Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 23/08/2022, 07:28 AM

Hiếu đạo theo pháp xuất thế gian

Nhìn lại quãng đời đã qua, chúng ta thấy mình mang nặng ơn nghĩa của biết bao người. Thậm chí đến cả những vật hữu tình hay vô tình, chúng đều âm thầm hy sinh thầm lặng cho ta.

Nhưng trước hết, ơn sâu nặng mà muôn đời cho đến ngàn sau chúng ta cũng không đền đáp được, đó là ơn cha mẹ. Ân đức sâu dày này thật khó dùng ngôn ngữ để báo hiếu khi nghe qua lời dạy của Đức Phật: “Có hai hạng người, này các Tỳ kheo, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỳ kheo, nếu một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm, cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dầu tại đấy, mẹ cha có vãi tiểu tiện đại tiện, như vậy, này các Tỳ kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ cho mẹ và cha [1].

Hiếu đạo là đạo đức tiên quyết

Thuở xưa, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lúc mới thành đạo Vô thượng Chánh giác trong khi ngồi dưới cội Bồ đề, Ngài bắt đầu kiết “Bồ tát giới”, tuyên thuyết rằng: “Hiếu thuận với cha mẹ, sư tăng, Tam Bảo. Hiếu thuận là pháp chí đạo” [2]. Một số người chưa hiểu rõ Phật giáo, cho rằng xuất gia là bất hiếu mà không biết rằng pháp xuất thế gian đề cao đạo hiếu là pháp chí đạo. Hiếu theo thế gian thì chú trọng hình thức lề lối nhất định, còn đạo hiếu Phật giáo tùy giản lược bề ngoài nhưng chuyên chú dốc sức nơi cái gốc. Ví dụ, theo Nho gia thì hầu hạ, phụng dưỡng cho cha mẹ yên thân là hiếu. Lập thân, hành đạo, lưu danh hậu thế, khiến cho cha mẹ hãnh diện gọi là đại hiếu.

Chữ hiếu trong Phật giáo còn thêm một tầng ý nghĩa nữa. Đức Phật đã đưa ra tiêu chuẩn đối với một người con được gọi là hiếu đạo phải hội đủ cả hai mặt sự và lý. Sự là hình thức báo đáp bên ngoài như luôn yêu thương, kính lễ, không làm cho cha mẹ phiền lòng, chăm nom phụng dưỡng khi cha mẹ về già từ vật chất đến tinh thần. Lý là chăm lo về đời sống tâm linh cho cha mẹ. Người con cần hướng cha mẹ đến quy y Tam bảo, tu theo chánh đạo, tin sâu nhân quả, thoát khỏi mê tín, tăng tiến trên con đường giải thoát, đạt được an lạc hạnh phúc ngay hiện đời và mai sau. 

Người thế gian kề cận cha mẹ báo hiếu bằng cách thân cận gần gũi chăm sóc, còn người xuất gia dù không còn ở nhà, kề cận ngày đêm với cha mẹ nhưng không quên ơn cha mẹ và phải luôn có ý thức đền ơn theo cách của người tu. Là người xuất gia, chúng ta đền ơn cha mẹ bằng cách làm cho công lao của cha mẹ không dừng lại nơi chính mình. Nghĩa là đem công lao tạo thành hình hài của cha mẹ biến thành sự tu tập, sự thương yêu, làm lợi ích cho tất cả chúng sanh. Như vậy, công lao cha mẹ tạo ra mình không còn dừng lại tại tấm thân nhỏ bé này mà lan tỏa đến nhiều nơi, nhiều mảnh đời và toàn thể chúng sanh.“Được như thế thì không phải chỉ cha mẹ một đời, mà song thân nhiều đời nhiều kiếp đều được độ thoát; không phải chỉ cha mẹ một người, mà song thân tất cả mọi người cùng được siêu thăng” [3].

19

Công ơn cha mẹ không dễ đáp đền

Trong Kinh Phụ mẫu ân trọng nan báo nói: “Ví như có người vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, thịt nát thấu xương, xương nát thấu tủy, đi vòng quanh khắp núi Tu-di, trải trăm ngàn kiếp, máu tuôn ngập gót chân, vẫn không thể đền đáp được thâm ân của cha mẹ” [4]. Qua lời kinh đủ thấy công ơn cha mẹ không thể dùng hết ngôn từ để báo đáp được. Vì cớ sao? “Vì rằng, mẹ cha đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này”[5]. Kể ra thì vô số đủ điều cha mẹ làm cho con cái từ khi còn phôi thai cho đến trưởng thành đi vào đời, thậm chí đến lúc yên bề gia thất cha mẹ vẫn không khỏi dõi theo bóng con. 

