Thứ, 05/04/2021, 09:45 AM

Tư tưởng hiếu đạo qua hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm

Tư tưởng Hiếu đạo qua hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm với hai đặc trưng cơ bản là “cầu tự” và “báo hiếu”. Điều này chiếm vị thế chủ đạo trong dòng chảy lịch sử Á Đông. Qua đó thấy được, Phật giáo là một tôn giáo giàu tính nhân văn và có tính thích ứng cao.

Quán Thế Âm là vị Bồ tát được tôn thờ phổ biến ở Việt Nam và những nước có cùng hệ tư tưởng Phật giáo Bắc truyền như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tôn tượng của Ngài được phụng thờ uy nghi trong các cơ sở tự viện cũng như tư gia Phật tử. Quán Thế Âm được dịch trực tiếp từ chữ Avalokiteśvara trong tiếng Phạn, với ý nghĩa đầy đủ: “Bậc giác ngộ chúng hữu tình bằng cách quán sát âm thanh trong thế gian” hay là Quán Tự Tại Bồ tát. Trong một năm, Ngài có tới ba ngày vía chính: ngày Đản sinh (19 tháng 2 Âm lịch), ngày Thành đạo (19 tháng 6 Âm lịch) và ngày Xuất gia (19 tháng 9 Âm lịch). Vào những ngày này, Phật tử nô nức đến các tự viện hay tịnh xá, đối trước tượng Ngài đốt hương cầu nguyện hay lễ bái tụng kinh…

Hình ảnh của Ngài được biết đến qua các tên gọi phổ biến như: Quán Âm Phật tổ, Quán Âm Đại sĩ, Quán Âm nương nương, Bạch Y Đại sĩ, Mẹ hiền Quán Âm… Với hệ tư tưởng Tịnh Độ, Ngài xuất hiện trong hình ảnh Tây phương Tam Thánh, cùng với Bồ tát Đại Thế Chí đứng hầu tả hữu bên cạnh Đức Phật A Di Đà. Ngoài ra, Ngài còn là một trong bốn vị Đại Bồ tát quan trọng theo hệ tư tưởng Phật giáo Bắc truyền, bên cạnh Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Phổ Hiền và Bồ tát Địa Tạng. Xưa nay, dù hóa hiện với bất kỳ hình ảnh nào, hình ảnh Ngài trong mắt người con Phật luôn là người mẹ hiền yêu thương con vô bờ bến, chỉ cần chúng sanh cần là Ngài luôn xuất hiện mọi lúc mọi nơi. Nhân ngày Đản sanh năm nay, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về tư tưởng Hiếu đạo qua hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm.

Đức Phật dạy về hiếu đạo

Hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm với tư tưởng hiếu đạo đã góp phần tạo nên điểm son sáng chói trong lịch sử phát triển của nền văn hóa Việt.

Hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm với tư tưởng hiếu đạo đã góp phần tạo nên điểm son sáng chói trong lịch sử phát triển của nền văn hóa Việt.

Đôi nét về dòng chảy lịch sử tư tưởng hiếu đạo

Trong văn hóa truyền thống Á Đông, tư tưởng hiếu đạo chiếm vị thế vô cùng quan trọng. Đây là một trong những tiêu chí đạo đức đánh giá nhân cách con người. Tiêu chí này đặt trên nền tảng luân lý Nho giáo. Cùng với sự ưu thắng của Nho giáo trong xã hội Á Đông, tư tưởng hiếu đạo đã trở thành một trong những nét đặc sắc tiêu biểu suốt hàng ngàn năm qua.

Theo dòng chảy lịch sử, tư tưởng hiếu đạo là quan niệm đạo đức có từ thế kỷ thứ XI hoặc X TCN, tức thời Tây Chu. Trong giai đoạn này, “Hiếu” được hiểu theo hai nghĩa cơ bản là “thờ cúng tổ tiên” và “nối dõi tông đường”. Trong kinh Dịch có câu: “Tổ tiên là nguồn gốc sinh sôi của nhân loại, nếu không có tổ tiên thì con người đến từ đâu?” [1]. Đây cũng là một trong những lý giải đầu tiên về nguồn gốc của nhân loại theo quan điểm người xưa. Đến thế kỷ thứ VIII hoặc VII TCN, vào thời Xuân Thu, quan niệm về chữ Hiếu có phần sâu sắc hơn, như trong kinh Thi miêu tả:

“Thương cho hai đấng sinh thành,

Sinh ta vất vả cũng đành chịu cam” [2].

