Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 06/09/2023, 08:30 AM

“Không làm các việc ác”

Người biết tu là đem pháp của Phật dạy ứng dụng cho bản thân mình được an lành, nội tâm mình được trong sạch.

Khi quí vị nhận phái qui y, trong đó có một bài kệ bốn câu:

"Chư ác mạc tác

Chúng thiện phụng hành

Tự tịnh kỳ ý

Thị chư Phật giáo."

Dịch:

" Không làm các việc ác

Vâng làm các điều lành

Giữ tâm ý trong sạch

Đây là lời Phật dạy."

Lời dạy của chư Phật gọn, tóm lại chỉ có bốn câu kệ. Bốn câu kệ đó có ba điểm.

Điểm thứ nhất là đừng làm các điều ác.

Không làm tất cả điều ác tức là giữ năm giới cấm. Bởi vì giới là ngăn là chận. Ngăn chận tức là ngừa đón. Nếu chúng ta giữ năm giới là chúng ta không bị khổ, không bị lụy. Cho nên trong nhà Phật ví dụ giới cũng như hàng rào bên cạnh hố thẳm. Nếu tới mí rào, đụng rào chúng ta dội lại đừng đi nữa thì không rơi xuống hố. Còn nếu tới mí rào mà làm cho lủng rào để ra khỏi thì bảo đảm rơi xuống hố! Nên nói giới là ngừa đón.Phật tử giữ năm giới là ngừa đón khỏi rơi vào các tội lỗi, khỏi rơi vào những khổ đau hiện tại và mai sau. Phật dạy chúng ta tu trước phải giữ giới, có nghĩa là chúng ta phải dừng hết những điều tội lỗi dẫn đến sự hiểm nguy. Chúng ta dừng lại đừng bước thêm nữa, thì mới có thể tránh các họa hoạn. Vì vậy nên nói nhờ giữ giới mà ngừa được các thứ hiểm nguy.

Điểm thứ hai “Chúng thiện phụng hành” tức là vâng làm tất cả điều lành.

Điều lành là điều gì? Tôi sẽ đi chi tiết để quí Phật tử thấy rõ. Như chúng ta giữ giới không sát sanh tức là không giết hại người, đó là chúng ta không bị rơi vào chỗ người oán thù, người giết hại hoặc tù tội. Như vậy chỉ bảo đảm an lành cho mình chớ chưa làm lợi ích cho người. Muốn vâng làm các điều lành, phải làm gì nữa? Thay vì trước chúng ta không giết hại người, bây giờ thêm một điều nữa là cứu giúp, bảo trợ cho người. Cứu giúp, bảo vệ cho sanh mạng người được an toàn, cho người bớt khổ, đó là điều lành.

Niềm vui khi rời xa việc ác

01

Không làm ác lại làm lành nên có phước. Thành ra giữ giới là phước nhỏ chỉ ngăn ngừa được tội lỗi của mình, còn làm lành mới là phước lớn vì lợi ích cho người. Mình đã không giết hại mà lại còn giúp đỡ, còn bảo vệ để gìn giữ sanh mạng cho người, đó là điều lành.

Quí vị thấy có hai mặt, một mặt dừng tội lỗi gọi là đừng làm các điều ác, một mặt làm những điều tốt lành để giúp đỡ chúng sanh, gọi là làm các việc lành. Chúng ta cứ căn cứ vào năm giới để thấy những điều lành phải làm.

* Giới thứ nhất không giết người ngược lại còn cứu người, bảo vệ cho người được an toàn. Đó là làm lành.

* Giới thứ hai không trộm cắp. Tránh không trộm cắp của người khác, đó là tránh tội lỗi nguy hiểm của mình. Kế đến còn rộng rãi, ai thiếu nghèo mình giúp đỡ gọi là bố thí. Chúng ta không ăn trộm của người mà còn bố thí giúp đỡ người, đó gọi là làm lành.

* Giới thứ ba không được tà dâm. Mình giữ không tà dâm để cho gia đình được an ổn, cho tư cách mình được trinh bạch, đó là cái tốt của mình. Nhưng nếu chỉ giữ cho mình không thì chưa phải là làm lành. Muốn làm lành chúng ta phải làm sao? Chúng ta phải dạy cho con cháu, cho những người chung quanh biết sống hạnh trinh bạch, biết làm những điều tốt, đừng làm những điều quấy, điều nhơ. Đó là giúp cho người được tăng trưởng hạnh tốt ở trong xã hội. Như vậy chúng ta có phước.

* Thứ tư, không nói dối. Không nói dối thì giữ được uy tín của mình, giữ lòng tin của mọi người đối với mình. Nếu muốn có phước thì phải nói lời chân thật, lời hòa nhã, hiền lành. Không nói dối mà chúng ta còn nói những lời đúng lẽ thật, đúng chân lý, đó là làm lành.

* Thứ năm, không uống rượu mạnh, uống say, không hút á phiện, xì ke, ma túy. Đó là chúng ta tránh được những hiểm nguy cho mình. Nếu muốn làm lành chúng ta phải khuyên, nhắc nhở những người bạn, hoặc con cháu mình tránh làm những điều ấy, đó là làm phước.Như vậy tu Phật, chặng thứ nhất là chúng ta phải ngừa đón đừng phạm tội lỗi, đó là giữ giới. Chặng thứ hai, chúng ta phải làm những điều lành để trở thành một người hữu ích cho xã hội, hữu ích cho đời, đó là làm lành.

Điểm thứ ba, “Tự tịnh kỳ ý” tức là phải làm cho tâm ý mình trong sạch.

