Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 17/04/2014, 08:36 AM

Lịch sử Phật giáo và dân tộc Việt Nam (Phần cuối)

Ngài không muốn thành lập một tông môn tôn giáo mới, vì Ngài tự nhận mình là đệ tử trung thành của đức Phật, vì thế PGHH không xây chùa, không có tu sĩ, không lập chức sắc, không nghi lễ rườm rà, chủ trương học Phật tu nhân để làm tròn sứ mạng nhân luân đối với đồng bào, xã tắc.

NHẬN THỨC PHẬT GIÁO HÒA HẢO (*) 
Trần Nguyên Bình Giáo sư Sử học 

Phật Giáo Hòa Hảo hưởng ứng lời kêu cứu thiết tha của lịch sử dân tôc và lịch sử loài người đứng ra nhận lãnh một sứ mạng. Sứ mạng đó là võ trang tinh thần cho nòi giống để chặn ngăn mọi luồng tư tưởng tà nguỵ từ bốn phương tám nẻo tràn vào, rồi đứng lên trên cái ưu thế của dân tộc Việt đã được giác ngộ qua cơn khói lửa triền miên, mà thiết lập một “Niết Bàn nơi hạ giới” cho loài người. 

Muốn hiểu rõ sứ mạng đó phải thực hiện ra sao, chúng ta cần trở lại dĩ vãng cách đây 100 năm, để xem tất cả những sức lực chính trị kinh tế, văn hóa nó đã đè nén xã hội Việt như thế nào. 

Khi nước ta tiếp xúc với Tây phương, thì cái văn hóa bệnh hoạn thời Nguyễn không đủ sức kháng cự với cái văn hóa đại kỹ nghệ, đại thương mại đương tích cực tìm đường phát triển ra bên ngoài, đặc biệt vào Châu Á và Châu Phi. Văn hóa thời Nguyễn chỉ là văn hóa vụ hình thức, rỗng tuếch về nội dung. Đa số các nhà Nho không nuôi chí học những thứ gì cần thiết cho dân tộc, đất nước mà chỉ cốt gọt giũa câu văn cho óng chuốt, câu thơ cho điêu luyện, hợp điệu hợp vần và gác ngoài tai, không chịu tìm tòi nghiên cứu tất cả những biến chuyển bên ngoài quốc tế.                                                                                                         .............
Để cứu vãn tình thế của nước nòi, rộng ra cứu vớt loài người. Phật Giáo Hòa Hảo ra đời, với sứ mạng đem đuốc từ bi đốt cháy mọi mê lầm để dẫn dân Việt từ chỗ đại bi đến đại giác, đứng lên làm cách mạng bằng một đại hành hoàn thành đại đạo cho toàn dân.

Sứ mạng thật nặng nề, khó khăn, nhưng cũng thật cao cả. Chúng ta hãy lắng tâm tỉnh trí, mở các tập Thi Văn Sấm Giảng ra, thắp nén hương lòng lên mà đọc, đọc với tất cả tấm lòng tha thiết thương yêu nòi giống, thương yêu nhân loại, chúng ta sẽ thấy ở đây những gì cần phải học, cần phải biết, những gì cần phải cứu vớt, cứu vớt lấy bản thân chúng ta đang chìm đắm trong hôn mê, trong ngõ lợi đường danh, cứu vớt lấy dân tộc đang phân hóa một cách ghê sợ do những tư trào quốc tế tràn vào xung đột lẫn nhau, để rồi, tiến lên góp phần với mọi cá nhân tiến bộ, mọi tổ chức tiến bộ, mọi quốc gia tiến bộ trên thế giới mà cứu vớt loài người đương đứng trên bờ vực thẳm, có thể vì một giây điên khùng mà tự tiêu diệt bằng đủ loại vũ khí hạch tâm.

Phật Giáo Hòa Hảo ra đời với một sứ mạng cứu vớt. Vậy sự cứu vớt đó khai triển như thế nào, bắt đầu từ đâu để rồi chấm dứt ở nơi đâu?

Trong hoàn cảnh đất nước sống quằn quại dưới gót sắt của thực dân Pháp, những người hơi tỏ ra yêu nước thương nòi là bị thực dân kiềm chế hoặc bắt tù đày, giam cầm; còn đa số quốc dân trí thức đuổi theo danh lợi lãng quên sự nghiệp tổ tông. Khối dân quê đông đảo nhất, thuần phác nhất, giữ được nhiều đức tính của dân tộc nhất thì lại dốt nát, sống cơ cực làm chẳng đủ ăn, không người lãnh đạo. Mà chính khối dân quê này trong suốt dòng lịch sử đã là chủ động cho mọi cuộc phục hưng dân tộc. Những cuộc cách mạng Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Quang Trung đều do nông dân hoàn thành bằng cách cung cấp nhân lực, vật lực, tài lực.
 
Cho nên cứu vớt gì thì cứu, nếu không chú trọng đến nông dân thì chỉ là làm cái công việc của dã tràng xe cát. Vì lý do đó mà Phật Giáo Hòa Hảo xuất hiện ngay trong lòng nông dân để giác ngộ họ, giúp họ tiến lên tự giải thoát lấy mình, giải phóng dân tộc rồi góp phần vào công việc giải thoát loài người. 

Vì Giáo chủ là người sinh trưởng ở nông thôn đã đau khổ cái đau khổ của nông dân, ước ao và hy vọng cái ước ao hy vọng của nông dân, nên mới hiểu được họ, cảm hóa được họ.

Sau hơn nửa thế kỷ sống dưới triều Nguyễn, một triều đại đã xao lãng cái căn bản tinh thần của nòi giống, sau ngót trăm năm Pháp thuộc, lòng người dân tựa đống tro tàn trong mùa gió lạnh, họ sống không có chỉ nam, mất tin tưởng ở bản thân mình, ở dân tộc mình, trước sự tràn lan của nền văn minh vật chất Tây phương. Bởi vậy, việc cần thiết là phải gây cho họ lòng tin ở tự mình, ở dân tộc mình bằng cách phác vẽ cho mọi người một lý tưởng nhân sinh, một lý tưởng sống.

