Lời Phật dạy về hiếu đạo thông qua một số bài kinh trong kinh tạng Pāli
Ơn nghĩa sinh thành dưỡng dục của cha mẹ hiện tiền, cùng cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp cao dày, sâu nặng không thể kể xiết, thường được ví cao như núi, rộng như biển.
Mở đầu
Hiếu đạo là một trong những đức tính cao quý nhất của con người nói chung và người Phật tử nói riêng. Trong vũ trụ bao la trời đất, cây cho hoa trái, mặt trời cho diệp lục xinh tươi, cha mẹ cho con bằng cả cuộc đời. Nhìn về quá khứ, cha mẹ luôn hiện hữu trong tất cả mỗi người, nhìn về tương lai, cha mẹ theo con trải dài vô tận. Công ơn cha mẹ luôn được ca ngợi với nhiều ngôn từ tốt đẹp và được xem là một hiện hữu vĩ đại giữa cuộc đời. Bổn phận người làm con luôn phải giữ cho tròn chữ “Hiếu”. Đạo Phật rất chú trọng chữ “Hiếu”, bằng phương pháp tổng hợp, phân tích một số bài kinh trong Kinh tạng Nikāya, hy vọng bài viết có thể truyền tải đến độc giả tinh thần hiếu đạo của Phật giáo qua những lời dạy mộc mạc, gần gũi và đầy sâu sắc của Phật.
Công ơn cha mẹ
Công ơn cha mẹ là điều mà thế gian luôn ca ngợi và thường được ví cao như núi, rộng như biển, dù những so sánh ấy cũng không diễn tả hết được. Trong Kinh Tương Ưng II, Phật cũng dạy về công ơn cao vời trên như sau: “Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỳ kheo, cái gì là nhiều hơn, sữa mẹ mà các Ông đã uống trong khi các Ông lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài, hay là nước trong bốn biển?
Bạch Thế Tôn, theo như lời Thế Tôn thuyết pháp, chúng con hiểu rằng cái này là nhiều hơn, tức là sữa mẹ mà chúng con đã uống trong khi chúng con lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài chớ không phải nước trong bốn biển!” [1].
Ở đoạn kinh vừa dẫn, Phật ví sữa mẹ mà mỗi chúng sanh thọ dụng khi luân hồi còn nhiều hơn cả nước trong bốn biển. Khi một người thành hình với thân ngũ uẩn, tinh cha huyết mẹ là nhân duyên tối quan trọng cho quá hình hình thành này. Trong khi mang thai, sanh nở, cha mẹ luôn lo lắng, cực khổ lo toan, người mẹ còn phải chịu nỗi khổ của thân xác khi mang nặng đẻ đau. Sữa mẹ là phương thức nuôi dưỡng quan trọng và đầu tiên của mỗi chúng sanh. Để có thể sản xuất ra sữa nuôi dưỡng con, người mẹ phải chắt chiu nhiều thứ từ bên trong cơ thể cho đến sự ăn uống hằng ngày, làm sao để có được nguồn dinh dưỡng tốt nhất, đầy đủ nhất. Ngoài công ơn bú mớm, trong mọi lĩnh vực, mọi thời gian của cuộc đời, công ơn cha mẹ cũng vô cùng vô tận. Sinh con ra, nuôi con khôn lớn, dạy dỗ cho ăn học, sắp xếp công ăn việc làm, giúp con lập gia đình, sớm khuya lo lắng chờ trông… chỉ một trong những điều trên cũng đã vĩ đại, huống hồ là cả cuộc đời cha mẹ luôn làm tất cả những việc đó.
Đoạn kinh trên không những nói về cha mẹ trong hiện tại, mà còn nhắc đến tư tưởng “luân hồi” của đạo Phật với công ơn cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp. Một phần ý nghĩa khác khi ví sữa mẹ như biển lớn là chúng sanh đã luân hồi trong sáu nẻo không biết bao nhiêu kiếp sống, cha mẹ ở những kiếp sống cũng không kể xiết. Cho nên, nói rộng ra, mỗi con người đều mang trong mình trọng ân cha mẹ. Xét cho cùng, người làm cha mẹ cũng đã từng làm con cái, người làm con cái rồi cũng trở thành cha mẹ, cuộc sống cứ xoay vần chuyển dịch như vậy từ đời này qua đời khác, đây cũng là một trong những chân lý về khổ mà Đức Thế Tôn đã chỉ dạy. Ngoài ra, đoạn kinh còn phản ánh một tư tưởng nền tảng của Kinh Báo đáp công ơn cha mẹ. Có đoạn, kinh này nhắc đến việc Phật lạy đống xương khô, sau khi A-nan hỏi, Phật giải thích rằng đống xương dồn dập bấy lâu, cho nên trong đó biết bao cốt hài, chắc cũng có ông bà cha mẹ trong nhiều đời nhiều kiếp của Ngài [2]. Hay trong tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh của tác giả Tịch Thiên, cũng nhắc trên tư tưởng này với mục tiêu là quán xét mọi chúng sanh như cha mẹ của mình nhằm phát triển tình thương yêu và nuôi dưỡng tâm Bồ-đề [3].
