạo Phật” NXB văn hóa Sài Gòn.
[10]. Trần Văn Giàu(1993) “ Đạo đức Phật giáo trong thời hiện đại” NXB Thành phố Hồ Chí Minh

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

“Hãy có lòng tốt”: Bộ sách của Đức Dalai Lama

Sách Phật giáo 16:45 31/10/2024

Cuộc sống là một hành trình dài và chúng ta phải trải qua vô vàn thử thách của cảm xúc: từ yêu, ghét, tức giận, hờn dỗi… Nhưng con người lại được kết nối bởi những thứ vô hình đó. Chúng ta đến với nhau vì yêu nhau hay rời xa nhau vì sự chán ghét.

Chúng ta sống vì điều gì?

Sách Phật giáo 16:36 27/10/2024

Người làm việc chăm chỉ không chỉ để có lương thực sinh sống mà còn để hạn chế lòng ham muốn của bản thân, có thể mài giũa tâm hồn, thanh lọc tâm hồn.

Lời khuyên để có hạnh phúc của thiền sư Khenpo Sodargye

Sách Phật giáo 22:43 22/10/2024

Qua câu chuyện về ba cách sống, thiền sư Khenpo Sodargye đưa ra lời khuyên về cách để sống hạnh phúc.

CEO Nguyễn Tuấn Quỳnh: "Nhờ sách của Thiền sư Nhất Hạnh tôi đã vượt qua nỗi đau mất mẹ"

Sách Phật giáo 09:30 18/10/2024

Cuốn sách Không diệt không sinh đừng sợ hãi giúp Nguyễn Tuấn Quỳnh hiểu sâu sắc hơn về sự sống và cái chết, mang lại sự an ủi trong thời khắc đau buồn

Xem thêm