Thứ tư, 31/08/2022, 13:33 PM

Làm sao để tiếp xúc với cha mẹ?

Làm sao có thể chữa trị được khổ đau của tổ tiên khi mà con không biết được họ khổ như thế nào? Làm sao tiếp xúc được với tổ tiên khi mình mồ côi và lớn lên mà không có sự liên hệ nào với gia đình huyết thống?

Thiền sư Thích Nhất Hạnh trả lời: Tôi nghĩ hai câu hỏi này có liên quan tới nhau. Mình không hiểu được khổ đau của tổ tiên mình. Làm sao mình có thể giúp được khi mình không biết mặt cha, không biết mặt mẹ của mình? Làm sao mình có thể hiểu và thương được cha mẹ khi mà mình không hề liên lạc với họ?

Có những người có cha mẹ còn sống mà cũng không nói chuyện được với cha mẹ, không truyền thông được với cha mẹ. Nhưng có những người đã mất cha mẹ, không biết cha mẹ mình là ai và không thể nào có cơ hội tiếp xúc được với cha mẹ vì cha mẹ không còn ở trên đời nữa. Vậy thì làm sao mình có thể tiếp xúc được với cha mẹ? Làm sao mình có thể hiểu được khổ đau và hạnh phúc của họ? Làm sao mình có thể tiếp xúc được với tổ tiên, với gốc rễ huyết thống? Một người không có gốc rễ không thể nào là một người có hạnh phúc. Vì vậy hai câu hỏi có liên quan tới nhau. Với sự thực tập thiền quán, nhìn sâu chúng ta có thể tiếp xúc được với cha, với mẹ ngay cả khi họ không còn nữa, hay khi họ không muốn gặp mình.

Người thực tập chánh niệm và nhìn sâu sẽ có khả năng tiếp xúc sâu sắc được với cha mẹ.

Người thực tập chánh niệm và nhìn sâu sẽ có khả năng tiếp xúc sâu sắc được với cha mẹ.

Trong tăng thân Làng Mai có một sư cô, ba của sư cô vẫn còn sống nhưng ông từ chối không muốn gặp sư cô. Ông giữ một chức vụ cao trong xã hội nhưng ông muốn quên hết và từ bỏ hoàn toàn quá khứ của mình. Sư cô đã viết thư cho ba: “Ba ơi, con là con của ba, con muốn được gặp ba, được nói chuyện với ba”. Nhưng ông đã từ chối.Trong chúng ta cũng có những người mồ côi, không có cơ hội gặp được cha, không biết cha mình là ai, mẹ mình là ai. Nhưng với sự thực tập, chúng ta có thể tiếp xúc được với cha mẹ. Nhìn sâu vào hình hài, vào cảm thọ, vào khổ đau của mình, chúng ta sẽ thấy được hình hài, khổ đau và hy vọng của cha mẹ. Sự thật chúng ta là sự tiếp nối của cha mẹ, cũng như cây bắp là sự tiếp nối của hạt bắp. Cây bắp không thấy được hạt bắp nhưng nó biết nó là sự tiếp nối của hạt bắp và hạt bắp có mặt trong mỗi tế bào của cây bắp.

Người thực tập chánh niệm và nhìn sâu sẽ có khả năng tiếp xúc sâu sắc được với cha mẹ. Nhiều người tuy còn cha mẹ nhưng không nói chuyện được với cha mẹ của mình. Họ có cảm tưởng rằng họ biết được cha mình là ai, biết được mẹ mình là ai nhưng kỳ thực họ không biết gì hết. Như vậy thì mình không thể tiếp xúc được với cha mẹ trong khi họ vẫn còn sống.

Câu trả lời là nếu thực tập quán chiếu, mình có thể thấy được cha mẹ trong mình. Mình giống cha rất nhiều, giống mẹ rất nhiều. Mình được làm bằng hình hài, bằng cảm thọ, bằng tri giác, và cha đã trao truyền rất nhiều hình hài, cảm thọ và tri giác của cha cho mình. Mình tiếp xúc được với cha liền lập tức. Mình là sự tiếp nối của cha.

