Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 06/04/2014, 09:38 AM

Lịch sử Phật giáo và dân tộc Việt Nam (P.5)

Trong sự nghiệp chấn hưng Phật giáo nước nhà, tại miền Trung, vào những năm của thập kỷ 1930, bác sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám là người đã cống hiến nhiều công lao xuất sắc, đưa Phật giáo miền Trung phát triển vững chắc và sâu rộng.

NGƯỜI PHẬT TỬ ƯU TÚ THẾ KỶ XX: TÂM MINH - LÊ ĐÌNH THÁM (1897 - 1969)

- Một đời đạo pháp và dân tộc
- Có công trong việc đào tạo tăng tài, chấn hưng Phật giáo
- Sáng lập Gia đình Phật tử Việt Nam

Như lời tự thuật của Hòa thượng Thích Thiện Hoa, chính vì qua một lần gặp gỡ bác sĩ Lê Đình Thám, mà Hòa thượng Thích Thiện Hoa đã phát khởi "hoài bão" để rồi Hòa thượng đã tạo dựng 12 nấc thang Giáo lý được gọi là Phật học Phổ thông để thiết lập một hệ thống giáo lý căn bản, vững vàng trong việc đào tạo những tăng ni Việt Nam có khả năng hoàng dương Chánh pháp và giáo hóa chúng sinh sâu rộng.

Trong sự nghiệp chấn hưng Phật giáo nước nhà, tại miền Trung, vào những năm của thập kỷ 1930, bác sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám là người đã cống hiến nhiều công lao xuất sắc, đưa Phật giáo miền Trung phát triển vững chắc và sâu rộng.

- Mùa Đông năm 1946, bác sĩ về quê ở Quảng Nam tham gia kháng chiến chống Pháp.

- Năm 1947, bác sĩ Thám giữ chức Chủ tịch Ủy ban kháng chiến miền Nam Trung bộ tại Liên khu V.

- Mùa hè năm 1949, bác sĩ được mời ra Bắc và được đề bạt giữ chức Chủ tịch Phong trào Vận động Hòa bình Thế giới của Việt Nam.

MỞ CÁC TRƯỜNG PHẬT HỌC

- Năm 1933, mở trường An Nam Phật Học tại chùa Vạn Phước

- Năm 1935, mở trường Sơn Môn Phật Học

Từ năm 1934-1945 là những năm hoàn chỉnh các tổ chức của Phật giáo và hệ thống đào tạo Tăng tài, các lớp Phật học cho thanh niên. Kết quả mà ông đã đóng góp được trong những năm tháng ấy, vẫn mãi mãi được ghi nhớ: Một thế hệ Tăng sĩ tài ba đã nở rộ, làm nền tảng tuyên truyền phát huy chánh pháp, đoàn kết Tăng Ni và Phật tử, bảo vệ Phật giáo trước những khó khăn lúc bấy giờ.

Trong những năm ở Bắc, ngoài ngày giờ làm việc cho Nhà nước, ông đến chùa Quán Sứ để dịch kinh và giảng kinh, hướng dẫn việc tu học giúp nhà chùa. Kết quả của những năm tháng dày công quả vì đạo pháp và dân tộc ấy còn được thể hiện qua các kinh sách uyên thâm như:

1. Kinh Thủ Lăng Nghiêm
2. Luận Nhơn Minh
3. Đại Thừa Khởi Tín Luận
4. Bát Thúc Qui Củ tụng.
5. Phật Học thường thức.
6. Bát Nhã Tâm Kinh.
7. Lịch sử Phật giáo Việt Nam và Phật Tổ Thích Ca.
8. Tâm Minh - Lê Đình Thám tuyển tập (gồm 5 tập).

Trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo giữa thế kỷ XX, cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám quả là bậc tiền bối hữu công thật sáng chói, ông đã vượt qua ranh giới hình thức để tựu thành đạo nghiệp cao quí cho hàng hậu tấn ngưỡng vọng dù xuất gia hay tại gia. 

(Thư viện Hoa sen)
 
Thập niên 1920, tuy PGVN đang suy thoái, vẫn có những lương đống âm thầm đào tạo Tăng tài, bởi Phật giáo thịnh thì dân tộc thịnh, đạo Phật suy thì đất nước suy, chính vì sự liên đới hữu cơ, một số cao Tăng thạc đức đã đứng ra xiển dương chấn hưng Phật giáo như:

Miền Nam có : HT Từ Phong đạo tràng Giác Hải, HT Khánh Hòa, HT Chí Thành, HT Huệ Quang, HT Khánh Anh, HT Tâm Thông, HT Hoằng Nghĩa, sư Thiện Chiếu...

Miền Trung có: HT Tuệ Pháp, HT Thanh Thái, HT Đắc Ân, HT Tâm Tịnh, HT Phước Huệ...

Miền Bắc có: HT Thanh Hanh, HT Phổ Tuệ...

Chủ xướng chấn hưng Phật giáo lúc bấy giờ được khởi xướng ở Ấn Độ bởi cư sĩ David Hewavitarane, người Tích Lan, sau này xuất gia thành đại đức Dharmapala. Công việc đầu tiên của ông là vận động trùng tu lại những Phật tích quan trọng ở Ấn Độ, và tiếp theo là lập hội Mahabodhi Society, xuất bản tạp chí Phật học, thành lập trung tâm Phật học và tu viện Phật giáo. Nhờ có sự khuyến khích của thi sĩ Edwin Arnold người Anh, tác giả The Light Of Asia, và đại tá Henry Steel Olcott, người Hoa Kỳ, Dharmapala đã đạt tới những thành công lớn, nhờ sự có mặt của bác sĩ Ambedkar, hàng triệu người Ấn thuộc giai cấp hạ tiện (intouchables) tại Ấn Độ đã quy y theo Phật giáo, tại Nagpur ngày 14.10.1956, năm trăm ngàn người đã làm lễ quy y trong một lần. (VNPGSL)

Từ chất xúc tác nầy chư tôn đức Việt Nam mạnh dạn bắt tay công cuộc chấn hưng Phật giáo mạnh mẽ, trong đó có sự tiếp tay của các cư sĩ nổi tiếng như bác sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám, và hoằng pháp có Thiều Chửu, Đoàn Trung Còn... Mạnh nhất là miền Trung, nơi đào tạo nhiều danh Tăng cao đức đã chống chọi lại chính sách triệt tiêu Phật giáo của Ngô triều.

Sự xuất hiện các tôn giáo nội sinh thuần Việt

Trước khi có cuộc canh tân Phật giáo trong nước và các nước Phật giáo trên thế giới, tại miền Nam Việt Nam, thế kỷ XIX cũng đã xuất hiện một số nhân sĩ trí thức yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu trinh; tuy nhiên cũng có những bậc yêu nước lẫn mộ đạo, dùng hình thức tâm linh để thực hiện lòng vì dân vì nước như Cao Đài, Hòa Hảo mà trước đó đã xuất hiện một hiền nhân Thánh đức được quần chúng tôn xưng: "Phật thầy".