Trong Kinh Tăng Chi Bộ I, Đức Phật cũng nhấn mạnh công ơn cha mẹ sâu dày, không thể báo đáp thông thường mà hết được: “Có hai hạng người, này các Tỳ kheo, ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỳ kheo, một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm cho đến 100 tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dầu tại đấy, mẹ cha có vãi tiểu tiện đại tiện, như vậy, này các Tỳ kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha… có an trí cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này, như vậy, này các Tỳ kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỳ kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này” [4]. Cha mẹ là người đưa con vào đời và trong một ý nghĩa nào đó, cha mẹ luôn theo con cái từ quá khứ đến hiện tại và trải dài đến tương lai, báo đáp bằng phương pháp thông thường của thế gian cũng chưa đủ mà phải thêm phần báo đáp bằng phương pháp xuất thế gian mà Phật dạy.
Báo đáp thâm ân
Công ơn cha mẹ bao la như trời biển, bổn phận người con phải như thế nào? Có cách nào để báo đáp công ơn cha mẹ? Cách báo đáp nào là cao thượng và ý nghĩa nhất đối với cha mẹ? Người viết xin dẫn một số bài kinh khác để trả lời lần lượt các câu hỏi trên.
Bổn phận của con cái với cha mẹ và ngược lại
Phận làm con phải lo tròn chữ hiếu, đó là điều mà ai cũng được học, được nghe và trở thành đạo lý cao thượng giữa đời. Phật đã dạy về bổn phận của người con trong Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt (Singàlovàda-Suttanta) khi đảnh lễ phương Đông để tưởng nhớ, lễ lạy cha mẹ với ý nghĩa rằng: “Được nuôi dưỡng, tôi sẽ nuôi dưỡng lại cha mẹ; tôi sẽ làm bổn phận đối với cha mẹ; tôi sẽ gìn giữ gia đình và truyền thống; tôi bảo vệ tài sản thừa tự; tôi sẽ làm tang lễ khi cha mẹ qua đời” [5].
Đó là những việc mà bình thường một người con phải thực hiện ở đời. Khi còn nhỏ, cha mẹ nuôi dưỡng, chăm nom, khi có khả năng tự chăm sóc cho bản thân thì phải nhớ lấy công ơn cha mẹ đã từng chăm sóc chúng ta như thế nào mà quay trở lại chăm sóc cha mẹ. Phụng dưỡng cha mẹ từ vật chất đến tinh thần, tức không những chỉ chăm sóc, lo lắng nuôi dưỡng hàng ngày hay lúc bệnh tật mà còn luôn cố gắng làm những điều cho cha mẹ vui lòng, đem lại hạnh phúc cho cha mẹ trong cuộc sống hằng ngày. Việc phụng dưỡng cha mẹ đem lại phước báu an lạc chư thiên, như trong Kinh Tương Ưng bộ I, Phật dạy:
“Người nào theo thường pháp,
Nuôi dưỡng mẹ và cha,
Chính do công hạnh này,
Đối với cha, với mẹ,
Nhờ vậy, bậc Hiền Thánh,
Trong đời này tán thán,
Sau khi chết, được sanh,
Hưởng an lạc, chư thiên” [6].
Tiếp đến, người con phải biết lo lắng, giữ gìn truyền thống gia đình. Việc này cần được cân nhắc kỹ lưỡng, bởi phải tiếp thu có chọn lọc những truyền thống tốt đẹp, phù hợp với giá trị của xã hội luôn biến chuyển. Một người làm con, là thế hệ sau nên thừa kế và phát huy những gì tốt đẹp của gia đình, bên cạnh đó phải có chánh kiến, nhận ra những gì không tốt của thế hệ đi trước nhằm thay đổi, chuyển hóa, làm vậy thì cuộc sống gia đình mới ngày càng tốt đẹp hạnh phúc.
