Lời hứa gió bay nhưng quả báo lại rất nặng nề!
Bạn cần hết sức cẩn trọng, chớ bao giờ hứa hẹn hay buông những lời thề gian trá. Những câu chuyện sau đây là lời cảnh tỉnh vô cùng đáng kinh sợ!
Theo Nhân quả báo ứng hiện đời, tập 5, Ni sư Hạnh Doan dịch: “Chuyện xảy ra hơn ba mươi năm trước ở Đài Loan. Do thời ấy nghèo nên nhiều người chở hàng đi bán rong. Lần nọ, có một anh bán vải chở hàng vào thôn, các phụ nữ liền bu đến xem. Họ cầm vải chuyền tay nhau cùng xem rồi luân phiên bình phẩm, nhưng không ai mua. Người bán thấy vậy bèn thu vải về. Thế nhưng khi kiểm hàng, người bán phát hiện bị mất một xấp vải. Lúc này ai cũng nói mình không có lấy. Trong đám phụ nữ có một chị không những hung hăng xác định mình không lấy mà còn thề độc như sau:
– Tôi mà có lấy vải thì sau này sẽ bị xe tông chết!
Sau đó chị ta chuyển đến Kim Môn sống. Một ngày nọ chị đang ngồi trong nhà thì một chiếc xe tải bị đứt thắng, đâm thẳng vào nhà và tông chết chị.
Khi tin này truyền ra, mọi người ai cũng bàn tán xôn xao, cho đây là nhân quả báo ứng đáng sợ vô cùng.”
Trong Niệm Phật Thập Yếu, Ngài Thiền Tâm kể: “…Một vị bác sĩ bên Pháp tuổi trẻ, góa vợ, buồn lòng đến miền quê du ngoạn để giải khuây. Nhân khi ngụ ở nhà người thợ rèn, thấy cô gái con gia chủ có sắc đẹp, mới tỏ thật chuyện mình, xin cưới cô này làm vợ, và được chấp thuận. Nhưng lúc chưa làm lễ cưới, bác sĩ đã ăn nằm với cô gái, rồi bỏ về đô thị.
Người thợ rèn thấy con gái bụng ngày một lớn, chàng sở khanh tuyệt tích như cánh chim hồng, nghĩ mình nhà nghèo thế yếu không thể kiện thưa, tức giận quá mỗi buổi chiều cầm búa đập vào tấm sắt kêu gọi tên vị bác sĩ đòi đánh bể đầu, để tiết bớt niềm phẫn hận. Nhưng ở đô thành cứ vào năm giờ chiều, vị bác sĩ nọ bỗng ôm đầu rên la, chữa trị đủ cách vẫn không khỏi.
Sau người bạn của bác sĩ trong lúc về thăm quê, vào buổi chiều đi ngang nhà thợ rèn nghe tiếng đập sắt và kêu gọi tên bạn mình trách mắng, mới vào gạn hỏi. Khi hiểu rõ sự việc, suy gẫm ra biết nguyên nhân căn bịnh của bạn mình. Ông về khuyên vị bác sĩ phải đến xin lỗi và cưới cô gái con người thợ rèn. Sau khi hôn lễ thành, bịnh vị bác sĩ mới khỏi.”
Mù một mắt cho đúng lời thề
Theo An Sĩ Toàn Thư: “Tống Khâm Tông là hoàng đế cuối cùng của triều Bắc Tống. Ông cùng với vua cha bị giặc Kim bắt lên phương bắc trong chiến tranh. Không lâu sau, hai nước ký kết hòa ước, Khâm Tông bị giữ lại. Hoàng thái hậu Hiển Nhân sắp về nam, vua cầm tay khóc mà nói: “Nếu con được về nam, chỉ mong được phong làm chủ cung Thái Ất là đủ rồi, chẳng dám cầu gì hơn.” Ý ông muốn bảo mẹ nhắn với em rằng mình không hề muốn giành lại ngôi vua.