Đoàn Minh Huyên (14 tháng 11 năm 1807 - 10 tháng 9 năm 1856), còn có tên là Đoàn Văn Huyên, đạo hiệu: Giác Linh, được tín đồ gọi tôn kính là Phật Thầy Tây An. Ngoài vai trò là người sáng lập giáo phái (Bửu Sơn Kỳ Hương) bản địa đầu tiên ở An Giang, ông còn là một nhà yêu nước, nhà dinh điền đã có công khai hoang nhiều vùng đất ở Nam Bộ (Việt Nam).

Thân thế và hành trạng:

Đoàn Minh Huyên là người ở Tòng Sơn, thuộc Cái Tàu Thượng, tổng An Thạnh Thượng, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp).

Năm 1849, ở Nam Kỳ, xảy ra vụ mất mùa và đại dịch (kéo dài đến 1850), đã làm nhân dân lâm vào cảnh cùng cực, khổ đau và chết chóc. Trong hoàn cảnh ấy, Ông từ Tòng Sơn vào Tràm Dư, rồi đến vùng Kiến Thạnh (xưa thuộc làng Long Kiến; nay thuộc xã Long Giang, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), cư ngụ ở cốc ông đạo Kiến, trổ tài trị bệnh cho dân. Từ chỗ chữa trị bệnh có kết quả, ông dìu dắt được nhiều bệnh nhân và người thân của họ nghe theo những điều dạy khuyên của Ông.

Thấy người tin theo ngày một đông, nên ngay năm ấy (1849), Ông đã sáng lập ra đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, với tôn chỉ và phương pháp hành đạo rất đơn giản.

Nghe ông chữa bệnh bằng nước cúng (nước lã), bông cúng,... đồng thời rao giảng đạo, quan tỉnh An Giang nghi ngờ ông là gian đạo sĩ, hoạt động chính trị nên bắt giam, nhưng xét không có bằng chứng phải thả tự do cho ông. Song ông buộc phải quy y theo đạo phật (phái Lâm Tế) và tu tại chùa Tây An, dưới chân núi Sam (Châu Đốc). Từ đó, ông được người dân tin tưởng gọi tôn kính là Phật Thầy Tây An.

Mặc dù bị chỉ định cư trú, song ông vẫn thường đi lại khắp miền sông Hậu, phổ biến giáo lý Tứ Ân, đồng thời vận động dân nghèo khai hoang, dần hình thành 4 trung tâm dinh điền lớn, đó là Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp), Thới Sơn (Tịnh Biên), Láng Linh và Cái Dầu (đều thuộc Châu Phú)...

Phật Thầy Tây An viên tịch ngày 10 tháng 9 năm 1856, lúc 49 tuổi. Hiện mộ ông ở phía sau chùa Tây An (Châu Đốc), không đấp nấm theo lời căn dặn của ông.

Tương truyền, Phật Thầy Tây An có viết mấy quyển kinh, kệ sau đây:

• Chuẩn đề chú
• Thái dương kinh
• Khai kinh kệ
• Thái âm kinh

Ông có nhiều đệ tử giỏi, như Đức Cố Quản (Trần Văn Thành), Tăng Chủ (Bùi Đình Thân), Đạo Xuyến (Nguyễn Văn Xuyến), Đạo Lập (Phạm Thái Chung), Đạo Thắng (Nguyễn Văn Thắng) v.v...

• Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương

Theo truyền thuyết của giáo phái này, thì Bửu Sơn (núi báu) là Thất Sơn, mà linh thiêng nhất là núi Cấm. Kỳ hương tức là mùi hương lạ. Hội Long Hoa sau thời Mạt pháp sẽ được Phật Di-lặc thành lập ở đó để đón nhận những ai biết tu hiền.

Trước thực trạng nghèo đói và bệnh tật triền miên, nghe nói hội Long Hoa giống như cõi Tiên tại thế, mà việc hành đạo lại rất dễ, nên người tin theo ngày càng đông.

Người đến quy y sẽ được Đoàn Minh Huyên cấp cho một tấm "lòng phái" (mảnh giấy màu vàng có ghi bốn chữ “Bửu Sơn kỳ Hương” màu son), được truyền dạy giáo lý "học Phật- tu Nhân", tức là noi theo giáo lý Đức Phật mà tu sửa con người, tích cực thực hành thuyết "Tứ ân (ơn)", đó là: Ân tổ tiên cha mẹ, Ân đất nước, Ân Tam bảo và Ân đồng bào nhân loại. (Kiwipedia)

Về việc hành đạo, tuy lấy đạo Phật làm gốc, nhưng tín đồ không cần thờ tượng Phật (trên ngôi thờ Tam bảo chỉ cần thờ tấm trần điều màu đỏ), không cần phải ly gia cắt ái, không cần ăn chay, cạo râu tóc, gõ mõ tụng kinh,... và không cần phải dâng cúng những lễ vật tốn kém (bông hoa, nước lã là đủ).

Nhiều nhà nghiên cứu, trong đó có Sơn Nam cho rằng đây là lối tu theo thuyết “vô vi”, tức là không chú trọng đến hình thức, không dụng tâm bày đặt ra cái này cái khác.

Sau này, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa và đạo Hòa Hảo chịu ảnh hưởng sâu sắc các yếu lý trên.

Tương truyền, theo ông cư sĩ  cư sĩ Spô-Liêu, viết trong cuốn "Thân thế Phật thầy Tây An"  dựa vào truyện thơ Kim cổ kỳ quan của ông Nguyễn Văn Thới (1866-1926). Theo đó, Phật thầy có tên thật là Nguyễn Quang Mục, con của vua Quang Trung và Ngọc Hân công chúa (con vua Lê Hiển Tông), Phật thầy lấy họ Đoàn để tránh sự truy sát của Nguyễn Ánh. Nhưng Ngọc Hân có hai người con với vua Quang Trung là: Hoàng tử  Nguyễn Quang Đức và công chúa là Nguyễn Thị Ngọc Bảo, đã bị triều đình nhà Nguyễn sát hại. Như thế không có ai tên Nguyễn Quang Mục. Và cũng tương truyền, sở dĩ Phật Thầy lấy tấm vải Trần điều làm biểu tượng tôn thờ vì cũng là cờ đào khởi nghĩa của Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh năm 1789 (kỷ Dậu).

Ca dao miền Tây Nam bộ có câu: "Chiều chiều lại nhớ chiều chiều, nhớ người áo trắng khăn điều vắt vai"... cho là của bà Ngọc Hân Công chúa nhớ chồng, bà luôn mặc áo trắng vắt khăn màu đỏ trên vai mỗi khi chiều về hướng đến chân trời xa xăm;và cũng từ đó, người ta tin rằng mộ của Ngọc Hân mai Táng tại Cái Nai, xã Hội An, huyện Chợ Mới, Tỉnh An Giang, miền Tây Nam bộ, nhưng theo sử liệu qua Wikipedia thì: Theo "Biệt lục" của tộc phả Nguyễn Đình, năm 1804, bà Nguyễn Thị Huyền vì thương con gái và hai cháu ngoại đều chết yểu nơi xa, nên đã thuê người vào Phú Xuân lấy hài cốt ba mẹ con Ngọc Hân đưa về bản dinh (tức dinh Thiết lâm của bà).

