Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Lễ Phật: Tiêu trừ nghiệp chướng, dốc lòng mà hoàn thành

Lễ Phật là để tiêu trừ nghiệp chướng, tiêu trừ trần lao cũng như tiêu trừ những chướng ngại đã tích lũy từ những tư thế chẳng đúng trong các hành vi thường nhật...

LỄ PHẬT TIÊU TRỪ NGHIỆP CHƯỚNG, CHỚ LẦM TƯỞNG LÀ KHỔ NHỤC KẾ

Lễ Phật là để tiêu trừ nghiệp chướng, tiêu trừ trần lao cũng như tiêu trừ những chướng ngại đã tích lũy từ những tư thế chẳng đúng trong các hành vi thường nhật, kéo duỗi các chỗ căng thẳng, co rút, tiêu trừ những ứ trệ, đả thông những chỗ bế tắc, rèn giũa thân tâm không chướng ngại, chứ chẳng phải là khổ nhục kế.

Có kẻ cho rằng càng lễ Phật đến nỗi kiệt sức, thống khổ, càng quỳ đến nát cả đầu gối, mọp đầu đến rách trán, thì càng được Phật, Bồ Tát thương xót. Sau đấy vì quá mệt mỏi, kiệt sức, không cách chi giữ mãi như thế được, tâm bèn lui sụt, hối hận. Do chẳng nhẫn được sự cực khổ quá mức (cũng là do chưa xả được nỗi khổ nơi da thịt) bèn viện cả đống lý do: “Vì tôi lễ Phật chẳng được khoẻ khoắn như thế, bác sĩ bảo tôi đừng nên lễ Phật”. Ðấy cũng là hạng thiếu tín tâm, chưa hiểu rõ lý rốt ráo. Thật ra, chẳng phải vì lễ Phật mà không khỏe khoắn, mà chính là vì chẳng hiểu cách lễ Phật và nhiều vọng tưởng nên mới không khỏe khoắn!

Kẻ mạt học này lúc mới học cũng hiểu lầm như thế, chẳng nắm được yếu lãnh, lễ Phật đến mệt nhoài nhọc khổ, cho rằng lễ Phật rất mệt mỏi, sau rồi mới biết là chính mình lầm lạc.

Phật tử lễ Phật. Ảnh: Vietnamplus.vn.

Phật tử lễ Phật. Ảnh: Vietnamplus.vn.

NGUYÊN NHÂN GÂY NÊN SỰ MỆT NHỌC TRONG KHI LỄ PHẬT

Lúc ban đầu tập tành lễ Phật, thấy nhọc nhằn, đau khổ là vì:

- Phương pháp chẳng thích đáng, tư thế mâu thuẫn với những nguyên tắc kiện khang của sinh lý học: chẳng khéo giữ trọng tâm theo vật lý học, chẳng khéo dùng lực tự nhiên, tự dùng sức một cách nhầm lẫn, lãng phí sức.

- Các khớp, khủy, gân, thịt của mình vốn đã sẵn có những phế vật ứ trệ hoặc đã tiêu mòn vì tuổi tác (khác nào khe nước vốn sẵn có bùn lầy lắng đọng), lại còn thiếu vận động nhiều năm (giống như khe nước chẳng hề nạo vét). Trong tình huống như thế, toan vét sạch một lúc thì đương nhiên những bùn lầy chìm đắm, ứ đọng sẽ nổi lên khiến cho nước trong khe ngầu đục quá mức. Chỉ cần liên tục đổ nước trong vào, tự nhiên bùn lầy sẽ trôi đi, khôi phục sự trong sạch. Quý vị nên hiểu rõ: Lúc nạo vét sạch, chất bẩn thỉu, tạp nhạp nổi lên chính là những bùn lầy sẵn có, chứ nào phải đâu do nạo vét sạch mà có. Nếu bảo là do nạo vét mới có bẩn thỉu, tạp nhạp thì chính là chẳng quan sát, suy nghĩ rõ ràng vậy.

Cùng một lý ấy, nếu phương pháp lễ Phật đã chính xác mà cảm thấy có bộ phận nào đặc biệt co rút hoặc đau đớn thì đấy chính là những “Bùn lầy” ứ đọng nhiều năm hiển hiện, cho thấy chỗ ấy vốn bị ứ trệ hoặc mòn mỏi vì tuổi già, chứ nào phải là Phật hại chúng ta, cũng chẳng phải do lễ Phật mới bị đau đớn. Nói cách khác, lúc quét dọn thấy bẩn thỉu, lộn xộn, đấy chính là dấu hiệu báo trước cho sự thanh tịnh, quý vị càng nên tin tưởng dọn dẹp. Xin quý vị hãy quan sát, suy nghĩ chính xác, sự lý phân minh, chớ thấy mình có chút bịnh vặt liền quy tội cho việc lễ Phật.