Làm sao để giữ cho tâm ý trong sạch? Cái gì làm nó nhơ uế? Đây là vấn đề tôi phải giải thích hơi nhiều.Trước khi nói tâm ý trong sạch, tôi xin nói tâm ý nhơ nhớp. Sao gọi là tâm nhơ nhớp? Thí dụ thấy người để món đồ tốt, ta sanh lòng tham muốn lén lấy. Muốn lén lấy, đó là tâm ý nhơ nhớp. Hoặc người ta thấy điều sai trái nên chỉ cho mình, mình nổi nóng cự lộn người ta, đó là tâm ý nhơ nhớp. Thấy người làm ăn phát đạt, mình thua kém rồi ganh tỵ, thù oán người, đó là tâm ý nhơ nhớp.

Khi chúng ta biết tu rồi phải gạn lọc tâm ý cho được trong sạch. Nếu cứ nuôi dưỡng tâm ý nhơ nhớp thì chúng ta sẽ tạo nên những lỗi lầm, những tội rất lớn ở mai sau. Thân chúng ta làm lành, miệng chúng ta nói lành đó là tốt, nhưng nếu tâm ý chúng ta chưa được lành, chưa tốt thì cũng có ngày nó xúi thân, miệng mình làm quấy, làm lỗi. Cho nên thứ ba là phải gạn lọc tâm ý, vì nó là gốc.

Giữ cho tâm ý trong sạch bằng cách nào? Ví dụ thường ngày trong sự tiếp xúc qua lại, mình hay có tật xấu là nóng nảy. Khi nổi nóng lên thì nói bậy, làm bậy đủ thứ hết. Như vậy chúng ta biết mình có tật xấu là nóng giận. Sự nóng giận đó ở trong tâm ý mình. Cái xấu cái nhơ ở trong tâm mình, mình phải làm sao lọc bỏ nó ra thì hết nhơ, hết xấu.

Phật dạy rất rõ, nếu người nào bị bệnh nóng giận thì phải uống tới hai toa thuốc. Toa thứ nhất là toa thuốc nhẫn nhục, toa thứ hai là toa thuốc từ bi. Khi nổi nóng lên, lúc đó quí vị làm gì trước? La trước phải không? La không được thì đánh. Như vậy từ ý nổi nóng rồi miệng la, la chưa xong thì tay đánh. Thế là thân tạo nghiệp ác, miệng tạo nghiệp ác từ ý nghĩ ác.

Nên khi nổi nóng lên, quí vị phải làm sao trị cơn nóng đó? Chạy đi lấy nước lạnh uống cho nó mát lại phải không, nhưng nước qua khỏi cổ một chút thì nhớ lại rồi nổi nóng nữa, chẳng lẽ uống nước nữa? Cứ mỗi lần nóng là uống nước, uống tới chiều cho bể bụng luôn. Đó chưa phải là phương pháp cứu mình. Do đó phải dùng hai phương thuốc từ bi và nhẫn nhục mới trị được bệnh này.

Đó là biết thuốc của Phật cho để trị bệnh, chớ còn không thì chúng ta tu Phật bao nhiêu năm mà khi bệnh không biết làm sao để trị.

Học Phật mà cứ đọc kinh này, sách kia nhưng không biết trị bằng cách nào.

Như vậy là chúng ta chưa phải thực tế. Khi có bệnh phải dùng thuốc liền, dùng thuốc rồi thì có hiệu quả. Bởi có thuốc mà không chịu uống rồi cứ kêu bệnh hoài. Nếu không uống thuốc để bệnh tái phát liên miên, đó là tự mình phá hoại, tự mình làm khổ mình.

Nên người biết tu là đem pháp của Phật dạy ứng dụng cho bản thân mình được an lành, nội tâm mình được trong sạch.

Đó là khéo tu, tu như vậy mới là tu thật, còn nếu tu như lâu nay là tu chưa thật.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Người tu quý trọng đạo đức

Kiến thức 16:00 04/05/2024

Tất cả Tăng Ni cần ý thức được việc bổn phận của mình, đó là phải cố gắng tu và xả bỏ cái ngã riêng tư cùng những hư danh hão huyền, để đạt được đạo chân thật mới là cứu cánh. Đừng mắc kẹt vào những cái nhỏ mà quên mất việc lớn, uổng một đời tu của mình.

Tinh tấn siêng năng được an lạc hạnh phúc

Kiến thức 13:45 04/05/2024

Khi nói tinh tấn là nói sự nỗ lực siêng năng cần cù cố gắng hướng thiện, hướng thượng chân chánh thành tựu định lực trí tuệ từ bi giác ngộ, rồi tận tâm giáo hóa cứu giúp chúng sanh vượt thoát khổ đau trong sáu nẻo luân hồi.

Còn hiện hữu là còn Khổ

Kiến thức 12:00 04/05/2024

Mục đích của sự tu tập theo đạo Phật là để chấm dứt luân hồi tái sinh, chấm dứt sự hiện hữu dù bất cứ ở đâu dưới mọi hình thức nào, gọi là Vô dư Niết-bàn, có nghĩa là không còn bất kỳ một lộ trình tâm nào nữa.

Đức Thế Tôn và hạnh vô úy

Kiến thức 07:56 04/05/2024

Cuộc sống vốn có những mối quan hệ chằng chịt, đan chéo lẫn nhau. Sự tương tác ấy đã tác động đến mọi lãnh vực của cuộc sống xã hội, từ lối sống cho đến văn hóa…mà kinh, sách lại là những sản phẩm, gia tài văn hóa của các bậc tiền nhân đã lưu lại.

Xem thêm