Ngày 16 tháng 7 năm 1804, bà cho an táng hài cốt bà Ngọc Hân, phụ chôn hoàng tử ở bên trái và công chúa ở bên phải. Nơi đó nay là bãi Cây Đại hay bãi Đầu Voi ở đầu làng Nành, xã Phù Ninh (nay là xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội).

Gs.Chu Quang Trứ dẫn theo Đại Nam thực lục cũng nói về việc này:

"Khoảng năm đầu Gia Long, ngụy đô đốc tên là Hài ngầm đem hài cốt mẹ con Ngọc Hân từ Phú Xuân về táng trộm ở địa phận xã Phù Ninh. Thị Huyền ngầm xây mộ, dựng đền, khắc bia giả, đổi lại họ tên để làm mất dấu tích".

Gần 50 năm sau, dưới thời Thiệu Trị, miếu bị đổ nát. Một ông tú người làng Nành nhớ công lao của Chiêu nghi họ Nguyễn đối với dân làng đã quyên tiền tu sửa ngôi miếu. Không ngờ, có viên phó tổng cùng làng có thù riêng với ông tú, đã lên quan tố giác về việc thờ "ngụy Huệ". Triều đình Huế liền hạ lệnh triệt phá ngôi miếu, quật ba ngôi mộ, vứt hài cốt xuống sông. Ông tú kia bị trọng tội, Tổng đốc Bắc Ninh Nguyễn Đăng Giai cũng bị giáng chức.

Thế thì khu đền mộ Phật Mẫu (mẹ Phật Thầy Tây An) hiện mai táng ở Cái Nai (xã Hội An, huyện Chợ Mới, Tỉnh An Giang) thực hư thế nào?.

Cho dù Phật Thầy Tây An có là con của vua Quang Trung hay không, cũng chẳng quan trọng bằng tấm lòng vì dân vì nước trước cảnh nước mất nhà tan, điêu linh thống khổ của dân tộc, Ngài phương tiện trị bệnh  thời khí cho dân để khuyến tu "tứ trọng ân" mà ân đất nước đứng hàng thứ nhì, và chỉ học Phật tu nhân làm tròn nhiệm vụ của con dân đối với quốc gia xã tắc. Ngài là nhà yêu  nước mộ đạo.

Chính vì tinh thần yêu nước thương dân của Ngài, các đệ tử đã tiếp nối truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm đô hộ dân tộc lúc bấy giờ. Ngài có Thập nhị hiền thủ tiếp nối tinh thần phục quốc hộ đạo và 5 thế hệ kế thừa hoằng truyền Phật pháp rất xuất sắc.

Đức Phật Thầy chủ trương nông điền để tự cung tự cấp cho việc tu tập và hộ quốc, đồng thời giữ vững biên ải miền Tây Nam bộ. Mặc dù đức Phật Thầy không trực tiếp tham chính cho những hoạt động chống Pháp, nhưng tư tưởng yêu nước chống ngoại xâm của Ngài truyền đạt qua thập nhị hiền thủ tài giỏi cũng như ảnh hưởng đến năm thế hệ chuyển kiếp về sau vẫn không đi sai con đường ái quốc, hộ quốc, hưng Đạo. Những thế hệ kế thừa lòng ái quốc và chấn hưng đạo đức phật giáo của đức Phật Thầy Tây An qua hình thức dân gian:

1. ÐỨC PHẬT TRÙM (1868-1875) 

Lịch sử của Ngài không rõ ràng, Ngài gốc là một người Miên, sống tại vùng Tri-Tôn (cũng gọi là Xà Tón) tỉnh Châu Ðốc. Chết vì bịnh thời khí, nhưng ông bỗng sống lại rồi từ đó không nói tiếng Miên nữa mà chỉ nói tiếng Việt. Cũng từ đó ông ra tay cứu bịnh, và truyền đạo khuyến tu, theo như giáo lý của Ðức Phật Thầy Tây An. Sự việc này được xác nhận: Ðức Phật Trùm cũng phát lòng phái Bửu Sơn Kỳ Hương, cho nên dân chúng tin rằng ngài chính là Phật Thầy Tây An chuyển kiếp để tiếp tục độ dân.

Pháp nghi Ngài mượn Đạo để quy tụ  nhân dân chống Pháp nên bắt giam một thời gian. Nên biết thời kỳ này là lúc quân Pháp đã chiếm Nam kỳ lục tỉnh, các phong trào Cần Vương kháng Pháp do những anh hùng ái quốc là Nguyễn Trung Trực, Trương Công Ðịnh, Võ Duy Dương, Nguyễn Hữu Huân, Trần Văn Thành phất cờ khởi nghĩa ở miền Ðông và miền Tây. Vì trong số lãnh tụ Cần Vương có hai vị là Nguyễn Trung Trực, Trần Văn Thành có liên hệ đến Bửu Sơn Kỳ Hương, cho nên Pháp truy nã các tín đồ của tôn giáo này, và thi hành chánh sách khủng bố nghiệt ngã khi gặp tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương. 

(PHẬT GIÁO HÒA HẢO TRONG DÒNG LỊCH SỬ DÂN  TỘC).

2. ĐỨC BỔN SƯ (1870-1890) 

Thời kỳ này gọi là thời kỳ củng cố, là vì trong những năm đầu quân Pháp chiếm đóng miền Nam, họ đã đánh phá tan tành các cơ sở kháng chiến và trại ruộng, trung tâm hành đạo của Bửu Sơn Kỳ Hương, làm cho tín đồ xiêu tán đi khắp nơi. Ðức Bổn Sư làm công việc quy tụ tín đồ trở lại, mà điển hình nhứt là việc lập làng An Ðịnh, gần dãy Thất Sơn, đồng thời củng cố hàng ngũ kháng chiến chống Pháp. 

Tên thật là Ngô Lợi (có chỗ còn ghi thêm một tên nữa là Ngô Viên), cũng có tên khác là Hữu, con thứ năm trong gia đình, nên được kêu là Năm Hữu. Sau lại có thêm danh hiệu Năm Thiếp, bởi hay đi thiếp (nằm như chết một thời gian để linh hồn tiêu diêu ở một cơi khác). Về sinh quán, có tài liệu nói tại một làng ở biên giới Việt Miên, có tài liệu nói tại làng Trà Tân (Mỹ Tho). 

Theo tài liệu Bửu Sơn Kỳ Hương, thì Ðức Bổn Sư cũng tự nhiên ngộ đạo, không học mà thông, trị bịnh bằng mầu nhiệm, chỉ dùng nước lạnh, giấy vàng như Phật Thầy Tây An, để trấn áp bịnh dịch tả, mà không cần dược liệu. (Ghi chú: dịch tả thường rất hay xảy ra trong thời kỳ này, có lẽ vì điều kiện vệ sinh quá yếu kém). 

Về công cuộc kháng Pháp, cũng theo tài liệu Bửu Sơn Kỳ Hương, Ðức Bổn Sư có đến vùng Láng Linh, tức chiến khu Bảy Thưa của lãnh tụ Cố Quản Trần Văn Thành, và hay giả dạng làm đàn bà để che mặt mật thám Pháp, mà dễ dàng đi đó đi đây. Ðức Bổn Sư tổ chức lập làng An Ðịnh quy tụ tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương tại đây để canh tác nông nghiệp, đồng thời kháng chiến. (Khi Pháp tàn phá làng An Ðịnh vào năm 1990, tại đây có 1990 người sống tại làng). 