Lý tưởng đó là lý tưởng Phật Giáo Hòa Hảo, một lý tưởng tổng hợp cả ba luồng tư tưởng lớn nhất ở Châu Á là Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo.

Từ Đinh qua Lê, Lý, Trần, ba luồng tư tưởng này đã ảnh hưởng rất lớn đến nhân sinh và kiến quốc của dân Việt, ngày nay chỉ cần hiện đại hóa bằng tinh thần khoa học Tây phương, tinh thần từ bi bác ái của nhà Phật, tinh thần nhân thứ của Khổng Tử, tinh thần tiêu dao không màng danh lợi của Lão Tử, được phô diễn trong những lời vàng ngọc, khi thì như hiệu lệnh, khi thì như nhắn nhủ khuyên răn, khi thì như cảnh cáo, thấy bàng bạc khắp trong Thi Văn Giáo lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ

...........Ở trên chúng ta đã nói xã hội Việt trong thời Pháp thuộc băng hoại và thối nát như thế nào. Cờ bạc rượu chè đàng điếm hoành hành khắp nơi, mê tín dị đoan đè nặng lên mọi tầng lớp xã hội. Vấn đề đặt ra cho Phật Giáo Hoà Hảo là phải cải tạo hết những cái bẩn thỉu trong xã hội. Công việc thực khó khăn , chỉ có cách dùng cái quyền uy tinh thần, để tâm phúc mọi người bằng giác ngộ. Trong tôn chỉ hành đạo của Phật Giáo Hòa Hảo, rượu chè, thuốc sái bị cấm. Vàng mã, thầy bùa, thầy pháp, làm chay đàn bị coi như những thứ tin nhảm, mê hoặc lòng người. 

Xá với phường là trò kỳ quái, 
Làm chay đàn che miệng thế gian. 
……… 
Những giấy tiền vàng bạc cũng thôi, 
Chớ có đốt tốn tiền vô lý.

Tất cả những điểm trên là những chủ trương cải tạo cần thiết trong Phật Giáo Hòa Hảo mà chúng ta được thấy thực hiện ngay từ bước đầu. Đi xa hơn, chúng ta sẽ gặp một niềm tin lớn được xây đắp lên cho tương lai. 

.......... Lý tưởng Phật giáo thật là thích hợp với tư tưởng cốt cán của dân tộc ta, mà Phật Giáo Hòa Hảo lại là một luồng tư tưởng tổng hợp Phật Khổng Lão, một thứ tổng hợp gạn lọc qua tinh thần Tiên Rồng đã làm cho nước nhà thoát ra khỏi âm mưu diệt chủng của người phương Bắc mà thành một quốc gia có một văn hóa riêng biệt, nó chối bỏ tất cả những thứ văn hóa nô dịch, nhưng luôn luôn sẵn sàng hấp thu những tinh hoa của nền văn hóa khác, để tự do dân tộc, tập trung nhân lực, tài lực, vật lực, vùng lên cao cả và đại hùng hoàn thành sứ mạng, thiết lập một “Niết Bàn nơi hạ giới". Chỉ lúc đó và chỉ sau lúc đó, Phật Giáo Hòa Hảo mới hoàn thành được sứ mạng của mình:

Chừng ấy mới tịnh vô nhứt vật, 
Bụi hồng trần rứt sạch cửa không, 
Chuông linh ngân tiếng đại đồng,  
Ta bà thế giới sắc không một màu. 
…………………………………….
(*) Trích trong lời Bạt, Nhận Thức Phật Giáo Hòa Hảo, Nguyễn Văn Hầu, Hương Sen xuất bản 1970.

ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ LÀ MỘT TRIẾT GIA VIỆT NAM(*) 
Phạm Công Thiện, Nguyên Giáo sư triết học Đại học Vạn Hạnh Saigon

Có lẽ không ai mà không biết Đức Huỳnh Phú Sổ là Đức Giáo Chủ của Phật Giáo Hòa Hảo, nhưng ít ai biết rằng Đức Huỳnh Giáo Chủ là một triết gia Việt Nam. Chẳng những thế, không phải chỉ triết gia Việt Nam như bất cứ một triết gia nào xứng đáng được gọi là “triết gia “mà Đức Huỳnh Giáo Chủ lại đúng là một minh triết, một thánh triết, trong mọi ý nghĩa cao siêu nhất của danh từ. 

Khi tình cờ đọc một bộ từ điển bách khoa có thẩm quyền nhất thế giới, bộ Encyclopaedia Britannica, dở qua cuốn 6, trang 181, tôi thấy tên tuổi và cuộc đời sự nghiệp của Đức Huỳnh Giáo Chủ chiếm trên nửa cột chữ in nhỏ trên trang giấy tự điển, mấy hàng chữ đầu đã đập mạnh vào mắt tôi : “Huynh Phu So is a Vietnamese philosopher… “Hiển nhiên mấy hàng chữ tiếp tục cũng xác định thêm rằng Đức Huỳnh Giáo Chủ là nhà cải cách Phật giáo và nhà sáng lập Phật Giáo Hòa Hảo, nhưng chính điều xác định đầu tiên của Encyclopaedia Britannica đã làm tôi chú ý đặc biệt: “Huỳnh Phú Sổ là triết gia Việt Nam …” Mặc dù tôi có thói xấu giống như Aldous Huxley là hay thích đọc tự điển như đọc tiểu thuyết (Aldous Huxley rất say mê đọc bộ Encyclopaedia Britannica), nhưng không phải bất cứ cái gì tự điển đã định nghĩa thì tôi tin ngay lập tức; bản tính cố hữu của tôi là ngờ vực tất cả định nghĩa của tất cả tự điển và từ điển. 

Tuy nhiên, lúc thấy Encyclopaedia Britannica gọi Đức Huỳnh Phú Sổ là “triết gia Việt Nam “thì tôi bỗng ngừng lại và bắt đầu suy nghĩ. Bao nhiêu âm hưởng bất ngờ xoáy tròn xung quanh một danh từ quen thuộc. 