Trong hệ thống kinh điển, Đức Phật thường hay lấy cái bao la rộng lớn của biển cả để so sánh cho điều vĩ đại, mượn sự hữu hình để nói cái vô hình. Dòng sữa mẹ cũng thế, chúng ta đã thọ hưởng còn nhiều hơn nước trong bốn biển mà không một lần nghĩ lại, chúng ta được nuôi dưỡng từ nguồn sữa nào?  “Bạch Thế Tôn, theo như lời Thế Tôn thuyết pháp, chúng con hiểu rằng cái này là nhiều hơn, tức là sữa mẹ mà chúng con đã uống trong khi chúng con lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài chớ không phải nước trong bốn biển” [6]. Không chỉ đời này là cha mẹ ta, mà có thể nhiều đời đã là song thân ta. Ta được uống dòng sữa mẹ không chỉ đời này mà có thể nói trăm đời, nghìn đời đều cùng chung một dòng sữa, cùng chung nghĩa nặng ơn sâu của cha mẹ. 

Thuở xưa, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lúc mới thành đạo Vô thượng Chánh giác trong khi ngồi dưới cội Bồ đề, Ngài bắt đầu kiết “Bồ tát giới”, tuyên thuyết rằng: “Hiếu thuận với cha mẹ, sư tăng, Tam Bảo. Hiếu thuận là pháp chí đạo”.

Thuở xưa, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lúc mới thành đạo Vô thượng Chánh giác trong khi ngồi dưới cội Bồ đề, Ngài bắt đầu kiết “Bồ tát giới”, tuyên thuyết rằng: “Hiếu thuận với cha mẹ, sư tăng, Tam Bảo. Hiếu thuận là pháp chí đạo”.

Khuyến hóa cha mẹ hướng thiện

Báo hiếu cha mẹ là bổn phận, là điều dĩ nhiên của con người. Nên chuyện báo hiếu không hứa hẹn lứa tuổi, cũng không phải đợi trưởng thành, có điều kiện mới báo đáp được công ơn cha mẹ. Tùy vào giai đoạn mà có nhiều cách báo đền ân đức khác nhau. Khi đang còn trong vòng tay bảo bọc, dạy dỗ của cha mẹ thì nên vâng lời, học hành chăm ngoan không để phiền lòng, thiết thực hơn là phụ giúp việc nhà đỡ phần khó nhọc cho cha mẹ. Rồi cho đến khi tự lập và có thể tiếp nối dòng giống thì hiếu đạo được thể hiện bằng cách tích cực làm việc, chăm chỉ cố gắng và nghiêm túc với việc lập gia đình để cha mẹ không buồn phiền.

Điều cha mẹ cần nhất khi già yếu đau ốm là sự chăm sóc, yêu thương của con cái. Đạo hiếu chính là không nề hà hoàn cảnh, không ngại khó nhọc mà vẫn kề cận cha mẹ. Khi còn tại thế thì phụng dưỡng, chăm sóc, ân cần. Đến khi mất thì thờ phụng cung kính, tưởng nhớ không quên ơn nghĩa sinh thành. Năm bổn phận báo hiếu trên được Đức Phật đề cập trong Kinh Thi Ca La Việt thuộc Trường bộ Linh như sau:“Cung kính vâng lời cha mẹ; Phụng dưỡng cha mẹ khi già yếu; Giữ gìn thanh danh và truyền thống gia đình; Bảo quản tài sản do cha mẹ để lại; Lo tang lễ chu đáo khi cha mẹ qua đời” [7]. Như lời Phật dạy, đây là năm bổn phận mà bất kỳ người con nào cũng phải thực hiện, mới mong báo đền công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ.

Đối với người xuất gia, sự báo đáp cha mẹ sâu sắc và vĩ đại hơn nữa, vì sự báo đáp đó chính là hướng cha mẹ vào con đường thiện lành, gieo tạo nhân lành không chỉ hiện tại mà còn đến mai sau.“Này các Tỳ kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào lòng tin. Đối với cha mẹ theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới. Đối với cha mẹ xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú vào bố thí. Đối với cha mẹ theo ác tuệ, khuyến khích hướng dẫn, an trú vào trí tuệ. Như vậy là làm đủ và trả ơn đủ cho mẹ và cha” [8].  Làm được như lời Phật dạy mới đúng là trả công ơn cha mẹ một cách cùng tột. Và cũng chính hạng người này được Đức Phật khen ngợi: “Nếu người nào biết ơn và đền ơn cho dù ở cách xa Ta ngàn dặm, nhưng ta vẫn xem người đó như đứng hầu gần bên Ta. Còn nếu như người nào không biết ơn và đền ơn, cho dù người đó có đứng hầu gần bên Ta nhưng Ta vẫn xem họ cách xa ngàn dặm”. 