Mãi đến cuối thế kỷ thứ II TCN, vua Lưu Hằng – hoàng đế thứ năm triều Tây Hán, nổi tiếng với việc tự mình nếm thuốc đắng chữa bệnh cho mẹ là Bạc Cơ (?-155 TCN). Sau đó, đến khoảng thế kỷ XIII-XIV, có học giả tên là Quách Cư Kính (?-?) soạn ra tập sách Nhị thập tứ Hiếu trứ danh. Tác phẩm này không những được lưu truyền rộng rãi mà còn ảnh hưởng nhất định với các nước Á Đông.

Từ ngàn xưa đến nay, tư tưởng hiếu đạo đã trở thành nét đẹp đặc trưng đáng quý trong văn hoá truyền thống phương Đông. Hệ tư tưởng này chủ yếu nói lên những quan niệm cơ bản về mối quan hệ huyết thống gia tộc. Người cùng một nhà phải biết yêu thương, kính trên nhường dưới và tôn trọng lẫn nhau. Nhất là phải giữ cho được giềng mối: Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dưỡng giáo dục con cái, ngược lại, con cái phải biết phụng dưỡng hiếu kính cha mẹ khi về già. Đây là một mỹ đức cần được phát huy và phổ biến rộng rãi hơn.

Hiếu đạo của Nho gia là thế, chỉ dừng ở việc phụng dưỡng mẹ cha. Còn với Phật giáo, cụ thể là ở Việt Nam, có những vị danh tăng, một đời phụng sự nhân sinh, không chỉ đạo cao đức trọng, mà còn hiếu thảo vô song. Như sơ Tổ dòng thiền Lâm Tế Việt Nam là Thiền sư Thiệt Diệt Liễu Quán (1667-1742), người Phú Yên, năm Tân Mùi (1691) khi xuống tóc xuất gia vừa tròn một năm, Ngài phải trở về quê nhà, hằng ngày bán củi nuôi cha, trải qua bốn năm thì cha qua đời. Năm Ất Hợi (1695), Ngài mới ra lại Huế, tiếp tục vĩ nghiệp xuất trần với Thiền sư Thạch Liêm (1633 – 1704). Ngoài ra, ở thời đương đại, có Hòa Thượng Nhật Liên (1923 – 2010), người gốc Quảng Trị, với hạnh nguyện hành trì theo pháp môn Quán Âm, Ngài đã từng tôn tạo Phật đài Quán Thế Âm uy nghiêm cao lớn, hướng ra dòng sông Văn Thánh chảy ngang trước chùa, với đôi câu đối:

“Văn Thánh tự thuở tiêu danh, Đạo truyền thiên hạ

Phật tượng giờ đây định vị, Phước rải hà sa”.

Năm 1972, khi thấy mẹ ốm nặng, không đi lại được, Ngài quyết định lập đàn Dược Sư bái sám 108 ngày với lời nguyện cầu: “Con xin giảm 10 năm tuổi thọ để cho mẹ con được bình phục” [3]. Tâm nguyện chí thành chí kính, lòng hiếu của Ngài đã lay động đất trời, nhờ vậy sau đó mẹ Ngài đã khoẻ trở lại.

Cả hai vị nêu trên đều báo hiếu bằng hành động thiết thực và cụ thể. Nho giáo chỉ yêu cầu con cái có bổn phận hiếu dưỡng cha mẹ, nhưng với Phật giáo, ngoài việc làm tròn phận sự của người con, các vị tu sĩ còn phải “thờ cúng tổ tiên” với việc viễn kỵ lịch đại Tổ sư và “nối dõi tông đường” bằng cách tiếp tăng độ chúng, truyền thừa mạng mạch Phật pháp. Từ đó thấy được, Hiếu đạo trong Phật giáo được lý giải và triển khai ở tầng thứ cao hơn hẳn.