Từ lâu, tôi đã có thói quen nghĩ rằng Đức Huỳnh Giáo Chủ là một thiên tài tôn giáo dân tộc, là một đại Bồ Tát trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, là tất cả những gì đáng tôn kính trong vị thế của một Giáo chủ  một tôn giáo gồm nhiều triệu tín đồ ở Việt Nam. Nhưng tôi chưa nghĩ đến khía cạnh “triết gia" của Huỳnh Giáo Chủ.

Hiển nhiên tất cả mọi Giáo chủ tôn giáo đều là triết gia ở một bình diện nào đó, và tất cả mọi triết gia ở trên tất cả bình diện đều không thể là Giáo chủ được, nếu người ta hiểu được tính thể chân chính của triết lư như là triết lý. 

Một triết gia có thể là một triết gia về tôn giáo với một nền tảng triết lý về tôn giáo, nhưng một nhà tôn giáo học không hẳn bị bắt buộc phải là một triết gia, và nhất là một nhà tu hành tôn giáo và nhất là một Giáo chủ tôn giáo lại không nhất thiết phải cần đến một triết lý nào cả, nhất là thứ triết lý kinh viện nhà trường.

Tuy nhiên nếu triết lý được hiểu là triết lý trong tất cả mọi ý nghĩa toàn diện của triết lý thì không có ai có thể chạy thoát ra ngoài cái vòng tròn khủng khiếp của triết lý, dù triết lý được hiểu theo nguyên nghĩa Philosophia hay được hiểu theo nguyên nghĩa Minh triết Đạo lý của Đông phương. 

Nếu được hiểu theo nghĩa nguyên vẹn toàn diện thì Đức Huỳnh Giáo Chủ đúng là một triết gia Việt Nam vĩ đại mà chỉ có người nào nắm trọn tất cả triết lý Tây phương và đạo lý Đông phương thì mới có khả năng nhìn thấy được tất cả ý nghĩa ẩn hiện của bốn chữ triết lý Việt Nam.

Một thanh niên Việt Nam mới 20 tuổi mà đã cưu mang tất cả sức nặng bí ẩn của đạo lý Đông phương, đã thể hiện tất cả khả tính có thể có được của tư tưởng Việt Nam, đã thể hiện trọn vẹn tất cả tinh tuý của Mật tông, Thiền tông và Tịnh độ tông, đã thành tựu oanh liệt truyền thống Thiền Lý Trần và Thiền Trúc Lâm Yên Tử của Việt Nam, đã nối kết lại tinh thần Phật giáo nguyên thuỷ với đại nguyện và đại hành của lý tưởng Bồ Tát trong Đại thừa, đã đốt cháy lại ngọn lửa thiêng trao truyền từ lục tổ Huệ Năng, đã gây dựng lại với hai bàn tay trắng tất cả những gì cao siêu nhất của dân tộc và của nhân loại trong sự nghiệp tư tưởng và hành động của mình, đã nuôi dưỡng đời sống tâm linh và hùng khí dân tộc cho bao nhiêu triệu người Việt Nam. Một người như thế, chẳng những là một triết gia Việt Nam thôi, mà chính là minh triết, thánh triết cho cả nhân loại. 

(*) Lược trích trong “Phật Giáo Hòa Hảo trong dòng lịch sử dân tộc “, Nguyễn Long Thành Nam, Đuốc Từ Bi xuất bản 1991.

Giáo sư Phạm Cao Dương (Nguyên Giáo sư Sử học Đại học Sư phạm và Văn khoa Saigon):

PHẬT GIÁO HÒA HẢO VÀ CHỦ TRƯƠNG CHẤN HƯNG XÃ HỘI

Lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử Phật giáo nói riêng trong những năm cuối của thời kỳ Pháp thuộc, đúng hơn là trong hai thập niên ba mươi và bốn mươi, đã được đánh dấu bởi hai biến cố vô cùng quan trọng. Đó là sự phát sinh của phong trào chấn hưng Phật giáo truyền thống, và sự hình thành của Phật Giáo Hòa Hảo. Cũng là Phật giáo, nhưng hai phong trào này đã có những hoàn cảnh xuất hiện khác nhau, những chủ trương khác nhau, những đường hướng khác nhau, những điều kiện phát triển khác nhau, do đó, đã mang lại những thành quả khác nhau. Có điều cả hai đều đã góp những phần vô cùng tích cực vào sự hình thành của một nền Phật giáo Việt Nam thuần tuý sau khi tôn giáo này đã du nhập vào nước ta từ hơn mười thế kỷ…..

Nhưng Đức Thầy đã không chỉ chú trọng tới sự suy đồi của Phật giáo mà thôi, Ngài còn chú trọng nhiều hơn tới tình trạng suy đồi của toàn thể xã hội Việt Nam về nhiều phương diện, trong đó có sự suy đồi của cuộc sống đạo đức theo quan niệm bình thường và theo quan niệm của Khổng giáo. Ưu tư về sự suy đồi của đạo đức xã hội này đã được Đức Thầy nói tới rất nhiều trong Sấm giảng. Suy đồi trong quần chúng cũng như suy đồi trong hàng ngũ giới trí thức mới, trong giới trẻ cũng như giới già. Một sự suy đồi đến độ cùng cực khiến cho Đức Thầy phải than rằng:

Chẳng có người nào tu niệm hiền lương.
(Sấm giảng Khuyên người đời tu niệm, câu 768)
Vì bá tánh thì “nghinh tân yểm cựu"
Phụ mẹ cha khinh rẻ Phật Trời,
Chẳng có kể công sanh, dưỡng dục.
(Kệ Dân của Người Khùng, câu 83-84)

                                                       Nhà văn Sơn Nam

Ca dao là tâm ca, trường hợp của những câu sấm, câu vãn ở miền biên giới Việt Miên, gần dãy Thất Sơn, Châu Đốc. Nơi đây văn minh Tây phương xâm nhập trễ và khó khăn, hồi cuối thế kỷ 19 qua đầu thế kỷ 20. Sấm vãn do Phật Thầy Tây An và các giáo chủ nối tiếp trở thành kinh nhựt tụng của mọi gia đình, lúc khẩn hoang nhọc nhằn ở nơi đất thấp chỉ thích hợp với giống lúa thum đưng thuở ấy và vài giống lúa sạ du nhập từ Cao Miên sau này.