Đối với việc giữ gìn tài sản thừa tự cũng tương tự như giữ gìn truyền thống. Tài sản cha mẹ để lại cho con cái vô cùng quý giá, dù ít dù nhiều, người con phải chú tâm giữ gìn và phát triển. Không những vậy, còn phải biết sử dụng tài sản đó sao cho hợp lý, làm việc thiện, đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Có như vậy, tài sản cha mẹ mới sử dụng đúng mục đích, cũng chính là đem lại lợi lạc cho cha mẹ vậy.
Làm lễ tang cho cha mẹ khi qua đời là điều hiển nhiên mà bất cứ người con nào cũng phải thực hiện cho trọn vẹn. Song, mỗi quốc gia, mỗi vùng miền lại có nghi lễ khác nhau, việc nên làm là người con phải chọn lựa cách thực hiện lễ tang sao cho hợp lý, đúng với ý nghĩa Phật dạy. Có thể thấy, một việc hết sức ý nghĩa và thường xuyên được hướng dẫn trong nghi lễ tang của Phật giáo Việt Nam đó là tụng kinh, hộ niệm, thực hiện bố thí cúng dường, hồi hướng công đức cho cha mẹ. Cần tránh những nghi lễ quá rườm rà không cần thiết trong lễ tang, đặc biệt là giết hại sinh vật, đám tiệc linh đình, làm như vậy thì cả cha mẹ quá cố lẫn con cháu hiện tiền không được lợi ích gì.
Trên đây là những bổn phận cơ bản của một người con giữa cuộc đời mà Đức Phật đã dạy. Đối với bổn phận cha mẹ, không phải cha mẹ nào sanh con ra cũng làm tròn, làm đúng bổn phận của mình. Vì vậy mà trong bài kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, Phật cũng hướng dẫn bổn phận của cha mẹ: “Này Gia chủ tử, được con phụng dưỡng như phương Đông, theo năm cách như vậy, cha mẹ có lòng thương tưởng đến con theo năm cách: Ngăn chặn con làm điều ác; khuyến khích con làm điều thiện; dạy con nghề nghiệp, cưới vợ xứng đáng cho con; đúng thời trao của thừa tự cho con” [7]. Đoạn kinh vừa dẫn ở trên nói lên lời dạy của Phật về bổn phận làm những điều đúng đắn của bậc làm cha mẹ đối với con cái, cũng là nêu lên vai trò quan trọng của những ý nghĩ thiện, những lời nói, việc làm thiện. Và việc khuyến hóa cha mẹ theo những điều thiện như trên cũng là bổn phận của con cái, là phương phức báo hiếu cao thượng và ý nghĩa nhất.
Báo hiếu cao cả nhất-cùng cha mẹ hướng thiện hướng thượng
Nếu như không may mắn, sanh vào gia đình mà cha mẹ không biết điều lành dữ, không hướng dẫn cho con cái hướng thiện, bản thân người con cũng không nên trách móc cha mẹ để rồi nảy sinh oán kết. Hay may mắn hơn một chút, cha mẹ là người có hiểu biết, có đạo đức trong xã hội, nhưng cha mẹ cũng chưa biết đến Phật pháp, còn nắm giữ những thú vui thường tình của thế gian mà cho đó là tất cả. Người con đó phải nhận thức được trách nhiệm của mình, thấu hiểu nghiệp lực của cha mẹ và gia đình, từ đó tìm cách vun trồng phước điền cho cả bản thân và cha mẹ. Và sau cùng là hướng đến mục tiêu giải thoát cao thượng của chính mình và cha mẹ, đó là phương thức báo hiếu cao thượng và ý nghĩa nhất. Đức Phật dạy về phương pháp báo hiếu, trả ơn trọn vẹn này trong Kinh Tăng Chi Bộ I rằng: “Nhưng này các Tỳ kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn an trú, các vị ấy vào lòng tin; đối với mẹ cha theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới; đối với mẹ cha xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào bố thí; đối với mẹ cha theo ác trí tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỳ kheo, là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha” [8].
Đối với cha mẹ chưa có lòng tin với Tam bảo, người con cần xây dựng niềm tin này cho cha mẹ. Niềm tin vào Phật, vào những lời dạy của Phật và người truyền bá những lời dạy này là bước khởi đầu cho quá trình tu tập chuyển hóa nghiệp lực. Cách xây dựng niềm tin có kết quả nhất là thông qua niềm tin của chính bản thân, tức người con phải Chánh tín Tam bảo, thường xuyên học tập và thực hành Phật pháp để tự mình có được an lạc hạnh phúc. Sau khi bản thân người con thực hành, có một kết quả nhất định nào đó, chắc chắn cha mẹ sẽ dễ dàng tin vào những gì mà con cái đang theo đuổi, cũng chính là tin tưởng vào con đường mà Phật đã dạy để chuyển hóa bản thân vậy.