Người hằng ngày thiếu vận động, bảo đi một đoạn ngắn đã thấy đau chân, bảo khiêng vật nặng liền kêu đau hông, nhức lưng; đương nhiên khi lễ Phật cũng phải bị đau nhức, mỏi nhọc. Kỳ thật chỉ vì các chi thể thiếu được huấn luyện, hoạt động, chẳng tuần hoàn tốt, cho nên sự chuyển hóa năng lượng và thải trừ các chất cặn bã đều yếu kém. Do vậy, phải khéo luyện tập, nếu không lương tri, lương năng sẵn có sẽ bị mất đi. Tuổi trẻ không tập luyện, đến già sẽ phải chịu khổ không thể nói. Ðã nhận thức được [giá trị của] sự tập luyện thì mới có thể đột phá [những khó khăn].

DỐC LÒNG VÀO MỘT CHỖ THÌ KHÔNG VIỆC GÌ CHẲNG HOÀN THÀNH, ÐỪNG PHÍ TINH THẦN THAN THỞ, GIẬN HỜN

Trong nhà Phật, có rất nhiều người có thể mỗi ngày lễ Phật cả ba ngàn lạy, lặng lẽ dụng công (mặt chẳng đổi sắc, thung dung tự tại), đủ thấy họ là những người lễ lạy có phương pháp, có rèn luyện. Quý vị phải khéo tự trân trọng bản năng Phật tánh, dụng tâm khai ý, đừng lãng phí thời gian, tinh lực quý báu để than khổ và oán hờn. Thậm chí suốt ngày bôn ba tìm người khác giãi bày nỗi khổ, chẳng dụng tâm tự giải ngộ! Nếu có thể đem hết tâm lực than khổ, bất mãn đó chuyên chú nơi việc khai phát tự tâm thì những phiền muộn đó sẽ bị trừ sạch! Phật nói: “Dốc lòng vào một chỗ, không sự gì chẳng hoàn thành”. Trên đời không có việc gì khó, chỉ sợ người thiếu lòng!

XI. NHỮNG ÐIỂM MẤU CHỐT KHIẾN VIỆC HỌC LỄ PHẬT TRỞ THÀNH KHÓ KHĂN HAY DỄ DÀNG

Quan sát những người tập luyện lễ Phật, chúng tôi nhận thấy:

- Những đứa trẻ ngây thơ, thoải mái, không có tâm thành kiến sẽ học rất nhanh. Có thể nói là chỉ vẽ cách lạy cho chúng từ một đến ba lần, đại đa số bọn trẻ đều làm được ngay. Ðủ thấy đây là một loại động tác đơn giản, dễ học. Quý vị đừng cho cách lễ Phật này là rắc rối, khó khăn, sanh tâm chán nản. Cũng từ sự kiện trên, ta thấy lúc tâm không vướng mắc, thong dong, mềm dịu sẽ có khả năng học tập rất tốt, giác tánh sẽ phát khởi công dụng tốt nhất, trí huệ dễ khai phát nhất.

- Ðối với người trưởng thành, những người chưa từng học qua cách lễ Phật (tâm không có sẵn thành kiến) sẽ học rất nhanh vì chẳng bị thói quen từ quá khứ gây trở ngại, nắm được yếu lãnh rất nhanh, đạt được lợi ích thân tâm nhu nhuyễn.

- Những người khó tập nhất là những người cá tánh khẩn trương, bướng bỉnh, hay những người cố chấp vào tập quán quá khứ. Là vì họ chỉ mơ hồ thuận theo động tác đã quen, chẳng đặt chút ý niệm giác tánh. Vì thế, lúc lễ Phật mơ màng trên dưới, tâm chẳng chuyên chú (thân cứ theo thói quen đứng lên, sụp xuống, tâm mơ tưởng chuyện khác). Bởi vậy, chẳng biết mình đang làm gì. Ðứng lệch chẳng biết là đứng lệch. Chắp tay chẳng biết là năm ngón so le, tán loạn. Mỗi một động tác đều là vọng tưởng, làm qua quít mơ hồ, chẳng hề dụng tâm minh bạch rõ ràng để tự quán chiếu. Ðấy là buông thả theo thói quen của tự thân, cô phụ giác tánh của mình. Lễ Phật một lạy vốn là việc có thể hiểu rõ trong vài giờ, nhưng nếu học tập như thế thì mười năm cũng học chẳng xong. Thậm chí học hơn cả mười năm, ngay cả động tác chắp tay cũng so le, tán loạn. Ngay trong lúc khiêm cung cúi đầu cũng vẫn hồ đồ ngửa đầu, thẳng cổ. Ngay trong khoảnh khắc ấy chẳng dụng tâm thì cái tật nhỏ cố hữu ấy dù mười năm vẫn chẳng thay đổi được.