Thật không dễ dàng để chúng ta khuyến hóa một người theo con đường thiện khi nghiệp quá khứ đã tích lũy nhiều kiếp. Vậy thì, việc hiện tại chúng ta nên nỗ lực tự thân tu tập sám hối song song tâm tình chuyện nhân quả nghiệp báo để cha mẹ tin sâu. Một khi cha mẹ đã tin tưởng vào nhân quả tuyệt đối, chúng ta dễ dàng xoay chuyển và khuyến tấn cha mẹ tin sâu vào Tam bảo. Thêm một cách báo hiếu thiết thực là phát khởi tâm từ bi phóng sanh cứu vật, rồi hồi hướng đến cho cha mẹ. Trong Phạm Võng Giới Kinh, nhất nhất đều dạy nên sanh tâm từ bi, tâm hiếu thuận. Lại nói: “Nếu là đệ tử Phật hãy nên dùng tâm từ bi thực hiện chuyện phóng sanh vì hết thảy người nam đều là cha ta, hết thảy nữ nhân đều là mẹ ta. Đời đời không lúc nào ta chẳng được họ sanh ra. Do vậy, lục đạo chúng sanh đều là cha mẹ ta. Giết chúng sanh ăn thịt chính là giết cha mẹ ta” [9]. Có thể nói, đây là những phương cách báo hiếu mang đậm dấu ấn giác ngộ chân lý của đạo Phật và cũng là những biểu hiện sự sâu sắc rốt ráo về việc lo lắng đời sống tâm linh của cha mẹ, có nghĩa là báo hiếu cha mẹ trong muôn kiếp về sau chứ không giới hạn trong đời sống hiện tại.

Phước báo hiếu dưỡng

Đức Phật đã dạy: “Cha mẹ tại tiền như Phật tại thế”, “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Đức Phật tịch diệt cho đến hôm nay đã gần 2.600 năm rồi, mà phước báu của Ngài vẫn còn nhân lên mãi. Ai thực hành theo lời dạy của Ngài, vẫn được giải thoát, an lạc và hưởng nhiều phước báu vô cùng, vô tận. Nên phụng dưỡng cha mẹ khi còn sống, xem như phụng dưỡng hai vị Phật sống tại nhà, thì phước đức nào bằng. 

Người nào theo thường pháp,

Nuôi dưỡng mẹ và cha

Chính do công hạnh này,

Ðối với cha, với mẹ,

Nhờ vậy, bậc Hiền Thánh

Trong đời này tán thán

Sau khi chết, được sanh

Hưởng an lạc, chư Thiên [10].

21

Tình thương của cha mẹ vẫn hằng hữu và công ơn cha mẹ vẫn mãi hiện hữu trong mỗi chúng ta. Ta đến cuộc đời này với hai bàn tay trắng, khi ra đi cũng chỉ trắng hai tay, vậy tại sao không lo sống hiếu nghĩa và tu tạo phước đức để cha mẹ hài lòng, an vui mà còn tích được nhân lành cho mai sau như trong Kinh Hiền Ngu, Đức Phật dạy: “Lòng hiếu thảo cũng chính là nhân lành, là hạnh của bậc thánh. Ta tự nhớ trong nhiều kiếp quá khứ, từ tâm hiếu thuận cúng dường cha mẹ, do công đức như vậy nên lên các tầng trời thì làm vị thiên đế, xuống trần gian thì làm vị Thánh vương”.

Không phải vì phước báu hiếu dưỡng cha mẹ ngang bằng với phước cung kính Đức Phật mà chúng ta mới báo hiếu. Báo hiếu phải từ tận trong tâm khảm của chính ta, vì công ơn cao vời như núi, rộng như biển của cha mẹ. Vì ít hơn là các chúng sanh có hiếu kính với cha. Và nhiều hơn là các chúng sanh không hiếu kính với cha [11]. Nhận thức rằng, đời này hoặc vô số đời sống tiếp, ta khó thể báo đáp trọn vẹn công đức sinh thành của cha mẹ. Nên tự thân luôn răn nhắc mình sống hiếu đạo và làm tấm gương cho thế hệ sau, hầu báo đáp ơn đức vô hạn ấy.