Những bài sấm vãn được truyền tụng, gây tin tưởng cho kẻ đang chịu nhẫn nại là được phước về sau; chịu đựng không có nghĩa là ngồi một chỗ mà chờ ngày tận thế, nhưng phải nhập thế, lo siêng năng trồng tỉa, làm tròn phận sự với cha mẹ, với xã hội, với đất nước, với Phật, nên đọc bộ Kim cổ kỳ quan, các sách về giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo, của hệ phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa để thấy rằng ca dao Miền Nam đã mang sắc thái đặc biệt, hồi đầu thế kỷ; đã là tín đồ thì ai cũng thuộc vài chục vài trăm câu, gặp những trường hợp khó khăn về sanh kế, về thiên tai thì đem ra mà dẫn chứng, để lấy lòng tin.

Sấm vãn lưu truyền ở Hậu Giang là ca dao, là văn chương bình dân. Đó là luận đề lớn, để nghiên cứu. Muốn hoàn thành công việc ấy chúng ta cần để nhiều thời giờ đến quan sát tại chỗ, chọn lọc những câu sấm vãn nào được lưu truyền, được nhắc nhở nhiều nhất, trong sinh hoạt hằng ngày.

Trong hoàn cảnh khó khăn, thầy Đoàn Minh Huyên đã hiện đại hóa đạo Phật, nêu thái độ dấn thân (khẩn hoang, giữ nước). Thầy và Giáo chủ Phật Giáo Hòa Hảo nối tiếp sau này, chẳng những góp công về mặt chính trị, kinh tế để tô điểm vùng đất nghèo nàn, khó sống nhất. Công ơn mà bấy lâu nay chúng ta đánh giá không đúng mức là sự xây dựng về văn chương: đó là những lời khuyến dạy về đạo lý được diễn đạt bằng lời lẽ bình dân, theo văn Nôm và theo thể thơ lục bát. Nhiều đoạn trong sấm vãn đã thật sự trở thành ca dao ở vùng biên giới.

(Theo Tập san Nghiên cứu văn học, số 16 tháng 6 năm 1972)
                                                  
KIM ĐỊNH
Triết gia Kim Định viết:

Tôi vừa đọc xong tập “Phật Giáo Hòa Hảo Yếu Lược”. Gấp sách lại, thấy tự lòng dấy lên một niềm vui đầy hy vọng: đây chính là nơi đại diện cuối cùng của nền văn hóa nông nghiệp.                                              

…………Về môi sinh, thì đây là miền nông nghiệp trù phú nhất nước, với năng xuất gần gấp đôi các nơi (3 triệu tấn lúa cho 1.885.000 mẫu, so với suýt soát 17 triệu tấn cho 17.326.000 mẫu trong toàn quốc). Số dân là hai triệu ở khắp trong 15 tỉnh miền Hậu Giang. Đông nhất là Châu Đốc, An Giang, Kiến Phong tức là khối lớn, lại thêm đông đặc và được tổ chức thành hàng ngũ rất chặt chẽ, thì dễ đủ sức đương đầu với mọi thử thách, dù cam go đến đâu. Nhất lại về đàng giáo lý thì đã đạt được nét đặc trưng cao nhất có thể. Trên đời mới thấy xảy ra ở đây là một:

Đường tu tiến của con người có thể chia làm ba giai đoạn lớn là

Hữu Vi, Vô Vi, và An Vi.
Hữu Vi đi với Địa
Vô Vi đi với Thiên
An vi đi với Nhân....
      
…. Đó là kiện chứng minh bạch dứt khoát. Kiện chứng thứ hai và rất đặc biệt, đó là bản thân Đức Huỳnh Giáo Chủ không là một tăng lữ mà chỉ là một cư sĩ tại gia, là một nhà ái quốc, một nhà đại cách mạng đã lập ra đảng Dân Xã, tức có chủ trương, có sách vở, có cơ cấu tổ chức đầy đủ, không thể nghĩ ngợi gì nữa. Đó quả là một thành tựu, cho tới đó chưa ai hiện thực nổi. Đó là bước từ đạo Phật bước vào đạo Nhân, tức từ Tài Thiên đi sang Tài Nhân.

Đến khi đi vào chi tiết càng thấy rõ cái bước sang qua xảy ra từ cơ cấu nền tảng, nên rất giống Việt Nho. Thí dụ: Việc nhấn mạnh cần phải học hành, không được tin mù quáng, dù ông thầy có đáng kính mấy cũng phải đưa óc thông minh ra để xét lời thầy trước đã, có nên tin hay chăng. Rất giống Nho đặt Trí lên đầu: Trí Nhân Dũng.

Về thờ tự, thì cắt hết mọi phiền toái. Không nhận thầy cúng, thầy tế, thầy bói, thầy phù thủy. Không cho đốt vàng mã. Thờ Phật thì không có tượng, mà chỉ có một tấm vải màu dà để tượng trưng sự hòa hợp nhân loại. Đã không chuông không mõ, không cho dâng cúng chè xôi, thực phẩm. Không cấm sát sinh, chỉ cấm sát sinh để tế. Không có cả chùa, chỉ có “độc giảng đường”, không phải để ở, mà chỉ để giảng đạo, giống như Văn Miếu bên Nho vậy…

Quả là một kết tinh của Tam giáo.

Phật thì đã bỏ tượng, bỏ chùa, chỉ còn tên, và giáo lý để đúng với câu “học Phật tu Nhân”. Thuyết là thuyết Phật, nhưng thực hiện thì lại là Nhân. Đúng ra thì cũng là thực hiện Phật, vì giữa Phật và Nho có rất nhiều mẫu số chung, như “tự lực tự cường”. Phật nói hãy thắp đèn mình mà đi thì Nho cũng nói “doãn chấp kỳ trung”; nền tảng như nhau, nhất là cả hai đều căn cứ trên Đạo Trống để bàn nơi khác.