Tại làng An Ðịnh, đức Bổn Sư có lập chùa gọi là Chùa Lớn, chia làm hai ngôi nhỏ, phía trước đặt tên là An Ðịnh Miếu, thờ các vị Công thần của đất nước, phía sau đặt là chùa Phi Lai thờ Phật, với tấm trần điều theo nghi thức Bửu Sơn Kỳ Hương. 

Tài liệu Bửu Sơn Kỳ Hương nói danh hiệu Ðức Bổn Sư chánh thức xuất hiện năm 1870, nhưng theo kinh Hiếu nghĩa, thì đến ngày 28 tháng 4 năm Kỷ Mão (1879), Ðức Bổn Sư mới thọ ký, nghĩa là mới chánh thức trở thành vị giáo chủ kế truyền sau Ðức Phật Trùm với danh nghĩa "Tứ Ân Hiếu Nghĩa". 

Nguồn tài liệu về nhân vật Ngô Lợi tức Ðức Bổn Sư được kiểm chứng, và khá dồi dào, là những bản báo cáo của Pháp về những hành vi của nhân vật này. Qua các tài liệu của Pháp, ta thấy Ðức Bổn Sư Ngô Lợi đã thể hiện tích cực tinh thần giáo lý Bửu Sơn Kỳ Hương, cụ thể và điển hình là việc lập làng An Ðịnh ở chân dãy Thất Sơn, quy tụ nông dân làm ruộng rẫy, tu hành và kháng Pháp. Tại làng này, có đền thờ các vị anh hùng dân tộc bên cạnh chùa thờ Phật, và toàn dân làng An Ðịnh là kháng chiến quân, làng này như một chiến khu, giống như chiến khu Bảy Thưa Láng Linh của cố Quản Trần Văn Thành, vị đại đệ tử số một của Phật Thầy.

(PHẬT GIÁO HÒA HẢO TRONG DÒNG LỊCH SỬ DÂN TỘC)

Nhưng khách quan mà xét, về mặt đạo, Ngô Lợi động viên được tín đồ cùng nhân dân phát huy tinh thần yêu nước. Về mặt đời, ông cùng với Khả và Ong khởi nghĩa ở Cai Lậy năm 1878, qui tụ được những người từng tham gia kháng Pháp, từ những phong trào như của Nguyễn Trung Trực, Võ Duy dương, Nguyễn Hữu Huân thiết lập được mối quan hệ với phong trào kháng Pháp của ông hoàng Si-Vatha ở các tỉnh phía Nam nước Campuchia và những người dân tộc Khmer vùng Bảy Núi (Thất Sơn). 

(Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

3. SƯ VÃI BÁN KHOAI (1901-1902) 

Danh hiệu Sư Vãi Bán Khoai phát xuất từ dân chúng mà ra, bởi vì trong lúc đi truyền đạo, ông Ðạo này (dân chúng cũng gọi là ông Sư) thường giả làm người bán khoai, và thường đem theo khăn áo bằng vải mà tặng cho người nghèo khó rách rưới. Cũng có lập luận rằng tác người ông nhỏ nhắn như phụ nữ, lại mang cái yếm trước ngực, trông giống như một cô vãi. Tuy nhiên lập luận này không vững như lập luận trên. 

Tục danh là Mỹ, họ chi không rõ, lai lịch và quê quán cũng không ai biết. Sau khi Ðức Bổn Sư Ngô Lợi tịch diệt độ mười một năm, ông Sư Vãi Bán Khoai ra đời, xuất hiện vào năm 1901-1902, cũng là lúc Pháp đang theo dõi bắt bớ tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương. 

Trong những năm sau khi Ðức Bổn Sư viên tịch, Bửu Sơn Kỳ Hương phải thu hẹp hoạt động để tránh né sự khủng bố của người Pháp. Ðể tránh bị theo dõi. Ðức Bổn Sư cho sửa đổi cách thờ phượng, cho giống như nghi thức nhà Thiền. Với sự xuất hiện của ông Sư Vãi Bán Khoai, Bửu Sơn Kỳ Hương chuyển sang thời kỳ phổ biến nặng về truyền đạo, nhẹ về kháng Pháp. Ðây là phương lược mới của Bửu Sơn Kỳ Hương để thoát sự kềm tỏa ngăn chận của thực dân Pháp. 

Sư Vãi Bán Khoai mở một kỷ nguyên mới về hình thức truyền giáo. Ông giả dạng, nay là người bán khoai, mai là người bán củi, rồi cũng xưng hiệu điên khùng, đi khắp chợ này làng nọ, nhiều nhứt trong vùng kinh Vĩnh Tế, biên giới Cao Miên. Chủ đề của ông truyền bá là khuyên dân tu hành, làm lành và niệm Phật. 

Không bao lâu, dân chúng vùng Châu Ðốc đều nghe nói đến ông, truyền bá kinh giảng của ông, và hiểu được rằng ông là một vị kế truyền của Tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Ông Sư Vãi Bán Khoai không phát lòng phái, cũng không lập chùa chiền, chỉ rao truyền cuốn Sấm Giảng Người Ðời gồm mười một thiên. Dân chúng nghe qua cuốn Sấm Giảng này, đều hiểu rằng ông là một bực tiên giác của Bửu Sơn Kỳ Hương ra đời phổ hóa giáo lý của Ðức Phật Thầy Tây An. Nên biết rằng hầu hết các gia đình người Việt ở vùng này trước kia đều có ông cha đã từng theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và vẫn giữ truyền thống này. Cho nên khi thấy Sư Vãi Bán Khoai truyền bá tư tưởng Sấm Giảng Người Ðời, họ cảm nhận ngay được truyền thống Bửu Sơn Kỳ Hương trong đó. 

Dân chúng đồn rằng ông có nhiều pháp thuật và võ nghệ. Ông dùng đầu ngón tay cái như cái mõ, mỗi khi niệm kinh, lấy cây gậy gõ trên đầu ngón tay cái mà phát ra tiếng kêu lóc cóc y như tiếng mõ của sư sãi trong chùa. Lúc ở Vĩnh Thông, ông thường đi nhổ bàng để dệt đệm. Một hôm, ông đang cầm mác đi phát bàng, bỗng nghe tiếng cọp gầm và tiếng người la cầu cứu gần đó.

Ông cầm mác chạy tới, thấy người cùng xóm tên Mạnh đang vật lộn với một con cọp trong một thế võ lạ kỳ. Ông Mạnh nằm dưới bị cọp vồ lên, nhưng hai tay ông nắm chặt chân trước cọp và lấy đầu đội bụng cọp lên. Cọp rất mạnh và nặng, ông không quật nó được, cứ giằng co trong cái thế nguy hiểm đó. Ông Sư Vãi Bán Khoai cầm mác vươn mình nhảy tới chém một nhát thật mạnh trên lưng cọp, khiến thân mình cọp bị xẻ ra chết tại chỗ. 

Nội dung Sấm Giảng Người Ðời của ông cũng hàm chứa một cách kín đáo tư tưởng Ðạo và Yêu nước, thí dụ như những câu sau đây: 

Niệm Phật thì phải chí tình, Ơn cha nghĩa mẹ giữ mình cân phân. Niệm Phật phải giữ Tứ Ân, Ơn nhà nợ nước xử phân trọn ghi. 

