Lắng nghe để chuyển hóa
Lý tưởng sống thường bị chi phối bởi dục vọng. Khi nóng vội ngoài tầm kiểm soát, con người dần đẩy nhau vào con đường bạo động, chiến tranh, bất an, sợ hãi,…
Mầm mống của mâu thuẫn thường bắt nguồn từ sự không chịu lắng nghe và thấu hiểu. Khi không ai muốn nghe người khác nói nữa, đó là lúc sự ghét bỏ, nghi kỵ, hận thù, xa cách lớn dần lên, vô hình trung tạo nên một bức tường thành ngăn cách giữa con người với nhau. Và ngày nay, chính con người cũng đang loay hoay tìm nhiều cách để giải quyết mầm mống đó.
Trong Đạo Phật, sự lắng nghe và thấu hiểu luôn là một phương pháp thực tập quan trọng để chuyển hoá thân tâm, là nhịp cầu cảm thông giúp con người định tĩnh. Phật giáo Đại thừa với vô số hình tượng Bồ tát đã đem đến những tinh hoa triết lý, những hạnh nguyện cao đẹp, nổi bật là công hạnh lắng nghe và thấu hiểu của Bồ tát Quán Thế Âm giúp con người thay đổi nội tâm, vượt qua khủng hoảng trong cuộc sống, từ bỏ những hận thù, khổ đau để tìm về suối nguồn yêu thương. Đây sẽ là bệ phóng cho những giá trị đạo đức tốt đẹp bay cao, làm khởi sinh niềm hy vọng về một thế giới an lành, đúng như hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm.
Hạnh lắng nghe của Bồ tát Quán Thế Âm
“Quán Thế Âm Bồ tát còn được gọi là Quán Tự Tại Bồ tát, Quán Thế Tự Tại Bồ tát, Hiện Âm Thanh Bồ tát, Khuy Âm Bồ tát… Thường được gọi là Quán Âm Bồ tát. Vị Bồ tát lấy lòng thương xót cứu giúp chúng sinh làm bản nguyện. Nếu chúng sinh nào gặp nạn mà tụng niệm danh hiệu của Ngài thì Ngài liền quán sát tiếng cầu cứu ấy mà đến cứu giúp, cho nên gọi là Quán Thế Âm Bồ tát. Lại vì đối với cảnh lí sự Ngài quán sát một cách thông suốt, tự tại vô ngại, cho nên cũng gọi là Quán Tự Tại Bồ tát” [1].
Bồ tát Quán Thế Âm đến với cuộc đời bằng công hạnh lắng nghe và chia sẻ, xoa dịu nỗi đau bất hạnh của nhân loại, sẵn sàng san sẻ, không phân biệt, như trong Kinh Pháp Hoa phẩm Phổ Môn có chép: “Nếu có Vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sanh chịu các khổ não, nghe Quán Thế Âm Bồ tát này một lòng xưng danh. Quan Thế Âm Bồ tát tức thời xem xét tiếng tăm kia, đều đặn giải thoát” [2]. Ngài lắng nghe với tâm không dao động và trái tim thấu hiểu, cảm thông, vì Ngài đã chứng được phép “nhĩ căn viên thông”, tức là nghe thông suốt hết thảy âm thanh của thế gian, biết hết thảy chân tướng các sự vật, động tịnh trong ngoài. Nên nếu có chúng sinh nào gặp khổ ách mà xưng niệm danh Ngài, tức thời Ngài tuỳ duyên hoá hiện thành nhiều hình tướng khác nhau, như: Duyên Giác, Thanh Văn, Phạm Vương, Đế Thích, Sa Môn, Trưởng Giả, Trời, Rồng, Dạ Xoa,… để cứu độ. Chính nhờ sự cảm ứng giao nhau giữa Ngài và chúng sinh như vậy đã giúp chúng sinh vơi bớt nỗi đau trong kiếp hiện tại mà bình thản, an tâm trước biến động cuộc đời.
