Lời phát nguyện cho người tu Tịnh Độ cầu vãng sanh là vô cùng quan trọng
Trong mỗi thời khóa Tịnh Độ, sau khi trì niệm, hành giả liền lễ Phật cầu chứng minh, rồi quỳ xuống đọc lời văn sám nguyện hồi hướng. Phần này rất quan trọng, vì là lúc dùng tâm niệm mình đem công đức đã tu quy hướng về nơi mình mong muốn.
Như chiếc thuyền trôi đi, tuy do kẻ chèo hay động cơ thúc đẩy, nhưng nó đến tiêu điểm nào là bởi người lèo lái. Phần phát nguyện của người tu Tịnh Độ, tức là giai đoạn dùng tâm niệm lái con thuyền niệm Phật hướng về Tây Phương. Nhưng có nhiều liên hữu không chú ý tới điểm này, lại tuyên đọc những bài văn có tính cách khuyến tu hơn là sám nguyện.
Nay xin giới thiệu ra đây ít bài văn Tịnh Độ của tiên đức khi xưa. Về văn phát nguyện, có vị thích lời văn dài để nương theo đó mà sanh tâm khẩn thiết, có vị lại ưa lời văn ngắn gọn mà đầy đủ ý nghĩa cầu sanh. Vì thế, bút giả xin chọn lựa hai bài theo tiêu chuẩn trên diễn dịch ra, để mong đáp ứng phần nào sở thích của hàng liên hữu.
Bài văn phát nguyện của Liên Trì đại sư:
Cúi lạy phương Tây cõi An Lạc
Tiếp dẫn chúng sanh Đại Đạo Sư,
Nay con phát nguyện, nguyện vãng sanh
Nhờ lượng từ bi thương nhiếp thọ!
Nay con khắp vì, bốn ân ba cõi, pháp giới chúng sanh, cầu đạo Bồ Đề, Nhất Thừa của Phật; chuyên tâm trì niệm, hồng danh muôn đức, Phật A Di Đà, nguyện sanh Tịnh Độ. Lại bởi chúng con, nghiệp nặng phước khinh, chướng sâu huệ cạn, nhiễm tâm dễ động, tịnh đức khó thành, nay đối Từ Tôn, kính gieo năm vóc, bày tỏ một lòng, chí thành sám hối. Con và chúng sanh, khoáng kiếp đến nay, mê bản tịnh tâm, buông tham sân si, nhiễm dơ ba nghiệp, vô lượng vô biên, tội cấu đã gây, vô lượng vô biên, nghiệp oan đã kết, nguyện đều tiêu diệt. Nguyện từ hôm nay, lập thệ nguyện sâu, xa lìa pháp ác, thề không còn tạo, siêng tu đạo thánh, thề chẳng biếng lui, thề thành chánh giác, thề độ chúng sanh.
Xin đức Từ Tôn, dùng nguyện từ bi, chứng biết lòng con, thương xót đến con, gia bị cho con. Nguyện khi thiền quán, hoặc lúc mộng mơ, được thấy thân vàng, A Di Đà Phật, được chơi cõi tịnh, của đấng Đạo Sư, được nhờ Từ Tôn, cam lộ rưới đầu, quang minh chiếu thể, tay xoa đảnh con, áo đắp thân con, khiến cho chúng con, chướng cũ tự trừ, căn lành thêm lớn, mau tiêu phiền não, chóng phá vô minh, viên giác tâm,mầu, sáng bừng mở rộng, tịch quang cảnh thật, thường được hiện tiền.
Đến lúc lâm chung, biết ngày giờ trước, thân không tất cả, bịnh khổ ách nạn, tâm dứt tất cả, tham luyến mê hoặc, các căn vui đẹp, chánh niệm phân minh, xả báo an lành, như vào thiền định. Phật A Di Đà, Quán Âm Thế Chí, cùng chư Hiền Thánh, ánh lành tiếp dẫn, tay báu dắt dìu, lầu các tràng phan, nhạc trời hương lạ, Tây Phương cảnh Phật, bày hiện rõ ràng. Khiến cho chúng sanh, kẻ thấy người nghe, mừng vui khen cảm, phát Bồ Đề tâm.