Pháp thì sự nhận định tính cách vô thường của các pháp rất giúp vào việc tạo dựng nên tâm hồn xả bỏ, là điều quý vô cùng nơi nhà cai trị, để dễ có lòng thái công là chìa khóa cho sự thành công trong lãnh vực chính trị. Ngoài ra còn một số những điều rất khó có thể hiểu cho người thông thường, như là thuyết “thập nhị nhân duyên”, thì đề ra cho dân kính bái vậy thôi.

Tăng thì kể như không có. Phật Giáo Hòa Hảo bản chất là tại gia, không nhận sư ni, nhưng theo lối nhu thuận của Nho, là không chống đối, mà chỉ “kính nhi viễn chi”, sau khi dặn dò phòng bị những tăng sư giả mạo, như về việc ma chay giỗ chạp, thì dạy rằng: “giá trị ở chỗ tu tâm”, tự mình cầu nguyện, khỏi đi thuê khoán ai cầu cho……

Tóm lại, xét chung nội dung giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo, thì chính là đạo Nhân, nhưng bọc ngoài bằng danh Phật. Thế mà lại giữ được nét sùng mộ nhiệt tính của Phật giáo để đóng góp, nên có thể bù trừ cho đạo Nhân nơi Nho. Đạo Nho là một thứ đạo “ung dung tự tại” vì đạo nhân đã có đủ thiên địa nơi mình, khỏi cần phải bước đi đâu (vạn vật gia bị ư kỷ). Đó là chỗ cao cả nhưng cũng là chỗ yếu kém của Nho. Cao cả cho những tâm hồn có óc siêu lý cảm thấy được an nhiên tự tại: còn đối với đại chúng thì khó thấy được, nên cần có sự thúc đẩy mạnh hơn…..

…………………..
Những suy luận trên đây giúp ta thấy cái thiên tài của Đức Huỳnh Giáo Chủ, khi bước từ Phật giáo đi sang tu Nhân. Đó quả là đợt mới của cây Việt mọc lên tự nội, vì Giáo Chủ không có học hành gì (học được hết tiểu học rồi cứ bệnh hoạn liên miên) mà đến 20 tuổi đột nhiên thông suốt đạo lý và bước qua nổi cái bước từ Thiên sang Nhân, một bước đã bao đời không ai bước qua được, thì đủ biết là thiên tài làm cho ta thêm lòng tin tưởng vào sinh lực lớn lao của nòi Việt, để ta mạnh dạn đặt vào tương lai cái nhìn tươi sáng.

KIM ĐỊNH
BS Trần Nguơn Phiêu:

....ông Huỳnh Phú Sổ đã giảng dạy cho Tín đồ một nội dung Phật Pháp đúng theo lời chuyển Pháp luân của đức Phật; 

GIÁO LÝ PHẬT GIÁO HÒA HẢO:

Đạo Phật là đạo giác ngộ, chỉ lối đưa đường dẫn dắt con người từ cõi đau khổ đến cõi an lạc. Đức Phật tức đức giác ngộ đã vì lòng thường xót chúng sanh, khai ngộ cho tất cả mọi người được giác ngộ như chính đức Phật.

Ông Huỳnh Phú Sổ đã giảng dạy cho tín đồ một nội dung Phật pháp đúng theo lời chuyển Pháp luân của Đức Phật. Những ai đã có dịp đọc lại các thuyết giảng của Đức Thầy đều phải khâm phục vì ông đã đem giáo lý nhà Phật đến đại chúng nông dân một cách rất gần gũi nhưng rất trọn vẹn, từ con đường trung đạo đến tam nghiệp, tứ diệu đế đến tứ vô lượng tâm, tứ ân, ngũ giới, lục độ, bát chánh đạo, thập thiện, thập nhị nhân duyên, Đức Thầy chỉ có một chút phần thay đổi trong thứ tự Tứ Ân. Ngoài ra, trọn vẹn nội dung là đúng với những lời Đức Phật đã dạy cho đệ tử của Ngài trong Phật giáo nguyên thủy. Ông Huỳnh Phú Sổ không hề có chủ trương một nền Phật giáo nào khác. Đường vào cõi Phật có ngàn pháp môn. Đức Thầy là người thấu hiểu căn cơ chất phác của người nông dân, là những người ít học, không thể tự lực hành trì các pháp tu tối thắng, tối cao để vượt ra khỏi tam giới, thoát nạn trầm luân trong tam đồ lục đạo. Vì thế nên ông Huỳnh Phú Sổ đã chọn pháp môn Tịnh Độ là một pháp tu phù hạp với căn cơ của người nông dân Nam bộ. Ông khuyên đạo hữu: “Môn Tịnh Độ là môn cứu cánh – rán phụng hành kẻo phụ Phật xưa”.

Khi chỉ mới 23 tuổi, ông đã viết bài ”Phật là gì?” để tín đồ hiểu rõ hình ảnh đức Phật như Ngài đã tự giới thiệu khi còn tại thế. Ngài là người giác ngộ, một đạo sư chỉ dắt chúng sanh con đường và phương pháp đi đến giải thoát. Ông Huỳnh Phú Sổ đã cho tín đồ sự hiểu biết để họ không bị mê hoặc, tôn sùng Đức Phật như một vị Thần linh.

Thử đọc lại bài nói trên như một thí dụ điển hình, để biết rõ những lời văn thực tiển, gần gũi của ông Huỳnh Phú Sổ, những lời dạy dễ lãnh hội, đã ăn sâu vào tâm hồn chất phát của người nông dân miền Nam: “ Phật giả là Giác giả (người giác ngộ). Giác giả là tỉnh giả (người tỉnh thức)”

Khi Đức Thích Ca thành Phật thì Ngài nói pháp Tứ đế mà độ đời trước hơn các pháp, và chỉ con đường Trung đạo cho người hành theo.

Đường Trung đạo của Phật:

Không trưởng dưỡng xác thịt quá ư sung sướng như: ăn nhiều, ngủ nhiều, chẳng lo làm công chuyện, chẳng học hỏi, vì sung sướng thái quá thì sanh nhiều dục vọng mê đắm, làm cho trí đạo tối tăm, không đạt huệ được.