Khuyến khích, hướng dẫn cha mẹ xa lìa ác giới và an trú vào thiện giới chính là giúp họ bỏ ác làm lành. Trong cuộc sống, do nghiệp lực, có những bậc cha mẹ còn thực hiện các ác nghiệp với tham, sân, si. Những điều này có khi đem lại cái lợi trước mắt hay với lý do là nuôi con nên cực khổ ráng chịu đựng ác nghiệp. Cho dù là với lý do gì đi nữa, những việc làm ác sẽ chẳng bao giờ đem lại một lợi ích thiết thực lâu dài nào. Ví như có người con sanh ra trong gia đình làm nghề đồ tể, chứng kiến cha mẹ hằng ngày giết hại sinh vật, lấy đó làm phương tiện mưu sinh, nếu người con không được học tập Phật pháp, con đường thừa kế ác nghiệp là điều rất dễ xảy ra. Trong khi đó, nghề đồ tể là một trong những tà mạng với nghiệp sát rất nguy hiểm mà Phật đã dạy, cho nên bất cứ khi nào có thể từ bỏ nó thì quả thật là điều ý nghĩa vô cùng. Đó chỉ là ví dụ cho rất nhiều những ác nghiệp có thể dẫn tới quả khổ đau trong hiện tại và tương lai, cách báo hiếu cao cả nhất là giúp cha mẹ tránh khỏi những ác nghiệp này, hướng đến các việc làm thiện lành. Một trong những nghiệp lành được nhắc đến trong đoạn kinh trên là bố thí.
Bố thí giúp cho cha mẹ đối trị với hạt giống tham, một trong ba căn bản phiền não. Một người biết bố thí, xả bỏ bớt tài vật sẽ đem lại an lạc hạnh phúc, khi bố thí thì chính người cho và người nhận đều nhận được năng lượng an lành. Đó chỉ mới là sự xả bỏ tài vật đã mang lại lợi ích, huống hồ hướng dẫn được cho cha mẹ về con đường thiện lành rồi, cha mẹ còn đem con đường đó chỉ dạy lại cho người khác. Như vậy là cha mẹ dần thành tựu được cả tài thí lẫn pháp thí, là một thành tựu vô cùng cao đẹp. Bố thí cũng là một trong các Ba-la-mật, đem lại lợi ích vô cùng to lớn mà trong Kinh Bố Thí, Phật đã nhắc tới ba mươi bảy lợi ích tương ứng với những việc bố thí, gồm: Ba nghiệp thanh tịnh, bốn thời an ổn; thân tâm luôn được an vui, không tán loạn; thân tướng đoan nghiêm, xả lìa chấp tướng; xa lìa khỏi phiền não cấu uế…; và lợi ích cao tột nhất khi đem tâm vô trụ, vô tướng bố thí thì sớm được chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác [9]. Sau cùng, việc báo hiếu cao thượng được trích dẫn trong đoạn kinh trên là khuyến khích, hướng dẫn cha mẹ an trú vào trí tuệ, từ bỏ si mê. Khuyến khích, hướng dẫn cha mẹ thực hiện các pháp bố thí, thành tựu trí tuệ để rồi được chân hạnh phúc, là nền tảng để họ chứng đạo quả thì quả thật là một việc làm báo hiếu không có gì sánh bằng.
Trên đây là những việc làm báo hiếu ý nghĩa nhất, cao thượng nhất và đầy đủ nhất cho cha mẹ. Những việc báo hiếu trọn vẹn như trên cũng không dễ thực hiện. Chính Đức Phật khẳng định trong Kinh Tương Ưng V, những người con có hiếu đã rất khó mà có được, như một ít đất trên đầu móng tay, còn người con chưa hiếu đạo thì nhiều như đất trên cả địa cầu [10]. Huống hồ là người con tận hiếu theo ý nghĩa cao thượng, vĩ đại như trên. Thế nhưng, việc hiếu cao thượng đã được Đức Phật dạy rõ ràng như vậy, mặc dù rất khó nhưng không phải không thực hiện được. Làm sao để cùng cha mẹ hướng thiện, hướng thượng và sau cùng là đạt được sự giải thoát chính là cơ hội duy nhất để báo đáp trọn vẹn ân sâu cha mẹ.