Thực tập kỹ năng lắng nghe theo công hạnh Quán Âm
Lắng nghe là một kỹ năng rất cần được trang bị với mỗi con người. Vì sao kỹ năng lắng nghe lại cấp thiết đến vậy? Chúng ta cứ trôi theo bản ngã, cộng với sự tác động của xã hội mà sống hời hợt, vô tâm, nhìn không kỹ, nghe không thông, để rồi ngày càng chất chứa những hậm hực, hờn ghen bực dọc với bản thân và những người xung quanh. Vì vậy, hơn bao giờ hết, kỹ năng lắng nghe theo công hạnh ngài Quán Âm không đơn thuần là phản xạ tự nhiên trong mỗi người mà cần rèn luyện, thực tập mới có được. Đây chính là phương pháp mà con người hiện tại cần trang bị để có một trái tim biết lắng nghe, thấu hiểu. Qua đó góp phần giảm thiểu đau khổ, hiểu lầm, oán giận… Xa hơn nữa, kỹ năng lắng nghe theo công hạnh của Bồ tát Quán Thế Âm sẽ phát triển trái tim từ bi. Chính từ bi sẽ đối trị ác tâm và tàn bạo của con người mà không phân biệt về không gian, văn hoá, địa vị, giai cấp…
Cần phải phát nguyện rằng: “Chúng con xin tập ngồi nghe với tất cả sự chú tâm và thành khẩn…xin tập ngồi nghe với tâm không thành kiến…xin tập ngồi nghe mà không phán xét, không phản ứng…nguyện tập ngồi nghe để hiểu…xin nguyện ngồi nghe chăm chú để có thể hiểu được những điều đang nghe và cả những điều không nói” [3]. Dĩ nhiên, chẳng dễ dàng gì để chúng ta có thể từ bỏ lối sống và các tập quán xưa cũ nhưng lời phát nguyện này sẽ giúp vun bồi hạt mầm yêu thương, trái tim bao dung và độ lượng trong mỗi con người, nhờ vậy mà vơi bớt khổ não, góp thêm một phần cảm thông, san sẻ, xoa dịu tổn thương cho những người xung quanh mình.
Lắng nghe để chuyển hoá
Lắng nghe là phép cảm thông kỳ diệu
Trong dòng sinh diệt bất tận của cuộc đời, mỗi người đều mang trên mình một thân phận, ai cũng đều có những nỗi niềm riêng. Nếu nhìn sâu, chúng ta sẽ thấy còn quá nhiều góc khuất, nhiều mảnh đời bất hạnh, nhiều mảng sáng tối, thiện ác đan xen. Vì vậy, cuộc đời rất cần một ánh lửa sẻ chia, một trái tim biết cảm thông.
Không ít người gặp khó khăn trong cuộc sống đã rơi vào bế tắc khi không có ai lắng nghe mình. Sự lắng nghe là nguyên tắc vàng kiến tạo niềm an lạc, giúp họ giải toả những ưu tư muộn phiền, vơi bớt nỗi bất hạnh, được hạnh phúc dù chỉ trong giây phút ngắn ngủi. Vợ chồng lắng nghe nhau, anh lắng nghe em, thầy lắng nghe trò… Sự lắng nghe xuất phát từ trái tim thấu cảm và sự rung cảm trước nỗi khổ đau của người đó sẽ giúp đối phương vượt qua khốn khó. Điều này còn có ích hơn là giúp họ bằng của cải vật chất, như bài kệ Ái ngữ lắng nghe của Thiền sư Nhất Hạnh:“Xin chuyên cần thực tập,Hộ trì thân tâm,Bằng hơi thở chánh niệm,…Để có thể ngồi lắng nghe,Với tất cả tâm từ bi,Và để người kia có dịp nói ra,Những khổ đau uất ức.Xin tập ngồi lắng nghe,Với niềm cảm thương thao thức,Để giúp cho người kia bớt khổ”.
Lắng nghe với cả tâm tư, không đi cùng bản ngã, vụ lợi, giúp người kia nói ra được những niềm đau, những khó khăn tuyệt vọng là một sự thực tập nuôi dưỡng từ bi. Nếu chúng ta muốn giúp đỡ đối phương mà không biết chuyên tâm lắng nghe thì làm sao có thể thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của họ cần những gì. Đó chưa phải là tình thương đích thực, không mang lại tự do cho cả hai mà còn dễ dẫn đến những suy nghĩ và việc làm tiêu cực.
Hãy tập lắng nghe nhiều hơn nói, lắng nghe để chuyển hoá chứ không phải chất chứa, nghe để hoá giải oán kết. Khi thấu hiểu có mặt thì tình thương cũng có mặt.