Không nên hành xác hay ép xác thái quá như: phơi nắng dầm sương, bỏ ăn bỏ ngủ, làm lụng quá sức lực của mình, vì ép xác quá độ hay sanh bệnh họan nhiều, người mà đã mang bịnh tật rồi, tinh thần kém cỏi, nhọc mệt trí hóa lu mờ, không đủ sức mà học Đạo đặng.

Nên người biết Đạo, chẳng ép xác thái quá, mà cũng chẳng để nó sung sướng quá độ, chỉ ăn ngủ có chừng mực, làm việc vừa với sức mình, giữ gìn sức khỏe mới mong được Đạo pháp.

Vậy Phật chẳng buộc ai phải ăn ở khổ hạnh và cũng chẳng biểu ai ăn ở sung sướng, chẳng ép ai ăn chay, chẳng xúi ai ăn mặn, tùy theo trình độ và lòng nhơn của mình. Điều cần yếu là phải:

“LÀM HẾT CÁC VIỆC THIỆN, TRÁNH TẤT CÁC ĐIỀU ĐỘC ÁC, QUYẾT RỬA TẤM LÒNG CHO TRONG SẠCH”

Ông Huỳnh Phú Sổ đã có cả triệu tín đồ hưởng ứng tu hành vì Ông đã thuyết giảng đúng trình độ đại chúng bình dân trong đó phần lớn là nông dân, đúng thực trạng xã hội Việt Nam phần đông là ít học, ít hiểu biết. Tuy nhiên, những bài giảng của Ông Huỳnh Phú Sổ mang tính cách bình dân nên không khỏi bị một số Tăng Ni chê là kém cỏi, tầm thường, hoặc giáo lý PGHH không có gì là cao siêu, là chân chánh. Nhưng, những ai hiểu đạo Phật đếu phải công nhận là những bài thuyêt pháp của Ông tuy giản dị nhưng rất trong sáng và chan hòa tư tưởng Phật giáo. Ông chỉ đặc biệt chú trọng nhiều đến Tứ Ân như Phật thầy Tây An. Ngoài ra Ông không có chủ trương đưa ra những tư tưởng Phật học gì mới.

Trình độ nông dân của 90% tín đồ Ông vào thời khoảng nhiễu nhương 1940 khó có thể thông hiểu được các tư tưởng cao siêu chưa đựng trong thiên kinh vạn quyển của triết lý.

HÌNH THỨC TÍN NGƯỠNG CỦA PGHH

Sự thành công đặc thù của PGHH, đưa đến sự hiện diện trường tồn ở miền Nam cho đến ngày hôm nay, mặc dầu trải qua bao nhiêu biến cố tưởng cần phải suy gẫm cặn kẽ hơn.

Hình thức tín ngưỡng của PGHH là một yếu tố quan trọng. Đây quả là một cuộc cách mạng, đang được nhiều học giả về tôn giáo nghiên cứu. 

Ông Huỳnh Phú Sổ đã thổ lộ trọng trách lâm phàm của Ông là việc phải chấn hưng Phật pháp. Từ ngày chư Tổ bặt truyền y bát đến nay, chơn pháp của Phật bị người đời làm sai tinh nghĩa nên một ngày một suy đồi. Ông tự nhận là đệ tử trung thành của Phật Thích Ca. Lãnh sứ mạng giáo truyền một nền đạo Vô Vi, khác với lối âm thinh sắc tướng của phái Thần Tú. Ông kêu gọi:

“Khuyên sư vãi mau mau cải hối
Làm vô vi chánh đạo mới mầu
Đạo Thích Ca nhiều nẻo cao sâu.
Hãy tìm kiếm cái không mới có”

Vì thế Ông Huỳnh Phú Sổ chủ trương” theo Lục Tổ chớ theo Thần Tú…. Đạo vô vi của Phật ân cần, noi theo chí Thích Ca ngày trước”.

Ông Huỳnh Phú Sổ đã đặc biệt tạo nên một nền Phật giáo mới lạ, một nền Phật giáo do các giới Phật tử tại gia điều hành, một nền Phật giáo cấp tiến, không có giới Tăng lữ tham gia. Đức Thầy tuy không chủ trương xây chùa, đúc tượng nhưng trong “lời khuyên bổn đạo” Ông vẫn khuyên tín đồ phải kính trọng giới Tăng sĩ, vẫn khuyến khích đi chùa vào các ngày rằm ngày vía của Đức Phật… Ông đã khéo léo tránh tạo sự bất hòa giữa giới Tăng sĩ và cư sĩ tại gia. Đức Thầy viết: “Hạng tại gia gồm tất cả đại chúng, tất cả thiện nam tín nữ chưa đủ những điều kiện xuất gia, vì cảm thấy mình còn nặng nợ với non sông tổ quốc, với gia đình, với đồng bào xã hội, nên chưa thể làm như các nhà Sư, Ni Cô đặng.Tuy vậy, họ cũng sẵn sàng hoan nghinh ca tụng lý tưởng từ bi bác ái đại đồng của nhà Phật và luật nhân quả do Phật thuyết ra. Thế nên, ở tại nhà họ phượng thờ Đức Phật phát nguyện quy y, giữ gìn ít nhiều giới luật, hằng coi kinh sách, sửa tánh răn lòng, ủng hộ các Sư. Như thế họ cũng lần lần lên  con đường giải thoát.”…

Ông đặt trọng tâm vào việc tu tâm sửa tánh, khuyên không nên dựa vào hình tướng, lễ nghi. Hình tướng như tượng Phật, chuông mỏ chỉ là những trợ lực, những phương tiện giúp dễ tu tập nhưng lắm khi sự chấp vào hình tướng lại dẫn đến sự sai lệch đạo pháp. Về thờ phượng, PGHH chủ trương các cư sĩ tại gia nên “thờ đơn giản cho lòng tin tưởng trở lại tâm hồn….chỉ thờ một tấm trần màu dà… màu ấy là sự kết hợp của tất cả các màu sắc khác, nên có thể tượng trưng cho sự hòa hiệp của nhân loại không phân biệt chủng tộc cá nhân… Màu ấy tiêu biểu cho tinh thần vô thượng của nhà Phật”……

