Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 18/01/2013, 08:08 AM

Kiến trúc Phật giáo ở Thái Bình nét đặc trưng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ

Các công trình kiến trúc phật giáo đều có bia đá, có những bia đá nặng hàng tấn được chạm khắc tinh xảo. Hình dáng rồng sống động uốn lượn, đầu và môi rồng to được cách điệu thể hiện nỗi khát khao của dân chúng cầu mong cho mưa thuận gió hòa, 

Thái Bình là tỉnh nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ có diện tích đất tự nhiên 1.550km2 dân số khoảng hơn 1,8 triệu người. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 770 ngôi chùa nằm trên 267 xã phường với tổng diện tích tự nhiên là 1.957.900m2, số chùa có tăng ni trụ trì là 340. Có 109 chùa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 17 chùa được cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 92 chùa được chứng nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đặc biệt chùa Keo được công nhận là di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia.

Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có khoảng vài trăm ngôi đền thờ các bậc thánh nhân và danh tài của tỉnh, hàng trăm ngôi đình của các làng xã nơi thờ tự của nhân dân thôn làng, là nơi sinh hoạt, cúng lễ của nhân dân.

Nhìn chung các công trình kiến trúc phật giáo ở Thái Bình luôn mang bản sắc của nền kiến trúc dân tộc Việt Nam, đó là lối kiến trúc cổ mang đậm đà bản sắc của nền kinh tế nông nghiệp, nông thôn, vừa mang tính cổ kính vừa mang tính linh thiêng. Có thể khái quát một số nét đặc trưng sau đây:

1. Về lựa chọn địa điểm, quy hoạch mặt bằng các công trình

Các công trình kiến trúc phật giáo ở Thái Bình có một số được xây dựng từ những thế kỷ thứ 15 trở lại đây, số đông được xây dựng vào những thế kỷ sau này (có công trình được xây dựng sớm như chùa Thiền Quang, chùa Keo ngày nay được xây dựng từ năm 1061 đời vua Lý Thánh Tông). Tùy theo mức độ khác nhau của mỗi địa phương, mà quy mô của các công trình khác nhau. Theo sử sách ghi lại hầu hết các công trình kiến trúc phật giáo ở Thái Bình được xây dựng ở thời nào cũng vậy đều được bàn bạc nhất trí trong nhân dân và đặc biệt là các phật tử, được lựa chọn và giới thiệu địa điểm xây dựng ở nơi thoáng mát yên tĩnh, nơi đó phải bảo đảm có vườn cây, có ao, cây xanh, không khí trong lành, là nơi trung tâm của địa phương, có đường giao thông thuận lợi để các tăng ni, phật tử đi lại cúng lễ. Quy mô các công trình thường bố trí trên dưới 1 ha trở lên, có những công trình lớn thì tới 4,5ha.

 

Nhìn chung các công trình kiến trúc phật giáo dù to, nhỏ nhưng đều được bố trí theo quy hoạch chung và tuân theo những nét cơ bản của công trình đó là:

- Khu Tam quan (thường là 3 tòa Tam quan) một số chùa có tam quan ngoại và Tam quan nội.
- Qua khu Tam quan có thể đến khu ao, vườn cây.
- Sân để tế lễ hoặc hội họp.
- Khu thờ phụng, nhiều công trình thờ theo kiểu tiền phật, hậu thần.
- Xung quanh khu vực thờ phụng tùy theo từng nơi có thể xây một số hạng mục công trình phục vụ cho cúng lễ và đón tiếp khách.

2. Những nét kiến trúc cổ độc đáo

Các công trình kiến trúc phật giáo ở Thái Bình đều được kiến trúc theo kiểu cổ, từ cổng tam quan (riêng đối với công trình kiến trúc chùa, Tam quan cổng vào chùa có 3 cửa, thường cửa giữa to, hai cửa hai bên nhỏ hơn, ở Tam quan thường có gác treo chuông chùa, khánh, trống), đường vào công trình, tháp chuông, hạng mục quan trọng là nơi thờ tự, khi bước vào nơi thờ tự có sân tế lễ, lễ đường, nơi thờ tự tùy từng địa phương mà có quy mô to nhỏ khác nhau nhưng điều chung nhất là được xây dựng với lối kiến trúc cổ của nông thôn Việt Nam, bảo đảm sự bền vững của công trình vừa đẹp vừa khỏe tạo được thế cân bằng. Nơi thờ tự được phân cấp thờ theo bề bậc, có tiền cung, hậu cung. Trang trí nội thất ở tất cả các hạng mục công trình đều được chạm khắc tinh xảo, trang trí đồ thờ được bố trí hài hòa hợp lý, màu sắc thường sơn son thiếp vàng làm tôn vinh vẻ linh thiêng của công trình. Tuy trang trí nội thất rất phức tạp nhưng hài hòa, không bị rối mắt. Khi bước vào công trình mọi người đều thấy tôn nghiêm, trang trọng, làm cho tinh thần được sảng khoái, tĩnh tâm. Một số công trình có bia đá cổ với những nét hoa văn chạm khắc độc đáo, thể hiện dấu ấn kiến trúc qua các triều đại như Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Thái Bình là tỉnh đồng bằng không có núi nhưng hầu như các công trình kiến trúc phật giáo đều có bia đá, có những bia đá nặng hàng tấn được chạm khắc tinh xảo. Nét độc đáo của hoa văn là hình dáng rồng sống động uốn lượn, đầu và môi rồng to được cách điệu thể hiện nỗi khát khao của dân chúng cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, dân khang, vật thịnh. Mái các công trình đều được lợp bằng ngói ta 4 góc mái đao cong để tôn vẻ uy nghi của công trình.