Những hạnh lành của người con Phật hiếu đạo

Hình ảnh mẹ hiền Quán Âm cũng đã khắc sâu vào tâm khảm mỗi người con Phật.

Hình ảnh mẹ hiền Quán Âm cũng đã khắc sâu vào tâm khảm mỗi người con Phật.

Tín ngưỡng cậu tự đối trước tôn tượng Bồ tát Quán thế âm

Cầu tự có nghĩa là đôi vợ chồng hiếm muộn đến chùa cầu xin bề trên ban cho một đứa con trai để nối dõi tông đường. Trong dân gian, tín ngưỡng này thể hiện rõ qua tác phẩm Thanh Gia lục của văn sĩ Cố Lộc (1793 – 1843: “Ngày 19 tháng 2 là đản sanh của Quán Âm, vào ngày này nam nữ lão ấu đều đến miếu chùa thắp hương lễ bái, hoặc cúng đèn trường thọ nơi Phật tiền để cầu bình an khỏe mạnh, hoặc cúng tràng phan…”. Có thể thấy, vào ngày đản sanh của Ngài, những người con Phật đều có thói quen đi chùa, trước là thắp hương lễ Phật, sau là cầu phước hay cầu tự. Còn ở nước ta, từ mùng sáu tháng Giêng cho đến hạ tuần tháng Ba âm lịch hàng năm, người dân thập phương thường có thói quen đi chùa Hương cầu tự. Đây là một hành trình mang sắc thái tâm linh về miền đất Phật, với niềm tin Bồ tát Quán Thế Âm ứng hiện tu hành. Lễ hội đã có truyền thống từ mấy trăm năm qua, trong lòng người dân, chùa Hương là một vùng đất thần tiên, qua câu ca dao:

“Một vùng non nước bao la,

Rằng đây Lạc quốc hay là Đào nguyên.

Hương Sơn là chốn non tiên,

Bồng lai mà thấy ở miền trần gian”.

Ngày xưa, khi y học chưa phát triển, một cặp vợ chồng hiếm muộn, việc làm duy nhất của họ lúc này chỉ biết phó thác vào tâm linh, căn cứ vào sự chỉ dẫn được miêu tả trong kinh điển Phật giáo chính thống và dân gian, theo đó mà hành trì và ứng dụng, chỉ với mong muốn duy nhất là sinh được con cái. Mạnh Tử nói: “Tội bất hiếu có ba điều, không con nối dõi là điều lớn nhất” [4]. Việc có con nối dõi tông đường với người Á Đông xưa rất quan trọng. Niềm tin cầu tự Bồ tát Quán Thế Âm còn được nhắc đến trong kinh điển Phật giáo như phẩm Phổ môn có chép: “Nếu có người nữ, muốn cầu con trai, nên một lòng lễ bái và cúng dường Bồ tát Quán Âm, sẽ được sanh con trai có đầy đủ trí huệ và phước đức; còn nếu cầu con gái thì sẽ sinh con gái có tướng đoan chánh và xinh đẹp” [5]. Đây là hình ảnh Quán Âm có nguồn gốc từ Ấn Độ cổ đại, qua đó ta thấy được người Ấn cổ hiếm muộn, cũng nhờ tới công năng đặc biệt của Ngài. Đương nhiên, quan niệm về chữ hiếu của người dân Nam Á chắc chắn không giống với Á Đông.

Ở một điển tích khác cũng nói về việc đối trước tôn tượng Bồ tát Quán Thế Âm cầu tự được lưu truyền phổ biến trong dân gian. Tác phẩm Ghi lại sự linh nghiệm trong hệ Quán Âm của Lục Cảo (?-?) có chép: “Có một người họ Đài, không có con cái nối dõi, trong lòng u sầu thảm thiết. Và đến trước tượng Quán Thế Âm khấn nguyện cầu sinh con trai. Sau đó, đối trước chúng Tăng phát nguyện: ‘Nếu ban cho con sanh được con trai, mọi thứ thật may. Đến mùng tám tháng tư nếu sanh được, đó chính nhờ oai lực chư thần vậy’. Quả nhiên đến ngày ấy, hạ sanh được một bé trai, đặt tên là Quán Thế Âm” [6].