Lắng nghe tiếng vọng thiên nhiên
Giáo lý Duyên Khởi cho biết thế giới vật chất tồn tại đa dạng và sống động đều nhờ vào các mối quan hệ tương hỗ và không thể tách rời như một hệ thống hoàn chỉnh. Nhưng cùng với sự phát triển của xã hội, con người dần biến thiên nhiên thành đối tượng để khai thác, vắt kiệt nguồn tài nguyên. Điều đó xuất phát bởi lòng tham của con người ngày càng lớn, tự đắc vào sự phát triển của khoa học kỹ thuật và nhận thức tiến bộ nhưng đầy rẫy vô minh, ái dục tác động tiêu cực vào dòng dịch chuyển của thế giới. Tốc độ phát triển của công nghệ tỷ lệ thuận với tốc độ hủy diệt môi trường. Hàng loạt công nghệ mới ra đời nhằm làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng đã khiến vẻ đẹp của thiên nhiên bị bào mòn. Các công trình trái phép lấn đất phá rừng, ô nhiễm xả thải từ nhà máy, khu công nghiệp, nạn phá rừng, khai thác tận diệt tài nguyên sinh thái… đã làm xáo trộn dòng dịch biến của thế giới để phục vụ mục đích kinh tế, làm lợi cho cá nhân. Những điều đó dẫn đến hậu ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai… gây thiệt hại to lớn về người và của.
Lòng từ bi trong Đạo Phật không giới hạn trong thế giới loài người mà nên mở rộng đến muôn loài, hướng con người đến lối sống gắn bó, hài hòa với thiên nhiên. Việc mở lòng từ bi, yêu thương muôn loài không phân biệt nên trở thành chuẩn mực căn bản trong đạo đức sinh thái mà chúng ta cần tự giác thực hiện như lời dạy của Đức Phật trong Kinh Từ Bi: “Nguyện cho mọi người và mọi loài được sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi. Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh. Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn” [4].
Lời dạy của Đức Phật giúp con người thay đổi tư duy, nhận thức, điều chỉnh các giá trị ý thức và phong cách sống bằng cách kiểm soát, đề ra tiêu chuẩn ứng xử với môi trường tự nhiên. Đây là lúc mỗi người cần phải dành trọn vẹn sự lắng nghe tiếng vọng từ nơi núi rừng biển sâu mà giảm bớt lòng ham muốn quá độ sát hại sinh vật, khai thác ở mức độ phù hợp để tự nhiên có thời gian tái tạo. Tập sống hài hòa, dựa theo các quy luật của tự nhiên, bảo vệ tự nhiên để xã hội có thể tồn tại và phát triển.
Lắng nghe để đặt xuống bản ngã và thêm trân quý cuộc đời
Trên là thực tập lắng nghe những thanh âm bên ngoài để giúp đời bớt não nhiệt, nhưng sự lắng nghe đó phải xuất phát từ một người biết từ bỏ bản ngã. Nếu bản ngã quá lớn thì những điều được nghe, những việc chúng ta làm chỉ là hình thức để giúp đời với mục đích tư lợi, còn bên trong chất chứa toàn phiền não. Bồ tát Quán Thế Âm lắng nghe muôn ngàn chúng sinh kêu cứu nhưng Ngài vẫn an nhiên vì Ngài đã quán chiếu tự tính, hiểu được lý ngũ uẩn giai không, không còn chấp vào bản ngã hẹp hòi mà hoà vào thực tại rộng lớn, từ đó thấy được mối liên hệ giữa mình và người, giữa một và tất cả, không phân biệt: “mình”, “người”, “chúng sinh”, “thọ giả”… Nên Ngài yêu thương chúng sinh như mẹ thương con, lấy khổ nạn của chúng sinh làm khổ nạn của mình.
Còn chúng ta, vì bản tính còn phàm phu, luôn ôm khư khư bảo vệ cái tôi của mình chấp cái này là tôi, của tôi, tự ngã của tôi. Chính sự thúc đẩy của “cái tôi” muốn thể hiện, chúng ta luôn lao theo quỹ đạo của nhịp sống để chuẩn bị cho một tương lai tươi đẹp. Nhưng cuối cùng kết quả như thế nào? Có người thành công nhưng để lại sau đó là những vết thương lòng không nhỏ, có người không thể đạt được những điều mình muốn rồi tuyệt vọng,… Và có bao giờ, chúng ta thử dừng lại một chút để lắng nghe bản thân hay chưa?