Hay là: 

Thảo cha ngay chúa xưa nay, Dầu mà có thác miễu son tạc thờ. Xem trong các truyện các thơ, Nịnh thần có thác, miễu thờ ở đâu! 

Tác phẩm này của ông được dân chúng Hậu Giang truyền tụng và lưu giữ như báu vật. Trong đó ngoài phần giảng đạo, còn có nhiều điều tiên tri về tương lai, có chỗ nói rõ cả ngày tháng sự việc quan trọng sẽ xảy ra. Thí dụ những câu sau đây trong cuốn thứ tám Sấm Giảng Người Ðời: 

Mây Trời mở hội đăng khoa, Mười ba tháng chín Trời ra một điềm. Trời chiều mây gió lặng êm, Giờ Thân Trời mới nổi lên rõ ràng... 

Sau này đúng vào ngày 13 tháng 9 âm lịch (1985), có xảy ra vụ nổ lớn trong dãy Thất Sơn, lần này tại núi Cấm nước trào như suối thác từ ngọn núi tuôn ra, làm cho dân chúng đồn đãi và gây đợt sóng chấn động khắp miền Nam, hàng vạn người kéo về Thất Sơn để xem tận mắt một cảnh tượng thể hiện lời tiên tri trong sấm truyền của Sư Vãi Bán Khoai, mà họ cho là một triệu chứng báo hiệu những thay đổi sắp xảy ra: một cuộc đổi đời. 

Ðặc biệt trong Sấm Giảng Người Ðời, ông Sư Vãi Bán Khoai nói rất nhiều về thuyết Tam Ngươn, một lập thuyết về vũ trụ quan và nhân sinh quan Bửu Sơn Kỳ Hương. Lập thuyết này cho rằng vũ trụ xoay vần theo lý tam ngươn, từ Thượng Ngươn chuyển qua Trung Ngươn và Hạ Ngươn. Rồi khi Hạ Ngươn mãn, lại bắt đầu chu kỳ mới với đời Thượng Ngươn. Cũng theo thuyết đó, thì hiện nay nhân loại đang sống thời kỳ cuối cùng của Hạ Ngươn, và một cuộc đổi đời sắp xảy ra.

(PHẬT GIÁO HÒA HẢO TRONG DÒNG LỊCH SỬ DÂN TỘC)

4. ÔNG CỬ NGUYỄN ÐA (CUỐI THẾ KỶ XIX) 

Ông là một nhân vật đặc biệt, không phát xuất từ địa phương Hậu Giang, mà từ miền Trung đến đây. Lại là một nhà khoa bảng. 

Tên thật là Nguyễn Ða, đã thi đỗ cử nhân khoa võ, nên được kêu là ông Cử Ða. Lúc mới đến Thất Sơn, nhiều người nghe tiếng nói của ông phát giọng miền Trung, cho nên cũng gọi ông là ông Thầy Huế. Quê ông là làng Phù Cát (có chỗ chép là Phù Lạc), huyện Bình Khê, tỉnh Qui Nhơn, nơi đã sản xuất ra vị anh hùng Nguyễn Huệ Quang Trung. 

Ông vào vùng Thất Sơn giữa thời kỳ lãnh tụ Nguyễn Trung Trực vừa thất bại ở miền Ðông, lui quân về Kiên Giang ẩn náu, vào khoảng năm 1867-68. Lúc ấy người ta phỏng định ông vào khoảng 40 tuổi. Theo Việt sử và các sách nói về binh chế Việt Nam, thì thời gian trước ngày ông Cử Ða vào Nam, có các khoa thi võ vào những năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) và Tự Ðức thứ 18 (1865). Có lẽ ông đã thi đậu võ cử vào thời Thiệu Trị. Ông bỏ miền Trung vào Nam để tìm cách phát triển phong trào kháng Pháp, vì lúc đó trong Nam có nhiều tổ chức kháng chiến. Có lẽ ông có kiến thức về sự liên kết kháng chiến toàn quốc để chống Pháp cho hữu hiệu, cho nên mới vào Nam. Nhưng lúc đó lại là lúc các phong trào kháng chiến đang gặp khó khăn, cho nên ông lưu lạc giang hồ đến Thất Sơn. Có những vần thơ của ông viết lúc đó, còn lưu truyền lại: 

Lòng ta luống những ưu phiền, Một mình trực tiết không miền gió trăng. Trong mình cũng biết võ văn, Trải chơi thế cuộc tiếng văn giang hà. Và những câu: 

Anh hùng nghĩa khí trung cang, Trai ở thủy trạch Lãnh trang ít người. Tang bồng hồ thỉ đời đời... 

Tình thế miền Nam lúc đó vô cùng nguy ngập rối ren. Sau khi cụ Phan Thanh Giản bị ép phải trao ba tỉnh miền Tây cho Pháp rồi tử tiết, Nguyễn Hữu Huân bị bắt đi đày, Trương Công Ðịnh bị Pháp giết, Nguyễn Trung Trực ẩn náu ở miền Tây. Trước tình thế ấy, ông Cử Ða tan nát cõi lòng, tìm về Thất Sơn ẩn dật hay là tìm về các trại ruộng của Bửu Sơn Kỳ Hương, chờ ngày có cơ hội giúp nước. Vì vậy, dấu chân ông đi khắp các ngọn núi trong vùng Thất Sơn. Rốt cuộc, ông chọn con đường tu hành như một người trong Tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương. 

Nhưng quân Pháp cũng phát giác được tung tích của ông, và kéo lính từ đồn Cây Mít đến bao vây. Ông sợ lụy đến dân chúng trong vùng, nên từ giã đệ tử mà rời khỏi Thất Sơn, qua Hà Tiên, rồi lên núi Tà Lơn (Cao Miên). Tại đây ông trở thành một người thoát tục, và viết rằng: 

Hắc y đổi lại cà sa, Cải tên đặt lại hiệu là Ngọc Thanh. 

Ông Cử Ða có nhiều đệ tử tại núi Tà Lơn, lâu lâu ông cũng trở về Thất Sơn thăm lại các đệ tử cũ. Sau đó, ông biệt tích, không ai biết ông về đâu nữa. Hiện tại vùng Kampot, dưới chân núi Tà Lơn có miếu thờ Ông Cử Ða. (Ghi chú: Tà Lơn: dãy núi có tên là Chaine des Eléphants bắt đầu từ Kampot lên dãy Cardamomes Tây Bắc Cao Miên).

(PHẬT GIÁO HÒA HẢO TRONG DÒNG LỊCH SỬ DÂN TỘC)

5. ĐỨC HUỲNH PHÚ SỔ (1920-1947)

Trong 5 thế hệ truyền thừa tinh thần "học Phật tu nhân" và "Tứ ân hiếu nghĩa", Đức Huỳnh giáo chủ là người xuất sắc nhất, nổi bậc nhất, trẻ nhất và thành đạt lâu dài nhất, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng miền Tây Nam bộ cho đến ngày nay. Ngài nói:

"Tôi tin chắc rằng giáo lý giải thoát chúng sanh (của đức Phật Thích Ca) chẳng những được truyền bá ở Thiền Lâm, mà còn phải được thực hiện trên trường chánh trị". Ngài giải thích thêm:"Theo như sự nhận xét của tôi về giáo lý nhà Phật do đức Thích Ca Mâu Ni Phật đã khai sáng, lấy chủ nghĩa từ bi bác đại đồng đối với tất cả chúng sanh làm nồng cốt, thì tôi nhận Ngài là một nhà cách mạng triệt để về tư tưởng, vì những câu "Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh" và "Phật cùng đồng nhất thể bình đẳng với chúng sanh".