Từ đây, thấy được ước muốn cầu tự và niềm tin vào tâm linh của người dân Á Đông vô cùng mãnh liệt, họ sinh con vì mong muốn có người nối dõi tông đường và làm tròn bổn phận Hiếu đạo với tổ tiên.

Phật tử nên gọi là Quán Âm Bồ tát hay Quan Âm Bồ tát?

Tư tưởng Hiếu đạo qua hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm với hai đặc trưng cơ bản là “cầu tự” và “báo hiếu”.

Tư tưởng Hiếu đạo qua hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm với hai đặc trưng cơ bản là “cầu tự” và “báo hiếu”.

Tư tưởng hiếu hạnh của Quan âm trong dân gian

Báo hiếu là một trong những hành động quan trọng và thiết thực trong đời sống hàng ngày của người con Phật. Điển hình là câu chuyện công chúa Diệu Thiện trong Quán Âm Nam Hải, tác phẩm được cho là sáng tác cùng thời với Nhị Thập Tứ Hiếu. Chuyện kể về một nàng công chúa ngày ngày bị vua cha hành hạ và ngược đãi, nhưng hầu như nàng không có bất kỳ hành động kháng cự nào, kể cả một lời oán than cũng không. Điều này chính là yêu cầu cơ bản về quan niệm hiếu đạo mà mỗi người con phải giữ trọn với cha mẹ.

Còn tại sao nàng phải chịu mọi sự đối đãi bất công như vậy? Theo câu chuyện, vì muốn xuất gia tu đạo, nên công chúa đã cố gắng chịu đựng mọi nghịch duyên thử thách đến từ người cha khả kính, thời gian sẽ cho đức vua hiểu được chí nguyện xuất gia đầu Phật của nàng. Sự ngăn trở đến từ vị vua không hề giản đơn, đôi khi còn phương hại đến tính mạng của nàng. Ấy vậy mà, Diệu Thiện một lòng kiên trinh, không chút nề hà oán hận. Nhiều năm về sau, khi đức vua lâm trọng bệnh, và cũng trong thời gian này, nàng đã tu thành chánh quả ở chùa Hương Sơn. Vì muốn cứu sống cha mình, nàng quyết định móc hai mắt và chặt đứt đôi tay để làm thuốc trị bệnh cho cha [7]. Câu chuyện được lưu truyền trong dân gian nói lên bổn phận của người con phải biết làm gì khi cha mẹ mình cần, kể cả hy sinh mạng sống, vì tấm thân máu mủ này là do hai đấng sanh thành hòa hợp mà có được.

Câu chuyện vừa nêu ở phiên bản Việt Nam, cũng có nội dung miêu tả về nàng công chúa Ba, con gái vua Diệu Trang, vua nước Hưng Lâm. Nhưng sau đi tu và chứng quả ở núi Hương Tích thuộc Việt Nam. Trong truyện chủ yếu nhấn mạnh hai đặc tính quan trọng của Bồ tát:

“Chân như Đạo Phật rất mầu,

Tâm trung chữ Hiếu, niệm đầu chữ Nhân.

Hiếu là độ được đấng thân,

Nhân là cứu vớt trầm luân muôn loài” [8].

Đoạn trên chỉ vỏn vẹn với bốn dòng thơ lục bát, nhưng cũng đủ thấy được cha ông ta thời này đã biết dung hòa và hợp nhất hai khái niệm “Hiếu” và “Nhân”. Trong mắt người Việt, Đạo Phật rất thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Với quan niệm hiếu đạo mang đậm chất Phật giáo, tu làm sao để độ được hai đấng sanh thành mới là chân báo hiếu, bước nữa là phải cứu độ quần sanh vượt khỏi bể khổ sông mê, đây là một trong những công hạnh đặc biệt quan trọng của một hành giả tu theo hệ tư tưởng Bồ tát thừa. Hơn nữa, Bồ tát Quán Thế Âm cũng được người dân Việt hóa với hình ảnh gần gũi:

“Linh thiêng ngàn mắt ngàn tay,

Cũng trong một điểm linh đài mà ra.

