Thứ năm, 04/04/2024, 09:58 AM

Nỗi niềm không an cư

Hỏi: Tôi mới thọ Đại giới, vì hoàn cảnh chùa đơn chiếc và đang xây dựng nên mùa an cư năm nay tôi không tham dự an cư tập trung với trường Hạ được. Tôi mong muốn hiểu rõ thêm tầm quan trọng của pháp an cư và nhận được sự chia sẻ để vượt qua hoàn cảnh “không an cư” trong hiện tại.

Hỏi:

Tôi mới thọ Đại giới, vì hoàn cảnh chùa đơn chiếc và đang xây dựng nên mùa an cư năm nay tôi không tham dự an cư tập trung với trường Hạ được. Do đó, tôi khá băn khoăn về hoàn cảnh hiện tại của mình. Tôi biết không tham dự an cư là một thiệt thòi lớn trong quá trình tu tập, học hỏi của người xuất gia. Tôi mong muốn hiểu rõ thêm tầm quan trọng của pháp an cư và nhận được sự động viên, chia sẻ từ quý Thầy để vượt qua hoàn cảnh “không an cư” trong hiện tại và để cố gắng hơn nữa nhằm thực hiện phận sự an cư trong những năm tới.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đáp: 

An cư là truyền thống tu tập có ý nghĩa quan trọng đối với việc thúc liễm thân tâm, tấn tu đạo nghiệp của người xuất gia. Thực hiện an cư là phận sự của Tăng sĩ Phật giáo. Do đó, hàng năm đến mùa an cư, chư vị Tăng Ni phải thu xếp mọi công việc riêng để nhập chúng an cư tu học.

Ba tháng an cư có vai trò cực kỳ quan trọng đối với người xuất gia. Nếu vì một hoàn cảnh đặc biệt nào đó mà không tham dự an cư chắc chắn là một thiệt thòi lớn. Trước hết, dù vẫn tu tập bình thường nhưng ngoài mùa an cư người xuất gia phải tham gia thực hành nhiều Phật sự, do đó bị chi phối thời gian, không hội đủ điều kiện để nỗ lực công phu.

Ba tháng an cư là cơ hội quý báu nhất để xếp lại những ngoại duyên, chuyên tâm tu tập. Chính nhờ năng lực công phu trong ba tháng an cư đã tạo ra sức sống mới, tăng thêm nội lực an tịnh làm hành trang cho giải thoát, chỗ dựa vững chắc cho công tác Phật sự của vị ấy những tháng ngoài an cư.

Mặt khác, ba tháng an cư được sống chung với đại chúng trong tinh thần Lục hòa là điều hết sức cần thiết. Đây là một cơ hội vô cùng quý báu để người xuất gia được tắm mình trong đại chúng, chan hòa tình pháp lữ, được học hỏi thêm rất nhiều kinh nghiệm tu tập, hành đạo từ huynh đệ. Đặc biệt, đối với những người xuất gia sống riêng lẽ hay trong những chúng ít người thì được sống chung với đại chúng an cư sẽ giúp họ thấy mình “nhỏ bé” hơn trước đại chúng và dễ hòa tan với đại chúng hơn trong tinh thần hòa hợp như nước với sữa, một tính chất tuyệt đẹp của Tăng già.

Ngoài ra, tham dự an cư với đại chúng là một dịp tốt để trau dồi và nâng cao kiến thức nội điển. Vì trong các trường Hạ, việc giảng dạy nội điển, nhất là giới luật để làm cơ sở cho tu tập, hành trì rất được chú trọng. Đặc biệt là sự trao truyền kinh nghiệm tu tập, chứng ngộ từ những bậc cao đức được luân phiên thỉnh giảng tại các trường Hạ sẽ trở nên cực kỳ hữu ích cho việc ứng dụng tu tập, hành đạo, ứng xử v.v…trong đời sống tu tập để tự thăng hoa tự thân.