Khi ấy, Thái hậu liền thề với vua: “Nếu ta về rồi mà sau này không đón con thì mắt ta sẽ bị mù.”
Đến khi thái hậu về cung rồi, em trai ông là Tống Cao Tông lại hoàn toàn không có ý tìm cách đón ông về cung. Thái hậu buồn lòng nhưng lại lặng thinh không dám mạnh dạn nói ra. Chẳng bao lâu sau thái hậu liền bị mù mắt, thầy thuốc khắp nơi không ai chữa khỏi.
Về sau có một đạo sĩ vào cung, dùng kim vàng khêu vào mắt trái liền sáng. Thái hậu mừng lắm, xin chữa luôn mắt bên phải. Đạo sĩ nói: “Thái hậu nhìn một mắt thôi, còn một mắt phải giữ cho đúng lời thề.”
Thái hậu nghe nói kinh sợ, liền đứng dậy cảm tạ thì đạo sĩ đã đi mất rồi.
Chu An Sĩ tiên sinh bảo: “Xem nhẹ lời hứa ắt sẽ bị người oán trách, xem nhẹ lời thề ắt phải bị trời trách phạt. Hoàng thái hậu Hiển Nhân không giữ được như lời, không phải phụ lời hứa, mà vì tình thế ép buộc. Nhưng ví như lúc ấy hoàng thái hậu đau đớn khóc lóc trước mặt Tống Cao Tông để thỉnh cầu, cho dù ý vua nhất quyết không thay đổi, thì thái hậu cũng có thể xem như không phụ lời thề. Chỉ là bà ta không làm được như thế, nên việc chịu mù một mắt cho đúng lời thề biết đâu lại chẳng là đã xét cái tình của bà rồi mới trách tội như vậy.””
Lời hứa gió bay: Thề độc phải chịu quả báo tàn khốc
Kể cả là đùa vui, bạn cũng chớ nên thề độc, vì quả báo vô cùng bi thảm. Theo Pháp Uyển Châu Lâm: “Vào thời đức Phật còn tại thế, có vị tỳ-kheo ni tên là Vi Diệu, sau khi chứng đắc quả A-la-hán liền tự nói ra với ni chúng những quả báo thiện ác của chính mình trong đời trước.
Tỳ-kheo-ni Vi Diệu kể lại rằng: “Vào đời quá khứ, ta từng làm vợ của một vị trưởng giả rất giàu có. Ông này chưa có con nối dõi. Nhân có người tiểu thiếp sinh được đứa con trai. Ta do ghen tị mà lén lút giết chết đứa trẻ. Người thiếp ấy oán hận lắm, mắng nhiếc rất nhiều câu khó nghe. Khi ấy ta liền tự phát lời thề độc rằng: ‘Nếu quả thật tôi giết con của cô thì sau này chồng tôi sẽ bị rắn cắn, con tôi sinh ra sẽ bị nước cuốn trôi, bị sói ăn thịt, tự tôi sẽ ăn thịt con mình, thân tôi sẽ bị chôn sống, cha mẹ người nhà đều sẽ bị lửa lớn thiêu chết.’
“Do nghiệp ác đó, sau khi chết ta bị đọa vào địa ngục chịu vô số những khổ não đau đớn. Sau khi chịu tội ở địa ngục xong, trong đời này ta được sinh làm con gái một vị Phạm chí. Khi ấy, ta mang thai sắp đến ngày sinh nở, liền cùng chồng đi về nhà cha mẹ. Giữa đường chợt đau bụng sắp sinh, phải dừng lại sinh trong đêm dưới một gốc cây, bỗng có con rắn độc cắn chết chồng ta.