Kiến trúc công trình phật giáo ở Thái Bình còn nhiều vấn đề độc đáo của kiến trúc cổ, xin nêu một số kiến trúc công trình đặc trưng dưới đây:

1. Kiến trúc cổ chùa Keo: Chùa có tên là Thần Quang thờ Thiền sư Không Lộ thuộc địa phận xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, Thái Bình được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Được xây dựng từ 1061 thời Vua Lý Thánh Tông, năm 1632 chùa Keo được tái tạo xây dựng lại trên khu đất rộng 58.000m2 với 21 hạng mục công trình và 157 gian. Chùa Keo được bố cục theo kiểu nội công, ngoại quốc và có 4 công trình chính.

- Khu Tam quan bám sát hai mặt nền gồm 3 gian tam quan ngoại, 3 gian tam quan nội và cổng tả môn, hữu môn, tường hoa trụ biểu đối diện nhau qua mặt hồ xung quanh kè đá và trồng cây xanh.
- Qua Tam quan đến sân lớn đó là chùa ông Hộ (7 gian) điện phật (3 gian) chùa phật (3 gian).
- Tiếp đó là khu đền Thánh tòa giá roi (7 gian), Thiên hương (7 gian), Phục quốc (3 gian), Thượng điện (3 gian).
- Qua sân nhỏ là gác chuông kiểu chồng diêm 3 tầng cao 11 mét.

Về kiến trúc có thể nói chùa Keo là một kiến trúc cổ tiêu biểu nhất: Khi vào chùa phải qua 2 cổng Tam quan, đường lát bằng đá xanh rộng 2 mét đường dài tới 340 mét. Cụm kiến trúc chùa phật, cụm kiến trúc này lấy thanh tịnh, tinh khiết làm gốc gồm chùa ông Hộ, điện Phật, chùa Phật. Kiến trúc đền thờ Không Lộ Thiền sư, từ đầu bảng, đầu kè lớn, con sơn, đầu chồng đều chạm khắc tinh vi hình rồng phượng. Hình thức kiến trúc độc đáo gọi là “Tiền phật, hậu thần”. Gác chuông chùa Keo là kiến trúc hoàn toàn bằng gỗ trừ mấy phiến đá kê chân và mái ngói. Gác chuông hình gần vuông cao 11 mét và 3 tầng hết sức đồ sộ, 4 cột cái có đường kính 0,55m, cột hiên đến tầng 2 được dựng theo phương pháp cổ truyền “thượng thu, hạ thánh”, các tầng đều làm 4 mái góc có đầu đao cong. Cầu thang bằng gỗ, sau hàng lan can là hệ thống cửa bức bàn. Gác chuông treo một quả chuông đúc vào năm 1689, nét độc đáo kiến trúc gác chuông chùa Keo là kỹ thuật ghép mộng, bảo đảm sự chắc chắn và vững chãi của công trình, cả 3 tầng mái của gác chuông có mái cong mềm, bờ nóc đầu đao chạm hình loan phượng đã cách điệu, đây là sự sáng tạo trong kiến trúc cổ tiêu biểu ở Đồng Bằng Bắc Bộ. Các hạng mục công trình đều được chạm khắc tinh xảo như bộ cánh cửa, bảy góc chùa ông Hộ có sen che lưng cá hóa rồng, hệ thống 84 con sơn nội, sơn ngoại với các đề tài Long Phi, Long Giáng, Long cuốn, nghê đôi, nghê gánh xà là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Các đầu dư, chấn phong chùa phật với các chạm khắc long quân, long ổ, tứ linh là những kiến trúc cổ tinh xảo về điêu khắc. Chùa Keo có khoảng gần 100 pho tượng cổ, bàn thờ kiểu xích đông chạm khắc tinh xảo, những sập thờ có hàng ngàn họa tiết trang trí, những khám thờ 3 tầng cửa võng đã tạo cho chùa Keo là một công trình kiến trúc độc đáo.