Đặc biệt” đối với các tôn giáo khác” đức Thầy đã khuyên tín đồ “không nên đụng chạm đến cách thức tu hành của họ”……
 
SẤM GIẢNG THI KỆ CỦA HUỲNH PHÚ SỔ

Có rất ít bậc trí thức được biết là 40 năm về trước. Ông Huỳnh Phú Sổ đã dịch nhiều thi kệ từ tiếng Hán ra Việt ngữ cho tín đồ của Ông. Xin được nhân dịp nầy, thử đọc lại các câu chú thường được niệm, trích ra từ tập Sấm Giảng Thi văn của Ông Huỳnh Phú Sổ:

“Năng lễ sở lễ tánh không tịch
Cảm ứng đạo giao nan tư nghì
Ngã thử đạo tràng như đế châu.
Thập phương chư Phật ảnh hiện trung
Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền,
Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ”

Ông Huỳnh Phú Sổ đã dịch thành thơ như sau, một cách rất sát nghĩa:

“Sự lạy Phật vốn không, yên tĩnh
Đạo cảm giao khó tính khôn bàn
Nay tôi ở trong đạo tràng
Cũng như kết chặt vào đoàn ngọc châu.
Mười phương Phật hiện bầu hình ảnh
Có bóng tôi cũng sánh cùng Ngài,
Từ chơn cho chí mặt mày,
Cúi đầu làm lễ nguyện rày quy y”.
……….
Về bài “rửa tay”:

Hán văn: “Dĩ thủy quán tưởng/ đương nguyện chúng sanh/ đắc thanh tịnh thủ/ thọ trì Phật pháp.”

Ông Huỳnh Phú Sổ viết:

“lấy nước, tôi rửa sạch tay
Nguyện cầu sanh chúng được tay thơm lành
Ngỏ hầu nắm pháp vô sanh
Giữ gìn lời Phật ban hành từ xưa”

Về bài “thỉnh chuông”

Hán văn: Nguyện thử chung thinh siêu pháp giới / Thiết vi u ám tất giai văn / văn trần thanh tịnh chứng viên thông /nhất thiết chúng sanh thành chánh giác”

Ông Huỳnh Phú Sổ viết:

“Nguyện tiếng chuông lành thông các cõi
Thiết vi địa ngục cũng nghe rành
Nghe rồi thân tịnh, tâm tròn sáng
Tất cả chúng sanh Phật đạo thành”
…………

Kết luận:

Trong những trình bày vắn tắt vừa qua về giáo lý, Hình thức, tín ngưỡng, Sấm giảng, thi kệ PGHH, chúng ta có thể hiểu được phần nào vì sao nền PGHH đã bén rễ sâu xa trong tâm hồn người nông dân Nam bộ.

Đức Huỳnh Phú Sổ đã cách mạng, hiện đại hóa PG truyền thống thành một nền PG thời đại. Những thành tựu ông đã thực hiện trong thời gian ngắn ngủi 7 năm thật khó có thể giải thích ngoại trừ phải chấp thuận ý kiến xem Ông là một vị Bồ Tát đã xuất hiện sau nhiều kiếp tu tập để cứu rỗi nông dân ở địa linh Cửu Long.
………….

BS Trần Nguơn Phiêu
Arlington.Texas

Qua những nhận xét của giới trí thức, qua hành trạng của Đức Huỳnh giáo chủ trước bối cảnh lịch sử của đất nước, cho ta thấy Ngài là một người tràn đầy lòng yêu nước, là một thiên tài, một Bồ Tát bổ xứ, một vị Phật hóa thân; hai vai gánh nặng đạo và đời. Đạo, muốn chấn hưng về trạng thái nguyên thủy - vô tướng - vô cầu, loại từ mê tín Thần quyền; Đời, muốn quét sạch ngoại bang, chấn chỉnh khuyến khích nông nghiệp, đoàn kết dân tộc. Áp dụng tinh thần bình đẳng đại đồng của nhà Phật trong cuộc sống.

Ngài không muốn thành lập một tông môn tôn giáo mới, vì Ngài tự nhận mình là đệ tử trung thành của đức Phật, vì thế PGHH không xây chùa, không có tu sĩ, không lập chức sắc, không nghi lễ rườm rà, chủ trương học Phật tu nhân để làm tròn sứ mạng nhân luân đối với đồng bào, xã tắc. 27 năm có mặt và 7 năm đóng góp cho cuộc đời,Tạm gọi Ngài là một giáo chủ 20 tuổi quá trẻ mà thế giới chưa có ai so cùng, thời gian quá ngắn mà đóng góp rất lớn cho xã hội, cho dân chúng, tạo một nét văn hóa thuần Việt cho nền tín ngưỡng Việt Nam. Ngài đã đi vào lịch sử nhân loại.

Tuy một tập thể tín ngưỡng nhân gian, nhưng bao hàm các tư tưởng, trường phái triết học, tín ngưỡng Châu Á. Ngài là hiện thân một Duy Ma Cật, một Tuệ Trung thượng sĩ; tinh thần vô vi của Lão, nhân luân của Khổng Mạnh,siêu thoát của Phật giáo, cách tân của khoa học, giản dị trong lễ nghi.

Ngài kết nối tinh thần Trúc Lâm Yên tử, nhưng Trúc Lâm đầu đà trong tay có quyền lực đủ khả năng thực hiện lý tưởng xã hội và tôn giáo, Huỳnh giáo chủ là một truyền thống nông dân Nam bộ, không quyền lực, với đôi tay và khối óc đã lập thành kỳ tích mà nhân loại khó phủ bác, chỉ vỏn vẹn 7 năm đã làm nên lịch sử mà giới hiểu biết phải nghiêng mình cẩn bái.