Đã có những sự bình đẳng về thể tánh như thế mà chúng sanh còn không bằng được Phật là do nơi trình độ giác ngộ của họ không đồng đều, chớ không phải họ không thể tiến hóa ngang hàng với Chư Phật được. Nếu trong cõi nhân gian này còn có chúng sanh tiền tiến áp bức những chúng sanh lạc hậu thì là một việc trái hẳn với giáo lý chơn chánh ấy. Giáo lý do đức Thích Ca Mâu Ni Phật không áp dụng được một cách thiết thực trong đời của Ngài, là do hoàn cảnh xã hội của Ấn độ xưa không thuận tiện.

Ngày nay, trình độ tiến hóa của nhơn loại đã tới một mức khả quan, đồng thời với sự tiến bộ về khoa học, thì là có thể thực hành giáo lý ấy để thực hiện một xã hội công bằng và nhơn đạo. Thế nên với tâm hồn bác ái, từ bi mà tôi đã hấp thụ, tôi sẽ điều hòa với phương pháp tổ chức xã hội mới, để phụng sự một cách thiết thực đồng bào và nhơn loại" (Báo Nam Kỳ, ngày 29.11.1946, Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ, t 481). Một câu nói ngắn gọn thể hiện được đức Bi-Trí-Dũng của Phật giáo.

Đây là một nhận thức tích cực và thông thoáng của Huỳnh giáo chủ đối với tư tưởng bình đẳng của Phật giáo. Nếu lý thuyết bình đẳng được truyền giảng trong kinh điển thì thực tế trong cuộc sống, đức Huỳnh giáo chủ đã tích cực thể hiện và thực hiện qua công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm dưới các tổ chức chính trị, đảng phái lúc bấy giờ.

Cuộc đời thanh thiếu niên của Huỳnh Phú Sổ.

Người sinh ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Mùi, tức ngày 15/1 năm 1920, tại làng Hòa Hảo, gần Vàm Nao, quận Tân Châu, tỉnh Châu đốc, một tỉnh miền Tây nằm sát bên nước Cao Miên và trên sông Cửu Long (Tiền Giang), trong một gia đình nông dân, con của ông Hương Cả (người đứng đầu trong làng) Huỳnh Công Bộ và bà Lê Thị Nhậm. Lúc nhỏ Người thường bịnh hoạn, đau yếu, xanh xao, chỉ đi học trường làng, và đã đậu bằng tiểu học tại Tân Châu, nhưng đến năm 15 tuổi phải nghỉ học vì lý do sức khỏe. Ngài được điều trị bởi nhiều thầy thuốc và bằng nhiều cách nhưng bịnh tình càng ngày càng trầm trọng và theo đuổi suốt quãng đời thiếu niên của Người. Mãi cho đến khi 18, 19 tuổi, bỗng nhiên Người hết bịnh và trở thành một thanh niên mạnh khỏe, tuấn tú, da mặt hồng hào, tươi sáng, tướng bộ chững chạc, trang nghiêm.

Dù mới chỉ học xong tiểu học và chưa từng nghiên cứu Phật Học, Người bỗng nhiên có một kiến thức Phật Học uyên bác, và hơn thế nữa, một khả năng "xuất khẩu thành thơ" biến những kiến thức Phật Học thành những bài thơ giảng đạo đi sâu vào lòng quần chúng bình dân, ít học.

Ngoài ra Người làm thơ bằng chữ Nho một cách tinh thông, xuất sắc dù không học chữ Nho. Không những thế, Người còn bỗng nhiên có tài chữa bịnh, kể cả những bịnh nan y dù chưa từng học về y khoa. Ngày 18 tháng năm năm Kỷ Mão, tức ngày 4/7 năm 1939, Huỳnh Phú Sổ tuyên bố khai lập Phật Giáo Hòa Hảo, khi ấy Ngài chỉ mới 19 tuổi (Bồ Tát Huỳnh Phú Sổ và Phật giáo thời đại).

Hoằng pháp

Cũng như đức Phật Thầy Tây An và các vị tiền hiền, Đức Thầy Huỳnh giáo chủ dùng phương tiện trị bệnh và chỉ trị bệnh  như một phương tiện thực hiện trong vài tháng để đưa quần chúng vào đạo, vì thế mà trong thời gian ngắn, hàng triệu người biến thành tín đồ của đạo Phật giáo Hòa Hảo. Nét đặc biệt trong việc truyền đạo là Ngài không dùng từ chuyên môn cao siêu của nhà Phật, Ngài dùng những từ mà nhân gian thường dùng, dễ hiểu. Vả lại, những kinh luật kệ cú chữ Hán, Ngài dịch nghĩa bằng văn vần chữ nôm rất giản dị đầy súc tích, ví dụ:

Thùy miên thỉ ngộ
Đương nguyện chúng sanh  
Nhất thiết tri giác  
Châu cố thập phương. 

Như tôi tỉnh giấc lúc bình minh 
Chí nguyện cầu cho cả chúng sanh
Tâm trí khai thông cùng tỉnh táo
10 phương đều rõ máy anh linh.

Đại tiểu tiện thời
Đương nguyện chúng sanh
Khí tham sân si
Quyên trừ tội pháp.

Cũng như tôi tiểu tiện ra
Nguyện cầu sanh chúng tống ra khỏi mình
Tham lam, gây gổ, si tình
Khỏi điều tội lỗi nhẹ mình cao bay.

Sự ngật tựu thủy
Đương nguyện chúng sanh
Xuất thế pháp trung
Tốc tật nhi vang.

Việc xong rồi đến tôi dùng nước
Cũng như tôi lấy nước nầy ra 
Nguyện chúng sanh xuất khỏi ta bà
Nhờ đạo pháp lướt qua nhanh chóng.

Tẩy dịch hình uế
Đương nguyện chúng sanh
Thanh tịnh điều nhu
Tất kiến vô tất.

Như tôi rửa sạch khỏi dơ mình
Chí nguyện cầu cho khỏi chúng sanh
Đắc được thân tâm thanh tịnh lạc
Điều hòa chẳng nhiễm nghiệp mê linh.

Dĩ thủy quán tưởng 
Đương nguyện chúng sanh
Đắc thanh tịnh thủ 
Thọ trì Phật pháp .

Lấy nước tôi rửa sạch tay 
Nguyện cầu sanh chúng được tay thơm lành
Ngỏ hầu nắm pháp vô sanh 
Giữ gìn lời Phật ban hành từ xưa.