2. Trên địa bàn thành phố Thái Bình có hàng chục ngôi chùa, đền. Về kiến trúc cổ nhất có chùa Đoan Túc, chùa Tiền, chùa Từ Xuyên có quy mô lớn, xin nêu mấy nét độc đáo của chùa Đoan Túc. Chùa Đoan Túc nằm tại phường Tiền Phong thành phố Thái Bình. Là chùa cổ trên địa phận rộng rãi, thoáng mát, cảnh quan kiến trúc đẹp đẽ. Phía trước cổng chùa là một hồ nước rộng làm cách biệt hẳn ngôi chùa với địa giới xung quanh. Hệ thống tường bao và tòa tắc môn chồng diêm sừng sững án ngữ mặt tiền tạo ra vẻ trang nghiêm của kiến trúc cổ. Qua mái Tam quan đến vườn chùa và hệ thống các tháp tổ tại vườn, chùa có từ thời Lý và đến thời Vua Tự Đức chùa được trùng tu lại đến ngày nay. Chùa được xây dựng theo kiểu “Tiền nhất, hậu đinh” gồm tòa Bái đường 5 gian và 5 gian chính cung. Phía Đông chùa là hệ thống thờ tổ, nhà khách và khu tăng xá, các công trình phụ. Phía Tây chùa là hệ thống điện thờ Mẫu Liễu Hạnh và vườn chùa.

 
Tòa Bái đường có 5 gian được xây theo kiểu “Hồi văn Ngũ đấu”, các hệ thống kèo làm theo kiểu “thượng chồng đấu sen, hạ chồng rường” được chạm trổ khá công phu như đấu hoa sen, lá lật, và các loại hoa văn thời cổ xưa. 5 gian chùa chính được trang trí tương tự, sang trọng, nội thất được trang trí bởi các bức đại tự chữ Hán, các bộ cửa võng, câu đối gỗ treo tại các hàng cột và các ban thờ, nhang án. Nội dung chạm khắc tại đây đều theo các đề tài như: Tứ linh, Long, Lân, quy, phượng và tứ quý: Thông, trúc, cúc, mai. Phần lèo và phần trần các bộ cửa võng được thể hiện các đề tài như: Trúc hóa long, tùng hóa long chầu vào bông mai hóa mặt nguyệt, kỹ thuật chạm khắc rất tinh xảo. Chùa còn bảo lưu được nhiều hiện vật cổ quý hiếm thời Lê.

3. Chùa Cần thuộc xã Đông Dương, Đông Hưng chùa được xây dựng từ thời Lê trải qua các biến cố và thăng trầm của lịch sử, chùa Cần còn tồn tại đến ngày nay, đây là một ngôi chùa cổ còn lại và được tôn tạo giữ gìn. Ngoài việc thờ Phật, nơi đây còn thờ đức Thánh Trần. Lối chính vào chùa có cổng tam quan mái cong đao guột, 2 bên tả hữu có 2 giải vũ, mỗi tòa 5 gian kiến trúc theo kiểu Hồi văn cánh bảng. Trong chùa chính kiến trúc theo kiểu tiền nhất hậu đinh, tòa ngoài 5 gian, tòa trong 5 gian, hậu cung 3 gian. Hệ thống cột chùa và 5 gian mặt tiền được xây cuốn vòm bằng vật liệu đá, từ chân tảng, cổ bồng, cột bạo, vòm cuốn đều được chế tác từ đá nguyên khối kích cỡ lớn. Mặt trước các cột đá soi chỉ kép, khắc câu đối, các phần còn lại được chạm khắc hoa văn “tứ quý” với những đường nét sắc sảo. Kiến trúc nội thất, các vì kèo làm kiểu giá chiêng, chồng rường, nóc chạm hổ phù, các cốn bưng chạm hoa văn kỷ hà lá lật và các đề tài thông – trúc – cúc – mai hóa rồng, nét chạm khắc tinh khiết khỏe khoắn. Nhìn chung chùa là ngôi chùa lớn ở Thái Bình được kiến trúc với khối lượng đá khá lớn. Chùa còn được lưu giữ nhiều tượng pháp và đồ tế lễ cổ có giá trị nhất là quả chuông lớn và các tấm bia đá cổ niên đại hàng trăm năm.

4. Hệ thống đền và đình cổ ở Thái Bình rất nhiều, xin nêu kiến trúc cổ ở hai ngôi đền tầm cỡ quốc gia đó là Đền Tân La (Hưng Hà) và đền Đồng Bằng (Quỳnh Phụ).