Bấy giờ thân con, ngồi đài Kim Cang, bay theo sau Phật, khoảng khảy ngón tay, sanh vào sen báu, nơi ao Thất Bảo, ở cõi Tây Phương. Rồi khi hoa nở, thấy Phật Bồ Tát, nghe tiếng pháp mầu, chứng Vô Sanh Nhẫn, giây phút lại đi, thừa sự chư Phật, nhờ ân thọ ký. Được thọ ký xong, ba thân bốn trí, năm nhãn sáu thông, vô lượng trăm ngàn, môn Đà Ra Ni, tất cả công đức, thảy đều thành tựu. Từ đó về sau, không rời An Dưỡng, trở lại Ta Bà, phân thân vô số, khắp cả mười phương, dùng sức thần thông, tự tại khó nghĩ, và các phương tiện, độ thoát chúng sanh, đều khiến lìa nhiễm, chứng được tịnh tâm, đồng sanh Tây Phương, lên ngôi Bất Thối.
Nguyện lớn như vậy, thế giới không tận, chúng sanh không tận, nghiệp và phiền não, thảy đều không tận, đại nguyện của con, cũng không cùng tận.
Nay con lễ Phật, phát nguyện tu trì, xin đem công đức, hồi thí hữu tình, bốn ân khắp báo, ba cõi đều nhờ, pháp giới chúng sanh, đồng thành chủng trí.
Bài văn phát nguyện của Từ Vân sám chủ:
Một lòng quy mạng, thế giới Cực Lạc, Phật A Di Đà. Xin đem ánh tịnh, soi chiếu thân con, dùng nguyện từ bi, mà nhiếp thọ con. Nay con chánh niệm, xưng hiệu Như Lai, vì đạo Bồ Đề, cầu sanh Tịnh Độ. Xưa Phật lập thệ: 'Nếu chúng sanh nào, muốn về nước ta, hết lòng tin ưa, xưng danh hiệu ta, cho đến mười niệm, như không được sanh, ta không thành Phật.'
Nay con nguyện nương, nhân duyên niệm Phật, được vào biển thệ, của đức Như Lai, nhờ sức Thế Tôn, tiêu trừ các tội, thêm lớn căn lành. Con nguyện lâm chung, biết ngày giờ trước, thân không bịnh khổ, tâm không tham luyến, ý không điên đảo, như vào thiền định. Phật cùng Thánh chúng, tay bưng đài vàng, đến tiếp dẫn con. Trong khoảng sát na, con về Cực Lạc, hoa nở thấy Phật, được nghe Phật Thừa, tỏ thông Phật huệ, độ khắp chúng sanh, mãn Bồ Đề nguyện.
Xin đem công đức trì tụng này
Hồi hướng bốn ân và ba cõi
Nguyện khắp pháp giới các chúng sanh
Đều sanh Cực Lạc thành Phật đạo.
Trích “Niệm Phật Thập Yếu”.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?
Kiến thức 09:11 11/12/2024Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.
Vì sao ngày 17/11 âm lịch hằng năm là ngày vía Phật A Di Đà?
Kiến thức 08:00 11/12/2024Những hành giả tông Tịnh Độ hiện nay gần như ai cũng biết và tham gia lễ kỷ niệm vía Phật A Di Đà đản sanh vào ngày 17 tháng 11 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, trong các kinh văn có đề cập đến lịch sử Phật A Di Đà thì tuyệt nhiên không thấy nói chính xác ngày Đản sanh của Ngài.
Trước khi tụng Kinh, trì chú, nên đọc nghi thức như thế nào?
Kiến thức 09:15 04/12/2024Thực ra mỗi tông môn, thậm chí mỗi chùa sẽ có cách thức khác nhau, nên Nghi thức sau chỉ mang tính tham khảo. Đạo hữu nào thấy phù hợp có thể áp dụng, xong bạn cần hiểu đây không phải quy định bắt buộc, thậm chí không có nghi thức khai Kinh chú thì vẫn cứ trì tụng không vấn đề gì.
Xem thêm