Năng lễ, sở lễ, tánh không tịch           
Cảm ứng đạo giao nan tư nghì                  
Ngã thử đạo tràng như Đế châu                        
Thập phương chư Phật ảnh hiện trung    
Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền               
Đầu diện tiếp túc quy mạng                    

Sự lạy Phật vốn không, yên tĩnh           
Đạo cảm giao khó tính khôn bàn,   
Nay tôi ở trong đạo tràng       
Cũng như kết chặt vào đoàn ngọc châu 
10 phương Phật hiện bầu hình ảnh  
Có bóng tôi cùng sánh các Ngài 
 Từ chơn cho chí mặt mày.
Cúi đầu làm lễ nguyện rày quy y.

Hoặc là:  
 
Phật quán nhất bát thủy                                     
Bát vạn tứ thiên trùng                               
Nhược bất trì thử chú                                     
Như thực chúng sanh nhục.                      

Phật thấy chén nước có trùng  
Bốn ngàn tám vạn muốn dùng cho tinh 
Nếu không trì chú niệm kinh     
Khác nào ăn thịt chúng sanh hằng hà.

Qua 45 bài chú trong Tỳ Ni Nhật dụng của nhà Phật, được Ngài dịch 25 bài rất thoát và dễ hiểu, chứng tỏ, Ngài muốn Việt hóa kinh Phật, nhưng thời gian chưa đủ để Ngài tiếp tục Hoằng pháp lợi sinh và Việt hóa kinh tạng bằng ngôn ngữ giản dị.

Về nghi lễ thờ phượng cũng rất đơn giản; không chú trọng cốt tượng, không âm thanh sắc tướng nhiều, chỉ thờ tấm "trần điều", vừa biểu tượng màu sắc tổng hợp, vừa là màu đất sét , quần áo nông dân xa xưa, cũng là màu hoại sắc mà nhà Phật đề cập. Chỉ cúng bông hoa và nước lã.

Giáo lý

PGHH không thuần túy là một tông phái Phật Giáo, dù nền tảng là Phật Giáo nhưng có kết hợp tinh hoa Khổng Lão, tạo thành pháp môn học Phật tu Nhân. Và nếu là một tông phái thì là tông phái canh tân rất sát thực tế và giáo lý tổng hợp Tam giáo. Do đó, Tịnh Độ Tông cũng không là pháp môn căn bản của PGHH, mặc dù cõi TỊNH ĐỘ là CỨU CÁNH tu hành của tín đồ PGHH. Tiếp nối Phật giáo Tứ Ân, đạo Hòa Hảo chủ trương cải cách đạo Phật theo đúng với đời sống thực tế của nông dân, không thiết lập giai cấp Tăng lữ, không tổ chức giáo quyền, không tích lũy giáo sản, không chú trọng đến hình thức, không làm chùa nguy nga, không tạc tượng, đúc chuông, không đốt vàng mã, khuyến khích các nghi lễ giản dị trong việc thờ phụng, cưới xin, tang lễ.

Khuyến nông

Ngài có tài hùng biện, một ngày có thể diễn thuyết khuyến nông nhiều nơi, không cần văn bản, đối đáp trôi chảy, đã thuyết phục nhiều giới trí thức đương thời mà trong tập "Thất sơn mầu nhiệm" ông Nguyễn văn Hầu viết:

"Với một giọng nói thanh tao, êm dịu, khi bỗng lúc trầm, lưu loát mà rõ ràng, khi cao siêu, khi giản dị, Ngài giảng giải cho quần chúng nghe giáo lý nhà Phật và phương pháp tu hành. Ngài thuyết pháp không ngưng, không vấp... Một nhà báo ở Sài Thành (ông Hiền Sĩ) nói về đức Huỳnh Giáo Chủ trong hơn 30 bài báo, có phê bình tài hùng biện và khoa ngôn ngữ của Ngài bằng câu "thao thao bất tuyệt" và cho rằng Ngài "chiếm giải quán quân về phương diện diễn thuyết". Nhà lãnh tụ nhóm "Tranh đấu" là Tạ Thu Thâu chưa chắc có thể so sánh với đức Thầy về môn diễn thuyết và nói trước công chúng được. Lại nữa, lời văn của đức Thầy còn có mãnh lực hấp dẫn quần chúng một cách phi thường nên thính giả nhiều khi mũi lòng rơi lệ, liền phát bồ đề tâm, quy y đầu Phật. Nhiều nho sĩ văn gia, nhiều trí thức tân học đỗ cao (cử nhơn, tấn sĩ) đều bái phục đức Thầy vì tài ba, vì đức hạnh. Thật Ngài là một bực thượng trí anh tài, một bực sinh nhi tri vậy".

Ngài diễn thuyết 107 địa điểm khác nhau để khuyến nông, sản xuất lúa gạo cứu đói miền Bắc lúc bấy giờ đã chết trên hai triệu người. Hịch khuyến nông của Ngài có tác động mạnh đến nông dân và các giới: 

"Kẻ phu tá cũng là trọng trách,
Cứu giống nòi quét sạch non sông.
Một phen vác cuốc ra đồng,
Thề rằng ruộng phải được trồng lúa khoai.
Mưa nắng ấy đâu nài thân xác,
Chí hy sinh dầu thác cũng cam."

Tham chính

Về tinh thần quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, tạm gián đoạn việc tu hành để làm tròn nghĩa vụ với đất nước với dân tộc, ngài nói:

"Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha,
Đền xong nợ nước thù nhà.
Thiền môn trở gót Phật Đà Nam Mô".

Lê Hiếu Liêm trong cuốn "Bồ Tát Huỳnh Phú Sổ" đã viết:


Ông Việt Nam còn hơn cả những người Việt Nam nhất, ông là Phật Giáo hơn cả những người Phật Giáo nhất. ông là một đại Phật Tử, đại thiền sư, đại Bồ Tát.

Qua ba câu thơ này, và qua cuộc đời ông, đã gói trọn, một cách viên mã, đã kết tinh, một cách rực rỡ, đã hiển sinh, một cách chói lọi, truyền thống yêu nước, truyền thống hành động của Dân Tộc Việt Nam và của Phật Giáo Việt Nam.

Trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng này, dù chỉ mới 25 tuổi, Huỳnh Phú Sổ đã thành lập hay tham gia, và đóng góp ở vai trò lãnh đạo các tổ chức cách mạng yêu nước sau đây:

Năm 1945:
- Việt Nam Phật Giáo Liên Hiệp Hội;
- Việt Nam Vận Động Độc Lập Hội;
- Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất;
- Đệ Tứ Sư Đoàn Dân Quân;

Năm 1946:
- Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp (Chủ Tịch);
- Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng (Lãnh tụ và linh hồn);

Năm 1947:
- Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến Nam Bộ (Ủy Viên Đặc Biệt);
- Mặt Trận Toàn Quốc.

Kêu gọi lòng ái quốc, đấu tranh cách mạng, kháng chiến cứu quốc và cải tạo xã hội trong tinh thần Phật Giáo được nhấn mạnh trong thời điểm từ năm 1943 đến năm 1947. Tuy nhiên ngay trong thời kỳ đầu mới khai đạo những bài thơ kêu gọi lòng yêu nước, nghĩa đồng bào, đấu tranh chống Thực Dân Pháp được viết một cách khéo léo, nửa thật nửa hư để khỏi bị Thực Dân khủng bố.