Tuy nhiên, không phải bất cứ ai cũng hội đủ duyên lành để tham dự an cư tu học. Trong bối cảnh tu tập hiện nay, khi mà chư vị Tăng Ni ngày càng bề bộn Phật sự thì việc nhập chúng an cư càng trở nên khó thực hiện. Đây là một thử thách lớn cho người xuất gia trong tu tập hiện nay, nhất là những Tăng Ni trẻ.

Theo chúng tôi, trừ những hoàn cảnh bất khả kháng như bệnh tật còn lại phải thu xếp công việc bằng mọi giá để nhập chúng an cư. Vì người xuất gia tuy mang trên vai nhiều trọng trách nhưng nhiệm vụ quan trọng bậc nhất vẫn là tu tập. Phật sự thì vô cùng mà đời người chỉ có hạn. Do đó, tu tập trong mùa an cư phải được ưu tiên hàng đầu. Những Phật sự khác như hành đạo, giữ chùa, xây chùa v.v…vẫn có thể thực thi tùy duyên sau mùa an cư.

Trong tinh thần phương tiện của pháp an cư, tùy theo mỗi hoàn cảnh thực tế của mỗi trụ xứ mà chư vị Tăng Ni có thể thọ trì pháp “an cư tại chỗ” hay “tâm niệm an cư”. Thực ra, những trụ xứ có đủ túc số Tăng (từ 4 vị Tăng trở lên) thực hành pháp “an cư tại chỗ” là đúng với pháp thức an cư, tuy không quy mô và bề thế như các trường Hạ. Riêng trường hợp “tâm niệm an cư” chỉ dành cho những trụ xứ đơn lẻ, dưới ba người hoặc chỉ một người. Thành tâm đối trước Tam bảo tác pháp an cư rồi sau đó tuân thủ thời khóa lễ sám, tụng niệm, kinh hành, toạ thiền v.v…thì dù không tham dự an cư nhưng tinh thần và nội dung tu tập an cư của người xuất gia vẫn được giữ vững.

Do đó, dù không nhập chúng an cư nhưng vẫn có thể thực hành “tâm niệm an cư” bằng tất cả nhiệt thành và tịnh tín của người con Phật. Tuy nhiên, dù tự giác và cố gắng đến mấy vẫn thì bản thân vẫn rất cần nương tựa và trợ duyên từ đại chúng. Với tâm tha thiết được nhập chúng an cư, chúng tôi hy vọng rằng mùa an cư sau sẽ hội đủ duyên lành để bạn có thể tham dự an cư cùng đại chúng tu học.

An cư kiết hạ: Thân an cư và tâm an cư

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Theo Phật giáo, con người từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu?

Hỏi - Đáp 17:46 18/12/2024

Thưa Ngài, theo triết học cuả Phật giáo thi con người từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu?

Cảnh giới của "Lâm chung mộng kiến bỉ Phật” như thế nào?

Hỏi - Đáp 12:27 18/12/2024

Kinh Vô Lượng Thọ có đoạn: “Lâm chung mộng kiến bỉ Phật” (mạng chung mộng thấy Đức Phật A Di Đà), xin giải thích cảnh giới này như thế nào? Nếu ở trong mộng gặp A Di Đà Phật, chẳng may bị người thân quyến thuộc gọi tỉnh giấc, có phải là đánh mất cơ hội vãng sanh rồi không?

Lưu thông sách về Tây phương cực lạc sẽ tạo nghiệp ác?

Hỏi - Đáp 12:15 18/12/2024

Con đem sách Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Du Ký giới thiệu nhưng có đồng tu nói sách đó nói không đúng sự thật, lưu thông sẽ tạo nghiệp, xin lão Hòa thượng khai thị.

Dọn cơm cúng thế nào cho đúng?

Hỏi - Đáp 11:14 08/12/2024

Tôi thường thấy lúc cúng vong, có ba chén cơm để ngang nhau...

Xem thêm