Xem trong biển nước Nam ta,

Phổ Môn có Đức Phật bà Quán Âm” [9].

Tín ngưỡng Bồ tát Quán Thế Âm khi du nhập vào vùng đất Đông Á, với khả năng tiếp biến văn hoá mạnh mẽ của mình, tự thân Phật giáo khắc biết kết hợp với văn hóa bản địa rồi dần xây dựng nên một hình ảnh Quán Âm với tấm gương hiếu hạnh đặc trưng, một lòng trung dung.

Tín ngưỡng Bồ tát Quán Thế Âm khi du nhập vào vùng đất Đông Á, với khả năng tiếp biến văn hoá mạnh mẽ của mình, tự thân Phật giáo khắc biết kết hợp với văn hóa bản địa rồi dần xây dựng nên một hình ảnh Quán Âm với tấm gương hiếu hạnh đặc trưng, một lòng trung dung.

Quan âm của người Việt

Một vị Bồ tát nghìn mắt nghìn tay, để chúng sanh muôn xứ tìm cầu muôn xứ hiện, với mục đích duy nhất là nguyện làm thuyền độ người vượt qua bể khổ. Đây chính là tín ngưỡng Phật giáo bình dân với lý tưởng tối cao và tha lực của mẹ hiền Quán Âm. Từ đó thấy được, sau khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, tới giai đoạn này đã ăn sâu bén rễ vào mảnh đất Việt, hòa quyện và đồng hành cùng dân tộc bằng một định nghĩa sâu sắc về quan điểm Hiếu đạo mang phong cách Việt.

Thứ nữa, hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm được dân gian hóa từ câu chuyện Quan Âm Thị Kính bằng những thể loại nghệ thuật như hát chèo, cải lương, diễn thơ và văn xuôi. Theo học giả Nguyễn Lang, tích chèo ra đời trước truyện thơ rất lâu, có thể đến hàng thế kỷ. Nhưng khi truyện thơ Quan Âm Thị Kính ra đời, tích chèo Quan Âm Thị Kính lại bị truyện thơ Quan Âm Thị Kính ảnh hưởng trở lại về phương diện văn chương. Sau đó, mới hiện đại hóa hơn bằng phim ảnh. Nội dung tích truyện kể về nỗi hàm oan giết chồng của một phụ nữ mang tên Thị Kính. Xã hội đương thời không dành cho người phụ nữ lối thoát, nàng đã tự tìm lối đi cho đời mình bằng cách cải trang thành nam nhân và xuống tóc nương nhờ cửa Phật, song oan trái tiền khiên vẫn chưa buông tha, nàng lại bị vu oan phá giới phạm trai, nhưng nhờ vào công hạnh từ bi nhẫn nhục nên về sau nỗi oan ức được hoá giải, nhờ vậy nàng đã đắc quả tu hành. Còn theo tích chèo miêu tả hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm có thủy có chung qua lời kể của sư cụ chùa Vân với điệu:

“Nay bà Thị Kính hóa duyên

Nam mô Phật, độ vô biên hằng hà

Hoá thân được cả mẹ cha

Kìa là bạn cũ, nọ là con thơ

Thế gian trông thấy sờ sờ”.

Qua những vần thơ trên, ta thấy được khi Thị Kính tu thành chánh quả, đã trở lại hồng trần độ song thân, lang quân và đứa con thơ của mình cùng vô số chúng sanh. Chỉ có tu theo Phật mới có thể báo hiếu chu toàn và nhân nghĩa trọn vẹn. Đây chính là một trong những hóa thân của Bồ tát Quán Thế Âm với tấm gương hiếu hạnh không ai sánh bằng. Trong nhà Phật có câu: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Một Phật tử khi quy y theo Phật, ngoài việc học và tu theo hạnh Phật ra, còn phải làm sao để báo đáp ân sanh thành dưỡng dục của song thân bằng những hành động thiết thực.