Kết luận
Thông qua một số bài kinh trong kinh tạng Nikāya, người viết đã nêu lên lời Phật dạy về công ơn của cha mẹ cùng phương pháp báo đáp. Ơn nghĩa sinh thành dưỡng dục của cha mẹ hiện tiền, cùng cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp cao dày, sâu nặng không thể kể xiết, thường được ví cao như núi, rộng như biển. Để báo đáp ân thâm sâu nặng đó, người con phải hết lòng phụng dưỡng cha mẹ khi còn tại thế từ vật chất đến tinh thần là việc làm báo hiếu cơ bản nhất mà mỗi người phải thực hiện. Thế nhưng việc báo hiếu cao thượng, có ý nghĩa nhất đó chính là khuyến khích, hướng dẫn cha mẹ làm lành tránh ác, chánh tín Tam bảo, trau dồi trí tuệ nhằm đạt được chân hạnh phúc, giải thoát nơi kiếp sống hiện tại và lợi lạc về tương lai.
Việc làm báo hiếu cao thượng như trên được chứng thực rõ ràng nhất qua cuộc đời của Đức Phật. Từ một vị vương tử có tương lai là Chuyển luân thánh vương, Ngài đã nhận ra đó không phải là cứu cánh mà từ bỏ để đi tìm con đường giác ngộ, giải thoát. Sau khi thành đạo, Phật đã trở về hóa độ vua cha thành bậc Tu-đà-hoàn và trước khi lâm chung Phật giảng pháp cho vua cha chứng đắc quả vị A-la-hán. Đó chính là tấm gương đại hiếu mà mỗi người đều phái hướng về và nguyện từng bước cố gắng thực hiện cho dù trải qua bao nhiêu kiếp sống đi nữa.
Chú thích và tài liệu tham khảo:
[1] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch (1991), Kinh Tương Ưng 2, Thiên Nhân Duyên, Chương IV: Tương Ưng Vô Thỉ I, Phẩm thứ nhất, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.314.
[2] Thích Huệ Đăng, Kinh Vu lan và Báo hiếu, Nxb. Tôn giáo.
[3] Thích Trí Siêu dịch (2015), Bồ Tát Hạnh, Nxb. Hồng Đức.
[4] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch (1996), Kinh Tăng Chi Bộ 1, Chương II Hai Pháp IV. Phẩm Tâm Thăng Bằng, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.119.
[5] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch (1991), Kinh Trường Bộ 2, 31. Kinh Giáo Thọ Thi Ca-La-Việt, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.542.
[6] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch (1991), Kinh Tương Ưng 1 Thiên Có Kệ, Chương VII Tương Ưng Bà-La-Môn II. Phẩm Cư Sĩ, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.399.
[7] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch (1991), Kinh Trường Bộ 2, 31. Kinh Giáo Thọ Thi Ca-La-Việt, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.542.
[8] Hòa Thượng Thích Minh Châu (2015), Kinh Tăng Chi Bộ – Tập I, IV. Phẩm Tâm Thăng Bằng, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.98-99.
[9] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh (2000), Đại Tập 65 – Bộ Kinh Tập XII – Số 674 -> 720, Số 705 – Kinh Bố Thí, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn (Đài Bắc), tr.735.
[10] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch (1991), Kinh Tương Ưng 5 Đại Phẩm, Chương XII Tương Ưng Sự Thật, VII. Phẩm Bánh Xe Lược Thuyết, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.675.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Oán gia không muốn kẻ thù được khen ngợi
Lời Phật dạy 17:40 11/11/2024Người có tâm oán thù thì không mong kẻ thù có danh tiếng, được khen ngợi. Ngược lại, họ còn cầu cho kẻ thù luôn bị tiếng xấu, thậm chí thân bại danh liệt. Âu đó cũng là chuyện thường của thế gian.
Những phương pháp sống khỏe theo lời Phật dạy
Lời Phật dạy 07:56 11/11/2024Đức Phật luôn khuyến khích con người sống một lối sống lành mạnh, bằng cách thay đổi tư duy về ăn uống, nghỉ ngơi và làm việc để có một thân thể quân bình cả thân lẫn tâm.
Khởi lên ý niệm cai trị, quản lý liền rơi vào lưới ma
Lời Phật dạy 19:00 07/11/2024Pháp thoại này cho thấy Thế Tôn đã từng nghĩ đến việc thiết lập một xã hội đức trị lý tưởng trong đó có cai trị mà “không giết hại, không để người giết hại; không chinh phục, không khiến người chinh phục; không sầu muộn, không khiến người sầu muộn”. Đây là một ý tưởng tuyệt vời, tâm nguyện vì chúng sanh cao cả.
Xem thêm