Suốt hàng ngàn năm lịch sử từ thời Hùng Vương, trãi qua Lý Trần đến nay, không thiếu những anh hùng dân tộc, nhưng bậc vĩ nhân có công với sơn hà xã tắc và phục hoạt tín ngưỡng tâm linh không được mấy ai; Có lẽ Huỳnh giáo chủ trong thời cận đại xuất hiện đúng lúc, sử sách cẩn trọng để lại đầy đủ những chi tiết về nhân thân và hành hoạt mà tiền nhân đôi khi bị thất thoát. Lịch sử của Ngài đầy đủ hơn cả các tiền nhân kế thừa, luôn cả Đức Phật thầy Tây An.

Qua những nhận định của các nhà trí thức có uy tín, chúng ta thấy được tầm vóc to lớn, tư tưởng kỳ vĩ, công trạng hiển hách của một thanh niên ngoài 20 trong thời gian rất ngắn đã để lại cho nền tín ngưỡng, nền văn hóa và tấm lòng yêu nước... một gia tài không thể phủ bác.

PHẬT GIÁO THĂNG TRẦM QUA CÁC THỜI ĐẠI

Lịch sử Phật giáo Việt Nam trải qua bốn giai đoạn:

 1. Từ đầu công nguyên đến hết thời kỳ Bắc thuộc là giai đoạn hình thành và phát triển rộng khắp.
 2. Thời Nhà Lý - Nhà Trần là giai đoạn cực thịnh
 3. Từ đời Hậu Lê đến cuối thế kỷ 19 là giai đoạn suy thoái;
 4. Từ đầu thế kỷ 20 đến nay là giai đoạn phục hưng.

Đại thừa có ba tông phái được truyền vào Việt Nam là Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông.
(Trích Tạng Thư Phật Học - HT Thích Thiện Hoa)

THÁI ĐỘ SAI LẦM CỦA PHẬT TỬ VIỆT NAM HIỆN TẠI

Vì thiếu phương tiện học hỏi chánh pháp nên họ không phân biệt được Phật giáo và Thần giáo. Do đó, họ có những tin hiểu sai lầm như sau:

A. THÁI ĐỘ SAI LẦM CỦA PHẬT TỬ

1. Thiên hình thức nghi lễ
2. Tin Phật như vị thần linh
3. Tin Phật qua những hình thức tà giáo

B. THÁI ĐỘ SAI LẦM CỦA GIỚI TRÍ THỨC NGHIÊN CỨU PHẬT

1. Căn cứ lý Nhân Quả

Nhân đã gây thì quả phải chịu; nguyện cầu, cúng tế, làm phước... của người khác không liên hệ gì đến người này cả.

2. Căn cứ thuyết vô ngã, vô trước

Nhìn vào Phật giáo thấy thuyết vô ngã, vô trước thật là hệ trọng. Nếu người tu không phá được ngã chấp thì không sao giải thoát được. 

C. DUNG HÒA
1. Sai lầm của người nặng phần tín ngưỡng
2. Sai lầm của người nghiêng về triết lý

Nơi mỗi con người chúng ta đều có hai phần, tình cảm và lý trí. Nếu có người chỉ thuần tình cảm, không có lý trí thì họ chìm đắm trong biển thương yêu mê hoặc. Ngược lại có người ròng rặt lý trí, không có tình cảm thì họ khô khan cô độc. 

Một tôn giáo cũng thế, triết lý và tín ngưỡng không thể thiếu một được. Nếu thiếu một, tôn giáo ấy sẽ chết mòn. Cho nên, chủ trương cực đoan về triết lý của giới trí thức này cũng là tai họa của Phật giáo.
(thientongvietnam.net)

Tóm kết:
Để tưởng nhớ tiền hiền liệt tổ, tiền nhân có công với Đạo và Đời, tập sách mõng nầy tóm lược các danh nhân tiêu biểu, lưu lại cho cháu con có một cái nhìn xuyên thông mà quốc sử và giáo sử bàng bạc trong các trang mờ tỏ.

Kính dâng lên Tam bảo, chư tiền hiền, chư Thánh Tăng và Bồ Tát bổ xứ lòng tôn kính vô lượng dưới năng lượng vô biên của các Ngài. Hy vọng nền tảng đạo đức và lý tưởng của hiền nhân sẽ được hậu thế truyền thừa chấn phát. 

Nguyện hồi hướng công đức cho Phật pháp tăng huy, nhân sanh an lạc, tổ quốc được thanh bình thịnh vượng.

Minh Mẫn

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Chuyện kể về thần chú

Tư liệu 07:04 26/04/2024

Chuyện kể răng thuở xưa có một bà lão nghèo sống đơn độc trên một đỉnh núi ở Tây Tạng suốt ngày, ngồi dùng cơm ra, bà lão luôn lẩm nhẩm câu thần chú Lục tự đại minh của Bồ Tát Quán Thế Âm.

Quỷ thần cây tì bà cũng vãng sanh

Tư liệu 16:00 25/04/2024

Muốn xây nhà mới thì cần phải đốn bỏ cây tì bà cổ thụ, nếu không xe không vào được, có bốn cây cổ thụ cần phải đốn bỏ. Chúng tôi y theo qui luật, trước đó ba ngày thì đọc Kinh, niệm Chú, cúng dường, đề nghị họ dọn đi.

Thiện thần bảo vệ người giữ giới

Tư liệu 14:30 24/04/2024

Ngày xửa ngày xưa, ở một nước kia, nhà vua bắt buộc nhân dân phải giữ năm giới. Một người bạn ở nước khác về chơi, vô tình đem một chai rượu biểu Lam Xoa. Lam Xoa nể bạn, cùng nhau ăn uống. Tại vách mạch rừng đem chuyện đến vua. Lam Xoa bị trục xuất ra khỏi nước.

Câu chuyện có thật về sự chủ động tái sinh

Tư liệu 14:16 19/04/2024

Khoảng một ngàn năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, giáo pháp ngày càng phát triển trong giới trí thức Ấn Độ. Một trong những luận sư xuất sắc thời đó là Chandra, người vừa có cái thư thả của bậc giác ngộ, lại có cái tài hùng biện và lý luận sắc sảo của một người trí thức.

Xem thêm