Có thể nói, tư tưởng Hiếu đạo qua hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm với hai đặc trưng cơ bản là “cầu tự” và “báo hiếu”. Điều này chiếm vị thế chủ đạo trong dòng chảy lịch sử Á Đông. Qua đó thấy được, Phật giáo là một tôn giáo giàu tính nhân văn và có tính thích ứng cao. Vì vậy, tín ngưỡng Bồ tát Quán Thế Âm khi du nhập vào vùng đất Đông Á, với khả năng tiếp biến văn hoá mạnh mẽ của mình, tự thân Phật giáo khắc biết kết hợp với văn hóa bản địa rồi dần xây dựng nên một hình ảnh Quán Âm với tấm gương hiếu hạnh đặc trưng, một lòng trung dung. Từ đó, hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm với tư tưởng hiếu đạo đã góp phần tạo nên điểm son sáng chói trong lịch sử phát triển của nền văn hóa Việt. Bên cạnh đó, hình ảnh mẹ hiền Quán Âm cũng đã khắc sâu vào tâm khảm mỗi người con Phật.

Chú thích:

[1] “Tiên tổ giả, loại chi bổn dã; vô tổ tiên, ô xuất?”.

[2] “Ai ai phụ mẫu, sanh ngã cù lao”.

[3] Cố Lộc (2001), Thanh Gia lục (Tùng thư bút ký đời Thanh), Nxb. Tề Lỗ, tr.2359.

[4] “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”.

[5] Diệu pháp liên hoa kinh, quyển 7, Đại chánh tạng, tập 9, tr.57a.

[6] Lục Cảo (đời Tề), Tôn Xương Vũ (hiệu đính) (1994), “Ghi lại sự linh nghiệm trong hệ Quán Âm”, Ghi chép ba loại ứng nghiệm Quán Thế Âm, Nxb. Trung Hoa, tr.53.

[7] Tây Đại Ngọ Thìn Tẩu Nhân, Chu Khai Thái, Thẩm Truyền Phụng (2008), Nam Hải Quán Âm toàn truyện và Đạt Ma xuất thân đăng truyện (hợp san), Nxb. Tam dân,tr.50-60.

[8] Nguyễn Đăng Thục (1974), Phật giáo Việt Nam, Nxb. Mặt đất, tr.22.

[9] Nguyễn Đăng Thục (1974), Sđd, tr.54.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Cuộc đời Tôn giả Mahã Kassapa qua kinh tạng Nikãya

Nhân vật Phật giáo 09:00 11/10/2024

Từ khi chào đời cho đến lúc nhập diệt, Ngài luôn sống trong thanh tịnh, hoàn thành chí nguyện xuất gia cũng như lối sống phạm hạnh đầu đà của mình.

Tôn giả Ananda và 8 đặc ân khi làm thị giả của đức Phật

Nhân vật Phật giáo 07:35 31/05/2024

Sau khi nghe Đại đức Ānanda giải thích ý nghĩa của mỗi đặc ân, Đức Phật chấp thuận đủ tám đặc ân của Đại đức Ānanda. Bắt đầu từ thời gian ấy, Đại đức Ānanda chính thức là thị giả thường trực ngày đêm lo chăm sóc, phục vụ Đức Thế Tôn, cho đến lúc Đức Thế Tôn tịch diệt Niết Bàn.

Thời niên thiếu của Tôn giả Mục-kiền-liên

Nhân vật Phật giáo 19:20 26/03/2024

Tôn giả Mục-kiền-liên, bậc Thánh đứng hàng thứ hai trong mười vị Đại đệ tử của đức Phật. Ngài được đức Thế Tôn khen ngợi là vị có thần thông đệ nhất và hiếu tâm lớn nhất trong hàng đệ tử xuất gia của Phật.

Thiền sư Khương Tăng Hội – Người khai sáng Thiền tông Việt Nam

Nhân vật Phật giáo 09:03 20/03/2024

Người khai sáng Thiền tông Việt Nam là Thiền sư Khương Tăng Hội – sơ Tổ của dòng phái Thiền Việt Nam, người đã có công góp phần xây dựng cơ sở nền móng hoạt động để Trung tâm Phật giáo thứ II ở vùng Đông Bắc Bộ phát triển từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ XI.

Xem thêm