22

Mỗi bước chân con đi qua trong cuộc đời là máu xương cha nhỏ xuống. Mỗi giây phút con buồn vui sướng khổ là trái tim cha mẹ mẹ bật khóc bật cười. Tâm của cha. Lòng của mẹ. Mười phương chư Phật, tất cả hiền thánh, vạn loại sinh linh thảy đều cảm trọng tri ân. Nơi đây, ngôn từ cạn cợt, ý tứ vời vợt làm sao con bày tỏ hết thâm ân cha mẹ cao tột. “Mẹ ơi, ngôn ngữ trần gian là túi rách, sao đựng đầy hai tiếng mẹ ơi”.  Nhân mùa Vu Lan thiêng liêng, chúng con nhớ về ân nghĩa đã thọ nhận trong cuộc đời. Kính gửi đến những bậc làm cha làm mẹ một niềm kính thương sâu sắc và lòng biết ơn vô hạn. Nguyện cầu chư Phật gia hộ cho tất cả cha mẹ đạo tâm kiên cố, vững chãi trên bước đường học Phật hôm nay và mai sau, mãi là nguồn sữa mát bất tận nuôi lớn chúng con từng ngày. 

 Chú thích và tài liệu tham khảo:

[1] Hòa thượng Thích Minh Châu, Kinh Tăng chi bộ, Phẩm Tâm thăng bằng, tr.60.

[2] Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Kinh Phạm võng Bồ tát giới, tr.17.

[3] Đại sư Thật Hiền soạn, Khuyến phát bồ đề tâm văn, tr.76.

[4] HT. Huyền Tôn dịch, kinh Đại báo phụ mẫu trọng ân, tr.29.

[5] Hòa thượng Thích Minh Châu, Kinh Tăng chi bộ, Phẩm Tâm thăng bằng, tr.60.

[6] Hòa thượng Thích Minh Châu, Kinh Tương ưng bộ, Tương ưng vô thỉ, kinh sữa, tr.423.

[7] Hòa thượng Thích Minh Châu, Kinh Trường bộ, Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, tr.542.

[8] Hòa thượng Thích Minh Châu, Tăng Chi Bộ, chương 2, phẩm Tăng thăng bằng, tr.119.

[9] Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Kinh Phạm võng Bồ tát giới, tr.34.

[10] Hòa thượng Thích Minh Châu, Kinh Tương ưng bộ, Tương ưng Bà la môn, tr.213.

[11] Hòa thượng Thích Minh Châu, Kinh Tương ưng bộ, kinh Hiếu kính mẹ cha, tr.1326.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Nhất tâm niệm Phật

Góc nhìn Phật tử 10:07 21/11/2024

Trong giáo lý của đạo Phật, pháp môn niệm Phật được xem là con đường dễ hành trì, nhưng lại mang đến lợi ích lớn lao cho những ai chí tâm tu tập.

Nhớ về một người Thầy

Góc nhìn Phật tử 09:12 21/11/2024

Trong cuộc sống, ắt hẳn rằng mỗi người ai trong chúng ta cũng mong muốn có một cuộc sống thật tốt đẹp và hạnh phúc nhưng đối với tôi một cuộc sống hạnh phúc đã không còn tồn tại vào năm tôi lên ba tuổi khi thần chết đã cướp đi người mẹ mà tôi yêu quý và người cha mà tôi luôn kính trọng.

Những người Thầy khả kính

Góc nhìn Phật tử 21:55 20/11/2024

Sự thật thì làm cha mẹ, ai cũng muốn con của mình được sống hạnh phúc, thành công. Họ chấp nhận hy sinh mọi thứ để đánh đổi cuộc đời cho những đứa con thơ, bởi lẽ không có cha mẹ nào mà chẳng thương núm ruột của mình dứt ra.

Đồng tiền có thể tạo ra sự tham lam và sự bất mãn vô tận

Góc nhìn Phật tử 18:30 20/11/2024

Trong xã hội hiện đại, đồng tiền đã trở thành một yếu tố quan trọng quyết định đến cuộc sống của chúng ta. Không thể phủ nhận rằng tiền bạc mang lại sự tiện ích và tiến bộ, nhưng khi ta bị chi phối quá mức bởi nó, tiền bạc có thể trở thành cơn ác mộng và làm chúng ta trở thành nô lệ.

Xem thêm