Tôi nhớ nhiều năm trước, một lần đi ngang qua một tiệm sách ở thành phố London, tôi thấy một cuốn sách được trưng bày trong tủ có tựa đề: “My mother, my self” (“Mẹ tôi, chính tôi”). Tôi không mua cuốn sách đó vì tôi có cảm tưởng là tôi đã biết trong cuốn sách đó nói gì rồi. Chúng ta là sự tiếp nối của mẹ, chúng ta là mẹ. Sự liên hệ đã có mặt sẵn đó, chúng ta chỉ cần ý thức mà thôi.Mình có thể bắt đầu nói chuyện với ba trong mình: “Ba ơi, con biết ba đang có mặt. Ba có mặt đầy khắp trong hình hài của con. Ba đã trao truyền những khổ đau, những khó khăn của ba lại cho con. Giờ đây con đã gặp được chánh pháp, ba và con sẽ cùng thực tập với nhau để chuyển hóa những tiêu cực và nuôi lớn lên những tích cực mà ba đã trao truyền cho con. Với sự giúp đỡ của giáo pháp và của tăng thân, chúng ta sẽ cùng thực tập chung với nhau để làm cho những cái tích cực biểu hiện ra. Chúng ta sẽ cùng thở với nhau, cùng đi với nhau, cùng ngồi với nhau để chế tác được sự bình an, sự trị liệu, sự chuyển hóa mà chúng ta cần”. Mình nói chuyện được với ba, với mẹ dù cho hiện giờ mình không thấy được mặt ba mẹ.

Điều này cũng đúng với tổ tiên tâm linh của mình. Mình chưa hề được gặp Chúa Jesus, mình chưa hề được gặp Bụt nhưng đã tiếp nhận được giáo pháp của các Ngài. Mình phải đem ra thực tập. Trong mỗi người chúng ta đều có pháp thân. Vì vậy Chúa Jesus có mặt trong mỗi tế bào cơ thể mình, Bụt trong mỗi tế tào cơ thể mình. Mình có thể nói chuyện với họ: “Chúa Jesus ơi, con biết là Ngài đang có mặt trong con”. Mình không cần phải đi tìm chúa Jesus ở nơi nào khác. Ngài là tổ tiên của mình, mình là sự tiếp nối của Ngài. Mình phải biết đi như Ngài, biết bẻ một miếng bánh mì như Ngài, biết rót rượu như Ngài, nghĩa là làm trong chánh niệm. Trên đường đi tới Emmaus, những người khách hành hương không nhận ra Chúa Jesus, nhưng khi tới quán trọ và thấy người đó gọi bữa ăn trưa, bẻ một miếng bánh mì, rót rượu thì họ biết ngay rằng Chúa Jesus chưa chết, Ngài vẫn còn sống. Nếu biết bẻ một miếng bánh mì trong chánh niệm và biết thưởng thức miếng bánh mì trong tay thì mình tiếp xúc được với hình hài của Chúa Jesus. Đó là tinh ba của Bí Tích Thánh Thể. Chúa Jesus có mặt cho mình 24 giờ đồng hồ trong ngày. Nếu biết cách đi như Ngài, ngồi như Ngài, thở như Ngài, bẻ một miếng bánh mì như Ngài thì lúc nào mình cũng ở với Ngài. Đó là sự tiếp xúc sâu sắc nhất.

Điều này có thể áp dụng cho tổ tiên huyết thống cũng như tổ tiên tâm linh của mình. Tôi không bao giờ than thở rằng tôi đã sinh ra hơi trễ, trễ 2500 năm sau Bụt tại vì tôi biết rằng Bụt đang có mặt bây giờ và ở đây. Cha của mình cũng vậy, mà mẹ của mình cũng vậy! Đó là tuệ giác mình có được khi thực tập niệm và định.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Theo Phật giáo, con người từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu?

Hỏi - Đáp 17:46 18/12/2024

Thưa Ngài, theo triết học cuả Phật giáo thi con người từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu?

Cảnh giới của "Lâm chung mộng kiến bỉ Phật” như thế nào?

Hỏi - Đáp 12:27 18/12/2024

Kinh Vô Lượng Thọ có đoạn: “Lâm chung mộng kiến bỉ Phật” (mạng chung mộng thấy Đức Phật A Di Đà), xin giải thích cảnh giới này như thế nào? Nếu ở trong mộng gặp A Di Đà Phật, chẳng may bị người thân quyến thuộc gọi tỉnh giấc, có phải là đánh mất cơ hội vãng sanh rồi không?

Lưu thông sách về Tây phương cực lạc sẽ tạo nghiệp ác?

Hỏi - Đáp 12:15 18/12/2024

Con đem sách Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Du Ký giới thiệu nhưng có đồng tu nói sách đó nói không đúng sự thật, lưu thông sẽ tạo nghiệp, xin lão Hòa thượng khai thị.

Dọn cơm cúng thế nào cho đúng?

Hỏi - Đáp 11:14 08/12/2024

Tôi thường thấy lúc cúng vong, có ba chén cơm để ngang nhau...

Xem thêm