Bởi thế, việc tu tập chẳng nhìn vào thời gian mà chú trọng tại một niệm tâm ngay trong lúc ấy có chuyên chú, có thong dong, có cung kính hay không. XII. GIẢI ÐÁP THẮC MẮC

Có người cho rằng: “Lễ Phật chỉ là để biểu hiện sự lễ kính, cốt sao trong tâm cung kính là được, việc gì phải giảng phương pháp lễ Phật? Phiền phức quá!”

Có người nói: “Phật và chúng sanh bản thể là không. Ðều cùng là tánh Không, cần gì phải chấp trước sự tướng lễ Phật? Cần gì phải giảng giải, nghiên cứu phương pháp lễ Phật cơ chứ?”

Ðối với câu hỏi thứ nhất, chúng ta phải hiểu rõ rằng học Phật tu trì thì phải “Sự lý viên dung”, chẳng thể chấp trước vào Lý, phế bỏ tu hành về mặt Sự, cũng chẳng thể chấp vào sự tướng nhưng chẳng hiểu rõ đạo lý (Ngẫu Ích đại sư nói: “Chấp lý phế sự thì lý cũng chẳng viên dung” và “Toàn sự tức lý, toàn lý tức sự”).

Trong tâm có ý niệm cung kính thì lòng thành bên trong biểu hiện ra ngoài. Hoàn toàn chẳng thể nói tôi đối với anh có ý cung kính là tốt rồi. Anh đến nhà tôi, tôi chẳng thèm lý đến, dòm ngó gì đến, thản nhiên coi truyền hình, anh hỏi tôi cũng chẳng đáp. Có thức ăn ngon, tôi ăn một mình, dành vỏ trái cây, thức ăn hư, cơm xấu cho anh. Tin chắc là nếu có ai đối xử với anh như thế, nhất định anh chẳng thể nào nghĩ trong tâm họ có ý kính trọng anh được! Vì thế lòng kính trọng phải có thái độ và lời nói tương xứng, và cũng cần phải có phương cách để biểu lộ.

Nếu như ta bụng đói, trong lòng muốn ăn, ắt sẽ có hành động, biểu hiện mong được ăn no. Ðã có ý muốn ăn mà vẫn còn suy xét cách ăn, thực đơn, thậm chí phân tích mức dinh dưỡng, hiệu năng của thức ăn. Thậm chí còn nghiên cứu các phép tắc ứng xử nơi bàn ăn, huống hồ trong lòng có ý kính trọng mà chẳng cần phải nghiên cứu phương pháp kính lễ ư? Ngày ngày hễ muốn ăn liền dùng ăn uống để giải quyết, chẳng hiềm phiền phức, cớ sao đối với tâm ý kính cung kính lại ngại phiền toái?

Ðối với câu hỏi thứ hai: Ðiểm áo diệu trong đạo lý nhà Phật là “Có, Không chẳng hai” (nếu chấp vào không thì phế Sự tu, đó cũng là thiên chấp). Bản thể của hết thảy sâm la vạn tượng là Không, nhưng huyễn hiện giả tướng Có. Vì thế chẳng thể một bề chấp trước vạn tượng là có, chẳng biết bản thể của chúng là không. Cũng chẳng thể một bề chấp bản thể của chúng là Không, phủ nhận sự hiện hữu của vạn tượng. Bản thể của hết thảy sâm la vạn tượng thực chất là Không, nhưng chúng sanh huyễn thấy hình bóng của vạn tượng. Chẳng những thế, sự hiển hiện và biến hóa của giả tướng vẫn tồn tại theo định luật nhân quả (Nếu chấp trước vào Không, bác bỏ nhân quả, thì thành Ác Thú Không. Nếu chưa thể đối với lửa đốt, dao cắt vẫn an nhiên thì vẫn là chấp Có, sao lại bỏ sự Tu?)

Thân chúng ta đây tuy “Đương thể tức không” (ngay cái thân này chính là không), nhưng kẻ phàm phu chưa chứng ngộ vẫn chấp trước có thân thể, có tác dụng, có công năng. Nếu chúng ta cử động chẳng thích đáng, chẳng phù hợp với nguyên tắc vận động thì cứ theo lý nhân quả, sẽ phát sanh các thứ tật bệnh chẳng thoải mái (nguyên tắc vật lý và sinh lý chẳng thể ra ngoài quy luật nhân quả). Bệnh tật đương nhiên là không, nhưng vấn đề là kẻ phàm phu chưa tu chứng được tánh Không ắt nhiên sẽ chấp trước vào chuyện đau bệnh.