Ta đau buồn khóc lóc, đợi trời vừa sáng thì tay dắt đứa con lớn, tay bồng đứa con nhỏ, gạt nước mắt mà tiếp tục lên đường. Phía trước bỗng gặp một con sông chắn ngang, không có thuyền bè qua lại. Ta liền để đứa con lớn ở bờ sông bên này, bế đứa con nhỏ bơi qua sông trước. Đặt con nhỏ trên bờ rồi mới quay lại đón đứa con lớn. Con ta nhìn thấy mẹ thì từ bờ sông chạy ngay ra. Do nước xiết nên con liền bị nước cuốn trôi đi mất. Ta không cứu được đứa con lớn. Khi quay lại chỗ đứa con nhỏ thì nó đã bị sói ăn thịt mất rồi, chỉ thấy máu thịt còn lênh láng nơi ấy. Đau buồn thống thiết vì cốt nhục chia lìa, ruột gan ta như đứt đoạn, chết đi sống lại.
“Ta tiếp tục đi về nhà thì gặp một vị Phạm chí là người quen thân với cha mẹ. Ta liền kể hết những nỗi khổ của mình rồi hỏi thăm sức khỏe cha mẹ. Vị ấy liền nói: ‘Cách đây mấy hôm nhà bị cháy, hai ông bà cùng tất cả người nhà đều chết cả.’
Nhân đó, ông liền đưa ta về nhà, nuôi dưỡng như con gái.
Về sau ta lại tái hôn với một người khác. Khi mang thai đến ngày sinh nở thì vừa gặp lúc chồng ta đi uống rượu về. Vì không ai mở cửa nên ông tự phá cửa vào. Đang lúc say rượu điên cuồng, chồng ta liền trói ta lại rồi đánh đập tàn độc. Sau đó ông lại nấu thịt đứa con mới sinh bắt ta phải ăn. Ta quá sợ phải cố nuốt vào một miếng, đau xé tâm can. Sau việc đó, ta bỏ chồng trốn chạy đi thật xa.
Đến nước Ba-la-nại, dừng nghỉ dưới gốc cây thì gặp một người vừa chết vợ. Ta liền cùng ông ta kết làm vợ chồng. Vừa được mấy hôm, người chồng này bỗng lăn ra chết. Theo luật của nước ấy: Nếu vợ chồng vẫn còn đang sống với nhau thì khi chồng chết, vợ phải bị chôn theo. Thế là ta bị chôn sống theo chồng. May thay lúc đó có một bọn trộm cắp kéo đến đào mộ để lấy của cải. Ta nhờ đó mà được cứu ra còn sống.
“Khi ấy ta tự suy nghĩ, không biết mình đời trước đã tạo tội gì mà chỉ trong một thời gian ngắn đã phải liên tục gặp những tai họa khủng khiếp đến như thế. Khi nghe biết đức Phật Thích-ca đang ở nơi tinh xá Kỳ Hoàn, ta liền tìm đến chỗ Phật, cầu xin được xuất gia. Vì trong quá khứ ta đã có lần cúng dường thức ăn cho một vị Phật Bích-chi. Lại nhân đó có phát nguyện tu hành, nên nhờ nhân duyên ấy mà đời này được gặp Phật. Cuối cùng nhờ gặp Phật nên tu tập chứng đắc quả A-la-hán.”
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Phật giáo Việt Nam và sự dung hợp tam giáo thời Trần
Nghiên cứu 14:00 30/11/2024Có thể thấy, Phật giáo - Nho giáo và Đạo giáo đã có sự dung hòa, bổ sung cho nhau để cùng hướng đến xây dựng đời sống tinh thần và đời sống nhân văn cho xã hội.
Ứng dụng triết lý Phật giáo Trúc Lâm trong xây dựng, phát triển đất nước
Nghiên cứu 08:45 25/11/2024Phật giáo là cuộc sống, không có sự phân biệt bất cứ thành phần nào trong xã hội, Phật giáo chính là quá trình đi tìm chân lý. Chân lý thì không nằm trong Phật giáo mà nằm trong cuộc sống.
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần
Nghiên cứu 09:40 15/11/2024Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.
Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Nghiên cứu 09:45 03/11/2024Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...
Xem thêm