Đọc suốt toàn bộ tác phẩm của Ông, mọi người đều thấy sáng ngời một giòng thơ nhất quán, bất khả phân ly, truyền đạo và yêu nước, truyền bá Phật Pháp và cứu nguy đất nước, một giòng thơ liên tục, tuyệt vời dựng đạo, cứu đời không thể tách rời nhau..

Để kết thúc tập "Bồ Tát Huỳnh Phú Sổ và Phật giáo thời đại"; Lê Hiếu Liêm viết: Huỳnh Phú Sổ Bất Tử!

Sự nghiệp của ông đã trở thành một phần tinh anh tuyệt đẹp của sự nghiệp Phật Giáo và sự nghiệp Việt Nam.

Các tác phẩm của Huỳnh Phú Sổ

Dù chỉ xuất hiện trên đời 27 năm, Huỳnh Phú Sổ đã viết rất nhiều, rất phong phú. Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam nói chung và tư tưởng Phật học nói riêng, ít có tác giả nào đã để lại những tác phẩm đa dạng, về mọi chủ đề và có tính cách đi trước thời đại như Huỳnh Phú Sổ. Ông để lại một số tác phẩm quan trọng sau đây và những tác phẩm này là phần chính yếu, căn bản của giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo:

* Sấm Giảng Khuyên Người Đời Tu Niệm, tức quyển nhứt, 912 câu, văn vần thể lục bát, viết năm 1939, khi 19 tuổi, tại làng Hòa Hảo.
* Kệ Dân Của Người Khùng, tức quyển nhì, 846 câu, văn vần thể thất ngôn trường thiên, viết năm 1939, tại làng Hòa Hảo.
* Giác Mê Tâm Kệ, tức quyển tư, 846 câu, văn thất ngôn trường thiên, viết tại làng Hòa Hảo ngày 20-10 năm Kỷ Mão.
* Khuyến Thiện, tức quyển năm, 756 câu, văn lục bát đoạn đầu và đoạn cuối, đoạn giữa thể văn thất ngôn viết tại Chợ Quán năm 1941.
* Cách Tu Hiền Và Sự Ăn ở Của Một Người Bổn Đạo, tức quyển sáu, thể văn xuôi, viết năm 1945 tại Sài Gòn.
 
Ngoài sáu tác phẩm trên, còn khoảng 200 bài thơ và một số tác phẩm văn xuôi mà Huỳnh Phú Sổ đã viết từ năm 1939 đến năm 1947.

Ông còn dịch, một cách xuất sắc quyển Tăng Đồ Nhà Phật bằng chữ Nho ra thành những thi kệ tiếng Việt. Có thể nói ông là người Việt Nam đầu tiên đã sáng tác các thi kệ bằng chữ quốc ngữ. Ngoài ra Huỳnh Phú Sổ còn để lại nhiều lời nói, câu chuyện do các nhân chứng kể lại.

Các tác phẩm này, rất độc đáo trong thế kỷ 20 vì hơn 8/10 là thơ có hai chủ điểm rõ rệt, thứ nhất là thuyết giảng Phật Pháp, khuyên người đời tu hành, ăn hiền ở lành, tâm trí hướng thiện, sống và hành động trong tinh thần từ bi cứu khổ độ sinh của Đức Phật. Các tác phẩm hướng về chủ điểm này được viết trong thời gian từ năm 1939 đến năm 1942.

Lý Khôi Việt nhận xét:

Chàng đã lội ngược dòng với thời thượng; để đi về núi Cấm, núi Thất Sơn. Không đến những thủ đô của Đông phương và Tây phương, chàng cũng không bắt chước những tư tưởng, ý hệ của thế giới, dù là Ấu hay Á. Những ngôn ngữ của thời đại: dân quyền, duy tân, những chủ thuyết của thế kỷ: cộng sản, tư bản, tam dân, quốc xã đối với chàng là những gì xa lạ và không cần thiết. Vì chàng đã đi, đã đến, đã sống trọn vẹn trong truyền thống Việt Nam mà tinh hoa cốt tủy là truyền thống Phật Trúc Lâm Yên Tử nhập thế đời Trần, và truyền thống đạo Phật Bửu Sơn Kỳ Hương bàng bạc khắp nhân gian miền Nam.

Không đến những thủ đô văn hóa chính trị của thế giới mà chỉ về miền núi Cấm, núi Thất Sơn, thủ đô tâm linh của đất nước hiển linh. Đó là một điều độc đáo. Không chạy theo những chủ thuyết, ý thức thời thượng mà chỉ trở về và phục sinh truyền thống Trúc Lâm Yên Tử và Bửu Sơn Kỳ Hương, đó đã là điều vi diệu. Và hơn thế nữa, chàng thanh niên 20 tuổi của chúng ta khác hẳn những nhà trí thức và cách mạng đương thời chỉ hướng về tầng lớp thị dân và tầng lớp Tây phương hóa. Chàng đã đi vào nông thôn và đi đến quảng đại quần chúng nông dân, một tuyệt đại đa số quốc dân Việt Nam.Hy hữu, tuyệt vời hơn nữa là chàng đã ra giảng cho nhân gian con đường tu thân và cứu nước không phải bằng học thuyết, chủ nghĩa, bằng lý luận, sách vở, bằng truyền đơn hay súng đạn mà bằng thơ lục bát, thể thơ mang đầy hồn dân tộc và dễ dàng đi vào muôn lòng nhân gian.

còn nữa...
Minh Mẫn

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Chuyện ly kỳ về chú chó nghe Kinh

Tư liệu 09:45 07/05/2024

Tôi niệm Phật với nó một lúc, sau đó tôi vào nhà hỏi chú Tư về chuyện con chó. Chú bảo ba ngày nữa sẽ thịt nó để liên hoan, tôi nói sơ qua với chú về nhân quả tội phước, nhưng chú không chịu tin.

Hoài niệm Hòa thượng Thích Trí Thủ

Tư liệu 08:37 06/05/2024

Một buổi chiều xuân năm 1958, tôi lên núi Trại Thủy Nha Trang, thăm chùa Hải Đức. Tôi không vào chùa, tôi đi dạo chung quanh chùa nhìn tứ-vọng-cảnh, rồi ra sân xem những chậu hường, lấy giống từ Đà Lạt.

Niệm Phật vô cùng linh ứng, vô cùng kì diệu

Tư liệu 14:40 04/05/2024

Tôi đang thực tập tại khoa sản, một hôm gặp một phụ nữ vì thai nhi đã chết nên nhập khoa để phẫu thuật. Bà vốn đang buồn khổ vì đứa con đã chết, nay phải đối diện với sự mổ xẻ lại càng lo lắng đau khổ gấp bội, tinh thần rất rối loạn...Tôi đến thăm và khuyên bà niệm Phật.

Cứu rùa và cái kết ly kỳ sau 16 năm

Tư liệu 10:05 03/05/2024

Lòng từ của ông Lâm và lòng tri ân của con rùa nhiếp phục, mọi người đều thề rằng từ đây về sau họ sẽ không bắt, không giết, không ăn con rùa đó nói riêng và tất cả loài rùa nói chung, lời thề nguyện này cho đến hôm nay vẫn còn tồn tại và có hiệu lực trong thôn này.

Xem thêm