Thân thể giả hợp này giống như pháp khí, lẽ dĩ nhiên chẳng nên tham chấp nó quá mức, nhưng cũng chẳng nên ngược đãi nó một cách phi lý. Phật là bậc dùng Giả để tu Chân (vận dụng thân thể giả huyễn để tu hành, khế nhập Chân Lý). Ðã sử dụng giả tướng thì đương nhiên cũng chẳng thể lìa bỏ các nguyên tắc nhân quả của giả tướng được. Vì thế phải khéo vận dụng sao cho phù hợp với những nguyên tắc vật lý, sinh lý thì mới có thể phát huy lương năng, lương tri, khai phát được tiềm năng Phật tánh.

Do nhân lạy Phật bất đồng nên quả cũng sai khác. Phàm phu một mực chấp giả là chân, hệt như nằm mộng cứ chấp mộng là thật, có khi nào trong mộng lại biết đấy là mộng? Giả sử thân thể giả huyễn có bệnh khổ thì bèn thấy bệnh khổ là thật, chưa thể thấy bệnh đó là giả, chẳng hiện hữu! Vì thế nếu chúng ta sử dụng cái thân giả huyễn này chẳng đúng với nguyên tắc sinh lý, vật lý thì đương nhiên sẽ bị chướng ngại, khổ sở, bực bội vậy!

Miệng tuy nói lý Không, lúc bị đau bệnh, trọn chẳng thấy không nên bèn phiền bực. Chẳng bằng như lúc vận động, trước hết hiểu rõ phép tắc, khéo vận dụng để chẳng bị chướng ngại bức bách phải chịu khổ quả, cũng như sẽ chẳng bị mệt nhọc, khó chịu khi lạy Phật, để rồi lại ngờ Phật tổ không thiêng, chẳng ban ân cho mình!

Nói một cách nghiêm túc, [lễ lạy] một cách hồ đồ, mê muội, trên dưới tán loạn thì chẳng thể gọi là lễ Phật được! Bởi lẽ, Phật là Giác Giả, dùng sự giác ngộ để cảnh tỉnh tâm, soi xét, quán chiếu tường tận, giác ngộ thì mới là tương ứng với đạo. Theo Ðịa Trì Bồ Tát Giới, Bồ Tát hằng ngày phải tu công đức lễ Phật, nếu không tu như thế là phạm giới. Chỉ hàng Bồ Tát từ Sơ Quả trở lên mới là ngoại lệ (khai duyên). Nếu bảo chẳng cần đến sự tướng lễ Phật thì kẻ nói đó có đã chứng Sơ Quả hay chưa? Nếu đã chẳng chấp tướng thì lạy Phật nào có ngại gì?

> CÁC BÀI VIẾT VỀ LỄ PHẬT NÊN ĐỌC

(Trích cuốn sách Lễ Phật và Y học).

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Hòa thượng Thích Giác Toàn chia sẻ về sự linh ứng nhiệm mầu của Bồ-tát Quán Thế Âm

Nghiên cứu 15:42 27/03/2024

Lần đầu tiên, những câu chuyện chưa kể về tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm tại Tịnh xá Trung Tâm (Q.Bình Thạnh,TP.HCM) được Hòa thượng Thích Giác Toàn, vị Giáo phẩm Trụ trì nơi đây chia sẻ sau hơn 40 năm tôn tạo và tu sửa, về hạnh nguyện cao cả và sự mầu nhiệm của Bồ-tát giữa thế gian này.

Hoà thượng Quảng Khâm từng nói khi nào vãng sanh Ngài sẽ thị hiện bệnh tướng

Nghiên cứu 13:57 21/03/2024

Vào khoảng năm 1978, nghe nói Hoà thượng pháp thể suy yếu, Người tỏ ý muốn vãng sanh Tây Phương, đại chúng trong chùa rất lo lắng, mời lương y lên núi bắt mạch cho Hoà thượng.

Hành trang về cõi Phật

Nghiên cứu 09:26 21/03/2024

Cách nay hơn hai nghìn sáu trăm năm lịch sử, Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, bậc giác ngộ thể nhập chân lý tuyệt đối, chấm dứt vòng sanh diệt, tham ái, vô minh, thành tựu viên mãn con đường an vui giải thoát, đã xuất hiện nơi thế gian.

Đường về cõi Tịnh

Nghiên cứu 23:02 20/03/2024

Trên thế giới ngày nay có rất nhiều tôn giáo, nhưng phải thừa nhận một điều, không có bất kì một tôn giáo nào có hệ thống học thuyết đa dạng, hoàn bị như Phật giáo.

Xem thêm