Đôi khi cần biết nhìn lại để lắng nghe bản thân, để biết rõ điểm dừng của các nhu cầu, để không bị dục vọng trói buộc, đưa ta vào con đường bất thiện. Hằng ngày khởi đầu một ngày mới, ta nên dành vài phút thực tập lắng lòng nghe tiếng nói của bản thân, bớt đi một chút tranh giành hơn thua, để thấy cuộc sống này thật dễ chịu, màu nhiệm, không còn ngột ngạt. Bởi lắng nghe là một pháp tu cho mỗi người để kiểm soát “cái tôi” của chính mình. Khi sự phóng tâm dừng lại, ta mới có thể lắng nghe tiếng lòng phát xuất từ nội tâm, của nỗi niềm hạnh phúc hay muộn phiền từ bản thân. Chính cái nghe từ nơi tận cùng sâu thẳm ấy sẽ phần nào làm rơi rụng phiền não, kiến giải sáng suốt, để sống một cuộc đời bình an trong thế giới đầy bất an này.
Vì vậy, hãy quay trở về với nội tâm để thực tập trau dồi, tăng thêm năng lượng, dung hòa sự bình yên trong cuộc sống, chăm sóc nuôi dưỡng lòng yêu thương của mình với mọi người xung quanh. Hơn nữa, lắng nghe là bước đệm để phát triển lòng từ bi, nếu chưa thể khởi tâm từ bi được thì chí ít cũng cần giữ trái tim lương thiện, đó là thiên tính của mỗi người. Nếu trên thế gian này, ai cũng giữ cho mình trái tim từ bi và biết lắng nghe người khác thì sẽ tránh được nhiều sự việc đau lòng.
Tóm lại, lắng nghe là gia tài vô tận mà ai cũng có thể dâng tặng cho mọi người. Niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm là thường xuyên thực hành theo hạnh nguyện cứu khổ ban vui của Ngài. Từ cách hiểu đó, trong xã hội, nếu người nào thực tập được lòng từ bi và hạnh lắng nghe thì người ấy là hiện thân của Bồ tát Quán Âm. Chính hạnh nguyện đó đã giúp biết bao người buông xả một phần khổ đau, không còn sợ hãi trước sự mỏng manh, bôn ba của kiếp người, mà cố gắng vươn lên giúp người giúp đời. Chúng ta hôm nay, được có duyên thân cận với Ngài, cũng nên thực tập theo công hạnh của Ngài để cứu giúp những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Nếu tất cả mọi người đều làm được vậy, thế giới sẽ không còn là đời ngũ trược ác thế mà trở thành cõi Tịnh độ nhân gian.
Nguyện cho mọi loài có thể học theo hạnh lắng nghe của Bồ tát Quán Âm để có được cuộc sống an lành và tỉnh thức.
Chú thích:
[1] Thích Quảng Độ (dịch, 2014), Phật Quang đại từ điển, Nxb. Phương Đông, TP HCM, tr.4995.
[2] Thích Trí Tịnh (2001), Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.524.
[3] Thích Nhất Hạnh (2019), Nhật Tụng Thiền Môn, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.45.
[4] Kinh Từ Bi, bản dịch của Thiền sư Nhất Hạnh.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Pháp tu soi gương
Kiến thức 15:52 05/11/2024Pháp thoại này Thế Tôn dạy Tôn giả La-vân (La-hầu-la) quán chiếu về thân nghiệp giống như đang soi gương thấy rõ mặt mình dơ hay sạch. Nếu không soi gương, chúng ta sẽ không biết mặt mình như thế nào.
Ác nghiệp đã trót gieo, phải làm sao để ác báo không trổ ra?
Kiến thức 10:35 05/11/2024Mỗi ngày chúng ta đều gieo trồng những nhân thiện, ác lẫn lộn. Những nhân này tuyệt đối không hề mất đi, nó được lưu trữ trong tàng thức của chúng ta. Quá trình từ nhân đi đến quả đều cần phải có duyên. Vậy làm sao để tránh được duyên ác?
Đi về phía an lạc hạnh phúc
Kiến thức 09:20 05/11/2024Kinh Trường bộ ghi: Đường này đến an lạc giải thoát Niết bàn, chấm dứt khổ đau; Đường kia đến ưu phiền não loạn khổ đau trong sinh tử luân hồi, các người muốn đi đường nào?
Muốn mau lành bệnh
Kiến thức 07:03 05/11/2024Ai cũng biết Đức Phật ngoài mười hiệu tôn quý còn được xưng tán là Y vương, bậc thầy của các thầy thuốc trong việc trị liệu tâm bệnh của chúng sanh. Không chỉ chữa trị tâm bệnh, Đức Phật còn là một vị thầy thuốc đúng nghĩa chữa trị cả thân bệnh nữa.
Xem thêm