- Đền Tân La ở xã Đoan Hùng – Hưng Hà thờ bà là Bát nạn tướng quân (Nữ tướng của Hai Bà Trưng). Ngôi đền có quy mô lớn, đẹp lộng lẫy bao gồm nhiều công trình: Cổng đền, tòa tiền tế, tòa trung tế, thượng điện, sân đền, vườn đền, nhà khách. Tòa điện bái đường và thượng điện, sân đền, vườn đền, nhà khách. Tòa bái đường và thượng điện được kiến trúc gỗ tứ thiết được trạm trổ công phu như "Long, Lân, quy, phượng” đan xen với “Thông, trúc, cúc, mai”.

Các hệ thống y môn, cửa võng, đại tự, cuốn thư, câu đối được bài trí hài hòa, trang nghiêm. Tòa điện trung tế được kiến trúc hoàn toàn bằng vật liệu đá, kể cả hệ thống cột xà kèo, được trạm trổ công phu như: Long vân, long quân, long quấn thủy, long chầu, đan xen với tứ quý, tứ linh. Kiến trúc theo kiểu “chồng diêm, cổ các” là trung tâm kiến trúc đẹp và cổ kính của ngôi đền. Đền còn lưu giữ được nhiều kỷ vật quý hiếm thời Lê.
- Đền Đồng Bằng thuộc xã An Lễ - Quỳnh Phụ trên diện tích khoảng 6ha với 13 tòa 66 gian theo kiểu kiến trúc “Tiền nhị hậu đinh” rất bề thế. Các mảng kiến trúc của công trình mềm mại hài hòa với các đề tài tứ quý, tứ linh, các hệ thống rường, cột, xà đều được chạm khắc hoa văn cổ. Các họa tiết chạm khắc của đền là các họa tiết cá hóa long, rồng cuốn thủy, sóc nho, nhị thập bát tứ, khi vào đền tạo cho du khách đến với hoa lá, chim muông, thiên nhiên rất huyền thoại nhưng rất dung dị. Đền Đồng Bằng mang đậm phong cách kiến trúc truyền thống văn hóa làng xã Bắc Bộ. Đến với Đền Đồng Bằng người ta không cảm thấy xa lạ với môi trường của vùng quê.

Không thể kể hết các công trình kiến trúc phật giáo ở Thái Bình được, chỉ biết rằng Thái Bình là vùng đất có truyền thống văn hiến. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, các thế hệ tiền nhân xưa đã để lại trên mảnh đất Thái Bình hàng ngàn di tích kiến trúc phật giáo cổ có giá trị, điều đó đã chứng minh đời sống văn hóa tinh thần và tâm linh của cộng đồng làng xã vùng quê lúa đồng bằng Bắc Bộ. Ngày nay trên mảnh đất màu mỡ phì nhiêu này, các công trình kiến trúc Phật giáo cổ thường xuyên được tu bổ và giữ gìn bảo tồn với sự quan tâm của cấp ủy và chính quyền các cấp, sự đóng góp tích cực của nhân dân. Hy vọng công tác Phật giáo nói chung và bảo tồn các công trình kiến trúc cổ Phật giáo sẽ được quan tâm hơn. Xin trích dẫn sự quan tâm của Tỉnh ủy Thái Bình về công tác này đó là trong báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (vào quý 4 năm 2010) phần phương hướng nhiệm vụ phát triển sự nghiệp văn hóa có đoạn viết: “Tiếp tục đầu tư và thu hút đầu tư tôn tạo, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa; tập trung hoàn thành một số di tích lịch sử văn hóa trọng điểm, gắn với phát triển du lịch tâm linh”.
 

Hồng Chương/
Nguồnbtgcp.gov.vn

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Mẫu hình người cư sĩ lý tưởng

Nghiên cứu 15:55 17/04/2024

Trong những chúng đệ tử Phật, thì chúng cư sĩ tại gia chiếm số lượng đông đảo và có những ảnh hưởng nhất định đối với diện mạo của Phật giáo nói chung.

Phẩm tính quan trọng của một người học trò từ trường hợp Tôn giả Angulimala

Nghiên cứu 10:10 05/04/2024

Angulimala là một người cực ác trong xã hội khiến ai ai cũng khiếp sợ với danh xưng kẻ sát nhân, chỉ duy nhất tình thương của Phật pháp mới khiến tên cướp quay đầu sám hối, từ một kẻ đại ác trở thành Sa môn Thích tử.

Đạo đức của Phật giáo với đạo làm người

Nghiên cứu 18:00 02/04/2024

Với tư cách là hình thái ý thức xã hội, Phật giáo cũng như mọi tôn giáo, cũng mang trong nó những giá trị tư tưởng, như là sự phản ánh khát khao vươn tới chân - thiện - mỹ của chính loài người, song đặc biệt hơn ở chỗ chú trọng mục tiêu giải thoát khỏi khổ.

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Xem thêm